VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI: VÌ SAO CHỊ DẬU IM LẶNG?

TÚ HỢI: VÌ SAO CHỊ DẬU IM LẶNG?

 

vi-sao-chi-dau-im-lang


 

Từ ngày có chủ trương ném củi vào lò, ối dào, toàn dân nô nức, thiên hạ hoan nghênh, tiếng vỗ tay rợp trời. Phải thế chứ. Trong cái sự ngột ngạt, ảm đạm, héo hắt của thời tiết lạnh lẽo thì việc đốt lò rất cần sự ủng hộ của làng trên xã dưới. Nói tắt một lời, ngọn lửa ấy không chỉ ấm áp mà còn tỏa ra niềm tin mãnh liệt sẽ đẩy lùi sự ô uế, bẩn thỉu đã ứ đọng, tồn tại bấy lâu nay. Không chỉ dân ngu khu đen, trên răng dưới cà tút đồng tình mà ngay cả  Nghị Quế cũng hớn hở, sung sướng ra mặt.

Quái lạ chửa?

Vốn xưa nay ăn trên ngồi trốc, tạo bè vây cánh, ức hiếp dân đen, ăn của đút tận mồm không thèm chùi mép, một lời ném ra giữa thiên thanh bạch nhật ắt thiên hạ khiếp vía, mặt xanh như đít nhái, đố dám cãi, những tưởng phen này Nghị Quế cũng trở thành “củi tươi”, ai nấy cũng mong Trung ương ném quách vào lò, vậy mà lão lại hoan nghênh đồng tình, vỗ tay hò reo. Ai nấy ngạc nhiên lắm. Đã thế, lão còn đăng đàn diễn thuyết ra rả kêu gọi cả làng hãy cùng đốt lò cùng tham gia với toàn dân cả nước.

Ban đầu đâu đó có tiếng xì xào, nhếch mép, không tin nhưng rồi qua các lời phát biểu của lão tâm huyết quá, nhiệt thành quá, dần dà ai nấy đều nghĩ rằng, lão nói đúng, nói trúng. Kìa, bọn đầu bọn đầu bò đầu bướu Chí Phèo, Năm Thọ, Binh Chức… trước còn cười khẩy, nhổ toẹt nước bọt xuống đất một cách khinh bỉ nhưng rồi do nghe lão nói mãi những lời vì dân vì nước nên cũng gật gù tin cậy lắm. Ban đầu, thầy giáo Thứ, lão Hạc, Tư Cách Mõ… còn xì xào: “Lão ta xoen xoét mà không ngượng mồm, đã ăn như mỏ khoét mà còn nói thánh nói tướng, thối không ngửi được” nhưng rồi do nghe lão nói mãi những lời vì dân vì nước nên cũng gật gù tin cậy lắm.

Vâng, nghị Quế làng ta xứng đáng được bình chọn là nhân vật đi đầu trong việc hưởng ứng chủ trương lớn của Trung ương. Phải chống tham nhũng đến tận gốc rễ. Chống quyết liệt. Chống cái ác cái xấu, cái sự phá hoại đã ảnh hưởng đến sự phát triển của non sông đất nước. Đáng khen thay.

Ấy thế, quái lạ thật, từ ngày ấy, chị Dậu lại im hơi lặng tiếng. Nói một cách văn chương là im thin thít như thịt nấu đông. Câm như hến. Im như thóc. Chẳng hề bày tỏ thái độ gì. Chẳng hề hé răng hở môi thốt ra câu gì nữa. Có phải sau cái đận anh Dậu - chồng chị vì thiếu tiền đóng sưu thuế nên bị bọn Lý trưởng, Trương tuần gông gông cổ ném vào nhà pha, nện đòn roi đến nát mông, do đó chị đâm ra thay đổi tính nết rồi chăng?
Vốn bà con chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau nên Nghị Quế không thể không quan tâm đến thái độ kỳ lạ này.

Vì lẽ đó, chiều qua, gió thu thoáng mát, hương lúa dịu dàng, thoang thoảng hương vị ấm no nên lão nghị chống ba-ton ghé qua nhà chị Dậu dò hỏi sự tình. Lão từ tốn từng chữ, từng lời: “Thế nào hử? Giữa lúc thiên hạ hưởng ứng rầm trời về chủ trương đốt lò của Trung ương, sao cô lại không có ý kiến ý cò gì?”. Chị Dậu im lặng. Lão lại hỏi: “Cô chống đối à? Coi chừng có ngày cơm đùm cơm nắm vào nhà pha ở chung với anh Dậu đấy nhá”. Chị Dậu vẫn im lặng. Không chịu thua trước sự im lặng này, lão nghị vẫn tiếp tục hỏi tới tấp, hỏi ra rả như cuốc kêu mùa hè nhưng rồi, hỡi ôi, chị Dậu vẫn im lặng.

Chuyện này, lúc ấy có người thứ ba chứng kiến không? Tất nhiên là không có ai, vậy mà sau đó từ làng trên đến xuống dưới đều hay biết nội tình. Thế mới cáu. Lão nghị cáu lắm bèn tìm cho ra nhẽ. Vì lẽ đó, chiều qua, gió thu thoáng mát, hương lúa dịu dàng, thoang thoảng hương vị ấm no, lão sai bọn Trương tuần, Phó lý, Lý trưởng xộc vào nhà chị Dậu. Chúng đọc lệnh khám xét nhà, tìm chứng cứ phạm tội để có cớ tống vào nhà pha cho bõ ghét. Chúng chẳng tìm thấy gì đáng giá ngoài cái ổ chó mà ở đó còn đỏ hỏn mấy con chó con gầy guộc đang khát sữa kêu ò è nghe thảm lắm.

Bỗng có tiếng hét vang: “Đây rồi! Đây rồi!”.

Tang vật chết người ấy là rượu lậu, là truyền đơn của hội kín, là thuốc phiện chăng? Ném cái bịch tang chứng đó xuống đất, ai nấy trố mắt đều thấy rõ mồn cái gì?

Đó là quyển Tùy tưởng lục của nhà văn Ba Kim - thuộc hàng danh nhân văn hóa Trung Quốc, NXB Văn Nghệ TP.HCM in năm 1992. Tập sách mở ra đúng ngay trang 254: “Lúc đầu tôi nghe người khác nói dối, tôi còn thấy không hài lòng, không chịu tỏ thái độ. Thế nhưng hết cuộc họp này đến các cuộc họp khác, họp mãi, họp mãi, cuối cùng tôi cảm thấy cần phải vứt bỏ cái gánh nặng “suy nghĩ độc lập” đi mới có thể “nhẹ bớt hành trang” mà tiến lên. Tôi cũng vô hình chung bị cải tạo mất rồi”.

Phải chăng đó chính là lý do khiến chị Dậu im lặng?

TÚ HỢI

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười số ra ngày 15.4.2018)


Cùng một chủ đề:

BÀI HỌC VỀ HƯU

NGHỆ THUẬT THOÁT HIỂM

VỤ ĐIỀU TRA CHẤN ĐỘNG CỦA Sherlock Holmes

Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ

Dân tình tệ bạc quá đi mất

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

ĐỘNG CƠ LÀ ĐỘNG CƠ GÌ?

LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ

Dân đen sướng lắm chứ

"BÍ KÍP" QUAN TRỌNG NHẤT

Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"

Cuội đời mới

Nỗi lòng cụ Ngáo

"KHÔNG SAO" -  NGHĨA LÝ RA LÀM SAO?

LAI RAI NGẪM NGHĨ CHUYỆN ĐỜI

Tội trạng của con kiến

Sự linh nghiệm của một quẻ bói

KHÓ LẮM, KHÓ LẮM CƠ

KINH NGHIỆM NÓI DÓC

Sự đời, đơn giản vậy thôi

THẾ MIỆNG NHÀ MÀY CÓ GÌ?

Vì sao Don Juan ngủm củ tỏi?

SỰ TÍCH RA ĐỜI CỦA CÂU: "MIỆNG QUAN TRÔN TRẺ"

Có tiền xúng xính sướng như tiên?

Vì sao cụ cố cỡi hạc quy tiên?

SỰ CỐ NÀY MỚI LÀ SỰ VINH HOA

XIN LỖI, ÔNG LÀ AI?

Cuộc bình chọn bất ngờ vào phút chót

TUYỆT ĐỈNH KUNGFU

Nguồn gốc ra đời câu: "Cháy nhà lòi ra mặt chuột"

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com