VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI: “Nghệ thuật” nói

TÚ HỢI: “Nghệ thuật” nói

nghe-thuat-noi-TTC-1-R

Cùng một chủ đề:

 

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

 

Tôi có người bạn làm báo tròm trèm ba mươi trời, lúc anh “rửa tay gác kiếm”, tôi hỏi:

- Trong cuộc đời làm báo, anh gặp gỡ, giao tiếp, phỏng vấn nhiều người, vậy đâu là mẫu người khiến anh “ấn tượng” nhất?

Tưởng sẽ phân vân suy nghĩ, không, anh trả lời ngay:

- Quan chức nhà nước.

- Họ có biệt tài gì khiến anh phải nhớ như in vào trong óc? Anh cười mà rằng: “Nghệ thuật nói của họ đã đạt đến đỉnh của đỉnh.

Và anh có mấy cái “gạch đầu dòng” như sau:

- Ở bất kỳ hội nghị nào, khi đọc diễn văn, phát biểu chỉ đạo thì nội dung cũng giống y chang. “Độc” nhất ở chỗ những “lời vàng ý ngọc” này có thể sử dụng cho nhiều năm sau, chỉ cần thay đổi thời gian, địa điểm, thành phần dự họp là “hợp thời trang”, không bao giờ lỗi mốt.

- Trung thành theo “môtip”: “một là, hai là, ba là… tóm lại là”; rồi đôi lúc, nếu còn khoái nói dài, nói dai hơn nữa cho khoái khẩu, cứ việc lật ngược lại “một là, hai là, ba là”… Cái “dàn bài” ấy cực kỳ, bài bản, khoa học khiến không ai có thể cắt ngang và người nghe phải chăm chú theo dõi, dù rằng, chẳng hề có thông tin gì sất. Cung cách nói kiểu này, dân trong nghề gọi là “nghệ thuật đánh trống, thổi kèn”.

- Sử dụng các tính từ càng chung chung, hoành tráng, rổn rảng càng nhiều càng tốt. Thí dụ: Ngày kia, có quan chức cỡ bự về địa phương nọ chỉ đạo công tác xây dựng nếp sống văn hóa mới, ông ta phát biểu rất hăng, nào là, hiện nay tình hình cả nước “cán bộ quan liêu, ngày càng xa dân”, “nội bộ mất đoàn kết”, “kỷ luật không nghiêm minh, kẻ xấu lộng hành”, nào là “cường hào ác bá nổi lên như rươi”, tuy nhiên “vẫn có nhiều cán bộ tốt” v.v… và v.v… Nhưng “gút lại” là không hề tuyên dương hoặc phê phát bất kỳ một vụ việc cụ thể nào. Cung cách nói kiểu này, “dân trong nghề” gọi là “nghệ thuật bắn chỉ thiên”.

- Trong mùa chuẩn bị đại hội, bầu bán nhân sự, “bí kíp” cần sử dụng triệt để là phải thuộc lòng như cháo chảy những cụm từ đắc giá hơn cả kim cương. Nếu “trúng đạn”, thì phải nói một cách cương quyết “tự phê bình nghiêm khắc”;““tự nghiêm khắc phê bình” - nhằm xoa dịu tình hình. Mà các quan chức là đảng viên thì theo quy định, không hề có hình thức kỷ luật Đảng nào là “nghiêm khắc phê bình”. Cung cách nói kiểu này, “dân trong nghề” gọi là “nghệ thuật nín thở qua sông”.

- Đỉnh cao của nghệ thuật nói còn là: Trước mặt cấp trên: khúm núm, luồn cúi, khen ngợi nức nở, ca ngợi chín tầng mây xanh, sẵn sàng “theo voi ăn bã mía”, “theo đóm ăn tàn”, những mong được sếp cho cơ hội thăng tiến nhưng sau lưng lại chê bai, nói xấu hết lời. Trước mặt dân: hứa hẹn đủ điều, một tấc đến trời, nguyện làm thân trâu ngựa lo lắng cho dân, mị dân rất bảnh nhưng quay lưng một phát là quên tuốt luốt, “mất hút con mẹ hàng lươn”. Cung cách nói kiểu này, “dân trong nghề” gọi là "nghệ thuật đạo đức bốn mặt”.

Sau khi nói một hơi dài những “ngón nghề” trên, anh bạn nhà báo của tôi bèn hỏi:

-Thế, cậu muốn nghe thô không?

Với câu hỏi trớt quớt ấy, chẳng lẽ từ chối? Vì phép lịch sự, tôi đành “đạo đức bốn mặt” mà rằng: “Vâng, ạ”. Thế là anh đọc bài thơ như sau:

Ngày xuân hết đó lại đây

Đến đâu cũng diễn cảnh ngày hôm qua

Thoắt thôi trở gót về nhà

Ông ngồi dệt gấm thêu hoa hàng hàng

Vung tay ông thảo mười trang

Một thiên báo cáo (mấy vàng cho cân)

Những là xin ý kiến trên

Những là chỉ thị: dưới nên thế này

Rằng hay thì thực là hay

Nhưng nghe toàn chuyện của ngày hôm qua

Bài thơ này, anh bạn tôi chép được từ thời bao cấp ra Hà Nội công tác. Xem ra, vẫn chưa lỗi mốt, vẫn còn “hợp thời trang” lắm lắm…


T.H
(nguồn: Tuổi Trẻ Cười 1.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com