1.
Phải thế chứ, lão Ngáo vỗ vào đùi cái bẹt. Lại há mồm ra cười. Một tràng cười sảng khoái đến lạ thường. “Rượu đâu?”. Tiếng nói của lão sang sảng nghe to như tiếng trống chầu. Càng nốc, lão càng tỉnh. Nói năng đâu ra đó, chứ không hề líu lưỡi lè nhè, lè bè như trước. Thằng Quýt bấy nhiêu năm cắp tráp theo hầu cũng ngạc nhiên tợn. Hổm rày, mấy cái đầu quốc sự giải ra từ lao Thừa Phủ trường chém An Hòa, lão vẫn sử dụng lối chém treo ngành rất ngọt. Các quan Tây khen rầm trời. Ối dào, khen cụ khác chi khen phò mã tốt áo. Lão ứ thèm.
Vậy cơn cớ làm sao chiều nay lão lại vui quá hớp? Thằng Quýt liếc trước ngó sau, thấy quán vắng khách bèn mạnh miệng hỏi: “Bẩm cụ, có gì vui xin cụ bật mí cho con rõ”. Khác với mọi lần, lão Ngáo tỏ ra dễ dãi chỉ nhoẻn miệng cười: “Cầm tờ báo này, đọc đi”. À, tờ báo có in hình cờ búa liềm, Quýt thừa biết thuộc loại “quốc cấm”, nhưng vẫn đọc. Giữa trang báo có in hình lão Ngáo to tổ chảng, phía dưới là bài thơ như sau: “Nghe nói ngày xưa lão chặt đầu/ Đầu xanh, đầu bạc tội gì đâu/ Sao không chặt hết đầu bao đứa/ Mũ mão rồng bay, áo phượng chầu?/ Nay lão vác tròng đi thịt chó/ Chó vàng, chó mực tội gì đâu?/ Sao không chặt hết bao con đó/ Liếm gót giày Tây, béo mượt đầu?”. Phía dưới bài thơ có ghi tên tác giả và ghi rõ năm 1938.
“Ơ hay, chỉ có thế, sao lại vui?”, thằng Quýt ngắc ngứ tự hỏi thầm. Bỗng nghe tiếng nói của lão rổn rảng vang lên, ngân nga như tiếng chiêng, tiếng cồng: “Đấy! Mực đen giấy trắng rành rành. Từ nay, lão Ngáo này đã đi vào văn học sử rồi nhá!”. Chuỗi cười “hé hé hé” cứ tuôn trào ra khỏi miệng lão. Thấy gương mặt ngớ ngẫn, ngố ngáo, lờ đờ như đom đóm đực của đệ tử chân truyền, lão hạ giọng thương hại: “Mày ngu lắm. Từ nay, tên gọi “Ngáo chó” đã là “thương hiệu vàng” của tao, đố ai dám tranh. Mày hiểu chửa?”. Dù hiểu nhưng thằng Quýt vẫn e dè: “Thế cụ đã đăng ký với trung tâm bảo hộ nhãn hiệu độc quyền chưa?”. Lão bèn cười: “Trứng chớ đòi khôn hơn vịt. Sao lại không?”.
2.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh như bóng ngựa vụt qua cửa sổ, chẳng mấy chốc, tóc lão Ngáo đã trắng như tuyết, lưng đã còng, ấy thế tội nghiệp thay, lão còn phải đi gõ cửa cơ quan công quyền. Lúc “rầu rĩ râu ria ra rậm rạp”, khi “buồn bã bủng beo bèo nhèo bết bát” nhưng lão vẫn không bỏ cuộc nửa chừng. Lão quyết đòi công lý cho bằng được.
Vốn trung thành, dù lão đã sa cơ thất thế nhưng thằng Quýt vẫn cung cúc cơm bưng nước rót. Chiều nay, nó mạo muội: “Bẩm cụ, thi sĩ Xuân Diệu có câu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Bậc thi sĩ mới thế. Còn thầy trò vốn sống bằng nghề đao phủ, mọi chuyện buồn phải có lý do chứ ạ?”. Nghe câu hỏi ấy, cảm động lắm, không nói không rằng, ném về phía nó một sấp báo, rồi lão thều thào: “Đọc đi”. Suýt nữa, nếu không bụm miệng kịp, thằng Quýt đã kêu toáng: “Ối trời ơi! Ối làng nước ơi! Loạn! Loạn thật rồi”.
Chuyện gì kinh khiếp đến thế?
Xin thưa, thương hiệu “Ngáo chó” đã bị vi phạm bản quyền trắng trợn, tàn nhẫn đến thế là cùng. Cứ theo nhựt trình, này nhá, kẻ viết nhăng cuội, phát ngôn linh tinh chẳng đầu cua tai nheo, chữ nghĩa lộn tùng phèo, nghiệt thay, họ cũng lôi cụ vào: “Ngáo chữ”. Kia nhá, kẻ hút xách nghiện ngập thân tàng ma dại, dở điên dở khùng, mê mê tỉnh tỉnh, dở người dở ngợm, họ cũng lôi cụ vào: “Ngáo đá”. Nọ nhá, có kẻ quyết một lòng tận tụy, tận tâm phục vụ nhân dân cho đến rụng chiếc răng cuối cùng, dù húp cháo lá đa, đã đến tuổi về hưu nhưng kiên cường không rời bỏ vị trí chiến đấu, họ cũng lôi lão vào: “Ngáo ghế” v.v…
Càng đọc thằng Quýt càng nóng mũi. Đỏ mặt tía tai. Không kiềm được nỗi tức giận dâng trào lên tận họng, nó quát lên: “Láo! Chúng mày láo!”. Vừa dứt câu, nó ôm mặt khóc hu hu. Hèn chi, quán nhậu gia truyền “Ngáo chó” ngày càng vắng như chùa Bà Đanh.
Ngẫm nghĩ một lát, bỗng như có luồng điện sáng lòe chiếu thẳng vào óc, thằng Quýt hùng hồn: “Bẩm cụ, phen này, nghe lời con, cụ ắt thắng lợi vẽ vang”. Lão mừng rỡ hỏi dồn: “Phải làm sao hử Quýt?”. Nó quả quyết: “Phải viết đơn kiện cụ ạ”. Lão Ngáo ngớ người: “Kiện ai, chẳng lẽ kiện cả xứ này à?”. Nó cười: “Đúng thế. Nhưng ta kiện hội ngôn ngữ học An Nam với lý do họ không chịu kiện những kẻ ăn theo cái tên “Ngáo chó” một cách bừa bãi khiến cho tên tuổi, danh dự của cụ bị vạ lây, ô uế đến thảm hại”.
T.H
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 15.11.2016)
Cùng một chủ đề:
Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ
Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách
"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời
Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ
Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố
Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ
Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ
Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"
Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ
Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"
< Lùi | Tiếp theo > |
---|