VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI: LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

TÚ HỢI: LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

 

loiday-cua-cu-ba-kien

 


Ngày lành tháng tốt. Làng Vũ Đại có cuộc họp công bố kết quả nhân sự vừa trúng cử hội đồng. Cụ Bá Kiến thay mặt các tân đại biểu mà rằng:

- Thế mới biết, đã là người có tài, thời buổi nào cũng được trọng dụng. Có công bằng, xã hội mới văn minh. Có thức thời mới nắm được quy luật biện chứng! Mọi việc đã xẩy ra sờ sờ như chó ngáp phải ruồi, như chó nhảy bàn độc, như ngày rằm quả nhiên trăng tròn vành vạnh, như Bá Kiễng - con trai của Bá Kiến thì phải đứng ra gánh vác trọng trách của làng. Con quan ắt phải làm quan. Chả phải hồng phúc của cái làng Vũ Đại này là gì?

Sau khi đã nói một câu tâm huyết, rút ruột phơi gan, Bá Kiến cả cười sảng khoái. Giọng cười ấy, tiếng cười ấy hơn người ở chỗ là cái miệng dù không hở môi nhưng vẫn nghe rền lắm. Vang lắm. Oai vệ lắm. Đứng trước hàng trăm, hàng ngàn dân đen lam lũ, khố rách áo ôm, dù không cần mi-cờ-rô nhưng ai nấy cũng đều nghe rõ mồn một.

Bỗng chị Dậu rụt rè đứng dậy:

- Thưa cụ, cụ vừa dạy, con quan lại làm quan, ấy là hồng phúc của làng ta. Xin cụ phân tích thêm cho rõ nghĩa ạ?

Bá Kiến cười giòn:

- Ối dào, đời ta, trong nhà ta còn thiếu cái gì nữa? Đủ cả. Đầy đủ rồi. Nay con của ta lên thay ta, ắt chúng không cần, không thèm bòn vét thêm gì nữa. Nếu kẻ khác, không thuộc dòng tộc nhà ta thì sao? Các người lại phải “làm lại từ đầu”. Tốn kém nhỉ? Mệt óc nhỉ? Hé hé hé. Nay, Bá Kiễng thay Bá Kiến thì bốn phương vô sự. Cuộc sống thế nào, nay vẫn giữ nguyên như thế. Nhờ thế, phong hoá vẫn tốt đẹp như xưa. Ấy chẳng phải hồng phúc của làng ta là gì?

Tiếng vỗ tay rền vang như sấm dậy.

Sau khi tan cuộc họp, dù hả hê hài lòng với lời dạy của Bá Kiến, thế nhưng dân làng Vũ Đại vẫn thắc mắc, tò mò, đau đáu suy nghĩ đến bạc tóc. Chả nhẽ, dòng họ Bá Kiến do ở hiền gặp lành? Mả cụ tổ táng hàm rồng? Ơn trên phù hộ? Hay nhờ vào điều gì khác mà hết đời này qua đời nọ cứ tiếp tục “cha truyền con nối”, ăn trên ngồi trốc? Có những kẻ ngang cành bứa, ương ngạnh như Tám Bính, Năm Sài Gòn, Trạch Văn Đoành… cũng tìm hỏi thầy bói, tướng số; có những người như hiền lành, đức độ thầy giáo Thứ, lang Rận… lại lật kinh thư đọc mải miết, mải mê đến độ quên ăn bỏ ngủ.

Và cuối cùng, mừng quá, may quá, họ đã tìm ra “bí kíp”.

Trời ơi, mừng ơi là mừng. Mừng hơn lúc cả làng rầm rộ làm lễ rước sắc phong công nhận “Vũ Đại là làng văn hoá mới đậm đà bản sắc dân tộc”! Mừng hơn bội phần vì nhờ vào “bí kíp” này, từ đây, ai ai cũng đều có cơ hội đổi đời, đều có thể bước chân vào cái chốn xênh xang áo mão, lên ngựa xuống xe, tiền hô hậu ủng, tả phù hữu bật, một lời nói ra là đùng đoàng sấm sét…

Bí kíp” ấy là gì? Không một ai tiết lộ cho ai. Họ giữ kín như bưng. Sống để dạ, chết mang theo. Bí mật. Rất bí mật.

Chỉ biết rằng, từ đó cả làng Vũ Đại cực kỳ tôn thờ thánh thần. Hễ nơi nào có lễ hội, cúng kiếng, lên đồng, giỗ quẩy, hội hè… là họ nườm nượp kéo đến. Họ hạ quyết tâm: ăn mày lộc thánh, dúi tiền vào tay Bụt, vay tiền bà Chúa Kho, Chúa Xứ, cướp ấn đền Trần, đánh nhau sứt đầu bể trán cướp phết, giành chém đầu lợn tế Thành hoàng, tranh nhau thọc huyết heo cúng thần, chen chúc leo lên đền Hùng đội sớ, dâng bánh chưng nặng vài tấn, thậm chí độn thêm xốp, sắt cho nặng v.v… và v.v… Mà có lòng thành sắc son đến thế ắt dứt khoát thánh thần khuất mày khuất mặt, thổ địa, thổ thần, hà bá… mới phù hộ.

Phù hộ thật đấy chứ?

Thì cứ xem, con trai của Nghị Hách từng gian lận thi cử lúc thi tốt nghiệp vào lớp mẫu giáo, con gái Nghị Quế từng vào mỹ viện “tân trang” nhan sắc sau vụ cướp chồng thiên hạ bị đòn ghen, cháu nội quan huyện nọ bị bắt quả tó vì tội ăn cắp vặt ở sân bay quốc tế nhưng rồi đường hoạn lộ thăng quan tiến chức của chúng vẫn hanh thông đâu vào đó. Trong khi đó, con trai chị Dậu, cháu gái anh Pha, em ruột Kép Tư Bền… học hành là thế, bằng cấp là thế nhưng rồi có nên cơm cháo gì không?

Thế mới biết thánh thần linh thiêng thật.

Mà đâu chỉ mỗi cái làng Vũ Đại, cả xứ An Nam này cùng đổ xô đặt niềm tin mãnh liệt vào nhang đèn với hương khói; cầu nguyện với bói toán. Và xuân thu nhị kỳ, quanh năm suốt tháng đâu đâu cũng thấy thiên hạ đốt giấy vàng mã ngút tận trời xanh với khát vọng rất thức thời, đáng biểu dương là phải tìm mọi cách đổi đời.

Rồi lũ dân đen đáng thương ấy, có đạt được ý nguyện hay không? Nhằm tìm câu trả lời quan trọng mang tính thời đại có tầm mỹ thuật lẫn triết học, ký giả của bổn báo Tân An Nam từ thủ đô Hà Nội đã cất công tìm về làng Vũ Đại để hỏi ý kiến của cụ tiên chỉ Bá Kiến. Cụ trả lời thế nào? Thưa, quý vị độc giả kính mến, cụ đã trả lời chắc nịch như sau:

- Đồ ngu. Mười năm phấn đấu không bằng… cơ cấu một lần.

T.H
(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười số 546 ngày 1.5.2016)

 

Cùng một chủ đề:

Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ

Dân đen sướng lắm chứ

Đời, thế mà vui

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com