VĂN XUÔI Truyện ngắn TÚ HỢI : Khó lắm, khó lắm cơ

TÚ HỢI : Khó lắm, khó lắm cơ

 

kho-lam---kho-lam-co-1R

 

Vào những đêm trăng sáng, sau khi cơm nước xong, bà con trong làng thường tụ tập tại nhà thầy giáo Thứ. Lúc bù khú, thưởng thức vị chè xanh đặc quánh, ngọt cả cổ, mát cả người, họ còn được nghe thầy giảng kinh sử cổ kim. Đêm nay, sau khi mọi người tề tựu đông đủ, thầy mới bảo rằng:

- Ông bà ta có lời dạy: “Giỡn chó chó liếm mặt”. Chỉ mới giỡn thôi, đã éo le đến thế. Nếu cưng chiều quá mức, lại có lúc lại mệt lắm đây. Bằng chứng rằng sử sách còn ghi rành rành thời vua Lê - chúa Trịnh, có cô ả tên Thị Huệ rất được chúa Trịnh Sâm sủng ái. Ngày kia, sau khi đánh dẹp phương Nam, chúa có lấy được trong có một viên ngọc dạ quang, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc, chúa nói:

- Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát!

Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng:

- Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm trả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy?

Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy, ả mới chịu làm lành với chúa.

Nghe đến đó, ai nấy đều “ồ” lên một tiếng rõ to, ra vẻ kinh ngạc ghê gớm. Thầy có lời bình:

- Chống lưng cho ả rồi lại bị ả quay ngược lại xỏ dây vào lỗ mũi. Éo le thay!

Ai nầy đều gật gù đồng tình cho rằng chí phải. Thầy giáo Thứ lại  chậm rãi kể tiếp:

- Thị Huệ ngày càng tự tung tự tác, thao túng triều chính, mục hạ vô nhân… Thậm chí, về sau ả còn mưu giành lấy ngôi Thế tử cho con trai nữa.

Bỗng đâu, Năm Sài Gòn vọt ra câu nói trớt quớt:

- Ừ hé, sao tui nhớ đến vụ “quan lộ” thần tốc của mấy “hot girl”  thời buổi này quá nè! Hé, hé, hé!

Ai nấy cười lên cái rần. Thầy giáo Thứ vẫn nghiêm nét mặt. Giây lát sau, thầy hỏi:

- Dám hỏi các vị rằng, vậy làm thế nào để trừng trị những kẻ như Thị Huệ?

Bốn bề in phăng phắt. Ánh trăng vẫn sáng vằng vặc trên đầu ngọn tre. Câu hỏi này, trả lời như thế nào? Khó quá đi mất. Bấy lâu nay, dân tình trong làng chỉ: “Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen”, chứ nào đâu có rành mấy chuyện đấu đá nghị trường, chính trị chính em, kết bè kéo cánh nọ kia! Họ bí rị là phải lắm rồi. Biết không ai trả lời nổi, bấy giờ thầy giáo Thứ mới tằng hắng mà rằng:

- Sử chép rằng, sau khi đánh tan giặc Nguyên - Mông tả tơi manh giáp, phải cút xéo về phương Bắc, năm 1293, vua Trần Nhân Tông lên làm Thượng hoàng, ngài nhường ngôi cho con trai cả. Thái tử Thuyên lên nối ngôi vua, hiệu Anh Tông. Do dựa hơi thượng hoàng nên vua Anh Tông xao nhãng việc triều chính, buông lơi kỷ cương. Bá quan phàn nàn góp ý, nhà vua cũng chẳng sửa mình. Có thượng hoàng chống lưng thì sá gì ba cái lẻ tẻ! Đúng không nào?

Ai nầy đều gật gù đồng tình cho rằng chí phải. Thầy giáo Thứ lại  chậm rãi kể tiếp:

- Các vị nhầm to. Thượng hoàng Trần Nhân Tông vốn cứng cựa, đâu để cho con dựa hơi đặng làm điều xằng bậy. Bằng chứng là lần nọ, từ Thiên Trường, thượng hoàng về Thăng Long nhưng vua Anh Tông vẫn còn ngủ say mê mệt do ngày đêm đắm chìm tửu sắc. Ngài giận lắm, cho gọi nhà vua dậy. Sợ quá, vua Anh Tông liền sai thư sinh Đoàn Nhữ Hài viết giúp biểu tạ tội. Đọc biểu, thượng hoàng nguôi giận, ngài gọi nhà vua vào quở mắng:

- Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế thì huống chi sau này?

Chí lý thay. Bấy giờ, ánh trăng đã chênh chếch đầu ngọn tre vẫn sáng rừng rực, thầy giáo Thứ lại nói:

- Nếu chúa Trịnh Sâm cũng cương quyết, quyết đoán như thượng hoàng Nhân Tông thì dẫu có mười, một trăm Thị Huệ sắc nước hương trời cũng chẳng thao túng được gì sất! Đúng không nào?

Ai nấy vỗ tay hoan nghênh rần rần! Chỉ riêng Chí Phèo cứ ngồi nghệch mặt ra như ngỗng đực, ngạc nhiên quá, thầy giáo Thứ bèn hỏi:

- Thế nào anh Phèo?

Đang thả hồn nhớ lại lúc: “Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống”, nghe thầy hỏi, hắn ta giật mình cái thót rồi nói trơn như cháo chảy: “Chà, cái vụ Thị Nở, à quên, Thị Huệ ấy à, khó lắm, khó lắm cơ”.

T.H

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười phát hành ngày 15.3.2017)

 

Cùng một chủ đề:

Tội gì phải nai lưng làm "đày tớ

Dân tình tệ bạc quá đi mất

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

ĐỘNG CƠ LÀ ĐỘNG CƠ GÌ?

LỜI DẠY CỦA CỤ BÁ KIẾN

Diễn văn trứ danh của ngài Nghị Hách

Ông trời của làng Vũ Đại

"NGHỆ THUẬT" NÓI

"Nghệ thuật" chuẩn bị" vào đời

Thêm một tiết lộ động trời về XUÂN TÓC ĐỎ

Chí Phèo tân truyện

Luật... mọc sừng

"Độc chiêu" của Xuân Tóc Đỏ

Phường chèo làng ta

Bí mật của Xuân Tóc Đỏ lần đầu tiên công bố

Bí kíp làm báo của Xuân Tóc Đỏ

Sự kinh ngạc của Thị Mịch khi lên Kẻ Chợ

Cụ Bá Kiến và Năm Sài Gòn "bàn giao công nghệ"

Chúa Chổm và ông già Noel

Thúc Sinh - Đệ nhất cao thủ võ lâm.... sợ vợ

Dân đen sướng lắm chứ

"BÍ KÍP" QUAN TRỌNG NHẤT

Bí kíp thành công trong mọi cuộc thi "chạy"

Cuội đời mới

Nỗi lòng cụ Ngáo

"KHÔNG SAO" -  NGHĨA LÝ RA LÀM SAO?

Tội trạng của con kiến

Sự linh nghiệm của một quẻ bói

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com