LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.2.2016


tap-chi-nghien-cuu-han-nom-1R

 

Vàng tuy trời chẳng trao tay

Bình an hai chữ xem tày mấy muôn

…Từ xa xưa, Nguyễn Trãi đã viết trong Gia huấn ca hai câu thơ trên để thấy rằng bình an là điều đáng quý như thế nào. Vì vậy người Việt gặp nhau trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn thường chúc nhau “Bình an”, “An khang”… Thậm chí ngày thường, câu cửa miệng cũng là chúc nhau “An toàn”, “An lành”, “An nhiên tự tại”… (Thư Ban Biên tập - Báo Tuổi Trẻ số Tất niên 4.2.2016, tr.1). “Gia huấn ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) là một tác phẩm có nội dung khuyên dạy những người thân trong gia đình, học trò, về cách ăn ở cư xử ở đời…” (Chuyện ẩm thực trong thi văn ngày trước - Kiến Thức Ngày Nay số Xuân 2016, tr.62). Như một sự mặc định lâu nay, hễ nói đến Gia huấn ca, mọi người lại gán cho Nguyễn Trãi. Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu đã có những ý kiến “nói khác” và chứng minh rằng, Nguyễn Trãi không phải là tác giả Gia huấn ca.

Có lẽ, người trước nhất lên tiếng nghi ngờ là học giả Hoàng Xuân Hãn, trong Thi văn Việt Nam (1951), ông đặt vấn đề: “Tuy nhiên, các chữ cổ, thường thấy trong những bài chắc chắn soạn đời Lê, ở đây thấy rất ít. Vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười. Không biết những trò chơi ấy đã có đời Nguyễn Trãi hay chưa? Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời tục truyền rằng tập gia huấn này là của Nguyễn Trãi. Nếu thật là của ông soạn ra, thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau, và nhất là đời Nguyễn, đã làm cho phần văn cổ đã bị chữa đi nhiều rồi".

Vậy ai là tác giả Gia huấn ca?

Câu hỏi lý thú này, trên tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm - 1984 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu cho biết: “Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm”. Có thể tóm tắt, ông Lâu đã tìm được văn bản chép tay, ký hiệu AB.532. “Điều đáng chú ý là bản nay còn giữ lại được lời ghi chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách”. Từ những thông tin này, “cho chúng ta biết: 1. Tên của tác phẩm này (tức là bài thứ nhất trong Gia huấn ca)Phụ châm; 2. Phụ châm được tác giả sáng tác dựa trên những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ”. Ai viết Phụ châm? Nguyên tự không nêu tên tác giả. May quá, trong lời Bạt cho biết Phụ châm là sáng tác của Yên Thái Tôn sư. Vị thầy tôn kính ở Yên Thái là ai? Về địa danh Yên Thái, Hà Nội có phường Yên Thái, nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hóa, Sơn Tây cũ, Nam Định cũng có địa danh Yên Thái; hoặc An Thái. An hoặc Yên cùng là 2 âm đọc của một chữ.

Chưa thể có câu trả lời dứt khoát.

Ông Lâu lại tiếp tục tìm kiếm các tài liệu khác. Ông tìm được hai văn bản có tên Xuyết thập tạp ký. Một bản ký hiệu A.1792. Một bản ký hiệu AB.132. Theo nhà thư mục học số Một của Việt Nam, cụ Trần Văn Giáp, tác giả Lược truyện các tác gia Việt Nam, Thư mục Hán Nôm khẳng định là tác giả Xuyết thập tạp ký là Lý Văn Phức (1785-1849). Văn bản ký hiệu A.1792 bị loại “vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong Xuyết thập tạp ký”. Văn bản ký hiệu AB.132 ngay trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: “Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi”; phần Phụ châm được chép cuối sách có tên Phụ châm tiện lãm, ghi rõ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn”. Hồ Khẩu là địa danh. Ông Lý ở Hồ Khẩu là ai? Chính là Lý Văn Phức, người  làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). “Điều này hoàn toàn phù hợp với lời của bài Bạt trong Cảnh phụ châm, ký hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư”.

Được biết, Hồ Khẩu và Yên Thái là hai làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái. Theo ông Lâu, Lý Văn Phức (1785-1849) đã viết Nhị thập tứ hiếu, Phụ châm và một số tác phẩm chữ Hán là lúc đang dạy học ỏ đây.

Sự việc đã rõ ràng. Vấn đề đặt ra vì sao Phụ châm của Lý Văn Phức lại "nhảy" vào Gia huấn ca và ghi tên tác giả là Nguyễn Trãi. 1. Sách cũ có nói Nguyễn Trãi viết Gia huấn ca, đời sau, có người tưởng rằng Phụ châm kia chính là Gia huấn ca nên đã sưu tầm, sắp xếp và lấy tên chung là Gia huấn ca? 2. Cũng có thể là một "ngụy thư" - nhằm gán cho Nguyễn Trãi? Nhắc lại rằng, Nam phong tạp chí số 48 (1921) từng "phát hiện" và in nhiều kỳ Lĩnh Nam dật sử, đề là tác phẩm của danh tướng Trần Nhật Duật. Sau đó, bổn báo phải có bài cãi chính trên số báo 53. "Râu ông nọ cằm bà kia" là chuyện thường tình trong văn học sử. Chẳng hạn, bài thơ Bán than: "Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn/ Hỏi chi bán đó, dạ rằng than/ Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt/ Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn/Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem sắt đá có bền gan/ Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác/ Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn" được gán cho danh tướng Trần Khánh Dư. Dù rằng, với các chứng cứ trên, đâu phải ai ai cũng “tâm phục khẩu phục” nhưng từ sự nghi ngờ của học giả Hoàng Xuân Hãn chắc chắn Gia huấn ca không thể ra đời từ thời Nguyễn Trãi. Xin nêu một ví dụ về từ ngữ đặng chứng minh cho ý kiến của Hoàng Xuân Hãn. Ông Nguyễn Dư, tác giả Khơi lại dòng xưa (NXB Lao Động) trong bài viết Đi tìm tác giả Gia huấn ca, có đoạn:

“Đua chi chén rượu câu thơ

Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao

Chữ "Lào" được dân ta dùng từ thời nào? (…) Sách Dư địa chí (1438) của Nguyễn Trãi chép: "Biển cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa. Ở vùng ấy đất thì đen, mầu mỡ, hợp với trồng thuốc hút và thứ tiêu hạt to; ruộng thì vào hạng trung trung. Điện Bàn có trĩ vàng. Sa Bôi có chè lưỡi chim sẻ. Hải Lăng có thỏ lông trắng. Thuốc hút (chỉ dược) là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút" (Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 234). Đầu thế kỉ 15, nước ta có trồng cây thuốc hút (chỉ dược). Nguyễn Trãi không nói tới thuốc lào.

Cây thuốc hút của Nguyễn Trãi có phải là cây thuốc lá hay thuốc lào ngày nay không?

Lê Quý Đôn cho biết: “Sách Thuyết Linh chép: Thuốc lá (yên diệp) sản xuất từ đất Mân. Người ở biên giới bị bệnh hàn, nếu không có thứ này thì không trị được. Vùng quan ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá. (...) Cây thuốc lá sản xuất ở Lữ Tống (Phi Luật Tân) vốn tên là Đạm ba cô (tobacco). (...) Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh Tí tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông (...) người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: "Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá". Năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hoả hoạn. Lâu dần lệnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường" (Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn Hoá Thông Tin, 1995, tập 3, tr. 158-159).

Theo Lê Quý Đôn thì cây thuốc lá được người Ai Lao đem vào nước ta năm 1660, nghĩa là hơn 200 năm sau khi Nguyễn Trãi chết”.

Đọc tài liệu cũ, biết thêm đôi chút điều gì đó, cũng là cái thú vậy. Những ngày này, chỉ một hai ngày nữa là Tết rồi, trong lòng chộn rộn, thư thái với cảm giác nghỉ ngơi, không bận rộn gì. Hôm qua đã mua về nhà hai chậu hoa vạn thọ. Mẹ y thích ngắm nhìn sắc màu vàng chanh; hoặc vàng nghệ của loại hoa có cái tên dân dã, bình dị ấy.

Sáng nay, thức dậy sớm. lại đọc lai rai một cái gì đó.  Đọc và dừng lại ở từ “mỗ”. Sở dĩ quan tâm, vì đồng nghiệp N.K.L đang ký bút danh này. Lâu nay, ai cũng biết “mỗ”: 1. tôi, ta, tiếng tự xung: “như mỗ đây”; 2. tiếng dùng để chỉ người, nơi, vật không rõ tên cụ thể: mỗ xứ, mỗ danh. Đại từ điển tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam giải thích rành ràng. Đố mà cãi.

Thế nhưng khi đọc thơ văn cổ, khi gặp từ “mỗ” lại không thể hiểu theo nghĩa đó. Khi khảo sát thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã giải thích “mỗ” (từ cổ) theo nhiều nghĩa, xin lược ghi: 1. thường đứng trước danh từ phiếm chỉ, nọ, nào đó, chỉ người hay sự vật nào đó chưa biết một cách rõ ràng xác định. “Thủy chung mỗ vật đều nhờ chúa/ Động tĩnh nào ai chẳng phải sày”; 2. trỏ đối tượng đã nhắc đến, hoặc đối tượng mà ai cũng biết đến. “Ở thế những hiềm qua mỗ thế/ Có thân thì sá cốc chưng thân”, mỗ thế: cuộc đời này; 3. ngôi tự xung, ta, có thể là chủ ngữ, cũng có thể làm tính từ với nghĩa “của ta”. “Phú quý chẳng tham thanh tựa nước/ Lòng nào vạy, mỗ hây hây”; 4. trỏ số lượng nhỏ, chút, mảy may. “Từ ngày gặp hội phong vân/ Bổ báo chưa hề đặng mỗ phân”; 5. một. “Trúc thông hiên vắng trong khi ấy/ Nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm”.

Trước đây, trên tạp chí Hán Nôm (số 1.1988), nhà nghiên cứu Nguyễn Tá Nhí cũng đã có bài biết Tìm hiểu nghĩa của từ “mỗ”. Điều thú vị của bài viết này, tác giả đã khảo sát Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập, Hồng Đức - Quốc âm thi tập, Thiên Nam ngữ lục để chọn ra các câu có từ “mỗ”.  Những ai muốn biết tần số từ “mỗ” xuất hiện cụ thể ra làm sao, hãy tìm đọc số tạp chí trên.

Tắt bàn phím thôi. Tết rồi. Xuống phố thôi. Chẳng lẽ cứ ngồi nhà rị mọ với chữ nghĩa mãi sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.2.2016

 

ho-trinh-o-Thang-Long-3R

 

Đâu rồi không khí nhộn nhịp, tất nập, ồn ào vào nhũng ngày giáp Tết?

Xuống phố, đi ngang qua chợ chỉ thấy vắng hơn mọi ngày. Chưa có cảnh mua bán tấp nhập, ồn ào. Chưa hề có một chút gì chộn rộn của ngày sắp Tết. Khác hẳn mọi năm. Vì sao thế? Kinh tế “bèo” quá chăng, nếu thế, sự vắng vẻ của thiên hạ trong các cuộc mua sắm cũng là điều dễ hiểu. Những ngày này thật thong dong. Đã cho phép không phải tuân theo thời khóa biểu ngiêm ngặt của mỗi ngày. Được tự do. Không còn phải bó buộc vào khuôn khổ. Được thoát ra ngoài. Thoát khỏi bàn phím. Đi xuống phố. Mua sắm nhì nhằng. Ngắm cảnh đường phố. Nhìn lá vàng bay. Và mỗi tối, đọc sách.

Quyển sách đang đọc là Địa chí Phan Rí Cửa (NXB Hội Nhà văn), Ban Chấp hành Đảng bộ Thị trấn Phan Rí Cửa chỉ đạo biên soạn, dày 570 trang in, khổ 16x21cm. Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng hôm trước. Anh có góp phần thực hiện, bởi lẽ từ năm 1971, anh từng dạy học ở  Phan Rí. Người ban đầu giúp anh nhận nhiệm sở nơi đó là ông Trương Gia Kỳ Sanh. Anh dạy lớp 12 môn Triết tại Trường TH Hòa Đa. Chính tại đây anh đã viết được những tác phẩm “để  đời” như Trái tim bằng gỗ thông, Mùa hè khắc nghiệt, Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp… Vì thế, anh bảo: “Xin nhận mơi này làm quê hương”.

Hôm nào sẽ đố anh Biền chơi. Đố rằng, ông Trương Gia Kỳ Sanh là con của ai? Xin thưa, con của cụ Nghè Trương Gia Mô (1866-1929) - một chí sĩ yêu nước. Ông nội của Trương Gia Mô, quê Gia Định là Trương Thừa Huy, giữ chức quan Chiêm sự thời vua Gia Long, tức người chuyên cung cấp mọi việc cho thái tử; bác là Trương Phác - Án phủ sứ Hà Tiên; thân phụ là Trương Gia Hội, cũng giữ chức quan lớn dưới triều Tự Đức. Cụ Nghè Trương Gia Mô từng có thời gian sống ở Phan Rí, hoạt động chính trị ở Bình Thuận. Cuối năm 1929 do bế tắc trong việc cứu nước, cụ lên lên đỉnh núi Sam (An Giang) gieo mình tự tử. Cụ Huỳnh Thúc Kháng có câu đối viếng:

Trống đánh ngược, kèn thổi xuôi, nước mất nhà tan, trăm kế cũng thua cơ tạo hóa;
Núi toan dời, thời không gặp, trời cao, đất rộng, ngàn năm để hận khách anh hùng.

Ông Trần Bạch Đằng cũng thuộc dòng dõi cụ Nghè Mô. Đọc quyển Địa chí Phan Rí Cửa, thú thật, lần đầu tiên biết rằng: Phan Rí bắt nguồn từ tiếng Chăm, nằm trong vùng đất Tam Phan: Phan Rang (Parang), Phan Rí (Pảrik) Phan Thiết (Lithit). Tại sao gọi Phan Rí Cửa?  Nhà văn Đoàn Thạch Biền giải thích: “Phan Rí Cửa, chữ Cửa dịch thoát từ tiếng Pháp “port” là hải cảng. Tôi đã ở Cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn nên biết cư dân lập nghiệp ở cảng từ tứ xứ đến, theo những chuyến tàu thuyền cập bến. Họ sống không có óc hẹp hòi địa phương mà thường phóng khoáng. Hằng ngày đối diện với biển cả và sóng gió, họ hiểu “sinh tử thị ba” (sống chết như một đợt sóng). Do đó, họ sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn” (tr.453).

Về yếu tố cảng tại một vùng đất, có ảnh hưởng đến tâm tính con người nơi ấy là lẽ tất nhiên. Trong quyển Phong trào Duy Tân, ông Nguyễn Văn Xuân còn lý giải thêm rằng, tinh thần đổi mới, mạnh dạn đổi mới, hiếu học, hay cãi của người Quảng Nam là hình thành từ thời chúa Nguyễn mở cửa tiếp đón các thương thuyền nơi xa đến làm ăn, buôn bán, kinh doanh tại cảng biển Hội An, Đà Nẵng. Nói cách khác, vùng đất đó có điều kiện giao lưu với nhiều nguồn văn hóa, họ được “mở mắt” nhìn ra thế giới, chứ không phải “ếch ngồi đáy giếng”. Phan Rí Cửa cũng là vùng đất như thế.

Đã từng đi đây đi đó, từng đến Phan Rí nhưng bây giờ mới biết, tính đến năm 1954, trước khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, có đến 3 tên gọi được sử dụng chính thức trong văn bản hành chánh: “Phanri Cham (vùng Phan Rí có người Chăm), Phanri - Citadelle (Thành Phan Rí) và Phanri - Port (Cửa Phan Rí)” (tr.57). Đọc kỹ chương viết về nghề nghiệp, thích lắm, đơn giản vì có viết đến nghề làm nước mắm. Xin trao đổi rằng, làm nước mắm, chế biến mắm là do người Việt học từ người Chăm. Ý kiến này, nếu có cuộc tranh luận thì vui quá, phải không?

Ghi lại một vài từ ngữ “Nước mắm để lâu năm gọi là nước mắm lú” (tr. 64). Không rõ, ở Quảng Nam, nổi tiếng với nước nắm Nam Ô, gọi là gì? Tất nhiên “nước mắm đầu”, hàm lượng đạm cao, ở đâu cũng gọi là “nước mắm nhỉ”. Nước mắm không pha chế, nguyên chất, "nước mắm cốt" người miền Nam còn gọi “nước mắm đậm”; và bây giờ, thế hệ của y gọi đùa là “nước mắm zin”. Zin hiểu theo nghĩa “hàng còn zin”! “Nước mắm chanh dành ăn bánh hỏi/ Anh thương nàng theo dõi mấy năm”; “Nước mắm ngon dầm con cá đối/ Em biểu anh chờ để tối em qua”. Đọc lại Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, những vở kịch đầu thế kỷ XX, thấy rằng, để phê phán ai đó “mất gốc” người ta thường cho nhân vật đó… chê nước mắm. Cứ như thể, không thích nước mắm là đánh mất cái căn bản “quốc hồn quốc túy”. Nói như thế để thấy, trong ẩm thực của người Việt thiếu cái cũng có thể châm chước nhưng dứt khoát không thể thiếu nước mắm.

Nước mắm ngon dòm sâu đáy hủ
Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình
Mù u nhuộm thấm bông huỳnh
Bao nhiêu gái đẹp không nhìn
Dạ anh chỉ để thương mình em thôi!

Về bánh tráng, cái bánh tráng thì cả dãy đất miền Trung đều mê tít thò lò, nhưng chỉ Phan Rí mới có “bánh tráng mắm ruốc”. “Mắm ruốc là ruốc được phơi héo, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì sẽ thối rữa, đem giã và hòa với nước muối (độ mặn vừa phải) trở thành khối mắm đặc, sau đó ủ kín, có thể dùng trong 6 tháng” (tr.64). Trong sách có đoạn viết về Công ty nước mắm Liên Thành, năm 1910, mở nhà lều làm nước mắm tại làng Hải Tân (nay đường Phạm Ngũ Lão). Công ty này đã quá lừng danh khét tiếng rồi, không nhắc thêm nữa. Có điều chưa mấy ai giải thích vì sao các chí sĩ của phong trào Duy tân như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Thông, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trương Quang Nghiêm… đặt tên Liên Thành? Chừng mươi năm trước, y biên soạn bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, khi viết về nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi, bố của nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, có được gia đình cho mượn một vài tài liệu. Rằng, Liên Thành có nghĩa là thành Sen, là tên của Hà Tĩnh xưa. Các cụ đặt tên công ty nước mắm theo nghĩa đó. Tra cứu Bách khoa toàn thư mở Wikipedia lại thấy giải thích: “Tên Liên Thành được lựa chọn với ngụ ý bảo tồn truyền thống, có ý nghĩa là thành hoa sen, nguyên là tên cũ của tỉnh Bình Thuận, xuất phát từ một hồ sen nằm ở quận Hòa Ða”.

Viết đến đây, nhận được tin ông vua vọng cổ Viễn Châu (1921-1.2.2016) vừa qua đời, thật ngẫu nhiên lại lật đúng trang 87: “Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo/ Trăng hôm nay dìu dịu cả không gian/ Tôi và em gánh nước tận đầu làng/ Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng”. Bài vọng cổ Gánh nước đêm trăng của NSND Viễn Châu, được trích nhằm minh họa cho giếng làng ở Phan Rí. Chi tiết này hay: “Nổi tiếng nhất là cụ Phó Chà (Phan Thâu) ở làng Hải Tân tự bỏ kinh phí xây nhiều giếng làng”. Đời người, cần gì phải lấp đá vá trời, chỉ làm mỗi việc ấy cũng đáng hoan nghênh lắm rồi.  Và cái này nữa, cũng nghe lạ tai quá: “giàn hát”. Rạp hát trước nhất xuất hiện ở Phan Rí vào năm 1910. Tại sao nơi đây gọi là “giàn hát”? Trong khi đó, từ thường nghe vẫn là “gánh hát”. Ban đầu tưởng sai morat, nhưng đọc bài của anh bạn Phạm Thùy Nhân, vẫn thấy anh dùng từ “giàn hát”. Lạ chưa?

Ghi lại một vài câu ca dao hiện đại, xuất hiện từ thời bao cấp ở Phan Rí: “Đi buôn nuôi tài, nuôi phụ/ Nuôi thuế vụ, nuôi công an/ Nuôi lang thang, nuôi bốc vác/ Nuôi xích lô, ba gác/ Nuôi ma cô, nuôi ma túy/ Ăn lí nhí không dám ăn nhiều/ Ăn nhiều thì hết vốn”. “Nuôi tài, nuôi phụ” là nuôi tài xế, phụ xe (lơ xe); có lẽ từ “bác tài” xuất hiện khoảng thời gian này; “nuôi ma cô, nuôi ma túy” là do nguồn cơn nào, vì sao? Khó hiểu quá, suy luận rằng, đi buôn thời “ngăn sông cấm chợ” bị nhiều phiền toái, bị “làm luật”, vì sợ bọn ma cô, ma túy lưu manh mạt hạng chỉ điểm cho công an, thuế vụ nên người đi buôn phải “nuôi” luôn cả chúng? “Kẻ chí cả ăn khô cá chỉ/ Người công danh húp bát canh dông”. Con dông là đặc sản của vùng Phan Rí. Anh bạn nhà thơ Lê Nguyên Ngữ có mấy câu thơ thiệt hay:

Vó ngựa cương căng sùi bọt mép
Xe dừng bên đường toàn xương rồng
Đụn cát bên trời chen đụn cát
Giật mình dông chạy vểnh đuôi cong

Nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng đã vài lần “lôi” con dông vào trong truyện ngắn của anh. “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói; nói ẩu thì ở tù, lù khù là không kinh tế”; “Xe than dễ đẩy, khó đề/ Khi đi trắng hẻo, khi về đen thui”. “Đề” là “démarreur”: khởi động cho máy nổ. Đọc lại câu này, tự dưng nhớ lại cả một thời: “Người ta đổ than từ nắp bình phía trên và mồi đốt phía dưới, khi than củi bén lửa là lúc khí mêtan, acetylen đi vào xi-lanh để bugi khởi động cho máy nổ, nhưng hiệu xuất rất thấp, vừa chạy vừa lấy khúc củi thổ vào bình chứa than ầm ầm, hơi nóng và bụi than đen lùa vào lòng xe” (tr.173). Theo Địa chí Phan Rí Cửa, xe than chấm dứt vào năm 1995.

Người dân Phan Rí rành đi biển, tất nhiên. Mỗi lần đóng thuyền mới có Lễ khai trương xuất hành, mâm cúng, ngoài dĩa tam sên, còn có cả miếng cá đuối khô nướng? Tại sao như thế, chỉ là giả thuyết: “theo quan niệm của tiền nhân vùng đất Phan Rí là đất Chămpa bên phải có một miếng cá khô đuối nướng?” (tr.212). Ngoài ra còn có cúng tống mộc (tẩy mộc), lễ vật như cúng xuất hành nhưng có thêm món gỏi và dăm cây gỗ nhỏ rồi làm bè chuối tựa như chiếc xuồng, khi cúng xong tất cả lễ vật đều để vào bè chuối ấy đem thả xuống nước. Chưa hết, khi hành nghề trên biển, nếu gặp các vị “thủy tộc” liên quan đến cá ông như cá đẻn, đuối, đú thì phải cúng thế lớp, tức cúng bằng giấy vàng bạc, vì theo quan niệm tâm linh là ghe bị “động”. Lúc ra biển, hành nghề không hiệu quả thì phải cúng sửa lưới, nhờ các thầy cúng đọc bùa chú, yếm bùa…

Tất nhiên không thể bỏ qua phần tư liệu về hát bả trạo. Bả là cầm, trạo là chèo, là vừa hát vừa cầm mái chèo. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho biết, từ năm 1971 nghệ thuật hát bả trạo ở Phan Rí đã được Giáo sư - kịch tác gia Vũ Khắc Khoan công bố trong một công trình nghiên cứu nghệ thuật sân khấu dân gian tại Viện Đại học Đà Lạt. Kiểm tra lại từ Tìm hiểu sân khấu chèo (NXB Lửa Thiêng 1974) của ông Vũ Khắc Khoan, thấy tác giả có đề cập đến trong phần viết về chèo đưa linh.

Thơ ca dân gian ở Phan Rí, có nhắc nhiều đến cá mòi. “Quan đòi mặc kệ quan đòi/ Chờ ăn hết trã cá mòi mới đi”. “Trã”, Việt Nam từ điển  của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) giải thích: “Thứ nồi đất nhỡ, miệng rộng, nông đáy, thường dùng để kho nấu”. “Cô kia bới tóc cánh tiên/ Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi/ Không tin giở thử ra coi/ Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên”, “Văn chương không bằng cái xương cá mòi” v.v… Có thể tìm đọc nhiều bài vè liên quan đến nghề đi biển của ngư dân vùng đất này. Nếu tỉ mỉ, có thể liệt kê ra hàng trăm loại cá khác nhau, cực kỳ phong phú: “Lưỡi trâu, mắc méo, cá phai/ Đuối ghim, đuối gián, đuối dơi, đuối lồi/ Cá nứt có điện từ trường/ Đụng vào nó giựt bắn người tâng tâng/ Nục sồ, bạc má, cá ngân/ Chỉ thịt, trang trác, cá cân, cá kình” v..v… Ít ai biết, cá đuối loại màu đỏ, đầu có chữ vạn, đuôi không “ghim” (gai), ngư dân Phan Rí xếp vào loại “thủy tộc”, không dám ăn, gọi là “Bà Lớn”.

Cái thú đọc sách thuộc loại “chí” như Đại Nam nhất thống chí, Trảng Bàng phương chí, Địa chí Đại Lộc, Địa chí Phan Rí Cửa v..v… là gì? Là có dịp du lịch qua vùng đất, tiếp cận lịch sử, văn hóa, con người vùng đất đó bằng ca dao hò vè, cổ tích, chuyện kể của người trong cuộc, dấu vết năm tháng lưu lại bằng hình ảnh, ký ức người dân địa phương… Lúc rảnh đọc đoạn này, lúc vội đọc đoạn kia, chẳng phải theo lớp lang gì mà vẫn thấy hứng, thấy thú. Thành công của người biên soạn còn là khi viết về nơi mình sinh ra, chôn nhau cắt rốn, gắn bó nhiều năm tháng tưởng rằng riêng lẻ nhưng rồi, người địa phương khác đọc vẫn thấy thích. Ừ, nơi nào trên dãy đất hình cong như chữ S không là quê hương, là quê cha đất Tổ? Sự gắn kết, thống nhất của một dân tộc, dân tộc “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một bọc "đồng bào", làm gì có sự phân chia vùng miền trong tâm thức?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.2.2016

MUT-XUA-1-R

 

Thoáng đó, đã bước qua tháng 2. Ngày hôm nay, 23 tháng Chạp. Đưa Ông Táo về trời. Nhà chỉ hai mẹ con. Không nấu nướng gì. Sáng dậy sớm, thanh tịnh tâm hồn, thắp một nén ngang lên bàn thờ. Cảm thấy nhẹ nhàng. Chiều qua cùng anh Biền và Sơn ngồi ở quán nọ. Thích vì ngồi ngay phía ngoài sân, phố vắng, ít người qua lại. Lại được tặng sách. Quyển Trận đòn hòa giải của nhà văn Vũ Hồng, Lá Bối in năm 1970. Ngày 16.4.1987, tác giả tặng nhà văn Đoàn Thạch Biền bản đặc biệt, ngày hôm qua, y là người nhận giữ tập sách này. Trận đòn hòa giải là câu chuyện cảm động về tình cha con đùm bọc, yêu thương nhau, khi mà người mẹ/người vợ đã khuất núi. Nhà văn Võ Hồng mất vợ sớm, không đi bước nữa. Trận đòn hòa giải là một cách bày tỏ tấm lòng nhớ thương vợ của ông. Đọc đã lâu lắm rồi, từ ngày còn nhỏ xíu. Nay vẫn nhớ.

Còn nhớ, lúc vào chơi nhà của nhạc sĩ Thanh Tùng ở Bình Thạnh, rất bất ngờ khi thấy ngay phía sau bàn làm việc của ông là tấm ảnh chân dung người vợ quá cố, phóng rất to. Nhìn ảnh ấy, càng cảm động với ca từ: “Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu cay/ Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn, cùng với tôi về”. Tìm quên nỗi buồn bằng men say là lựa chọn của nhiều người. Với Vũ Hoàng Chương lại khác: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai?”. Không còn em, không còn tri kỷ thì say làm gì? Thơ dành cho người tình bằng xương bằng thịt đó ư? Không phải đâu, vợ Vũ Hoàng Chương là chị ruột của Đinh Hùng, bà không mất sớm. Đọc nhiều về Vũ Hoàng Chương, chẳng hề có tài liệu nào cho biết ông lăng nhăng tình cảm, có nhiều bóng hồng đi qua đời. Thế thì “vắng em” trong câu thơ trên là ai? Là thuốc phiện đó thôi. Bằng chứng: “Tóc xoã tơ vàng nệm gối nhung/ Đây chiều hương ngát lá hoa dung/ Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo/ Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng”.

Đã có không khí Tết. Tuy nhiên, đường phố không ầm ĩ, náo nhiêt như mọi năm. Sáng nay, xuống chợ Bến Thành, ghé qua đường Lưu Văn Lang mua một ít mứt, thấy vắng vẻ lắm. Thiên hạ, chưa đi sắm Tết chăng? Do đã đọc qua quyển sách của bà chị Hồ Đắc Thiếu Anh viết chung với Nguyễn Hồ Tiếu Anh: Mứt Việt - vị ngọt Tết xưa (NXB Phụ Nữ) nên quan sát, đếm có cả thẩy bao nhiêu loại mứt đang bày bán. Không nhiều lắm. Làm sao có đủ các loại mứt như trong tập sách: mứt bí đao (bí xanh), mứt gùng lát, mứt cà chua bì, mứt khế, mứt cam sành, mứt củ năng, mứt củ sen, mứt đu đủ, mứt me, mứt dừa sữa, mứt gừng xâm (gừng củ), mứt khổ qua, mứt thơm (dứa), mứt đậu ngự, mứt hạt sen, mứt kim quất (tắc), mứt mãng cầu xiêm, mứt phật thủ, mứt trần bì gừng dẽo, mứt nghệ mật ong, mứt bát bửu. Có đến 21 loại mứt. Tất nhiên, vẫn có một vài loại mứt khác nữa, chẳng hạn mứt chanh mà chị Thiếu Anh không nhắc đến. Mà cũng đúng thôi, ngày Tết ngày nhất người ta vốn kiêng kỵ đủ thứ, chẳng lẽ mời nhau cái vị chua ngoa, ngoa ngoắt, chua lè? Những loại mứt trên, ngày càng mai một, ít người làm nữa. Sự cẩn trọng, khéo tay, tỉ mỉ, tinh tế ấy trong thời buổi này, mấy ai có đủ thời gian chế biến như xưa?

Đọc Báo Thanh Niên sáng nay,  trong bài Cổ tết thời hiện đại có nêu lên món ăn nghe thật lạ tai: “mọc vân ám”. Cái tên nghe cứ như đang đọc một tiểu thuyết diễm tình Trung Quốc. Hãy nghe ông Nguyễn Phương Hải, tác giả của bộ sách viết về ẩm thực Hà Nội, giải thích: “Đây là món mọc với những viên mọc được nhuộm màu từ lá, quả. Màu gấc cho mọc đỏ au. Lá mảng cộng cho mọc xanh. Hạt dành dành cho mọc vàng, còn những hạt đậu Hà Lan luộc chín cũng được thả lẫn trong bát mọc đông”. Quá sức kỳ công. Bài báo này, có nhắc đến chi tiết, ông Hải là là cháu 5 đời của “tổ nghề cơm tám giò chả” Trang Thị Lụa.

Thử hỏi, “cơm tám giò chả” là nó ra làm sao? Thắc mắc này biết hỏi ai? Thời buổi này, sướng thật chỉ cần Google là đâu ra đó ngay lập tức. Đại khái, có công sáng chế là vợ chồng cụ Nguyễn Văn Sự, Trang Thị Lụa - người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Do vợ chồng làm nghề chả giò nên mọi người thường gọi cụ Phó Lụa hoặc Phó Giò.

Trang web Thăng Long- Hà Nội của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: “Những năm đầu thế kỷ 20, gia đình cụ Phó Giò đã ra Hà Nội, thuê căn nhà ở đầu phố Hàng Bông, nhìn xế sang ngõ Tạm Thương để mở hàng giò chả. Vì hàng làm ngon, giá phải chăng, lại tận tâm phục vụ nên khách rất đông và mau chóng nổi tiếng khắp phố phường. Hai cụ không có con trai, chỉ có ba người con gái. Người con gái đầu lòng tên là Nguyễn Thị Bẩy lấy Trang Công Châu. Vào khoảng năm 1910, vợ chồng ông Trang Công Châu mở hàng giò ở xã Hiền Lương, nhưng hàng ế nên cụ Phó Lụa gọi về Hà Nội ở chung nhà để cùng làm giò. Cụ Phó Lụa nhường hẳn cho con rể và con gái bán hàng ở nhà (phố Hàng Bông) còn cụ thì mang hàng lên bán ở cuối phố Hàng Buồm, ngồi nhờ ở hiên nhà 118. Ngôi nhà này nguyên là cái kho chứa thuốc Bắc của một Hoa kiều; để tránh mưa nắng cho khách lúc cân hàng xuất nhập kho, chủ nhà đã xây tường hai bên ra gần sát mép đường và trên làm mái lợp ngói ta. Mỗi tháng mới cân thuốc một lần, nên hàng ngày cụ Phó Lụa ngồi nhờ.

Lúc đó, nhiều người các tỉnh về cất hàng ở Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân... thường rẽ vào hàng cụ Phó Lụa ăn quà vừa ngon vừa sạch, chỗ ngồi kín đáo. Nhiều khách hàng gợi ý cụ thổi thêm nồi cơm nóng bán cho họ ăn với giò chả cho đỡ xót ruột, hơn là ăn bánh giày giò trừ bữa. Thế là cụ Phó Lụa chọn đong gạo tám xoan của người Bắc Ninh đem sang, kén nồi đồng điếu chứa nhiều cơm lại ủ nóng được lâu và bán cho khách từng bát cơm thơm ăn kèm giò chả. Cụ luôn luôn cải tiến cách nấu, cách ủ sao cho cơm dẻo, thơm, không có cháy và lúc nào cũng nóng. Khách ngày càng đông, cụ lại muối thêm dưa cải, dưa giá, dưa cần, dưa bắp cải cho khách ăn đỡ ngán... Thế là hình thành hàng “Cơm tám giò chả” đầu tiên ở Hà Nội. Người trong dòng họ khẳng định rằng cụ Trang Thị Lụa chính là thủy tổ nghề cơm tám giò chả của Thủ đô”.

Chế biến món ăn ngon, đời sau còn nhớ đến, cũng là một niềm vinh dự. Đi đi nhiều nơi, thưởng thức món ngon tại địa phương đó cũng là lạc thú ở đời. Đã khá lâu rồi, chừng nửa năm rồi, có ngồi nói chuyện với đồng nghiệp Ngọc Hồ, anh cho biết ở Quảng Trị - quê anh có món cháo, tên gọi nghe lạ tai: “cháo vạt gường”. Sở dĩ có tên gọi ấy là do bột gạo sau khi nhào kỹ, thái thành từng sợi nhỏ, trông như những thanh tre của vạt giường. Nấu chung với cá lóc, ăn cực ngon. Ca dao có câu: "Hải Lăng bán cháo vạt giường/ Trí Bưu bán ngói, Xuân Trường bán dưa"; "Nhớ chi như cháo vạt giường/ Đứng mơ mùi nén, ngồi thương mùi hành"... Ở Quảng Nam, nhà nghèo, người ta làm bánh lọc nhưng nhưn là hột mít. Lại nữa, có ai từng được ăn gốc chuối, cắt nhỏ ra làm nộm, trộn với đậu phọng? Cũng ngon luôn.

Mà nghĩ cũng lạ, sách dạy về món ăn thời nào cũng có. Nhưng rồi, có mấy ai nhờ đọc sách đó mà trở thành tay đầu bếp giỏi đâu. Vậy nhờ cái gì? Năng khiếu chăng? Có lẽ “Thực phổ bách thiên” in năm 1915 tại Hà Nội của bà Trương Thị Bích là cuốn sách trước nhất dạy về nghề nấu ăn? Bà Bích là con dâu của thi sĩ nổi tiếng Tùng Thiện Vương (1819-1870). Trong đó, gồm 2 bài thơ “tổng luận” và 100 bài thơ tứ tuyệt dạy nấu 100 món ăn món ngon xứ Huế (tổng cộng 102 bài). Độc đáo quá đi chứ. Đã lâu rồi, từ thời mỗi lần tổ chức Hội sách tại Công viên Lê Văn Tám, Ban Tổ chức còn có cuộc thi Sách vàng, y đã tận mắt nhìn thấy quyển sách đó. Và có chụp lại từng trang. Chẳng hạn, món cá rô um chuối:

Cá rô tách nạc bỏ xương ra
Mỡ nước um vàng rắc muối và
Lửa phải vùi tro không ngại khét
Đã thơm lại béo có chi qua.

“Lửa phải vùi tro” có thể hiểu là lửa chỉ riu riu, lửa nóng như không có ngọn. Nghe đâu, ở quê của Chí Phèo, có món cá trắm kho ngon lắm. Niêu kho bằng đất sét, mỗi lần kho cá bằng “lửa phải vùi tro” mất chừng mười mấy tiếng đồng hồ. Kỳ công thật. Món ăn ngon, con người ta nhớ lâu lắm. Trong bài viết Món ăn Huế đăng trên Tạp chí Sông Hương số tháng 6.1983, nhà nghên cứu Nguyễn Đắc Xuân có kể: "Tôi nhớ có một lần bà nội tôi cúng đất. Lúc bà vừa đặt con gà luộc vàng hươm lên bàn thì bà liền chạy ra vườn bẻ một nạm bông phượng đỏ thắm cắm vào cánh con gà luộc. Tôi thắc mắc: “Bàn thờ đã có hoa rồi mệ còn cắm thêm bông phượng làm chi nữa?” Bà tôi đáp: “Cắm thêm bông phượng không thôi trông con gà nó trống quá!”. Lúc đó tôi chưa hiểu vì sao. Cho mãi đến sau này tôi mới hiểu đó là cách sử dụng màu tương phản của người Huế. Màu đỏ hoa phượng đã làm cho màu vàng con gà rôm lên, tạo cảm giác ngon hơn". Xin lạm bàn một chút, cách cắm thêm bông phượng có lẽ không phải như ông Xuân suy luận, cái chính là một cách "che đậy" để con gà không "lõa lồ". Khi bà cụ bảo: "Trông con gà nó trống quá" là chính nói lên cái ý đó. Sự tinh tế của các bà nội trợ còn là ở cách bày biện cả món ăn nữa.

Mà ông trời cũng oái oăm thật, sống cả đời người, chắc gì đã được ăn, được thưởng thức hết những món ngon vật lạ? Thế mà, hàm răng lại mau “xuống cấp” nhất, trong khi đó, có một thứ lúc về già không cần phải sự dụng như thời trẻ thì nó chẳng chịu rụng quách cho xong?

Chiều nay, trao giải thưởng thơ Tứ Tuyệt của Tập san Áo Trắng. Lúc thay mặt Ban Giám khảo viết nhận xét chung, y nghĩ rằng: “Thơ tứ tuyệt, rất dễ làm ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 4 câu. Ngoáy bút chỉ một phát là xong béng. Tưởng là tưởng thế thôi. Thật ra, cực khó. Bởi quy định nghiêm ngặt chỉ chừng ấy chữ, không thể thêm bớt một dòng nào nên mỗi chữ buông ra phải cân nhắc, tính toán chu đáo. Nếu là một bức tường, mỗi chữ là một viên gạch già lửa, có như thế mới tạo nên sự vững chắc. Tứ tuyệt không phải chỉ 4 câu mà phải đạt đến cái “tứ”. Tứ thơ là linh hồn của tứ tuyệt. Có những nhà thơ lúc về già, “gừng đã cay”, nghề đã thạo mới dám chạm bút vào thể thơ này”. Hãy nghe nhà thơ Chế Lan Viên “định nghĩa” về thơ Tứ tuyệt, tất nhiên cũng... bằng thơ tứ tuyệt: “Uốn cả hồn anh thành tứ tuyệt/ Kẹt trong hẻm đá voi quỳ chân/ Đã đưa ngà được lên trăng sáng/ Vòi chửa buông xong để uống vần”. Nhà thơ Việt Nam viết nhiều tứ tuyệt nhất, có lẽ là Yến Lan. Mỗi lần đọc lại bài thơ này của Yến Lan, bao giờ cũng xúc động ghê gớm: “Khế chua chị nấu lá mồng tơi/ Em ước cùng ăn đến trọn đời/ Tang mẹ mãn rồi bà mối giục/ Chị đi bát đũa cũng mồ côi”. Thơ viết về ngày chị đi lấy chồng. Rưng rưng mãi. Nhất là câu cuối: “Chị đi bát đũa cũng mồ côi”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.1.2016

 

bai-hoc-thuoc-long-ao-moi-1R

 

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong

Đi xuống phố những ngày này, lại nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Bính. Hà Nội, Sa Pa, Nghệ An, Ba Vì… đang rét buốt, lại có tuyết rơi. Trong lòng cảm thấy chộn rộn, chẳng rõ vì lẽ gì, ấy là cảm hứng thường trực của những ngày sắp Tết. Dành lấy thời gian sắp xếp lại sách vở đang bề bộn. Rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Lẽ ra đặt sách lên kệ, lại lật vài trang, thấy hay hay, thế là ngồi đoc luôn một mạch. Đến lúc đọc xong, thời gian đã trôi qua cái vèo. Tóm lại, chẳng sắp xếp được già cả. Thì đó, vừa lật quyển Sông Hương số tháng 9.2014, đọc bài viết Đà Linh, tôi nhớ… của Phùng Tấn Đông. Cả hai, y đều quen, vì thế, tò mò đọc thử xem sao. Trong đó, Đông có nhắc đến câu đối:

Con rồng đá đá anh Hùng ra Bắc;
Cái bóng đè đè em Diệu qua Tây.

Hùng là Nguyễn Đức Hùng, tên thật của Đà Linh; Con rồng đá là tên quyển tiểu thuyết của Vũ Ngọc Tiến; Diệu là Đỗ Hoàng Diệu, tác giả quyển Bóng đè. Cả hai quyển này đều do NXB Đà Nẵng cấp giấy phép, thời Đà Linh là “chủ xị”. Sau vụ đó, Đà Linh bị buộc phải rời khỏi nhiệm sở, ra Hà Nội về NXB Lao Động rồi qua đời; Đỗ Hoàng Diệu có chồng, định cư ở nước ngoài. Hai tập sách trên một thời ầm ĩ, tạo tranh luận ồn ào nhưng rồi, nay, chẳng mấy ai nhớ đến nữa.

Trong quyển Thuở mơ làm văn sĩ, in từng kỳ trên tuần báo Thiếu Nhi năm 1971, của nhà văn Nhật Tiến cho biết: “Căn cứ vào dư luận độc giả, cuốn được khen nồng nhiệt nhất vào thời kỳ đó là cuốn "Đất" của nhà văn Ngọc Giao. Tác phẩm này diễn tả cuộc đời vợ chồng anh Xã Bèo khốn khổ, sống chết cho mảnh đất của mình. Tôi xúc động nhất là cái cảnh chị Xã Bèo còn đau chưa khỏi mà vẫn phải theo chồng ra ruộng. Rồi anh chị thay nhau làm trâu kéo cầy để để vỡ mảnh đất của mình cho kịp ngày gieo mạ. Đó là một hình ảnh chua xót của người nông dân Việt Nam sau tám mươi năm Pháp thuộc, nhưng đấy cũng là hình ảnh hào hùng, kiên nhẫn, chịu đựng của một thế hệ mới đang ra công khai dựng lại từ đầu với hai bàn tay trắng và với sự bền bỉ, nhẫn nại chỉ có ở những con người quê mùa, chất phác”.

Trong quyển Lược sử văn nghệ Việt Nam (NXN Vàng Son - Sài Gòn 1971), nhà văn Thế Phong ca ngợi hết lời. Cuốn tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao in năm 1940, nhà văn Tam Lang viết Tựa: “Đất ở đây, trong những dòng chữ cháy bỏng này sẽ tiết ra, sẽ dựng lên cả một cuộc đời già lửa, uất nghẹ của những con người được sống, thiết tha sống, thấy lẽ sống chỉ khi nào được bám chặt vào đất, ghì lấy đất…”. Mới đây, năm 2012, Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Ngọc Giao, Phương Nam Books vừa phối hợp cùng NXB Văn học phát hành gần 1.000 trang di cảo của nhà văn Ngọc Giao để lại sau gần nửa thế kỷ. Bộ sách gồm 3 tập: Bến đò rừng (truyện ngắn), Đốt lò hương cũ (ký), Mưa thu (truyện dài). Tiếc là không tái bản tập Đất. Mà hầu như độc giả hôm nay chẳng mấy ai nhớ, biết đến tiểu thuyết này của Ngọc Giao, dù rằng đã có một thời được dư luận chú ý.

Mấy hôm nay, đã mua nhiều báo Xuân, báo Tết. Đọc nhẩn nha mỗi ngày, không gì phải vội.

Trong đời người, có nhiều điều để nhớ. Vết nhớ ấy như một một cụm tuyết trắng, đôi lúc loang ra trong tâm tưởng và gợi lên môt chút rét nhè nhẹ. Lạ thay, cũng từ đó, tự trong lòng lại ấy ấm áp thêm một chút. Y muốn nhắc lại nỗi nhớ của những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học. Những bài học ấy không có gì to tát, chỉ là những câu chuyện có tính cách luân lý nhưng rồi mấy ai có thể quên. Đó là những chủ đề về công ơn cha mẹ, tình thầy trò, bổn phận học trò, yêu thương loài vật… Thật ra những bài học về chủ đề ấy, thời nào cũng cần, và không hề trở nên “lạc hậu” - nếu đứa trẻ sinh ra đời được giáo dục để trở thành môt người có ích cho xã hội. Mỗi thế hệ, có một  cách để nhớ về trang viết đã đọc, đã học ngày tuổi thơ.  Có một lần, đã khá lâu rồi, y có hỏi nhà văn Sơn Nam, vì sao ông lại viết được truyện ngắn cực hay: “Tình nghĩa giáo khoa thư”. Ông cười nhè nhẹ: “Q có nhớ đến câu này không? “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân : Nước mềm, đá rắn thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn, vậy mà dây cưa mãi gỗ cũng đứt. Con kiến nhỏ, cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy...”. Từ thời đi học, được đọc những bài văn ấy, tôi đã thích và nhớ mãi nên mới có nhận xét ấy”. Y hiểu, ý ông nhấn mạnh, ngoài yếu tố giáo dục dạy nhân cách làm người còn là “hơi văn”, “nhịp văn” nữa. Nghĩa là, văn viết cho học trò, dù in trong sách giáo khoa nhưng cũng phải chỉnh chu, du dương và “đâu ra đó”, không thể cẩu thả. Vâng, y tin rằng, nhiều thế hệ đã thêm lòng yêu mến văn chương chính là từ những bài học khai tâm đó.

Vừa đọc tờ báo Xuân nọ, đồng nghiệp Lại Văn Long - tác giả truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện từng đoạt giải Nhất của cuộc thi nọ đã chừng mươi năm trước, có kể lại kỷ niệm thời thò lò mũi xanh qua một  tạp bút. Trong đó, anh ghi lại dăm câu của bài học thuộc lòng thuở tiểu học. Một vài bạn đọc ở nước ngoài, qua trang web của y, biết y có nhiều sách giáo khoa in trước năm 1975 tại miền Nam nên nhờ chép lại giúp và cho biết cụ thể hơn. Từ tư liệu đã sưu tập, y biết rằng bài học thuộc lòng này có tựa Áo mới của tác giả Phước Nghĩa, in trong tập Việt ngữ lớp 3, nhóm Lửa Việt biên soạn, NXB Cảnh Hồng (173 Cô Giang Sài Gòn- Đ.T: 93716) ấn hành năm 1973:

Chiếc áo hàng bông đã rách rồi,
Mẹ cho con áo mới đi thôi.
Con xin gìn giữ không làm bẩn,
Chỉ mặc vào trường chẳng mặc chơi.

Chiếc áo may xong đã mấy ngày,
Vạt dài thườn thượt, rộng hai tay.
Con nhìn chiếc áo buồn rơi lệ,
Mẹ bảo: trừ hao kẻo chật ngay.

Bà mẹ nghèo chu đáo quá đi thôi. Đọc câu thơ cuối, lặng người một lúc, một nỗi niềm xa xăm từ ký ức của thuở lên năm, lên bảy đã ùa về... Như một cơn gió lạnh hắt hiu. Nhớ ơi là nhớ ngày còn học ở Trường Nam tiểu học. Nhớ nhất lúc ra chơi, bao giờ cũng đến dãy hàng rào sát đường Thống Nhất (nay Lê Duẩn) mua lấy chiếc bánh cam. Bánh chiên giòn, tròn gần bằng trái cam, bên trong có nhưn đậu xanh nhuyễn nhừ, ăn ngon lắm. Vị ngọt ấy còn theo mãi đến giờ. Một quyển sách đã in ra đời, nếu có duyên dẫu trăm năm sau vẫn còn có người tìm đọc. Bằng không thì thôi. Những quyển sách giáo khoa của một thời, “ối dào, sách dành cho bọn con nít”, thế mà đến nay nhiều người vẫn còn nhớ như in đó thôi, dù rằng họ đã già khú đế.

Những ngày gần cuối tháng
Em nhìn mẹ lo âu
Ngại ngùng em thăm hỏi
Mẹ em chỉ lắc đầu

Một hôm em thoáng thấy
Tay già lật từng trang
Quyển sổ dày chữ số
Lẩm nhẩm tính giá hàng

Em reo lên: “Thưa mẹ,
Con đang làm toán đây
Mẹ giao con tính sổ
Cộng, trừ… nhanh như bay”

Đây là bài học thuộc lòng Tính sổ của tác giả Hoàng Oanh, in trong Quốc văn bộ mới lớp nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiện và Nhóm giáo viên biên soạn, NXB Việt Hương in tại miền Nam 1970. Thế đấy, bài học học thuộc lòng dành cho học trò, đâu cần phải là những vấn đề gì lớn lao, to tát đâu. Thế hệ của y nhớ đến, thế hệ sau chắc gì đã được đọc? Nhưng chắc chắn một điều: tình cảm mẹ con trong hai bài thuộc lòng trên đời nào cũng có, giá trị nhân văn ấy bất biến.

Mà thôi, chuyện chữ nghĩa còn thể bàn dài dài. Cái ồn ào của hôm nay, có thể chỉ là tro lạnh của ngày mai. Vẫn biết là thế, nhưng rồi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, người cầm bút vẫn cứ lầm lũi bước đi, trên từng trang viết. Tinh thần đó, từ năm 1967, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã “tuyên ngôn”:

Và nếu ai đó ngắm nhìn
dừng chân và cảm mến
con người trong tôi
tức là tôi thành công
Nếu tôi thất bại
và chẳng ai chìa tay cho tôi
tôi đút tay vào túi, thật sâu
Mặc kệ.
Không sao đâu, Marie
Em vẫn đẹp như thường

Có những cái viết ra, hoàn toàn bình thường, chẳng cao siêu gì nhưng rồi vẫn còn có người nhớ đến. Có những cái tưởng là ghê gớm lắm, nhưng rồi chỉ cần qua một mùa bầu bán, thay đổi nhân sự là đã cũ rích như cái giẻ rách. Có những câu tuyên bố đùng đoàng sấm vang chớp giật, tưởng chưng như có thể “thay trời đổi đất, sắp đặt lại gang san”, nhưng rốt cuộc “ba voi không được bát nước xáo”.

Báo Đời sống & Pháp luật số Xuân 2016, thuộc Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, có bài Chiêm nghiệm thông điệp mừng năm mới của các nguyên thủ thế giới. Đọc xong, y bình chọn lấy một câu tâm đắc nhất: “Gặp núi thì mở đường, gặp sông thì xây cầu”. Người nói câu này là Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-Hye. Câu nói ấy, ai nói cũng được nhưng rồi có nghe ai nói đâu, chỉ nghe quá nhiều câu cao siêu, trừu tượng quá mà cũng có thể dù biết tỏng chẳng ai thèm tin nữa nhưng họ vẫn cứ nói trơn tru như cháo chảy. Mà việc phá núi, xây cầu cho dân, vì dân, thời buổi nào, sắc tộc nào cũng cần bởi nó thiết thực, sát sườn với cuộc sống mỗi ngày. Tính ưu việt của một thể chế chính trị không nằm ở đó thì ở đâu?

Ủa? Sao y lại “lên gân” quan tâm đến chuyện quốc gia đại sự đến thế?

Bình tĩnh đi cưng. Xìu xìu lại đi. Ừ, thì xìu vậy. Ối chà chà, sắp Tết rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.1.2016

quoc-tu-hoa-quoc(nguồn: Báo Tinh Hoa Việt số XUÂN 2016)

 

Thời gian này, báo Xuân, báo Tết đã phát hành lai rai. Khó có thể đoán định, tờ báo nào bán chạy nhất, bạn đọc yêu thích nhất. Đầu năm 2016, cụ thể, ngày 9.1, Đường sách Nguyễn Văn Bình chính thức khai mạc. Từ ngày 25.1.2016 đến ngày 31.1, tại đây, Sở Thông tin và truyền thông phối phợp cùng Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức Triển lãm báo Xuân năm Bính Thân. Cũng trong dịp này, Thư viện Tổng hợp TP.HCM còn cung cấp tư liệu, thực hiện triển lãm Báo xuân xưa.

Trưa nay, như thói quen, sau cơm trưa lại đọc báo. Dừng lại với bài viết “Phạm Cao Củng  - thuở vào nghiệp văn” của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân, in trên ANTG số  173 (1.2016). Cứ theo đó, thời “tiền chiến” độc giả rất khoái đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. Nguyên bản in ấn tại Hong Kong, dịch giả nước ta dịch lại. Thuở đó, chưa có Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. "Thấy người ta ăn klhoai, mình cũng vác mai đi đào, nhà văn Phạm Cao Củng cũng  nhào vô. Từ đặt tên, hỗn danh của nhân vật đến các thế võ bí truyền, kể cả văn phong ông "nhại" theo cũng rất… Tàu. Mỗi tập kiếm hiệp thời đó in chỉ 16 trang, giá bán 3 xu/ tập, phát hành hàng tuần. Nói tóm lại, “Tiểu thuyết ba xu” chắc chắn cụm từ này của người Việt. Nó ra đời vào lúc nào? Ra đời trong thập niên 1930 là nhằm chỉ loại sách viết nhanh, viết vội, đọc giải trí, đọc xong rồi bỏ, do đó, tác giả bịa ra bút danh nào đó vì không dám chường mặt ra.

Sau năm 1954 tại miền Nam, tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi truyện “chưởng” cũng "làm mưa gió trên" mặt báo miền Nam.

Cụ thể vấn đề này như thế nào?

Tham khảo Báo chí tập san (số 1 phát hành Xuân 1968 tại miền Nam) có bài viết của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh - Tổng thư ký Việt Tấn xã của chính quyền Sài Gòn, là ký giả chuyên viết bình luận thời sự cho các báo Dân Chủ Mới, Thần Chung, Trắng Đen, Sống Mới...; và một vài tài liệu khác, thu thập được vài thông tin đáng tin cậy:  Khoảng năm 1959-1960, lần đầu tiên tờ Dân Nguyện của ông Hà Thành Thọ đăng nhiều kỳ tiểu thuyết Lam y nữ hiệp, do một một độc giả tình cờ đọc được, thấy hay nên dịch gửi đăng báo.  Loại truyện kiếm hiệp này, giới xuất bản ở Hong Kong gọi là “võ hiệp tân trào” - nhằm phân biệt với loại “cựu trào” đã xuất bản trước thời Thế chiến thứ II.

Loại "cựu trào" từng dịch và in trên báo chí Việt Nam, có thể kể đến Càn Long du Giang Nam, Giang hồ kỳ hiệp, Hỏa thiêu Hông Liên tự v.v... Riêng Bồng Lai hiệp khách rất nổi tiếng thời "tiền chiến" do ông Lý Ngọc Hưng dịch, có lẽ là phóng tác. Thế nhưng, khi Phạm Cao Củng xuất hiện (ký bút danh Văn Tuyền) với bộ Lục kiếm đồng, đúng như đồng nghiệp Ngô Kinh Luân cho biết: "Danh tiếng của bộ truyện này vang rền từ Nam chí Bắc, ăn khách hơn cả những bộ kiếm hiệp Tàu được chuyển ngữ xịn". Tại sao như thế? Hãy nghe ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh lý giải: "Thật ra, kỹ thuật... phi kiếm của Văn Tuyền (Phạm Cao Củng) có lẽ không hơn gì kỹ thuật nội công của ông Lý Ngọc Hưng nhưng bộ Lục kiếm đồng bỗng dưng được ưa chuộng là vì anh Văn Tuyền đã biết đưa sắc màu "diễm tình" vào tiểu thuyết của anh. Bộ Lục kiếm đồng đúng là "truyện Tàu của Việt Nam" nhưng lại hay hơn ở điểm chẳng những có phi đao phi kiếm mà còn có những chuyện yêu nhau theo trào lưu mới" (SĐD, tr,75)

Khi tờ Dân Nguyện, đăng từng kỳ Lam y nữ hiệp, vì mới và lạ nên lập tức độc giả đón đọc, khen hay. Thấy ăn khách, một tờ báo ở Sài Gòn hồi đó liền kêu ngay dịch giả cuốn Lam y nữ hiệp về với họ, bằng cách giản dị là trả tiền nhuận bút cao hơn tờ Dân nguyện. Rồi trên tờ báo nọ bỗng xuất hiện một tiểu thuyết võ hiệp Lã Mai nương - cuốn này còn thành công hơn Lam y nữ hiệp, độc giả càng khoái hơn nữa. Lập tức, loại truyện này bắt đầu rộ lên ở báo chí miền Nam để câu khách. Liền đó, hai dịch giả thuộc loại “cao thủ võ lâm” tạo được tên tuổi là Tiền Phong - thường gọi là “Sìn Phoóng”, một nhà văn có tuổi và là người Minh hương, đọc chữ Tàu nhanh như chớp; và Tam Khôi, một dịch giả trẻ nhưng giỏi về Hán tự.

Thật ra, Tiền Phong là người đi trước nhất, vì từ trước ngày làng báo Sài Gòn bắt đầu có chuyện “chưởng”, ông đã đọc nhiều tiểu thuyết võ hiệp ở Hong Kong gởi sang, nhưng đọc giải trí, lúc vui kể lại cho vợ con và vài người bạn thân nghe, chớ không vì mục đích dịch để kiếm tiền. Thấy Lam y nữ hiệp và Lã Mai nương múa kiếm trên làng báo, ông Tiền Phong sẵn máu nghệ sĩ, liền dịch luôn hai ba bộ tiểu thuyết Tàu mà mọi người đánh giá là hay nhất, trong đó có bộ Bích huyết kiếm của Kim Dung, cho in trên tờ Đồng Nai.  Thấy Tiền Phong dịch Bích huyết kiếm, Tam Khôi liền chọn một bộ khá dài cũng của Kim Dung để dịch. Đó là bộ Anh hùng Xạ Điêu, đăng trên tờ Dân Việt.

Từ đó, tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung bắt đầu tràn ngập làng báo Sài Gòn.

Trong hồi ký Mười năm làm báo, nhà báo Vũ Mộng Long có cho biết những chi tiết khá bi hài: “Có báo sắp chết nhờ Cô gái Đồ Long mà hồi sinh anh dũng. Khi Cô gái Đồ Long, bộ cuối cùng của trường thiên Ỷ thiên kiếm, Đồ Long đao chấm dứt (trường thiên này gồm ba bộ: Anh hùng Xạ Điêu (đăng ở Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (đăng ở Báo mới)  và Cô gái Đồ Long (đăng ở Đồng Nai) thì làng báo Việt Nam khai thác trường thiên tiểu thuyết Thiên long bát bộ cũng của Kim Dung. Nhưng tên truyện của Kim Dung được “đặt lại” cho mỗi báo. Báo thì A Tỷ Kiều Phong, báo thì Lục mạch thần kiếm, báo thì Cô Tô Mộ Dung.

Ngày ông Trần Ngọc Huyến giữ chức Thứ trưởng thông tin đặc trách báo chí, liền ra tay cấm nhật báo không được đăng truyện kiếm hiệp. Mỗi nhật báo chỉ được đăng một “phơi ơ tông” cây nhà lá vườn. Ông Huyến muốn làm cách mạng báo chí và đặt báo chí vào đúng vị trí thiêng liêng của nó. Nhưng ông Huyến bị văng mất chức rất sớm và Tổng trưởng Phạm Thái nắm lại quyền hành, “phá” ông Huyến bằng cách tung hê tiểu thuyết Tàu, Tây, Ta cho làng báo. Kết quả là nhà văn Kim Dung thao túng nhật báo miền Nam trong những thập niên 1960-1970. Báo Chính Luận cũng nhào vô khai thác. Đến nay chỉ có nhật báo Đuốc Nhà Nam là không đăng tiểu thuyết kiếm hiệp.

Hiện tượng tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung xâm lăng nhật báo miền Nam đẻ thêm một hiện tượng kỳ quái  sau đây: Nhật báo Xây Dựng “ngứa ngáy” cho đăng Tàn chi lệnh do Tam Khôi dịch. Người dịch khôn ngoan không chịu tiết lộ tên tác giả nên không ai biết Tàn chi lệnh đã in thành sách, bán ở vỉa hè Chợ Lớn! Dịch giả Lã Phi Khanh vớ được cuốn Lệnh xé xác, thấy có vẻ hợp với độc giả Tia Sáng nên dù nó rất ngắn, bèn được Lã Phi Khanh nối tiếp dài dài, vô tận... Rồi ông Lã Phi Khanh bỏ Tia Sáng, đem Lệnh xé xác sang Thời Đại. Thế là báo Tia Sáng đã cử một dịch giả “sáng tác” tiếp theo. Trên hai nhật báo, hai ”bản dịch”... đối lập nhau và cả hai dịch giả đều nhận mình dịch đúng nguyên tác, bản dịch của người kia là giả mạo! Ngoài Kim Dung, nhiều tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Hồng Kông, Đài Loan xuất hiện tấp nập (Tuần báo Tuổi Ngọc số 27 ra ngày 25.11.1971).

Còn nhớ ngày nhà báo kỳ cựu Phan Nghị còn sống, năm đó đã 80 xuân, là nhân chứng sống của báo chí miền Nam, y có hỏi về các chi tiết vàu nêu trên. Ông Ngị đồng tình và phát biểu: “Thời ấy, với các nhật báo, tầm quan trọng của Kim Dung còn hơn cả... sự thay đổi nội các. Người ta mê Kim Dung tới mức độ bữa nào không đăng tiếp truyện Kim Dung là ăn mất ngon. Các trí thức khoa bảng trước đây chỉ thích đọc báo Tây, nay cũng phải mua báo Việt để đọc Kim Dung. Quả là một hiện tượng lạ!”. Điều đáng nói là từ hiện tượng trên, một số nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung đã thâm nhập vào lời ăn tiếng nói của người miền Nam. Chẳng hạn, câu hát bình dân: “Có cô gái Đồ Long xóc bầu tôm cua cá...” hoặc câu nói “tẩu hỏa nhập ma”, “tiếu ngạo giang hồ”, “cái bang đại hiệp”, “cho một chưởng” v.v...

Chi tiết đáng lưu ý vừa kể trên là gì?

Với y, đó là cái tài làm mài mại, na ná, nhại theo của người Việt, kể cả chuyện sáng tác tiểu thuyết kiếm hiêp. Khoảng năm 1972, khi tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Giao đang ăn khách, lập tức xuất hiện nhiều tác phẩm ăn theo mà báo chí thời đó gọi là “Quỳnh Giao giả”. Rồi sau này, khoảng thập niên 1980-1990 khi tư nhân có quyền tham gia thị trường sách, lập tức một loạt truyện kiếm hiệp đã ra đời, tất nhiên do nhà văn Việt Nam viết nhưng cứ độc giả lầm tưởng dịch từ truyện Tàu. Giỏi thế là cùng. Cái giỏi này cũng là cái sự láu cá, khôn vặt của người Việt. Trong tình huống nào, họ cũng có thể luồn lách, lươn lẹo, sử lý uyển chuyển, linh hoạt miễn khỏe cái thân. Thì đây, ông đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier, đã có chừng 30 năm công tác tại Việt Nam, với tất cả những gì đã trải nghiệm, đã quan sát ông có đưa ra nhận xét đánh lưu ý về tính kỷ luật của người Việt. Ông nói: “Ví dụ, một dây chuyền cần 15 thao tác, nhưng nếu không giám sát, người Việt Nam lập tức “sáng tạo” để rút bớt các công đoạn, chỉ làm 8-9 quy trình. Trên thực tế, các công ty lớn đã nghiên cứu rất kỹ, mỗi quy trình phải có ý nghĩa nhất định mới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu người Việt không tuân thủ thì sản phẩm làm ra không đạt chuẩn quốc tế”. Thế à? Làm gì có ông đại sứ nào lại nói thẳng đuột, nói huỵch toẹt ruột ngựa thế kia? Không tin à? Nếu thế cứ lật tờ báo Lao Động Xuân 2016, tìm trang 12 đọc đi nhá!

Mấy hôm nay, thời tiết thất thường. Dẫn lại nguồn tin AFP, Báo Thanh Niên cho biết: Bão tuyết làm tê liệt miền đông nước Mỹ, 15 người chết, trên 4.400 chuyến bay bị hủy, các sân bay ở New York, Philadelphia, Washington và Baltimore ngừng hoạt động. Chính quyền Washington và New York ban hành lệnh cấm đi lại. Các cơ quan khí tượng dự báo đợt bão tuyết, được mệnh danh "Snowzilla" có lượng tuyết dày 56 cm ở Washington, trở thành một trong những đợt bão tuyết nghiêm trọng nhất kể từ năm 1869 (TN số ra ngày 23.1.2016). Điều đáng ngạc nhiên là lần đầu tiên trong lịch sử, tại Thủ đô Hà Nội lại có tuyết rơi! Theo Báo điện tử Motthegioi: “Từ đêm qua (23 giờ ngày 23.1) nhiệt độ tại Hà Nội đã xuống dưới 4 độ C. Và tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) đã có tuyết rơi, tuy không dày như ở các khu vực Sa Pa, Lào Cai, Lạng Sơn”. Kiểm chứng từ nhiều nguồn khác,  thông tin trên chính xác. Từ hôm 22.1.2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn về việc cho học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. Các em được nghỉ học vào ngày 25.1.2016. Trong khi đó, Sài Gòn vẫn nóng bức như mọi ngày.

Những ngày này, y đang làm gì?

Thì vẫn dõi theo  vở tuồng Đào kép mới của nhà văn hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan, viết xong vào ngày 5.8.1936 tại Hà Nội. “Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói: "Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng" (...). Nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song, chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.1.2016

untitledfaxebookRGiao diện Facebook Chồng Tây vợ Đông

 

Quái lạ, cái sự quan tâm nhiều nhất trong một hai ngày nay, lại là cái chết của con rùa ở Hồ Gươm. Rùa này, do sống lâu năm nên thường gọi Cụ Rùa. Cũng hơp lý thôi, hồ Gươm còn là nơi gắn liền với một truyền thuyết khởi đầu và kết thúc của cuộc chiến 10 năm đánh giặc Minh.

Lúc anh hùng Lê Lợi chuyên tâm tìm đọc sách binh thư, dốc hết tiền bạc hậu đãi khách khứa để chiêu mộ hào kiệt đánh đuổi giặc thì một ngày kia xẩy ra chuyện này: Người bạn của ngài Lê Lợi là Lê Thận, chèo thuyền ra sông đánh cá. Khi kéo lưới thấy nặng, lòng mừng thầm. Nhưng trong lưới không có gì ngoài một thanh sắt. Ông Thận quẳng đi mấy lần nhưng lần nào buông lưới vẫn chỉ một thanh sắt ấy. Thấy lạ, ông cầm lên xem. Sau khi gạt lớp bùn đi thì hóa ra đó là một thanh gươm sáng loáng, có khắc bốn chữ, nhưng chỉ đọc được hai chữ: “Thuận thiên” - tuân theo mệnh trời! Vậy tất có minh chúa ra đời giúp nước. ông Thận liền đem thanh gươm ấy trao cho Lê Lợi. Cũng trong ngày đó, đêm đã khuya, nhưng trên cây đa trước nhà Lê Lợi lại có tiếng chân rậm rịch và ánh sáng lấp lánh! Ngài thử trèo lên xem không ngờ lại thấy cái chuôi gươm nạm ngọc. Đem đóng vào lưỡi gươm kia thì thấy vừa như đúc. Lê Lợi khấp khởi mừng thầm: “Hẳn là trời đã trao cho ta gươm báu để diệt giặc cứu nước!”.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, đầu năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi tức vua Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô tại điện Kính Thiên (Thăng Long) và lấy lại quốc hiệu là Đại Việt - trước đó Hồ Quý Ly lấy ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ, đã đổi quốc hiệu Đại Việt là Đại Ngu. Đất nước ca khúc khải hoàn. Nhân ngày đầu xuân, nhà vua đi chơi hồ Lục Thủy. Bỗng có con rùa vàng xuất hiện, nói với vua: “Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại chiếc gươm thần”. Lấy làm lạ, trên thuyền rồng, nhà vua rút gươm ra khỏi vỏ, tức khắc gươm bay về phía rùa vàng. Nó há miệng đớp ngang lưỡi gươm rồi lặn xuống hồ biến mất. Do truyền thuyết này, từ đó, hồ Lục Thủy có tên là hồ Hoàn Kiếm (hồ Trả Kiếm) hay còn gọi hồ Gươm.

Cụ rùa sống lâu năm ở cái hồ gắn với truyền thuyết hiển hách của dân tộc nên lúc cụ chết, dư luận quan tâm là điều dễ hiểu. Cụ rùa vừa chết vào ngày hôm qua, lúc khoảng 16g30. Theo Tuổi Trẻ Online post thông tin lúc 19:18 GMT+7: “Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã trực tiếp đến hiện trường”. Một người đứng đầu Thủ đô đã có mặt vào thời điểm đó, ắt không phải chuyện nhỏ. Sáng nay, Báo Thanh Niên cho biết: “Theo Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm, sau khi phát hiện rùa đã chết, các nhân viên của BQL cùng với một số người dân đưa “cụ” vào bờ, vệ sinh và chờ làm các thủ tục để bảo quản và có thể xem xét nghiên cứu, ướp xác”.

Tóm lại, có thể cụ rùa được ướp xác, dù rằng các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi chán chê: “Việc xác định cá thể rùa hồ Gươm thuộc loài rùa nào thời gian qua vẫn gây nhiều tranh luận. Một số nhà khoa học trong và ngoài nước cho rằng đây là loài rùa mai mềm có tên quốc tế Rafeus Swinhoei, chỉ còn 4 cá thể: 1 ở hồ Hoàn Kiếm, 1 ở Đồng Mô (Hà Nội) và 2 cá thể còn lại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về rùa, cá thể rùa hồ Gươm vừa chết là loại rùa quý hiếm, không thuộc loài rùa nói trên, là loài rùa mới, chỉ có ở Việt Nam”.

Do cụ rùa chết vào trước 1 ngày diễn ra sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nên thiên hạ tha hồ bình luận, suy diễn, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhà thơ Bùi Kim Anh có thơ rằng:

chỉ mong là lẽ ở đời
bởi chưng cao tuổi Cụ dời đi xa
linh thiêng tự ở lòng ta
đức tin còn mất cũng là tự tâm
cầu gì trong nỗi âm thầm
hỡi ôi hương khói trầm luân vọng về

Chưa hết, trước đây cũng vài ngày dư luận lại rộ lên thông tin trên đỉnh Fansipan có xây dựng một ngôi chùa. Việc xây chùa, có thật không? Sở dĩ nghi ngờ vì kiểm chứng lại từ các báo “chính thống” lại không thấy thông tin gì. Tại sao? Bèn hỏi người bạn mấy chục năm nay đã là giám đốc một công ty du lịch chuyên nghiệp, anh cười mà rằng: “Hỏi thế mà cũng hỏi. Lo làm thơ đi Q ơi”. Đọc lại tài liệu mà báo chí đã công bó trước đây, như Báo Lao Động có bài viết Triển khai dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan: Văn bản trái chiều hay là sự liều lĩnh?: “Sáng ngày 20.09.2014 tại chân núi Fansipan, nơi khu vực đang xây dựng nhà ga tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư đã diễn ra lễ đặt đá khởi công xây dựng chùa Bảo An, một trong những ngôi chùa nằm trong quần thể tâm linh Fansipan”. Vụ xây dựng cáp treo này, nói chung báo chí gọi là "Thảm họa cho Nóc nhà Đông Dương”.

Những ngày này đã có không khí Tết, nhiều người Việt đã về ăn Tết ở quê nhà. Quan tâm đến status của Chồng Tây Vợ Đông vì có bàiài viết post lên trang facebook cá nhân ngày hôm qua lúc 16:08. Và hôm nay lúc 18g05 đã có “138.355 người khác thích điều này. 76.565 lượt chia sẻ”. Tất nhiên, không thể không nhắc đến hàng trăm comment dưới bài viết. Khiếp chưa? Tác giả viết như sau:

“Con mang một nửa dòng máu Việt, nhưng con không được chào đón ở cửa khẩu quê hương. Câu chuyện này của bạn tôi, khi cô ấy đưa con về thăm ông bà ngoại, và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội. Nhưng ngay tại sân bay Nội Bài, hai mẹ con đã bị vòi "tiền uống nước" từ cán bộ cửa khẩu nếu muốn lấy visa nhập cảnh nhanh hơn. Vì không đưa "tiền uống nước" cho cán bộ Việt Nam, nên cô bé 2 tuổi rưỡi đã xếp hàng chờ cùng mẹ 1 tiếng đồng hồ để lấy visa, trong khi ở các sân bay khác, trẻ con luôn được ưu tiên làm thủ tục trước.

Mẹ xin lỗi con!

Sau những phút bịn rịn chia tay bố ở phi trường CDG Paris, con theo mẹ lên máy bay của hãng hàng không VNA về sân bay Nội Bài, Hà Nội. Con sốt cao từ hai hôm trước nên con khá mệt trên chuyến bay dài. Rồi máy bay cũng hạ cánh, theo chân mẹ con đi lấy hành lý và đến cửa khẩu nhập cảnh. Vì con chỉ có hộ chiếu Pháp, nên bố đã đặt làm giấy tờ cho con trên mạng internet, lấy visa ngay tại cửa khẩu Nội Bài.

Ở đó, hai mẹ con gặp một chú công an hải quan cửa khẩu, họ nói rằng "Xin cháu mấy chục đồng để uống nước" thì sẽ được cấp visa ngay, còn không thì xin mời xếp hàng đợi. (chục đồng ở đây là đồng euro hoặc dollar)Mẹ bảo họ mẹ không có tiền mặt ở đây, và thế là hai mẹ con được đứng đợi hơn một tiếng đồng hồ. Còn những người chấp nhận bỏ vài chục đồng cho họ uống nước thì được giải quyết ngay và luôn cho dù không hề có luật nào như thế.Con mệt và ngơ ngác, con muốn đi vệ sinh nhưng con vẫn phải xếp hàng, con không hiểu tại sao hai mẹ con phải đợi.

Mẹ xin lỗi con gái, mẹ vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tay cho những người tham lam kia. Vì thế dù vài chục euro là một số tiền không quá lớn, nhưng mẹ đã để con phải đợi cùng mẹ. Con gái thân yêu, đây là đất nước của mẹ và quê hương của con đấy. Mẹ rất xấu hổ nhưng đúng là thế.

Một đất nước mà đồng tiền đã vận hành đến tận xương tủy.

Một nơi mà con người nhìn nhau chỉ thấy tiền bạc và lợi ích thô bỉ.

Ở quê cha con được chào đón bằng những nụ cười thân thiện, bằng những ưu đãi dành riêng cho trẻ nhỏ.

Ở quê mẹ con bị chặn đứng bằng "chục đồng uống nước" trắng trợn.

May mắn là con rất ngoan, con mệt nhưng con không khóc lóc, con nằm dựa vào hai chiếc vali kiên nhẫn chờ tới lượt. Hai chiếc vali chứa rất nhiều quần áo cũ hai mẹ con đã xắp xếp hôm trước để mang về gửi tặng các bạn nghèo vùng cao.

Mẹ xin lỗi con!

Một vài lời gửi các anh chị cán bộ nhập cảnh ở sân bay Nội Bài:

Các anh chị thân mến,

Các anh chị chỉ biết nhìn vào bữa ăn hôm nay mà không nghĩ đến tương lai của xã hội cho con cái các anh chị ngày mai. Thái độ và sự vòi vĩnh của các anh chị chính là một phần của một lượng lớn khách du lịch không muốn quay trở lại Việt Nam. Một thiệt hại không thể đo đếm được ngay lập tức. Chúng tôi là những người con của đất nước này, chúng tôi về chơi vì đó là quê hương, là gia đình, là bạn bè thân thương. Còn khách du lịch, họ đến, họ mang công việc, mang lợi nhuận đến cho các anh chị, thế giới này rộng lớn và đẹp vô cùng, họ có tiền, họ có rất nhiều lựa chọn. Không Việt Nam thì sẽ là Thái Lan, Lào, Campuchia, ở đâu chào đón thì họ sẽ tới nhiều hơn. Còn khi bị đối xử tệ, họ sẽ cười khẩy, chấm cho cái cần câu cơm của các anh chị 1 sao và nhờ sự lan truyền trên internet, nó sẽ thành lời cảnh báo chân thực nhất làm nản lòng những ai có ý định du lịch Việt Nam.

Chắc các anh chị đều biết sử dụng Facebook, hãy vào "Noi Bai International Airport" và nhờ ai đó biết tiếng Anh dịch hộ những đánh giá 1* Đây là một ví dụ: "Janet Chan - 1 star. Bribery happens at this airport. The customs are definitely greedy and always ask for money! Uncivilized!". "Janet Chan -  đánh giá 1*: Hiện tượng nhận hối lộ ở sân bay. Hải quan quá tham lam và luôn xin tiền! Thiếu văn minh!".

Hãy nhìn sang những nước láng giềng và tự hỏi tại sao họ phát triển hơn chúng ta? Vì những người cán bộ nhà nước của họ khôn ngoan hơn các anh chị, họ biết rằng "vài chục đồng xin xỏ" ngày hôm nay có thể làm họ rủng rỉnh vài tuần nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai họ và cả con cháu họ. Vì những người cán bộ nhà nước của họ biết xấu hổ, nhục nhã, không tham lam vô liêm sỉ.

Hãy động não suy nghĩ đi các anh chị.

(Nội Bài 13/1/2016)”.

Câu chuyện này, có thật hay không? Biết hỏi ai bây giờ? Mà nếu có, biết đâu lại gặp câu trả lời: “Hỏi thế mà cũng hỏi. Lo làm thơ đi Q ơi”. Đành lòng vậy. Cam lòng vậy. Cứ như thế, để còn thấy đời vui.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.1.2016

hoangsa1

Giấy chứng tử quân nhân Phạm Ngọc Đa - Ảnh: Gia đình cung cấp (nguồn: Thanh Niên Online)

 

Nếu chọn lấy một sự kiện quan trọng nhất, phản ánh đúng tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc từ sau ngày 30.4.1975 đến nay, chọn gì? Đừng quên, chính tinh thần đó, đã là động lực thúc đẩy hàng triệu con dân nước Việt lao vào cuộc chiến tranh xương máu vì sự nghiệp Thống nhất Tổ Quốc. “Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. Đã có hàng hàng lớp lớp con người sống và chết trong tâm thế vẽ vang đó, họ hoàn toàn không nghĩ gì khác, không lường hết trước những gì sẽ xẩy ra sau đó. Đôi khi bi kịch của một dân tộc lại phản ánh qua bi kịch của từng cá nhân.

Còn nhớ, cách đây hai năm, lúc 9g ngày 14.3.2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức một cuộc gặp gỡ “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tại Đà Nẵng. Cuộc gặp này chính thức khởi động chương trình tìm kiếm, chia sẻ, kết nối và giúp đỡ vật chất, tinh thần cho thân nhân, gia đình hậu duệ các hùng binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, từ thời các chúa Nguyễn, đến các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa, bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, cùng những liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, trong trận chiến chống Trung Quốc xâm lược.

Trở lại với câu hỏi trên, chọn lấy sự kiện quan trọng nhất ắt mỗi người có một sự lựa chọn, tùy theo góc nhìn, quan điểm chính trị v.v… Với y, chỉ có thể là sự kiện vừa diễn ra: Lúc 10h ngày ngày 17.1.2016, LĐLĐVN đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại núi Thới Lới, xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó chính là “tượng đài của lòng dân”. Là biểu tượng của tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Lẽ ra tinh thần đó, tinh thần đoàn kết toàn dân mà ông cha từng dặn dò: “Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” phải được thể hiện từ chủ trương, chính sách cụ thể ngay sau ngày Thống nhất đất nước. Nhưng rồi. Mà thôi, nhắc lại làm gì. Dẫu muộn màng mà vẫn có, còn hơn không có. Mở ngoặc, nói thế thôi, các giá trị như nó vốn có thì không một quyền lực nào có thể xóa bỏ được. Đóng ngoặt.

Lần đầu tiên, danh sách 74 binh sĩ của Việt Nam Cộng hòa được báo điện tử Thanh Niên Tuổi Trẻ công bố. “Thanh Niên Online vừa nhận được thông tin từ gia đình một quân nhân hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa: “Gia đình chúng tôi có người mất trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, nhưng không thấy có tên trong danh sách. Thân nhân là Phạm Ngọc Đa, số quân là 71703011, phục vụ trên tàu HQ-10 (Nhật Tảo) với cấp bậc là trung sĩ. Trung sĩ Phạm Ngọc Đa không trực tiếp thiệt mạng trong trận chiến mà chết trong quá trình trôi dạt trên biển ba ngày sau khi tàu HQ-10 chìm  (22.1.1974)”. Như vậy danh sách lên đến 75 người.

Thêm một điều cảm động, hiện nay trên các mạng xã hội đã share “Văn tế 74 tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 17, 19 tháng Giêng năm 1974”. Văn tế này do Nguyễn Phúc Vĩnh Ba (Huế) soạn ngày 18.1.2014, toàn văn như sau:

Hỡi ơi!

Nhẹ tựa lông hồng; Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng; Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương; Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,

Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi; Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong; Bày một lễ thâm tình cung bái.

Nhớ các anh xưa,

Tuổi trẻ thanh xuân; Khí hùng chí đại.
Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường;  Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.
Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi. Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.
Từ Chúa Nguyễn sách văn (1) chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn; Đến Pháp Thanh công ước (2) còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.
San Francisco hội nghị (3), mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng; Việt Nam Quốc gia chính quyền (4), vui xiết kể, đón sơn hà trở lại.

Thế nên,

Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn; Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.
Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan; Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.
Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời; Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Có ngờ đâu,

Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian; Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.
Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo5, xây đồn đắp lũy đó đây; Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.
Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật (6),... giặc đã nuốt tươi; Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh (6),.. chúng đang xơi tái.
Lửa hờn bốc tận thanh vân; Khí uất tràn đầy thương hải.
Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng; Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.
Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha; Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư (7) né né tiễn lôi lèo lái.
Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài” (8); Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi” (9)

Thế nhưng,

Lực bất tòng tâm; Thiên dung vô lại (10).
Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng; Ta mất thế thượng phong, này sóng dữ, này đá ngầm, biển rộng đường xa phải trải.
Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn; Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.
Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng; Có ra sao mình cứ liều sống mái.
Đùng đoành trọng pháo nổ thấp cao; Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải.
Ngụy Văn Thà (11) trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y; Lý Thường Kiệt (12) lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.
Khói mù tàu giặc cháy bốc lên; Pháo nổ thuyền mình câu vọng lại.

Thương ơi!

Thế lực không cân; Thời cơ cũng trái.
Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm; Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.
Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già; Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.

Công các anh,

Tổ quốc thề không quên; Toàn dân nguyền nhớ mãi.
Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời; Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.
Máu tử sĩ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn; Xương anh linh rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.
Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn; Dân phú túc lúc người luôn thân ái.
Hôm nay.
Sơ sài lời điếu câu văn; Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.
Xót uy linh, xin tượng tạc bia xây; Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.
Mong các anh siêu độ tái sinh; Cầu đất nước dân an quốc thái.

Hỡi ơi!

Xót xa tiếng mất ý còn; Tha thiết lòng phơi ruột trải.
Hồn có linh thiêng; Niệm tình thụ bái.

Có một vài từ ngữ, thông tin lịch sử mà tác giả Văn tế đã giải thích:

(1) Đầu TK 17, Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.
(2) Ngày 9.6.1885: Hòa ước Thiên Tân kết thúc chiến tranh Pháp Thanh. Ngày 26.6.1887: Pháp và nhà Thanh xúc tiến ấn định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa.
(3) Ngày6.9.1951: Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.
(4) Năm 1954 - Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) quản lý.
(5) Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn. (Trần Công Trực)
(6) Tên các hòn đảo bị Trung Quốc xâm chiếm.
(7) Tên bốn chiến hạm tham gia trận hải chiến Hoàng Sa: HQ4 (Trần Khánh Dư), HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ10 (Nhật Tảo), và HQ16 (Lý Thường Kiệt).
(8) Tên bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần được Hạm trưởng HQ4 Trung tá Vũ Hữu San đọc để cổ võ tinh thần binh sĩ trước giờ khai hỏa.
(9) Tức là Trung Nghĩa, bổn phận của người lính.
(10) Trời dung tha phường vô lại.
(11) Thiếu tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng HQ10 Nhật Tảo.
(12) Lý Thường Kiệt là tàu HQ16.

Đến bao giờ những bài văn tế cùng chủ đề như thế này mới được chính thức xếp chung với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chẳng hạn? Nhật ký hôm nay, ghi thêm 2 comment của bạn đọc Thanh Niên Online: "Hồi ức, và quá khứ là một phần sự thật lịch sử, đã là lịch sử thì không được che dấu hay xuyên tạc. Cám ơn quý báo đã ghi lại sự thật về chiến sự này, cũng như cập nhật đầy đủ danh sách các chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc. Đã 40 năm rồi, người dân mới được biết rõ ràng sự thật. Muộn, nhưng có lẽ sẽ an ủi phần nào những thân nhân của những chiến sĩ bảo vệ tổ quốc. Đấu tranh để giành lại Hoàng Sa chính là điều cần thiết lúc này" (Khoa -Nguyễn Huệ); "Tôi đã xem và đã đọc lịch sử về trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, là người dân, đồng thời cũng là Đảng viên Đảng CSVN, cán bộ công chức nhà nước. Riêng suy nghĩ bản thân tôi, dù chế độ chính trị nào nhưng tất cả các quân nhân trong thời VNCH đã tham gia trận Hải chiến này đều xứng đáng được vinh danh, chính các anh đã hy sinh xương máu, bỏ mình giữa lòng biển cả để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là một điều đáng trân trọng và ghi nhận. Lịch sử đã chứng minh không có gì thay đổi Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là chủ quyền của Việt Nam (Phan Nghĩa Bình Nam, Củ Chi)".

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.1.2016

xoso-1452745924

Dãy số độc đắc Powerball - Ảnh: CBSN

 

Thời gian đi qua nhanh lắm, ngáp chưa kịp khép vành môi, ngậm miệng đã trôi tuột 24 giờ. Càng ngày, càng thấm thía câu này. Câu gì? Một câu trong bài hát nói của Cao Bá Quát: “Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ”. Từ điển Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích “nghịch lữ”: quán trọ, nhà trọ trên đường; và dịch: “Đời người ta trong khoảng trời đất cũng chỉ như thời gian ghé một quán trọ bên đường”. Thế đấy. Đã ở trọ, rồi lại đi. Đi hun hút về cõi hư không. Không dấu vết. Nhớ chưa? Những ngày này, cuối năm Âm lịch nhưng đầu năm Dương lịch. Gió đã thổi về sự nhớ nhung của rơm rạ quê nhà yêu dấu. Tiếng sóng vỗ sông Hàn. Mây trắng Ngũ Hành Sơn. Và những rét mướt thương yêu của mùa xuân tảo mộ. Nhưng rồi, vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Vẫn lao theo công việc của mỗi ngày.

Cà phê nhé? Đọc tờ Tuổi Trẻ sáng nay. Dừng lại với: “Chủ đề của đường hoa năm nay là “TP.HCM hòa bình, hội nhập và phát triển”, được tổ chức suốt cả trục đường phố đi bộ Nguyễn Huệ (từ quảng trường Hồ Chí Minh trước trụ sở UBND TP đến đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng), mở cửa từ 19g ngày 5.2.2016 (27 tháng chạp) đến 22g ngày 12.2 (mùng 5 tết)”. Năm nào cũng thế, cứ “đến hẹn lại lên”. Đôi khi nghĩ lẩn thẩn, tại sao không thực hiện những hạng mục có tính cố định, lâu dài, qua năm sau còn có thể sử dụng lại? Một công trình ngốn tiền tỷ, chỉ “chơi” vài ngày rồi bỏ, sau đó, dọn dẹp sạch sẽ, trả lại không gian thoáng đãng như trước. Rồi qua năm sau lại đổ tiền làm lại từ đầu, tất nhiên, hình ảnh, mô hình có khác tùy theo năm cầm tinh con vật nào của năm đó. Nghèo mà chơi sang là đây chăng?

À, thú vị với thông tin này cũng trên TT sáng nay: “Dân thế giới sốt với giải thưởng 1,5 tỉ USD: Nói chung, cùng với sự hỗ trợ của truyền thông và mạng xã hội, giải xổ số của Mỹ lần này thành công tột đỉnh. Nhưng có lẽ ít người biết rằng trước cơn sốt lần này, các hãng xổ số Mỹ phải vắt óc nghĩ ra cách “dụ” người dân bỏ tiền mua vé số. Báo Los Angeles Times chỉ ra một vấn đề của trò xổ số, đó là người Mỹ càng lúc càng chán với viễn cảnh trúng vài trăm triệu USD. Ví dụ như ở New Jersey hồi năm 2013, khi giải độc đắc chạm mốc 317 triệu USD, dân tình ùn ùn kéo nhau đi mua vé số, đẩy doanh thu lên gấp 4-5 lần bình thường. Cũng với số tiền trúng giải đó vào tháng 2.2015, tiền bán vé số của bang này giảm đi 25%. Đó là tình cảnh chung trên khắp nước Mỹ trước mùa thu năm ngoái. Còn bây giờ giới quan sát lại lo không biết giải độc đắc Powerball có bị đẩy quá xa không, dù đây là một nỗ lực của các bang Mỹ tăng nguồn thu ngân sách cũng như cứu lấy giải Powerball khỏi sự chán ngán. Con số 1,5 tỉ USD rất hấp dẫn dù hầu hết người Mỹ hiểu họ ít có cơ hội chiến thắng”.

Thú thật, trong đời, chẳng bao giờ y mua vé số. Tự dưng có một khoản tiền quá lớn, tiền hợp pháp  (như mua vé số) là phúc hay họa? Cái gì không phải do mồ hôi, nước mắt mà có ắt không bền. Với vụ vé số đang dấy lên cơn sốt, khó trúng đến cỡ nào? Hãy đọc tiếp: “Có người còn tính toán rằng để thoắt một cái trở thành tỉ phú lần này còn khó gấp mấy trăm lần cơ hội tự làm giàu để trở thành tỉ phú! Người Mỹ vốn ưa chính xác nên đã tính mọi thứ bằng các con số:

- Trở thành tỉ phú Mỹ: xác suất 1/575.097.
- Tử vong do sét đánh: xác suất 1/164.968.
- Có chỉ số IQ 190 (tức thông minh hơn cả bác học Albert Einstein): 1/107 triệu”.

Dù khó đến thế, mà thiên hạ vẫn náo nức mua vé số. Thậm chí có người còn tính đến cả mua tất cả những tập hợp số thì sao? “Câu trả lời: phải chi khoảng 584 triệu USD (như vậy là nếu trúng thì vẫn có lời) nhưng vấn đề là để mua tất cả những tập hợp số đó thì phải mất đến... 9 năm trong điều kiện mua mỗi vé chỉ mất 1 giây”.  Chà, chà cũng không "dễ ăn" chút nào. Nhưng với y, thông tin trên đáng quan tâm nhất vẫn là cái tâm lý của con người ta: “Bà Hải Trần kể đọc báo Mỹ hiện cứ loạn cả lên về chuyện giải Powerball. "Chưa biết ai sẽ trúng mà họ cứ bàn đủ thứ trên đời, từ chuyện trúng thì xài tiền như thế nào, rồi nên được tư vấn ra sao để tránh bị quấy rầy, bị đứng tim...”. Thì ra câu chuyện về cô Perrettte (Bê-rét) trong thơ ngụ ngôn La Fontaine đến nay vẫn chưa hề thay đổi. Lúc từ nhà mang sữa ra chợ bán, trên đường đi cô nghĩ sau khi bán sữa, lấy tiền đó mua trứng, trứng nở bầy gà con; bán bầy gà con, mua lợn; vỗ béo lợn, bán lợn mua bò; bò lại đẻ ra bê, chẳng mấy chốc giàu sụ. Chỉ cần nghĩ đến đó:

Cô Bê-rét nói rồi cũng nhảy
Sữa đổ nhào hết thẩy còn chi:
Nào bò, nào lợn, nào dê
Nào gà, nào trứng cùng đi đằng đời
(Nguyễn Văn Vĩnh dịch).

Xôi hỏng bỏng không. Chẳng có gì sất. Mà dù biết chẳng có gì nhưng con người ta vẫn muốn, vẫn luôn nghĩ, luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Không phải ngẫu nhiên, từ hàng trăm năm nay, các truyện thơ Nôm đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người ta ngâm nga, đọc đi đọc lại, bà ru cháu, mẹ kể cho con nghe… từ đời này sang đời nọ, chỉ vì nó “kết thúc có hậu”. Đọc lại truyện thơ Nôm khuyết danh như Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Nữ tú tài, Nhị độ mai, Thạch Sanh, Trê cóc, Quan Âm - Thị Kính, Phương Hoa, Phan Trần… vẫn thấy có chung mô-típ “kết thúc có hậu”. Ngay cả Lục Vân Tiên, Truyện Kiều cũng không đi ra ngoài mô-típ đó. Phải thế thôi. Dù thế nào đi nữa, sau những gió táp mưa sa, trắc trở tình đời, bẽ bàng duyên phận, đòn oan đày đọa gì gì đi nữa, bao giờ người ta cũng tin nó “kết thúc có hậu”.

Sực nhớ lại nơi lăng nọ rất linh liêng đối với cư dân người Sài Gòn, xuân thu nhị kỳ đều có tế lễ, cúng quẩy, xin xăm, xây chầu hát bội… Xin không nêu tên cụ thể. Khoảng thập niên 1990, anh bạn của y - một nhạc sĩ nổi tiếng được Phòng văn hóa thông tin cấp quận phân công phụ trách. Anh em văn nghệ sĩ thường đến chơi với anh. Có khi bàn chuyện sáng tác, có lúc “gài” độ nhậu. Ngày kia, có nhà văn lão lão thành, sau khi đã khật khừ say mới bảo rằng : “Vậy chú mày có muốn nơi này ngày càng đông người đến không?”. Mày, tao là tiếng xưng hô thân mật. Anh liền hỏi: “Bằng cách nào?”.

Như đã biết, sau khi van vái, người xin xăm hai tay cầm lấy ống bằng tre đựng nhiều que xăm, cứ thế mà lắc, hễ cây nào rơi ra trước thì chọn cây đó. Chuyện tương lai hậu vận ứng vào quẻ xăm đó. Trên mỗi cây xăm đều có đánh số thứ tự. Căn cứ vào đó mà bước ra ngoài, thường có cái tủ chia nhiều ngăn, mở hộc tủ có ghi số thứ tự mà tìm lấy mẩu giấy đã in sẵn lời giải. Mỗi số thứ tự là một lời giải khác nhau, có vui có buồn, có hên có xui, có được lộc, có hao tài v.v và v.v… Đọc xong lời giải đó, tùy theo nội dung mà người xin xăm vui hay buồn, hân hoan hay âu lo, yêu đời hay chán đời. “Thay đổi lời giải đi. Những lời giải nào u ám liên quan đến chết chóc, tai nạn, ly dị, khủng bố, giật nợ, bị cắm sừng v.v… thì gạt bỏ; chỉ giữ lại những câu hanh thông, tài lộc, vinh hoa, phú quý, quý nhân phù hộ, mua may bán đắc; nếu cần thì sáng tác bổ sung thêm...”. Với cách làm này, tất nhiên anh em giữ kín, không ai có thể biết, quả nhiên, về sau, khách thập phương kéo đến ngày một nhiều hơn. Xin được xăm, đọc lời giải hanh thông vui vẽ, họ cảm thấy an tâm, yêu đời, yêu người, phấn chấn hơn với công ăn việc làm, tình yêu đôi lứa, xây nhà, dựng vợ gả chồng, đào giếng, khai trương…. Có như thế lần sau họ mới đến lại lần nữa. Chứ đọc xong lời giải, chẳng biết hư thật, đúng sai thế nào mà chỉ rặt sự xúi quẩy, lần sau có cho tiền cũng chớ dại béng mảng tới làm chi.

Các truyện thơ Nôm cũng thế thôi. Khép lại trang sách phải là “vườn xuân một cửa để bia muôn đời”, vợ chồng sum họp, người oan được giải oan, kẻ xấu đền tội, thi đậu trạng nguyên, đính hôn với công chúa, phò mã của nhà vua… thì mới nhẹ lòng, mới hả hê. Có như thế, lần sau mới tiếp tục ngâm nga vui buồn cùng nhân vật qua bao gian nan, hoạn nạn, tai ương vì biết cuối cùng “kết thúc có hậu”. Có như thế mới cảm thấy yêu đời hơn. Nhẹ lòng hơn.

Vụ chơi vé số cũng thế chăng? Cũng là mua lấy một hy vọng, là chờ đợi một “kết thúc có hậu” dành cho riêng mình. Báo Tuổi Trẻ Online hôm nay, lúc 14/01/2016 11:59 GMT+7 đã post tin: “Giải xổ số Powerball đã công bố con số trúng giải là 8 - 27 - 34 - 4 - 19 và con số độc đắc là 10”. 1,5 tỉ USD là số tiền trúng giải độc đắc. Nếu lọt vào tay, y sẽ làm gì? Chỉ mới nghĩ đến đó, đã thấy cô Perrettte qua nét vẽ của họa sĩ Mạnh Quỳnh - minh họa bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh in năm 1928 đang nháy mắt cười tình.

Há chẳng vui đấy sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.1.2016

thuyen-nhna-1R


Có thể hiểu nôm na, Thông Tấn xã (TTX) là hãng thông tấn quốc gia, phát ngôn chính thức về mọi vấn đề của Chính phủ đất nước đó. Việt Nam TTX ra đời ngày 15.9.1945 - ngày đã phát đi toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời chiến tranh, ở miền Nam Việt nam, TTX của chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng được thành lập. Nó ra đời ngày tháng năm nào? Nếu chịu khó một chút, đọc lại một vài tài liệu ắt tìm ra. Cùng lúc, cũng ở miền Nam, trong vùng giải phóng, ngày 12.10.1960 TTX Giải phóng chính thức ra đời, đã hợp nhất với Việt Nam TTX. Ngày 12.5.1977, Việt Nam TTX được đổi thành TTX Việt Nam.

Do tầm quan trọng của một hãng thông tấn quốc gia, vì thế, có những tin tức các báo khác đồng loạt đưa tin lấy từ nguồn của TTX. Thậm chí, đưa đúng nguyên văn mà không bình luận. Những ngày này, các báo đồng loạt đưa tin từ TTX Việt Nam về “Tổng duyệt tập phương bảo vệ Đại hội Đảng”, nguyên văn như sau:

“Bộ Công an đã tổ chức tổng duyệt lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng XII tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 7.1.2015.

Buổi tổng duyệt có khoảng 5.200 cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, 125 ôtô, môtô đặc chủng và trực thăng, khoảng 100 ôtô chở quân của nhiều đơn vị vũ trang khác nhau trong ngành công an cùng sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Mở đầu chương trình tổng duyệt là phần nghi thức trong Lễ xuất quân, phần duyệt đội ngũ và diễu hành phương tiện. Tiếp đó là các phần thực binh xử lý tình huống giả định giải quyết tập trung đông người phá rối an ninh, trật tự; bạo loạn ở Ủy ban Nhân dân thành phố và Trung tâm hội nghị quốc gia; thực binh xử lý tình huống khống chế các đối tượng khủng bố bắt cóc con tin, đòi tiền chuộc trên xe ôtô và trong khách sạn…
Có khoảng 125 xe đặc chủng được trang bị tối tân tham gia bảo vệ Đại hội Đảng; trong đó có dàn xe bộ binh bánh lốp (BTR-60PB) của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Hỏa lực mạnh cộng với tính cơ động cao nên xe có thể chở bộ đội tác chiến trên nhiều địa hình và làm nhiệm vụ chống bạo loạn.

Ngoài các vũ khí tối tân, tham gia các hoạt động bảo vệ Đại hội Đảng XII còn có các chiến sỹ thuộc các đội cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động tinh nhuệ, nhanh nhạy (TTXVN)”.

Đây là một trong những kế hoạch quan trọng trong năm của Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh cho Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra từ 20-28/1/2016 tại Hà Nội. Sự việc này, trước đó, qua các kỳ Đại hội Đảng chưa hề diễn ra như thế.

Sáng nay, Báo Tuổi Trẻ, có bài Trung Quốc phải chấm dứt bay ra Trường Sa. Đáng chú ý, đã có hai gạch chéo màu đỏ trên tấm hình nhằm minh họa cho chú thích: “Hai máy bay dân dụng đậu trên đường băng do Trung Quốc xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc công bố những tấm ảnh chụp máy bay từ tối 6.1.2016”. Hai gạch chéo này đã được dư luận hoan nghênh về một phong cách báo chí, thể hiện rõ thái độ của người làm báo.

Tuy nhiên, BOX  thông tin này cũng quan trọng không kém: “Trong văn bản gửi văn phòng Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 6.1, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo về việc một số máy bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay”; "Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết các máy bay nói trên bay theo đường bay thẳng trong không phận quốc tế từ phía bắc đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 28-12-2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay đến đá Chữ Thập của Việt Nam. Cục Hàng không khẳng định hoạt động của các máy bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực".

Trước đó, cũng trên Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 1.1.2016, lại đọc thấy tin Thiết lập đường dây liên lạc bộ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc: “Ngày 31.12.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn có cuộc điện đàm nhân dịp Bộ Quốc phòng hai nước thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp”; “là một nội dung hợp tác mới thể hiện sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện để lãnh đạo quân đội hai nước kịp thời trao đổi những vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc phòng song phương”.

Xâu chuỗi các sự kiện, thấy gì?

Ngày 6.1.2016, tại TP.Nam Định diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - rõ giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu) ở người Việt do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức. Hội thảo thu hút 47 GS, PGS, TSKH, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Trong đó có 11 học giả quốc tế đến từ Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc... Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà nghiên cứu, các thanh đồng từ khắp các vùng miền trong cả nước. “Theo PGS-TS Từ Thị Loan, cùng với việc đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016, Bộ VH-TT-DL cũng đã chuẩn bị chương trình hành động để bảo vệ, giữ gìn di sản này không đi chệch hướng (Báo Thanh Niên ngày 7.1.2016).

Vừa tìm được, trong hiệu sách cũ quyển Thuyền nhân do Carina Hoàng tuyển chọn các bài viết, tranh minh họa, sưu tập hình ảnh hoặc tự chụp rồi in ấn. Theo giới thiệu cuối sách, Carina Hoàng hiện đang theo chương trình tiến sĩ về Nhân văn tại Đại học Curtin (Tây Úc). Sách in năm 2015, in đẹp, khổ 29x21cm, giấy tốt, trắng bóng, nhiều tác giả, nhiều hình ảnh. Mở đầu quyển sách này, đề từ là câu của Aldous Huxley: “Sự thật không ngừng hiện hữu chỉ vì nó không được nói đến”. Cái hay của tập sách không nằm ở văn chương chữ nghĩa, không cần phải hư cấu, tưởng tượng, tô son phết vàng, hoa hòe hoa sói. Hiện thực của đời sống phong phú, đa chiều, đa dạng hơn trí tưởng tượng của nhà văn. Cái hay ở đây là sự chân thật, tác giả (người Việt vượt biên), người Mỹ (làm công tác giúp đỡ người tỵ nạn), họ không phải nhà văn, chỉ là những con người bình thường, bình dị lẫn lộn trong thập loại chúng sinh dưới gầm trời bi thương, điên dại này. Họ trình bày câu chuyện một cách hân thật với tư cách người trong cuộc. Không “chống cộng”, không căm thù, không hoan hô, không đả đảo, chỉ kể lại sự bi thảm của cái kiếp người mà họ đã trải qua, đã chứng kiến. Đúng như nhận xét của Wanneroo Times: “Những câu chuyện, hình ảnh và minh họa trong quyển sách này sẽ làm ngay cả những kẻ có trai tim sắt đá phải bật khóc”.

Đọc muốn khóc. Đọc là thương. Không thương sao được, chẳng hạn, trường hợp bà cụ đã ngoài 80: “Bà nội đã quá già nên không đi nổi, tôi cõng bà trên lưng mình. Cha tôi đã lo ngại rằng bà yếu quá không đi nổi cuộc hành trình. Bà muốn đi cùng với con cháu cho đến ngày cuối cùng của bà” (tr.158). Có lẽ đó là chuyến đi sung sướng, hạnh phúc nhất của bà, dù gian khổ cùng cực đến cỡ nào đi nữa, chẳng hề gì, vì bên cạnh đã có cháu con. Với đàn bà Á Đông, con cái là tất cả. Con cái ở đâu là quê nhà ở đó. Nhưng rồi cuối cùng, bà bỏ xác ở một nơi xa lạ mà lần đầu tiên bà đặt chân đến. “Tôi cõng bà một lần nữa, lần này vào rừng để chôn cất. Bà tôi đã biết trước có thể bà không đến nơi được, nhưng bà không muốn chết đi mà không có con cháu bên cạnh” (tr. 159). Sau đó, con cháu định cư ở Úc.  Bà cụ được chôn ở đảo Kuku (Indonesia), nằm lại trơ trọi ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Còn có biết bao người Việt đáng thương như thế?

Một quyển sách đáng đọc. Đọc là muốn khóc. Đọc là thương.

Tuy nhiên, thú thật, y không dám đọc kỹ, chỉ dám gói kỹ và đặt ở một nơi trang trọng trong tủ sách. Bi kịch khủng khiếp này không của một cá nhân nào, nó đã thuộc về một phần ký ức bi thảm nhất của cả một dân tộc. Đến một thời điểm nào đó, có thể gần thôi, chắc chắn vấn đề thuyền nhân sẽ được nhìn nhận lại. "Nợ máu thì phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì phải trả lãi càng nhiều!" (Lỗ Tấn). Bao giờ mới chính thức có cuộc cầu siêu cho những số phận:

...

Bãi tha ma, kẻ dọc người ngang

Cô hồn nhờ gửi tha phương

Gió trăng hiu hắt khói hương lạnh lùng!

Cũng có kẻ vào sông ra bể

Cánh buồm thưa chạy xế gió đông

Gặp cơn giông tố giữa dòng

Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.

Phật hữu tình từ bi phổ độ

Chớ ngại rằng có có không không.

Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng

Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.1.2016

 

Truyen-Kieu-abn-tieng-Nga1-R

Truyện Kiều bản tiếng Nga

 

Chuyện làng văn của nước nhà, có thể ghi nhận đây là tin vui đầu năm 2016.

Theo Báo Thanh Niên ngày hôm qua: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được chọn vào danh sách tác phẩm đọc ngoài giờ của học sinh từ lớp 6 - 12 của nhiều trường trung học tại Thái Lan. Bộ Giáo dục Thái Lan có quy định học sinh phải đọc tác phẩm văn học của các nước trong khối ASEAN, đặc biệt sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, và các trường có thể tự chọn tác phẩm cho học sinh của mình”, từ Thái Lan, TS Montira Rato, người dịch tác phẩm trên sang tiếng Thái vừa cho biết. Chị cũng nói thêm ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Chulalongkorn (Bangkok) trong môn văn học (Introduction to Literature) của bộ môn văn học so sánh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã sớm được đưa vào danh sách các tác phẩm mà sinh viên năm thứ 2 có thể chọn làm tiểu luận và mỗi khóa học đã có hàng chục sinh viên chọn viết về cuốn sách này để nộp cuối học kỳ. Như vậy, sau tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua được Đại học Quốc gia Moskva của Nga đưa vào chương trình giảng dạy từ năm 2012, bây giờ thêm một tác phẩm nữa của Nguyễn Nhật Ánh được giảng dạy trong trường học ở nước ngoài”.

Kế cái tin vui là tin không vui.

Như đã biết, những ngày cuối đời, nằm trên gường bệnh GS-TS Trần Văn Khê có viết di nguyện, trong đó, quan trọng nhất, ông mong muốn: 1. Tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam; 2. Căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) nơi ông sống từ năm 2006, sau khi từ Pháp quy cố hương được sử dụng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Đến nay, do nhiều lý do cả hai ý nguyện trên đều không thực hiện được.

Dù biện minh bằng tất cả lý do gì đi nữa, sự thiệt thòi không thuộc về người đã khuất. Lại thêm một lần nữa, nhìn thấy rõ hơn nữa một não trạng của một cơ chế đã thuộc về bản chất.

Trước đó, chiều ngày 24.12.2015 tại Chùa Quán Thế Âm, Q. Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), lần đầu tiên khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại Việt Nam, nằm trong khuôn viên hơn 7.000m2, lưu giữ hơn 500 hiện vật, cổ vật quý hiếm. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần - tâm linh của người Việt, đồng thời góp phần trong việc giữ gìn những di sản văn hóa Phật giáo. Với những gì GS-TS Trần Văn Khê đã chắt chiu sưu tập, bảo quản cẩn trọng v.v…hoàn toàn có thể lập nên một không gian âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sực nhớ lại trường hợp của nhà Nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy (1920-1995), nếu lúc ấy nhà cầm quyền có phép ứng xử đúng điệu ắt kho tư liệu đồ sộ của ông còn giúp ích cho đời sau nhiều lắm.

Nhiều người lấy làm tâm đắc ca từ: “Dựng lại người, dựng lại nhà” của Trịnh Công Sơn. Sau chiến tranh hoang tàn, đổ nát, cái gì cần dựng trước? Câu hỏi đó, nhìn qua những gì đã diễn ra mới thấy sự tài tình, thông tuệ của một người nhạc sĩ tài hoa.

Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩm,

Bán điểm chu thần vạn khách thường

(Một đôi tay ngọc nghìn người gối,

Nửa điểm môi son vạn khách hôn)

Lâu nay, rất thích hai câu thơ này. Tất nhiên, không rõ tác giả. Chiều nay, nằm đọc quyển sách vừa mua Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục (NXB Khoa học Xã hội) của Phạm Tú Châu. Đọc ở trang 140 mới biết thêm rằng: “Tìm tư liệu của zhidao.baidu.com trên mạng thì thấy 2 câu này trong bài Nam Lương thôn phụ phán lang quy tình ca (Tình ca về người phụ nữ nông thôn ở Nam Lương mong chồng về) gồm tám đoạn, bốn đoạn trên kể lên đường đi nghìn dặm tìm chồng và không ngờ đã tìm thấy chồng đang mải vui thú với gái làng chơi. Đoạn thứ sáu dịch nghĩa như sau:

Gà mái đôi tám khéo điểm trang,

Đêm đêm động phòng đổi tân lang.

Đôi cánh tay ngọc nghìn người gối,

Nửa điểm môi son vạn khách hôn.

“Gà mái” chỉ gái điếm, vì kê (gà) đồng âm với kỹ (kỹ nữ), “nhất song ngọc thủ” (đôi bàn tay ngọc) được đính chính cho đúng là “nhất song ngọc tí” (đôi cánh tay ngọc)”. Thú vị chưa? Tự suy luận ra rằng, không phải ngẫu nhiên, gần đây trong tiếng lóng có cụm từ “gà móng đỏ”. Nhưng tác giả bài thơ trên là ai, vẫn chưa rõ.

Những ngày đầu năm, vẫn không gì mới. Mỗi ngày lặng lẽ đi qua. Nghĩ đến Tết âm lịch, chẳng náo nức gì mấy. May mà còn có niềm vui đọc sách, viết nhì nhằng, bằng không làm gì cho hết một ngày. Đêm qua, lai rai với Đoàn Tuấn cùng vài người bạn. Nhận lấy tập từ Tuấn tập thơ Kiều bản tiếng Nga. Lúc ấy, tự dưng lại nhớ đến ngày tháng ở biên giới Tây Nam, lúc ấy cũng tước đoạt quyển Truyện Kiều mà Tuấn giấu kín ở ba lô. Ôi cái sự đời, thoáng đó đã xa.

Nhắc lại với Tuấn, về sự kiện sáng 26.12.2015, tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tổ chức khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh Gia Lai, Việt Nam và Rattanakiri, Campuchia. Địa danh O Za Đao nghe thân thiết quá đi mất. Ngày đó, đã đến đó và làm bài thơ ở đó. Thơ rằng: “Rũ áo bụi đỏ biên giới/ Nhảy tắm suối O Za Đao/ Đôi dép lốp kỳ lưng nhau/ Suối bạc cười lên trắng xóa”. Chơi với bạn cũ còn có cái thú, qua bạn, lại nhớ về thời trẻ của chính mình. Đã lâu rồi có đọc tản văn của nghệ sĩ hài Xuân Hương, chi tiết này cảm động, đại khái, khi nhìn thấy bạn của ba mình là lại nhớ đến thân phụ, vì thế, như một tình cảm tự nhiên cảm thấy quý mến họ.

Đoạn thơ trên viết năm 1979 ở O Za Đao, bao nhiêu năm rồi? Đọc lại thấy xa lạ gì không? Ắt có. Đó là từ “dép lốp”. Loại dép này ra đời trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947 còn gọi “dép Bình Trị Thiên”, “dép cao su” chế tạo là từ lốp ô tô. Nhiều tư liệu cho rằng,  ý tưởng đầu tiên làm ra dép lốp thuộc về đại sứ, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Tra trên Google sẽ tìm khối thông tin, vì thế không bàn thêm nữa. Quái lạ, ở ngoài Bắc, Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội - 1977) do Văn Tân chủ biên lại không ghi nhận, chỉ có “dép cong” (tr.244). Ở trong Nam, Việt Nam tân từ điển (Nhà sách Khai Trí in năm 1965) của Thanh Nghị, chỉ ghi nhận “dép da”, “dép dừa”, “dép cong” (tr.401). Tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin - 1998) do Nguyễn Như Ý chủ biên, có ghi nhận “dép cao su” tức “dép lốp” bên cạnh các loại dép cong, dép da, dép dừa, dép lê, dép một, dép nhựa (tr.530). Thế đấy, bây giờ mấy ai còn nhìn thấy đôi “dép lốp” nữa. Rồi không ai sử dụng từ này nữa, tự nó mất đi. Đọc lại câu thơ “Đôi dép lốp kỳ lưng nhau” lại thương lấy tuổi trẻ của chính mình, Tuấn nhỉ?

Nhân trường hợp tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chọn vào danh sách tác phẩm đọc ngoài giờ của học sinh từ lớp 6 - 12 của nhiều trường trung học tại Thái Lan, có ý nghĩ muốn làm bộ sách giáo khoa của học trò miền Nam trước 1975. Đơn giản thôi, chỉ là chọn lại những bài học thuộc lòng, tập làm văn, chính tả đã in trong các tập sách Quốc văn, Việt ngữ, Tập đọc của cấp tiểu học, qua đó, giải thích lại các từ ngữ đã sử dụng, in lại hình ảnh đã có trong sách. Với cách tuyển chọn này, ít ra không chỉ là tài liệu giáo dục của một thời mà còn là những trang văn cần thiết cho các bạn trẻ. Vừa nói ra ý định, anh bạn làm xuất bản trầm tư một chút rồi lại trầm tư. Quái lạ, những gì về văn hóa, văn chương liên quan đến trước 1975 vẫn còn là sự dè dặt đến khó hiểu.

Dù biện minh bằng tất cả lý do gì đi nữa, sự thiệt thòi không thuộc về người đã khuất. Lại thêm một lần nữa, nhìn thấy rõ hơn nữa một não trạng của một cơ chế đã thuộc về bản chất.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 20 trong tổng số 58