LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.10.2016

 

tap-chi-Huong-que-s-59

 

Về Hội An, đứng trước căn nhà cổ đều thấy có gắn hình con mắt. Gắn ngay phía trên cửa bước vào trong nhà. Đó là nét văn hóa tâm linh. Từng nghe có người giải thích, đại khái là con mắt của tướng Uất Lũy, tục gọi là Thần giữ cửa - gắn liền với đến tín ngưỡng của người Hoa từ hàng trăm năm trước khi đến với phố cổ Hội An. Chẳng rõ, có phải thế không? Nhưng xét ra cũng có lý. Dù cái lý ấy đúng hay chưa nhưng vẫn cảm được cái đẹp của con mắt ấy. Tùy theo thẩm mỹ, mỗi nhà làm mỗi phách, tựu trung vẫn là con mắt tròn, có nhà còn treo thêm cả dãy lụa đỏ. Ngày xưa, khi cảm một câu thơ hay, có những từ khoái chí người đọc bèn khuyên son vào từ đó. Và gọi “nhãn tự”, tức con mắt của chữ. Chính chữ ấy khiến câu thơ bừng lên sức sống như cá quẫy trên mặt sóng. “Nhãn tự” nay có thể gọi là “từ khóa”.

Có những câu ca dao, đọc một lần là nhớ. Âm điệu, câu chữ cứ ngân vang mãi. Như tơ, như mây giăng mắc trong trí nhớ. “Mưa lâm râm trên núi mưa về/ Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em”.  Sự xao xuyến ấy, dù không giải thích nhưng câu chữ như từng đợt sóng vỗ mãi trong lòng. “Cái hạc bay lên vút tận trời/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi” (Tản Đà). Câu thơ dứt rồi nhưng cái tình buồn rười rượi vẫn còn đọng lại.

Do đâu? Tại cơn cớ làm sao?

Có danh họa nọ, vẽ vời thuộc loại thần sầu quỷ khốc. Có lần chàng ta vào đình chùa miếu mạo thấy có tượng rồng đá, đang ngứa tay bèn lấy mực tàu “điểm nhãn”, tức vẽ hai mắt. Lạ chưa, con rồng đá đột nhiên cựa quậy như vừa được đánh thức, bỗng “vút tận trời/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”. Câu thơ của Tản Đà, “nhãn tự” nằm ở từ “chơi”. Câu ca dao “Mưa lâm râm trên núi mưa về”, “từ khóa” chính là “lâm râm/ mưa lâm râm”. Mưa nhỏ hạt, nhẹ hạt mà mưa dai, vì thế nhiều người chủ quan nên không dè ướt áo. Mới đây nhất, có một chuyện “không dè” đã rúng động làng báo. Không thể không ghi lại, dù rằng, đây là nỗi đau chung của những người viết báo. Con sâu làm rầu nồi canh. Đố có sai.

Rằng, “Vụ nước mắm nhiễm asen”, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo làm rõ vấn đề và Bộ Y tế cũng đã có cuộc kiểm tra, công bố kết quả về nước mắm Việt Nam. Nói chắc như đinh đóng cột, nước mắm truyền thống trên thị trường đều an toàn đối với người sử dụng. Qua đó, không dè, Báo Thanh Niên, phải gỡ bỏ 5 bài viết đã được đăng tải trên Báo Thanh Niên Online (Gồm các bài: Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp, ngày 10.10.2016; Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Đi tìm nước mắm sạch, ngày 11.10.2016; Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín, ngày 12.10.2016; Tiêu chuẩn nào cho nước mắm Việt? ngày 13.10.2016; Lỗ hổng trong quy định về phụ gia thực phẩm, ngày 17.10.2016).

Mà asen là cái quái quỷ gì đã khiến hàng triệu, triệu người phải quan tâm đến nó? Thú thật, y không thể giải thích được rạch ròi. Xin mượn lời của anh bạn họa sĩ Đức tức PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức vừa phát biểu trên báo Người Lao Động sáng nay. Nói nôm na, asen asen là thạch tín. Thạch tín độc hại là hợp chất asen vô cơ, còn asen hữu cơ thì an toàn cho sức khỏe: “Nước mắm truyền thống làm từ cá biển và không có các phụ gia nào khác. Đương nhiên, nước mắm sẽ chứa một lượng asen nhất định và chủ yếu là asen hữu cơ nên không gây ngộ độc. Hàng ngàn năm nay, người Việt đã dùng nước mắm truyền thống và chưa có chuyện ngộ độc asen. Nếu bị ngộ độc asen vì nước mắm thì đó không phải là nước mắm truyền thống mà là thứ đã pha chế thêm các phụ gia và các phụ gia này có lẫn tạp chất là asen vô cơ hoặc nghiêm trọng hơn nếu vùng biển mà ngư dân đánh bắt cá làm nước mắm đã bị ô nhiễm chất thải công nghiệp chứa asen vô cơ”.

Tại sao đưa thông tin không chính xác về nước mắm truyền thống, lại trở thành "lớn chuyện"? Với y, chính là lúc vì một lý do gì đó (sau mật báo), người ta dám xúc phạm đến một nền văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần “đánh” vào loại nước mắm cụ thể. Bữa cơm của người Việt từ hàng ngàn năm nay, tiêu biểu nhất vẫn chính là chén nước mắm đặt giữa mâm cơm. Nó xuất hiện song hành cùng đôi đũa. Nói cách khác đôi đũa và chén nước mắm chính là diện mạo tiêu biểu nhất, khái quát nhất trong bữa cơm người Đại Việt ngàn năm nay đã ăn và đi mở cõi. Hiểu thế, để thấy nước mắm thiêng liêng trong tâm thức dân tộc đến cỡ nào. Ngày qua Mỹ, năm 2008, y viết quyển tạp bút Một ngày ở Mỹ, cuối cùng, một tứ thơ chốt lại vẫn là:

Mặt tôi quê mùa như nước mắm

Một giọt thơm lâu giữ nếp nhà

Vạn dặm đường xa không đổi mặt

Mặt nào cũng giống mặt người ta

Giọt nước mắm của người Việt có thể sánh ngang hàng với bất kỳ loại nước chấm truyền thống của mọi dân tộc trên trái đất. Lẫn thẩn thêm một chút nữa, chẳng hạn, ngày xưa, ở miền Nam làm nước mắm thế nào? Câu hỏi này, tha hồ tìm đọc trên mạng. Vẫn biết thế. Ấy thế, y đã thuộc về thế giới của hạng người đã cũ nghĩa là vẫn thích đọc từ giấy trắng mực đen, có nguồn kiểm chứng, trích dẫn chu đáo. Vậy, y đọc từ đâu? Trước năm 1975, có hai loại tạp chí in dẹp, nhiều hình ảnh, được phát không cho người đọc, đó là Thế giới tự doHương quê. Nguyệt san Hương quê, tòa soạn ở 145 đại lộ Nguyễn Huệ; Thế giới tự do tòa soạn ở 39 Hàm Nghi - Sài Gòn.  Nhẩn nha đọc lại xem sao. Kể ra cũng là cái thú của những ai sưu tập sách, báo cũ. Muốn lúc nào, có ngay lúc đó. Chẳng cần phải chầu chực tại các thư viện. Rất mất thời gian. Đang mải mê đọc, thoáng chốc, hết giờ hành chánh, phải trả sách, đứng dậy ra về dù vẫn còn thòm thèm, chẳng khác gì đang đói lại được cho ăn một bát phở ngon, nửa chừng phải dừng đũa. Còn gì cáu cho bằng?

Theo Thế giới tự do số 10, tập VII năm 1958: “Hiện nay, Việt Nam đứng vào hàng đầu các quốc gia ở Á Châu trong việc việc sản xuất và tiêu thụ nước mắm”. Từ “Việt Nam” ta hiểu dùng để chỉ miền Nam. “Mỗi năm chừng 50 ngàn tấn cá và 20 vạn tấn muối, hai nguyên liệu chính dùng để làm nước mắm, đã được dùng trong kỹ nghệ này. Muối làm nước mắm lấy ở Hòn Khoai, Phan  Thiết, Bà Rịa và Bạc Liêu…”.

Nước mắm ngon dầm con cá diệc

Em có chồng rồi thưa thiệt anh hay

Từ “thiệt” rặt giọng miền Nam. Nghe thấy lễ phép mà thương quá. Ở ngoài Bắc, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thời trẻ nổi tiếng là tay chơi bạt mạng giang hồ, tiêu xài không kém “công tử Bạc Liêu” cũng nhờ có gia đình là chủ cơ sỏ sản xuất nước mắm. Những ca khúc đầu tiên của ông, lúc in ra phát hành rộng rãi còn có in kèm quảng cáo Hãng nước mắm Vạn Vân. Y vẫn thích Xuân Diệu với câu thơ giàu nghĩa nặng tình: “Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở vạn Gò Bồi làm nước mắm/ Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm”. Những con người ấy, dù chưa gặp nhưng tự dưng đã thấy có cảm tình.

Đọc bài báo trên, y tìm thấy một từ lạ trong câu: “Sau khi muối cá được 48 tiếng, người ta rút ra một thứ nước đầu tiên gọi là nước bổi”. Nước bổi, nghe lạ tai nhỉ? Và dùng để làm gì? Thì đây, “Người ta rút nước ra thùng con và chan trở lại trên thùng lớn. Làm như thế nhiều lần đến khi nước thật trong là có một thứ nước mắm cốt”. Còn có thể gọi “nước mắm nhỉ/ nước mắm trong/ nước mắm không pha chế”. Nói như ngôn từ thời thượng là nước mắm “rin” (cách nói tắt của từ original).

Thử hỏi, trong nước mắm viết “nhỉ” hay nhĩ? Từ điển wikipedia ghi nhận “mắm nhĩ” nhưng trong bài khẳng định “nhỉ” với giải thích: “Chính xác phải gọi là "mắm nhỉ". Sở dĩ gọi là "nhỉ" vì loại nước mắm này đúng nghĩa phải được lấy/hứng từ các giọt nước mắm đầu tiên được "nhỉ" ra, hay nói cách khác là rò rỉ ra từng giọt, từng giọt từ lỗ nùi (lỗ thông) đang bịt kín ở đáy thùng hay lu vại đang chứa cá đã đến thời gian chín có thể lấy nước mắm thành phẩm”. Đúng quá. Không gì phải nói thêm. Ngày ra Phan Thiết, đã tận mắt nhìn thấy các cơ sở sản xuất nước mắm, gọi "nhà lều/ nhà thùng". Trong lều có nhiều thùng nước mắm, 24 thùng là 1 "que". Thời gian ủ cá với muối từ 8 đến 10 tháng, gọi "chượp/ ủ chượp". Vậy mỗi thùng chứa được bao nhiêu lít? Câu hỏi này, dễ hay khó? Chẳng lẽ phải gọi điện thoại ra Phan Thiết mà hỏi chăng? Không, bài báo này cho biết mỗi thùng 3.000 lít. Khiếp thật. Thời bao cấp, làm lén nước mắm, người ta "chượp" cá trong lu sành có sức chừa khoảng 200 lít. Cái lu này còn có tên gọi rất hấp dẫn "mái vú". Lại nhớ đến câu thơ đã viết tại Phan Thiết, chừng hơn 20 năm trước: "Buộc tôi yêu nước mắm/ Là cá quẫy dưới sông/ Là môi em mằn mặn/ Lẫn trong chút son hồng". Thơ hay nhỉ. Mà em nào vậy hả Q?

Đã tìm hiểu vấn đề gì, cứ đọc cho nó rốt ráo. Việc gì phải dừng lại ở đây? Trời đang đẹp. Gió đang mát. Được gõ phím, há chẳng phải lạc thú đó sao? Đúng quá. Nào ai dám cãi. Tờ Hương quê số 59 cho biết ở miền Nam: “Với 56.000 mành lưới lớn nhỏ, đủ cỡ, năm 1964 họ thu hoạch được gần 400.000 tấn cá, gồm 345.000 tấn cá biển và 32 ngàn tấn cá đồng”. Về số lượng sản xuất nước mắm? Có số lượng cụ thể của các tình Bình Thuận, Khánh Hòa, Phước Tuy, An Xuyên, Định Tường, Phú Quốc. Nhưng cao nhất vẫn là Bình Thuận: 16 triệu 156 ngàn lít/ năm.

Đọc và tìm thấy một từ lạ trong câu: “Cá biển, người ta chia ra cá nòi và cá tạp. Cá nòi là danh từ dùng để chỉ những loại cá chế tạo ra những thứ nước mắm ngon”. À, vậy hóa ra xưa nay người ta vẫn từ “nòi” dành cho cá ư? Thân mật và gần gũi quá. Con nòi/ con nhà nòi, còn gọi con dòng, con giống tức con chính tông. Nếu không phải “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”", gọi là “con cửi”. Giải thích thế nào? Có phải do lấy hình ảnh từ con thoi trên khung cửi dệt vải, chỉ chạy “ngang hông” chứ không chạy dọc?”. Ngang hông là bỗng dưng, tự dưng, chẳng định trước vì thế, “con cửi” khó có thể sánh với “con nòi”.

Như đã biết “người ta chia ra cá nòi và cá tạp”. Vậy “cá tạp” có liên quan gi đến câu tục ngữ: “Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn”? Sao lại không? Tập tàng là hỗn hợp, lẫn lộn nhiều thứ vốn chất lượng kém, giá trị không cao. “Cá tạp” tức tập hơp nhiều loại cá, chúng sống gần bờ, ngư dân đánh bắt bằng lưới giã. Tóm lại, nước mắm ngon, nói như các bà nội trợ Quảng Nam là “thơm điếc mũi” ắt phải chọn “cá nòi”. Cụ thể, làm nước mắm với cá biển phải chọn: cá nục, cá mòi, cá cơm, cá lẹp, cá lầm, cá trích, cá sơn…; làm nước mắm với cá đồng, phải chọn cá linh là không chê vào đâu được. Nước mắm ngon đến độ, cô em trong câu ca dao phải thốt lên vời vợi tâm tình:

Con cá cơm thơm hơn con cá bẹ
Bởi mê nước mắm hòn mà em trốn mẹ theo anh

Nhân bàn chuyện vẩn vơ về cá, đêm qua đi nhậu lai rai nhưng không  dám gọi cá. Anh bạn chủ quán vốn trước kia có làm báo, sau gác bút chuyển sang nghề mở nhà hàng. Anh có một chuỗi nhà hàng nổi tiếng, rất thành công, thực khách nườm nượp ngày đêm. Lúc đang có chút men say bèn hỏi cà khịa: “Ở đây, nhà hàng mình có bán cá Vũng Áng không?”. Nói rồi cười rất đỗi vô tư, chứ chẳng hàm ý mỉa mai gì. Nào ngờ, anh bạn sẫm mặt, đột ngột gương mặt ưu tư: “Nói thật, những nhà hàng lớn tại Sài Gòn hiện nay, nếu thật lòng vì an toàn thực phẩm cho khách, không ai dám nhập các nguồn cá biển miền Trung, từ Đà Nẳng trở ra”.

Chỉ một câu nói đó, bỗng dưng tỉnh rượu. Lạnh buốt sống lưng.

Chỉ riêng miền Nam, như tờ Thế giới tự do cho biết những năm 1958 đã “đứng vào hàng đầu các quốc gia ở Á Châu trong việc việc sản xuất và tiêu thụ nước mắm”, vậy mà nay không có cá để ăn; hoặc có đó nhưng lại không dám dụng đũa. Lẽ nào bàng quan buột miệng xuôi xị: “không dè” cho qua truông? Phải là thái độ “dậm chân kêu trời/ kêu trời không thấu/ trời ơi là trời”. Nếu vậy, ông trời trả lời thế nào? Phải chăng ông trời lặp lại một câu trong Luận ngữ: “Thiên hà ngôn tại” (Trời có nói gì đâu)?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.10.2016

 

sach-dasm-thoai-Phap-Viet-xx

 

Mưa lâm râm trên núi mưa về

Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em

Cha chả là hay. Tại sao hay? Khó có thể giải thích thích rành mạch, rõ ràng. Đứng trước mặt người đàn bà đẹp, lại mới quen, liệu có ai dám sổ sàng bàn đến chuyện giường chiếu không? Chớ dại. Lúc ấy, chỉ có thể âm thầm cảm xúc, lặng lẽ tưởng tượng và tuyệt đối im lặng. Câu ca dao trên nó hay chỗ nào? Ở vần “è” chăng? Dè dặt. E dè. Không dè. Nào dè. Khi phát âm tiếng “dè” có phải cái lưỡi áp xuống và miệng há ra trong chừng mực? Căn cứ vào cách biểu hiện của miệng và lưỡi, chẳng hạn, từ “o” lúc phát âm cái miệng tròn như chữ o, chữ “ô” cái miệng cũng tròn nhưng hơi nhô ra v.v… ông Lê Văn Siêu có lẽ là người trước nhất đã xếp tiếng Việt theo 22 bộ tượng hình. Chẳng hạn, “è” thì ông xếp vào “bộ béo” cùng với ị, ệ, ì, ề tả những hình dáng béo mập như béo ị, phệ bụng, phát phì, bị, bị xị, xề, bè v.v… Có thể tìm đọc trong bộ sách Việt Nam văn minh sử. Phải là người yêu tiếng Việt, đắm đuối với tiếng Việi, ông Siêu mới nhọc công, mày mò phân loại....

“Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em”. Câu ca dao hay ở chỗ, sự ngạc nhiên, sửng sốt của cô gái. Mưa, tất nhiên là ướt, nếu không trú, có chừa ai đâu. Thế nhưng cô gái lạ ngạc nhiên một cách lạ lùng đến độ “không dè”, “ai dè”, “dè đâu”, “không ngờ”. Mà “dè” cũng đồng nghĩa với “dè/dè dặt” - tức dùng nhín/nhón từng chút một, đề phòng lúc thiếu như “ăn dè”, “uống dè”. Thành ngữ có câu “Chặt tre dè đầu mắt”, “dè” ở đây lại kiêng dè, kiêng nể. Tùy ngữ cảnh, tâm thế đó có thể thay qua từ khác, chẳng hạn “Đánh chó ngó chủ”. Lúc ấy, con mắt láo liên, nhìn trước ngó sau, cẩn thận rồi mới dám ra tay.

Từ “dè” có đi gần với “đè” không? Ngớ ngẫn chưa, hỏi thế mà cũng hỏi. Bùi Giáng có câu thơ lung linh sắc nước: “Người con gái lội qua khe/ Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau/ Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu/ Bàn chân với nước cùng nhau lại đè”. Đè là lấy sức mạnh áp lên trên mà đè xuống, nhận xuống, dằn xuống. Câu ca dao có từ “đè”, bấy lâu nay y ghét cay ghét đắng: “Hôm qua lên núi hái chè/ Gặp thằng phải gió nó đè em ra”. Ghét vì hành động sự cưỡng bức, không có sự đồng thuận mà ép, chiếm đoạt cho bằng được. Thật ra, câu ca dao này chẳng phải do người phụ nữ nào than thở cả, chỉ là lời lếu láo, bông phèng của bọn đàn ông ăn không ngồi rồi, rỗi việc, “tám” giết thời giờ nên mới bịa ra dăm câu nhảm nhí mua cười. Bằng chứng nữa, thêm hai câu sau, nó thô tục quá vì thế không dẫn chứng ra, lại càng không phải là lời ăn tiếng nói của phụ nữ xưa nay.

Cái “đè” chỉ sự thật thà người Việt: “Ống tre đè miệng giạ” là cứ thật thà đong cho bằng miệng giạ. Ối dào, từ “giạ” nay vẫn còn nghe đấy nhưng giải thích ra làm sao? Theo ông Huình Tịnh Paulus Của (1895): “Đồ đong lúa, đương (đan) bằng tre, giống cái thúng sâu lòng, thường dựng chừng 10 ô trở lại”. Hiểu rõ chưa? Chưa ạ. Bởi “ô” là gì? Hãy nghe giải thích tiếp: “Ô: đồ dùng mà đong lúa gạo, đúc bằng đồng hoặc tiện bằng gỗ”. Có nhiều loại “ô” mà “ô mười” là ô đong gạo lớn nhất. Cái ô này, nay nhiều nhà đã thay qua dùng lon sữa bò cho nó tiện.

Hiểu rõ chưa? Chưa ạ. Bởi “ô” đó đựng được bao nhiêu gạo, trọng lượng cụ thể ra làm sao làm gì? Ca dao Nam bộ có câu: “Tĩn ve chai năm nay sụt giá/ Tôi bán không khá/ Tôi trở về Rạch Giá mua một giạ khoai lang”. “Giạ” hiểu theo nghĩa trên, ngoài Bắc có sử dụng không? Việt Nam tự điển (1931) chỉ ghi nhận: “Giạ: dệt bằng lông chiên như áo giạ, chăn giạ”. Vậy dùng từ gì? Từ “lường: đong lường, lường gạo v.v…

Trong tủ sách gia đình của y có quyển Manuel de Conversation Française - Annmite in tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX cho biết: “Về phép lường thì ngày xưa nói chắc không đặng, vì mỗi tỉnh đều có đồ dùng riêng hết thảy. Trong tỉnh này thì kêu bằng “lường”, trong tỉnh kia thì kêu bằng “vuông”, trong tỉnh nọ thì kêu bằng “giạ”. Bởi đó cho nên kẻ mua phải coi cho biết trước lường ấy, bởi vì thuở nay trong xứ nầy đồ lường không giống nhau” (tr.176-177). Có thể hiểu, lường là đo lường, đong, tính toán. Ông trạng Lương Thế Vinh do soạn sách dạy toán pháp nên được tôn vinh Trạng Lường là vậy. Tiện tay chép lại từ quyển sách trên những từ có liên quan đến lường mà nay đã mất hút: Toát = 1 Nhón; Sao = 1 nhắm; hạp = 10 thược; thược = 10 sao; thăng = 10 hạp; đấu = 10 thăng; hộc = 10 đấu.

Rồi cũng tiện tay chép thêm vài từ khác nữa.

Chẳng hạn, lâu này trong các bài khảo cứu về cà phê du nhập vào Việt Nam, nhiều người đã viết rất tốt. Có công tra cứu loại thức uống đó xuất hiện từ lúc nào, người Việt tiếp cập ra làm sao v.v… Có điều, họ đều dùng từ “cà phê”. Thật ra, thuở ban đầu người Việt, cụ thể ở Sài Gòn còn dùng một từ tương đương nữa. Xin đọc câu đàm thoại: “Les caféiers ne prospèrent pas/ Cây trà phe không tốt gì” (tr.32). Lại nữa, “Buvez - vous de la bière du vin?/ Anh uống rượu bọt hay rượu chát” (tr.133). Rõ ràng, tiếng tiếng “rượu bọt” được sử dụng trước, nay mất hút, chỉ có thể là bia. Lại nữa, về từ “cảm ơn”: “Merci; quel est votre nom?/ Ừ, giã ơn, chú tên gì?” (125) v.v… Thú vị câu này: “Ông có ăn trầu khi nào chưa?”, “Chưa có lần nào hết, tôi lấy làm gớm lắm, nhất là khi mấy bà già hay ăn trầu, cái miệng họ đỏ lòm tợ như máu trong miệng mà chảy ra vậy (tr.79) v.v…

Ngay cả sau này, thập niên 1930, khi sang Việt Nam, vua hề Charlot -  Charlie Chaplin  (1898 - 1977) còn kinh ngạc, thốt lên” không dè” khi thấy phụ nữ người Việt còn ăn cả chí/chấy nữa. Thật không? Nói có sách mách có chứng. Năm 1936, sau khi quay xong phim Thời đại mới, vua hề Charlot -   cùng với cô Paulette Goddard làm một chuyến viễn du. Từ Los Angeles họ đáp tàu thủy sang San Francisco. Tại đây, ban đầu họ định đi Trung Quốc, nhưng sau đó đổi ý, đi Honolulu. Sau đó họ đến Nhật, Singapore, Hong Kong và Việt Nam. Trong chuyến đi này, Charlot và Paulette Goddard “đã làm lễ cuới bí mật trên một chiếc tàu chạy giữa sông Thái Bình Dương và tận hưởng tuần trăng mật” (Sạc-li Sa-plin của Phạm Văn Khoa - NXB Văn hóa - 1984). Cũng theo sách này, khi đến Hà Nội, hai người đã ở tại khách sạn Métropole.

Lâu nay, ta chỉ mới biết đến thế về những ngày Charlot ở Hà Nội. Gần đây đọc lại bộ Phong hóa (số 185 ra ngày 1.5.1936), y thấy có bài “Phong hóa phỏng vấn Charlot” do nhà văn, nhà báo Thạch Lam thực hiện. Trang bìa vẽ cảnh một đám tang ở nông thôn miền Bắc với dòng chữ chú thích: “Người hướng dẫn: - Ông Lý làng này vừa mới chết, mọi người đương kéo đến ăn đầy nhà. Charlot (sững sốt): - Họ ăn thịt người à?”. Quả là một bức tranh ý vị. Khi đối diện với Vua hề, nhà văn Thạch Lam nhận xét: “Tôi đã quen nhìn Charlot với bộ râu và cái mũ lệch, đến nỗi bây giờ ngồi trước mặt Charlot thật tôi hơi lấy làm lạ. Nhưng cũng vẫn là một con người, vẫn đôi mắt đen và sáng, vẫn cái nhìn sâu xa nhiều ý nghĩa của anh “ma-cà-bông” trong phim Ánh sáng của thành phố”.  Trong bài phỏng vấn, Charlot đã trả lời nhà báo Thạch Lam về bộ phim Thời đại mới:

- Tôi rất muốn tả cảnh đời máy móc bây giờ. Người làm nô lệ cho máy, cũng làm những công việc như máy, rồi cũng vô giá trị như máy vậy. Cái vai tôi đóng trong phim ấy là một anh chàng bị máy móc và công việc trong nhà máy làm thành ngớ ngẩn... Bởi thế đi đến chỗ nào anh ta cũng tưởng tượng ra cái đinh ốc, là công việc của anh ta trong cái nhà máy...

- Thế khi sang đến đây, ông còn tưởng tượng xoáy đinh ốc nữa không?

- Có phải tôi đâu. Người trong phim kia mà. Tôi nói nốt: sau cùng anh ta trốn về nhà quê, gặp được cô gái quê ngây thơ và xinh đẹp...

Tôi ngắt lời:

- Là cô này có phải không ? Thế thì ông sung sướng thật !

Cô Paulette hơi đỏ mặt vì lời khen tặng của tôi, mỉm cười”.

Sau đó, nhà văn Thạch Lam đã “vụt nẩy ra một ý kiến làm quảng cáo cho nước nhà:  “Nếu ông cần có ý kiến lạ thì bên tôi nhiều lắm. Tôi sẽ nói cho ông nghe. Ví dụ, ông có thấy ở nước nào đám tang thì mổ bò ăn khao và thổi kèn Madelon bao giờ không ? Chắc là không. Ấy thế mà ở nước tôi có. Lại còn các cụ Lý quê đi đâu thì treo đôi giày cẩn thận ở đầu ô, sợ nó mòn. Giá lần sau ông cho anh Charlot treo đôi giày trên đầu ô rồi nghênh ngang ở phố Chicago thì có phải thú không?”. Charlot nấc ra cười: “Tôi cũng đồng ý với ông”.

Trong lúc hai người trò chuyện, cô Paulette hỏi nhà văn Thạch Lam: “-Tôi xin lỗi, tôi hỏi ông một câu. Từ khi sang đây, tôi hằng thấy ở các vệ hè thành phố, những ngày nắng từng túm tụm đàn bà, con gái ngồi. Một người xõa tóc, còn một người bới tóc và thỉnh thoảng họ đưa tay lên mồm. Họ làm gì thế thưa ông?”. “- Họ... họ... ngồi phơi nắng!”. “- Phải, cái đó tôi biết rồi. Ở bên Mỹ chúng tôi cũng ngồi phơi nắng luôn. Nhưng còn cái việc khác kia?” . “- À... ấy là họ bắt chấy cho nhau”. “- Bắt chấy! Trời ơi họ lại ăn chấy nữa à?”.  “- Ăn rồi nó cũng quen đi!”.

Qua đối thoại này, ta đã thấy được vài “sự lạ” mà Charlot đã “không dè” đến độ ngớ người ra. Và chính ông hứa là sẽ đem những tình tiết này vào trong bộ phim sẽ thực hiện sau khi về nước. Rất tiếc, sau đó, Charlot đã không làm, vì như  đã biết, sau Thời đại mới thì ông bắt tay vào làm Kẻ độc tài (1940). Chưa dừng lại đó, qua số báo sau (số 186 ra ngày 8.5.1936), nhà văn, nhà báo Thạch Lam lại có bài tổng kết Các báo phỏng vấn Charlot từ các báo Trung Bắc, Đông Pháp v.v... Và ngoài bìa số báo này, chúng ta thấy Báo Phong hóa vẽ cảnh Charlot và Paulette đứng xem xe đám ma! Bức tranh này có tên Dung hòa Âu - Á với lời chú thích trên cùng: “Lệ của ta: mẹ chết thì con trai phải đi thụt lùi trước linh cữu. Nhưng ngày nay, con trai đứng trên xe hơi và xe... chạy thụt lùi!”.

Cũng trong số báo này, thấy có bài thơ “Vua hề Charlot” của Vua trào phúng Tú Mỡ: “Chẳng mấy khi Vua hề Sạc-lố/ Đất Lạc Hồng quá bộ sang chơi/ Tú tôi vui vẻ dâng lời/ Tung hô vạn tuế vui cười thế gian/ Ngài du lịch không quan hộ giá/ Chẳng cung nhân hầu hạ bên mình/ Chẳng kèn, chẳng trống linh đình/ Chẳng cờ, chẳng quạt linh tinh rợp trời/ Một mình với một người tri kỷ/ Cuộc Nam du phỉ chí tang bồng/ Lu bù vui với núi sông/ Danh lam thắng cảnh thỏa lòng ngao du/ Chẳng phiền nhiễu kẻ thù người tiếp/ Chẳng “đít-cua”, chẳng tiệc chẳng tùng/ Tay không lẫm liệt oai hùng/ Thế mà thiên hạ nức lòng hoan nghênh/ Môn giễu cợt tài tình có một/ Khiến đời cười nôn ruột nôn gan/ Hỏi rằng trong khắp nhân gian/ Ai còn lạ mặt anh chàng hề kia/ Trên mép điểm bộ ria lún phún/ Mặt ngây ngô, đần độn, lì lì/ Thân hình, dáng dấp dị kì/ Áo quần luộm thuộm, chân đi vòng kiềng/ Trò ngộ nghĩnh nghề riêng tài giỏi/ Tiếng Vua cười thế giới lừng danh”

Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên của thi ca Việt Nam hiện đại “Vịnh”... Charlot! Mà nay đọc lại vẫn thấy thú vị. Và lại càng thú vị với cái sự “không dè” của cô Paulette Goddard lúc đi cùng Charlot sang Việt Nam. Còn y, những ngày này, “không dè” đến chuyện gì vậy?

Mưa lâm râm trên núi mưa về

Ướt cây, ướt lá, không dè ướt em

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.10.2016

14721499_1215422211850118_41539150357114814_RRRRRRRRn

 

Vân Tiên ghé lại bên đàng

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô

Kêu rằng: "Bớ lũ hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Có lẽ đây là đoạn hay nhất trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu? Đúng thế. Người đọc hả hê, sung sướng, phải thế chứ, giữa lúc dân tình “than khóc tưng bừng” bởi “đảng lâu la/ Tên rằng Đỗ Dự hiệu là Phong lai” đang tác oai, tác quái, lập tức chàng ra tay nghĩa hiệp. Cụ Đồ miêu tả cực hay, rất điện ảnh: “Vân Tiên tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương dang/ Lâu la bốn phía vỡ tan/ Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay/ Phong Lai trở chẳng kịp tay/ Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.

Bấy giờ, nàng Kiều Nguyệt Nga cùng tất tì Kim Liên dợm bước ra khỏi xe “cúi đầu trăm lạy”. Họ muốn bày tỏ lòng cám ơn, chàng vội vội vàng vàng: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái, ta là phận trai”. Thời buổi này, giữa nam và nữ, không nhất thiết phải lên tiếng khăng khăng, quyết liệt đến thế. Thế nhưng tinh thần: “Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” luôn là một giá trị bất biến? Đúng thế. Thế nhưng, oái oăm thay, trong một vài trường hợp cụ thế, hành động nghĩa hiệp đó cũng bị “xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng”.

Y nói đùa chăng? Không hề.

Mấy hôm nay, thông tin về một nữ nhân viên hàng không bị hai tên côn đồ tấn công tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), lập tức gây sốc dư luận. Chưa cần biết lý do gì nhưng hành động đánh một đào tơ liễu yếu - nhất là sự việc diễn ra cận kề ngày 20.10 - ngày phụ nữ được tôn vinh. Không một ai chấp nhận. Qua clip đã ghi nhận, ngay lúc cô này bị một gã kẹp cổ cho gã kia đánh tới tập, may thay, có người đàn ông từ phía sau lao tới, đạp thẳng vào kẻ đang giở trò mất dạy. Hắn ta té chúi nhủi, lăn cù. Phải thế chứ. Tính cách nghĩa hiệp “Lục Vân Tiên” thời nào cũng có. Đáng hoan nghênh và cần biểu dương.

Ai ai cũng nghĩ như thế, duy chỉ có ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc lại không nghĩ thế. Ông nghĩ khác như thế nào? Theo ông, đó là "hành vi gây rối trật tự công cộng". Trên trang Facebok cá nhân, đồng nghiệp Ngô Nguyệt Hữu bình luận đó là phát biểu của một người “trong trạng thái máu không lên não kịp”.

Thế nào là “hành vi gây rối trật tự công cộng”?

Y dốt về luật, vì thế, xin ghi lại phát biểu của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời báo Pháp luật TP.HCM áng nay: “Hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi của người có lời nói, cử chỉ tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng tỏ ra coi thường trật tự chung, gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy, hành hung người khác (nhưng không gây thương tích, nếu đã gây thương tích thì đó là chuyện khác), gây lộn ở nơi công viên, rạp hát, vườn hoa, quảng trường, sân bay, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… Người có hành vi gây rối trật tự công cộng thực hiện với lỗi cố ý “nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra". Và hành động kịp thời ra tay của các Lục Vân Tiên: “Đó cũng là trách nhiệm của công dân khi thấy bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người khác một cách trái pháp luật thì đều có quyền ngăn chặn hành vi vi phạm đó”.

Vậy đã rõ.

Suy nghĩ của ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc nguy hiểm ở chỗ, hàng trăm năm trước cụ Đồ Chiểu đã chỉ ra: “Thôi thôi chẳng dám nói lâu/ Chạy đi cho khỏi kẻo âu tới mình”. Thấy chuyện bất bình, dại gì  ra tay. Biết đâu vạ lây đến mình. Né đi chỗ khác. Nhắm mắt bịt tai cho nó lành. Sự vô cảm cũng từ đó mà ra. Nhiều người cho biết, khi đi đứng ngoài đường, tận mắt chứng việc này, chuyện nọ trái tai gai mắt cũng không dám can thiệp, thậm chí không dám đứng ra làm chứng vì biết chắc sau đó vướng lấy bao phiền toái, rắc rối. Mệt lắm. Né luôn cho xong. Ai xui thì chịu. Tóm lại, suy nghĩ của ông Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc đã góp phần bổ sung cho sự phong phú, đa dạng về định nghĩa mới vài từ trong tiếng Việt. Chẳng hạn, tát: chạm tay vào má; đá: đưa chân hơi cao; năm tóc kéo: vuốt tóc; bị đánh gục: nằm ăn vạ; giải cứu người bị đánh: gây rối trật tự công cộng v.v...

Sống ở đời, thời buổi này dễ hay khó đây? Khó lắm chứ. Bởi lẽ, có những điều hiển nhiên được thừa nhận, nhưng nay đã khác. Bi hài kịch là chỗ đó.

Lại thêm chuyện dở khóc dỡ cười như người nọ vừa trúng số giải đặc biệt của Công ty xổ số điện toán VN (Vietlott). Trong tổng số phát ra là 8,1 triệu vé thì người này may mắn nhất, đã mua được vé trúng trị giá 92 tỷ đồng. Nhân đây nói thêm, ở Mỹ, tổng số phát ra là 292 triệu vé. Tóm lại, với số tiền khủng như trên, gia đình người tốt số có thể ăn ngon ngủ yên, sống một cuộc đời sung túc? Không hề. Bao nhiêu phiền lụy ùn ùa kéo đến khiến họ phải bỏ nhà lánh nạn. Tại sao? Từ bốn phương tám hướng, người ta kéo đến “xin lộc” bất kể thời gian, đáng gờm nhất là các tay xã hội đen đã vác xác đến “xin đểu”. Kêu trời không thấu!

Câu “kêu trời không thấu”, chiều qua y đã buột miệng kêu lên.

Rằng mấy hôm nay mấy bà nội không biết chọn mua nước mắm thế nào là an toàn thực phẩm? Ai làm nên cớ sự? Một tổ chức “phản động” nào đã tung tin vịt, tin đồn nhảm hăng? Không hề. Đó chính là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas)! Nghiệt thật. Đố ai có thể tưởng tượng ra nổi. Vinastas ngang nhiên công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép. Theo quy định, thẩm quyền công bố chất lượng nước mắm thuộc về Bộ Y tế mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm, chứ không phải của hội nào đó. Vinastas muốn làm thì phải được Bộ Y tế ủy quyền chứ không phải thích thì đứng ra công bố. Sự nhập nhằng của công bố này ở chỗ, asen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Nói tắt một lời, trả lời Báo Pháp luật TP.HCM sáng nay, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ho rằng: “Vụ nước mắm nhiễm asen”: Có dấu hiệu câu kết bất lương”.

Còn có chuyện gì khiến y “kêu trời không thấu” nữa không?

Xin trích lại một đoạn ngắn trên báo Tuổi Trẻ, y vừa đọc chiều qua. Rằng, phóng viên của tờ báo này đi tham quan Triều Tiên và kể lại nhiều chi tiết, có thể nhiều người chưa biết. Lúc tại Bình Nhưỡng, họ tới thăm và dâng hoa ở tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Tượng này cao 20m, được làm bằng đồng, vàng, nhiều kim loại quý và họ nhận xét: “Hoa ở đây chỉ toàn bó và lẵng, không có kệ và vòng hoa như thường thấy”.

Tại sao?

Bài báo viết: “Theo giải thích của cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba, ở Triều Tiên mọi người đều xem hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật còn sống. Đó là lý do chỉ được phép viếng lãnh tụ bằng bó hoa và lẵng hoa. Tuyệt đối cấm viếng bằng vòng hoa vì họ quan niệm vật này chỉ có thể dành cho người đã chết. An ninh trong chuyện này cũng rất gắt gao, các cơ quan ngoại giao cũng không được phép mua và trực tiếp mang hoa đến viếng, mà chỉ có thể đặt tiền trước cho một cơ quan phục vụ chuyên trách”.  Bất kỳ ai khi viếng dâng hoa trước tượng đài đều phải kính cẩn gập lưng cúi chào. Nếu không, “sau đó cả đoàn bị buộc phải quay lại hành lễ, gập cả lưng mới được rời khu đồi”. Người Triều Tiên rất tôn kính lãnh tụ của họ.

Tôn kính như thế nào?

“Một nhà báo Hàn Quốc khi đến thăm tượng đài hỏi rằng bức tượng nặng bao nhiêu tấn. Một em thiếu niên trả lời rằng bức tượng nặng bằng cả tình cảm của người dân Triều Tiên dành cho lãnh tụ cộng lại. Về chiều cao, em thiếu niên tiếp lời: tượng cao bằng lòng tôn kính của tất cả người dân Triều Tiên đối với vị lãnh tụ xếp chồng lên nhau”... Câu chuyện kỳ lạ đầu tiên ấy do đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi kể cho chúng tôi ngay sau chuyến thăm và dâng hoa ở tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật khi vừa đặt chân đến Bình Nhưỡng”.

Còn có chuyện gì khiến y “kêu trời không thấu” nữa không? Ắt còn dài dài. Mà thôi. Không bàn chuyện đó nữa. Vừa mới hay tin nhà văn Lê Văn Thảo qua đời vi bệnh ung thư dạ dày. Khi viết những dòng này, trong đầu bỗng bật ra câu thơ:

Về thôi, “Lên núi thả mây”

Bỗng “Cơn giông” đến dạ dày buốt đau

Ngóng theo “Sông nước Vàm Nao”

“Ông cá hô” đã đi vào trăm năm…

Trăm năm khép lại. Đời người trôi qua nhanh lắm. Chỉ một nháy mắt. Ngoài trời vẫn đang mưa. Lại những câu thơ vụt ngang qua. Và níu lấy:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”

Câu hát buồn thiu. Ký ức nhạt nhòe

Mưa bây giờ cứng đờ như đá cuội

Từng giọt rơi rách toẹt cả trang thơ

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.10.2016



lulut_mien_trng_2106

 

Tự nhiên lòng thấy vui. Ấy là lúc bước vào cơ quan, nơi làm việc mỗi ngày đã thấy cái thùng từ thiện kêu gọi anh em tùy ý, tùy tâm bỏ tiền vào đó nhằm đóng góp giúp đồng bào lũ lụt miền Trung. Sống ở đời ai cũng cần có việc làm để kiếm tiền. Vì sự nhọc nhằn của sức lao động, khi chi xài phải cân nhắc. Thế nhưng, trước cảnh khốn khó “người trong một nước phải thương nhau cùng”, chẳng một ai cân nhắc thiệt hơn. Lại nhớ về những chuyến đi cứu trợ trước đây. Và viết ngay bài tường thuật gửi về tòa soạn. Tình yêu thương nhiều vùng đất cũng từ đó càng thêm nặng lòng.

Sáng nay, đọc thông tin Lời kêu gọi chung tay hỗ trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, từ Báo Thanh Niên. Nhói lòng. “Theo thống kê, tính đến chiều 17.10, tại các tỉnh trung và bắc Trung bộ đã có hàng chục người thương vong và mất tích do mưa lũ, hơn 100.000 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, hàng trăm ngàn héc ta hoa màu bị hư hại, nhiều gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi... Do nhiều tuyến đường bị chia cắt nên người dân ở các tỉnh miền Trung đang ra sức chống chọi với lũ lụt và ở các tỉnh này đã xuất hiện tình trạng đói khát ở những vùng bị lũ cô lập. Những thiệt hại ngày càng trở nên trầm trọng hơn, gây ảnh hưởng lâu dài hơn”.

Lâu nay, dư luận rộ lên với câu hỏi đau đớn, vì sao tâm tính người Việt ngày một xấu đi? Tàn nhẫn hơn. Độc ác hơn. Điều đó không sai. Nhưng rồi đến lúc lại thấy “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, lại thấy sáng ngời tâm thế “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Lá lành đùm lá rách”… Có một điều cần ghi nhận, các tổ chức xã hội, cá nhân đã huy động được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng từ những tấm lòng san sẻ cùng nỗi đau của đồng bào ruột thịt. Trước hết, phải do lòng nhân của người Việt ngàn đời nay vẫn thế và nhờ thế, các cá nhân mới có thể huy động được sự quyên góp số tiền lớn. Chẳng hạn, MC Phan Anh, một cá nhân với vài người bạn nghệ sĩ đã vận động trong thời gian ngắn được 10 tỉ đồng.

Tại sao họ có thể huy động được số tiền " khủng" đến thế?  Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Từ Kế Tường lý giải: “Điều này nói lên nhiều ý nghĩa: Đó là uy tín, là lòng tin, là "thương hiệu" cá nhân đủ sức thuyết phục cộng đồng chứ không phải những lời hô hào, khẩu hiệu, ngôn từ đao to búa lớn nhưng vô cảm. Nhất là những câu chất vấn "Làm từ thiện với động cơ gì?". Làm từ thiện chẳng có động cơ nào cả, ngoài động cơ duy nhất là giúp đồng bào khốn khổ vì bị thiên tai mưa lũ do trời và nhân tai xả lũ do thủy điện Hố Hô. Cũng đừng thắc mắc vì sao MC Phan Anh vận động được 10 tỉ (có thể sẽ hơn) chỉ trong thời gian rất ngắn vì người hảo tâm tin rằng Phan Anh và những người bạn của mình sẽ có cách đưa tiền tới tận tay đồng bào khốn khổ đang cần mà không bị ăn xén, ăn chận. Đơn giản vậy thôi”.

Đáng chú ý ở câu: “cách đưa tiền tới tận tay đồng bào khốn khổ đang cần mà không bị ăn xén, ăn chận”. Lâu nay, từ báo chí các đồng nghiệp đã phanh phui ra lắm vụ cán bộ cấp thấp lè tè, cao chót vót đã có hành động thô lậu, đáng lên án ấy. Ai trong cảnh màn trời chiếu đất, tang thương, đói rét thì mặc. Sống chết mặc bay. “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (Truyện Kiều). Một trong những từ xuất hiện nhiều nhất ở nghĩa phái sinh trong tiếng Việt chỉ có thể từ “ăn”.

Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí tiến đức ghi nhận “Ăn chận, ăn chẹt”: Thừa lúc người ta bối rối, hay nguy nan mà bắt chẹt lấy tiền, lấy của”. Thật ra ăn chận/ ăn chẹt không giống nhau. Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Ăn chẹt:  Phép đánh cờ gánh, chận chẹt đàng mà bắt con cờ người ta, kêu là ăn chẹt. Thôn trưởng nhơn việc thâu thuế làm quỷ quái thâu dư, hoặc ăn vặt của dân, cũng gọi làm ăn chẹt gánh”. Thành ngữ có câu: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc”; lại còn có dị bản: “Thợ may ăn rã, thợ mã ăn hồ, thợ mộc ăn giăm khô, thợ rèn ăn cứt sắt”. Nghĩ cho cùng, những cách “ăn” như trên cũng còn có thể chấp nhận được bởi từ sức lao động, từ nghề mà họ có ăn chút đỉnh cũng chẳng sao. Còn nếu ăn quá hớp, tọng đầy họng như cách nói hiện tại là “rút ruột công trình” - cỡ như đúc bê tông không hề có lõi sắt mà chỉ có... cọc tre thì nhà, cầu sụp cái đụi dễ như chơi.

Vậy “ăn chận” là gì? Là lợi dụng cương vị trung gian để lấy bớt phần người khác. Phần đó, người khác có được, được nhận là do lòng hảo tâm của bá tánh, nhưng do đóng vai trò trung gian "theo đúng quy trình" nên mình đớp luôn. Ấy mới sự khốn nạn, thô bỉ. Khi đồng loại đang đói khát, rét mướt, bệnh hoạn, ốm đau… khiến cả nước, kể cả kiều bào nước ngoài “nhường cơm xẻ áo” - mình đứng ra nhận lấy tấm lòng thể hiện qua vật chất cụ thể. Thay vì phân phát đúng người, đúng việc thì mình lại ăn chận! Vì lẽ đó, y biết nhiều tổ chức thiện nguyện, nhiều người làm tự thiện không tin vào cái gọi là “trung gian” nữa, họ đến trao tận nơi là vậy. Mà một khi đã ăn chận thì họ đứng ngoài nỗi đau chung. Nỗi đau này, anh bạn thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa post lên trang Facebook cá nhân:

Núi dựng đá mà sông thì dựng thác
Ngón chân tòe Giao Chỉ vẫn còn đi
Nước lũ rút rồi người vẫn còn nghẹn nước
Nghẹn đói nghèo mà chẳng được vân vi.

Quê hương ơi, bao lận đận hiểm nguy
Bốn phương người đang hướng về nơi ấy
Bồng bế nhau mà nghẹn tình thân ái
Nghẹn nỗi niềm: chỉ dân biết thương dân…

Những tấm lòng “chỉ dân biết thương dân”, đùm bọc lấy nhau quý lắm. Thời nào cũng có. Giá nhân nhân văn của dân tộc Việt ngàn đời nay vẫn thế. Không một ai có thể chấp nhận kẻ “ăn trên ngồi trốc” lại giở trò “ăn chận”. Nhân bàn chuyện về “ăn”, mới đây trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (số 20.10.2016) có bài viết của TS Lê Trung Hoa bàn về câu tục ngữ: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”. Theo ông: “Trước hết là câu: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”. Câu này hướng dẫn chúng ta cách ăn và cách uống trong lúc tham dự những bữa ăn tập thể như dự tiệc tùng hay cưới hỏi theo phép xã giao thông thường. “Ăn đưa xuống” khuyên chúng ta không nên bưng cái chén ăn liên tục mà thỉnh thoảng phải đặt chén xuống bàn, chờ mọi người cùng ăn với mình. Còn “uống đưa lên” khuyên chúng ta chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện (tr.14).

Cách giải thích này có hơp lý không?

Thiết nghĩ, cần bàn lại. Ăn, trong ngữ cảnh này không là ngồi ăn một mình như câu thơ của Hữu Thỉnh miêu tả người đàn bà góa bụa: “Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”. Ở đây, chính là lúc ăn đông người, ăn tập thể. Không chỉ mâm cao cổ đầy lúc ăn ở đình làng, ngồi thứ tự theo vai theo vế mà ngay cả trong gia đình cũng vậy. Mâm trên dành cho bậc trưởng thượng, cao niên và thức ăn bao giờ cũng nhiều hơn, ngon hơn mâm dưới của hạng cháu con (nếu trong nhà), dành cho bọn thấp cổ bé họng (nếu ở đình làng).

Vậy thì “Ăn đưa xuống”, tức là lúc bậc cả, người lớn bày tỏ sự thân thiện, quan tâm đến bề dưới. Cũng là cách ngầm cám ơn những gì mà họ đã cung cúc phục vụ, hầu hạ. Phép xử thế khôn ngoan ở đời đấy. Phải là sự “ăn đồng chia đủ” chứ không phải mỗi mình hưởng, rồi đến lúc hoạn nạn thì kêu ai? Nó có thèm tới không? Chính sử Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện năm 1257, lúc quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt ta, có kẻ suýt bị vua Trần giết của họ vì tội bất trung. Nguyên nhân sâu xa cũng vì phân bì miếng ăn mà nên tội. “Trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Đến khi quân  Nguyên tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng giang gặp hoàng thái tử đi  huyền ngược lên,  Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: “Quân Nguyên ở đâu". Cự Đà trả lời: “Không biết, đi mà hỏi những người ăn xoài ấy”. Đến đây, thái tử xin ghép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: “Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cực Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội”.

Miếng ăn, nhất là “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp” nó quan trọng thế đấy. Vậy nên “Ăn đưa xuống” là lời dạy về phép ứng xử của bậc trên dành cho cộng sự, tôi tớ, con cháu... Chứ không là: “khuyên chúng ta không nên bưng cái chén ăn liên tục mà thỉnh thoảng phải đặt chén xuống bàn, chờ mọi người cùng ăn với mình” (!). Nếu thế, ông bà ta có cách nói khác.

Còn “Uống đưa lên” cũng là phép ứng xử khôn ngoan nhưng dành cho kẻ dưới. “Đưa lên” là từ thấp đưa lên, tỷ như người từ mâm/ chiếu dưới đưa lên mâm/ chiếu trên. Lúc tiệc tùng, ăn nhậu, đã có chút men, “rượu vào lời ra” cũng là cơ hội tốt, thuận lợi giúp mình có thể tiếp cận đàn anh, bậc trên mà lâu nay không có điều kiện, hoặc không thể ngồi chung. Chỉ lúc này, với chén rượu đang lúc ăn uống mình có thể “đưa lên” mời mà không sợ trái phép. “Trời đánh tránh bữa ăn” kia mà, dẫu bấy lâu bậc đàn trên chẳng ưa thích gì mình, hoặc đang giận điều gì thì đây cũng là lúc cần thiết mượn động tác “đưa lên” đặng hóa giải. Mà “đưa lên” là động tác diễn ra nhanh gọn, rồi thoái lui, chứ đừng ngốc dại “ngồi lên” rồi ngồi ì ra đó như thể bằng vai phải lứa. "Đưa xuống" cũng thế. Dù thể hiện động tác có quan tâm đến kẻ dưới nhưng cũng không hề ngồi chung chạ. Vẫn đâu ra đấy. Vai vế đâu ra đó vẫn rõ ràng.

Tục ngữ, thành ngữ về định nghĩa của nó, đã rõ rồi, không cần nhắc lại nữa. Nhưng ít ra nó phải có tính đại chúng, phổ quát, chứ không dành riêng cho một đối tượng nào. Vậy, cách giải thích: “Còn “uống đưa lên” khuyên chúng ta chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện”. Thế thì, gặp người không biết, không khoái bia bọt dẫu một giọt thì “chốc chốc phải đưa ly rượu lên mời mọi người cùng uống cho vui vẻ, thân thiện” à? Thậm vô lý.

Sực nhớ lại chuyện tối qua. Cũng đi ăn. Vào cái quán “chuyên trị” món ăn Bắc, cầm cái thực đơn, ngoài bài ca dao về Thành Nam (tức Nam Định) còn câu vần vè này. Nhộn ra phết:  “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà/ Có anh hàng xóm đi qua/ Phải hơi khói thuốc say ba, bốn tuần/ Thêm chú gà trống ngoài sân/ Mỗ nhầm bã thuốc cánh, chân cứng đờ/ Lại còn chị mái hoa mơ/ Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả lông…”. Sách Vân Đài loại ngữ của danh nhân Lê Quý Đôn ghi: “Từ năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ (1658-1662), đời vua Lê Thần Tông, người Ai Lao đem cây ấy đến, dân ta trồng”. Tùy cách sử dụng, tên gọi thuốc lào có khác đi. Ngày xửa, ngày xưa, mẹ của y có ăn trầu, nay đã bỏ, thỉnh thoảng lại xỉa thêm một ít thuốc lào, một cách chà răng nhằm loại bỏ xác trầu. Nhúm thuốc lào này được gọi “thuốc xỉa”.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.10.2016

 

14718860_10210196686647468_6119349247546790157_n

 

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

Thoạt nghe đã cảm thấy là lạ, khó giải thích rạch ròi. Và, nó đã tạo nên sự tranh cãi. Thật ra, có những câu ca dao cần đặt tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của nó mới thể lý giải rõ ràng. Không sa vào tranh luận các ý kiến khác, chỉ nói rằng, phải đặt nó trong hoàn cảnh của ông Nguyễn Duy Hiệu, thủ lĩnh phong trào Nghĩa Hội (Quảng Nam). Tháng 7.1887, lực lượng nghĩ quân bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, Nguyễn Duy Hiệu lại đau đớn khi hay tin mẹ đã mất. Ông dẫn đứa con trai tìm về làng Thanh Hà. Giữa trảng cát nắng chói chang đến nhức mắt, ông quỳ xuống thắp nhang trước mồ mẹ. Gió thổi lồng lộng. Bão cát xoáy lên ngút trên trời... Ông tức tưởi khóc:

- Là bày tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nổi bất bình mà kêu cùng tạo hóa;

Là con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc sinh thành.

Sau đó, ông ngồi trong miếu Quan Công, ngước mắt nhìn khói nhang tỏa nghi ngút trước mộ mẹ giữa bão cát. Bỗng cả bó nhang ấy phừng phừng lửa đỏ như một bó đuốc! Điềm gì chăng? Nguyễn Duy Hiệu rùng mình, giữa trưa nắng mà toàn thân ông lạnh toát, khi ông vừa định thần lại thì quân giặc đã ùa tới vây bắt. Ngày 1.10.1887, Nguyễn Duy Hiệu bị chúng chém đầu tại pháp trường An Hòa (Huế). Khi đầu của người anh hùng rơi xuống đất, lập tức được chở bằng một chuyến xe tốc hành vào Quảng Nam, bêu cho công chúng dọc đường thấy - nhằm uy hiếp tinh thần của họ. Cùng lúc, các trạm phóng ngựa ruổi khắp tỉnh, cầm trên tay một dòng chữ rất lớn: “Hiệu đại thủ lĩnh đã bị giết”! Câu ca dao trên, chính là lời nhắn nhủ của ông Hiệu cùng các đồng chí.

Trưa ngày 14.10.2016, y về Đà Nẵng. Về thăm mẹ. Ngồi trên máy bay, nhớ hoài đến câu ca dao đó. Thật ra quê hương, quê nhà cũng chỉ là một khái niệm. Nếu về quê không còn có mẹ, liệu rằng, niềm háo hức, sung sướng, hồi hộp có còn? Ơn trời, mẹ y đã 90 nhưng vẫn còn đi đứng được và tuyệt vời nhất trí nhớ vẫn minh mẫn. Nhớ đâu ra có, không hề có dấu hiệu lú lẫn. Quá tuyệt. Về quê cũng là một cách nạp lại năng lượng. Gia đình. Bạn bè. Quán xá. Những món ăn ngon. Ngủ một đêm tại căn nhà của tuổi thơ. Rồi lại đi. Đi cũng có nghĩa là về. Về lại niềm vui công việc, với nơi trú mưa nắng và từng ngày cứ thế lại mải miết trôi đi. Mà còn có mẹ ngày nào, ngày về quê vẫn tiếp tục. Chỉ là dăm câu chuyện trò cho yên lòng. Rồi lại đi. Những ngày vui này, chẳng còn dài nữa đâu. Được thế nào, hãy biết thế ấy.

Sáng dậy sớm ở Đà Nẵng, lại có cảm giác như cái thuở còn đi học. Trời xanh ấy, vòm cây ấy vẫn như cái thuở xa xăm nào đó ùa vào mắt tưởng chừng như dấu vết của thời gian, của quá khứ vẫn thế. Không hề thay đổi. Trong khi đó, cách Đà Nẵng không xa, “Nhiều người ở Quảng Bình cho rằng chưa bao giờ có một đợt mưa khủng khiếp và dồn dập đến như thế”, Báo Tuổi Trẻ đưa tin. Mực nước nơi cao nhất lên đến 3 mét. Lũ bất ngờ lên nhanh vào đêm 14.10 và rạng sáng 15.10, cộng với thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) trong biển nước. Các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới ngập sâu trong lũ, nhiều nơi đã vượt mức lũ lịch sử năm 2007 và 2010. Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến chiều 15.10, toàn tỉnh có 26.920 nhà bị ngập, 56 nhà bị tốc mái; 7 người chết và 5 người mất tích.

Đà Nẵng vẫn nắng ấm. Vẫn những cuộc vui cùng bạn bè thân thiết của cái thuở đã chung sống ở chiến trường K. Ngoảnh lại mới giật mình đã 40 năm trôi qua cái vèo. Đang bù khú bia bọt lai rai, thế mà phải dừng lại, phải viết ngay vài trăm chữ về sự kiện Giải Nobel Văn chương năm nay. Trước đó, khi hay tin ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan nhận giải,  y phát biểu:

“Bob Dylan đoạt giải Nobel, đêm nay tôi lại nghe Trịnh Công Sơn: Giải thưởng Nobel văn học trao cho ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan là điều không có gì ngạc nhiên. Con người tài hoa ấy, cuối cùng toàn bộ sự nghiệp là cất lên tiếng nói phản kháng vì quyền con người, chống chiến tranh, chống áp bức và cơ ngợi tình yêu thương của con người. Thông điệp nhân văn ấy, có ý nghĩa với mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi sắc tộc.

Có một điều gì đó rất gần với ca từ Trịnh Công Sơn, trong những sáng tác của Bob Dylan. Và ngược lại. Trên tờ Peace News số ra ngày 8/11/1968, có người đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam”. Mới đây một giáo sư của Trường Đại học Humboldt, California, Mỹ là John C. Schafer đã ví “Trịnh Công Sơn - Bob Dylan như trăng và nguyệt”. Đại khái, John C. Schafer có nêu ra 7 điểm giống nhau nhưng quan trọng nhất: cả hai đã nói lên được ước vọng và niềm đau của một thế hệ trẻ; cả hai giữ được danh tiếng của mình mặc dầu quê hương của họ đã trải qua bao cuộc thăng trầm về chính trị và văn hóa; cả hai chịu ảnh hưởng và tìm nguồn cảm hứng từ hai truyền thống tôn giáo của họ, đạo Phật với Trịnh Công Sơn và Ki-tô giáo với Bob Dylan.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết: Dylan được trao giải Pulitzer báo chí năm 2008 cho “những đóng góp đặc biệt của ông cho âm nhạc và văn hóa, chủ yếu với những ca từ phức tạp kết hợp với sức mạnh đặc biệt của thi ca”. Và nhạc sĩ Văn Cao ghi nhận: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre)”. Khi hay tin Bob Dylan nhận giải thưởng Nobel cao quý, đêm nay, tôi vui mừng và lại nghe nhạc Trịnh Công Sơn như mọi ngày” (nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa ngày 13.10.2016).

Về giải thưởng văn chương danh giá nhất toàn cầu, năm nay, nói như Báo Tuổi Trẻ ngày 15.10.2016: “Văn đàn thế giới chia rẽ trước giải Nobel của Bob Dylan”. Thông cáo báo chí của Viện hàn lâm Thụy Điển vào ngày 13.10.2016, khẳng định: “Giải Nobel văn chương năm 2016 được trao cho Bob Dylan vì đã sáng tạo ra những biểu thức mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của nước Mỹ”. Lý do nêu ra hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của giải Nobel mà trên trang chủ của tổ chức này trưng ra: “900 khôi nguyên giải Nobel từ 1901 - 2016 được trao vì lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Tuy nhiên, “Giải thưởng Nobel văn chương dành cho Bob Dylan năm nay cũng tiếp tục làm dấy lên những tranh luận về việc đâu là ranh giới trong nội hàm định nghĩa về văn chương. Liệu văn chương có nhất thiết còn phải là thơ và tiểu thuyết nữa không nếu căn cứ vào việc giải thưởng Nobel văn chương năm ngoái đã được trao cho một nhà báo, bà Svetlana Alexievich? Hay phải chăng định nghĩa của văn chương cần được mở rộng thêm cả với những người giống như Bob Dylan, đã sử dụng ngôn ngữ một cách đầy cảm xúc trong nghệ thuật, ví như âm nhạc?”.

Y nghĩ gì?

Khi đang có chút men say, đang ngồi chơi tán dóc mà phải bàn chuyện văn chương chữ nghĩa một cách nghiêm túc, liệu có còn hào hứng nữa không? Khổ nổi, bạn bè của thời cầm súng ở quê hương Chùa Tháp từ năm 18 cái xuân xanh nào có quan tâm đến chuyện này. Vậy y bàn với ai đây? Thôi thì, phải ngưng ly rượu mà tự viết vậy. Công việc làm báo là thế. Chỉ vài trăm chữ, nhưng cần là cần gấp trong lúc này, khoảnh khắc này cho kịp quy trình. Bằng không, chỉ chậm một giây, cái tin ấy, bài viết ấy cũng không cần đến nữa. Công việc làm báo thế mà hay. Nó đòi hỏi nhà báo phải “tác chiến” ngay lập tức. Cả một guồng máy đang vận hành cho số báo ngày mai. Không một ai được quyền chậm trễ, dù bất kỳ lý do gì. Vì thế, y phải viết ngay.

Sáng nay, Báo Thanh Niên đã in bài Sự trở về cội nguồn văn chương: “Giải Nobel Văn chương năm nay đã dấy lên sự tranh luận dữ dội trong giới học thuật. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi trao giải cho ca - nhạc sĩ Bob Dylan cũng là lúc cần xác định lại nội hàm của văn chương. Liệu rằng, có phải Ủy ban Nobel đã phá vỡ truyền thống trước đây - từng định hình qua năm tháng?

Tờ The New York Times (Mỹ) đã thẳng thừng tuyên bố chính kiến: “Bob Dylan không cần một giải Nobel Văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel. Và năm nay đã không có giải”.

Với văn chương, chẳng hạn tiểu thuyết, ban đầu người ta quan niệm phải có tình tiết, sự kiện nhân vật, có xung đột, giải quyết xung đột đó, và “kết thúc có hậu”. Dần dà, khi trào lưu “tiểu thuyết mới” ra đời - quan niệm đó đã thay đổi về một cấu trúc của một tác phẩm. Còn thơ thì ban đầu cần có vần, điệu, sự ràng buộc của niêm luật theo quy củ nghiêm ngặt nhất định. Về sau, quan niệm dành cho thơ cũng đã thay đổi. Có thể là sự tự do, phóng túng trong câu chữ; nếu muốn đó là “văn xuôi” - mà nếu cần thiết cũng không cần các dấu chấm, phết ngắt câu...

Mọi sự thay đổi về hình thức, nói chung cũng chẳng có gì “ghê gớm” cả. Điều cốt lõi vẫn là ý nghĩa cuối cùng, nhằm đạt đến điều gì. Tài năng của người cầm bút để lại dấu ấn nhất thời, hoặc lâu dài chính là ở đó. Với thiên tài Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh” là một cách nói nhún nhường của bậc thượng thừa sau khi đã viết từng dòng châu ngọc “như máu chảy ở đầu ngòi bút”. Vậy thì sự “mua vui” nói cách khác dù gì đi nữa thì cũng phải đi vào lòng người. Người đọc có thấm thía, chia sẻ buồn vui qua từng con chữ thì mới đạt đến văn chương - bằng không cũng chẳng là gì cả.

Với Bob Dylan và nhiều tài năng khác, họ làm văn chương theo cách diễn đạt của họ. Mà cách ấy, có thể không như quan niệm truyền thống đã định hình. Tôi nghĩ rằng, đó là sự sáng tạo của nghệ sĩ. Bob Dylan của Mỹ hoặc Văn Cao, Trịnh Công Sơn... của VN chính là thi sĩ. Họ mượn giai điệu của âm nhạc để chuyển tải, phổ biến thơ ca của mình đấy thôi. Sự kết hợp ấy là “thi trung hữu nhạc” và ngược lại. Đó là văn chương đấy chứ - nếu suy nghĩ rằng ít ra tầm tư tưởng ấy cũng đạt đến sự “mua vui” cho đời sau.

Trở lại với quan niệm truyền thống về thơ - nó phải thế này, thế kia - nhưng thật ra ban đầu thi sĩ chính là người ca thơ (chantre). Họ “đọc” thơ bằng tiếng hát của giai điệu. Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan cũng thế.

Vậy hà cớ gì đem sự quy định rạch ròi để xác định nội hàm của văn chương? Cần có một cái nhìn khác. Mà cái nhìn và quan niệm này là sự quay trở về của cội nguồn văn chương đấy thôi”.

Sáng nay, báo Pháp Luật TP.HCM đã dành cả 2 trang “Thế giới bút chiến việc Bob Dylan ẵm giải Nobel”. Đáng lưu ý với thông tin này: “Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - bà Sara Danius nói Bob Dylan (năm nay 75 tuổi) là “một nhà thơ lớn trong thuyền thống ngôn ngữ tiếng Anh”. Bà đã so sánh sự tương đồng giữa tác phẩm của Dylan với các nhà thơ Hy Lạp cổ đại: “Nếu bạn nhìn trở lại. 2.500 năm hoặc lâu hơn, bạn sẽ khám phá ra rằng Homer và Sappho viết văn bản thơ, với mục đích để được công chúng lắng nghe, để được trình diễn thường xuyên với các nhạc cụ thì đó là cách không khác gì so với Bob Dylan hôm nay”. Và Sara Danius, một giáo sư văn chương tại Stockholm University, khuyến nghị mọi người nghe bằng album 1966 của Bop Dylan có tên Blonde on Blonde. GS Danius, nói rằng các bài hát trong đó chứa dựng “nhiều ví dụ sáng chói về cách Bob Dylan tạo nên vần điệu trên nhịp âm nhạc, kết hợp ngôn ngữ và âm nhạc với tư duy bằng hình ảnh”.

Vào lại Sài Gòn, chiều qua. Vẫn phải mở máy lạnh để ngủ. Chạnh lòng khi nhìn về Quảng Bình. Cả hàng ngàn ngôi nhà ngập trong lũ. Đâu rồi những ngày, các cơ quan báo chí viết những bài kêu gọi tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”? Đâu rồi hình ảnh cả hàng trăm, hàng ngàn người có lòng ùn ùn đến các cơ quan báo chí góp công, góp sức vì lũ lụt miền Trung? Rồi các phóng viên ra đến tận nơi, san sẻ tấm lòng của người miền Nam, người Sài Gòn đến bà con và viết những bài tường thuật lay động trái tim của hàng triệu triệu đồng bào. Đây là một câu chuyện dài.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.10.2016

 

Saigonnhtaky_12.10_1R

 

Thương xá Tax, diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur - một trong những nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất Sài Gòn. Thương xá này có 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Tầng trệt chủ yếu bán mỹ phẩm, nữ trang, va li, túi xách, giày dép; tầng 1 - 2 dành cho thời trang, gốm sứ, siêu thị, khu vui chơi cho trẻ em; tầng 3 bán hàng lưu niệm, đồ mỹ nghệ, nhà hàng, quán cà phê.

Sáng nay, Thương xá Tax chính thức đập bỏ.

Lật lại nhật ký 6.11.2014, y đã ghi: “Số phận Thương xá Tax - xây dựng từ năm 1880 tại Sài Gòn, được báo chí đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây. Từ ngày 25.9.2014, nơi này ngừng hoạt động, một số hạng mục phụ cận đang được tháo dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại hiện đại 40 tầng. Cảm động với thông tin này, cần ghi lại: “Nền cầu thang được khảm gốm Mosaic, 4 chú gà trống, trái châu và lan can... là những hạng mục lâu đời còn lại của Thương xá Tax được Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM đề xuất bảo tồn”. UBND TP. HCM vừa có văn bản giao các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục.

Chép thêm bài trong sách giáo khoa của miền Nam liên quan đến Thương xá Tax vừa bị đập bỏ. Việc làm đó đã dậy sóng trong lòng mọi người. Một phần cũng do ngay từ bé, người Sài Gòn đã được học, được cảm nhận về “Thương xá Nguyễn Huệ”, nguyên văn như sau:

"1. Tầng dưới của tòa buynh-đinh rộng lớn nằm tại đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi được dùng làm thương xá.

2. Gặp ngày nghỉ lễ, thương xá đông nghẹt những người! Các lối đi thênh thang bên trong sáng rực đèn ống, đèn màu. Gian hàng trần thiết rực rỡ, chưng bày nhiều ngoại phẩm quý giá, đắt tiền. Vài cặp vợ chồng trẻ dìu nhau ngắm nghía mấy áo len đủ màu, đủ loại hoặc khẽ cười với nhau khi trầm trồ mấy viên hồng ngọc rực rỡ bên trong tủ kính. Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh.

3. Đây đó, nhạc vui trỗi lên lồng lộng như mừng đón khách hàng” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L - tr. 117).

Ô hay, ngày xưa, “Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh” là hình ảnh chị y đấy ư?

“Mắt biếc năm xưa nay đâu?”.

Đọc lại vài dòng Nhật ký này, nghĩ rằng có những ca từ, hát lên, tự mình cảm thấy dửng dưng. Không gì xao xuyến. Với người khác. Chắc gì? Không rõ trước sự kiện về Thương xá Tax, nhà văn Lê Văn Nghĩa nghĩ gì? Anh từng cho biết: “Khoảng năm 1964, khi tôi được 11 tuổi, ba tôi, một viên cảnh sát quèn, được nhận nhiệm vụ gác trước cửa ngân hàng BFC trong thương xá TAX, tôi mới biết được thế nào là thế giới của “văn minh”. Thi thoảng, tôi được ba tôi chở ra Thương xa Tax để nhìn người đi qua, đi lại trong ánh điện sáng choang, trong mùi dầu thơm sực nức. Những của hàng bán băng, dĩa hát có giọng ca Bạch Yến, Tini Young, hàng hóa, quần áo, nước hoa sang trọng. Những quán ăn hột gà lộn 11 ngày, la de 33 sủi bọt… đập vào mắt, mùi thơm của thức ăn ngào ngạt xộc vào mũi tôi đầy nghiêng ngữa và thèm muốn”.

Y không có kỷ niệm nơi đó. Y ngụ cư, dù rằng, chỉ sống tại Đà Nẵng vỏn vẹn 18 năm, rồi đi chiến trường K, rồi nhập cư vào Sài Gòn gần đời người. Ấy thế,  lạ nhỉ, chỉ có Đà Nẵng, mỗi lúc đi đứng nơi ấy, y mới có cảm giác như thỉnh thoảng nghe từ trong gió, nắng, mưa có tiếng gọi tên mình khi rõ nét, lúc mơ hồ… Nhưng rồi, chọn một nơi để vui sống, chỉ có thể là Sài Gòn. Đang thuận tay, chép lại bài học thuộc lòng Sài Gòn của Bảo Vân, in trong tập sách giáo khoa lớp Bốn - môn Việt Văn ở miền Nam, năm 1970: “Sài Gòn có bến Chương Dương/ Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do/ Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho/ Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm/  Ô tô buýt chạy khắp miền/ Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn…/  Bến Thành đã tiếng tăm vang/ Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi.../  Xe đò, xe máy, tắc-xi/ Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi/ Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi,/ Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ.../ Trải bao thay đổi đến giờ/ Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang/  Sài Gòn, thủ phủ Việt Nam/ Mai ngày kiến thiết, mở mang còn nhiều”.

Những ngày này, từ ngày 7.10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tiến hành mở hố đào thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân - nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng từng tồn tại cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung được táng ở đây. Sở dĩ chọn nơi này, vì ông Xuân căn cứ vào câu thơ của Ngô Thì Nhậm. Lúc vua Quang Trung băng hà, Ngô Thì Nhậm cảm niệm công ơn to lớn của ngài và đã viết bài thơ Cảm hoài (Xúc động trong lòng). Câu thứ 8 trong bài thơ này: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Ngô Thì Nhậm có giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một chú thích gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy, có thông tin: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.

Hướng đi của một cuộc khảo cổ bắt đầu từ mộ bài thơ, quả chuyện lạ xưa nay. Chưa rõ kết quả cuối cùng thế nào.

Có một điều dễ nhận ra, khi một triều đại mới thay thế triều đại cũ, một trong những việc làm của người sau là phá hủy các công trình xây dựng trước đó. Cung điện Đan Dương là một thí dụ. Một cách nhằm cắt đứt sự hoài niệm về quá khứ. Thơ Bà Huyện Thanh Quan được nhiều người khen hay, tất nhiên, dù rằng hay về ý hàm xúc, lời trau chuốt, chỉnh chu đối xứng v.v… nhưng cái chính là bà đã phản ánh được tâm trạng hoài Lê: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”… Một người đã làm bài thơ tiếc nuối, rờn rợn lòng buồn đau đến thế nhưng nhà Nguyễn vẫn trọng dụng. Trong các vị vua triều Nguyễn có lẽ Minh Mạng mới là nhân vật có tầm vóc hơn cả. Nhiều công trình nghiên cứu sáng giá nhất như Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)… được biên soạn là từ chính sách dụng người của ngài. Ít chịu khó đọc sử quá. Một phần vì ngại, vì cứ nghĩ rằng, những thông tin ấy mình đã biết rồi. Nhầm to. Biết quái gì đâu mà dám lộng ngôn đến thế? Vừa rồi, rút kinh nghiệm bằng cách đọc lại bộ Đại Nam thực lục chính biên. Đọc từ bản dịch của Viện Sử học,  NXB Khoa học Xã hội  (Hà Nội - 1968).

Thật ngạc nhiên với phép ứng xử của vua Minh Mạng lúc xa giá ra Bắc, mùa thu năm 1821.

Sử chép, khi ra đến Quảng Bình: “Vua lên thành xem lũy cổ, cùng với thị thần bàn về việc Nam Bắc phân tranh thời quốc sơ. Lại đến cửa biển Nhật Lệ ngắm xem hồi lâu. Cho tế tướng sĩ trận vong Nam Bắc (đàn nam tế tướng sĩ thời quốc sơ; đàn bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc). Dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người Bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai dinh thần đặt hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém”. Rồi đặc sai Hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khâm mạng đến tế. Đem phẩm vật địa phương dâng cung Từ Thọ. Đến địa phương nào có của quý, vua đều tự viết biểu sai trung sứ đệ dâng” (tr.263, tập V). Câu “Người Bắc chống nhau với ta”, ý muốn nói quân Đàng Ngoài/ Bắc Hà của vua Lê, chúa Trịnh tiến quân dánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong/ Nam Hà. Nhưng khi đã lên ngôi cửu trùng, ngài vẫn đặt đàn tế. Chẳng hề phân biệt “dịch/ta” gì ở đây cả. Lòng nhân của người Việt đấy chứ. Khi đã chết, dù trước đó họ đứng ở chiến tuyến nào cũng được đối xử tử tế. Nghĩa từ là nghĩa tận.

Lúc ngài ra đến Hà Nội, bấy giờ, Thị trung học sĩ Phạm Quý Thích bệnh nặng không đến yết kiến được, ngài sai tham tri Bộ Hộ Nguyễn Công  Tiếp đến tận nhà thăm hỏi.  Lấy sinh đồ Phạm Đình Hổ sung chức hành tẩu ở Viện Hàn lâm. Ông Hổ có dâng quyển Tiền Lê hội điển, Bang giao điển lệ… Đoạn này quan trọng: “Vua dụ Hộ bộ rằng: “Trẫm tham xét điển lễ, thấy từ xưa các đế vương đều có miếu thờ. Nay nhân có việc đi Bắc tuần, những nơi có thờ đế vương đời trước, không nơi nào không sai quan đến tế. Nhưng từ triều Lê trở về trước thì đều là thờ cúng trong dân gian, miếu vũ do Nhà nước tế thì chưa từng xây dựng. Nghĩ rằng vua các triều trước thay nhau làm việc đều có công đức với dân, lòng trẫm rất kính mộ, việc làm miếu thờ nên theo nghĩa mà làm. Vậy bàn sai chọn đất dựng miếu để làm nơi cúng tế” (tr. 277). Chỉ một câu đó, đủ thấy lòng nhân của của một con người. Không cắt đứt quá khứ với hiện tại. Lịch sử là một sự tiếp nối, từ đời này qua đời nọ. Không thể cắt đứt một tiến trình của lịch sử, nếu có chăng chỉ là sự cưỡng bức tạm thời.

Trở lại với Thương xá Tax. Trước đây khi hay tin từ ngày 25.9.2014, nơi này ngừng hoạt động, dư luận bàn tán sôi nổi. Nay, nó đã chính thức đập bỏ, hầu như không mấy ai nhắc đến nhiều. Có lẽ, ngày càng có quá nhiều thông tin, lắm chuyện cần bàn luận, nó sát sườn hơn với cuộc sống mưu sinh… vì thế, ít có sự việc nào được quan tâm dài hạn. Thoáng đó, đang ầm ĩ câu chuyện của ngày hôm nay, qua ngày sau, dăm ngày sau đã là mối quan tâm về chuyện khác rồi. Dòng đời, cứ thế, cứ lừ lừ đi qua và lúc ngoảnh lại, chẳng mất chốc chỉ còn là quá khứ thời gian.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.10.2016

ca_go_7

 

Tùy cơ ứng biến.

Cứ đọc lại ca dao, tục ngữ mới cảm nhận hết cái sự “nước đôi” của người Việt. “Đi với Phật mặc áo hoa, đi với ma mặc áo giấy; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” v.v…. Cũng con người đó, nhưng muốn tồn tại trong hoàn cảnh đó ắt phải có lựa chọn đó, dù muốn dù không. Vừa bảo: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, ngoặt một cái lại nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Vừa bảo: “Trồng trầu thì phải khai mương/ Làm trai nhiều vợ phải thương cho đồng”, chỉ cần làm được thế là OK lắm rồi. Ngoắt một phát mắng luôn: “Lắm duyên nhiều nợ, lắm vợ nhiều oan gia”. Vừa bảo: “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài yên” - tính cách đó trượng phu quá đi chứ? Đáng mặt nam nhi, nói/làm đâu ra đó. Ngoắt một cái lại bảo: “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Nước hai là “nước đôi’, nói lấp lửng, chẳng quả quyết gì cả, ai hiểu sao cũng được, chẳng biết đâu mà lần

Nghĩ cho cùng. Trí khôn của người Việt nằm ở “nước đôi”. Hạn chế của người Việt cũng ở “nước đôi”. Ấy là lúc cần phải đối phó với người ngoài. Chứ “gà cùng một mẹ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” mà giở trò đó ra, ai chịu trời cho thấu? Thì cứ xem cách các quan chức nhà ta giải thích về nhiều sự vụ đã tầy huầy thì rõ.

Dừng lại với thông tin này, vui hơn.

Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 2.5.2016: “Tháng 4.2016 đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển của Google Dịch (Google Translate), bắt đầu từ 2 đã phát triển đến 103 ngôn ngữ với hơn 500 triệu người dùng mỗi ngày, theo tờ The Financial Express. Trong đó, ngôn ngữ được dịch phổ biến nhất là từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Nga và Indonesia. Ứng dụng này dịch 100 tỉ từ mỗi ngày trong đó có nhiều từ theo xu hướng và sự kiện nóng trên thế giới như “selfie”. Ngoài ra, từ “I love you” cũng được dịch phổ biến”.

Trước đây, nhằm phá rào cản về ngôn ngữ, tiếng nói, năm 1887, Quốc tế ngữ (Esperanto) ra đời. Linh hồn của nó chính là bác sĩ Zamenhof người Ba Lan. Esperanto theo Quốc tế ngữ là “Người hy vọng”. Tuy nhiên, với sự tiến bộ kinh khiếp về khoa học kỹ thuật, cụ thể qua vai trò Google, Quốc tế ngữ đã lép vế. Không còn mấy ai sử dụng nữa. Phải thế thôi. Con người ta ngày càng lười suy nghĩ, càng hạn chế được thao tác nào càng hay, càng tốt. Chà, nếu chỉ cần nói: “Anh yêu em” là "xong phim", là "biến cuộc đời thành những tối tân hôn" (Nguyên Sa), có lẽ thiên hạ cũng chẳng cần gì đến thơ nhạc nữa. Xếp xó nó cho xong.

Khi nói: “Anh yêu em”, từ ấy thiêng liêng quá đi chứ. Thế nhưng, biết đâu lại giả thì sao? Thì biết làm sao. Vừa rồi, Đoàn Tuấn có comment bằng câu vần vè cà rỡn, bông phèn. Đọc xong là cười luôn. Rằng, sau khi đeo đuổi, tán tỉnh, cưới được giai nhân, có người lại phát hiện ra lắm thứ giả mà lâu nay cứ ngỡ là thật: “Chú rể đêm động phòng/ Cô dâu mang trinh giả/ Chàng sờ tay lên má/ Vết dao kéo giấu rồi/ Chàng liền hôn lên môi/ Em vừa xăm, chưa được/ Chàng đưa tay sờ ngực/ Thấy toàn silicon/ Kéo cô dâu vào ôm/ Vuốt lên làn tóc giả/ Chàng thấy buồn rầu quá/ Về hỏi mẹ thế nào?/ Mẹ chàng bảo : Không sao/ Trên đời này tất cả/ Đều là giả dối thôi/ Chỉ có mẹ, đúng rồi/ Chỉ mẹ là thật nhất!/ Bố con cũng chưa chắc/ Con thấy đúng không nào?”. Thôi thì, cười đi. Cho nó vui cái sự đời. Những thứ ấy, dù giả, cũng chẳng hệ trọng gì, miễn là tình yêu ấy là thật.

Trong cái sự vận động của vũ trụ này, thật và giả đan xen nhau là lẽ thường tình. Ngay cả thức ăn nuôi sống cơ mỗi ngày, ai dám chắc nó là thật? Sáng nay, đọc Báo Thanh Niên liền choáng với thông tin: “Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp”. Với người Việt, nước chấm trong bữa cơm hàng ngày dứt khoát phải có chén nước mắm. Nếu cư dân trong một cộng đồng có nơi sinh hoạt chung là đình làng, giếng làng thì bữa cơm gia đình có chén nước mắm. Nay nước mắm cũng giả nốt. Mỗi ngày, lật tờ báo ra, biết bao sự việc giả - thật đã chen chúc nằm chình ình trên mặt báo. Đố ai có thể phận biệt dược thật-giả.

Có lẽ tiếng nước ngoài trở thành quen thuộc, phổ biến nhất với người Việt hiện nay không phải “I love you”. Vậy từ gì? Formosa. Chính nó đấy. Dạo này, mẹ đã về quê, vì thế thỉnh thoảng y cũng đi chợ. Khi ngang qua dẫy hàng cá, đang chần chừ, ngần ngừ thì người bán cá nào dù trẻ, dù già cũng đều mời mọc, lên tiếng khẳng định cá mình bán không phải cá Formosa. Với họ, có thể không phát âm đúng, không viết được rành mạch chữ đó nhưng rõ ràng họ biết đó là là sự hãm tài, hắc ám khủng khiếp. Va vào nó, dính vào nó chỉ có nuốc đổ hết tôm, cá xuống cống, quảy gánh về không. Chồng con chết đói. Than ôi! Ngày vui qua mau. Biết bao giờ mới quay trở về cảm hứng như lúc ngang qua hàng cá là tận mắt nhìn thấy sức sống, sự tươi ngon của cá? Ngày ấy, nhờ thế, y viết được bài thơ tếu táo:

Cao hứng ngày xuân đi chợ Tết
Chân mang giày, cổ thất cravate
Ai nỡ nào nói thách đàn ông
Giữa dòng người, tôi huýt sáo thong dong
Lanh lảnh tiếng rao mời chào những cá
Cá giẫy đành đạch như muốn hụt hơi
Cá sặc bướm này quằn quại đang bơi
Cá vồ, cá trê nằm trơ mắt ngó
Cá lòng tong kia đang bơi quạu quọ
Tôi quờ quạng rờ con cá lưỡi trâu
Sực nhớ vợ dặn khoái cá bã trầu
Đặt tiền xuống mua. Thôi mua cá nhái
Cá trở quều quào lách luồn quày quại
Tội nghiệp nên thôi. Mua lấy cá mè
Cá nằm quay lơ - vợ rủa ai nghe?
Mặt nàng quằm quặm còn chi là Tết?
Hay mua cá trê. Nhưng làm sợ mệt
Con cá út thịt trắng muốt béo dai
Cá ngát, cá linh quắn quíu nằm đây
Bụng cũng muốn mua. Làm sao mua hết?
Loạng choạng một hồi sắp tàn ngày Tết
Mặt mày quàu quạu chủ cá mắng vui:
“Mua đi cho rồi lựa tới lựa lui!”
Nàng nguýt, háy, lườm làm tôi nhớ... vợ
Thông cảm đàn ông lần đầu đi chợ

Nay, cá đã chết. Nói cách khác là cá đã là cá thép. Có lẽ, không động vật nào lúc chết lại có ánh mắt hiền lành, đáng thương như mắt cá. Vừa rồi, cá Hồ Tây chết trắng xóa, chưa rõ vì lý do gì. Nhìn qua hình ảnh cá chết trên báo chí, lại thấy ánh mắt ấy nghèn nghẹn oan ức đến đau lòng. Cá Formosa, cá chết vì hóa chất là cá giả. Bởi sự độc hại tàn khốc của nó. Chớ dại mà ăn. Thôi thì, tạm thời ăn cá gỗ chăng? Từ “cá gỗ” vốn thuộc “bản quyền” của người xứ Nghệ. Nguồn gốc, xuất xứ của nó thế nào? Vừa rồi được đoc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số ra ngày 8.10.2106) bài viết “đâu ra đó”, “có đầu có đũa” về câu chuyện “cá gỗ” của tác giả Bình Vương. Chép lại vì xét thấy cần thiết cho những ai cần tham khảo:

“Chuyện là, trong bản in lần đầu tiên năm 1866, tập sách viết bằng văn xuôi quốc ngữ thuở sơ khai của học giả Trương Vĩnh Ký với nhan đề “Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích” (về sau đổi gọn thành “Chuyện khôi hài”) đã có kể về “cá rô cây”. Xin chép lại nguyên văn: “Nghệ An là tỉnh rộng lớn đàng đất, lại đông dân sự hơn các tỉnh và cả nước An Nam. Người xứ ấy hay co ro còm ròm cần kiệm quá. Người ta thường hay nói người Nghệ đi ra Bắc hay giắt lưng một con cá rô bằng cây khéo lắm. Hễ tới quán thì chỉ xin mua ít trự cơm ăn mà thôi. Quán hỏi có mua đồ ăn, thịt đông, chả giò, nước mắm chi không? thì nói không, xin một chút xíu nước mắm dằm cá mà thôi. Bỏ cá cây vô đĩa lật qua lật lại, húp cho mặn miệng mà trơn cơm ba miếng. Làm lận làm vậy cho khỏi tốn tiền đồ ăn. Ăn rồi giắt cá vào lưng phủi đít ra đi”.

Bây giờ nếu truy tìm từ khóa “cá gỗ”, chỉ vài giây Google sẽ đưa ra đầy rẫy dữ liệu mà trong đó, rất nhiều cách kể khác nhau, đúng là tam sao thất bổn. Chẳng trách chi ai, ở đây người viết chỉ thuật lại hai mẩu chuyện theo trí nhớ, được nghe lúc mình còn nhỏ, qua lời kể của thân phụ.

Mẩu thứ nhất, về đại thể khá tương đồng với chuyện “Cá rô cây” chép ở trên, song nói rõ hơn, người giắt lưng con cá gỗ đó là một thầy đồ nghèo trên đường đi tìm chỗ dạy học. Thầy có chữ nhưng đang túng tiền, bèn nảy ý đẽo một con cá bằng gỗ, chạm tỉa kỹ càng, lại sơn màu trông giống y một con cá rán (chiên). Cứ mỗi bữa ghé quán cơm dọc đường, thầy lựa chỗ ngồi khuất khuất, sao cho người ngoài nhìn qua sẽ tưởng thầy đang dùng cơm với đĩa cá chiên dầm nước mắm. Mẩu chuyện này được các bậc bề trên kể cho con cháu nghe với ý đề cao tánh... sáng tạo của thầy đồ xứ Nghệ nhằm giữ thể diện trong hoàn cảnh khó khăn - mặc dầu bằng sự “làm lận” chẳng ai muốn tự hào - chớ không phải ý chê cười một tánh cách “co ro còm ròm cần kiệm quá”.

Mẩu thứ hai, kể chuyện nhà nọ nghèo khó đến nỗi bữa cơm hàng ngày đã lâu không mua nổi cá mà ăn. Để an ủi các con, người cha nghĩ ra cách cũng đẽo một con cá gỗ, nhưng sơn màu cho giống cá kho, trông thật ngon lành. Ông dùng dây buộc, treo cá gỗ lơ lửng giữa bàn ăn và quy ước: mọi người hễ khi và một miếng cơm thì nhìn lên nó một lần rồi nhai nuốt, tưởng tượng chẳng khác mình đang ăn cơm với món cá kho thực thụ. Đang thực hành theo đúng lời cha, bỗng thằng em cất giọng méc: “Cha ơi, anh hai ăn mặn!”. Hỏi tại sao, nó thưa: “Tại con thấy ảnh và một miếng cơm mà nhìn lên con cá hai ba lần lận!”. Đây cũng vẫn là một tiếng cười lạc quan bởi tình huống bất ngờ và bởi lối suy diễn ngây thơ thành thật của đứa bé con nhà nghèo, chớ không ai nỡ chê trách người cha đã “làm lận” con trẻ.

Như thể cùng chung mục đích minh oan cho cá gỗ, tờ tạp chí Văn Hóa Nghệ An cũng từng giới thiệu một tác giả đã bỏ công tìm kiếm và phát hiện ra rằng, ngày nay tỉnh Nghệ An vẫn còn có một loại cá biển làm thực phẩm, một đặc sản địa phương chỉ riêng thấy ở vùng biển Cửa Hội, thuộc xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc. Nó là chất cá thiệt nhưng được gọi tên... cá gỗ, cùng với tên gọi nữa là cá luộc, tức cá tươi đánh từ biển lên, luộc chín bằng chính nước biển rồi đem phơi nắng cho tới lúc khô đanh lại, săn chắc như cá bằng gỗ.

Khác với cá trong giai thoại, cá gỗ này không cần nước mắm vì nó đã sẵn vị mặn muối biển. Khi ăn, người ta phải dùng tay xé thịt cá ra từng sợi nhỏ, đầu và đuôi thì chặt riêng để nấu canh. Một thứ đồ khô tích trữ để dành được lâu, dùng khi trời giá rét, biển động kéo dài hay mùa hiếm cá. Từ đó có thể suy ra, con cá gỗ vốn có thực trong đời sống một địa phương, trải qua các nẻo đường lưu thông hàng hóa, đã trở thành “chất liệu” để dân gian biến hóa, nâng cấp thành giai thoại “cá gỗ” truyền bá khắp nơi?

Dù nghĩ theo cách nào, rốt lại sự tích cá gỗ vẫn nên nhìn nhận tích cực về một nét tánh cách vùng miền, con người cần cù chịu khổ mà coi trọng sĩ diện. Con cá bằng gỗ được “giả bộ” là ngon lành ấy chẳng làm hại đến một ai. Còn những sự giả vờ về “cá thép Formosa” thì... miễn bàn”.

Tác gải bài báo này nói đúng. Cá gỗ nghĩ cho thấu đáo là một nét văn hóa của người xứ Nghệ. Cá thép Formosa là tội ác. Vì thế, "miễn bàn". Trời đã chiều. Không mưa. Nắng lên. Biết rủ ai đi nhậu đây ta?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.10.2016



nhat-ky-ngay-1102106-1R

Từ năm 1938, trong bài thơ Cảm xúc tặng Thế Lữ, Xuân Diệu đã nói đến… Facebook. “Phát hiện” này là của Chị Đẹp. Bằng chứng, tác giả Thơ Thơ đã viết:

Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn phương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...

Ở thế giới ảo ấy, nếu biết chọn lọc thông tin sẽ đem về nhiều sự lý thú, cần thiết, hữu ích. Mà không khéo cũng ngộ độc như chơi.

Ngày trước, thỉnh thoảng y cũng Facebook. Nay đã chán. Lần nọ, trên Facebook, y cho biết là đang giữ tập sách Gương chí sĩ  Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên, in tại Gia Định năm 1927. Tập sách này do nhà báo Nguyễn Kim Đính - Tổng lý Đông Pháp thời báo, thực hiện ngay sau khi cụ Phan qua đời. Trong sách có chép lại đầy đủ điếu văn, câu đối…, kể cả hình ảnh do hiệu Khánh Ký (Sài Gòn), Royal photo (Nam Vang), Hương Ký (Hà Nội), Thụy Ký (Nam Định) chụp tại đám tang của cụ. Thật bất ngờ khi biết, tại Nam Vang (Phnom Penh), người Việt cũng có làm lễ truy điệu cụ Phan tại nhà hàng Hưng Long ở 82 và 84 đường Galliéni.

Về nhân vật Galliéni, chỉ cần tra Google ắt tìm thấy thông tin. Đại khái vị Thống chế này là cha đẻ của chiến thuật “vết dầu loang” khi cầm quân bình định các cuộc khởi binh của Đề Thám, cuối cùng thất bại phải cút về Pháp. Theo trang web của UBND Q.5: “Năm 1865 người Pháp làm đoạn đường ở phía Sài Gòn đặt tên Galliéni, còn đoạn phía Chợ Lớn gọi là Des Marins. Năm 1952, chính quyền Bảo Đại đổi tên đường Des Marins thành đường Đồng Khánh. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên đường Galliéni thành đường Trần Hưng Đạo. Sau năm 1975 hai đường sát nhập thành đường Trần Hưng Đạo. (Trong nhân dân vẫn quen gọi đường Trần Hưng Đạo cũ là Trần Hưng Đạo A và đường Đồng Khánh cũ là Trần Hưng Đạo B)”.

Không rõ, nay đường Galliéni tại Phnom Penh, đổi tên gì? Chuyện đó, không quan trọng.

Trở lại với tập sách Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên, đọc đoạn này để biết lúc ấy ở Phnom Penh: “Trọn ngày 4 Avril các nhà buôn Annam đều đóng cửa để tỏ dấu chia buồn và tựu tới nhà hàng Hưng Long mà làm lễ  rất đông. Tại chỗ ấy có lập cái bàn thờ, ở giữa để cái hình cụ Tây Hồ rất lớn, chung quanh bàn thờ thì căng vải đen và vải trắng có thắt tuội, có treo nhiều bài thi điếu, vảng viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ tỏ tình yêu mến thương tiếc và kể công lao sự nghiệp của cụ Phan Tây Hồ. Những người Annam đều có để tang hoặc vải đen vải trắng, ai trông thấy cũng động lòng. Khi nhạc lễ đánh lên thì mỗi người đều cầm nhang, kẻ xá người lạy, sắp trẻ nhỏ cũng kéo vào lạy rất đông” (tr.163-164).

Khi mua đươc tập sách này, y nhận thấy có nhiều thông tin mới mà ngay cả bộ Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (2 tập, NXB Đà Nẵng - 2001) do cháu ngoại của cụ là bà Lê Thị Kinh, tức Phan Thị Minh sưu tập từ Thư khố quốc gia hải ngoại Pháp cũng không có. Sở hữu quyển sách quý, mình giữ cho mỗi mình đọc, liệu có ích gì? Vì thế, y mới rao trên Facebook là ai muốn in lại, y sẵn sàng cho mượn.

Những ngày này, mưa gió dầm dề. Ngại ra đường, nhưng sáng qua lại lội mưa đến NXB Tổng Hợp TP.HCM để xem tập sách Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên vừa tái bản, “mặt mũi” thế nào. Cầm sách cũ dưới hình thức mới, lòng thấy vui bởi từ đây càng có thêm nhiều người tiếp cận về sự kiện lúc cụ Phan tạ thế.

Và cũng là dịp giao lưu, trò chuyện với học giả An Chi về bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa (3 tập) cũng do NXB này ấn hành. Từ năm 1990, ông đã đứng tên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức ngày nay. Bấy giờ, tạp chí này đang “ăn nên làm ra”, số lượng phát hành thuộc loại “khủng” nên bài viết trên đó được nhiều người biết đến. Với kiến thức cùng lập luận sắc sảo, lập tức, An Chi tạo nên tiếng vang. Từ chuyên mục này, ông đã xuất 6 tập sách lấy tựa cùng tên chuyên mục trên, riêng tập 7 sắp in. Ngoài ra, ông còn có quyển Những tiếng trống qua cửa nhà sấm.

Sau khi thôi cộng tác Kiến thức ngày nay, bài viết của tên ông lại xuất hiện trên tạp chí Đương thời, Năng lượng mới, Người đô thị, An ninh thế giới… vẫn tiếp tục với sở trường, chuyên môn khó có ai bì kịp. Đó là những bài viết chuyên sâu liên quan đến chữ nghĩa tiếng Việt. Những bài viết này khiến độc giả thích thú vì lắm lúc ông “lật ngược” vấn đề một cách ngoạn mục, thông minh bằng nhiều chứng cứ thuyết phục, muốn cãi lại, nói thật, không dễ dàng chút nào.

Với Rong chơi miền chữ nghĩa, một lần nữa, bạn đọc lại nhận thấy ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo dành cho An Chi vẫn còn chí lý: “Thời nay không ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn phần đông độc giả vì đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao…”.

Điều đáng ngạc nhiên, dù không hề có bằng cấp, học hàm, học vị nhưng sự tự học của ông mới đáng nể làm sao. Đọc xuyên suốt những gì An Chi đã công bố mới thấy ông am tường, sử dụng được nhiều ngoại ngữ. Nhờ thế, ông đã chỉ ra những sai sót của người đi trước và có thêm nhiều đóng góp về học thuật.

Xin nêu một thí dụ: Về Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes do Bộ truyền giáo in tại Roma ngày 5.2.1651, sau này, năm 1991, NXB Khoa học Xã hội chụp lại và các ông Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính có thêm phần phiên dịch, An Chi cũng có ý kiến xác đáng.

Chẳng hạn về từ “eo, bàu eo” (“bàu” ở đây là “bầu” trong “bầu bí”). Ông viết: “Nhóm này đã dịch “abobora com cabeça” (Bồ) và “cucurbita capitata” thành quả tròn như đầu người. Trong tiếng Bồ thì “com cabeça” là “với” (cái) đầu”, nghĩa là có đầu “chứ không phải tròn như đầu người”; còn trong tiếng La thì “capitata” là giống cái của “capitatus” - mà giống trung là “capitatum” chứ không phải là “tròn như đầu người”. Các vị đã cắt mất “cổ ve chai” của trái bầu eo mà biến nó thành một thứ quả tròn vo như quả bóng đá” (Rong chơi miền chữ nghĩa - tập 1, tr.149).

Cái thú lúc đọc bàn về chuyện chữ nghĩa của ông An Chi chính là chỗ đó. Nói có sách mách có chứng. Rõ ràng. Rành mạch. Tựu trung những tập sách  của ông, phần lớn đã “nói khác” những gì mà lâu nay ta vẫn tưởng, vẫn tin như “đinh đóng cột” là đúng. Đọc xong, mới bật ra: “À, thế à. Vậy mà lâu nay, cứ tưởng…”.

Và lâu nay, cũng có một điều đáng phàn nàn là một khi ai đó dám “đụng đến” kiến thức của những học giả đã thành danh ắt bị cho thiếu khiêm tốn. Nói như thế là trật. Tranh luận về học thuật, không thể lấy vai vế, tên tuổi ra áp đặt, khẳng định ý kiến mình là chỉ có đúng. Cấm ai cãi lại. Không. Các học giả chân chính không ai có suy nghĩ ấu trĩ đó. Và học giả đi sau, dù có góp ý cho các bậc tiền bối, họ cũng không nghĩ mình giỏi giang hơn. Dù đã có đôi lần chỉ ra một vài chú thích, giải thích sai sót trong Từ điển Truyện Kiều, khi giao lưu cùng bạn đọc, An Chi khẳng định mình không thể sánh với tầm vóc của cụ Đào Duy Anh.

Bên cạnh đó, ông còn cho biết: “Tôi là người chịu ơn rất sâu sắc về mặt tinh thần đối với tác giả Lê Ngọc Trụ mặc dù sau khi tích luỹ được một số kiến thức cơ bản về ngữ học thì tôi lại thấy ông không phải là người… tiên tiến. Tôi đọc Chánh tả Việt ngữ, bộ sách 2 quyển của Lê Ngọc Trụ (do nhà Nam Việt ở Sài Gòn xuất bản) năm 15 tuổi rồi từ đó mê luôn tiếng Việt, chữ Hán và từ nguyên. Thực ra, khi bắt đầu công việc nghiên cứu, tôi lại đi vào ngữ pháp tiếng Việt và đã có nhiều điều ghi chép mà tôi rất lấy làm tâm đắc, đặc biệt là về từ láy. Nhưng cũng chính khi đưa ra cách giải thích riêng về “nguyên lý” của từ láy thì tôi lại thấy phải đi vào từ nguyên”.

Và, đến nay, vấn đề từ nguyên tiếng Việt nói chung, từ gốc Hán hay giao thoa từ các tiếng dân tộc nào vẫn đang là niềm đam mê, đeo đuổi ở An Chi rất mãnh liệt, bền bĩ. Mà vấn đề này, có thể tìm thấy trong các tập sách của ông đã xuất bản. “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh). Hơn bao giờ hết, giữa thời buổi của sự hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc để không hòa tan thì vấn đề tìm hiểu “tiếng ta” lại càng bức thiết và quan trọng biết dường nào.

Trong buổi giao lưu ra sách, mới biết, cây bút đã bước qua tuổi 80, An Chi sinh năm 1935 tại Sài Gòn, lại còn có nhiều fans hâm mộ đến thế. Có không ít người cho biết, dù không học nhưng do đọc sách của ông nên kính cẩn gọi là “thầy”. Và ai sẽ là người nối nghiệp học giả An Chi về công việc nhọc nhằn là đi tìm từ nguyên của tiếng Việt?

Thật ra trước khi ký bút danh An Chi, ông ký Huệ Thiên. Tại sao có bút danh này, khi giao lưu cùng bạn đọc ông bật mí: Tên thật là Võ Thiện Hoa, mà từ “Hoa”, người miền Nam còn phát âm là “Huê”. Do đó, bút danh trên là nói lái từ tên thật với nghĩa: “vẻ tươi tốt của cây cỏ”. Rồi sau “sự cố” vì có liên quan đến một câu đối, sự cố này y đã kể rõ trong quyển Ngày trong nếp ngày, ông đổi qua ký An Chi. Nói lái An Chi là i chan, trùng âm với y chang, nghĩa là cũng Huệ Thiên đấy thôi.

Rời khỏi NXB Tổng Hợp lúc đã trưa. Đi xe trong mưa và lẫm nhẫm lại bài thơ của ông An Chi Tự vịnh 60. Nay, chép lại cũng là một cách tỏ lòng biết ơn về một người thầy đáng kính đã từng giải thích, chỉ bảo những từ khó hiểu khi y mải mê viết quyển Tiếng Việt lắc léo. Sách đang in. Và y vẫn còn tiếp tục viết dài dài. Bài thơ này, tác giả Rong chơi miền chữ nghĩa, viết vào ngày 27.11.1995:

Mới đó nay đà sáu chục xuân
Thất cơ lỡ vận cũng đôi lần
Lênh đênh Suối Trại thời bôn mệnh
Lận đận non Mường buổi tiến thân
Xa chơi đồi núi làm du khách
Rộng ngắm trời mây bước lãng nhân
Mơ màng chi đến màu danh lợi
Rồi ra cũng một mớ phù vân

Đọc đi đọc lại bài thơ đến dăm lần, trời vẫn còn mưa. Lại có tin nhắn rủ đi nhậu. Lâu nay, y đã tự đặt ra nguyên tắc: Không lai rai buổi trưa, dù chỉ một giọt. Chẳng lẽ lại vi phạm ư? Thôi đành nghiến răng mà quay về nhà. Dù về nhà, chẳng có gì lót dạ. Bếp núc lạnh tanh. Mẹ đã về quê mấy tháng nay rồi. Lại trở về cái thời gian chết tiệt “cơm hàng cháo chợ”. Chán là thế. Mà cũng chẳng nên chán làm gì. “Rồi ra cũng một mớ phù vân”. Vậy thì, y tự nhủ cùng y: “Vui đi cưng”. Tất nhiên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.10.2016

 

200-ngan-nguoi-ung-thu-moi-ngay

 

Những gì đã đọc thời nhỏ, thường khó quên.

Đã qua ngũ thập, chiều chiều mỗi lần nghe tiếng rao bán hột vịt lộn của người phụ nữ đi ngang nhà, lại nhớ đến vợ chồng cô Tú. Đây là nhân vật vợ chồng son rỗi xuất hiện thường kỳ trên chuyên mục Mình ơi của tạp chí Phổ Thông. Nhà thơ Nguyễn Vỹ viết và ký bút danh Diệu Huyền. Thỉnh thoảng, để làm vui câu chuyện tác giả thêm vài đoạn cô Tú ghen bóng ghen gió với chồng vì cô bán hột vịt lộn. Cũng là cái cớ để cô mè nheo ông Tú. Vui thôi. Thông qua mỗi số báo, cô Diệu Huyền lại giải thích, trò chuyện một vấn đề gì đó. Lối văn nẹ nhàng, dí dỏm nên dù chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội… cũng đều dễ đọc, dễ tiếp thu.

Trong cuốn tự sự Giấc mộng lớn (1929), nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho biết khi lên năm tuổi đã học hết Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, và một phần sách Dương Tiết: “Trong ba quyển sách ấy, thích nhất là Ấu học ngũ ngôn thi, và trong Ấu học ngũ ngôn thi, thích nhất là hai câu: “Hoa cù hồng phấn nữ/ Tranh khán lục y lang”. Cái bệnh đa tình từ đấy, cái lòng mê khoa cử cũng từ đấy. Các nhà làm sách để dạy trẻ cũng nên cẩn thận thay”. Hai câu thơ trên tạm dịch: “Đường hoa gái hồng phấn/ Tranh nhìn chàng áo xanh”. Thế đấy, đọc từ thời bé luôn có sức ảnh hưởng, ám ảnh lạ thường, đến già vẫn nhớ như in. Mới biết, chọn sách đọc thời trẻ quan trọng biết dường nào.

Từ tiếng rao hột vịt lộn đã nghe mỗi chiều, y lại nghĩ đến thân phận người nghèo. Mới đây, ông bạn già lang y ở Bình Dương có mail cho bài thơ Gánh hàng rong của Xuân Mai. Đọc, cảm động. Và nhớ về ngày tháng đã cũ. Đã xa. Nhưng lại là một phần khó quên trong ký ức: “Tôi còn nhớ những trưa hè nóng bức/ Tiếng rao hàng trong ký ức tuổi thơ/ Những âm thanh bình dị ngọt ngào đưa/ Qua khung cửa liếp dừa, hàng thiên lý/ “Bắp nướng, lạc rang, đậu hũ đường, khoai bí”!/ “Bánh giò nóng hổi, vừa thổi vừa ăn”!/ Tôi lắng nghe lòng thổn thức bâng khuâng/ Từng đàn kiến bò quanh trong bụng đói…”.

Đúng y chang tâm trạng của y ngày thơ ấy. Lại nhớ đến bài thơ Huế, đêm hè của Nam Trân viết năm 1939, lúc ông từ Quảng Nam ra học ở Huế: “Hai tay xách hai vịm/ Một vài mụ le te/ Tiếng non rao lảnh lói: / Chốc chốc: "Ai ăn chè?". Mà này, “cái vịm” là cái gì? Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “Vịm: Liễn bằng sứ có nắp để đựng cơm”. Thế “liễn” là cái gì? Hãy nghe giải thích tiếp: Liễn: Đồ bằng sành bằng sứ, có nắp, thường dùng để đựng đồ ăn”. Cách giải thích thứ hai chính xác hơn. Bèn tra tiếp Đại từ điển tiếng Việt xem sao. “Vịm: 1. Chậu bằng sành hay bằng đất nung dùng để rửa giặt: vịm rửa chén; 2.Liễn bằng sứ có nắp dùng để đựng cơm: một vịm cơm”.

Có thể hiểu nôm na, ở miền Trung gọi cái vịm, ngoài Bắc gọi cái liễn. Thế trong Nam gọi là gì? Xin quả quyết, gọi là “thố” như ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích: “Thố: đồ bát thường dùng mà đựng cơm, trên có nắp đậy”. Tóm lại, vịm là thố, là liễn, là chậu lớn có thể làm bằng sứ hoặc đất nung và trên có nắp đậy. Tục ngữ ở Huế có câu: “Rim rím vịm troi”. “Rim rím”, trong Từ điển tiếng Huế, ông Bùi Minh Đức giải thích: “Rim rím, có vẻ rụt rè, e lệ, con nhà lành”. “Con nhà lành” tức “gái ngoan”, trái ngược với “gái hư”. Chỉ khi nào giải thích được từ “troi” thì mới hiểu rõ câu tục ngữ ấy. Dứt khoát, “troi” trong ngữ cảnh này không phải là cách gọi khác của con giòi theo ngữ âm địa phương.

Mà thổ âm, thổ ngữ của từng vùng miền lại độc đáo ra phết. Hãy nghe tiếng rao của người bán hàng Quảng Nam, thơ Nam Trân ghi nhận: “Ai eng chè đậu doáng?/ Ai eng đậu hảu không?/ Ai eng hột dịt lộn?/ Bánh ít ngọt? Xôi hông...?”. Tự dưng cảm thấy thương thương, xao xuyến về tiếng nói quê mình. Trong bài thơ của Xuân Mai, nhân vật xưng tôi đùa nghịch với bà cụ bán hàng rong, dù không mua nhưng vẫn gọi. Và đây: “Bỗng bên cửa thập thò đôi quang gánh/ Bà lão nhoẻn nụ cười chìa xâu bánh/ Dáng gầy gò trong áo cánh sờn vai/ Chiếc nón rơm cũ kĩ buộc đôi quai/ Như rướn hỏi vừa rồi ai rao bán?/ Tôi bỗng thấy thẹn thùng cười lơ đãng/ Nhìn hàng quà mà trong bụng ước ao/ Giá hôm qua ta dành lại năm hào/ Thì bắp nướng mỡ hành thơm có lẽ...”.

Đùa thế là quá trớn rồi đấy.

Thật hay, thật bất ngờ khi có ngay chi tiết thơm thảo tình người: “Bà lão đoán được lòng con trẻ/ Miệng mỉm cười móm mém bảo đôi câu:/ “Nếu không tiền ăn trước trả ta sau/ Mai xin mẹ ba hào thôi con nhé!”/ Con ráng học sau này khôn nên nhẽ!/ Lão già rồi không kể chuyện tương lai/ Gánh hàng rong nuôi cuộc sống nguôi ngoai/ Con học giỏi ngày mai còn giúp nước!”. Ôi tấm lòng bà cụ đáng quý biết dường nào. Những con người bán hàng rong nói chung nhân hậu, hiền từ ấy, thời buổi này có còn không?

Sở dĩ hỏi, vì mới đây nhất đây nhất, dư luận xã hội bàn tán ầm ĩ về sự việc: “Bún chưởi” Hà Nội được lên kênh truyền thông quốc tế CNN. Người dẫn chương trình - đầu bếp Anthony Bourdain gọi đó là "Món ăn đặc sắc của Việt Nam"; “Món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này”; "Đây là các giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà" (!?). Nghe sướng tai chưa hả trời cao đất dày? Thiên hạ tha hồ bình luận bênh vực hoặc chê bài về cái “đặc sản” của quán này, rồi sau đó, không ít ý kiến bị “ăn chưởi” tả tơi!

Theo Báo Thể thao & Văn hóa ra ngày 4.10.2106: “Quán "bún chửi" là một quán nhỏ nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, Đống Đa, Hà Nội chuyên bán các món bún như: Bún sườn móng giò, bún dọc mùng... Chủ quán là người thường xuyên nặng lời với nhân viên và khách hàng”. Cũng trên tờ báo này, số ra ngày 5.10 còn cho biết thêm: “Từ khi CNN, báo đài đưa tin, khách đông gấp đôi” và nhà báo Đông Kinh kinh ngạc đặt câu hỏi: “Liệu đó có phải là một thứ “quái thai” trong văn hóa giao tiếp của người Hà Nội? Liệu đó có phải một minh chứng rằng người Hà Nội sẵn sàng chấp nhận bị chửi, bị quát chỉ để được một suất ăn ngon? Liệu có phải là một thứ “văn hóa nhẫn nhịn” như người ta nói?”.

Sống trên đời ai cũng phải ăn, nhưng chọn thức ăn thời buổi này sao khó quá. Đâu là thực phẩm sạch? Không ai có thể trả lời, dù giàu sụ như Thạch Sùng đi nữa cũng không thể mỗi ngày tìm kiếm được nguồn cung cấp theo ý muốn. Nhà văn Chị Đẹp có viết câu status trên trang Facebook cá nhân rất đáng suy ngẫm: “Người ta bảo dù có bất công, có đàn áp, có nghèo đói cỡ nào, một số dân ở Việt Nam vẫn là elite, vẫn sung sướng ăn trên ngồi trước, một bước lên xe kẻ hầu người hạ, có tiền có tất. Nhưng đâu phải thế, họ dù có tiền cũng không mua được không khí sạch để thở, không mua được vĩa hè bằng phẳng để đi, không mua được những con đường không lầy lội ngập nước để lái Mercedes, không mua được cảm giác hạnh phúc khi ngồi ở quê nhà được ăn miếng cá sạch vừa vớt từ biển sạch lên, không mua được những người giúp việc không tham lam, không mua được những bằng hữu thân nhau vì tình chứ không vì danh lợi... Có những nỗi đau không của riêng ai. người ta gọi chung đó là niềm đau của một dân tộc, mà dù có đi đến nơi nào cũng không chối bỏ hay gột rửa được”.

Sáng nay, Báo Tuổi Trẻ ngày 7.10.2106 đưa tin: “Hiện mỗi năm VN có khoảng 130.000 ca mắc ung thư mới, trên 70.000 ca tử vong do ung thư, tương đương mỗi ngày có khoảng 200 người VN chết vì bệnh ung thư. Ông Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, cho biết như vậy tại hội nghị quốc gia về phòng chống ung thư năm 2016 tổ chức ngày 6-10 ở Hà Nội"; và "Theo ước tính của cả VN và thế giới, VN đang đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về tỉ lệ mắc mới bệnh ung thư”.  Không rõ trong đó, ung thư do ngốn thực phẩm bẩn chiếm bao nhiêu %? Tự dưng, rùng mình. Khiếp đảm. Làm cách nào để tự bảo vệ lấy chính mình từ miếng ăn mỗi ngày?

Viết lại lịch sử những ngày này, thế hệ sau sẽ viết như thế nào? Có lúc, vừa gặp mặt nhau tại cơ quan, một đồng nghiệp đã đặt câu hỏi đó. Nghe oải quá. Biết trả lời thế nào? Vụ cá chết hàng loạt, nước biển biến dạng vẫn là mối lo, quan tâm của mọi người. Câu trả lời cụ thế, chính xác ra làm sao? Vẫn còn lơ lửng. Một thể chế vốn tồn tại bằng cách nói dối, bẻm mép, đánh tráo sự thật hoặc một nửa sự thật đã “có nghề”, đã chuyên nghiệp, đến lúc dẫu có nói thật đi nữa cũng chẳng ai thèm tin. Bi kịch ở đó chăng? Chẳng biết tin vào điều gì nữa. Chẳng phải đâu, đáng sợ nhất là lúc không còn tin vào chính mình nữa. Nói thì dễ, đôi lúc cũng hoang mang quá. Tin vào cái gì? Trên cộng đồng mạng ngày càng ngồn ngộn thông tin, thú thật cũng chẳng biết tin vào đâu. Vừa đọc bài thơ trên mạng, không rõ tác giả, nó đã nó đúng tâm lý của nhiều người, dù rằng, có “lên gân” và nói vống một chút:

Sáng điểm tâm tô bún
Có ướp tí hàn the
Xong uống ly hóa chất
Được gọi là cà phê
Trưa ghé tiệm cơm bụi
Ăn bột nở trộn cơm
Lợn siêu nạc kho trứng
Trứng nhân tạo vàng ươm
Chiều nấu cơm hạt nhựa
Với thịt bò “lên đời”
Heo tẩm thuốc Trung Quốc
Thành miếng bò đỏ tươi
Làm tô canh rau muống
Tưới dầu nhớt xanh um
Thêm tí cồn pha nước
Mặt cũng đỏ bừng bừng
Tối bạn rủ đi nhậu
Uống hóa chất ủ men
Khô mực cao su nướng
Vẫn tê tái say mèm
Bốn mươi khám tổng quát
Bác sĩ cấp văn bằng
Ung thư giai đoạn cuối
Ra đồng nằm ngắm trăng

Câu thơ cuối khôi hài quá. Phải khôi hài thôi, dù biết tỏng là thế, nhưng rồi cũng phải ăn. Oái oăm thật. Một miếng ăn đưa vào miệng mỗi ngày, thấy sờ sờ ngay trước mắt nhưng có phải thực phẩm sạch? Tin được chăng? Chẳng có thể tin gì sất. Lật tờ báo ra, đọc thông này, biết thông tin kia, nhưng rồi có thật sự đáng tin hay không? Nghi nghi ngờ ngờ. Ma ma phật phật. Chẳng đâu vào đâu. Mà cũng chẳng gì rõ ràng, minh bạch. Có thể hiểu thế này, có thể hiểu thế kia. Thế nào cũng được. Vậy buồn hay vui hỡi một ngày? Tự hỏi rồi nhẫm thêm câu thơ của Xuân Mai: “Những đêm mưa học bài mê mải/ Tiếng mõ rao hàng lóc cóc leng keng/ Ai cháo lòng? cháo huyết, bún chả nem?/ Vịt lộn nóng, phở đêm, khô bò nướng/ Tiếng rao ấy in sâu vào tâm tưởng/ Ngấm sâu vào máu thịt ở trong ta”.

Này y, ngày ấy, bao giờ quay trở lại?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.10.2016

 

nhat-ky--3.10.2016-formosa

 

Nửa đêm hôm qua trời mưa lớn. Mưa kéo dài đến sáng. Dậy sớm, vội bước ra đầu ngõ mua vài tờ báo mới. Để xem các đồng nghiệp tường thuật thế nào về vụ hàng ngàn người dân tập trung biểu tình trước Formosa. Trước đó, các trang báo điện tử của cơ quan đoàn thể vẫn lặng như tờ. Không một dòng, dù chỉ một dòng. Toàn bộ hệ thống báo chí tê liệt trước sự kiện này. Các tờ báo chính thống, nhà báo có thẻ do Bộ Thông tin Truyền thông cấp đã bỏ hẳn “trận địa” cho các trang mạng xã hội. Duy chỉ có Thanh Niên online đưa tin: “Hàng ngàn người dân Kỳ Anh tập trung phản đối Formosa gây ô nhiễm”. Nhưng sau đó rút bài xuống không kèn không trống. Tìm kiếm lại trên Google, chỉ thấy lưu lại vỏn vẹn mấy dòng chữ này: “Sáng nay (2.10), hàng ngàn người dân ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã kéo đến cổng của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phản đối việc công ty ... 02:45 PM - 02/10/2016”. Có người còn ví von cuộc biểu tình này không khác cái thời Xô Viết Nghệ Tĩnh của năm 1930:

Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi.
Không có lẽ ta ngồi chịu chết?
Phải cùng nhau cương quyết một phen.
Tổng này, xã nọ kết liên,
Ta hò, ta hét, thét lên mau nào!
Trên gió cả cờ đào phất thẳng,
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha,
Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng…

Số lượng tham dự cuộc tình ôn hòa này có thông tin cho rằng đã lên đến 10.000 người. Một con số quá khủng khiếp. Một sự kiện quá lớn. Thế nhưng, sáng nay, không một tờ báo chính thống nào đưa tin. Nguyên cớ tại làm sao? Thì ra, cách quản lý báo chí như cái kiểu thời bao cấp chỉ khiến người dân không còn có nhu cầu tìm đọc báo nữa. Thời buổi này, không chỉ cạnh tranh với các trang mạng xã hội, người làm báo còn bị án ngữ ngay trên đầu cái vòng kim cô nữa. Vậy còn nên cơm cháo gì? Từ vấn đề Bauxite Tây Nguyên, Hoàng Sa, Formosa... và nhiều sự việc khác, có thể rút ra một kết luận: Giữa nhà cầm quyền và người dân đang có khoảng cách. Khoảng cách đáng lo ấy ngày một lớn, càng khó tìm được tiếng nói chung.

Về hậu quả của Formosa, sau khi được “bật đèn xanh”, báo chí đã đề cập đến nhiều rồi. Gần đây nhất, Báo Tuổi Trẻ ngày 30.9.2106 đưa tin (nguyên văn): “Trên 19.000 người mất việc vì sự cố của Formosa”: Tại buổi họp công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm ngày 29.9, Tổng cục Thống kê cho biết kết quả khảo sát các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra cho thấy trên 22.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng việc làm, đời sống. Số lao động bị mất việc làm hoặc làm việc không còn ổn định lên tới trên 24.000 ngàn người (chủ yếu trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hậu cần nghề cá, nhà hàng - khách sạn). Trong số bị mất việc hoàn toàn lên tới trên 19.000 người, số phải tạm thời chuyển sang ngành nghề khác là gần 5.000 người. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố này, số lao động có nhu cầu đăng ký đi xuất khẩu lên đến 17.253 người”.

Điếng lòng.

Con dân Việt lại tha phương cầu thực. Sau chiến tranh, hòa bình, thống nhất, tưởng rằng đã có thể yên ổn, chí thú làm ăn. Không ngờ lại thêm nhiều cuộc ly tán nữa, vì miếng cơm manh áo. Không rõ nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác ca khúc Đồng đội vào năm tháng nào, nhưng thời trong quân ngũ, thâp niên 1980, y đã từng nghe, từng hát: “Bạn tôi cho hay sau này xong chiến đấu sẽ lên nông trường sớm hôm trên đồng lái máy cày. Còn tôi mong sao bao ngày tôi đang sống sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau”. Nào ngờ, ước mơ thánh thiện ấy “tan tành mây khói” khi đối mặt với hiện thực phũ phàng. “Xuất khẩu lao động”, cụm từ này nghe chua chát và mỉa mai đến tột cùng của một kiếp nhân sinh. Thời chiến tranh có máu, xương máu, lấy máu xương làm hành trang vào đời; thời bình lại đổ mồ hôi sôi nước mắt ở xứ người để kiếm miếng cơm. Tủi nhục đến thế là cùng. Bài thơ Tiễn em trai đi Hàn Quốc, bạn thơ Cao Xuân Sơn viết năm 1994 biết đến lúc nào mới mất đi ý nghĩa thời sự?

Đừng xăm soi nữa bản đồ
dẹp đi cả chuyện múi giờ lệch chênh
nước Hàn ở phía... mông mênh
dĩ nhiên chẳng phải nước mình, vậy thôi!

Hàn là lạnh đấy, em ơi!
nhưng... đâu chả thế - đất trời người ta
ngày mai em như Kinh Kha
rắp mong một trận này qua khó nghèo

Đã mòn chân suối với đèo
mấy năm lính, hẳn ít nhiều gió sương
liều thêm, ừ, một đoạn đường
con thơ, vợ dại thương suông ích gì!

áo cơm nặng lắm, đi đi
chiếc ba lô cũ thích thì cứ mang
dặn em sức vóc là vàng
đừng đem vắt kiệt giá băng xứ người

Rủi may ai biết hở trời
đêm nay... anh rót rượu mời Kinh Kha...

Tiễn em đi bán sức lao động, không khác gì Kinh Kha sang Tần, đó mới chính là nỗi đau buốt của người đi kẻ ở. Trước những sự việc này đôi lúc cảm thấy, những gì mình đang viết với tư cách nhà báo, lại trở nên nhẹ hều, cứ như suy nghĩ của một ông già lẩm cẩm, ngớ ngẫn, chẳng “ăn nhậu” gì với mối quan tâm chung của cộng đồng. Biết làm thế nào nhỉ? Y vốn hèn. Thôi thì, lại quay về rị mọ cùng chữ nghĩa. Cũng không xong. Ai đời,  trong tiếng Việt hiện nay đã có những cách giải thích khác một vài từ lâu nay đã hiểu.

Chẳng hạn, anh chàng nọ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự đấm vào mặt nhà báo đến chảy máu miệng, hộc máu mũi thế nhưng cách gọi mới là “gạt tay trúng má” (!?); đưa chân đạp một cú cho người ta té chúi nhủi, đập đầu xuống đất u đầu sứt trán lại gọi: “giơ chân hơi cao” (!?). Thậm chí thiên hạ đánh nhau ì sèo, vác mã tấu “luộc” nhau đến bán sống bán chết, thân tàn ma dại lại gọi “xô xát” (!?) v.v… Khi vì sự số Formosa, bà Cục trưởng Cục Việc làm Việt Nam cho rằng: “Ngư dân rời biển đi khuân vác là không thất nghiệp”. Hóa ra từ “thất ngiệp” đã hiểu qua cách khác nữa rồi. Vô cảm đến thế thì thôi. Thời quân chủ chuyên chế, các ông vua đặt ra lệ kỵ húy vì thế không ít chữ nghĩa bị méo mó, biến dạng. Ngờ đâu, thời nay cũng chẳng khác mấy, nếu xét theo hàm nghĩa nội tại của chữ nghĩa.

Trở lại với vụ báo chí đã phớt lờ đi vụ biểu tình sáng hôm qua tại Hà Tĩnh. Ai ai cũng nhếch mép cười ruồi về một cách “định hướng” thông tin đã quá lạc hậu. Báo chí không ghi nhận à? Các nhà làm sử phải ghi nhận chăng? Sực nhớ, vụ biểu tình rầm rộ, nổi đình nổi đám năm 1997 về vấn đề ruộng đất ở Thái Bình thì lúc ấy thế nào? Báo chí cũng “im thin thít như thịt nấu đông”, vậy thì những nhà làm sử sẽ ghi nhận chứ gì? Chưa chắc. Lật lại Việt Nam những sự kiện lịch sử 1975 -2000 do Viện Khoa học Xã hội - Viện Sử học đứng tên (NXN Giáo Dục - 2008) vẫn không hề có 1 dòng nào! Thế đấy. Cái gì cũng che giấu, cái gì cũng bưng bít cả. Thế nhưng, đừng lo, mạng internet đã và đang giải quyết sự bất cập một cách cố ý, bảo thủ đó.

Trời đã chiều. Ngoài trời, mưa lâm râm. Trong lòng, đang bão tố. Dừng bút thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 16 trong tổng số 58