LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.12.2015

 

dan-ong-con-ban-la-hne(ảnh:Internet)

 

Trước mặt vợ, đàn ông cơ bản là hèn.

Có nhiều biểu hiện khác nhau. Từ Hải là một thí dụ. Cái chết đáng thương ấy, do tin lời của Thúy Kiều mà bỏ xác một cách lãng xẹt. Mấy hôm nay, vẫn công việc của mỗi ngày. Đọc và viết. Sống bằng nghề gõ bàn phím. Thong thả. Tự tại. Đôi lúc, tự hỏi, chẳng biết tại làm sao chữ nghĩa trong đầu, ở đâu mà nhiều đến thế? Nhiều đến bao nhiêu? Không thể biết. Cứ mỗi sáng, mỗi chiều, đúng theo thời khóa biểu, theo thói quen, ngồi vào bàn là viết. Viết mãi. Viết hoài. Viết từ ngày này qua ngày nọ. Cứ như con suối cứ tuôn chảy mỗi ngày. Nghĩ cũng lạ. Một ngày không viết gì, tự dưng thấy nhớ. Thấy một ngày trôi qua vô ích quá, chẳng làm được cái gì nên hồn cả.

Viết cũng như nói. Đôi khi con người ta nói năng hoạt bát, dạt dào, trôi chảy, không vấp váp, nói đâu ra đó. Viết cũng thế. Ngồi vào bàn, gõ phím là từng con chữ nhảy múa không dứt. Ấy thế, có lúc ngồi rị mọ, chẳng thể có được một chữ nào. Và ấy thế, có lúc há mồm ra nhưng cứ lắp ba lắp bắp như đang tập nói, đang nói ngọng. Chỉ có đọc là sướng nhất. Thích gì đọc nấy. Chẳng hề phải chịu một áp lực nào cả. Đang đọc truyện ngắn nhảy qua đọc Truyện Kiều, ngâm chưa dứt với 3.254 câu lục bát thuộc loại siêu đẳng “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ”, chợt dừng lại trầm ngâm với với cái chết của Từ Hải. Rồi đọc tiếp chứ? Không, tự dưng có hứng phải viết cái gì đó chăng? Tất nhiên. Viết rằng:

Rằng tin, lời ấy là tin

Trướng mai tình tự thuyền quyên anh hùng

Bỗng đâu sấm sét đùng đùng

Bởi tin nên trụi râu hùm hỡi ôi


Chôn chân đứng sững giữa trời

Hùm thiêng đốn ngã bởi lời hồng nhan

Mới hay tiếng ngọc tơ vàng

Lũy thành xiêu sụp, trễ tràng trống canh


Chiến trường không tiếc máu xanh

Bởi tin nên mới tanh bành chiến công

Biển khơi vùng vẫy tây đông

Sa chân chết đuối giữa dòng cạn queo


Bơ vơ cánh vạc chân bèo

Bao nhiêu oanh liệt đổ vèo vực sâu

“Bất tri tam bách…” thoáng mau

Vẫn còn đọng lại bể dâu Thúy Kiều

Vừa mới bảo, trước mặt vợ, đàn ông cơ bản là hèn. Vậy y ngoại lệ à? Không hề. Y hèn. Hèn đến độ sợ luôn cả vợ người khác nữa đấy chứ. Nguyễn Trọng Tạo có câu thơ này, đọc là tủm tỉm cười: “Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh". Đôi khi đàn ông hèn còn do người “đầu ấp tay gối” đáo để quá. Nhà văn vốn là người quan sát tâm lý giỏi, cực giỏi. Có như thế, họ mới “hóa thân” vào nhân vật, thấu hiểu tính cách của nhân vật. Vừa đọc truyện ngắn này của nhà văn Đỗ Quang Tiến.

Trong truyện đó, có nhân vật tên Huân, trạc tuổi của y, nghĩa là ngoài 50 nhưng phải còn dăm ba năm nữa mới lục thập. Huân ốm yếu, nho nhã, ít nói, bị bệnh suyển, mọi việc trong nhà đều một tay vợ quán xuyến. Do buôn bán, kiếm cơm nuôi chồng con nên vợ Huân tất bật từ sáng mãi đến tối khuya mới vác xác về nhà. Nhiều lúc, vừa về nhà thì vợ đã bô bô nói cười, doi dói như con kiến vống. Thì đã sao? Đàn ông rất dễ ghen, chỉ cần nghĩ xa nghĩ gần, tưởng tượng lúc không có mình kề cạnh, cô ta làm gì nhỉ? Mắt liếc tình đưa với những ai nhỉ? Có thể thể này, thế kia nhỉ? Thế là đùng đùng nổi cơn ghen. Huân ghen. Lập tức, vợ mắng cho té tát: “Tiếc tài, người chả ra người, mà hơi tí là ghen hộc, ghen bịa lên… Sao lại có cái người không biết dơ…”. Biết thân biết phận, Huân im thin thít như thịt nấu đông.

Thế chẳng phải hèn là gì?

Chưa đâu. Hèn phải là thế này. Thỉnh thoảng, đôi lúc mua may bán đắc, vợ Huân chìu chồng mua cho cút rượu và dĩa lòng. Ngồi một mình nhâm nhi. Khoái khẩu quá. Ngon miệng quá. Lạ chưa kìa, đột nhiên dâng lên trong lòng Huân lại là cảm giác hối hận (!?). Vì đã ghen sằng, nghĩ bậy cho vợ. Vì nếu không yêu, không thương sao vợ lại lo một bữa tươm tất thế này? Đàn ông "trẻ con" quá đi thôi, muốn chinh phục họ, cách tốt nhất, hãy cứ dàn binh bố trận, “tấn công” qua con đường bao tử ắt hiệu quả nhất.

Trong lịch sử Việt Nam, có nhân vật lừng danh Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628) từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần "khai quốc" thời Lê trung hưng. Ông nổi tiếng chính trực, quang minh chính đại, xét án như Bao Công, giữ nghiêm phép nước, ngay cả vua Lê chúa Trịnh cũng phải kiêng nể. Gia phả còn chi lại lời ông răn bảo triều thần: “Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy”.

Thế mà, có lúc ông đã “vi phạm” vào điều răn đó.

Ngày nọ, ông xét án một phò mã của chúa Trịnh khi cầm quân đánh nhà Mạc, chỉ vì hèn nhát mà kéo quân về. Vậy cứ theo phép nước mà khép án tử hình. Kêu xin, van nài mãi không xong gia đình người này bèn đi “cửa sau” nhờ bà vợ tác động đến ông. Người vợ nghe lời than khóc ấy, động lòng thương cảm nên hứa giúp. Do biết tính chồng khoái món thủ lợn chấm mắm ngấu, bà làm món này đãi ông. Đợi ông ăn xong, bà mới thỏ thẻ cho biết đó là “lễ vật” của gia đình phạm nhân. Trời đất! Đã ăn rồi, chẳng lẽ nôn ra? Ông tặc lưỡi: “Chỉ vì một miếng ăn mà hỏng cả việc công. Ta đã ăn rồi, giờ biết nói sao? Cũng may án này có một vài lẽ có thể khoan giảm, nếu không thì phép nước sẽ điên đảo vì ta tham ăn”. Làm vợ quan chức không dễ bởi hoặc giữ thanh danh cho chồng; hoặc vùi chồng vào “bia miệng” thế gian cũng còn tùy thuộc vào bản lĩnh của người đàn bà. Từ đó trở về sau, ông Giai bỏ luôn món khoái khẩu này. Nhân đây, chép lại bài thơ của ông:

Ba vua, bốn chúa, bảy thằng con,

Trên chửa lung lay, dưới chửa mòn.

Công nghiệp chưa thành sinh cũng uổng

Quan tài sẵn đó chết thì chôn.

Giang hồ, lang miếu: trời đôi ngả,

Bị gậy, cân đai: đất một hòn.

Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,

Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn?

Bài thơ hay, ngẫm ra nhiều điều lý thú. Dù tự trào nhưng khí khái lắm.  Chẳng thèm màng chút lợi danh nào, xem mọi thứ đang có chỉ là phù du, ảo ảnh. Chết thì chôn. Không níu kéo phải được sống thêm nữa, chẳng lẽ phải đồng môn với ông Bành Tổ à? Biết đủ là đủ. Vậy thôi, chẳng ham hố gì. Âu cũng là triết lý sống tích cực của lớp nhà Nho thuở trước.

Trở lại với gia đình nhân vật Huân.

Đàn ông thế này mới là hèn.

Ngày nọ, nghe vợ cười nói hú hí, tí tởn, còn cả tiếng đàn ông nữa chứ, Huân ghen, bèn quát một câu cho đáng mặt làm chồng. Nào ngờ, vợ mắng luôn: “Thôi, đừng dở cái trò bú dù ra nữa, mà người ta lại cười cho thối óc. Rõ già không chót đời. Bác Nhâm hơn thằng Huân mấy tuổi? Hứ! Hừ! Không biết dơ! Gái này chưa được là con lợn sề rồi à? Mười tám, đôi mươi, gì nào? Đít cong, vú mẩy gì cho cam nào”. Huân ghen sằng, bác Nhâm đã già, đã lớn tuổi rồi, lại người thân thuộc. Lạ thay, khi nghe vợ mắng vì đã ghen bậy ghen bạ, nhiều người đàn ông lại có tâm lý buồn cười ghê gớm: “Vợ càng nói, chồng càng mát ruột. Ông Huân thần mặt, khịt khịt mũi, muốn vợ mắng cho trận nữa, cho ông hả dạ thêm”. Tại sao lại có tâm lý này? Chẳng qua người chồng hãnh diện, sung sướng vì nghĩ rằng, vợ mình chính chuyên, chứ không lăng loàng, trắc nết như ai khác.

Đàn ông thế này mới là hèn.

Ngày nọ, đã cuối năm, vợ chồng cùng sum vầy bên mâm cơm cúng Giao thừa. Giây phút thiêng liêng ấy, vợ Huân nói với chồng một câu thật âu yếm mà trong năm Huân chưa hề được nghe: “Ông nhỉ! Giao thừa năm nay im ả đấy chứ! Năm nay chắc dễ làm ăn hơn năm ngoái. Ông thế nào cũng khỏe mạnh. Ông có vui vẻ khỏe mạnh, vợ con mới nhờ được cái lộc của ông, làm ăn mới xởi lởi… Ông ốm yếu luôn, tôi chợ búa cũng chả yên tâm”. Phải tình chồng nghĩa vợ, phải yêu thương nhau lắm con người ta mới thốt được câu cảm động, nghĩa tình ấy. Tình nhân dành cho tình nhân, có lẽ họ sẽ nói câu khác kia chứ? Lúc yêu nhau, đôi lứa hầu như chỉ tâm sự đến những cuộc hẹn hò, vui tươi ánh sáng tháng rộng ngày dài, hơn là những nỗi lo canh cánh xám nghét mặt mày vì cơm áo gạo tiền.

Với nhân vật Huân, đọc đoạn văn kế tiếp mới thấy nhà văn Đỗ Quang Tiến phân tích tâm lý tinh tế: “Nghe vợ nói, ông chồng mát từng khúc ruột. Năm ngoái, năm kia, năm kìa cũng vậy, lúc giao thừa, ông cũng được nghe vợ nói những câu mát lòng, hả dạ như thế này. Nhìn nét mặt hiền hòa, nghe giọng nói âu yếm, một năm mới có một lần, ông cảm động đến khóc lên được. Ông run run ngồi dậy, mặc cái áo bông the, hai cánh tay rách xõa, chụp cái khăn gián nhấm vào, rồi bắt chân chữ ngũ giữa giường. Ông càng ra dáng đường vợ thì vợ ông lại càng làm ra vẻ len lét, sợ ông”.

Trước mặt vợ, đàn ông cơ bản là hèn. Tuy nhiên, cũng chẳng sao. Một năm, chỉ có một lần được vợ sợ, dù rằng chỉ giả vờ len lét. Vậy cũng đã đủ cho cái sự vênh váo làm chồng đầy hãnh diện, tự hào, mãn nguyện và sung sướng lắm rồi. Phải không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment