LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.5.2017

20013_20141120033449

 

Sau ngày lễ, đường phố đã đông người. Không còn càm giác thông thoáng như vài ngày vừa nghỉ lễ. Nhật ký hôm nay, chỉ dành ghi lại một, hai thông tin vừa đăng trên báo Tuổi Trẻ.   

Bài thứ nhất, Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà (số ra ngày 2.5.2017): “Đó là trường hợp hai anh em Đặng Thái Anh (sinh 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh 1998) ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Cuối năm 2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi; Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015.

“Chị Lê Thị Thanh: Đây là quyết định từ cha các cháu. Lúc đầu tôi không đồng ý, bởi trẻ ở lứa tuổi học sinh phải đến trường chứ không thể ở nhà. Tuy nhiên qua thời gian trải nghiệm, bản thân tôi cảm thấy quá mệt mỏi với việc học hành của con ở trường. Cả hai con trai tôi đều học tiểu học, trung học ở trường công lập. Có nhiều điều bất cập trong nhà trường mà bản thân là một nhà giáo, tôi cảm thấy rất bức xúc và bế tắc. Một lần con lớn của tôi không thuộc bài, thế là cháu cùng với gần 20 bạn phải đứng trước phòng ban giám hiệu nhà trường trong giờ ra chơi cầm cuốn tập học bài.

Tôi phản đối hình phạt đó, bởi tôi cho rằng nó không hiệu quả. Giờ giải lao là khoảng thời gian học sinh được nghỉ ngơi, giải trí để phục hồi khả năng tiếp thu, chứ bắt đứng học như thế làm sao các em học được. Thấy tôi phản ứng, cô chủ nhiệm của cháu bảo: “Em chỉ cho các cháu đứng như thế một tuần để các cháu sợ mà thôi”.

Tiếp nữa là chương trình học thừa thãi một cách vô lý khiến học sinh học hành quá tải, các thầy cô thì giao quá nhiều bài về nhà. Con lớn của tôi ngày nào cũng miệt mài làm bài tập đến 22h, 23h mới xong, 6h sáng hôm sau đã phải dậy đi học rồi.

Anh Đặng Quốc Anh: Nhà trường xếp lịch học tréo ngoe lắm. Con tôi học chính khóa buổi chiều nhưng có tiết thể dục buổi sáng. Mà mỗi buổi chỉ học một tiết trong 45 phút. Thế là sáng cha hoặc mẹ phải sắp xếp chở con đi, rồi đứng đó chờ đón con về. Cháu lớn học gần hết lớp 10 thì tôi cho nghỉ ở nhà để tự học. Đến cháu nhỏ, hồi học tiểu học cũng có chuyện này chuyện kia nhưng không đến nỗi nào. Khi cháu lên lớp 6 mới thật sự gặp sóng gió. Trong lớp, học sinh có đi học thêm thì không phải truy bài, bạn nào không học thêm như con tôi thì thầy cho đến 10 trang giấy bài tập về nhà. Nếu làm không hết thì bị phạt thụt dầu. Riêng môn tiếng Anh cháu học khá tốt, nhưng bài kiểm tra của cháu làm đúng mà cô giáo chấm sai làm cháu bức xúc.

Chưa hết, cháu thường hay nói chuyện với các bạn về hố đen, phản vật chất, thiên văn... Thế là bạn bè dè bỉu: “Thái Anh không bình thường, có vấn đề về thần kinh, bị khùng...”. Về nhà, Thái Anh đặt vấn đề với cha mẹ: “Sao anh hai được nghỉ học ở trường mà con không được?”.

Tôi quyết định cho hai con ở nhà (năm 2014) để mình đỡ phải lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên với chuyện học hành của con nữa. Mình dạy con thì chắc ăn hơn.

Đặng Nhật Anh: “Em đã thay đổi quan niệm học tập”. Nghỉ học ở trường THPT, em cảm thấy như trút được một gánh nặng vì không phải lo lắng cho những đợt kiểm tra một tiết, kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ... và một số áp lực không tên khác. Khi tự học, em đã thay đổi quan niệm học tập: trước đây học để có điểm vì có điểm mới lên lớp được, bây giờ tự học thì học để có kiến thức cho bản thân, học vì mình muốn tìm hiểu, sau đó mới đến điểm số. Thật ra học trong trường phổ thông cũng có cái sướng là thầy cô lo cho nhiều thứ, như chuẩn bị đến kỳ thi đã có sẵn đề cương ôn tập do thầy cô soạn sẵn, còn tự học thì bản thân phải chủ động, phải lên kế hoạch để học theo đúng tiến độ, phải tự chuẩn bị kiến thức để thi...”.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): “Việc không cho trẻ đến trường mà phụ huynh tự dạy con tại nhà có thể còn mới và ít gia đình ở Việt Nam áp dụng nhưng tại Mỹ thì khá phổ biến, nó có tên gọi là home schooling. Đến thời điểm này, luật pháp nước ta vẫn chưa công nhận mô hình home schooling mặc dù nó cũng đang dần dần manh nha. Theo tôi, hiện home schooling ở Việt Nam có nhiều hình thức khác nhau.

Hình thức thứ nhất: trẻ không đến trường học chính khóa mà phụ huynh tự dạy con ở nhà (trong trường hợp này, trẻ đã được định hướng không tham gia thi để lấy bằng do Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp hoặc công nhận). Hình thức thứ hai: trẻ vẫn đi học một buổi ở trường chính khóa, buổi còn lại đến trung tâm (tôi được biết trung tâm hoặc trường ngoại khóa này do một nhóm phụ huynh có cùng quan điểm giáo dục, tự mở trung tâm để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho con em mình). Hình thức thứ 3: trẻ vẫn có tên trong trường chính khóa, nhưng không học mà hoàn toàn học ở nhà do phụ huynh hướng dẫn.

Ở Mỹ, home schooling thường diễn ra ở những gia đình có điều kiện, phụ huynh có trình độ văn hóa cao hoặc hiểu biết rộng, họ cho rằng chính họ trực tiếp dạy con mình thì tốt hơn các thầy cô. Home schooling cũng có thể do các phụ huynh thường xuyên đi công tác mà phải mang các con của mình theo. Luật pháp ở Mỹ cho phép, công nhận và có những hoạt động hỗ trợ home schooling như cung cấp chương trình cho phụ huynh tự dạy con, cho thêm bài tập để học sinh tự làm ở nhà, hoặc có những chủ đề phụ huynh không tự dạy con được thì lại cho trẻ đến trường học riêng chủ đề ấy...

Vì luật pháp công nhận home schooling nên quy định của họ về thi cử cũng rất thoáng: học sinh được tự do đăng ký và đóng tiền để tham dự những kỳ kiểm tra cuối cấp mà không cần bằng cấp (hay chứng chỉ, học bạ) của cấp dưới. Ở Mỹ, nhiều học sinh học theo hình thức home schooling đạt thành tích rất cao, thậm chí cao hơn cả một số bạn cùng trang lứa có đến trường. Hầu hết học sinh tự học ở nhà có tinh thần tự giác cao. Mà như mọi người biết đấy: khả năng tự giác là chìa khóa của thành công.

Mô hình học tập nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Thực tế đã có nhiều phụ huynh giỏi, có thời gian và điều kiện để tìm hiểu và thực hiện nhiều nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú, giúp con mình tiếp thu được nhiều kiến thức tốt. Họ rất tâm lý và có cách cư xử chuẩn mực đối với con cái.

Tuy nhiên khi ra cuộc sống thực tế không phải người nào cũng lý tưởng như cha mẹ, anh em mình nên trẻ dễ bị sốc. Còn nếu học ở trường, trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều bạn khác nhau: có bạn giỏi, bạn dở, bạn tốt, bạn chưa tốt; ngay cả giáo viên cũng có nhiều tính cách và cách ứng xử khác nhau.

Vì vậy, tôi lo ngại rằng trẻ tự học ở nhà nếu không khéo sẽ không biết cách ứng xử (hoặc ứng xử kém) với nhiều tình huống khác nhau, trong cách giao tiếp với những con người khác nhau. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ không có cơ hội học tập, thi đua, vui chơi, giao tiếp... với bạn đồng trang lứa nên rất có thể thiếu một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác...

Tuy nhiên, nếu phụ huynh nhận ra và bổ sung những kỹ năng trên bằng cách cho trẻ học kiến thức ở nhà, song song đó trẻ học những kỹ năng cần thiết khác ở trường, trung tâm thì vẫn ổn”.

Bài báo thứ hai, Còn có sự lựa chọn nào khác? (số ra ngày 3.5.2017):

“Nguyễn Minh Hòa: Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Nghỉ học phổ thông để tự học ở nhà", đã có hàng ngàn ý kiến bày tỏ thái độ ở các khía cạnh và cung bậc khác nhau, dù đang là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ. Lúc 21h đêm qua, cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online đã nhận được 5.056 ý kiến, trong đó số ủng hộ việc để các cháu tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của cha mẹ là 4.282 (84,7%), số không ủng hộ là 469 (9,3%) và số có ý kiến khác là 305 (6%). Như vậy, số ủng hộ cho sự lựa chọn này của cha mẹ và hai đứa trẻ chiếm đến 84,7%.

Tôi cũng đã dành thời gian đọc hết tất cả bình luận, ý kiến của hàng trăm người về câu chuyện này. Tất cả đều nghiêm túc. Phải rồi, với một câu chuyện như vậy, không ai có thể cười cợt và tôi nghĩ các quan chức của Bộ GD-ĐT, của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng không thể dửng dưng.

Là một trong số 4.282 người đã bấm vào mục ủng hộ, tôi hiểu những người khác sẽ nghĩ như tôi ủng hộ một sự lựa chọn dù không có nghĩa là mình có thể làm được, bởi không phải gia đình nào cũng có những điều kiện thuận lợi như anh Quốc Anh và chị Thanh. Nhưng rõ ràng con số 84,7% khiến chúng ta phải suy nghĩ, khiến chúng ta phải cùng nhau bày tỏ thái độ về một nền giáo dục đang có vấn đề.

Tôi dám chắc một điều rằng sự lựa chọn này không dễ dàng với anh Quốc Anh và chị Thanh, đó là lựa chọn đau đớn cuối cùng sau những giày vò và bế tắc. Là nhà giáo, làm sao anh chị lại không hiểu ngoài kiến thức ra, các cháu còn nhận được những thứ khác ở trường học mà gia đình không có được như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, bầu không khí sinh hoạt tập thể và hơn hết là tình đồng môn, nghĩa thầy trò.

Tôi là một giảng viên đại học, có con học lớp 7 và chúng tôi cũng trải qua tất cả cung bậc đau buồn, xót xa, giận dữ, khủng hoảng, căng thẳng, thậm chí “phát khùng” như hai cháu Thái Anh, Nhật Anh cùng cha mẹ phải trải qua. Hơn thế nữa, là một nhà giáo có thâm niên gần 40 năm đứng lớp, tôi đau đớn vì sự bất lực trước các con tôi và sinh viên của tôi, đến độ nhiều lần phải gào lên: “Tại sao lại ra nông nỗi này?”. Tôi và con vừa cùng nhau trải qua một mùa thi với 9 môn, hai cha con đánh vật ngày đêm để học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà môn nào cũng từ 4 đến 6 tờ A4 kín đặc chữ. Nhưng tôi đoan chắc rằng ngay sau khi ra khỏi phòng thi, không đứa trẻ nào còn nhớ “lời vàng ý ngọc” mà các thầy cô nhồi nhét vào đầu chúng.

Tôi nghĩ giá như ông bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ cần làm được một chuyện là cho phép các thầy cô giáo giảng cho học sinh hiểu được nội dung của bài học, còn mỗi em được quyền diễn đạt theo cách mà chúng nó muốn, không phải lặp lại như những con vẹt ngô nghê. Chỉ vậy thôi, tôi tin chắc người dân đã rất biết ơn ông.

Tôi đọc được sự trăn trở và cả hoảng sợ của các bậc phụ huynh về tương lai của con em mình, ai cũng biết nền giáo dục nước nhà đang chứa đựng nhiều bất cập, nhưng họ còn có sự lựa chọn nào khác. Và 84,7% những người ủng hộ anh Quốc Anh, chị Thanh như một tâm trạng, một phản ứng mạnh mẽ mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT không thể không biết, không thấy.

Tôi muốn kết bài viết này bằng một dẫn chứng: có rất nhiều lãnh đạo của các trường, của ngành giáo dục luôn nói rằng giáo dục VN ưu việt, thậm chí có thứ hạng trên thế giới, nhưng rốt cuộc đều gửi con cái mình đi học ở nước ngoài, mà không cho chúng thụ hưởng sự ưu việt đó của nền giáo dục nước nhà (!)”.

Từ các ý kiến, mỗi người đã có thể cay đắng rút ra một kết luận. Xin không bình luận gì thêm.

L.M.Q

18274789_1559398874072371_7046312148103586778_n

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.4.2017


800px-Honor_Daumier_017_Don_QuixoteRR

 

“30 năm rồi đó Q”. Đọc tin nhắn của nữ đồng nghiệp đang công tác tại báo Tuổi Trẻ, chợt bàng hoàng. Mới ngày nào, lúc ra trường, năm 1987, cùng về công tác tại tờ báo này. Thoáng đó, lượng thời gian đã chồng chất thế kia rồi ư? Trong dòng đời, con người ta cứ mải miết, lầm lũi, cắm đầu cắm cổ mà đi, lúc giật mình nhìn lại đã mây trắng bay ngang trời. Đã hoàng hôn xế bóng. Hun hút. Vời vợi. Tất cả đã xa. Đã rời khỏi tầm tay. Vì lẽ đó, sững sốt, bàng hoàng và không thể ngờ trong mọi cuộc chơi, chiến thắng cuối cùng chỉ thuộc về thời gian.

Nhịp thời gian nhẫn nại, chậm rãi, liên tục, bền bĩ từng khoảng khắc nhưng thừa sức nghiến nát mọi thân phận. Tất thảy đều quay trở lại với sự rỗng không vô hình tướng. “Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy/ Hãy để đêm đến, giờ đổ / Những ngày trôi qua và anh vẫn còn đây (Apollinaire). Nhịp đi của câu thơ nghe buồn rã rượi. Lập tức, lại vọng lên nhịp sáu tám ngân vang từ thiên thu đến bất tận, muôn năm đến ngàn kiếp cũng không dứt nổi thanh âm xao xuyến đến lạ thường: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Ngẫm lại mới thấy, ông Tản Đà thấu thị về thời gian, đã thấu hiểu lẽ sinh tồn của kiếp nhân sinh đến cỡ nào:  “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê”.

Một ngày của y thế nào?

“Học thức giữ tên con mọt sách/ Công danh rút lại cái quan tài”. Tâm sự cuối đời của Trương Vĩnh Ký. Câu thơ bình thường nhưng cái hay, đáng nhớ vẫn là cái nhìn, sự cảm nhận rốt ráo của một con người đã thấu hiểu lẽ đời. Câu hỏi nhảm nhất mà cũng sáng giá nhất cho mọi chúng sinh vẫn là đôi khi lẫn thẫn tự hỏi mình là ai và từ đâu đến? Đến rồi đi. Đi về đâu? Mỗi người đều có một câu trả lời cho riêng mình. Nhìn bông hoa đang thắm, nhìn nắng đang ngon, ngắm mưa đã trút, từ trong con mắt, cảm xúc của mỗi người, chẳng ai giống ai. Mỗi con người là một thế giới riêng biệt. Không pha tạp. Không lẫn lộn. Tuy nhiên, cả thẩy đều chỉ là hạt bụi trong vòng quay sinh tử của nhịp thời gian. Nhìn thấy rõ điều này để rồi hãy tự bằng lòng với những gì đang có, đã có. Có và không cũng chỉ là khái niệm tương đối. Nó biến động liên tục. Nhớ chưa? Dạ, nhớ.

Sáng nay, dậy sớm. Và tất nhiên, không thể không tiếp cận với một vài thông tin mới. Chẳng hạn, lần đầu tiên có người Việt Nam là 1 trong 9 ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO. Người đó là ai? Theo báo điện tử Thế giới & Việt Nam: “Ông Phạm Sanh Châu, sinh năm 1961, là một nhà ngoại giao Việt Nam nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực quan hệ đa phương, ngoại giao văn hóa, di sản thế giới… Năm 2016, ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO. Năm 1999-2003, ông là người trẻ nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đồng thời được cử làm đại diện của Chủ tịch nước tại Cộng đồng Pháp ngữ (2000-2003). Do đó, ông hiểu rõ về UNESCO và có những đóng góp cụ thể vào hoạt động của tổ chức, đặc biệt là các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO như soạn thảo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể, Chủ tịch nhóm soạn thảo Công ước 2005 về đa dạng biểu đạt văn hóa”.

Kết quả ứng cử chưa rõ thế nào, nhưng dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, khi trong phần thi của ông Sanh, họ nhìn thấy trước mặt ông là chai nước Trà xanh Không độ, Trà Thanh nhiệt Dr Thanh của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát. Trong khi đó, trước mặt 8 ứng viên còn lại là chai nước Lavie của Nestle Waters.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã từng nổi đình nổi đám, tai tiếng vì liên quan đến vụ kiện có con ruồi trong chai nước ngọt. Kết quả: người phát hiện bị tống vào tù, ngược lại công ty này bị “gạch đá” tơi bời, dẫn đến sự tẩy chay trên bình diện rộng. Sự việc rõ ràng là vậy. Nào ai thêm bớt làm gì. Thời buổi này, mọi thông tin đã qua đều có thể kiểm chứng rõ ràng. Nếu cần, cứ việc gõ Google là sẽ thấu hiểu nội tình. Vậy hà cớ gì, ông Sanh lại trưng ra sản phẩm của Tân Hiệp Phát trong lúc: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”?

Theo báo Giao thông - Tiếng nói của Bộ Giao thông Vận tải, An ninh Gia thông Quốc gia: “Giải đáp thắc mắc của khá nhiều người vì sao có chai nước của một doanh nghiệp Việt Nam để trên bàn khi ông thực hiện phần thi, ông Châu cho biết: Ông muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá. Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn 2 chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác” (ngày 28.4.2017). Liệu chừng câu trả lời này, có thỏa mãn cho mọi người?

Về chiếc áo dài Việt Nam, có lẽ không phải bàn đến nữa. Sáng nay, đọc báo Tuổi Trẻ mới biết đến một thông tin thú vị: “Trong một lần ra Hà Nội, nhà thiết kế Minh Hạnh thấy nhiều người treo những bức tranh rất đẹp, hỏi ra mới hay là của họa sĩ Huế. Minh Hạnh tìm hiểu và nhận thấy Huế có một nền mỹ thuật đặc sắc, từ cung đình đến dân gian, và một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật VN với những cái tên nổi danh từ thời mỹ thuật Đông Dương như họa sư Lê Văn Miến, họa sĩ Tôn Thất Đào. Tiếp đó là một lớp họa sĩ tài hoa như: Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Bé..., rồi đến Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải, Võ Xuân Huy, Nguyễn Đăng Sơn... Từ đó, Minh Hạnh nảy ra ý tưởng phải đưa tranh của họa sĩ Huế lên tà áo dài. Ý tưởng này đã nhận được sự hào hứng đồng tình của cả nhà thiết kế lẫn các họa sĩ. Các nhà thiết kế đã đến Huế xem tranh, gặp gỡ các họa sĩ và ra đời 16 “cặp đôi hoàn hảo” họa sĩ - nhà thiết kế với 16 bộ áo dài hội họa Huế rất độc đáo”.

Đưa tranh của các họa sĩ Việt Nam lên tà áo dài, phải thừa nhận rất thông minh. Tinh tế. Từ đây, tác phẩm hội họa lại có thêm một đời sống khác.

Sáng nay, báo Thanh Niên đã in bài thơ Nhớ Đông Ky Sốt - y viết tặng đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Bài thơ này viết tại sảnh cà phê trong Khách sạn Continental vào ngày cận Tết Đinh Dậu (2017). Sở dĩ y vác xác tới đây là do nguyên cớ: Trước đó, có người tự nhận đồng hương Quảng Nam nhưng nghề ngỗng làm gì, thật ra y chẳng rõ lắm, chỉ gặp một lần lúc ra mắt tập sách hồi ký về diễn viên Thương Tín. Hắn ta bảo rằng, có tay giám đốc ngân hàng cấp quốc gia chi nhánh tại TP.HCM mời y viết kịch bản phim 15 phút về hoạt động của ngân hàng này nhân tổng kết cuối năm.

“Bao nhiêu tiền?”, y hỏi. Tay giám đốc trả lời: “Anh yên tâm, thừa sức cho anh tiêu tết”. Người ta đã nói thế, chẳng lẽ y lại hỏi cụ thể nữa sao? Kỳ cục lắm. Có những chương trình này nọ, y nhận lời nhưng khổ nỗi chẳng bao giờ dám hỏi trước thù lao thế nào, có xứng để bỏ công sức ra không? Sau đó, tự nhủ lần sau rút kinh nghiệm, nhưng rồi có “rút” cái quái gì đâu.

Dù cuối năm công việc bề bộn, bận rộn nhưng y cũng tranh thủ đọc mấy trăm trang tài liệu, nắm rõ về hoạt động ngân hàng đó. Lãnh vực này, y không rành rẽ nhưng cũng phải cố gắng thôi. Và sau đó, viết. Theo thỏa thuận, sau khi giao kịch bản, phía ngân hàng trả thù lao. Nào ngờ, khi đã xong xuôi đâu vào đó, tay giám đốc biến mất tiêu. Tổng kết đã xong. Kịch bản đã thực hiện. Tết lại cận kề từng ngày mà nhuận bút lại không thấy trả.

Y nhắn tin đòi, đòi mãi cũng không được, bèn mắng vốn tay môi giới kia. Cuối cùng, tay giám đốc hẹn gặp tại khách sạn trên. Trong lúc ngồi chờ, y viết bài thơ Nhớ Đông Ky Sốt. Nghĩ cho cùng, một kiệt tác tiêu biểu nhất cho tính cách anh hùng mã thượng, hào hiệp nhất mà cũng ngây thơ nhất của nhân loại, với y vẫn là Đông Ky Sốt của văn hào Cervantes (1547-1616). Dù ở gầm trời nào, thời đại nào cũng cần có những chàng Đông Ky Sốt. Câu thơ viết rằng:

Dưỡng chất gì rất cần cho đời sống

Trả lời đi - tôi biết nói thế nào?

Sau nhắm mắt, nhăn mày cùng nhíu trán

Tôi nghĩ rằng cần… ảo tưởng chứ sao?

Thế nhưng khi in, đã thấy biên tập “ảo tưởng” thành “mộng tưởng”.  Cần thiết nhất ở đời, kỳ lạ thay vẫn chính là ảo tưởng đấy thôi. Có như thế con người ta mới hành động hào hiệp, bất vụ lợi bởi nghĩ rằng sự việc phải là thế, dù rằng nó không phải là thế, nhưng rồi người ta vẫn hăm hở lao theo bằng mọi giá. Tinh thần này đáng thương ư? Chẳng phải đâu, đáng kính phục lắm. Họ cứ sống và thể hiện hành động theo suy nghĩ của họ, dù rằng, có thể kẻ khác cho rằng chỉ là sự ảo tưởng. Trong đời sống, ta tỉnh táo, ta lường trước đón sau, ta thừa biết rằng, sự việc ấy là không thể nên ngao ngán buông xuôi, mỏi mệt. Nhưng họ thì không. Những lúc ấy, lúc ngao ngán, chán ngán, với y, rất cần trò chuyện cùng Đông Ky Sốt bởi sự ảo tưởng của họ nhiệt thành quá, hào hứng quá cũng là một cách tiếp năng lượng sống cho mình. Những con người truyền lửa, truyền cảm hứng thời nào cũng có. Nghĩ thế và viết thế.

May mà viết xong bài thơ trước lúc nhận nhuận bút của cái kịch bản chế tiệt này, nếu không, không thể còn chút tẹo tèo teo cảm hứng nào, vì thù lao mà tay giám đốc kia trả không đáng dành thời gian viết một bài báo! Câu chuyện lằng nhằng, không vui, chẳng kể thêm làm gì. Chỉ biết rằng, y thường hay rơi vào trường hợp cà chớn tương tự bởi rất ngại khi đòi hỏi số tiền cụ thể. Mãi đến lúc xong việc, y thường giận y sao ngu lâu thế?

Đọc lại hồi ký của nhiều nhà văn đi trước, mới thấy rằng, ông Phan Khôi là người rạch ròi trong chuyện tiền nong, sòng phẳng. Độc giả nào muốn mua quyển sách của ông, ông cho biết rõ giá bán, giá cước phí chứ không đại khái, qua loa này nọ. Lúc cộng tác, viết cho các báo trong Nam ngoài Bắc cũng rõ ràng về các khoản nhuận bút mà chủ báo phải trả cho ông. Nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng thế. Ngày đám cưới, ai tặng quà gì, ông đều ghi chép cẩn trọng trong quyển sổ tay để sau này có dịp trả lại tương xứng, có lần ông bảo, chỗ bạn bè mà tiền bạc xen vào thì mất hết tình bạn. Ngẫm cũng hay.

Sáng nay, vui vui khi đọc trên satus của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Hay hay. Ngồ ngộ. Bèn há miệng ra cười. Cười rằng: “Mặc dù là nhà thơ nhưng anh Lê Minh Quốc rất đàn ông. Mặc dù rất đàn ông nhưng lại là dân chơi, mặc dù là dân chơi nhưng rất hay buồn, mặc dù rất hay buồn nhưng lại dễ say, mặc dù rất dễ say nhưng lại thường hay uống, mặc dù thường hay uống nhưng lại rất thường nghỉ giữa chừng, mặc dù thường nghỉ giữa chừng nhưng lại rất thích nói to, mặc dù rất thích nói to nhưng lại ưa nghe thì thầm, mặc dù rất ưa nghe thì thầm nhưng lại cô đơn, mặc dù rất cô đơn nhưng lại có nhiều nữ nhân, mặc dù có rất nhiều nữ nhân nhưng lại là nhà thơ…”.

Câu cuối kết lại bằng dòng chữ đột ngột, tréo ngoe, thế mới biết ấy cũng là một thủ pháp gây cười lạc quan. Và thêm rằng, còn nhớ đến những câu thơ hắn ta đã viết, thích hơn cả những bài thơ lâu nay đã “vịnh” về y: “Phong trần nhưng vẫn mặc quần/ Thư sinh dẫu đã cởi trần từ lâu/ Đời vui chấp gì nông sâu/ Tuổi chơi mây trắng ngang đầu cứ bay/ Tàn đêm rồi lại đến ngày/ Để trong đơn lẻ bàn tay rất buồn”.

Có bao giờ, con người ta xòe bàn tay ra và tự hỏi: Năm tháng đã đi qua, tuổi đời một chồng chất, ham hố đã nhiều, hỷ nộ đã bưa… vậy cuối cùng còn giữ được gì trong tay? Hay chỉ là: “Từng ngón ngắn, ngón dài trên bàn tay năm ngón/ Ngẫm tháng ngày cũng từa tựa thế thôi/ Chẳng mới mẻ cũng chẳng gì cũ rích/ Nhịp đồng hồ cứ gõ nhịp buông xuôi”.

Có thật thế không hay lại là gì khác?
 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.4.2017



lat-leo-tieng-viet-bia-gay-2-1

 

Quái quỷ thật, đọc Truyện Kiều, luôn có cảm giác như thi hào Nguyễn Du mới vừa viết chưa ráo mực. Còn tươi roi rói từng nét chữ. Cách nói ấy, cách diễn đạt ấy không khác gì thời buổi này. Điều này chứng tỏ từ mấy trăm năm trước, tiếng Việt đã hoàn thiện, đủ sức chuyển tải mọi cung bậc tình cảm, mọi nỗi lòng trắc ẩn, mọi cảm xúc chi li, tinh tế, vi diệu từ chân tơ kẽ tóc, không thua kém bất kỳ ngôn ngữ nào.

Lúc rảnh rỗi, một trong những cái thú của y vẫn là đọc lại các bản Truyện Kiều đã sưu tập được, để so sách cũng từ ấy, chữ ấy các nhà nghiên cứu đã giải thích ra làm sao. Âu cũng là một cách học lại tiếng Việt. Nói rộng, lúc đọc thơ cũng là một cách thẩm thấu, tìm hiểu lại tiếng Việt một lần, nhiều lần nữa. Mỗi tác giả thơ, bằng tài năng, họ sẽ đem lại cho ta một sự sung sướng, hào hứng khiến ta ngạc nhiên về cách sử dụng tiếng mẹ đẻ đã nhuần nhuyễn đến cỡ nào. Thử đọc bài thơ này, ai biết rằng, tác giả đã viết cách đây bao nhiêu năm?

Cái túng xem ra đệ nhất ông,

Có ai là bậc thứ nhì không?

Gió trăng kho sẵn tiêu không hết,

Ngày tháng vần xoay mãi chẳng cùng.

Một bộ áo tàu coi cũng "hổ",

Ba gian nhà khách chạm thời "long".

Nhà vua nếu mở khoa thi túng,

Tất đỗ khôi nguyên chiếm bảng rồng.

Viết về cái túng thiếu, nghèo khó nhưng xem ra lạc quan lắm. Bài thơ này đọc là hiểu, không cần giải thích gì thêm. Có điều cần lưu ý ở cặp “luận” là chơi chữ do đồng âm mà có. “Hổ” là uy nghi, danh giá, “bảng hổ đề tên” là công thành danh toại, học hành đỗ đạt; thế nhưng trong ngữ cảnh trên còn có thể hiểu là xấu hổ, thành ngữ có câu: “Chó gầy hổ mặt người nuôi”.

À, ca dao có bài hay hay quá, sao bây giờ mới biết đến? “Chó gầy hổ mặt người nuôi/ Tôi gầy, hổ mặt chúa tôi chăng là/ Chúa tôi mang tiếng chúa nhà/ Mượn được đứa ở khéo là đành hanh/ Rạng ngày nấu cá mè ranh/ Chúa ăn hết nạc, để dành xương cho/ Chúa tham, chúa lại hay lo/ Đêm nằm cắt việc ra cho mà làm/ Chúa bà là chúa ăn tham/ Đồng quà tấm bánh, cất luôn trong buồng/ Ăn nhiều chết rục, chết chương/ Chẳng nhớ thằng ở, chẳng thương con đòi/ Ba năm được cái khố sồi/ Chiều ngang một tấc, chiều dài năm gang”. Bài ca dao này xuất phát từ miền Bắc, nếu xét về chữ nghĩa. Từ “chúa” ở đây hoàn toàn không liên quan gì đến vua chúa, đơn giản chỉ là chủ/ông (bà) chủ, “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”; “Ngây ngô như chúa tàu nghe kèn”… Hãy dừng lại với từ “khố”, lập tức nhớ đến câu: Khố rách áo ôm; Con đóng khố, bố ở truồng; Bòn nơi khố bện, đãi nơi quần hồng; Anh khố son bòn anh khố nâu… Vậy khố sồi là gì? Là khố được dệt bằng tơ gốc, mặt sù sì, xấu xí, rẻ tiền là lẽ tất nhiên.

Ngày xưa, nhìn trang phục, có thể từ cái khố đã nhận ra người Việt. Nay, lạ thay, nay vải vóc, tơ lụa nhiều mặt hàng tinh xảo, đa dạng hơn nhưng chắc gì cách thiết kế/may đã phản ánh được trang phục của người Việt? Nói như thế, vì qua thông tin báo chí mới biết rằng, xin tóm tắt: Sắp đến đây Việt Nam sẽ là nước chủ nhà luân phiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -  Thái Bình Dương (APEC 2017). Vậy các nguyên thủ dự APEC sẽ mặc theo mẫu mã  thế nào? Trả lời câu hỏi này, chắc chắn Bộ VH-TT-DL từ nhiều tháng nay đã lao tâm khổ tứ để trình mẫu trang phục lên Ủy ban APEC. Kết quả ra làm sao?

Như đã biết trước đây, năm 2006, mẫu áo dài thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh được chọn. Nay vì sao thay đổi? Do không có thông tin nên y chỉ dám “dựa cột mà nghe”, chỉ biết, mẫu thiết kế mới vẫn chưa được thông qua vì nó quá giống trang phục Indonesia! Hóa ra, từng tự hào là đã sáng chế chiếc áo dài, và chính chiếc áo dài đã trở thành “quốc hồn quốc túy”, tha hồ tung bay trong thơ ca nhạc họa, thậm chí hiên ngang đi vào Từ điển Oxford nhưng thế nào là chiếc áo dài đúng nhất nhất với bản sắc văn hóa của người Việt? Câu trả lời vẫn còn gian nan lắm.

Vừa thoáng nghĩ đến đây, bỗng giật mình, vì đã lạc đề quá xa. Xa lắm rồi đấy nhé. Đang bàn về từ “hổ” lại nhảy một phát qua chiếc áo dài, thế không lạc là gì? Đúng lắm. Thành ngữ có câu: “Lạc đàn nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, với trường hợp này cách tốt nhất vẫn là nắm lấy bài thơ trên. Vâng, câu kế tiếp là gì nhỉ? “Ba gian nhà khách chạm thời “long”… Long là rồng, là biểu tượng tôn vua, quyền quý, sang trọng nhưng long cũng là lỏng, rời ra, lung lay, “Gái không chồng như phản gỗ long đanh”, “Răng long, tóc bạc” v.v… Long là rồng, không hề sai nhưng rồng trong tư thế nào ắt được nhiều người thích nhìn, ngắm nhất? Có phải là lúc “rồng lộn”?

Qua hai câu thơ vừa dẫn chứng, dễ dàng nhận ra rằng sự đồng âm trong là một nét tiêu biểu của tiếng Việt. Sự biến hóa thiên hình vạn trạng của tiếng Việt cũng từ đó mà ra. Quyển sách khảo cứu Lắt léo tiếng Việt của y phần lớn là khai thác, phân tích các từ đồng âm. Và trước lúc đưa đi nhà in, kịp thời có mấy câu thơ ngẫu hứng. Thơ rằng:

Lắt léo lượn lờ lên lấp lóa

Tiếng ta thanh thoát thiết tha thương

Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ

Thắm thiết tình ta thấy tỏ tường


Văn Việt vỗ về vương với vấn

Chống chèo chững chạc chớ choảng, choang

Chằng chịt, chung chạ, chừ, chặt chịa

Vướng víu vòng vo vẫn vững vàng


Ngữ nghĩa - nhìn nghiêng, nhoài ngó ngửa

Đỉnh đạc đã đời đó đến đến đây

Lung linh, lúng liếng lên lả lướt

Nâng niu, niềm nở nước Nam này


Dịu dàng, day dứt dùng da diết

Nặng nợ ngàn năm núi níu non

Hồn Nước nằm trong hồn tiếng Việt

Tiếng ta tự tại tới trường tồn

 Thời buổi này, còn có mấy ai kiên nhẫn đọc thơ nữa không? Một tập thơ in ra khó có thể xếp vào hạng “sách bán chạy”. In rất hạn chế. Nhiều tờ báo đã bỏ hẵn chuyên mục thơ. Vì lẽ đó nhiều người tìm cách tiếp cận bạn đọc qua các trang mạng xã hội, có nhiều người đọc hơn. Ừ, cứ cho là vậy nhưng đừng quên rằng tiếp cận từ văn bản in và lướt web là hai thao tác khác nhau lắm.

Người đọc trên mạng đối mặt với quá nhiều thông tin. Thông tin cuồn cuộn như mưa nguồn thác lũ đủ mọi đề tài, hình thức, “hầm bà lằng xắn cấu”. Do đó, người đọc dễ dàng bị cuốn theo, họ khó có thể nhẩn nha, bình tâm suy nghĩ, ngẫm ngợi từng chữ, từng từ, từng câu mà các nhà thơ đã chọn lọc chu đáo, dù chỉ là một dấu chấm, phết, một dấu hỏi, ngã… Cũng bài thơ đó, đọc lần một thấy bình thường, lạ thay, đọc lại nhiều lần lại có một cảm nhận khác. Bài thơ xuất hiện trên trang mạng xã hội chẳng hạn, không cho phép người đọc có được điều kiện ấy, bởi lẽ như đã nói, có quá nhiều thông tin đang phơi bày trước mắt, làm sao họ có thể dừng lâu, nghiền ngẫm với một câu chữ trong bài thơ đó. Đọc nhanh, đọc loáng qua để rồi còn đọc qua cái khác nữa. Vì lẽ đó, cách thể hiện câu chữ trên Facebook cũng khác, phải đáp ứng nhu cầu lựa chọn thông tin trong một rùng thông tin mà người đọc đang tiếp cận.

Không phải ngẫu nhiên, chuyện này đã xẩy ra. Chuyện gì? Sáng hôm qua, đi ăn sáng cùng thói quen cúi mặt vào tờ báo. Và đọc ngấu nghiến bản tin Đưa hành văn Facebook vào dạy tại đại học: “Trường đại học Delhi (Ấn Độ) sắp tới sẽ mở khóa dạy cách hành văn trên Facebook cho sinh viên ngành văn chương Anh. Theo Đài BBC dẫn lời Giáo sư Christel Devadawson, trưởng khoa văn chương Anh thuộc đại học trên, học cách viết dòng trạng thái trên trang Facebook sẽ là một phần của khóa học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Tờ The Hindustan Times cho hay ở Ấn Độ, phương tiện truyền thông xã hội có thể là bệ phóng giúp một nhà văn đầy tham vọng trở nên nổi tiếng, giúp họ dễ dàng tiếp cận lượng lớn độc giả hoặc thậm chí tìm được một nhà xuất bản.

Một chuyên gia khác tại Đại học Delhi giải thích thêm với Hãng tin Press Trust of India rằng: “Viết văn không nhất thiết là viết những cuốn sách nặng ký hoặc những tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn lao. Viết văn cũng bao gồm viết blog, viết thư hoặc cả những dòng trạng thái trên Facebook”. Ban giám hiệu Trường đại học Delhi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi lấy ý kiến của dư luận về vấn đề trên, theo tạp chí India Today” (Báo Thanh Niên ngày 27.4.2017).

Về chuyện này, mà thôi, không bàn đến nữa. Chỉ lơ mơ ghi lại cái đề thi môn Văn khối 12 của Trường THPT Thủ Thiêm như sau: “Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa”. Có ai cãi gì không? Khoan đã, hãy nghe đồng nghiệp Minh Nhật có ý kiến: “Trong một đề thi văn, việc dẫn nguồn ngữ liệu là rất quan trọng nhằm xác định tính chính xác và chuẩn mực của thông tin,  nhưng trong buổi họp thống nhất đáp án, giáo viên đã hỏi về nguồn trích, tổ trưởng môn Văn của trường THPT không thể trả lời” (Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 28.4.2017). Ấy là chưa nói về câu văn mơ hồ, thậm chí vô nghĩa. Thì ra, cái tội  nghiệp nhất vẫn là các cô cậu học sinh.

Mới đây, khi giao lưu ở Hội sách Hải Châu đã có cô nữ sinh thẳng thằn cho biết là không thích học môn Văn. Lỗi đó do đâu? Chẳng lẽ ngồi đây phân tích này nọ ư? Thôi đi, tớ xin can. Vậy thì hãy trở lại với bài thơ có câu: “Một bộ áo tàu coi cũng "hổ"/ Ba gian nhà khách chạm thời "long". Thử hỏi tác giả là ai? Xin thưa của Vũ Duy Thanh (1806-1859), người Ninh Bình.

Trong quyển Ninh Bình - Một vùng sơn thủy hữu tình (NXB Trẻ - 2007) nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật có kể giai thoại thời Vũ Duy Thanh còn bé: Lần nọ Quan phủ Yên Khánh đi chợ Chàng (nay thuộc xã Khánh Cư, Yên Khánh) gặp Vũ Duy Thanh, muốn thử tài liền ra về đối: “Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương”. Vũ Duy Thanh hiểu rằng vế đối toàn các con vật: chẫu chàng, ngóe, ếch, ễnh ương và có hàm ý giễu cợt liền đối ngay: “Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt”. Vế đối không chỉ có các con vật: phượng, rồng, công, cuốc, cắt mà còn hàm ý quan phủ ăn tiền của dân nhanh như cắt" (trang 399).

Con người thế nào, thơ văn thế ấy, khó có thể che giấu. Bài thơ thất ngôn bát cú nêu trên đã phản ánh đúng suy nghĩ của Vũ Duy Thanh, chứ nào phải uốn éo chữ nghĩa. Bằng chứng rằng, Khi giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, ông được vua Tự Đức ban khen, có lần nhà vua hỏi: “Trẫm muốn ban chức cho khanh, khanh muốn chọn chức nào?”. Ông từ chối: “Được chuyên về rèn luyện nhân tài cho quốc gia, với thần như thế đã là thỏa nguyện”. Rõ ràng chọn lấy công việc đúng với sở trường, chứ không vì việc làm ấy đem lại đồng tiền nhiều hay ít khiến mình giàu hay nghèo, còn là quan niệm vui sống của người Việt.

Gió trăng kho sẵn tiêu không hết

Ngày tháng vần xoay mãi chẳng cùng.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.4.2017


chu-hoang-tu-1-R

 

“Một con ong chết.

Nắng xế qua triền cửa sổ.

Mùa hè đổi hướng.

Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

Thuở học lớp 10 A2 tại Trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), đọc câu văn này, y không thể lý giải tại sao Phạm Công Thiện lại có tâm trạng kỳ lạ đến thế. Không thể hiểu nổi. Quyển sách hay nhất của ông, theo y, chỉ có thể là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Không phải bản in đầu tiên. Phải là bản in năm 1970 của NXB An Tiêm, trang trong có in thêm dòng chữ “Luận về ý thức mới sau mười năm lang bạt”. Sau 10 năm, tác giả có ghi chú, bổ sung thêm một nhiều đoạn, thỉnh thoảng in ital chèn giữa các trang đã viết. Những quyển viết khác của ông có đươc sự uyên bác, sâu sắc triết lý nhưng câu văn không bay bướm, thơ mộng như quyển trên. Chẳng hạn, một câu tầm thường, ai viết cũng được nhưng đọc một lần lại khó quên:

“Nha Trang, tháng 6 năm 1963.

Huy,

Suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một phòng trà mờ tối ở Saigon”.

Sao lại không quên? Sự ám ảnh không cùng ấy, từ lẽ gì? Câu văn 40 từ không bị ngắt quãng bởi dấu chấm, dấu phẩy, đọc lên có cảm như đang nghe môt câu nói vội, nói liền mạch, không dừng lại như sợ ai cướp mất. Mà cũng có thể do tâm trạng nôn nóng, vội vã, phải nói ngay tâm sự thầm kín trong lòng vì đang cần sự sẻ chia tin cậy.

Hôm giao lưu mới đây, tại Hội sách Hải Châu, trả lời câu hỏi của bạn đọc, y có nhắc đến nhà văn Lâm Ngữ Đường, đại khái, lúc trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên sân thượng. Nay cũng câu văn trên, y vỡ lẽ ra rằng, Phạm Công Thiện lại “buồn lắm” khi một con ong chết, không quên được “đôi mắt ướt lệ” hẳn phải có nguyên cớ của nó. Chỉ ông mới thấu rõ ngọn ngành.

Và nay, với y, có lẽ rất khó quên ánh mắt nhìn và giọng nói ấy.

Rằng, đã từ lâu lắm rồi, y có quen với một người cháu bấy giờ đang là sinh viên, tất nhiên không biết mặt. Ngày nọ, cô báo tin đã ra trường và tìm được việc làm. Từ quê ở Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc, hẳn thu nhập tốt. Bèn gửi lời chúc mừng bằng cách gửi tặng bức tranh do y vẽ. Giao lưu tại Hải Châu lần đầu tiên (2015), cô đi một mình; lần thứ 2, cô đi với chồng vừa cưới. Và bây giờ, gặp nhau, cô bảo: “Cháu đi 2 người đây”. “Ủa, chồng đâu?”. Cô trả lời: “Ảnh bận việc”. Vậy, chỉ 1 chứ sao lại 2? Ngạc nhiên quá. Cô nói khẽ: “Cháu vừa có bầu”. Phải tin cậy, thân thiết lắm một bạn đọc mới thốt ra lời tâm sự đó. Tự nhiên cảm động và thấy vui. Vì lẽ đó, bó hoa tươi thắm của ban tổ chức trao tặng cho nhà văn đã giao lưu cùng bạn đọc, y tặng lại cho cô và không quên chúc mừng: “Mẹ tròn con vuông”.

Làm sao có thể quên những lần ra mắt sách ở Đà Nẵng, cô luôn có mặt; sách của y đã in cô đều tìm mua; thỉnh thoảng lại hỏi như một cách nhắc nhở: “Chú Q sắp in sách mới chưa?”. Với nhà văn, có thể chỉ một hai tình huống đơn giản như thế, đã lấy làm vui. Và cũng có thể, đó là lời động viên để họ tiếp tục bền bĩ cùng trang viết.

Ông Duyên Anh, một nhà văn nổi tiếng trước năm 1975 tại miền Nam,  viết nhiều, lời khen tặng cũng nhiều. Thế nhưng chỉ một lời khen đã khiến ông nhớ mãi. Rằng, thuở mới vào nghề, ông có viết truyện ngắn Con sáo của em tôi và được chọn in. “Nhờ truyện ngắn Con sáo của em tôi mà một số độc giả biết đến tôi và dành cho tôi nhiều cảm tình. Lần đầu tiên tôi nhận được bức thư của độc giả. Bức thư không một lời “ái mộ” chỉ vỏn vẹn một dòng: “Ông Duyên Anh, tôi bắt đền ông đấy, vì Con sáo của em tôi mà Tết năm nay tôi buồn muốn khóc”. Dòng chữ trách móc đó, tôi giữ thật kỹ. Thuở ban đầu mà. Bây giờ nhận được thư độc giả, tôi đọc vẫn còn xao xuyến nhưng không thể xao xuyến như thuở ban đầu”, Duyên Anh kể lại trong hồi ký.

Thuở còn sống, những lúc vui vẽ, hào hứng, họa sĩ Ớt thường khoe lại niềm sung sướng, hạnh phúc của một đời cầm bút. Rằng, dịp Tết về quê, bao giờ anh cũng nhận được câu hỏi của thân sinh: “Chữ ở đâu mà ngày nào con cũng viết được?”. Sự ngạc nhiên của người cha, đối với anh không một lời khen nào có thể sánh bằng. Nhà văn Sơn Nam cũng tương tự, khi sách in ra: “Tôi gửi một quyển về cho bác Hai tôi, ông không biết đọc chữ Hán, chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc lại, năm ấy bác đã khoảng 90 tuổi. Đứa cháu ấy viết lá thư ngắn gửi lên Sài Gòn, tóm tắt ý kiến của bác tôi mà tôi vô cùng trân trọng: “Thằng này nói dóc nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”. Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đó đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.

Với y, mẹ y không biết chữ, chỉ mới thoát nạn mù chữ thời “Chín năm” kháng chiến, vì thế, những gì y đã viết, bà cụ không thể biết rõ. Thế nhưng, lạ thay, lúc y ngồi làm việc cùng chữ nghĩa thì bà cụ tôn trọng tuyệt đối, không khác gì một tín đồ khi nhìn thấy nhà sư đang tham thiền nhập định. Những lúc ấy, bà cụ đi đứng khẽ khàng, hoặc rón rén bước xuống nhà. Những gì y đã viết, dù chỉ con chữ nhì nhằng, lẳng nhẳng, dù chỉ là giấy bỏ đi nhưng đã có chữ của con, bà cụ lại xếp cẩn thận, ve vuốt thẳng thớm. Chắc chắn trong đời y, trước đây, bây giờ và sau này nữa sẽ không có một ai yêu thương, quan tâm đến những gì đã viết bằng tấm lòng của mẹ. Hạnh phúc và niềm sung sướng này, không gì có thể sánh nổi.

Tùy mỗi nhà văn, ai cũng có hạnh phúc và niềm sung sướng đó, và chính điều đó, buộc họ phải có ý thức, tự điều chỉnh lúc cầm bút.

Lâu nay, y từng khoác lác, hênh hoang là đã có nhiều sách. Thật ra một quyển sách mà y quý nhất lại là một bản chép tay. Ngày 23.7.1977, y đi bộ đội đóng quân tại Trung đoàn pháo cao xạ 573 ở Tam Kỳ. Nơi này, y chỉ tạm trú vỏn vẹn dăm tháng trong thời gian huấn luyện tân binh, rồi chuyển qua K. Vậy mà nay đã là một địa danh khó có thể quên. Mới đây, nhớ quá, bèn viết rằng:

Kỳ duyên, kỳ cục, quá kỳ

Bất kỳ đâu cũng Tam Kỳ, lạ chưa?

Thấy trong vạt nắng sợi mưa

Đan xen từng giọt: “Ngày xưa, Tam Kỳ”


Ngày xưa, từ thuở xuân thì

Dép râu, áo lính đang kỳ thư sinh

Mịt mù bụi đỏ trường chinh

Râu ria chớm mọc tân binh thao trường

Tam Kỳ neo giữ yêu thương

Bất kỳ đâu cũng kỳ hương dịu kỳ

Một kỳ tôi dặn chân đi

Kỳ tâm thăm lại Tam Kỳ, nhớ chưa?

Thơ viết tặng, nhắn nhủ đồng đội, cựu chiến binh Võ Đình Chiến nhưng thật ra dành cho chính y. Sở dĩ nhớ, còn vì một phần, tại đây, ngày nọ, y đã nhận được món quà của cô giáo dạy Văn gửi tặng. Hồi hộp, náo nức mở ra xem, đó là quyển sổ tay đã nắn nót chép lại, kể cả tranh minh họa trong tác phẩm Hoàng tử bé (Le Petit Prince) xuất bản năm 1943 của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry. Quyển sổ tay đã theo y đi hết một chặng đường chiến binh. Hơn 5 năm chứ ít ỏi gì. Nay có những trang đã nhòe mực, có chỗ không đọc được nữa nhưng kỷ niệm vẫn tinh khôi như nắng ngọt, thanh khiết đầu mùa.

Chiều nay, lật ra xem lần nữa, lại thấy y có viết đoản văn vào lúc “gần Noel 1982”, tức lúc đang đóng quân tại Anglungveng - khu đông bắc Kampuchia: “Tình cờ, một buổi chiều nào đó. Trời lạnh, mây ảm đạm chập chờn xuống quanh đây. Dường như là sương khói. Dường như là mong manh. Anh lục lại ba lô thấy một quyển sổ. Anh nâng niu. Và đọc. Chữ nhòe. Chữ còn. Chữ mất. Anh đọc chợt nghe hồn lạnh. Tay run run. Và buổi chiều vọng về dư âm. Và sương khói.

Đó là kỷ niệm. Những viên phấn. Những chiếc lá. Những bóng chiều vàng úa ngã trên sân cỏ. Làm sao nhặt lại để cất giữ trong ngăn ký ức? Anh bàng hoàng sửng sốt. Trái tim đập nhịp như con ngựa già gõ móng trong đêm khuya thản thốt. Saint-Exupéry ở một chỗ nào? Cô giáo ở một chỗ nào? Dư âm bây giờ là tiếng khóc của trẻ thơ đói sữa, Những gót giày lang thang đi trong vô cùng. Chẳng biết mình sẽ về đâu. Bóng ngã về chiều đè nặng tậm hồn tôi đến nghẹt thở. Tuyệt vọng”.

Ông Lâm Ngữ Đường nói đúng lắm. Đọc Hoàng tử bé lúc này, tại Sài Gòn bình yên, hoa mộng thế này, làm sao có được cảm xúc như lúc đang ở chiến trường giữa tiếng súng nổ ì ầm, chết chóc từng ngày?

Mà này, tại sao chiều nay, lại nhớ đến quyển Hoàng tử bé. Thưa, chỉ vì rằng, vừa đọc trên báo Tuổi Trẻ ngày 21.4.2017 có in thông tin Hoàng tử bé được dịch nhiều nhất sau kinh Thánh - dịch từ báo Le Figaro:

“Theo Tổ chức Fondation Antoine de Saint-Exupéry, kiệt tác Hoàng tử bé (Le petit prince) của nhà văn Pháp vừa trở thành quyển sách được dịch nhiều nhất trên thế giới sau kinh Thánh nhờ bản dịch sang tiếng Hassanya vào đầu tháng 4-2017. Hassanya là một phương ngữ Ả Rập được sử dụng tại Mauritania, tây Sahara, nam Morocco, sa mạc Algeria, Senegal, bắc Mali, bắc Niger và đặc biệt tại thành phố Tarfaya (Morocco). Đây là nơi Saint-Exupéry (1900-1944) viết tiểu thuyết đầu tay Courrier Sud (Thư miền nam).  

Bầu trời xanh với ánh nắng rực rỡ và bãi cát vàng mênh mông của hoang mạc Tarfaya cũng là nguồn cảm hứng cho những minh họa của Saint-Exupéry trong Hoàng tử bé.

 Là ngoại ngữ thứ 300 chuyển tải tác phẩm Hoàng tử bé, tiếng Hassanya góp phần giúp Saint-Exupéry thực hiện ý tưởng mà ông ấp ủ: “Nghề đẹp nhất của con người là kết nối mọi người”.

Thích nhất câu kết của bài báo này. Quá hay. Thông điệp ấy là sứ mệnh của mỗi nhà văn đấy thôi. Những gì đã viết, đã in, bây giờ và mai sau nữa, bạn đọc có tìm ra một thông điệp gì mà nhà văn đã gửi gắm hay không? Câu hỏi đó không chỉ là chuyện chữ nghĩa nằm trong Sổ tay nhà văn, còn là niềm hy vọng cuối cùng của những ai thật sự sống bằng nghề cầm bút.

“Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” của Nguyễn Du là nằm trong ý nghĩa đó. Bậc thi sĩ thượng thừa quan tâm, đau đáu vẫn là đời sau có hiểu thông điệp cùa mình đã gửi gắm trong tác phẩm, chứ không phải vì có ai nhớ đến cái tên/ cái danh của mình đâu. Nếu chỉ vì thế, sức mấy Nguyễn Du toàn tâm toàn ý đạt đến bút lực tầm cỡ vô tiền khoáng hậu: “dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả tình đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy” (Mộng Liên Đường). Bút lực phi thường ấy, Nguyễn Du đã gửi cho đời sau thông điệp gì?

Mà này, chiều nay, nhắc lại Hoàng tử bé chỉ vì lý do như trên thôi ư? Còn gì nữa không? Còn chứ, vẫn chính là: "không bao giờ tôi quên được đôi mắt ướt lệ" và “Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.4.2017

 

thi-ca-diem-hen-dai-TNTPHCM

 

Vừa đi Đà Nẵng. Đi dự Hội sách Hải Châu, bên bờ sông Hàn. Đã ba lần tổ chức, y đều tham dự đủ. Cũng là một cách trở về quê. Hào hứng. Vui vẻ. Dạo này, mẹ y lại càng đòi vào Sài Gòn. Đã ngoài 90 xuân, sức khỏe thế nào, liệu chừng có nên chìu theo ý của bà cụ không? Thôi kệ, cũng chẳng sao. Dù gì ở vùng đất phương Nam vẫn gió thuận mưa hòa, không khắc nghiệt như miền Trung. Mấy hôm về lại chôn rau cắt rốn, trời oi, nóng bức đến khiếp. May về chiều, gió từ sông Hàn thổi vào thành phố, dễ chịu hơn.

Về Đà Nẵng, quà tặng bạn bè thân thiết cũng chỉ là dăm quyển sách vừa mới in xong. Trên báo Người Lao Động số ra ngày 23.4, đồng nghiệp Lê Công Sơn nhận xét: “Từ đầu năm 2017 đến nay, nhà thơ Lê Minh Quốc đã làm được một “kỷ lục” khi xuất bản cùng lúc loạt tác phẩm mới: Cùng với tập thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn và Văn Lang Book ấn hành), độc giả yêu mến anh còn có thể tìm đọc: Ngày sống đời thơ (bút ký, NXB Văn học),Tình ta đang nhảy Rock (tùy bút về hôn nhân gia đình), Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên (tùy bút về lối sống, Phương Nam và NXB Hội Nhà văn), Lắt léo tiếng Việt (nghiên cứu, NXB Trẻ), Chuyện tình các danh nhân Việt Nam (biên soạn, NXB Tổng hợp TP HCM tái bản), để càng hiểu thêm về một nhà thơ xứ Quảng Nam đa tài và… đa tình”.

Tài mà chi. Tình mà chi. Nhật ký 31.12.2016, tự bạch: “Y không có bạn tri âm. Thật đấy. Thật không? Thế hỏi ai? Chẳng lẽ hỏi lấy chính mình? Ngớ ngẩn. Thôi thì, tìm lấy sự chia sẻ từ những tinh hoa đã vùi sau ba tấc đất, tìm ở đó một chút lòng thành đi tìm tri kỷ. Phần phúc, số mệnh mỗi người ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã định hình là thế. Có phải không?”.

Những gì đã viết, đã gửi gắm tấc lòng, có ai đọc, chứ đừng nói gì đến sự chia sẻ. Đôi khi cảm thấy rầu rầu như cỏ mọc. Như sương khuya đẫm ngọn trăng trên đỉnh trời xa thẳm. Nhìn vào đám đông, nhìn vào bạn đọc và tự hỏi: Đâu những gương mặt cần gặp của đêm giao lưu vào lúc 19g30 ngày 21.4.2017 bên dòng sông đã gắn bó từ năm tháng tuổi thơ? Mỗi người một mối quan tâm. Chẳng nên đòi hỏi gì cả. Chữ nghĩa văn chương đã viết ra là tự thỏa mãn lấy lòng mình. Vậy là đủ rồi. Vâng, ạ. Thì cứ biết thế. Có những người do tài năng, do may mắn và nhiều yếu tố khác, khi một tập sách mới in ra, lập tức đã có hàng triệu người tìm đọc. Ngược lại, có người in ra chẳng khác gì một viên sỏi ném xuống nước. Chỉ vọng một tiếng vang. Thế thôi. Mà thật ra, một tập sách, nhiều tập sách dù ồn ào hoặc lặng im cũng chẳng là gì cả.

Với y, chẳng vui mà cũng chẳng buồn. Cứ lầm lũi từ ngày này qua tháng nọ, miệt mài đi trên con đường đã chọn từ lúc oa oa khóc chào đời. Y đã chọn? Không đâu. Số phận, phần kiếp của y chính là thế. Không gì khác. Viết đi. Viết cho đến lúc tàn hơi kiệt sức, buông bàn phím cũng là lúc mãi mãi xa rời Cõi Tạm. Biết là thế. Tin là thế. Y vẫn đi, đi mãi trên con đường chữ và nghĩa. Và cũng không mấy bận tâm đến sự phản hồi từ bạn đọc, người thân, bạn bè, đồng nghiệp về những gì đã viết. Những chiều ở Đà Nẵng vẫn cùng anh Nguyễn Nhật Ánh, bạn Nguyễn Văn Sanh ăn bún bò Huế ở quán Thủy. Có lần, anh Ánh bảo, đại khái, bạn bè có khen một câu cũng không vì thế mình nổi tiếng hơn, danh giá hơn nhưng đó là sự sẻ chia cần thiết như một cách tiếp cho nhau nguồn năng lượng vui sống. Suy nghĩ này đúng lắm. Chơi với nhau, cùng bạn viết, những lời nói, thái độ nào tiếp sức thêm cho bạn thì nên. Bằng không, cũng không là gì. Và cũng chính vì thế, các tập sách ghi lại nhật ký từng năm của y đều khẳng định một tâm thế về sự ràng buộc quyết liệt: Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời thơ và nay mai lại in Ngày đi trên chữ. Dù ngày nào đi nữa, với y cũng đã lập trình.

Đôi lúc ngồi một mình soi rọi lấy lòng mình mà nghĩ thế, chứ nếu bước chân ra khỏi bốn bức tường của căn nhà yêu quý thì y lại tự cười lấy chính y. Mỉa mai quá đi mất, dòng đời có quá nhiều chuyện cần quan tâm, cần suy nghĩ hơn, trong khi đó cứ bào mòn mãi lấy cái tôi thì liệu có ích kỷ quá không? Đã có câu trả lời. Sáng sớm tại Đà Nẵng, ngày 21.4.2017, đọc dòng chữ này trên tờ báo Thanh Niên vừa mới phát hành:

“Tối qua, tại xã Đồng Tâm, người dân chăm chú theo dõi chương trình thời sự lúc 19 giờ tối chờ đợi thông tin từ TP.Hà Nội về vụ việc đang xảy ra ở xã. Người dân vẫn tiếp tục tỏ ra không tin tưởng tất cả những người lạ mặt muốn có ý định vào thôn Hoành. Ngay cả những dân ở thôn liền kề là Đồng Mít, người xã Thượng Lâm sát đó cũng bị hạn chế ra vào thôn Hoành.

Theo lời anh Nguyễn Mạnh Quang (30 tuổi, người thôn Đồng Mít), mỗi người lạ mặt muốn vào thôn Hoành phải có người quen dẫn vào. Người trong thôn Hoành đi làm về phải nhận mặt quen biết mới vào được. Người lạ mặt có ý định vào thôn Hoành đều được hỏi han kỹ càng, nếu không có lý do chính đáng, chắc chắn bị chặn lại. Tất cả các đường ra, lối vào thôn Hoành đều được dựng hàng rào, chướng ngại vật, cắt cử người canh giữ để kiểm soát người ra vào.

Ban ngày, gạch đá được dẹp gọn vừa đủ xe máy, xe đạp đi lại. Ban đêm, các lối vào thôn Hoành được chặn kín gạch đá, chướng ngại vật. Theo một thanh niên trong thôn, vài ngày nay, tình hình trong thôn Hoành rất căng thẳng, người dân cắt cử nhau thay phiên canh gác, khi có động sẽ đánh kẻng để báo cho tất cả cùng biết. Sóng điện thoại chập chờn lúc được, lúc không. Điện thi thoảng cũng bị cắt”.

Tự dưng lại nhớ đến những tài liệu đã đọc trong thời kháng chiến chống Pháp, bấy giờ có câu khẩu hiệu: “Mỗi làng là một pháo đài”. Oái oăm thay cho sự liên tưởng trong thời buổi này. Chỉ cần gõ từ khóa “xã Đồng Tâm” trên Google: “Khoảng 5.900.000 kết quả (0,40 giây). Thành ngữ có câu: “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”, nếu đời này không giải quyết dứt điểm, ắt kéo dài đến đời sau. May mắn thay đã có sự đối thoại thỏa mãn về tình lẫn về lý. Thông tin này, cũng đọc trên Thanh Niên, số phát hành ngày 24.4.2017:

“Tôi là Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xin cam kết như sau:

1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật khu vực đất đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật.

2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

3- Cam kết chỉ đạo, điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký”.

Dư luận xã hội có nhiều, rất nhiều ý kiến hoan nghênh, khen ngợi, tán thành bản cam kết này. Điểm nóng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã hạ nhiệt dần. Vị vua anh hùng Trần Nhân Tông từng trải qua của hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, nhìn thấy sự trung thành của gia nô, gia đồng nên ngài luôn dành cho họ nhiều thiện cảm. Lúc ngự chơi, giữa đường gặp họ, ngài đều gọi rõ tên và ân cần hỏi: “Chủ mày đâu?”. Những lúc ấy, ngài thường bảo các quan hầu cận: “Ngày thường, có thị vệ hai bên nhưng khi nước nhà hoạn nạn chỉ có bọn ấy đi theo thôi”. Tự cổ chí kim, không một nhà nước nào đối đầu, thù nghịch với Dân mà có thể tồn tại. Cụ Nguyễn Trãi dạy rằng: “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Đó là chân lý của ngàn đời.

Trời đã chiều. Đã nghe tiếng chuông chùa trước nhà vọng lên như mọi chiều. Lắng tai nghe ấy sự âm vang thuần khiết. Và tất nhiên, như một thói quen là đọc sách. Đọc vẩn vơ vì cho nhẹ nhàng chăng? Đúng thế. Bèn lật trang sách cũ, kỳ lạ thay, lại là những câu thơ vịnh tờ báo, về cái nghề mà y kiếm cơm ăn đến mòn răng. Thơ về đề tài này, xưa nay vốn hiếm, bèn ghi lại như một tài liệu cho nhũng ai quan tâm đến lãnh vực báo chí. Nhân đây giải thích rằng, xưa kia những tờ báo nhăng nhố, lá mặt lá trái, nịnh bợ nhà cầm quyền, xuyên tạc ý nguyện người dân, tung tin thất thiệt (tin vịt) ắt bị gọi báo hại, báo đời - là loại báo không đáng tin cậy. Và có thơ rằng:

Chỉ đáng vò đi để độn lò,

Câu đây móc đó đọc buồn xo.

Phao đi đồn lại nhiều tin quấy,

Vùi lộn chôn lầm lắm hạm to.

Bịa cảnh canh khuya cô tú đợi,

Bày trò đêm tối lính đồn lo.

Hãy xem đạo Dụ ghi điều luật,

Đồn lạc tin sai phạt mấy bò.

“Hạm” ngoài nghĩa tàu chiến, còn chỉ hùm, cọp, hổ nhưng trong ngữ cảnh trên là nhằm chỉ kẻ ăn hối lộ. “Đạo dụ” có thể hiểu nôm na là các điều, khoản đã quy định trong luật. Còn “bò” là tiếng lóng chỉ tiền trăm, chứ không phải con bò: “Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi câu/ Thuở xưa ông vua Thuấn cày trâu hay bò?”. Bắt chước câu đố trên, bèn hỏi, bài thơ trên có bao nhiêu cụm từ cố tình sử dụng cách nói lái? Câu đố quá dễ. Ai cũng biết thôi. Câu này khó hơn, bài thơ này của ai? Trước lúc trả lời, chép thêm một bài thơ nữa:

Ai cũng than phiền ánh điện lu,

U u ám ám tợ mây mù.

Đêm xuân sao nhuốm màu thu đạm,

Lòng đã u buồn, điện cũng u.

Trong quyển Thi ca châm biếm và trào lộng Việt Nam (Nhà sách Khai Trí in năm 1969), nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Thược cho biết tác giả là Phan Minh Phụ, sinh năm 1913, người Thừa Thiên Huế là cháu của Thượng Tân Thị (1878 - 1966), tác giả 10 bài thơ Khuê phụ thán rất nổi tiếng trong văn học sử. Đọc lại bài thơ vịnh tờ báo hại lần nữa, tủm tỉm cười một mình. Lại cười ý vị với bài thơ của cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968), chơi chữ khéo lắm:

Chạy chửa chai chân chẳng chịu chừa

Chín chìu chua chát chán chê chưa

Cha chài chú chóp chơi chung chạ

Chả chính chuyên chi chớ chực chờ

Rồi lại cười lần nữa mà cười chua chát với đoạn văn Chuyện của Cự vừa đọc trên facebook:

“Cuối cùng các cụ cũng chốt cắt cái chức cũ của Cự. Cự cũng cay cay.

Các con cùng các cháu của Cự chắc cũng cay cú chứ chả chơi. Cự cũng cố cầm cự, các con của Cự: “Cha cứ chiến cho con!”. Có cu cháu chuyên chuyện chạy chọt cũng chen chân: “Chú cứ chạy các cửa cho cháu, các cụ cũng cần cứu chú chứ!”.

Cự cũng cố các cách, cuối cùng cũng chịu chết...

Chiều chập choạng, có cu cháu của Cự call cho chú cung cấp chuyện: "Các cụ cho cắt chức cũ của chú". Cự cười: 'Cắt cái chức cũ chứ có chuyện chi”.

Cự là ai? Ai biết, có giỏi thì trả lời đi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.4.2017

 

image002tingthan_trao_phiungthi_ca_xu_hue


Đọc sử, đôi khi cũng cần đến những giai thoại, lời kể trong dân gian, nếu không khó có thể giải thích hết nội tình. Ai cũng nhớ đến câu ca dao: “Vạn Niên là Vạn Niên nào?/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Câu này lưu truyền từ đời vua Tự Đức, Nhắc đến nó, ắt nhớ đến “giặc chày vôi”. Những lao công xây thành “Đôi vai gánh đá xương mòn/ Mông trôn roi đánh chẳng còn mảng da” vì căm thù, uất ức đã tuân theo lời Đoàn Hữu Trưng (1844 - 1866) nổi dậy, khi khởi loạn họ cầm theo vũ khí là cái chày vôi. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp chóng vánh. Sừ sách đã viết nhiều rồi, không nhắc lại nữa. Câu thơ trên quá xuất sắc, miêu tả bằng chữ, đọc lên rợn thít da là trích từ bài thơ lục bát Trung nghĩa ca - dài 498 câu, do Đoàn Hữu Trưng  viết trong những ngày tù ngục. Trưa nay, nằm đọc lại và chú ý đến câu này:

Cỡi rồng từ thuở thăng thiên

Kim ngôn sắc đế ngôi truyền trừ quân

Vì Trương Đăng Quế tôi gần

Bày mưu kiểu chiếu xây vần cho ai?

Có người giải thích rằng, “4 câu trên ý nói Trương đăng Quế giả chiếu đưa Tự Đức lên ngôi thay Hồng Bảo”. Có chính xác không? Cần phải tra lại sử sách. Có điều cần ghi nhận là trong tập Tinh thần trào phúng trong thi ca xứ Huế (1973) của Hoàng Trọng Thược căn cứ vào nhiều tài liệu: “Tương truyền Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) là con của Trương Đăng Quế, lúc bấy giờ là quyền thần rất có thế lực tại triều, lại là chồng của một bà công chúa em vua Thiệu Trị, nên xuất nhập bất cấm ở cung điện nhà vua. Nhơn dịp vợ vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ Hoàng thái hậu và vợ Quế cùng sanh con nhằm một ngày, Quế lợi dụng sự bất cấm nói trên để đem con trai mình là Trương Quang Đản vào Nội (giấu trong tay áo thụng) đánh lộn sòng với con trai vua Thiệu Trị. Trong hàng nội giám và thị nữ trong cung, có người hay chuyện nhưng không ai dám hé môi vì sợ Quế hãm hại”.

Sự việc này có thật hay không? Hỏi thế, ngớ ngẩn lắm. Chỉ có thể trả lời chính xác, nếu lúc ấy khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng thành công. May ra, trong thời điểm đó, mọi việc mới có thể công bố minh bạch rõ ràng. Bằng không, sự “tương truyền” vừa nêu trên chỉ là bịa đặt. Chẳng giá trị gì. Lấy gì chứng minh? Dù rằng, trong Trung nghĩa ca, có câu: “Chi bằng ra sức phò trời/ Đem về chánh thống mới hay tôi lành”, nhà nghiên cứu Hoàng Trọng Thược có lý khi bình: “Có lẽ đó là một duyên cớ cho Đoàn Hữu Trưng vin vào lật đổ vua Tự Đức và sách lập con trai trưởng Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngôi”.

Thành ngữ có câu thật hay: “Để lâu phân trâu hóa bùn”. Có những sự việc là A sờ sờ ra đó, người ta gọi B nhưng đố ai dám cãi, dám nói ngược lại. Dần dà, đời này, đời sau và sau vài đời nữa mặc nhiên thiên hạ thừa nhận đó là B. Oái oăm chưa? Mà đến khi gọi lại đúng sự vật với tên gọi là A, lúc ấy, chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

Thành ngữ lại có câu: “Con đã mọc răng còn nói năng gì nữa”. Ấy là lúc đứng trước một sự việc đã rồi, khó có thể xoay xở. Thòng thêm câu này, bởi liên tưởng đến trường hợp Hoàng Sa đã mất vào tay Trung Quốc. Vài trăm năm sau, con cháu Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt… dù vẫn biết chủ quyền thuộc về mình nhưng liệu có lấy lại được máu thịt đã mất vào tay ngoại xâm? Câu hỏi này bi quan quá, phải không. Dù biết thế, nhưng vẫn đặt câu hỏi ấy. Với trách nhiệm công dân, mỗi người có một cách thể hiện lòng thành trước hiện thực đất nước. Y có gì, ngoài thơ?

Lao xao tiếng nói

Dặt dìu tiếng mây

Rộn rã tiếng ngày

Nôn nao tiếng gió

Có cả tiếng tôi

Chuyện trò với cỏ

Muôn năm ngàn thuở

Muôn kiếp vạn đời

Tiếng chồng tiếng vợ

Chẳng gì xẻ đôi

Tiếng của lòng tôi

Lẫn trong tiếng sóng

Nhọc nhằn đau đớn

Hoàng Sa - Hoàng Sa

Tiếng của mọi nhà

Âm vang hồn Việt

Tiếng đời xanh biếc

Hỏi, ngã, sắc, huyền…

Tiếng quê dìu dặt

Biếc hồng cánh sen

Tiếng nói quê hương

Ruột rà tiếng đất

Bàn tay nắm chặt

Vọng tiếng Tổ Tiên

Giọt máu thiêng liêng

Không bao giờ mất

Hoàng Sa - Việt Nam

Tiếng lòng Thống Nhất

Trở lại với câu: “Đọc sử, đôi khi cũng cần đến những giai thoại, lời kể trong dân gian, nếu không khó có thể giải thích hết nội tình”. Có lẽ phải thòng thêm câu nữa: “Ít ra cũng có thể xác định được tính cách, quan điểm của nhân vật nếu đọc trước tác của họ”. Nói như thế, vì lâu này, sử sách đã chép về số phận của Ông Ích Khiêm nhưng chưa thấy ai nó đến thuở bình sinh ông không tán thành chủ trương vua Tự Đức: thuê bọn giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc để tiêu diệt giặc Pháp. Bằng chứng Ông Ích Khiêm có để lại bài thơ:

Áo chúa cơm vua hưởng bấy lâu,

Đến khi có giặc phải thuê Tàu.

Từng phen võng giá mau chân nhảy,

Ðến buớc chông gai thấy mặt đâu?

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp,

Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.

Ai ơi! Hãy chống trời Nam lại,

Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.

“Cạo đầu” là gọt tóc theo tục người Mãn Thanh. Nhân vật Lê Quýnh, đời sau vẫn nhớ đến ông, dành cho nhiều thiện cảm dù ông sống lưu vong, chạy theo Lê Chiêu Thống trốn sang Tàu sau trận đòn sấm sét của nhà Tây Sơn. Lúc bọn Quýnh bơ vơ đất khách quê người, Phúc An Khang - Tổng đốc lưỡng Quảng cho vời đến Quảng Tây dụ bảo gióc tóc và thay đổi đồ mặc. Trong tập sách Ngàn năm áo mão, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết Lê Quýnh đã tức giận trả lời:  “Bọn ta đầu có thể chặt, chứ tóc không thể cạo; da có thể lột, chứ y phục không thể thay!". Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) Quýnh được thả về nước, sau đó thường xõa tóc, mặc áo cừu, du ngoạn ở chùa Đại Đồng (Hải Dương). Tác giả "Vân nang tiểu sử" ca ngợi, mười mấy năm trời ở Trung Quốc mênh mông, xõa tóc rủ áo dài duy có mình ông mà thôi”.

Tìm hiểu sâu hơn một chút ắt biết trên tạp chí Hán Nôm, số 4 (77) 2006 có in bài văn bia về Lê Quýnh do con cháu viết. Văn bia này do GS Hoàng Xuân Hãn phát hiện và từng công bố năm 1969: “Đến nơi, nghe tin chúa cũ (vua Lê) cùng bọn bày tôi đi theo đã cắt tóc, thay đồ mặc như người Thanh. Nhà Thanh bắt buộc các ông phải cắt tóc, các ông không chịu, giữ tinh thần bất khuất suốt mười ba năm ròng. Ông nội tôi có thơ rằng:

Thân hãm trong tù ôm tiết trắng,

Mệnh treo sợi tóc tỏ lòng son.

Khí tiết của các ông phát ra lời không phải chỉ một chỗ. Do đó, chúa cũ lệnh cho ghi chép thành Tứ công tập. Người Thanh cũng khâm phục gọi bốn ông là Tứ nghĩa sĩ”.
 

Biết thêm chi tiết trên, càng thấu rõ cái tâm, cái chí, cái nhìn sáng suốt của Ông Ích Khiêm ở câu thơ kết: “Ai ơi! Hãy chống trời Nam lại/ Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu”. Tiếng kêu thống thiết ấy thời nào cũng đúng, là một sự nhắc nhở không bao giờ thừa. Về chủ trương thuê bọn Cờ Đen đánh Pháp thời đó, lợi và hại ra làm sao? Câu hỏi này chẳng hề vu vơ, ngẫu hứng đâu.

Hơn năm mươi năm trước, Hội Sử học Việt Nam đã đặt ra câu hỏi đó. Trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 34 (1.1962) mở diễn đàn Bình luận về một số nhân vật lịch sử - bắt đầu từ Lưu Vĩnh Phúc. Mở đầu, nhà nghiên cứu Văn Tân có bài Lưu Vĩnh Phúc tướng Cờ Đen và các hành động của ông tại Việt Nam. Cuộc thảo luận kéo dài nhiều số báo liền, tháng 9.1962, trên số 42, ông Trần Huy Liệu đã có bài tổng kết, bên cạnh khẳng định chiến công to lớn, “Chúng ta không phủ nhận những hành vi tàn bạo của quân Cờ Đen trên đất nước Việt Nam”.

Những vấn đề thuộc về lịch sử, thỉnh thoảng y đọc và lấy làm thú vị nên ghi chép lại là vậy.

Chỉ riêng chuyện để tóc hay cắt tóc thôi, đã là bao nhiêu chuyện để nói. Lúc người Pháp sang, các cụ trong phong trào Duy tân chủ trương phải cắt búi tó đi. Người Quảng Nam trước nhất thực hiện là cụ Phan Châu Trinh. Từ năm 1906, cụ Phan đã hớt tóc sau đó, cụ thường nói khích để các người khác bắt chước theo. Lúc nào cụ cũng bảo: “Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!”; “Nào! Thử "cúp" đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì!”

Kể lại chuyện trên báo Ngày Nay số 149 (15 Fevrier 1939), cụ Phan Khôi còn cho biết thêm: “Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung Kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại, cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tái của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào”.

Mỗi thời mỗi khác. Có việc nghiêm trọng ở thời điểm này, nhưng sau đó, chẳng là gì cả. Vấn đề còn lại, cốt lõi nhất, quan trọng nhất vẫn lúc đương thời để sống, để tồn tại người ta đã chọn lấy thái độ nào?

L.M.Q
.

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.4.2017

17903948_1286931631426838_1617662029014865486_n


Phải thế chứ. Phải thay đổi, con người ta  mới dễ thở. Bằng không, ngột ngạt lắm đây. Có những ngày, từ sâu thẳm con người y đã hiện diện nhân vật Thứ của nhà văn Nam Cao. Thứ mải mê đọc sách, nhưng rồi: “Những cái ấy có nghĩa lý gì bên cạnh cuộc sống sôi nổi, rất ồn ào, rất chật vật, rất đau thương ở quanh ta? Những cái ấy có nghĩa lý gì, bên cạnh ngay chính những lo lắng, những băn khoăn, những tủi hờn ở trong ta? Lúc này mà bình tĩnh nằm đọc sách, Thứ thấy mỉa mai quá!”.

Vâng ạ, nhưng biết làm sao? Chỉ nghĩ,  rồi đến một lúc nào đó mọi việc cũng phải thay đổi. Nhanh hay chậm? Không rõ nhưng phải thay đổi. Có lẽ Sống mòn vẫn tác phẩm hay nhất viết về tâm trạng của trí thức miền Bắc trong những ngày sắp diễn ra Cách mạng tháng Tám (1945). Sự nhùng nhằng, ngắc ngoải, vướng víu, ù lì, ngột ngạt, oi bức của đêm trước nổ ra cơn giông thật khủng khiếp. Từng ngày Sống mòn và mòn dần. Biết đâu chưa kịp đón nắng mai lên, có người đã buông xuôi, đã bất lực. "Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh/ Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người". May quá, việc nào cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhìn thấy và chấp nhận yếu tố tích cực của nó cũng là một cách vui sống.

Cái gì cũng có hai mặt của nó, khi mạng xã hội được nhiều người sử dụng, đã xuất hiện câu vè mỉa mai hài hước:

Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ

Chí anh hùng click chuột định giang sơn

Một loạt từ mới hội nhập vào lời ăn tiếng nói hằng ngày: cúng phây, anh hùng bàn phím, ném đá, bán hàng qua phây v.v… Nhưng phải thừa nhận rằng, hiện nay chính các trang mạng xã hội đã góp phần định hướng dư luận xã hội. Nhiều đồng nghiệp cho biết, mỗi ngày không thể không lướt facebook vì họ cần tìm thông tin, tìm đề tài... Và cộng đồng ấy, tạo nên môt sự gắn kết và có sức lan tỏa ghê gớm.

Nói như thế, bởi sực nhớ đến vụ việc cấm vĩnh viễn 5 ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975. Nay, số phận của nó thế nào? Thật bất ngờ, sáng nay “gió đã xoay chiều”. Dẫn đến tác động thay đổi đó là vai trò của truyền thông.  Ròng rã nhiều ngày liền trên các trang mạng xã hội đã có nhiều ý kiến phê phán, chỉ trích gay gắt về quyết định vội vàng, không cân nhắc của Cục nghệ thuật biểu diễn. Sự lên tiếng này, tất nhiên báo chí chính thống không đứng ngoài và đã tạo ra một “hợp đồng tác chiến” ngoạn mục. Những ai dù dửng dưng nhất cũng không thể thờ ơ, vô cảm trước sự cấm đoán trật chìa trên. Nói thật, quyết định của Cục lấy cớ do quy định cấp phép đã tạo ra rối rắm, quậy bùn dưới ao, tung hỏa mù chỉ có thể xuất phát từ cơ chế “xin-cho” mà thôi.

Sáng nay, thông tin từ báo chí, chẳng hạn bản tin trên Saigongiaiphong online cho biết: “Ngày 15.4, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết vừa ra văn bản yêu cầu thu hồi văn bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975. Văn bản do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên ký nói rõ: Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành văn bản tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến gồm "Cánh thiệp đầu xuân", tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; "Rừng xưa", tác giả Lam Phương; "Chuyện buồn ngày xuân", tác giả Lam Phương; "Con đường xưa em đi", tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương và "Đừng gọi anh bằng chú", ghi tên tác giả là Diên An, trên cơ sở văn bản đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM là chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội". Vì thế, "Yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi Quyết định số 20/QĐ-NTBD ngày 22-3-2017 của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Bộ đề nghị tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên”.

Ít ra phải thế chứ. Nếu các vụ việc trì trệ đã và đang tồn tại, lại được “chốt hạ” nhanh chóng thế này, dân tình đỡ khổ biết bao nhiêu.

Có những sự việc oái oăm diễn ra mỗi ngày, đôi khi y có cảm tưởng như đang đọc tiểu phẩm trào phúng. Trí tưởng tượng của nhà văn còn kém xa, đi sau hiện thực của đời sống nhiều lắm. Hãy thử đọc các câu hỏi: “Có hút thuốc lá, lào không?”, “Uống rượu bia thường xuyên không?”, “Sử dụng ma túy không?”; “Biện pháp tránh thai đang dùng?”, “Kỳ có thai cuối cùng?”, “Số lần có thai?”, “Số lần sẩy thai?”… Các câu hỏi này đành cho những nam thanh nữ tú đã trưởng thành, chuẩn bị kết hôn? Không, dành cho… học sinh tiểu học tại một trường học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Liệu chừng khi diễn tuồng tại nhà hát Quảng Lạc, Kép Tư Bền có nghĩ ra tình tiết gây cười đến thế không?

Có lẽ trong thơ Việt Nam, chỉ mỗi Hồ Xuân Hương có bài thơ viết về nói ngọng:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,

Chúng bảo nhau rằng: “Ấy ái uông”.

Hãy thử đọc bảng thông báo tại sân bay quốc gia: “Những hành khách có chuyến bay lối tiếp, để chánh hành lý bị kẹt lại, xin xuất trình thẻ hành lý để làm thủ tục chuyển tiếp”. Dòng chữ này in vi tính rõ ràng ràng, chứ không phải viết tay. Đọc xong, bèn cười. Những chữ bắt đầu bằng “l/n”, “tr/ch”… nhiều người mắc phải. Ngay cả vị “tư lệnh” đứng đầu một ngành nọ cũng phát ngôn ngọng nghịu, do đó, đã có một lúc bị thiên hạ phàn nàn dữ quá. Có người bảo, chẳng rõ đùa hay thật, nếu muốn khắc phục nhầm lẫn trên, mỗi ngày nên tập đọc, đọc thật to, đọc chậm rãi từng chữ một: “Nếu nói lầm lẫn lần này nữa thì lại nói lại. Nói cho đến luôn luôn lưu loát hết lầm lẫn mới thôi”.

Sực nghĩ, sống trong một xã hội thế nào, sự quan tâm của con người ta thế ấy, Trong lúc ta quan tâm những chuyện vặt vãnh mưu sinh hằng ngày, chuyện rất đỗi sát sườn với miếng cơm manh áo, trong khi đó con người ở xã hội khác lại quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn nhiều. Chẳng rõ, có ai quan tâm, đồng cảm với thông tin này không? Y vừa đọc trên báo Thanh Niên (số ra ngày 11.4.2017).

Rằng, một ngày nào đó, nếu xẩy ra “thảm họa tận thế” do biến đổi khí hậu hoặc chiến tranh hạt nhân thì các giống cây trồng, di sản văn hóa và lịch sử quan trọng của nhân loại sẽ như thế nào? Xin thưa, hiện nay, tại quần đảo Svalbard quanh năm băng giá của Na Uy đã có một căn hầm khổng lồ. “Theo chuyên trang Wired, khoảng 940.000 loại hạt giống của tổng cộng gần 3.800 loài từ nhiều quốc gia trên thế giới đang được lưu trữ tại đây. Mỗi loại được đóng gói cẩn thận vào từng túi riêng biệt, sau đó được niêm phong vào những chiếc thùng kín đặt trong căn hầm luôn giữ ở nhiệt độ không đổi để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập niên”.

Chưa hết, "Kho lưu trữ thế giới cũng đang được xây dựng dưới lớp băng vĩnh cửu tại Svalbard, cách Bắc cực khoảng 1.000 km với nhiệt độ luôn ở mức dưới 0°C. Thay vì trữ lương thực, Kho lưu trữ thế giới sẽ vận hành như một thư viện để chính phủ các nước, tổ chức khoa học, cũng như các cá nhân có thể lưu giữ những dữ liệu quan trọng về văn hóa, lịch sử... một cách an toàn”. Cách thức lưu trữ ra làm sao?

Hãy đọc: “Đặc biệt, trong Kho lưu trữ thế giới sẽ không chứa sách cổ, phim, CD hay ổ cứng mà Công ty Piql của Na Uy sẽ phụ trách chuyển đổi mọi thông tin được gửi đến thành một tín hiệu đặc biệt in lên những tấm phim cảm quang làm từ vật liệu đặc biệt không bị ăn mòn. Live Science dẫn lời ông Rune Bjerkestrand, người sáng lập Piql, cho hay quá trình này tương tự như việc biến dữ liệu thành “các mã QR lớn trên tấm phim” hoặc chữ được khắc lên đá. Với kỹ thuật này, các dữ liệu sẽ tồn tại nguyên dạng, không bị hư hại và cũng không thể chỉnh sửa. Các tấm phim sẽ được cho vào hộp an toàn và đặt trong căn hầm. Piql tuyên bố mỗi tấm phim đặc biệt như vậy có tuổi thọ 500 - 1.000 năm. Mặt khác, cách tồn trữ này không đòi hỏi phải có thiết bị giải mã phức tạp khi cần truy xuất”.

Thông tin này thú vị quá phải không? Nếu tham gia vào hai kho dự trữ toàn cầu này, Việt Nam ta sẽ gửi gì? Hạt giống rau muống và kiệt tác Truyện Kiều chăng?

Mấy hôm nay, công việc nhà xem như tạm ổn. Căn nhà, y đang ở, mua vào năm bao nhiêu? Lật lại hồ sơ mua bán nhà ắt rõ. Hồi đó, chỉ mua 4 cây vàng. Vàng 5 triệu đồng một lượng. Tiền của gia đình. Sau đó, nhờ có công ăn việc làm ổn định, mua tiếp căn thứ hai, 25 cây vàng, sát vách nhà. Đập vách nối thông qua. Và căn nhà này cũng đã sửa chữa dăm ba lần. Lần này, lại mệt mỏi vì sự nhiêu khê của giấy tờ, thủ tục hành chánh. Rồi cũng ổn thôi. Trong thời gian này, rất cảm động với bài viết của đồng nghiệp Ngô Kinh Luân. Hắn ta viết gì? In trên báo đàng hoàng đấy. Cần ghi lại nhằm yêu dấu một cái tình. Hắn ta viết rằng:

“Tuần nào cũng gặp nhau đôi lần, không sáng thì khuya. Tuần nào cũng nhắn tin một lần, nói chuyện công việc. Thoắt cái hai tuần liền không thấy nhắn, bài vẫn đọc trên nhật báo lớn hằng ngày, biết là không có chuyện gì bất trắc. Vậy thì là làm sao lại không nhắn? Dân chơi này không nhắn thì dân chơi kia nhắn.

"Nếu không có chuyện gì thì gặp nhau chút, có phải đi kinh tế mới đâu mà mười ngày rồi không thấy mặt nhau". "Chưa được, chưa được, đang bận quá, L. ơi". "Ok, fine. Ai mà không bận, tóm lại là không thể gặp chứ gì?". "Gặp, gặp, qua tuần gặp L. ơi, đang sửa nhà". "Cái gì chứ, sửa nhà thôi mà, có cần phải bận vậy không?". Nhắn xong lại thấy thương.

Người anh em thân một mình, chữ nghĩa làm vui, nữ nhân đến rồi đi biết ai tri kỷ. Mẹ già xót con trai vào ở cùng, nay mẹ già mệt phải về lại cố hương. Xa mẹ phút chốc lâm cảnh bụi đời ngay. Có mẹ thì về nhà cơm nóng canh ngọt, xa mẹ thì cơm hàng cháo chợ. Có mẹ thì rượu say về được ăn chè đậu xanh, xa mẹ thì nhậu say về trùm chăn ôm bụng đói ngủ. Có mẹ thì về nhà xoa đầu con mèo nghịch đùa, xa mẹ thì ăn gì cũng phải tranh thủ xin bịch nilon mang thức ăn về cho con mèo kẻo nó đói. Có mẹ thì kê cao chân mà đọc sách, không có mẹ thì loay hoa loay hoay. Lại thêm bây giờ sửa nhà, đến chỗ chợp mắt ba mươi phút buổi trưa theo thói quen cũng không có.

Dân chơi mất chất hẳn, không ngủ trưa được, không uống rượu được thì mất hẳn khí chất dân chơi. Thời may cái máy tính để bàn còn gõ chữ được nên tranh thủ viết đều, chứ không mất số má giang hồ luôn.

Đang họp với lãnh đạo thì người anh em gọi: "Đi ăn phở, nhất định phải đi, anh có chuyện muốn nói". "Dân chơi đang họp với lãnh đạo, không đùa được". "Ok. vậy thì họp xong phải đi nha, nhất định phải gặp".

Nắng gay gắt trên đầu, đến nơi đã thấy người anh em ngồi chờ sẵn. Phở như vẫn như, ăn như vẫn như, cà phê đá như vẫn như. Người anh giúi vào tay ba quyển sách mới vừa in, quyển Tình ta đang nhảy rock, Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên và quyển thơ Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin... Lâu lắm mới được đọc thơ của người anh em một cách trọn vẹn thế này, thơ tài hoa hơn hẳn nét dân chơi mà người anh em sẵn có.

Nhưng có gì đó hơi ngộ ngộ, là làm sao, là một năm ra hơn mười đầu sách hay sao? Là làm sao, cũng phải để cho người ta có thời gian để đọc nữa chứ. Là làm sao, ai nói gì thì nói, còn chỗ chịu in thì mình in thôi. Là làm sao, còn chưa kể đến sách tái bản đấy, nhé. Rồi, đồng ý. In thì trả nhuận bút, mưu sinh bằng nghề chữ có chỗ in thì còn ra sách, người ta còn mua thì còn viết thôi".

Đúng thế, ngày viết mỗi ngày. Viết như một thói quen. Một nghĩa vụ. Không cần đợi cảm hứng. Mỗi ngày lại đọc. Rồi lại viết. Dù có lúc tự mỉa mai như nhân vật Thứ của Nam Cao, nhưng cũng không thể không tìm lấy sự lãng quên, tìm vui từ trong những trang sách, đành rằng những gì đang đọc chẳng hề ăn nhập gì với hiện thực của đời sống. Nên chăng?

Hỏi đấy, trả lời đi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.4.2017

Con_duong_xua_em_di_Chau_Ky__Ho_Dinh_Phuong_1

Ngày vẫn ngày. Vẫn thế. Vẫn xuống phố mỗi ngày. Sài Gòn, đường phố thông thoáng hơn. Tạo nên tình yêu sâu đậm, những dấu yêu không thể phai nhạt theo năm tháng, với nhiều người còn là một góc phố nhỏ đã gắn liền với năm tháng hoa niên. Nơi ấy, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, có thể là một vòm cây xanh mát, một gánh hàng rong ăn vặt, một xe bán hủ tiếu, một sạp báo tuềnh toàng…. Bỗng chốc, tất cả được “nhổ/bứng” đi sạch sẽ, trống huơ, trống hoác, dẫu có thoáng đãng hơn nhưng rồi ta lại cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Mới đây thôi, trên con đường Lý Chính Thắng có khá nhiều sạp báo. Muốn mua tờ báo nào cũng dễ dàng. Nay, đã mất hút. Nếu còn, chỉ là một chỗ ngồi túm tụm, nhiều tờ báo nhét vào cái thùng nhỏ xíu đặt sát vách tường, không còn bày biện như trước nữa. Đôi lần đi ngang qua, lại nhớ đến câu thơ của Tú Xương:

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khoa tư lương nhấp nhổm ngồi

Chỉ đúng ở vế sau. Nhốp nhổm bởi sợ bị phạt chiếm lòng lề đường. Sực nghĩ, khác với không gian của miền quê đã cố định với đặc thù cây đa, bến nước, sân đình… thì hồn của một phố thị chính là nơi góc phố nhỏ ấy, dù chật chội, dù chen lấn, dù gì đi nữa thì nó cũng là một phần máu thịt, đã trở thành ký ức của con người đã quen thuộc nơi ấy. Đừng nói đâu xa, với con người Sài Gòn, mỗi góc phố, dù có khác nhau đến đâu thì cũng gắn liền với những tiện ích mà nơi khác khó có được. Tiện ích ấy đã hình thành, đã gắn liền với tính cách văn hóa, nếp sinh hoạt hằng ngày của họ và cũng từ đó, họ có thể kiếm sống mỗi ngày.

Không phải sinh ra tại Sài Gòn nhưng đã gắn bó hơn nửa đời người tại vùng đất này, do đó, y đã nhiễm thói quen: ở góc phố này, trong lúc chờ đèn đường xanh, đỏ chỉ cần í ới một tiếng, ngay lập tức đã có người bán sạp báo gần đó đưa tận tay những tờ báo mới. Nhanh, gọn, lẹ. Không mất thời gian. Nơi góc phố kia, trưa nắng chói gắt, tạt ngay vào lề đường là có ngay ly nước mía mát rười rượi… Đại khái thế. Phong cách sống của người Sài Gòn là thế. Thật ra, bất kỳ thành phố nào trên quả địa cầu này cũng mang nét đặc thù riêng biệt, có như thế mới tạo nên diện mạo/ hồn của thành phố đó. Mà dù có bất cập đi nữa, nhưng cũng khó có thể xóa bỏ theo suy nghĩ chủ quan duy ý chí.

Làm sao có thể thay đổi được hồn của những con phố đã định hình ngay từ trong tập quán, thói quen, nền văn hóa của cư dân bản địa? Nếu muốn, phải bắt đầu từ một sự chuẩn bị khác, trước nhất, không phải bài toán kinh tế cho những số phận kiếm sống gắn liền với góc phố đó, dù là cần, nhưng điều cần hơn vẫn là chuẩn bị một quy hoạch chu đáo về hạ tầng đầy đủ điều kiện nhằm đáp ứng hữu hiệu, hợp lý cho việc thông thoáng đó.

Nghĩ ngợi linh tinh lang tang vẫn là thói quen của mỗi ngày. Nghĩ và viết. Ngày tháng trôi qua, chỉ có thế. Nhưng rồi đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, ngao ngán vì có những vấn đề khó có thể viết cặn kẽ hết mọi ý tứ. Hôm nọ, ăn phở nhắc lại ý kiến này với Ngô Kinh Luân, hắn ta bảo: “Bổn phận của trí thức vì tinh thần xây dựng mà phải nói, dù rằng, tiếng nói ấy chẳng có ai nghe”. Rồi cả hai lại nhớ đến đoạn văn trong tập Việt Nam nghĩa liệt sử, in năm 1918. Tập sách chữ Hán này ghi soạn giả Đặng Đoàn Bằng, tu đính giả Phan Thị Hán, khi dịch ra tiếng Việt nhà nghiên cứu Tôn Quang Phiệt xác định “do nhiều người góp lại, trong đó Phan Bội Châu đã góp phần nhiều (NXB Văn Học -1972, tr.7).

Dù đang phở thơm ngon, nghi ngút khói, tái nạm vè gầu gân thơm nức mũi nhưng cả hai vẫn ngưng đũa, đồng thanh du dương như đứa trẻ mẫu giáo học thuộc lòng: “Ông đi khắp thôn quê thị thành, mưa nắng không nài để nói chuyện với dân chúng. Lúc thì kể chuyện Đông sang Tây, từ nhỏ đến lớn, vạch rõ các tập tục hủ lậu của nước ta, ngu hèn yếu đuối của dân ta và tỏ lòng đau xót. Ông nói như hát như khóc, như cười như mắng. Xét về kết luận thì công kích cựu học, khuyến khích dân tộc, khai thông dân trí đề xướng dân quyền, chỉ mấy việc ấy thôi, lúc đầu ông diễn giải, nhân dân người ta ít vui lòng nghe, có lúc họ cho ông Bất Nhị đã phát điên. Nhưng ông là một ngôi sao trong học giới có danh vọng lúc bấy giờ, một người quân tử, nên càng được quần chúng tín ngưỡng. Ông đã trở thành người chuyên đi tuyên truyền, giải thích không mệt mỏi để mở mang dân trí nên càng ngày nhân dân ta càng hoan nghênh ông. Vì thế các cuộc nói chuyện càng lâu càng đông người nghe. Ông lại càng nỗ lực làm việc. Có lúc đang giữa trưa, đi chân không lún dưới bùn, đứng dưới trời nắng chang chang mà vẫn nói chuyện, thao thao bất tuyệt, mồ hôi đầm đìa mà vẫn không dùng quạt. Nhờ ông diễn giải nhiều nên các danh từ “dân quyền”, “công lý” rộng khắp dân gian, người Pháp rất là căm ghét”. (Bản dịch Tôn Quang Phiệt - NXB Văn Học,1972).

Ấy là đoạn văn viêt về chiến sĩ Duy tân Trần Quý Cáp (1870 - 1908), người làng Bất Nhị ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Đọc sử, còn là một cách noi gương tiền nhân. Thừa biết thế, nhưng y còn lâu, không đáng xách dép cho cụ Trần. Nói như thế, bởi có nhiều thông tin hằng ngày cần ghi lại như rồi y cũng nhắm mắt, bịt tai, làm lơ cho nó xong, cho nhẹ nhàng tâm trí. Sức mấy dám nói.

Mấy hôm nay, lãnh vực văn hóa nghệ thuật có gì đáng quan tâm không? Thoáng đó, đã một tuần trôi qua cái vèo. Hôm nọ, Đoàn Tuấn nhắn tin đã vào Sài Gòn vì giải thưởng Cánh diều vàng. Hắn ta bảo, mỗi ngày phải ngồi xem phim ròng rã đến mỏi mắt, nay mọi việc đã kết thúc. Điều gì còn đọng lại? Y chẳng rõ vì không quan tâm lắm đến chuyện giải thưởng, còn  anh em đồng nghiệp lại hay “tám” chuyện ngoài lề: đạo diễn của bộ phim Cha cõng con trả lại Giấy khen cho ban giám khảo, chỉ vì không đồng ý với kết quả. Trong khi đó, giải thưởng cụ thể ra làm sao, tác phẩm nào đoạt giải chính thức, nội dung, thủ pháp nghệ thuật, bút pháp có gì mới v.v… chẳng nghe ai bàn tán đến. Các giải thưởng thường niên nói chung của các hội, đoàn ngày càng nhạt từ trong sự quan tâm của công chúng.

Lại sực nghĩ, ở trên đời những gì thuộc về xì can đan, giai thoại, việc làm có tính cách khác thường… thì mọi người hay bàn tán nhiều hơn chăng? Nói như thế, vì mới đây có 5 ca khúc bỗng dưng được nhắc đến với tần số chóng mặt trên các mạng xã hội, báo chí. Ca từ, giai điệu hay, dở thế nào, chưa bàn đến nhưng rõ ràng, đã có nhiều người biết đến, nhớ lại chỉ vì một lệnh cấm khôi hài. Các ca khúc bị Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục NTBD) tạm dừng lưu hành bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Lý do cấm chỉ vì “những ca khúc này đều bị sai lời, thậm chí có những ca khúc bị thay lời khác”.

Vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc, làm sao có thể tìm cho được bản gốc của tác phẩm, với chữ ký của tác giả? Đồng nghiệp trên báo Lao Động  ngày 5.4.2017 đặt câu hỏi: “Nhiều độc giả bày tỏ sự hoang mang, vì trong khi Cục NTBD đưa ra lý do “cấm” là vì các ca khúc này bị sửa lời, sai tên tác giả, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng lại không công bố bản gốc để khán giả so sánh, đối chiếu và phân biệt với dị bản. Trong trường hợp không tìm được bản gốc thì chẳng lẽ khán giả, người nghe sẽ mãi mãi không được thưởng thức ca khúc này trên sân khấu ca nhạc trong nước?”.

Với lý do cùi bắp, không tưởng của Cục đưa ra, dư luận đã phản ứng dữ dội, nếu thế, ngay cả Dạ cổ hoài lang và hàng loạt ca khúc khác cũng bị cấm nốt. Cứ cái đà này, ngay cả Truyện Kiều, ca dao, tục ngữ cũng cấm tiệt vì không chấp nhận một tồn tại hiển nhiên đó là dị bản của nó. Ối dào, vấn đề trầm trọng này, thiên hạ bàn tán nát nước, y không nhắc lại và biết chắc chắc rằng, với quyết định ngớ ngẩn trên Cục Nghệ thuật biểu diễn đã bị “ném đá” tơi bời. Chưa dừng lại đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cho rằng, ca khúc Nối vòng tay lớn muốn hát phải xin phép, vì nó chưa được đưa vào dnah mục các bài hát được phép phổ biến.

Giọt nước đã tràn ly.

Ca khúc trên, theo báo chí cho biết đã từ lâu đã được chọn đưa vào sách giáo khoa âm nhạc lớp 9 (tập 1). Và ghi nhận rất rõ: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người VN yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước VN thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc”. Vậy đó. Không phải ngẫu nhiên, trên báo chí gần đây đã có nhiều ý kiến, bài viết tâp trung phân tích các quyết định của Cục.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, tính đến nay, chỉ mới có 2.586 bài hát được phép phổ biến! Con số ấy, nói lên điều gì? Việc cho phổ biến lại các ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975 nên thực hiện như thế nào? Câu hỏi này, từ hơn 10 năm trước đã đặt ra và nay vẫn còn lặp lại lần nữa. Nó còn kéo dài đến bao giờ? Tự dưng lại nhớ về một kỷ niệm đã cũ có liên quan đến nhà thơ Vũ Hữu Định. Câu thơ anh viết: “Mai xa lắc trên đồn biên giới”, Phạm Duy giữ nguyên khi phổ nhạc. Thế nhưng cũng vì chữ “đồn” mà nó bị ách lại. Lúc ấy, bạn thơ Đông Ky Rét có quyên tiền thân hữu in tập thơ gồm cả di cảo của Vũ Hữu Định, từ chữ “đồn” đã được biên tập thành “đồi” để sách có thể xuất bản. Thật ra, phải thừa nhận rằng, với văn hóa không thể chấn chỉnh, điều hành, định hướng bằng các biện pháp hành chánh. Cấm hoặc không, tự nhu cần thẩm mỹ của bản thân người thưởng thức, tiếp nhận đã là câu trả lời thuyết phục nhất.

Trưa nay, nằm đọc tập san Áo Trắng số tháng 3.2017. Dừng lại với truyện ngắn Nấm mồ côi của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Tưởng rằng ấy là một cách chơi chữ. Không phải, nhân vật Long cho biết: “Độc và đẹp thường đi chung với nhau. Ông thấy cây nấm nào bụ bẫm, to hơn bình thường, mũ nấm phớt hồng xin đẹp chứ không có màu xám tro, đó là nấm độc. Cây nấm độc thường mọc một mình, chung quanh nó không có cây nấm nào khác, có lẽ chính bọn nấm lành cũng sợ bị lây độc”. Chi tiết này có thật hay không? Chưa bàn gì sâu vào nội dung, với chi tiết là lạ này (ít ra với y) cũng là sự hấp dẫn.

Với ý kiến trên, nhân vật xưng tôi phát biểu: “Tôi muốn gọi nấm độc là nấm “cô đơn”, vì nó phải đứng lẻ loi một mình”. Với người Việt, từ “mồ côi”, “cô đơn” luôn gợi lại cho ta sự cảm thông và thương xót. “Nước chảy bon bon/ Con vượn bồng con lên non hái trái/ Anh cảm thương nàng phận gái mồ côi”. Ai lại không động lòng? “Mồ côi tội lắm ai ơi/ Đói cơm khát nước biết người nào lo”. Ai lại không cảm thương trắc ẩn? Ấy thế, lại sử dụng cho tên gọi loại nấm độc, xem ra chưa “ngon” lắm.

Trời đã chiều. Ông sư trụ trì của ngôi chùa đối diện nhà vừa mất. Vì thế, những ngày này không còn nghe tiếng chuông, tụng kinh đều đặn như trước nữa. Nhìn thoáng ra ngoài sân, hàng cau vẫn thảnh thơi trong sắc chiều. “Trước cau sau chuối/ Chuối sau cau trước” - câu thành ngữ này nhằm nói lên sự thẩm mỹ của người Việt trong việc bố trí không gian nhà ở? Có người bảo thuở sinh thời GS-TS Trần Văn Khê từng giải thích: “Người ta thường chỉ trồng cây chuối ở sau nhà, vì "chuối" nói theo giọng Nam bộ là "chúi", trước nhà mà trồng chuối (chúi) sợ xui xẻo. Còn "cau" nói theo giọng Nam bộ là "cao", cao đẹp, cái gì cao đẹp thì người Việt bày ra phía trước, cho nên trước nhà thường trồng cau”.

Nghe ra cũng có lý đấy chứ?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.3.2017

17155205_10210551668820419_1088615112735469770_n

 

Chiều nay, lên cư xá Thanh Đa đi viếng nhà văn Nguyễn Quang Thân vừa mất. Lần đầu tiên đi sâu vào trong khu vực này, không ngờ thấy rộng rãi, đâu ra đó, rợp bóng cây xanh. Chiều yên ả đến nhẹ nhàng. Mọi xô bồ là ở ngoài đường lộ, chứ phía trong khu vực này yên tĩnh lắm. Nơi này, món ăn khoái khẩu, nhiều người biết đến nhất vẫn là “cháo vịt Thanh Đa”. Loại vịt cỏ, nhỏ con, ít mỡ. Ăn rất ngon và cũng do nghệ thuật pha chế nước chấm. Nơi này, y cũng đã từng đến cũng vì món thịt heo luộc cuốn bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng - ngồi ở quán dọc theo bờ sông Sài Gòn, lồng lộng gió chiều.

Trên đường đi, nhớ đến Nguyễn Quang Thân (1936-2017), trong y lại sống dậy vài suy nghĩ về những thế hệ nhà văn luôn thể hiện ý thức công dân trên từng trang viết. Lật lại lịch sử báo chí nước nhà, có một điều dễ dàng nhận ra: nhà văn không chỉ “sống” với văn chương mà còn phải đau đáu với “thập loại chúng sinh” ngay từ trong đời thường. Nói cách khác, đã nhà văn thì anh không thể đứng ngoài thời cuộc.

Lần cuối cùng gặp Nguyễn Quang Thân là lúc anh đến tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM ký nhận nhuận bút.

Nhìn thấy vóc dáng to cao, khỏe mạnh, lực lưỡng, nói cười rổn rảnh dù đã gần 80 xuân xanh, ngạc nhiên lắm. Dường như ở con người này, tuổi già không thèm béng mảng tới, dấu vết mệt mỏi không hằn vết trong tâm trí. Như mọi lần, dù ít gặp nhau, nhưng hễ đã gặp thì câu chuyện lại kéo dài. Lúc ấy, y còn nhớ là đã hỏi anh: “Lúc gặp bạn bè cũ, điều gì khiến anh ghét nhất”. Không nghĩ ngợi nhiều, anh nói ngay: “Tớ ghét nhất là lúc gặp bạn bè cùng trang lứa, bằng tuổi tớ nhưng chẳng biết gì về vi tính, email, internet gì cả. Họ như sống ở một cõi khác. Chán nhất lúc gặp nhau, hỏi: “Dạo này, có gì mới không?”. Kể đến đây, anh vỗ vai y cái đét, đau điếng: “Trời, thông tin thay đổi mỗi giờ, mỗi ngày mà hỏi thế, tau biết trả lời thế nào?”.

Trong lý lịch tự khai, anh cho biết: sinh năm 1936, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1952: thiếu sinh quân, học viên trường Quân chính Bộ tư lệnh Liên khu 4. Năm 1962-1964: học viên Trường bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1972: Cán bộ Sở Thủy lợi Hải Phòng. Năm 1996: công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng. Về hưu sống tại TP.HCM.

Anh vừa mất đột ngột lúc 3g15 ngày 4.3.2017 sau cơn đột quỵ tại nhà riêng thọ 82 tuổi. Sau khi thắp nén nhang, vợ anh - nhà văn Dạ Ngân cho biết anh đột quỵ lúc đang bơi mà xưa nay anh bơi rất giỏi, không thua gì rái cá. Nhân viên hồ bơi xem lại hồ sơ đăng ký bơi của anh, họ tìm thấy có ghi số điện thoại, liền gọi ngay. Không ngờ, đó là số điện thoại của anh mà máy lại để ở nhà. Nghĩ rằng, trên những giấy tờ cần thiết, có lẽ cũng nên ghi thêm số điện thoại của người gần gũi, tin cậy nhất của mình.

Nổi đình nổi đám nhất trong một loạt tác phẩm của anh, có thể kể đến Chú bé có tài mở khóa - Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (1985), đã tái bản nhiều lần. Ngoài ra còn là các Giải thưởng văn học khác như Cơn bão H - Giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn học (1963); Vũ điệu cái bô - Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ (1991- 1992); Cây bạch đàn vô danh - Giải ba cuộc thi kịch bản phim của báo Văn Nghệ (1994); Hạc về Bồng Lai - Giải nhì cuộc thi Bút ký - Phóng sự của báo Văn Nghệ (1994)… Sau đó, với kịch bản Hội thề, anh lại nhận Giải nhất kịch bản phim truyện 1.000 năm Thăng Long (2005); tiểu thuyết Hội thề - Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam (2006 - 2009).

Vói nhà văn, sự nhạy bén, trăn trở và quan tâm đến số phận con người trong việc dựng lên hình mẫu của nhân vật; nếu có tâm, có tài, nhà văn phải sống trọn vẹn trong khoảnh khắc ấy. Có người chỉ lấy chất liệu ấy đưa vào tác phẩm; có người lại thể hiện bằng phong cách báo chí - một vũ khí sắc bén nhắm chuyển tải kịp thời thông điệp của chính mình đến bạn đọc. Nguyễn Quang Thân thuộc dạng nhà văn thứ hai. Tâm thế ấy của anh rất gần với các bậc tiền bối Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Vũ Bằng, Phan Khôi, Nguyễn An Ninh… của làng báo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Từ năm 1995, lúc vợ chồng anh còn ở Hà Nội, Ban Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM đã mời anh cộng tác chuyên mục Chợt nghĩ (sau này đổi thành Sổ tay văn nghệ). Do sự phân công của tòa soạn, y là người chịu trách nhiệm trao đổi đề tài cùng anh. Sức viết của anh ghê gớm lắm, tuần nào anh cũng có bài bình luận về mọi vấn đề liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Lúc ấy, suy nghĩ của anh đã bắt đầu ít nhiều “lấn” sang lãnh vực xã hội. Viết đều đặn cho chuyên mục này chừng 3 năm, anh tạm ngưng, bởi lẽ công việc sáng tác tiểu thuyết, kịch bản phim đòi hỏi anh phải dành nhiều thời gian hơn.

Rồi sau này, khi vào ở hẳn tại TP.HCM, anh lại chính thức viết ròng rã nhiều năm liền cho chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần (in vào số thứ sáu hàng tuần) - đề cập đến vấn đề rộng và sâu hơn về thời cuộc. Chính từ “diễn đàn” này, tầm vóc và vai trò công dân của nhà văn Nguyễn Quang Thân càng được bạn đọc biết đến rộng rãi hơn. Nhiều lần anh tâm sự, đó vẫn là chuyên mục mà anh hào hứng nhất, vì nơi ấy anh có thể cất lên tiếng nói tự lòng mình - tiếng nói về trách nhiệm Kẻ Sĩ trước thời cuộc. Mà thái độ này, thật ra không xa lạ với các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp nếu luôn đau đáu, suy tư cùng nhịp thở của dân tộc mình.

Do tự ý thức như vậy nên trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại,  Nguyễn Quang Thân bộc bạch thẳng thắng: “Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Nhưng nhờ công nghệ tin học, văn sách hiện đại còn bền hơn cả bia miệng. Viết ra một câu bẩn thỉu thì dù có vạn pho sách hào nhoáng cũng không chữa nổi. Người đời luôn nghĩ, đống sách kia chẳng qua cũng chỉ để che đậy cái tâm địa thật của anh trong câu văn bẩn thỉu mà thôi”.

Tự bạch này quyết liệt làm sao.

Âu cũng là tính cách của một con dân xứ Nghệ.

Với chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần, đã đứng tên chuyên mục thì buộc phải viết, dẫu “cụt hứng” thì cũng phải tìm đề tài, tạo ra cảm hứng mà viết. Viết trối chết. Viết nhẩn nha. Viết cay đắng. Viết sung sướng. Viết như thế nào hoàn toàn phụ thuộc theo dòng thời sự mỗi ngày. Nếu không chuẩn bị tâm thế ấy, khó có thể đi hết một chặng đường dài. Nói như thế, để thấy cái nghề cầm bút nhọc nhằn, bận rộn biết bao.

Mà nghĩ cho cùng, sự nhọc nhằn ấy có là gì đâu, đã họa sĩ thì vẽ, đã nhà văn thì viết, dễ thôi mà, nhưng cái khó nhất là khi đối mặt với thời cuộc.

Ở Nguyễn Quang Thân là một sự rạch ròi, thẳng thắn, không phải uốn éo nói cho có. Đọc lại những bài viết trong chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần từ nhiều năm trước, y nhận ra dẫu sự việc cụ thể đã đi qua nhưng suy ngẫm của anh vẫn còn có ý nghĩa thời sự.

Có thể nêu một vài thí dụ, chẳng hạn, bàn về vấn đề nhân tài, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi: “Chọn người tài chớ không chọn người nhà”, từ năm 2011, Nguyễn Quang Thân đã đặt vấn đề Nhân tài, thừa hay thiếu? và anh trả lời: “Nhân tài hiếm nhưng không thiếu nếu có mắt xanh vì dân vì nước cầu hiền chứ không vì lợi ích cục bộ, cá nhân. Và quan trọng hơn là biết người tài cần gì. Nếu không, thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội mà thôi” (PN - 9.9.2011).

Với cái ác đã và đang diễn ra ở nhiều lãnh vực, sự trừng phạt người vi phạm là đúng, nhưng theo anh vẫn chưa đủ, phải là “Nhìn thẳng vào sự thật, vào nguyên nhân sâu xa, thừa nhận những bất cập ở tầm vĩ mô để thay đổi căn bản một tình trạng xuống cấp”. Sự thay đổi ấy cụ thể ra làm sao, với tư duy của một nhà văn, anh chỉ nhìn tới đó và thừa nhận “không dễ chút nào” (PN - 28.8.2011). Tuy nhiên, trách nhiệm của Kẻ Sĩ vẫn là dám chỉ ra những điều bất cập nhằm góp phần thay đổi một nhận thức.

Một trong những điều gần như xuyên suốt trong các bài bình luận về thời cuộc, theo y, đáng ghi nhận, đáng quý nhất nhất ở chỗ Nguyễn Quang Thân lấy từ góc nhìn và đau đáu cùng tâm thế người dân nghèo. Nhờ đó, anh đã nhìn ra Sức mạnh tiềm tàng: “Nhiều người tự hỏi: tại sao cũng người dân ấy nhiều khi mất cả nhiều năm trời không chịu di dời ngôi nhà tranh vách đất của mình cho một dự án xây dựng, nay bỗng vui vẻ và bỏ lại nhà cửa, gia tài, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của chính quyền; kỷ cương, niềm tin đã bị lung lay, bị đánh mất đang sống lại? Tại sao mới đây chỉ cần một va quệt nhỏ trên đường người ra sẵn sàng thí mạng. nay bỗng thấy ấm áp trên đường sơ tán hay trong những ngôi nhà đùm bọc dân tránh bão?”

Câu hỏi “Tại sao?” ấy vẫn là bài toán đặt ra mọi lúc, mọi thời mà vẫn không hề lỗi thời, nếu thật sự hướng đến một thể chế “do dân, vì dân”.

Và nhà văn Nguyễn Quang Thân lý giải: “Nhân dân vẫn còn đó. Khi đi cùng nhân dân, thực sự vì dân chứ không vì quyền lợi nhỏ nhen của cá nhân hay của nhóm đặc quyền, khi người dân thấy rõ nhiệm vụ mình phải làm là vì sự sống còn của chính mình và đất nước thì niềm tin và sức mạnh bùng lên mạnh mẽ lạ thường, có thể làm sáng mắt những ai vẫn còn coi dân như cỏ rác hay cái vú sữa để bòn rút” (PN - 15.11.2013).

Và cũng từ phía nhân dân, khi chứng kiến tấm lòng người dân trong tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đã viết được một câu rất hay: “Khóc ông là khóc cho cả chính mình, nói bằng nước mắt cho quá nhiều những gì nhân dân đang muốn nói. Hãy tin vào nước măt của nhân dân vì nó ít khi nhầm lẫn” (PN - 11.10.2013).

Cũng như nhiều nhà văn khác - những người không tìm sự trú ẩn yên thân, “mũ ni che tai”- nói như nhà văn Thiếu Sơn là chui vào “Tháp ngà văn chương”, Nguyễn Quang Thân đích thực làm người dấn thân. Theo dòng thời sự, anh đã lên tiếng Không thể khiếp nhược trước cái ác; Sân gôn, sân gôn, lại sân gôn; Thủy điện vô can mà không vô can; Thực phẩm sạch: Tương lai của nòi giống; Khi nhà quản lý khoa học chơi bum-mê-răng; Những nhân bản buồn v.v… Khó có thể liệt kê hết các bài báo của anh đã viết ròng rã mười năm trời trên báo Phụ Nữ TP.HCM, đó là chưa kể in ở các báo khác nữa.

Nếu có ai đặt câu hỏi rằng: “Có phải những bài viết cho chuyên mục Suy nghĩ cuối tuần là lúc Nguyễn Quang Thân đã nói thật lòng mình?”.

Đừng ngây thơ nhé. Nhân kỷ niệm sinh nhật 35 năm báo Phụ Nữ TP.HCM chính anh đã tâm sự: “Viết báo (cả viết văn nữa) ở xứ mình, tôi có thể không nói hết được một trăm phần trăm điều mình muốn viết, muốn nói. Nhưng không ai có thể bắt tôi nói ngược lại ý nghĩ của mình. Giữa tôi và Ban Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM ngoài tình bạn “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” còn có sự sòng phẳng và tôn trọng nhau, ít ra là trong cái nguyên tắc ấy”.

Tôi đồ rằng, với nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Quang Thân, khi cất lên tiếng nói phản biện, chính là lúc họ làm sống lại lời cảnh báo của văn hào Somerset Maugham (1874-1965): “Điều tồi tệ nhất trong quan hệ con người chính là sự vô cảm, dửng dưng”.

Chiến đấu chống lại sự vô cảm ấy, chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà văn? Không đâu. Điều đáng mừng là đồng hành cùng nhiều tầng lớp khác,  nhà văn Nguyễn Quang Thân đã tham dự với tư cách người trong cuộc để cất lên tiếng nói có trách nhiệm. Mà trách nhiệm ấy, thôi thúc từ mệnh lệnh của một ngòi bút luôn hướng đến sự hoàn thiện, tốt đẹp trong xã hội mà chúng ta đang sống.

Vĩnh biệt anh, nhà văn Nguyễn Quang Thân - một nhà văn dấn thân.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.2.2017

Damcuoichuot

 

Đã từ lâu, y rất thích đọc tạp văn của văn hào Lỗ Tấn, bởi lẽ với tâm thế chiến đấu không khoan nhượng, ông đã sử dụng ngòi bút như ngọn roi tiên phong quất vào thói hư tật xấu của chính dân tộc ông - dân tộc Trung Quốc. Thái độ cách mạng quyết liệt ấy là nhằm dẫn đến một sự thức tỉnh.

Dân tộc nào cũng có sự hạn chế, khiếm khuyết, khuyết tật ngay từ trong tính cách, nếp nghĩ. Dân tộc Việt không là ngoại lệ, vì lẽ đó, đầu thế kỷ XX khi nước mất nhà tan, ngọn gió văn minh phương Tây tràn vào nước ta xốc tung mọi nề nếp đã định hình trước đó hàng ngàn năm, bấy giờ, các nhà Nho cấp tiến đã giật mình đau đáu cùng vận mệnh nước nhà. Một trong trong những mối quan tâm hàng đầu của các cụ khi đứng trong đội ngũ của phong trào Duy tân vẫn là tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
 

Muốn có được sự “lột xác” đó, trước hết phải dũng cảm nhìn nhận lại thói hư tật xấu của dân tộc mình. Có như thế mới dẫn đến sự thay đổi, sửa chữa triệt để, y nghĩ, đó chính là hiện thân của đổi mới.

Phải nói thật rằng, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu thấu đáo về hạn chế của người Việt. Dù rằng, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng rồi chữa trị căn bệnh ấy từ đâu? Câu trả lời không dễ dàng. Chỉ xin nêu một trong nhiều, rất nhiều thói xấu tiêu biểu: vô kỷ luật.

Đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn lại từ bản thân mình, bất kỳ ai cũng có dịp “trải nghiệm”. Có thể dẫn chứng từ các cuộc đám cưới, đó là sự ngán ngẫm vì thói quen chung vẫn là sử dụng… “giờ cao su”. Sự co giãn thất thường này, khiến những ai tự giác chấp hành đúng quy định chỉ có nước méo mặt. Dù đến chậm, không đúng giờ nhưng rồi ai cũng có cách bào chữa, đại khái: “Từ từ rồi khoai cũng nhừ”, chậm chút có gì đâu mà cứ nhắng lên (!?). Nghe thế, ắt có người bèn đùa mà rằng: “Dân ta hầu hết là chuyên gia xài giờ dây thun mà dây thun ngâm dầu lửa mới ghê, không phải đi dự đám tiệc mà ngay cả hội họp, làm việc nơi công sở. Bài thuốc gia truyền trị bệnh này quá dễ, hãy thông báo trước rằng: "Ai đến đúng giờ sẽ được nhận phong bì chứa số tiền không nhỏ", bảo đảm họ sẽ nghiêm chỉnh đến sớm hơn giờ qui định” (!?).

Tính vô kỷ luật ấy do ta chủ động tạo ra, miễn cảm thấy hài lòng là được. Còn nếu cho rằng bị áp đặt từ phía khác, ta lại có cách “tiếp thu” khác hẳn, dù “trẻ trâu” không xứng “tầm” chút nào. Chỉ xin nêu một sự việc vừa diễn ra gần đây: Trong một trận đá banh nọ, tỷ số của hai bên đang là 2-2, đội A được được hưởng quả phạt đền ở phút 80. Đội B không đồng tình, phản đối bằng cách “buông súng”, chơi “ầu ơ ví dầu” để mặc cho đối thủ… mặc sức ghi bàn. Sự phản ứng này rất rẻ con, thể hiện sự cù nhầy, bướng bỉnh, dù rằng vẫn có cách giải quyết tích cực hơn, thế nhưng họ vẫn bất chấp miễn sao cho “đã nư” là được, còn hậu quả ra làm sao thì không cần nghĩ đến.

Có nhiều sự việc dù biết sai nhưng người ta vẫn cố tình thực hiện cho bằng được. Chẳng hạn, dư luận phản ứng dữ dội về chuyện dựng biện thự, biệt điện to đùng đoàng trái phép, thậm chí xây ngay khu vực rừng phòng hộ nhưng vẫn “Chuyện nhỏ như con thỏ”. Rồi chuyện lấn chiếm lòng lề đường, tè bậy, đua xe, vượt đèn đỏ v.v… vẫn diễn ra mỗi ngày. Vậy, kỷ cương phép nước loạn thật đấy chứ? Dù thừa biết nhưng rồi từ người dân không một chút quyền lực đến quan chức, kẻ có “máu mặt” cũng bất chấp. Tại sao như thế? Có thể do xuất phát từ suy nghĩ “Phép vua thua lệ làng”; hoặc “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”; hoặc “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”; hoặc “Bó lý không bằng một tí tình” v.v… Nghĩa là dù thế nào đi nữa, vẫn có cách giải quyết ổn thỏa.

Tâm lý này đã hình thành từ rất xa xưa, nay muốn thay đổi không thể một sớm một chiều. Và qua đó, ta thấy rằng, nếu “Thượng bất chính, hạ tất loạn”; nếu luật pháp không nghiêm thì bất kỳ chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Một khi đã xẩy ra rồi, sự sai trái, vi phạm ấy lại có cách để “hợp thức hóa”. Đau đớn là ở chỗ đó chăng? Chưa đâu, lại có chuyện còn đau đớn hơn nhiều. Ấy là dù không vi phạm gì, nhưng rồi kẻ có quyền thế lại áp đặt, “chụp mũ” cho kẻ khác tội lỗi tày trời, tìm cách “xử trảm” nếu thích. Không phải y nói cho sướng miệng đâu, có thật đấy. Chỉ xin nêu ra một thí dụ, chọn lấy trường hợp này, chỉ vì nó liên quan đến lãnh vực mà y quan tâm nhất: thơ.

Rằng, trên trang blogspot của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, anh có kể lại nỗi oan khuất của thân phụ. Chỉ vì tham gia xướng họa thơ Đường luật mà năm 1984, cha anh bị buộc thôi việc và khai trừ khỏi hội văn học ở địa phương nọ. Tóm tắt như sau: Nhân ngày xuân, lòng người phơi phới, đất trời thanh tân, các văn nghệ sĩ tỉnh nhà đua nhau ngâm nga, múa bút “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” do báo của tỉnh tổ chức.

Bài thơ xướng của ông chủ tịch hội văn nghệ:

Năm Tý về đây nhắc chuyện đời

Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!

Chùm nem sơ hở con chù vọc

Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!

Lạ nhỉ? Chơi không toan gọn lốm,

Ơ kìa! Ngồi rỗi chực ngon xơi!

Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột

Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi!

Bài “Họa” của thân phụ Hoàng Tuấn Công:

Giống chuột làm sao vẫn sống đời?

Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!

Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,

Của để tớ thầy hợp sức lôi!

Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,

Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!

Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,

Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Theo y, bài họa hay hơn. Không cần phải dài dòng bình về hai bài thơ này, chỉ nói rằng, nội dung cả hai đều bình thường, không hề có ngụ ý xỏ xiên, mượn bóng nói hình, dương đông kích tây quái quỷ gì cả. Thế nhưng, tai ách ập đến cho người họa, thế có lạ không chứ?

Cứ như theo anh Hoàng Tuấn Công kể lại: “Họ phân tích như sau: “Con đàn cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu/ Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể chấp nhận được! Chế độ này là khối "đại đoàn kết", chỉ có quan hệ “đồng chí”, "đồng nghiệp", tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ thầy” ở đây? Tác giả nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” là tên người viết bài “xướng” chứ còn ai vào đây? Hóa ra, cấp trên vì nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực? Thật quá "thâm ý"! “Hoài cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp luật rồi! Dám nói họ là “hoài cơm” sao? Lại còn định “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc/ Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!”. Tác giả muốn “diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư?”.

Đọc xong lập luận đó, thú thật, y bó tay. Không thốt nên lời.

Sự việc rối rắm, quá hớp này nhùng nhằng, kéo dài mãi. Người bị kết án phải mất mấy năm trày vi tróc vẩy, rồi mới được minh oan. Đèn trời soi xét. Mãi đến năm 1988, thân phụ Hoàng Tuấn Công mới được Hội nghị toàn thể hội viên của Hội văn nghệ tỉnh nọ quyết định phục hồi Hội tịch. Kết thúc có hậu. Nhắc lại chuyện này để thấy rằng, việc chụp mũ người khác cũng là thái độ vô kỷ luật của người có quyền chức, vì họ không tuân theo quy định của luật pháp mà chỉ thực hiện tùy hứng rất chủ quan.

Dù gì đi nữa, nói đi cũng phải nói lại. Phải thừa nhận ra, khi nước nhà xẩy ra nguy biến, lạ thay, thói xấu vô kỷ luật ấy lại không có chỗ dung thân. Nếu không, làm gì có thể hàng trăm, hàng vạn người thời nhà Trần đồng lòng xăm hai chữ “Sát Thát” nhằm thể hiện tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Nguyên - Mông? Chỉ mỗi một thí dụ ấy cho thấy, người Việt không xa lạ với tính kỷ luật. Thậm chí rất kỷ luật, nếu không, vua Quang Trung làm sao có thể chỉ huy cuộc hành quân thần tốc đánh tan tành xác pháo 20 vạn quân Thanh?

Thế nhưng, tính kỷ luật ở người Việt đã khác rồi chăng? Không dám hồ đồ kết luận nhưng ai cũng dễ dàng nhận ra hiện nay, sự vận động trong xã hội có lúc không tuân thủ theo quy định nội tại, chỉ diễn ra theo xu thế tùy nghi, tùy hứng, tùy thuộc vào các mối quan hệ cá nhân hơn là từ kỷ cương phép nước như “Mạnh được yếu thua”, “Hy sinh đời bố củng cố đời con”, “Một người là quan cả họ được nhờ”… Đây chính là cơ hội tốt cho tính vô kỷ luật phát triển bởi luật của nó là “luật rừng”. Bất chấp hết, miễn là được việc trong thời điểm đó.

Lý giải ra làm sao về thói xấu này?

Trong công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (NXB Văn hóa văn nghệ -2016), GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Thiếu ý thức pháp luật là một trong những chứng bệnh tiêu biểu phát sinh từ tính linh loạt của người Việt Nam. Đây là một biểu hiện tập trung và nghiêm trọng nhất của thói tùy tiện” (tr.403). Không những thế, “còn có nguồn gốc từ đặc trưng của tính cộng đồng. Do tính cộng đồng mạnh nên ý thức về pháp luật của mỗi cá nhân phù thuộc vào ý thức pháp luật của số đông; hễ thấy số đông coi thường pháp luật thì các cá nhân sẽ yên tâm mà hùa theo. Do sức mạnh của tâm lý đám đông, nhiều khi nguyên nhân này còn chi phối mạnh hơn cả tính nguyên nhân tính linh hoạt” (tr.406).

Sự lý giải này rất đáng suy ngẫm, tất nhiên chưa thể dừng lại ở đó.

Vậy, làm sao để thay đổi?

Dám nhìn nhận thói xấu của dân tộc mình, không giấu diếm, che đậy thì may ra mới có thể tự giác sửa chữa triệt đễ, tận gốc. Cần có một tinh thần của Lỗ Tấn. Mà thật ra, tinh thần cách mạng ấy hoàn toàn không xa lạ với các trí thức Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, từ thời các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh… và ngay cả Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Văn Cừ cũng đã dũng cảm viết tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích (1939) v.v…

Y không tin bất kỳ sự thay đổi nào đến từ phong trào rầm rộ “ra quân” nhất thời bằng cách xử phạt hành chánh. Bất quá cũng chỉ là “Bắt cóc bỏ dĩa”, rồi đâu lại vào đó. “Ếch kêu dưới vũng tre ngâm/ Ếch kêu mặc ếch, tre dầm mặc tre”. Đó chỉ giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề này vẫn là chiến lược nhằm thay đổi ngay từ trong nhận thức. Chiến lược ấy, chỉ có thể bắt đầu từ giáo dục.

Hỡi ôi! Xin gióng lên một tiếng chuông: Đã đến lúc thôi vuốt ve, ru ngủ nhau bằng những mỹ từ rổn rãng, nhàm tai nữa - bởi nội hàm của nó là những giá trị không có thật; hoặc có thật nhưng đã thất lạc, lạc hậu từ lâu lắm rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 13 trong tổng số 58