LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.9.2016


14448768_1418644251483367_1884425907359443735_nCảnh mưa Sài Gòn ngày 26.9.2016

 

Ngày nào cũng có chuyện. Để âu lo. Để buồn cười. Để “tám”. Để bù khú. Và cuối cùng, một cảm giác chung vẫn là ngao ngán. Sự việc gì cũng dẫn đến sự bẽ bàng, chán ngán, hoang mang và cuối cùng, tự hỏi: Sống trong thời đại nào vậy? Đi về phía thời gian, đã hoàng hôn bước qua dốc của xế chiều, y bèn tự nhủ: “Chẳng mấy chốc nữa, đời mình sẽ khép lại”. Vậy là xong. Một kiếp người. Chỉ tội nghiệp nhưng mầm non mới nhú. Hoa niên đang xanh. Tưng bừng sức sống. Phơi phới tin yêu. Sẽ thế nào? Tưởng rằng đã qua cái thời cụ Nguyễn Trường Tộ viết những câu đau đáu về thời cuộc rồi chứ? Tưởng đã qua. Tưởng mãi ư? Thì cứ ăn mãi dưa bỡ. Cũng chán nốt.

“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong Triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều; ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi.

Những kẻ hận đời ghét kẻ gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thao dã, chính là lúc Thắng, Quảng (lãnh tụ khởi nghĩa nông dân thời Tần Thuỷ Hoàng) sẽ thừa cơ nổi dậy. Thế mà sao đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thớt, khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói: “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”. Cây cối trước hết tự nó hủ mục sau mới bị sâu đục; nước mình trước hết không biết tự giữ thể diện thì người ta mới khinh mình; dân loạn bên trong, rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế loạn không phải chỉ từ bên ngoài mà ở ngay trong nước vậy…

Cho nên mới nói: không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó chịu chết mà giữ cho!”.

Đoạn này, trích từ  Thiên hạ đại thế luận, Nguyễn Trường Tộ viết vào tháng 3-4 năm 1863. Trương Bá Cần dịch, công bố trong tập Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo (NXB TP.HCM - 1988, tr.110). Vậy mà cứ tưởng cụ viết trong thời đại y đang sống. Cứ Tưởng mãi ư? Thì cứ ăn mãi dưa bỡ. Cũng chán nốt.

Sau tập Ngày viết mỗi ngày, là Nhật ký của năm 2015, trậm trà trậm trật mãi mới lấy được giấy phép xuất bản, y tự nhủ, thôi thì né tránh chuyện thời sự cho nó lành. Lượn đi cho nước nó trong. Yên thân yên phận. Ai đời, những gì báo chí chính thống đã thông tin, tường thuật, bình luận công khai, vậy mà khi đưa vào sách, hệ thống lại sự việc đã diễn ra từng ngày, người ta cũng cắt béng, thiến luôn. Bảo hoàng hơn vua. May quá, cuối cùng gửi ra một Nhà xuất bản ngoài Hà Nội, lại khác. Chẳng c gì phải xóa đi những dòng, những chữ đã ghi nhận lại sự việc ấy.

Nói lên một tiếng nói trung thực mà đơn giản chỉ là ghi nhận lại những gì báo chí nước nhà, báo chí “lề phải”, báo chí của đoàn thể đã thông tin, cũng khó nốt. Thật ra cách quản lý này đã lạc hậu so với những gì đang diễn ra trên các hệ thống thông tin mạng. Làm gì có thể bưng bít được thông tin toàn cầu? Phải chấp nhận nó thôi. Chẳng có một “bức tường lửa” nào hữu hiệu cả. Đời sau, hàng triệu đời sau, nhân loại còn phải dựng tượng ghi công ông Google, ông Facebook... Công nghệ thông tin đã quyết định sự thay đổi vĩ đại vào nhận thức, đời sống của công dân toàn cầu.

Trong khi đó, ta tự làm khó ta. Ta tự làm khổ ta. Làm khổ nhau từng câu, từng chữ. Sợ bóng sợ vía. Sợ cái nỗi sợ vô hình chẳng rõ từ bao giờ đã thâm căn cố đế trong não trạng. Người cầm bút không thiếu tài năng ư? Y tin thế. Nhưng thiếu bản lĩnh, dũng cảm để vượt qua nỗi sợ hãi bởi tự mình đã hoạn, đã thiến chính mình ngay trên từng trang viết. Đọc giai thoại về nhà văn lớn Nguyễn Tuân, chẳng rõ hư thực ra sao, mà chắc là thực, đại khái ông Vang bóng một thời cho biết, sở dĩ ông tồn tại được là do biết sợ. Di cảo của nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng nói đến sự nhu nhược của cái sự cầm bút.

Vừa rồi, có nhóm bạn trẻ mua bản quyền toàn bộ sách của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Cũng là một cách P.R thương hiệu của một đơn vị làm sách tư nhân. Các em cho biết đợt đầu ra tái bản vài ba cuốn, trong đó, có Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Hỏi: “In bản nào? Bản trong nước hay bản in nước ngoài?”. Sau một lúc tranh luận, họ đành gác lại quyển đó. Nếu in bản do tác giả công bố ở nước ngoài, họ sợ. Mà với bản công bố trong nước, tái bản làm gì? Chẳng lẽ cứ lừa dối độc giả mãi sao? Bạn đọc thông minh lắm. Thừa biết các trò uốn éo hiện nay trong xuất bản.

Nghĩ cũng quái thật, hiện nay, tại một trụ sở nọ, bước vào trong, lập tức thấy một kệ sách. Đầy sách. Chỉ là sách “cúng cụ”. Ai muốn lấy thì lấy. Sách cho không. Đơn giản, sách thực hiện theo đơn đặt hàng của nhà nước. Phát hành ra ngoài ai mua? Cứ để hàng đống ở đó, ai tiện tay thì lấy, bằng không thì thôi. Tất nhiên, như mèo thấy mỡ, y lấy ngay. Về nhà nằm đọc mới nhận ra rằng, sách này của những tên tuổi lớn, có đóng góp cho văn hóa nước nhà. Tiếc là sáng tác, nghiên cứu, những gì tinh túy, tâm huyết nhất của họ lại không chọn, chỉ chọn in những bài nhì nhằng mà họ uốn éo một thời. Đau là chỗ đó. Người cầm bút nào có thể né tránh sự uốn éo đó, qua mỗi thời? Phải biết thương lấy họ. Cũng như thương lấy mình. Nó như Nguyễn Tuân, phải biết sợ để tồn tại.

Mới đây thôi, tại Hà Nội, có nhóm thanh niên gương biểu ngữ là câu thơ của nhà thơ nọ. Lập tức, bị công an “hốt” ngay. Mà câu thơ đó, nhà thơ uốn éo một thời. Một thời hoan nghênh, cổ xúy nồng nhiệt. Nay trưng ra lần nữa, ở thời điểm này, bỗng thấy buồn cười. Như một sự giễu nhại. Như một sự gây cười. Không ít người nhân cơ hội đó, “ném đá” tơi bời về phía nhà thơ. Chà, phủ nhận sạch trơn phần tinh túy khác trong sáng tác của nhà thơ nọ, đã có. Cách ứng xử ấy, nên chăng?

Mấy hôm nay, Sài Gòn mưa khủng khiếp. Từ những trận mưa kinh hoàng đó,  không ít trang thông tin, báo chí đã dùng từ “thất thủ”. “Thất thủ” theo giải thích của Đại từ điển tiếng Việt là “Không giữ được, để rơi vào tay đối phương” (tr.1548). Một bạn đọc cũng hài hước, khi đọc những bài báo ấy, bèn cảm tác bằng thơ như sau:

Lươn ngắn lại chê chạch dài
Hà Nội nào có hơn ai mà cười
Một cơn mưa lớn thoảng thôi
Là thành Hà Lội sụt sùi sóng rên
Thuế dân “chống ngập” tỉ tiền
Để cho nước lại dâng thêm mới tài!
Sài Gòn cũng rứa mà thôi
Phải đâu “thất thủ” trước trời bữa nay

Hay thật. Người Việt khéo đùa dai. Cách đùa ấy, nó thể hiện sự bất lực trước thiên nhiên, cụ thể là mưa. Chỉ một cơ mưa mà gây xốn trộn trong đời sống thường nhật là điều không bình thường. Rất không bình thường.

Thêm một điều đáng quan tâm, hiện nay cũng đang diễn ra một trò đùa nữa. Ai có thể chấp nhận? Rằng, bàn đến sự có mặt của cái quái thai Formosa không còn là sự cấm kỵ nữa. Trước đây, có vài cụm từ bị liệt vào hàng “nhậy cảm” cấm nhắc tới như Formosa, cá chết… thì nay đã khác. Đã được phép cho nói, cho phép bình luận trên báo chí chính thống. Vì lẽ đó, ông bạn già Nguyễn Đức Mậu - một nhà thơ nổi tiếng, mới có thể công bố bài thơ Formosa trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 19.7.2016. Trước đó à? Còn xơi. Thế mới biết, sự thay đỏi về nhận thức thông tin, trong chừng mực nào đó, vấn đề nào đó đã có thay đổi nhanh hơn trước nhiều lắm. Bài thơ của anh Mậu nguyên văn như sau:

Miền Trung bị Formosa xả độc
Lão ngư dân buồn rầu quăn khói thuốc
Biển bây giờ đâu phải biển ngày xưa

Con trai lão bỏ nghề thợ lặn
Ra biển người thành phố làm thuê
Đã lâu không tin về

Con gái lão học tiếng Hoa, làm phiên dịch
Formosa vẫn đang tuyển thêm người
Ngày mai làm chài ra sao, ai biết?

Vợ lão hàng rong chạy chợ ngược xuôi
Cá bán ít người mua
Quang gánh lệch vai áo bạc

Đi biển không sống được
Đành thôi nghề, lão biết tính sao đây?
Không lẽ bỏ quê đến miền đất khác?

Mồ mã ông bà như tảng đá, gốc cây
Nắm xương bao đời dễ chi dời đi được?

Nhiều khi lão ra biển vắng người
Lặng nhìn con thuyền nằm chết khô trên cát

Nhiều đêm lão nằm mơ
Như thuở trước được bơi thuyền câu mực
Đêm đêm dập duềnh cá quẫy vệt lân tinh

Formosa là gì lão đâu có biết
Chỉ nghe sóng vỗ bờ nghẹn uất
Biển giờ đây như không phải biển quê mình

Đọc bài thơ nghèn nghẹn. Cần thiết hơn cả hàng triệu lần những tuyên ngôn, tuyên bố khác, rổn rãng ngôn từ, chữ nghĩa vu vơ. Nỗi đau ấy không của riêng ai. Bài thơ được in trên tờ Văn Nghệ càng có ý nghĩa thời sự về trách nhiệm của người cầm bút, vì ngay trang bìa, nơi măng-sết từ bao đời nay luôn luôn có dòng chữ định hướng: “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”.Miền Trung bị Formosa xả độc”. Vậy phải làm gì? Câu hỏi đó luôn là mối ưu tư của đồng bào cả nước. Ấy thế, trên trang web Thanh tra của Thanh tra Chính phủ, có thông tin: “Du lịch Formosa”: Ý tưởng “đánh thức” du lịch miền Trung:

“Điểm du lịch thứ nhất: Khu du lịch cá - thép - nơi diễn ra mối tình của nàng cá và chàng thép (vị trí tại Đèo Con - Khu Công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh). Tại đây, khách du lịch sẽ chứng kiến mối tình cá - thép và sự chung sống hài hòa qua các hoạt động du lịch trải nghiệm như: Đua mô-tô cá thép, cà phê cá thép, trải nghiệm 1 đêm ngủ trong bụng cá thép (khách sạn cá thép), tham quan bảo tàng các tác phẩm nghệ thuật từ cá thép...

Làng chài cá Gỗ - nơi nàng cá Gỗ sinh ra và lớn lên sẽ được tái hiện tại địa điểm bãi biển Hải Trạch - Quảng Bình trong điểm đến thứ hai. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về tổ tiên, nguồn gốc và huyền thoại về loài cá Gỗ, được ăn thử bữa cơm làng chài với cá Gỗ và tham gia chế tác, điêu khắc cá Gỗ...

Điểm đến thứ ba sẽ là khu du lịch “Thép đã tôi thế đấy...” là nơi chàng cá  - thép tu tập để vượt cổng Vũ Môn (địa điểm tại bãi biển Triệu An - Quảng Trị). Nơi đây là nơi sẽ kết nối 3 công viên chuyên đề độc đáo mang tên: Cá - cát; cá - gió và cá - nắng...

Điểm nhấn cuối cùng là khu du lịch cá - rồng: Nơi cá -thép tái sinh và hóa rồng tại điểm bãi biển Lăng Cô, Huế. Một trải nghiệm về quá trình hóa thân ngoạn mục của cá -thép gắn với hoạt động du lịch thú vị như: Thi thoát xác thành rồng, tham quan tượng đài cá thép hóa rồng, xem nhạc nước chủ đề cá hóa rồng... chắc chắn sẽ rất bất ngờ và thu hút du khách.

“Huyền thoại cá - thép là huyền thoại về một loại cá không chỉ biết bơi mà còn biết bay vì đã biết buông bỏ và thay đổi những đặc tính không phù hợp của mình để thích nghi và hòa mình với hoàn cảnh và môi trường mới. Huyền thoại cá - thép qua tour du lịch Formosa chính là huyền thoại của người dân miền Trung đầy bản lĩnh và trí tuệ, luôn có khả năng vượt lên nghịch cảnh để hoàn thiện chính mình”, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe nhấn mạnh”.

Nghĩ gì? Xin miễn bình luận. Chẳng lẽ, đi ra phố, gặp Chí Phèo say rượu chửi cả làng Vũ Đại, ta đứng lại mà tranh luận phải quấy với nó?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment