LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 31.5.2013

 

Bù đầu rối mắt với thơ. Thơ dự thi facebook "Lời tỏ tình đầu tiên". Cả hàng ngàn bài thơ. Đọc liên tu bất tận. Mệt khiếp. Đọc không kịp ngáp. Sợ quá. Tối qua bèn ngủ sớm sau khi ròng rã mấy giờ đồng hồ vật lộn với quá nhiều thơ.

 

Thuy-ha-va-Quoc

Nhà báo Thúy Hà & Lê Minh Quốc nhân sinh nhật báo PN TP.CM chừng mươi năm trước

 

Thông thường một cuộc thi văn chương có ban sơ khảo đọc trước, tuyển để in dần trên báo. Rồi còn tuyển lại lần nữa và giao cho ban giám khảo. Vậy số lượng đọc không nhiều và ít nhiều những tác phẩm đó đã “sạch nước cản”. Còn cuộc thi thơ này, người dự thi được quyền post trực tiếp và chịu trách nhiệm nội dung, bản quyền nên số lượng thơ rất nhiều. Gần 10 ngàn bài thơ. Một con số quá lớn. Xưa nay chưa thể có cuộc thi nào thu hút số lượng người và thơ dự thi nhiều đến thế. Ấy là do mạng xã hội cho phép  hình thức dự thi mới. Y đọc ròng rã. Đáng đời. Bởi y sợ bỏ sót thơ, dù chỉ là một bài. Bỏ sót là không "chơi đẹp" với người yêu thơ. Lâu nay trong cuộc nhậu nhẹt bù khú bạn bè, y thường huyên hoang vỗ ngực xưng tên là “dân chơi”. Mà đã “dân chơi” thì phải chơi đẹp. Vậy, tối qua y phải căng mắt để đọc cho bằng hết. Cũng đáng đời. Mà làm sao có thể hết. Phải vài ngày nữa.

Liệu có tìm ra thơ hay không? Chưa thể nói trước điều gì. Chỉ muốn kể lại một giai thoại: Thuở mới làm thơ, Quách Tấn được nhiều người ca ngợi làm thơ hay. Vì thế, ông quyết định chọn một trăm bài thơ ưng ý nhất của mình gửi ra Hà Nội cho Tản Đà. Ông chắc mẩm thế nào ông thi sĩ ngông này cũng phải chọn ít nhất dăm bài để in trên tạp chí An Nam và không ngớt lời khen! Thế nhưng, Tản Đà chỉ chọn in đúng... một bài Cảm thuật! Vâng, chỉ chọn đúng một bài. Bài thơ như sau:

Năm nay tuổi mới ngoại hai mươi

Mặn lạt chua cay nếm đủ rồi

Lúc hứng ngửa nghiêng trời đất rộng

Khi buồn xáo trộn cổ kim chơi

Mấy phen chìm nổi thây cha kiếp

Những tiếng khen chê mặc mẹ đời

Còn đặng bảy mươi chín tuổi nữa

Ngang tàng cho thỏa chí làm trai

Đã thế Tản Đà còn sửa: Câu 2, chữ "rồi" thay bằng chữ "mùi"; "chua cay" đổi lại thành "cay chua" vì "tiếng 'cay' nặng hơn tiếng 'chua' nên phải để sau thì câu thơ mới vững":

Mặn lạt cay chua nếm đủ mùi

Làm thơ khó vậy thay. Không nản chí trước sự lựa chọn khắt khe của bậc đàn anh, ông vẫn tiếp tục làm thơ và năm 1939 cho in tập thơ đầu tay Một tấm lòng. Lần này, nhận thấy thơ của Quách Tân có tiến bộ, khởi sắc, Tản Đà mới nhận lời viết lời Tựa. Trong đó có những câu khen ngợi mà cho đến cuối đời Quách Tấn vẫn còn nhớ mãi: “Thật là tài tình đủ vẻ. Ngoài ra nhiều bài mới thấy trong tập này, cũng có rất nhiều câu giai tác”.

Mấy hôm nay, y vẫn canh cánh bên lòng vẫn là làm sao đọc cho bằng hết thơ dự thi. Hy vọng sẽ tìm được nhiều "câu giai tác". Rồi sẽ có giải cao, giải thấp và tất nhiên là không có giải. Chắc chắn khi phát giải, tập thơ tuyển lại đúng 100 bài từ cuộc thi này đã in xong.

Chiều nay trời mưa. Đi ra mắt nhà hàng không anh? Đi nhậu Tràm Chim không anh? Ối dào! Những lời mời hấp dẫn quá. Ngoài trời đang mưa. Một ngày của y quá tẻ nhạt. Chỉ có thế. Sáng mở mắt dậy là đã ngồi vào bàn gõ phím. Một ly cà phê đen. Rồi, phở Dậu. Một quán phở ngon của Sài Gòn. Bạn bè y đã ngồi đó. Rồi lên cơ quan. Rồi về nhà. Nghỉ trưa xong lại ngồi bàn phím. Và chiều là những lời mời. Réo rắt bên tai. Những tin nhắn báo hiệu những trận bia rót vô tư lên trời xanh mây trắng. Một ngày của y đã lập trình. Chừng mười năm trước y đã viết:

một ngày của anh mưa nắng đã lập trình

phải chạy đua cùng khoảnh khắc bình minh

mười ngón tay gõ phím

mười ngón tay quên đếm

bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà

Nay vẫn y chang. Chẳng gì khác.

 

L.M.Q

   

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.5.2013

 

Chiều hôm qua, lúc 15g30, y đã quyết định làm một việc hoành tráng, dũng cảm và táo bạo.

Mấy hôm nay, trưa đang ngủ, liên tục điện thoại. “Thầy em muốn in tập thơ, anh tuyển giúp”; “Đọc và góp ý gấp bài lý luận để chị gửi cho Ban tổ chức Hội thảo lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam”; “Đã Email lại kịch bản, anh sửa lại giúp”; “Anh nhận lời giám khảo thi thơ rồi nhá, em gửi thư mời về đâu?”; “Bài Tựa tập sách của em đâu? NXB hối quá anh à”…

Chỉ một cú điện thoại là mất ngủ, dậy luôn. Hết ngủ trưa. Chưa kịp ngủ nghê gì. Người ta làm cái điện thoại có chức năng nhắn tin, sao không nhắn tin đi?

 

quoc-lop-10RR

Lê Minh Quốc thời học lớp 10

 

Chiều qua là một buổi chiều đẹp. Trời vần vũ như sắp có mưa. Mây đen kìn kịt cuối trời. Hễ ở Sài Gòn loáng thoáng mưa là vùng đất khác trên dãy đất chữ S dường như (có lúc) lại bão. Giông bão nơi đâu không biết chứ lúc ấy ở Sài Gòn thời tiết đẹp hơn, thơ mộng hơn, quyến luyến hơn và cũng nhẹ nhàng rợp bóng mát lãng du hơn. Chiều qua không mưa. Chẳng sao. Một chỗ cũ. Một góc phố Ngô Đức Kế - Đồng Khởi. Trên bàn một chai rượu đỏ. Cũng đủ chếnh choáng nhìn xuống mặt đường dòng người ngược xuôi tất bật. Ai tất bật, mặc kệ. Y vẫn ngồi. Với nàng. Những khói thuốc xì gà loáng thoáng và in sẫm lên nền trời xanh nhạt hoét của chiều tà mà nắng sắp rụng lênh loáng trên vĩa hè.

Ngồi và nghĩ và nói về những thứ linh tinh.

Tại sao người Việt không có “Đạo” cho riêng mình? Bằng chứng, người Nhật có Trà Đạo, Võ Sĩ Đạo còn ta? Buột miệng nói, chẳng ai viết Đạo Cà phê nhỉ? Nàng cười mỉa mai, người Việt mới biết cà phê chừng trên dưới trăm năm thôi. Uống trà cả ngàn năm còn chưa có Đạo thì cà phê có Đạo cái nỗi gì? Bèn cười. Tại sao vậy? Tại vị trí đất nước ta luôn ở trong giọng kiềm ăn tươi nuốt sống của kẻ thù phương Bắc nên không có thời gian ngẫm nghĩ cái gì cho lâu và sâu chăng? Đang suy nghĩ phải đứng lên cầm súng, vác mác, gươm xông ra trận rồi. Có đúng không? Nghe y nói thế, nàng lại cười. Thì anh cứ xem ở Mỹ, người Việt sang Mỹ học giỏi, rất giỏi nhưng có ai dành thời gian dài nghiên cứu cái gì ra ngô ra khoai đâu. Học giỏi, thi đậu, ra trường là để kiếm việc làm; chứ không phải là học để tìm hiểu sâu về môn khoa học kỹ thuật, nhân văn đó. Tóm lại học là để tiến thân, kiếm việc làm chứ không phải để nghiên cứu. Tư duy người Việt đó ư? Đã nhiều lần y ngẫm nghĩ, do đất nước quá nhiều chiến tranh, liên tục chiến tranh nên người Việt ít có thời gian để suy nghĩ. Nếu có cũng không để lại gì nhiều trên giấy bút, văn bia... Vậy trí khôn của người Việt cất giấu ở đâu? Y quả quyết rằng, cất giấu trong kho tàng ca dao, tục ngữ. Đời nọ truyền sang đời kia. Tưởng không lại có. Tưởng có là không. Cái sự vi diệu biến hóa linh loạt thông minh và vĩnh cữu trường tồn sức sống dân tộc Việt chính là ở đó. Và...

Ủa? Sao anh lại nói chuyện đó. Buổi chiều đẹp thế này sao không nhìn xuống kia. Thấy gì? Y thấy những chiếc lá nõn, mềm đang phất phơi trong gió chiều. Đời sống của một ngày sắp đi qua. Bóng tối lẫm chẫm sắp buông xuống. Một ly rượu nâng lên. Những ngọn nến thắp. Những phảng phất lụa mỏng nhẹ nhàng thanh xuân đang dần dà ùa vào trong tâm tưởng và kéo suy nghĩ của y trở về. Để sẽ đắm chìm trong chín cõi trùng dương lênh đênh cõi người.

Sực nhớ, chiều hôm qua,  lúc 15g30, y đã quyết định làm một việc hoành tráng, dũng cảm và táo bạo.

Là chỉ mới 15g30, y đã dụ dỗ y tắt màn hình vi tính, mặc kệ công việc đang ùn ùn kéo đến và hiên ngang bước ra khỏi nhà.

Xuống phố.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.5.2013

 

Nghĩ cũng lạ. Suốt một ngày ngồi ru rú trong phòng mà không biết chán. Bốn bề sách vở. Muốn tìm dọc quyển này lại nhặt được quyển kia. Loạn xà ngầu lên cả. Sách nhiều quá. Rồi đề làm gì? Sực nhớ, ông Quách Tấn có lần viết:

Ngày xưa nếu biết vàng là quý

Đã không mua sách chất chật nhà


tan-van-Bien-R

Sách do nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng


Câu thơ này, nhớ là nhớ thế. Chẳng thể tin vào trí nhớ. Muốn kiểm chứng lại cũng khó. Sách lung tung cả. Chịu. Thời trẻ, hồi học phổ thông, thích đi dọc theo đường Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng) bởi ở đó có nhiều bà (cô) bán cân ký giấy, báo cũ. Loay hoay tìm ở đó, đôi khi cũng nhặt được vài quyển sách hay. Mấy chục năm sau, thói quen này cũng không bỏ. Ngẫm đi ngẫm lại thấy rằng, sở thích của con người ta đã định hình ngay từ lúc niên thiếu. Nay, vẫn thích lang thang đến chỗ bán sách. Đôi lúc, y thấy thằng trẻ nhỏ trong thân xác của người đàn ông đã ngũ thập. Ngoài 50. Vẫn thèm sách. Cái cảm giác thèm ấy là muốn sờ bằng tay, xem tận mắt những quyển sách mà mình chưa thấy hoặc chỉ nghe nói. Chỉ vậy thôi, chứ không hẳn là phải mua cho bằng được.

Có người bảo, tớ có sách này sách kia quý lắm. Quý cái nỗi gì nếu các sách quý ấy chỉ nằm trong kho, không đem ra vận dụng giúp ích cho đời sống hiện tại.

Có người bảo, tớ có sách quý này quý nọ. Y bảo, photo bán một bản được không? Trả lời: “Vậy tớ còn gì “độc quyền” nữa?”. Chán. Giữ sách bo bo cho mỗi mình đọc (mà chắc gì đã đọc) là không biết chơi sách.

Y mua sách nhiều, một phần là do ngại vào thư viện mượn sách. Mất thời gian quá. Bỏ tiền ra, tìm mua cho xong. Không đọc lúc này. Đọc lúc khác. Hơn nữa cái thú của việc mua sách còn là định mua cuốn này lại gặp cuốn kia. Định tán tỉnh lan lại cầm lòng không đặng với huệ. Tương tự vậy, với sách. Lúc nhò, đọc câu này của văn hào Pháp Adré Maurois, thích quá, bèn ghi luôn vào trí nhớ: “Trong việc đọc phải dành một phần lớn cho tác phẩm trứ danh và chú trọng đến những nhà văn cùng thời đại mình. Chính trong các nhà văn đó mà chúng ta hy vọng tìm thấy những người bạn có những băn khoăn, những nhu cầu như chúng ta. Song đừng để cho làn sóng của những cuốn sách ít giá trị xâm chiếm lấy mình. Các tác phẩm danh tiếng có rất nhiều, không bao giờ chúng ta có thể biết hết được. Vậy hãy tin cậy sự lựa chọn ở các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homère, Shakespeare, Molière… chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả này hơn là các nhà văn chưa chịu sự thử thách của thời gian”.

Trên đời này, không sợ người ta mượn tiền, chỉ sợ họ mượn sách. Tại sao? Họ giống tính nết cà chớn của y. Hễ cuốn sách quý nào đã lọt vào tay, khó lòng trả lại cho chủ nó. Biết thế, y chẳng mượn sách ai. Nếu được thì xin hoặc photo để giữ riêng. Ấy cũng là một cách kiềm chế lòng tham vậy. Giữ là giữ lúc mình còn sống sờ sờ đây, vì mình thích, mình quý, chứ sau này chắc gì? Y biết tủ sách quý của  nhiều người uyên bác, học giả sau khi họ vân du tiên cảnh, hoặc định cư ở nước ngoài thì con cháu bán tuốt. Bán bằng giá bán ve chai. Thế mới đau. Nào ai biết trước đó chủ nhân phải mua bằng giá rất cao, thậm chí năn nỉ đến gẫy lưỡi. Nhiều người bán sách cũ ở Sài Gòn đã “phất” lên nhờ vậy. Những người này, y quen biết cả, họ muốn bán quyển này, quyển kia, rất quý nhưng không mua. Y không chơi sách cũ. Chỉ thương chủ nhân của sách đã từng ky cóp từng quyển, thậm chí từng trang (như y) mà về sau, số phận quyển sách lại bọt bèo đến thế: Số phận của những cuốn sách bán ve chai. Ô hô! Ở đời có gì là vĩnh cữu, là mãi mãi đâu.

Nghĩ cũng chán. Hôm qua cả ngày ngồi trong phòng. Chế Lan Viên có câu này hay: “Đóng cửa phòng văn hì hục viết / Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”. Biết bao ngày "oan uổng" của y đã trôi đi? Chắc gì, tự an ủi thế, bởi đã dành hết thời gian vào sách. Đọc sách có cái thú gì? Thú này người ta đã bình luận nát nước rồi. Chẳng nói lại làm gì nữa. Chỉ biết rằng, chiều qua đọc được mấy chuyện thú vị. Thú vị ở chỗ, đọc sách cũng là một cách sống chậm. Con người ta ngày trước sống chậm (và sống tốt) hơn bây giờ nhiều. Do sống chậm nên họ mới có thể lịch lãm đến thế. Nghĩ thế, bèn ghi lan man:

Đọc sách như thưởng hoa. Có lúc dừng chân ngắm nghía, trầm trồ; lại có khi lướt vội.

Đọc sách như làm tình. Có thân xác mê muội đến đời sau chưa tỉnh; lại có khi chạm vào một thay ma chết trôi từ đầu nguồn dĩ vãng.

Đọc sách như nằm mơ. Có chuyện thật cứ tưởng chỉ trong giấc mơ; có giấc mơ nhưng ngàn đời lại thật.

Đọc sách như lướt web. Có những trang ngấu nghiến từ từ; có những trang không buồn đưa mắt tới bởi ngộ độc như chơi.

Đọc sách như đi chơi. Có những nơi đã đến, đã qua vẫn thèm thuồng tái ngộ; có những chỗ chưa đặt chân đến đã chán ngán ngó lơ.

Đọc sách như đi ăn. Có những quán ăn đến mỗi ngày, mỗi một ngày vẫn ăn món đó; có những quán không thèm bước chân đến, dù có lời mời mọc.

Đọc sách như đọc thơ. Có câu thơ ẩn giấu dưới câu văn xuôi trùng trùng ngữ nghĩa; có những câu thơ dẫu đọc xong lại thấy lòng thòng như câu văn xuôi thiếu dấu chấm câu.

Đọc sách như ngắm trăng. Trăng lúc tỏ, tràn đầy; trăng lúc tàn, héo úa. Trăng tỏ hoặc trăng tàn vẫn có vẻ đẹp mầu nhiệm khôn cùng.

Đọc sách như bộ. Có lúc đi như chạy bởi mong muốn đến tận nơi; có lúc đi như chơi, cứ thong dong chân bước.

Đọc sách như cãi nhau. Có lúc gân cổ lên chí chóe tranh phần thắng về mình; lại có khi lặng im lắng nghe từng lời vàng ý ngọc.

Đọc sách như xem xiếc. Có trang văn như đường gươm đang múa; có trang viết lại loằng ngoằng như sợi dây thòng lọng.

Đọc sách như hôn nhau. Có nụ hôn chưa chạm vào môi đã chằng chịt tình nồng nỗi nhớ; có nụ hôn mê man, đắm đuối, ngây ngất nhưng cuối cùng buộc miệng gọi nhầm qua tên người yêu khác.

Đọc sách như tán gái. Có lúc nhọc nhằn như “nhất chặt tre, nhì ve gái” nhưng khép lại trang cuối cùng vẫn là chưa đọc; lại có khi cầm quyển sách chưa lật ra lại có cảm giác lời tán tỉnh đã buông, người đẹp đã lõa lồ ngã vào vòng tay khiến thui chột cảm hứng.

Đọc sách như nửa đêm thức giấc nghe tiếng mưa. Có tiếng mưa xạc xào buồn thiu phận người trên tàu lá chuối; có tiếng mưa thì thầm, thì thầm trên mái tranh như kể lể một câu chuyện tình buồn.

Đọc sách như đứng trước biển. Có tiếng sóng vang dội bên tai nhưng trong lòng quạnh quẽ; có tiếng sóng câm nín nhưng dội buốt trong lòng.

Đọc sách như lúc nhìn thiếu nữ khỏa thân. Có điên cuồng, mê đắm những muốn nhanh chóng ăn tươi nuốt sống, đọc vồ vập từng trang; lại có khi tưởng tượng đến một món ăn cũ lâu ngày dù chưa ăn đã bưa, đã ngấy.

Đọc sách như uống rượu. Có lúc nhạt phèo cuống họng; lại có khi tê nồng đầu lưỡi.

Đọc sách như lúc nhìn mặt sóng. Thấy chữ nhảy múa trên sóng. Cứ thế mà đọc hết một buổi chiều.

Đọc sách, có lúc mở sách ra chỉ thấy những tờ giấy trắng. Có những tờ giấy trắng ẩn giấu những triết lý thâm hậu vô song; có những trang giấy đầy chữ nhưng khác gì giẻ rách.

Từ lâu nay, y rất thích nhà thơ Đông Hồ. Thích vì ông mê đọc sách. Thích vì công trình nghiên cứu văn học Hà Tiên của ông. Ông viết kỹ. Trời sinh Đông Hồ ở Hà Tiên là vì muốn trao sứ mệnh giới thiệu văn học vùng đất cực Nam cho cả nước biết đến. Cũng như ông Sơn Nam của Nam bộ. Ông Nguyễn Văn Xuân của Quảng Nam. Ông Võ Phiến của Bình Định. Ông Quách Tấn của “xứ Trầm hương”, ông Nguyễn Vinh Phúc của Hà Nội… Cái cần học, cần đọc ở họ là giọng văn thân mật.Tình cảm vô cùng. Đêm qua, đọc tập ký Khách thương hồ mới in, viết về Nam bộ với nhiều chi tiết mà y chưa biết, lạ lẫm, kỳ thú nhưng giọng văn hành chánh quá. Cái thói viết văn hành chánh này (hoặc y có cảm giác thế) của nhiều nhà văn hiện nay là do cái gì? Câu văn nghiêm chỉnh như thắt cà- vạt nghiêm nghị đến ngấy.

Trở lại với nhà thơ Đông Hồ. Chuyện rằng: Thập niên 1960, ông Lâm Ngọc Huỳnh - Khoa trưởng Văn khoa Đại học Huế tỏ ý mời thi sĩ lừng dnah từ Thơ mới ra xứ Thần Kinh dạy môn Văn chương quốc âm. Đông Hồ chưa trả lời vội, bởi tuổi già sức yếu nên còn ngần ngừ, đắn đo, để xem sao! Cuối cùng, không thể đi xa nên ông từ chối. Thời này chỉ cần một cú điện thoại cầm tay là xong, nếu ngại, nhắn tin cũng đặng. Lúc ấy, ông Đông Hồ ra bưu điện Sài Gòn đánh điện tín.

Nếu chỉ có thế, dừng ở đây rất lãng xẹt. Chẳng có gì để nói nữa. Nhưng không. Đông Hồ đánh bức điện tín với nội dung như sau:

Đại học đường xa hương ngự uyển

Tràng An không tiện bước vân trình

Huệ lan ơn tạ lòng tri kỷ

Lỡ hẹn sông Hương, núi Ngự Bình

Lời từ chối rất lịch sự. Rất thơ. Nếu không là người đọc sách, chắc gì Đông Hồ đã có phép ứng xử như… tình tiết độc đáo chỉ xẩy ra ở trong sách? Chỉ cần nghĩ đến thế. Đã thấy lòng vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.5.2012

 

Sáng qua đã chính thức nhận lời với Đông A. 20 tập truyện tranh danh nhân Việt Nam. Nhuận bút chỉ nhỉnh hơn 1 tháng lương. Họ đóng luôn thuế thu nhập cá nhân. Chẳng bõ bèn gì. Hôm trước ngồi ăn sáng, T.H.N nói: “Thời buổi này, sống bằng nghề viết mà còn có người “đặt hàng” là mừng rồi”. Nghe mà thương. Đã hứa một lời thì tháng tới một tháng dài đến 60 ngày. Cứ nghĩ vì mục tiêu gì lớn lao lao hơn, chẳng hạn, qua bộ sách này trẻ em sẽ yêu lịch sử nước nhà hơn. Nghĩ vậy, để thấy công việc nhẹ nhàng. Đôi khi sự ảo tưởng cũng có ích.

 

van-so-cuoi-cung

Tạp chí VĂN - số cuối cùng do nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng

 

Đêm qua đọc số Văn cuối cùng. Phát hàng ngày 26.3.1975. Anh B tặng. Như vậy, dù không đủ bộ nhưng mình đã có số Văn đầu tiên - in trọn truyện dài Chim hót trong lồng của Nhật Tiến và số kết thúc nay. Kết thúc một giai đoạn của văn học miển Nam qua tờ tạp chí văn học nghệ thuật uy tín, đứng đắn nhất của thời ấy. Đọc lại Nhật ký Mai Thảo, có mấy thông tin đáng chú ý: “Đọc những địa chỉ dưới những thơ, truyện còn giữ lại của năm cũ, thấy Quy Nhơn là tỉnh đứng đầu số lượng người viết mới và sáng tác gửi về. Hơn cả Huế, vượt xa Đà Lạt” (28.2.1975). Tôi nghĩ, không phải bây giờ mà cả trước đó. Cứ nhìn vào sự bứt phá nhằm cách tân thơ Việt Nam hiện đại khởi đầu từ đâu, nếu không là Quy Nhơn, Bình Định? Nơi của trường thơ Loạn, của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan và ngay cả Quách Tấn... Hàn Mặc Tử đã đi quá xa. Ngôi sao băng đã vụt qua đỉnh trời thơ Việt nam hiện đại, ánh sáng còn chói lòa đến giờ, chưa ai có thể chạm tới. Bích Khê cũng là một thí dụ. Về cuối đời, Yến Lan quay về Tứ tuyệt; Chế lan Viên với hình thức thơ văn xuôi và nội dung cuộn sóng từ cõi nhân gian trần tục lên đến nơi sâu thăm thẳm của sự phản tỉnh…

Lại Nhật ký Mai Thảo cho biết, lúc ấy nhân húy nhật cụ Phan Châu Trinh, ban đại diện của nhà trường đã đích thân vào Sài Gòn mời một vài nhà văn như Mai Thảo, Duyên Anh, Hoài Bắc… ra tham dự. Rõ ràng, vai trò của nhà văn còn được xã hội trọng vọng, chứ chưa hẩm hiu như nay. Đọc thấy lạ. Sự ưu ái đó, hầu như nay chỉ dành cho cánh nhà báo. Gần ba mươi năm làm báo, tôi thấy rõ điều đó. Có những cuộc họp, báo chí đã đến đầy đủ nhưng chưa có phóng viên báo SGGP,  người ta vẫn nấn ná chờ. Bởi cần thông tin ấy xuất hiện trên báo Đảng. Ngoài Hà Nội, những cuộc ra mắt có tầm cỡ, thường trong tư liệu báo chí có gửi kèm tờ ND đã thông  tin trước về sự kiện đó. Như một sự “bảo chứng”. Người ta cần nhà báo để quảng bá thông tin hơn sự có mặt và uy tín của nhà văn. Ăn theo thuở ở theo thời. Tôi nhớ, thời đó, học trò cấp ba bước vào trường, đến lớp để 'làm sang", trên tay họ thường cầm lấy những tác phẩm văn chương hoặc những sách triết học của người viết đứng đắn (dù đọc chưa chắc đã hiểu)... Hình ảnh đến trường của học sinh miền Nam nay đã khác hẳn.

Cũng đọc Mai Thảo, biết tờ nhật báo như Chính luận, Đại dân tộc giá bán năm 1975 là 75 đồng; tờ Văn này giá  250 đồng. Sinh nhật tuổi 40 của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (13.5.1975) là một chầu nhậu nhưng lạ với chi tiết giữa cuộc vui, tất cả im lặng: “Mọi người chăm chú nghe bài tựa tuyệt vời bản dịch Nam Hoa Kinh của Nhượng Tống”. Ừ nhỉ! Đâu chỉ là nhậu. Trí thức Sài Gòn thời đó có khác. Trong nhật ký có đoạn: “Thanh Thu tới. Đưa truyện ngắn mới. Quyết tâm với văn chương, đừng tự làm hỏng ngòi bút của mình, đừng ngủ quên trên những thành công đầu. Thánh Thu sẽ là một cây bút viết truyện ngắn có hạng”. Thánh Thu là ai? Nửa khuya nhắn tin anh B để hỏi. Sáng nay nhận được tin nhắn cho biết là bút danh của nhà văn Võ Phi Hùng. Hùng đã chết và tôi có viết bài tiễn biệt anh in PN. Tình hình chiến sự của 1975 đã khốc liệt: “Những lúc như lúc này văn chương làm được gì? Làm sao yên tâm viết?”; “Mà chỉ nói chuyện văn chương trong lúc này vô bổ, phù phiếm”; “Ngủ sớm. Thôi cũng được. Cho khỏe người. Có thời giờ đọc. May  ra viết được”… Mai Thảo kết thúc Nhật ký vào ngày 20.3.1975: “Bầu bạn với giới nghiêm sớm bằng cái không khí nghẹt thở, toát mồ hôi lạnh của tiểu thuyết trinh thám”.

Đọc xong, bâng khuâng mãi…

Trưa đi làm về mẹ cho biết, Phú có đem đĩa xôi tặng nhân đầy tháng cháu ngoại của Phú. Từ Tân Phú lặn lội đến tận nhà, nếu không là tình, là nghĩa chắc không ai nhọc công như thế.

Cảm động quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký bis 27.5.2103

 

Sau vài cuộc điện thoại từ hôm qua, sáng nay đến nhà nhạc sĩ Phạm Đăng Khương. Đến, trao đổi câu hỏi: Đã có karaoke ca nhạc, sao ta không làm karaoke thơ? Một ý tưởng hay. Đến, mới biết anh đã có hẳn một phòng thu âm, đầy đủ các công cụ kỹ thuật hiện đại dựng phim, sử lý hình ảnh... Riêng về phim đã quay anh cho biết đang lưu trữ đến 1.500 GB và phân loại theo từng chủ đề. Một dung lượng khổng lồ của một cá nhân chứ chẳng đùa.

 

le-giang

 

Hỏi vì sao anh có thể làm được công việc của một đạo diễn, nhà quay phim, xử lý âm thanh v.v… Câu trả lời chỉ là, vì quá say mê nên tự mày mò học. Nghĩ lại thấy đúng. Người ta chỉ có thể thành công khi mê hết mình, tận tâm, tận lực cho một công việc đó. Mấy năm trước, ra Hà Nội gặp nhà thư họa chữ Hán số 1 Việt Nam là cụ Lê Xuân Hòa, cụ bảo: “Từ thời trẻ cho đến nay, tôi học và viết chữ Hán mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả khi ngồi quán chè nước đầu ngõ, tôi cũng viết trên mặt bàn. Lấy ngón tay mà viết. Viết theo đường nét mà mình đang nghĩ trong đầu. Khi đi bộ, ngón tay này lại viết trong lòng tay kia. Nhờ vậy mau thuộc mặt chữ mà cũng là cách rèn chữ”. Những chi tiết này, tôi nhớ là có đưa vào trong bài báo in PN. Cụ tặng viết nhà báo Hữu Thân chữ Đức nay vẫn còn; tặng tôi bài thơ Hoàng hạc lâu, đã mất.

Có ai, sáng thứ hai đầu tuần chỉ ngồi nghe thơ, xem những video clip về thơ và bàn chuyện về thơ? Tôi vào phòng thu đọc bài thơ Còn lại những mùa hè.  Lại nghe ca sĩ hát bài thơ này mà anh Khương đã phổ nhạc. Sực nhớ lại thời mới về báo PN. Khi đi lấy tài liệu ở Bình Chánh, tình cờ tạt vào một trường phổ thông tránh nắng, sân trường vắng hoe, chỉ mỗi hoa phượng đỏ rực khiến cảm xúc có thơ.

Đến cơ quan nhận được thư của nhà thơ Lê Giang. Đó là tờ báo TTCN số 9.10.1994 có in trang thơ của Q. Lập tức trong đầu nhớ đến nhà văn Nguyễn Đông Thức. Chuyện như thế này, sau khi tập thơ Tôi vẽ mặt tôi bị phê phán từ Nam chí Bắc, ngày nọ, gặp nhau trong công viên báo TT, anh nói, đại ý: “Q gửi ngay cho anh một chùm thơ. Để người ta có cái nhìn khác về Q. Chứ cứ như tình trạng này là gay...”. Anh vốn kiệm lời, nói ít, chỉ nói thế, chẳng hứa hẹn gì. Cách nói này, có lần anh Nguyễn Thế Truật nhận xét “nói như cóc cắn”. Y hiểu, sự phê phán đang có của dư luận sẽ hoàn toàn bất lợi cho y, sau này. Dù không có văn bản, nhưng lúc đó Fahasa phát hành tập thơ cũng bị thu hồi lặng lẽ. Sau này đến nhận tiền ký gửi sách mới biết. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Còn nhớ, trường hợp Đêm mặt trời mọc của Nguyễn Quốc Chánh. Chỉ một cú điện thoại là chẳng  tờ báo nào dám in thơ của Chánh nữa. Chánh học chung lớp, ở chung phòng ký túc xá với y. Sau cú đó, Chánh đã khác. Rất khác. Sự lo lắng và quan tâm của anh Thức, đến giờ tôi vẫn chưa quên. Lúc ấy, chưa thân tình như bây giờ mà anh đã có sự cư xử hết sức đàn anh. Đọc kỹ lời anh giới thiệu: "Ba bài thơ sau đây cho thấy Lê Minh Quốc đang trở lại với cách nói ít nhiều đã mang phong cách của riêng mình: giản dị, giàu tình cảm". Ba chữ "đang trở lại". Chỉ ba chữ thôi. Cảm động. Lật ở trang 2, mới nhớ lúc ấy anh giữ chức Thư ký tòa soạn. Nay, đọc lại chùm thơ trên tờ báo cũ do nhà thơ Lê Giang gửi tặng lại bồi hồi. Thời gian vùn vụt trôi qua như chỉ chớp mắt.

 

le-giang-2

 

Trước khi quen với chồng nhà thơ Lê Giang thì tôi, Trương nam Hương, Cao Xuân Sơn... đã quen với con gái cả cô. Chị Việt Nga. Sau, chị Nga là vợ của Sơn. Đã mất. Quen vì thỉnh thoảng bọn y đến báo Khăn Quàng đỏ gửi thơ thiếu nhi cộng tác, những mong được in dể có ít tiền nhuận bút. Thời sinh viên đói kém quá. Rồi sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, y có viết bài thơ tặng nhà thơ Lê Giang, in báo SGGP số chủ nhật 30/11/1986. Cái tựa “Tìm ngọc ở quê mình” là mượn lấy cụm từ của cô.

Con đi tìm ngọc ở quê mình

Thả xuồng trôi trên dòng kênh Tám Cốc

Chiều không sương sao ứa thầm nước mắt

Nghe câu mẹ hò da diết đến nôn nao

 

"Hiu hiu gió thổi vườn đào

Thấy người có nghĩa tui muốn chào làm quen"

Hò ơ… dài như cánh lúa mông mênh

Hò ơ… lạc giữa bóng chiều tàn ngọn gáo

 

Hoa điên điển trôi về đâu nếu trời giông bão

Ngọc quê mình chìm nổi ở nơi đâu?

Mẹ hò lên - rồi bỏm bẻm nhai trầu

Câu hò vỗ mạn xuồng nên xuồng chao sóng nước

 

Con đi tìm ngọc ở quê mình và con tìm được

Gương mặt mẹ già đôn hậu rất quê hương

Là cây trái thơm tho mọc ở miệt vườn

Là câu hò quý người nhân, người nghĩa

 

Cầm chén cơm ăn bấy giờ con thấm thía

Những câu hò như máu chảy trong con

Nuôi con lớn - quý như là ngọc

Dạy con làm người phải biết nghĩa biết ơn


Lúc ấy, vợ chồng nhà thơ Lê Giang - Lư Nhất Vũ bắt đầu tiến hành công việc sưu tầm dân ca, lý, hò, vè…  Nam bộ. Những tập sách này y đều có đủ. Công trình này rất có ý nghĩa về giá trị văn hóa cho hiện tại và đời sau. Đời người chỉ cần làm một việc hữu ích vậy là đủ, huống gì đôi vợ chồng này còn làm biết bao việc khác nữa. Hôm ra mắt sách của nhà văn Trần Thị Ngh, y biết chị là em ruột của nhà thơ Lê Giang.

Nay vợ chồng cô Lê Giang đã chuyển ra sống ở Phan Thiết. Thỉnh thoảng nghe réo điện thoại: “Q ơi! Cô đang đứng trong tiệm sách, thấy sách của em, cô có mua một cuốn nè”. Nghe cảm động quá trời. Đấy! Sách của cô Lê Giang, cuốn nào y cũng được tặng, đến khi mình có sách lại quên lửng tặng lại. Y tệ thật.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.5.2013

 

26.5.2012

Trái đất tròn. Không ngờ vé đi xem chương trình À ố show là do Linh tặng Nàng. Linh là người đưa Q đi thăm quan Hà Lan do công ty sữa Campina tổ chức. Đi về và viết Du lịch của người câm. Nhờ chuyến đi này mà quen với Lê Ngọc Thịnh. Nàng nhắn tin, bảo đi xem văn nghệ ở Nhà hát lớn. Nàng bảo đi là đi, nàng giục đến là đến. Phải đi dù trời đang lất phất mưa mà nếu nàm dài trên giường đọc Liêu trai chí dị thì sướng quá.

 

ve-a-o-show

 

Mấy mươi năm viết báo mảng văn hóa văn nghệ, nay nghe đến chuyện xem ca nhạc ca nhiếc, kịch kiếc, xiếc… là tôi chẳng mấy hào hứng. Đi rồi mới biết, đã bỏ một khoảng thời gian hoàn toàn có ích. Chương trình À ố show đang diễn tại Nhà hát lớn TP quá hay. Hay đến độ cứ nghĩ rằng, đã lâu lắm mới được xem những người làm nghệ thuật công phu, yêu nghề đến thế. Ủa? Sao lâu nay mình chẳng biết gì? Bèn tìm trên mạng: “À ố show là sản phẩm thứ hai của nhóm tác giả: Tuấn Lê (đạo diễn), Nhất Lý (đạo diễn âm nhạc), Nguyễn Lân (chỉ đạo nghệ thuật) và Tấn Lộc (biên đạo múa)”.

Chỉ với nia, thúng, cây tre… dân dã và “nhà quê” các nghệ sĩ trẻ đã làm nên một câu chuyện lý thú, sống động của đời sống nông thôn Việt. Sân khấu không thay đổi nhiều. Gần như cố định. Chỉ có ánh sáng, màu vàng hoặc ánh đỏ luân chuyển và thay đổi theo từng tình huống. Diễn viên không nói. Hầu như im lặng. Chỉ đôi lần cất lên giọng ngâm “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”, từ phía hậu trường; hoặc vài câu vọng cổ. Choáng ngợp sự thẩm âm của người nghe là các dụng cụ đàn cổ truyền, lúc réo rắt, lúc vui nhộn, lúc thầm kín, lúc khoan thai, lúc rộn rã… Vậy thôi. Không gì nhiều.

Xem mới thấy, chỉ với vài đạo cụ ấy, dàn diễn viên trẻ đã thể hiện tài nghệ múa, xiếc với tất cả sự tài hoa và cảm xúc thăng hoa thật sự. Họ không diễn. Trên sàn diễn, họ đã sống.  Sống trong tâm thế của những người nông dân yêu lấy cái đẹp của ánh trăng của “cái cò lặn lội bờ sông”, của làn điệu dân ca như thực như mộng, của những lúc điệu chèo khoan nhặt câu ca tình tứ... Qua những tung hứng tuyệt vời từ đạo cụ đã có, dù ít, nhưng liên tục mở ra những động tác mới, hình ảnh mới để dẫn cảm xúc người xem đi từ trạng thái này qua tâm trạng kia. Quá giỏi.

 

a-o-show3RR

 

Áy là phần 1.

Sau khi rời nông thôn, những người trẻ ấy “hội nhập” vào đời sống đô thị. Bắt đầu cho cảnh ấy là một chuyến xe buýt được cách điệu. Rồi những cảnh nhảy hip hop, nhửng lúc cúp điện, đang tắm lại hết nước… Những tình huống của đời sống thành thị mà ai cũng gặp, cũng thấy. Ấn tượng còn ở chỗ khi từ radio phát lên: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hà Nội…” thì tiếng giã chát chúa vẫn vọng lên. Tôi hiểu, do mải mê với đời sống thường nhật, kiếm cơm từng ngày nên đôi lúc con người quên béng luôn cả thông tin thời sự hằng ngày.

Nếu phần 1 là sự sâu lắng về nội tâm thì phần 2 có nhiều tiếng cười hơn. Nhộn hơn. Vui hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, đây là chỗ chưa “tới” của vở diễn bởi tất cả những động tác ấy, những hình ảnh ấy chưa phản ánh được sự dằn xé, “va đập” của người nông dân khi tiếp cận với xã hội của đô thị hóa. Phần này còn mờ nhạt. Chưa có những tình huống khắc họa sâu hơn, ấn tượng hơn mà chỉ mới dừng lại miêu tả bên ngoài.

Chỉ trong vòng 60 phút vở À ố show đã đem lại cho người xem cảm giác ấy, dù chưa đầy đủ nhưng đã là một thành công rực rỡ. Cuối vở diễn và trong vở diễn đã nhiều tràng pháo tay vang lên không ngớt. Tại sao vỗ tay? Tự thân khán giả buộc họ phải như thế. Và tôi cũng thế. Đã lâu lắm mới được chìm đắm trong một không gian của nghệ thuật đặc sắc như thế này, lòng y vui mừng và muốn rằng, người khác cũng sẽ có được niềm vui ấy. Vui bởi ở đó đã tái hiện lại lòng biết ơn từ năm tháng gian khó đã nuôi mình khôn lớn.

 

 

27.5.2013

Trưa qua viết đến đó là vắt giò lên cổ chạy ra TN và ăn trưa với nàng. Phải viết dù vừa xong cho TGPN, mệt ngất ngư. Viết bởi nghĩ đến cái vé mời của Linh và chuyến đi Hà Lan. Nếu Linh không mời thì chẳng thể có Du lịch của người câm, chẳng thể có tình thân với Thịnh. Phải viết. Như nhắc lại lời cám ơn với Linh dù chẳng biết cô ấy đóng vai trò gì trong vở này.

Ăn trưa là một chỗ ngồi ở Đồng Khởi. Trong phòng máy lạnh và ngoài trời gió mát. Lại tiếp tục trao đổi về À ố show. Nàng bảo: "Vở này còn có cái lợn cợn một chút là các cô gái mặc yếm, trong khi đó là con người và con người của không gian văn hóa Nam bộ". Mình bảo, không sao cả. Miễn là nó Đẹp". Nàng cãi, sao không Đẹp và Thật? Cuộc trao đổi kéo dài, kéo dài quanh vấn đề này. Cũng lý thú. Mỗi ngày là một câu chuyện trao đổi trên trời dưới biển.

Chiều đi nhậu lai rai. Nhà người anh, người bạn chí cốt. Cũng những gương mặt cũ. Anh B đã tặng cho một chồng tạp chí trước 1975. Một đứa trẻ khi nhận quà, vì quá thích món quà đó quá, nó sẽ không mở ra xem ngay mà đặt cẩn thận ở nơi nào đó và đến lúc cần thiết nhất mới tận hưởng một mình. Cảm giác của Q hôm qua cũng thế. Đã say. Đã ngất ngư. Khuya về vẫn lật từng trang Văn, Văn học, Tin văn… Đọc loáng thoáng. Vuốt ve từng trang sách. Cho đã thèm. Viết những dòng này như lời cám ơn đến anh B.

Sáng thứ hai. Lật tờ PN, cảm nhận về vở À ố show trong nhật ký ngày hôm qua đã in.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.5.2012


Sáng qua đến trung tâm bản quyền âm nhạc, chỗ nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhận tác quyền thơ phổ nhạc. Không nhiều và cũng không thường xuyên. Khi vài trăm ngàn, lúc vài triệu xem như tiền trên trời rơi xuống. Hoay hoay lại đến hạn viết cho TGPN. Tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Anh người Huế, rất dễ thương. Phải chữ “rất” để cảm nhận về anh.

“Đêm nay, đêm nay có thuyền em đi / Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông / Đường đêm lấp lánh sao trời / Mà em vui vững lòng đi tới / Mong ước sao được thấy người…”. Ca khúc này của anh viết trong thời đấu tranh của SVHS tại đô thị miền Nam, nhiều người còn nhớ. Q thích nhất là chữ “người”. Thời ở KPC nhiều lúc thèm được nghe tiếng người, nhất là trong đêm khuya thanh vắng, lúc nào cũng sẳn sàng súng trên tay và cái chết luôn lén lút, rập rình. Những lúc ấy, mấy anh em chụm đầu quanh cái radio nghe âm thanh vọng ra. Nghe để mà nghe, dù là chương trình phát tiếng nước ngoài. Thèm nghe tiếng nói. Vậy thôi.Nghe để thấy quanh mình vẫn có người, không đơn độc.

Chiều qua đi ăn với Nàng ở Annam. Uống một chái rượu đỏ. Sau qua Xu lại uống tiếp chai nữa. Q nói, ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao lẽ ra phải là: “Từ đây, người biết quên người”, chứ “Từ đây, người biết quê người” thì chẳng có gì để bàn cãi nữa. Quên người? Tại sao không? Ca khúc này viết ngay sau ngày hòa bình, thống nhất thì "biết quên người”. Y nghĩ, cũng là quên thù hận, quên những gương mặt của thù hận để hòa hợp, hòa giải của giang san đã thu về một mối. Quên đi cái cũ, để bắt đầu một cái mới hoàn toàn. Chữ “quên" nó đa nghĩa hơn, đa tầng và cũng sâu hơn trong suy tưởng của người nghe.

Khuya về say quá. T.H.Nhân réo điện thoại đòi tới.  Và đêm qua quên luôn cả đường về.

Lúc làm trưởng ban VHNT của báo PN mình đã từng đặt anh Nguyễn Phú Yên viết nhiều bài về âm nhạc. Anh luôn đúng hẹn, khiêm tốn, hòa nhã. Lúc bấy giờ anh làm biên tập và “tỉnh táo viên” của báo TT. Cái chức danh “tỉnh táo viên” nghe lạ. Đó là người đọc lại toàn bộ tờ báo (hoặc một phần) sau khi tờ báo đã xong, đã hoàn chỉnh, trước lúc đem in. Người đọc phải tỉnh táo để kịp thời phát hiện ra những cái lỗi dù nhỏ nhặt nhất, từ dấu chấm, dấu phảy đến câu cú. Sự cẩn trọng này giúp cho tờ báo tránh lỗi sai sót, dù rất nhỏ. Không rõ làng báo trước 1975 có chức danh này không?

Có những người làm thơ mà trước đây lúc mới chập chững viết, mình ngưỡng mộ, dù lúc ấy chỉ đọc loáng thoáng. Nghe nói rằng, anh A, B, C… trước đây có thơ in Văn, Khởi Hành, Văn Học, Tuổi Ngọc… có tập thơ này, thơ kia đã in. Chỉ biết vậy là quý, là cảm mến và phục tài. Rồi khi làm báo, mình đã gặp hầu hết những tên tuổi này và cũng là chỗ thân tình. Nếu chỉ vậy thì hay quá. Nào ngờ, một ngày đẹp trời họ in tập thơ mới. Đọc mới bẽ bàng làm sao, ủa, thơ thế này ư? Thất vọng quá. Nếu đừng in thì lòng cảm phục của mình vẫn còn. Đọc xong, đã cạn. Chỉ còn lại sự cảm mến. Cái nghề viết nó thế, đã không còn viết hay như xưa thì đừng viết nữa. Cũng giống như gái đẹp. Gái đẹp lúc đã già, đã xấu thì đừng ỏng ẹo xuất hiện trên sàn diễn, trước đám đông nữa.

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Câu thơ Đoàn Phú Tứ, quá hay. Nàng cung nữ kia lúc không còn nhan sắc như xưa quyết không cho vua xem mặt. Vậy mà hay. Vua xem chỉ thất vọng. Hình ảnh đẹp đẽ trong tâm trí sẽ tan tành mây khói. Y đã có cảm giác ấy khi nhận những tập sách của người này, người nọ... Nói thì nói vậy, nhưng cũng đâu dễ. Biết đâu khi về già, dù viết chẳng ra gì nhưng mình vẫn kéo rê lê thê lếch thếch thì sao? Cơm áo gạo tiền nó bó buộc thì sao?

Lại những tên tuổi ấy, trong mắt mình thời bé, họ là cả một sự “sang trọng” bởi xuất hiện trên các tờ báo mà mình ước mơ chỉ được một lần in nơi ấy. Vậy mà, bây giờ lại thấy cái tên họ xuất hiện chình ình trên những tờ báo “lá cải”. Theo Q, “lá cải” là tờ báo mà người ta không dám đem về nhà, vì sợ con em mình không đủ sức đề kháng với mật độ dày đặc của thông tin “cướp, giết, hiếp, tình, tù, tội”. Ngộ độc như chơi. Những tờ báo này họ mời mọc nhưng mình chẳng thể cộng  tác được, dù chỉ kiếm tiền bằng nghề viết. Sống bằng mỗi cái nghề này.

Sáng thức dậy, trước lúc đi ăn sáng vào Facebook đọc linh tinh. Tìm đươc cái ảnh thời mình giao lưu với bút nhóm Vòm Me Xanh của báo MT. Ảnh này minh họa cho bài Hãy là con kiến hiền lương in MT số 757 - 17/11/2006. Chẳng biết trong số này có ai còn tiếp tục viết nữa không?

 

SV-muc-tim

Giao lưu với các cây bút Vòm me xanh (2006)

Sáng, Tô điện thoại: “Trưa có về ăn cơm không để bà nội nấu”. Còn có gì hạnh phúc, sung sướng hơn không? Khi ở với vợ hoặc người tình, bỏ nhà đi qua đêm nếu nàng biết được chỉ còn cách cuốn gói, cút xéo ra khỏi nhà. Với mẹ lại không. Mẹ thao thức chờ đợi cả đêm để sáng mai lại lụi cụi nấu cơm cho thằng con lêu têu. Miếng cơm ấy, người mẹ lo từ lúc nó còn nằm nôi đến khi đã ngoài ngũ thập:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

“Cơm búng”? Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Của giải thích: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”; Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức (1931): “Cơm nhai nhỏ để mớm cho trẻ con”. Người mẹ nào cũng vậy, luôn lấy sự phục vụ tận tụy cơm nước cho chồng con làm niềm vui của chính cuộc đời mình. Và tôi, mỗi ngày vẫn ăn cơm mẹ nấu. Nàng bảo: "Anh sướng thật, mọi thứ đã có mẹ lo, vì thế anh chẳng thể nào biết phải lo cho người khác như thế nào cả". Nghe nói vậy, chẳng dại gì cãi lại. Chần chừ một lát, Nàng "phán" tiếp một câu xanh rờn: "Do đó, anh rất khó... lấy vợ" (!?).

Trời! Trả lời ra làm sao đây hở trời?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.5.2012

 

Sáng dậy sớm, viết tiếp bài cho báo MT. Sau đó là việc của Tẹo, nhờ vài cú điện thoại “đúng người đúng việc” nên mọi việc như ý. Chiều trời mưa tầm tã. Đi hớt tóc. Nàng cẩn thận đi theo tận nơi dặn phải hớt kiểu này, này này. Thì đã xong. Rủ nhau đi ăn cái gì đó. Chẳng biết ăn gì. Nên thôi. Gương mặt nàng đẹp và buồn.

Về đến nhà chuẩn bị đi ăn đám cưới người bạn. Định dắt xe ra khỏi nhà. Trời giông tố và mưa. Nên thôi. Ăn cơm nguội và đọc Tập sách Thông báo Hán Nôm học năm 2002. Vừa mua lúc sáng. Chỉ in 300 bản! Vậy mà nay vẫn còn, chứng tỏ loại sách này ít người quan tâm.

 

tho-kiet-1

Bìa các tập thơ chưa in của Trần Tuấn Kiệt

 

Đọc và thấy buồn cười về cuộc tranh luận “Vị thế của văn học Hán Việt qua một cuộc tranh luận lớn” diễn ra trên Tạp san Văn Sử Địa từ tháng 3.1955 đến 12.1956. Bài này do PGS Bùi Duy Tân viết. Thật không thể ngờ, thời đó những học giả nước ta tầm cỡ như Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Lộc, Trương Chính… đã tham gia đề tài: “Có nên liệt kê những bài văn do người Việt viết bằng chữ Hán vào văn học dân tộc hay không?”. Với đề tài này, tôi liên tưởng đến hoàn cảnh của cô X chẳng hạn, cô ta lấy chồng ngoại quốc, sinh con thì liệu những "tiên đồng ngọc nữ" ấy có thuộc dòng tộc của cô X hay không? Bây giờ không ai đặt câu hỏi “trầm trọng” đó nữa. Mọi việc đã giải quyết xong: “Do đặc điểm của lịch sử văn học Việt Nam, do đặc điểm quá trình phát triển văn học Việt Nam, những bài văn do người Việt Nam viết bằng chữ Hán trong thời kỳ nước Việt Nam chưa có văn tự hẳn hoi có thể coi là văn học dân tộc của Việt Nam được” (GS Văn Tân). Xác đáng quá.

Đọc xong cuộc tranh luận này, chợt nghĩ, vậy dòng văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm thời 1954-1975 có phải là dòng dân tộc hay không? Đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thống. Năm, mười năm nữa con cháu chúng ta sẽ trả lời câu hỏi đó bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể “lửng lơ con cá vàng” mãi. Nếu nhìn rộng thêm, vậy từ sau 1975 đến nay những tác phẩm văn học của các cây bút Việt sáng tác ở hải ngoại có được xếp vào dòng văn học dân tộc hay không? Rồi tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng nước ngoài thì sao? Theo y, không thể chối bỏ được.

Văn học Việt Nam hiện đại chưa thể sánh với nhiều nước trên thế giới, hà cớ gì vì mục đích gì đó, chẳng hạn quan điểm chính trị, lý lịch nhân thân... lại tự làm nghèo thêm những gì đã có? Mà cái dòng văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm của những Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn... lại có những đặc điểm mà nhiều nhà nghiên cứu chưa chú ý đến. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ: Nhiều anh em trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh tại miền Nam bảo rằng, họ xuống đường đấu tranh chống chiến tranh, chống ngoại xâm, đòi thống nhất đất nước cũng có phần do... đọc tác phẩm của các tác giả này! Ô hô! Nói như thế là sai quan điểm dấy nhé! Mà lại rất thật. Thật ở chỗ trong những tác phẩm của các nhà văn di cư 1954 họ viết về miền Bắc, về Hà Nội, về phong tục, văn hóa quá hay quá đẹp nên khiến không ít người ở miền Nam mơ đến ngày Bắc Nam thống nhất để có dịp tận hưởng lấy cái đẹp ấy, được trở về nguồn cội.

Rồi trong cuộc chiến vừa qua, các nhà văn vẫn chưa khai thác hết tính cách rất đặc trưng, rất Việt Nam của người dân  vùng tạm chiếm. Trong Người Quảng Nam, tôi đã kể đến trường hợp, chẳng hạn, em rể làm cảnh sát lại bảo anh vợ là "Việt cộng nằm vùng": "Tối nay, bọn tôi đi bố ráp đó. Chi bộ Đảng của mấy ông kiếm chỗ khác mà họp"!

Hôm trước ăn cơm ở nhà nàng, đọc lại tạp chí Văn số đặc biệt về Bùi Giáng, có dòng chữ này (nguyên văn): “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương, quỷ sứ và môn đệ của Bà la môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma vương gì đó cũng vẫn là ma vương”.

 

kiet-2

Thủ bút nhà thơ Trần Tuấn Kiệt

 

Trần Tuấn Kiệt viết về Bùi Giáng. Trời! Những người cùng thế hệ đã viết cho nhau như thế, quả rất lạ. Thời buổi này, bạn bè với nhau cũng ít ai dành thời gian đọc để xem bạn mình viết gì; hoặc có lời nhận định đúng mức. Hầu như giới thiệu các tác phẩm mới hiện nay là công việc của nhà báo. Chỉ giới thiệu theo kiểu thông tấn. Có thể do những bài viết nhận định phê bình ra tấm ra miếng không phù hợp với báo thời sự hằng ngày. Mà phải là báo chuyên ngành. Loại báo này thì số lượng phát hành chẳng nhiều, ít người đọc. 

Tôi biết đến khái niệm “đồng hương” từ khi sống trong bộ đội. Giềng mối đồng hương chặt chẽ nhất vẫn là anh em ngoài Bắc, cụ thể tại đơn vị tôi là Hà Nội và Hải Phòng. Có thể bao che cho nhau, chia ngọt xẻ bùi cho nhau miễn đó là đồng hương. Đố ai có thể “đụng” vào. “Đụng” một người là chạm đến cả hội đồng hương. Mệt. Ngay cả chính trị trị viên, đại đội trưởng cũng e dè. Anh em Trung và Nam lại khác. Vẫn đồng hương nhưng không chí cốt đến mức đó. Thân thì thân, chơi thì chơi nhưng vẫn không bao che, nếu đồng hương sai. Nhìn qua văn chương hiện nay, những cây bút ngoài Bắc vẫn giữ được cái tính “đồng hương” đó; hoặc “cùng hội cùng thuyền”. Không phải bây giờ mà ngay cả trước đây. Trước 1945 ngoài Bắc có các nhóm như Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm… họ có cơ quan ngôn luận tung hứng cho nhau. Trước 1975 ở miền Nam có các nhóm khác nhau mà nổi bật là nhóm Sáng tạo, họ cũng có tờ báo giúp nhau “đôi bạn cùng tiến”. Người Trung và Nam làm văn nghệ không được như thế.

Nhắc đến nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, y nhớ chừng gần mười năm trước đây, ông có tìm y ở tòa soạn báo PN và đưa giữ bản thảo của ông. Thơ viết sau 1975. Đó là các tập Thái hằng, Lữ hành, Nghịch hành, Sử thi, Tình xuân vạn cổ, Vòng cung nguyệt quế. Đã nhập liệu. Chưa in. Mấy trăm trang, khổ lớn. Và tập trường ca Ngôi đền thiêng đã in trước 1975. Y có gửi biếu ông 200 ngàn đồng. Chẳng biết tương đương với hiện nay chừng bao nhiêu. Thời đó ông sống khốn khó. Sống bằng nghề viết sách dạy võ, ký Hồng Lĩnh và loạt truyện võ hiệp ký tên nhăng cuội gì đó, không nhớ nữa. Con gái của ông cũng viết văn, chắc nhỏ hơn tôi vài tuổi. Lúc đó, ông sống trong hẻm sâu hun hút ngoài phía Hàng Xanh, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Y có đưa I đến chơi. Ông Kiệt hiền lành, nói năng rổn rảng, thân tình, bạt mạng. Trong bản thảo này, ông có làm khá nhiều thơ tặng Bùi Giáng, nhà thơ Ý Nhi, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, họa sĩ Chóe…

Ngoài trời mưa vẫn râm ran. Tiệc cưới chắc đã tàn. Mẹ chắc đã ngủ. Nàng chắc đã ngủ. Gương mặt nàng đẹp và buồn...

Đã lâu lắm không gặp lại ông Trần Tuấn Kiệt. Cũng một kiếp người.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.5.2013

 

“Trước khi viết một tập tiểu thuyết mới, anh có những chuẩn bị gì?” Tôi thường hỏi bạn bè trong những lúc ngồi tán phét chuyện trên tời dưới đất. Có lần, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bảo, đại khái, chẳng chuẩn bị gì cả, cứ bắt tay vào viết, trong quá trình viết, các tình tiết xẩy ra thì cân nhắc, xử lý. Cũng tựa như đứa trẻ nhảy xuống hồ, dù chưa biết bơi. Thực tế của công việc lúc ấy tự khắc khiến mình phải làm gì. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết nhiều và từng nổi đình đám với Cù lao tràm, Đứng trước biển… và một loạt kịch bản phim truyền hình. Anh viết khoẻ. Sung sức. Chưa hề tỏ ra mỏi mệt.

 

don-nick-R

Đón Nick tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 22.5.2015 (ảnh: First News)

 

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lại khác. Anh cho biết chuẩn bị đề cương rất kỹ, từng chi tiết và khi đã “chín” mới bắt tay vào viết. Ngày báo Thanh Niên muốn in nhiều kỳ truyện mới của bộ Kính vạn hoa, anh không trả lời vội. Vào một ngày đẹp trời, anh ra Vũng Tàu. Một mình, một phòng mình và suy nghĩ suốt mấy ngày liền về cốt truyện sẽ viết. Khi viết được những dòng đầu tiên. cảm thấy đã có thể viết được, anh mới  điện thoại cho anh Hoàng hải Vân. Nhận lời viết feuilleton. Từng kỳ truyện dài của anh được công chúng đón nhận rầm trời. Báo Thanh Niên cũng tăng số lượng vùn vụt.

Trong tập sách Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ, y quên kể chuyện anh bị mất trộm tại Hà Nội. Chuyện là đầu năm 2005, anh được NXB Giáo Dục mời ra Thủ đô làm giám khảo cho một cuộc thi sáng tác văn học, và được bố trí ở khách sạn của Công đoàn. Sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” một cách vẻ vang, anh được các bạn văn như nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Trần Anh Thái, nhà phê bình Trần Quang Đạo... đãi một chầu nhậu để bù khú chuyện văn chương. Trước lúc rời khách sạn đi đến với bạn bè, anh đã cẩn thận khóa cửa phòng và giao lại chìa khóa cho tiếp tân. Thế nhưng, khi trở về trong cơn say ngất ngưỡng, anh bỗng tỉnh như sáo vì... hành lý, đồ dùng cá nhân của mình đã bị “dọn sạch”! Tiếc nhất là chiếc máy vi tính xách tay, trong đó có chứa toàn bộ tác phẩm đã xuất bản hoặc đang viết dở dang, cũng... “không cánh mà bay”!  Nhà văn của chúng ta cười mếu báo ngay cho cơ quan chức năng. Công an đã nhanh chóng có mặt tại khách sạn. Dù rất hâm mộ một “văn nhân tài tử” từ trong Nam ra Bắc công tác; dù rất nhiệt tình, rất tài năng cỡ như Sherlock Holmes nhưng cuối cùng họ cũng... đành bó tay!

Hàng ngày, Nguyễn Nhật Ánh có thói quen, mỗi sáng ngồi vào viết, bàn phải sạch. Sạch từ bụi trên bàn đến phin cà phê, cái gạt tàn thuốc… Anh viết một lèo đến 10 giờ sáng, ngừng lại nghĩ ngơi rồi lại viết đến 14 giờ. Sau đó mới cơm nước. Ngủ trưa. Chiều lai rai với bạn bè. Nguyễn Nhật Ánh không có ngày chủ nhật. Sức làm việc của anh thật đáng nể.

Có người, dù không thọ giáo ngày nào nhưng đọc tác phẩm của họ, tự ta đã xem họ là Thầy. Với y, là cụ Nguyễn Hiến Lê. Sống trên đời bằng nghề cầm bút mà để lại cả trăm tác phẩm có giá trị phải là người tự đặt cho mình một kỷ luật nghiêm ngặt, mới có thể lao động phi thường như thế. Xin được “công bố” lịch làm việc trong một ngày của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sở dĩ tôi biết là do đọc nhiều những ghi chép của cụ:

6 giờ sáng thức dậy, tập thở, xoa bóp thân thể rồi đi bộ; 7 giờ ăn sáng, uống trà và đọc sách đến 8g; sau đó ông ngồi vào bàn làm việc đến 11g 30; nghỉ trưa đến 14 giờ; thức dậy lại đọc sách và tiếp tục viết cho đến 17 giờ chiều; 18g ăn tối, xong nghe nhạc; 21 giờ ngủ.

Ròng rã mấy mươi năm cụ vẫn duy trì đều đặn như thế, bất kể thời tiết nóng lạnh ra sao quả đáng khâm phục. Có lần, cụ bảo, cứ đến giờ là ngồi vào bàn viết, chứ không cần phải đợi cảm hứng có đến hay không? Nghe đâu nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khải... cũng có suy nghĩ như thế. Và do lao động miệt mài, nghiêm túc với nghề nên họ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có chất lượng tốt.

Không rõ cụ Nguyễn Hiến Lê khi trò chuyện với văn hữu ra sao, chớ ở nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Nhật Ánh, y nhận thấy họ có điểm chung là khi trình bày  một vấn đề gì cũng đều mạch lạc, khúc chiết, dễ hiểu và lập luận sắc bén.

Ngày mới vào nghề có lần phỏng vấn nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, y nhận thấy anh cũng có cách trả lời gẫy gọn, dễ ghi. Thậm chí theo ngữ điệu của từng câu nói, ta có thể biết đến đâu là phết, đâu là dấu chấm… Trong khi đó, với ông Sơn Nam lại khác. Hỏi vấn đề A, ông lại lái qua B và cứ dông dài chuyện mình đang thích nói hơn là đi vào trọng tâm câu hỏi của nhà báo. Ai ghi sao thì ghi. Ông cứ khề khà tràng giang đại hải….

Hồi còn ở báo TT, ban biên tập nhờ y đặt bài ông viết về món ăn Nam bộ. Y ghé nhà trọ ông trên đường Lý Thường Kiệt, trong hẻm để lấy bài, chứ lúc đó ông chưa về căn nhà ở đường Đinh Tiên Hoàng. Bài ông đánh máy nhưng không đặt tựa. Sau này, tôi mới rõ nhiều bài báo khác của ông cũng vậy. Tòa báo muốn tựa gì, cứ việc; muốn cắt xén ra sao, cứ việc. Ông không quan tâm. Ông cho rằng, chuyện mình, mình viết; chuyện của tòa báo thì họ cứ làm. Miễn sao nhuận bút trả nhanh, trả nhiều là được. Thái độ này theo tôi là tính cách của một nhà báo chuyên nghiệp. Viết bất kỳ thể loại nào, ông cũng ký tên thật, không xài bút danh. Không núp dưới cái tên khác để che giấu những bài viết mà mình không dám chịu trách nhiệm. Ông nói, nếu hư, đánh đĩ ngoài bút thì có soạn từ điển, viết biên khảo cũng hư.

Khi viết văn mỗi người một kiểu. Thời trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM còn ở Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh), nhà văn Nguyễn Quang Sáng có phòng riêng vì ông là chủ tịch Hội. Thỉnh thoảng anh em vào chơi thấy ông ngồi viết, chỉ khoác ngang vòng bụng cái khăn lông, cởi trần, viết bằng tay trên từng trang giấy trắng. Ông cười hề hề: “Như thế này mới thỏa mái. Không gò bó mới dễ viết’. Có lần ông bảo: “Tao không viết vào ban đêm. Nhất là những lúc đã nhậu "sương sương". Sáng mai đọc lại thấy câu văn  “bốc” quá là xoá sạch". Ông có thói quen là ngẫm nghĩ rất kỹ một truyện ngắn trong đầu và có thể kể lại làu làu từng câu, từng chữ. Kể đến lúc thật “nhuyễn”, không còn thấy lợn cợn gì, ông mới viết ra. Có nhiều nhà phê bình cho rằng Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện độc đáo. Đọc truyện ngắn của ông ta luôn có cảm giác rất thật, rất hay là nhờ vậy chăng?

Đêm qua nhậu với Nàng, Nhân và Ca ở Việt Phố. Tẹo không đến được vì nhậu ở quận 5, lúc lấy xe ra bị công an đo nồng độ và lập biên bản giữ xe. Cứ cái điệu này, đi nhậu leo lên taxi là khoẻ nhất. Sáng viết xong cái bài cho MT. Chiều cúp điện lên cơ quan viết.

Mấy hôm nay thiên hạ cứ rần rần về thông tin đón người đàn ông không tay không chân đến từ nước Úc. Cuộc đời của anh khiến mọi câu chuyện cổ tích cũng phải ganh tỵ. Đó là Nick James Vujicic. Tại sao Nick đã làm được điều phi thường, kỳ diệu đó? Đó là do niềm tin từ Tôn giáo. Ngay từ lúc ý thức được thân phận của mình, anh đã có lúc muốn tự tử nhưng sao đó lại thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Trong tự truyện Sống cho điều ý nghĩa hơn, anh viết: “Qua thời gian, tôi tự nhận thức rằng Đấng Sáng tạo muốn tôi có mặt trên thế gian này trong tình trạng thiếu tứ chi không phải ngài muốn trừng phạt tôi. Thay vì thế, Ngài có một kế hoạch tuyệt vời dành cho tôi, một kế hoạch cho phép tôi trở thành người truyền cảm hứng và khích lệ tinh thần tất cả những người khác trên trái đất này. Nếu Đấng Sáng Sáng Tạo có thể chấp nhận một người không tay không chân như tôi và sử dụng tôi làm cánh tay và đôi chân của Ngài thì Ngài cũng có thể sử dụng bất cứ ai vì những mục đích cao cả tốt đẹp như thế”.

Tối đi ăn với Nàng ở quán Hàn Quốc. Thức ăn ngon, nhưng phải chạy mua chai nước mắm cho phù hợp khẩu vị.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.5.2013

 

Sáng thức dậy, đi ăn phở với Tẹo, có cả anh Long và Trần Hoàng Nhân. Vừa đi vừa lẫm nhẫm lại mấy câu này. Quá hay. Hay chỗ “tóc nhuộm”. Hiện đại quá chừng. Đang ăn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn nhắn tin:

Tóc bạc thì nhuộm cho xanh
Cơ bản giữ được củ hành cho tươi
Hỏi anh, anh chỉ mỉm cười:
Cứ trồng “đất lạ”là tươi củ hành

Nhắc đến “củ hành” ai nấy phì cười. Sực nhớ, cụ Nguyễn Khuyến - thi sĩ đồng quê số một của Việt Nam có câu đối khóc vợ:

"Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam chân chiêu vì tớ đỡ đần trong mọi việc;

Bà đi đâu vội bấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm".

Rõ ràng, hai câu đối trên cho thấy cách ăn mặc của đàn ông, đàn bà Việt Nam thời xưa. Tục ngữ có câu: “Búi tóc củ hành, đàn anh thiên hạ”, ý nói giới thượng lưu dù ít tóc, chỉ búi tóc nhỏ như củ hành nhưng vẫn bậc trên của mọi người. Thế nào là “tóc củ hành”? Có thể hiểu, ngày trước đàn ông khôn cắt tóc, tóc dài thường búi trên đỉnh đầu.Nhà thơ Tú Mỡ cũng có câu thơ:

Tóc búi củ hành, trơ bóng trán,

Miệng loe ống nhổ cạp dày môi.

“Củhành” của Đoàn Tuấn là ám chỉ “sâm Cao Ly” đó thôi. Nhân bèn cao hứng đọc bài thơ “Đòi lại chiếc xương sườn” của Hoàng Lộc. Thơ hay mà nay tôi mới biết:

quả nhiên trong kinh thánh có ghi rằng

cái xương sườn của tôi chính là em đấy

khi chứng cớ đã rõ ràng đến vậy

nghĩ mích lòng ? em vốn vẫn làm cao ?


em lắc đầu ? em chẳng của tôi sao ?

giùm tới hỏi Chúa Trời kia khắc biết

dẫu phải lắc lơ xa hằng mấy kiếp

tôi dễ chi quên đã mất cái xương sườn

 

ngày ấy chia tay trước cửa địa đàng

em - rất tiếc - tôi chưa hề đánh dấu

để xuống đời ưa nhìn lầm nhận ẩu

người đàn bà nào tôi cũng tưởng là em

 

mãi đặt điều thẹn, ngượng - hoá nên quen

chớ thiệt tình yêu : người đòi - kẻ trả

em chính của tôi - cứ thẳng thừng : em ạ,

hãy gửi nguyên đây một cái xương sườn !

 

em chớ làm cao và chớ giận hờn

đừng nỡ mập mờ kinh tân kinh cựu

cái xương ấy tôi là người sở hữu

kinh luật nào em chẳng thuộc về tôi ?

 

lầm lũi yêu thương đứt nửa đời rồi

tôi đã trần thân với đớn đau khổ nhọc

cái xương sườn xưa tôi quyết đòi cho được

em chối từ ư ? em có quyền gì ?

Tôi chưa gặp Hoàng Lộc. Thế hệ làm thơ của ông, dân Quảng Nam, tôi chỉ gặp Luân Hoán, Tường Linh, Thái Tú Hạp... Thiên hạ trong quán phở Dậu cứ ngỡ đang ngồi chung bàn với những người nữa tỉnh nửa mê. Quán chật, ngồi chen nhau, nóng nực, ai ai cũng vội vội vàng vàng với công việc buổi sáng, ấy vậy mà có những gã ngồi đọc thơ oang oang. Vậy không say là gì?

Đã thế, Nhân còn nói thêm rằng, chẳng biết câu này của ai, đại khái, với người đàn ông chỉ có hai ngả lên thiên đàng: hoặc qua cái chết; hoặc qua người đàn bà. 

Khuya qua lại đọc Đất tụ long, chẳng biết nhà văn đoạt giải nhất Lê Thanh Kỳ trong cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ viết thật hay bịa về cách ăn chân gà của người Trung Quốc:

“Chiều mát chúng tôi ngồi câu cá vừa nói chuyện. Thằng Khền thích ăn chân gà nướng. Tôi bảo nó ở đây không có chân gà bán sẵn. Nó bảo: “Mày không biết ăn chân gà” Rồi bảo tôi đi mua cho mấy con gà trống nuôi công nghiệp. Vợ tôi mua năm con mang về. Thằng Khền đem rửa sạch chân bằng cồn rồi trói, buộc cánh treo lên. Nó bê chiếc bếp than hoa lại gần rồi thả cho con gà nhảy trên than hồng. Con gà bị nóng ra sức giẫy giụa. Càng giẫy máu càng dồn xuống chân khiến nó phù nề và to ra trông thấy. Con gà cứ co chặt hai chân vào bụng. Thằng Khền lấy cái kẹp kéo từng chân con gà ra, chờ đến lúc vỏ ngoài cháy xém nó mới dùng móng tay bóc bỏ lớp vỏ ngoài của da chân. Tôi nhìn thấy hai chân con gà đỏ máu và sưng đẫn lên. Thằng Khền lấy từ trong túi khoác ra cái chổi trông như cây cọ của hoạ sỹ, chấm gia vị rồi quét lên. Con gà lúc này mới giãy giụa thật lực, mồm kêu oang oác. Vợ tôi thấy thế bỏ vào trong nhà có gọi thế nào cũng không ra nữa. Thằng Khền tiếp tục bóp giập xương chân con gà, cắt lấy rồi quẳng mấy con gà còn sống ra ngoài. Tôi nướng thêm mấy con cá trong khi thằng Khền hoàn thiện nốt món nướng chân gà. Tôi nhìn nó ăn bỗng liên tưởng đến câu chuyện của nhà văn Trung Quốc viết về một gia đình nông dân đói quá không nỡ ăn thịt con, liền đổi cho nhà hàng xóm làm thịt. Tôi hỏi nó ngoài đời chuyện như thế có không? Nó tỉnh bơ trả lời:

- Đói quá cũng có khi ăn để sống! Mà no quá cũng có thể ăn để thấy mùi vị".

Đọc xong, tôi rùng mình. Hôm trước, làm tài lanh kể cho Nàng nghe, ai ngờ Nàng mắng: “Anh toàn kể chuyện ác. Có ngưng lại được không?”. Tất nhiên, được. Sực nhớ thời tôi còn thơ ấu, bà ngoại y không bao giờ cho nói những từ như “giết người”, “đánh đấm” v.v… Bà bảo nói lời ác thì cái ác nó cũng vận vào người. Đã thế, trước khi ngủ, nằm chung với bà ngoại, bao giờ bà cũng dạy lũ nhóc niệm Phật: “Nam mô ai di đà Phật” và dần dần chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng của tuổi thơ.

Trời! Một bà cụ nông dân Quảng Nam thất học, quê mùa mà có suy nghĩ về phương pháp giáo dục trẻ con không thua bất kỳ một nhà sư phạm nào. Điều này về sau ít nhiều ảnh hưởng đến y. Ít ra là trong cách viết, cách dùng từ.

Nghe mẹ y kể lại, lúc bà ngoại y mất, vì thương con, con còn nhỏ quá nên đêm nào bà cũng về trong chập chờn mộng mị. Hồn ma bóng quế. Nhớ mẹ, thấy mẹ loáng thoáng về, như thật như mơ, như không như có - vậy là mẹ y và các dì lại sụt sùi khóc. Bà ngoại về hoài, lúc thấy ngoài sân, lúc thấy dưới bếp... Sau, mẹ y phải khấn: “Mẹ sống khôn thác thiêng, mẹ đừng về nữa…”. Chết rồi còn lo cho con. Chao ôi là đức đức tốt đẹp ngàn đời của các bà mẹ trên trái đất này. Sau này, khi đến nhiều đám ma, tôi nghĩ không nên khóc, sự khóc lóc, thương tiếc lắm ắt khiến người cõi âm khó nhẹ nhàng viễn du tầng xanh mây trắng.

 

ba-ngoai-LMQRR

Bà ngoại tôi

Có phải vậy không hỡi ngày sau trùng trùng cát bụi? Có phải vậy không hỡi ngày sau trùng trùng cát bụi? Còn đang sống đây, hãy cứ vui đi.

Đêm qua, ăn bún chả cua và chả Đà Nẵng. Ngon ơi là ngon. Bàn tay nội trợ của Nàng chế biến ngon. Lén mẹ, đem cho Nàng, hai con cá chuồn đã chiên. Vậy là cầu được ước thấy nhé. Chiều nay có thể lai rai chút đỉnh chăng Nàng ơi? Mai Tẹo về Đà Nẵng rồi.

Công việc vẫn nhì nhằng. Vẫn chưa viết gì cho báo MT được. Ngày mai thôi. Q ơi! Cố lên!

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 56 trong tổng số 58