LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.5.2013

 

Đêm qua, ăn lẫu mắm ngon ghê. Sương bảo, phải có hai loại mắm. Trong đó có mắm cá linh. Sực nhớ, mỗi lần thèm ăn mắm này là bạn thơ Huỳnh Thúy Kiều lại gửi lên, qua đường xe đò Cà Mau - Sài Gòn. Dễ thương ghê. Trần Hoàng Nhân đem đến một chai rượu đỏ, Chị Đẹp lại một chai nữa. Vậy là vài anh em có buổi tối năm ngon, trò chuyện vui vẽ trong căn nhà mà mình đã vẽ và ngồi viết ở đó.

Hôm qua ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật, thứ bảy là hai ngày sung sướng nhất vì hoàn toàn làm chủ thời gian, làm gì cũng tùy theo sở thích. Hôm qua, ngồi trên vi tính từ 10 g đến 14 g viết loạt bài về gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ, cả thảy 4.1888 chữ. Sở dĩ viết nhanh vì:

1. Khi viết chỉ nghĩ về tình bạn với L.K.T. Bạn vui là mình vui. Được in, nhiều người đọc hơn và cũng có nhuận bút.

2. Chuẩn bị tư liệu chu đáo. Trong lúc tìm tài liệu lại tìm thấy bài viết của mình phỏng vấn L.K.T "Em gái Lưu Quang Vũ nghĩ gì về anh mình?" in báo PN TP.HCM 25.5.1994. Bài viết này thực hiện lúc ra HN dự Đại hội nhà văn trẻ. Thoáng đó mà bé Tún đã có chồng. Nhanh thật.

 

quoc-phong-van-LKT

 

 

Khi ra nước ngoài, người ta sẽ thấy câu: “Chỗ quê hương đẹp hơn cả” không còn đúng nữa. Đẹp trong ngữ cảnh của Quốc văn giáo khoa thư còn hiểu theo nghĩa của tâm linh, nơi chôn nhau cắt rốn… Thế nhưng khái niệm đó trong “thế giới phẳng” không còn là một rào cản như thế kỷ trước. Nếu chúng ta không cải thiện để hoàn thiện về giáo dục, y tế, luật pháp thì chắc chắn ngày càng nhiều người “hướng ngoại”.

Chưa bao giờ ở Việt Nam ta sự chênh lệch giàu nghèo đã tạo một hố sâu ngăn cách như hiện nay; chưa bao giờ sự cách biệt thành thị với nông thôn/ vùng sâu/ vùng xa/ vùng núi lại “một trời một vực” như hiện nay. Chúng ta thiếu một tổng chỉ huy, một công trình sư nhằm điều phối phúc lợi trong công cuộc cải thiện đời sống dân sinh giữa nông thôn và thành thị.

Nguyễn Huy Thiệp có truyện ngắn Không có vua. Nói thế thôi, không thể một ngày không có vua. Thử hỏi, mỗi một ngày, vua phải dựa vào cái gì? Lại đọc lỗ mổ quyển Khổng Tử (bản in năm 2006 - NXB VHTT, tr.170) của Nguyễn Hiến Lê: "Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: "Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền". Tử Cống hỏi thêm: "Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ binh bị". Tử Cống lại hỏi: "Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ (dân vô tín bất lập)". Lời dạy của Khổng Tử “gút lại”, chỉ vỏn vẹn ba từ: “Dựa vào dân”.

Trong biến động của đời sống với quá nhiều quái dị, dị hợm vẫn chưa có một nhân vật điển hình tầm cỡ như Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ… Nhân vật điển hình của thời chúng ta đang sống vẫn chưa ra đời. Tại sao? Nhà văn chúng ta thiếu cái gì? Tài năng? Bản lĩnh chính trị? Trách nhiệm công dân? Đã có lần y phát biểu, những bài thơ hay nhất của các nhà thơ hiện nay vẫn là những bài thơ còn nằm trong sổ tay. Chưa công bố. Thơ Chế Lan Viên sau 1975, những bài thơ hay nhất, tâm huyết nhất vẫn là tập thơ Di cảo.

Đọc lại Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nay vẫn còn thấy đúng, thời sự và sâu sắc. Chúng ta luôn sợ một cái sợ vô hình nên ngòi bút phải uốn éo. Nguyễn Minh Châu viết: “Có lúc - nói ra thật lẩm cẩm - tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây! (…) Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này - buồn thay - các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm”…

Ngày lại ngày. Ngày nào cũng có chuyện nhố nhăng trên mặt báo. Nhờ thế, có cái vui để cười chơi. Gần đây nhất là vụ Lý Nhã Kỳ chụp ảnh chung với tổ lái lúc máy bay made in Việt Nam đang lượn trên vòm trời. Thật ra về nhân vật L.N.K trước đó báo chí đã can ngăn Bộ VHTT & DL là không nên chọn làm Đại sứ du lịch, y cũng viết một bài cho báo PL TP.HCM. Sự việc trên và nhiều sự việc khác đang diễn ra khiến y nhớ đến thi sĩ Tản Đà. Một thi sĩ say sưa suốt ngày, khoái ăn ngon, xưng “trích tiên” nhưng lại viết được câu thơ rất thời sự, mấy chục năm qua vẫn còn thời sự và vài thập kỷ nữa vẫn là thời sự:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

Còn y? Cả đời mình lặn ngụp trong thời sự mà câu thơ lại phiêu dạt đâu đó tít tận mây xanh. Chán y thật.

Trưa nay nằm đọc tập thơ Những cánh tay sưa. Bản thảo tập này, mình tuyển chọn giúp cho anh em. "Sưa" chứ không phải "xưa". Sưa là một loại cây quen thuộc ổ Tam Kỳ (Quảng Nam). Tập thơ này hầu hết anh em là dân Tam Kỳ: Trường Vũ  Thiên An, Phan Chín, Nguyễn Ngọc Chương, Phương Dung, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Bá Hòa, Phạm Phú Hưng, Phạm Hồ Lưu, Huỳnh Trương Phát, Lê Minh Quốc, Nguyễn Tấn Sĩ, Phan Thanh, Phú Thiện, Phạm Thông, Vũ Khắc Tĩnh.

Trưa đi làm về, nhận được tín nhắn của Huỳnh Thúy Kiều: "Em gửi mắm cá linh cho anh".

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment