LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.5.2012


Sáng qua đến trung tâm bản quyền âm nhạc, chỗ nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhận tác quyền thơ phổ nhạc. Không nhiều và cũng không thường xuyên. Khi vài trăm ngàn, lúc vài triệu xem như tiền trên trời rơi xuống. Hoay hoay lại đến hạn viết cho TGPN. Tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên. Anh người Huế, rất dễ thương. Phải chữ “rất” để cảm nhận về anh.

“Đêm nay, đêm nay có thuyền em đi / Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông / Đường đêm lấp lánh sao trời / Mà em vui vững lòng đi tới / Mong ước sao được thấy người…”. Ca khúc này của anh viết trong thời đấu tranh của SVHS tại đô thị miền Nam, nhiều người còn nhớ. Q thích nhất là chữ “người”. Thời ở KPC nhiều lúc thèm được nghe tiếng người, nhất là trong đêm khuya thanh vắng, lúc nào cũng sẳn sàng súng trên tay và cái chết luôn lén lút, rập rình. Những lúc ấy, mấy anh em chụm đầu quanh cái radio nghe âm thanh vọng ra. Nghe để mà nghe, dù là chương trình phát tiếng nước ngoài. Thèm nghe tiếng nói. Vậy thôi.Nghe để thấy quanh mình vẫn có người, không đơn độc.

Chiều qua đi ăn với Nàng ở Annam. Uống một chái rượu đỏ. Sau qua Xu lại uống tiếp chai nữa. Q nói, ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao lẽ ra phải là: “Từ đây, người biết quên người”, chứ “Từ đây, người biết quê người” thì chẳng có gì để bàn cãi nữa. Quên người? Tại sao không? Ca khúc này viết ngay sau ngày hòa bình, thống nhất thì "biết quên người”. Y nghĩ, cũng là quên thù hận, quên những gương mặt của thù hận để hòa hợp, hòa giải của giang san đã thu về một mối. Quên đi cái cũ, để bắt đầu một cái mới hoàn toàn. Chữ “quên" nó đa nghĩa hơn, đa tầng và cũng sâu hơn trong suy tưởng của người nghe.

Khuya về say quá. T.H.Nhân réo điện thoại đòi tới.  Và đêm qua quên luôn cả đường về.

Lúc làm trưởng ban VHNT của báo PN mình đã từng đặt anh Nguyễn Phú Yên viết nhiều bài về âm nhạc. Anh luôn đúng hẹn, khiêm tốn, hòa nhã. Lúc bấy giờ anh làm biên tập và “tỉnh táo viên” của báo TT. Cái chức danh “tỉnh táo viên” nghe lạ. Đó là người đọc lại toàn bộ tờ báo (hoặc một phần) sau khi tờ báo đã xong, đã hoàn chỉnh, trước lúc đem in. Người đọc phải tỉnh táo để kịp thời phát hiện ra những cái lỗi dù nhỏ nhặt nhất, từ dấu chấm, dấu phảy đến câu cú. Sự cẩn trọng này giúp cho tờ báo tránh lỗi sai sót, dù rất nhỏ. Không rõ làng báo trước 1975 có chức danh này không?

Có những người làm thơ mà trước đây lúc mới chập chững viết, mình ngưỡng mộ, dù lúc ấy chỉ đọc loáng thoáng. Nghe nói rằng, anh A, B, C… trước đây có thơ in Văn, Khởi Hành, Văn Học, Tuổi Ngọc… có tập thơ này, thơ kia đã in. Chỉ biết vậy là quý, là cảm mến và phục tài. Rồi khi làm báo, mình đã gặp hầu hết những tên tuổi này và cũng là chỗ thân tình. Nếu chỉ vậy thì hay quá. Nào ngờ, một ngày đẹp trời họ in tập thơ mới. Đọc mới bẽ bàng làm sao, ủa, thơ thế này ư? Thất vọng quá. Nếu đừng in thì lòng cảm phục của mình vẫn còn. Đọc xong, đã cạn. Chỉ còn lại sự cảm mến. Cái nghề viết nó thế, đã không còn viết hay như xưa thì đừng viết nữa. Cũng giống như gái đẹp. Gái đẹp lúc đã già, đã xấu thì đừng ỏng ẹo xuất hiện trên sàn diễn, trước đám đông nữa.

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Câu thơ Đoàn Phú Tứ, quá hay. Nàng cung nữ kia lúc không còn nhan sắc như xưa quyết không cho vua xem mặt. Vậy mà hay. Vua xem chỉ thất vọng. Hình ảnh đẹp đẽ trong tâm trí sẽ tan tành mây khói. Y đã có cảm giác ấy khi nhận những tập sách của người này, người nọ... Nói thì nói vậy, nhưng cũng đâu dễ. Biết đâu khi về già, dù viết chẳng ra gì nhưng mình vẫn kéo rê lê thê lếch thếch thì sao? Cơm áo gạo tiền nó bó buộc thì sao?

Lại những tên tuổi ấy, trong mắt mình thời bé, họ là cả một sự “sang trọng” bởi xuất hiện trên các tờ báo mà mình ước mơ chỉ được một lần in nơi ấy. Vậy mà, bây giờ lại thấy cái tên họ xuất hiện chình ình trên những tờ báo “lá cải”. Theo Q, “lá cải” là tờ báo mà người ta không dám đem về nhà, vì sợ con em mình không đủ sức đề kháng với mật độ dày đặc của thông tin “cướp, giết, hiếp, tình, tù, tội”. Ngộ độc như chơi. Những tờ báo này họ mời mọc nhưng mình chẳng thể cộng  tác được, dù chỉ kiếm tiền bằng nghề viết. Sống bằng mỗi cái nghề này.

Sáng thức dậy, trước lúc đi ăn sáng vào Facebook đọc linh tinh. Tìm đươc cái ảnh thời mình giao lưu với bút nhóm Vòm Me Xanh của báo MT. Ảnh này minh họa cho bài Hãy là con kiến hiền lương in MT số 757 - 17/11/2006. Chẳng biết trong số này có ai còn tiếp tục viết nữa không?

 

SV-muc-tim

Giao lưu với các cây bút Vòm me xanh (2006)

Sáng, Tô điện thoại: “Trưa có về ăn cơm không để bà nội nấu”. Còn có gì hạnh phúc, sung sướng hơn không? Khi ở với vợ hoặc người tình, bỏ nhà đi qua đêm nếu nàng biết được chỉ còn cách cuốn gói, cút xéo ra khỏi nhà. Với mẹ lại không. Mẹ thao thức chờ đợi cả đêm để sáng mai lại lụi cụi nấu cơm cho thằng con lêu têu. Miếng cơm ấy, người mẹ lo từ lúc nó còn nằm nôi đến khi đã ngoài ngũ thập:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

“Cơm búng”? Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Của giải thích: “Cơm nhai một miếng cho vừa miệng con nít”; Việt Nam tự điển của Hội Khai trí tiến đức (1931): “Cơm nhai nhỏ để mớm cho trẻ con”. Người mẹ nào cũng vậy, luôn lấy sự phục vụ tận tụy cơm nước cho chồng con làm niềm vui của chính cuộc đời mình. Và tôi, mỗi ngày vẫn ăn cơm mẹ nấu. Nàng bảo: "Anh sướng thật, mọi thứ đã có mẹ lo, vì thế anh chẳng thể nào biết phải lo cho người khác như thế nào cả". Nghe nói vậy, chẳng dại gì cãi lại. Chần chừ một lát, Nàng "phán" tiếp một câu xanh rờn: "Do đó, anh rất khó... lấy vợ" (!?).

Trời! Trả lời ra làm sao đây hở trời?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment