LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.5.2013

 

Trưa qua, chủ nhật, ăn trưa với Chị Đẹp ở quán góc Đồng Khởi và Ngô Đức Kế. Quán ăn Tây. Ngoài khăn bàn trắng tinh, trên bàn còn có tấm giấy trắng đặt lên trên, vừa khít mặt bàn và những cây bút màu. Cũng hay. Hai người ngồi, nếu giận nhau, không thèm nói chuyện, cứ việc cắm cúi vẽ, đỡ phải nhìn mặt nhau. Không giận nhau nên chẳng việc gì phải vẽ để giết thời gian trong khi chờ món ăn.Vì thế câu chuyện rôm rã. Nói chuyện linh tinh. Chuyện rằng:

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-6

Mẹ tôi thời trẻ

Nếu nhà thơ Du Tử Lê, lúc xuất hiện trên văn đàn ông ký tên thật Lê Cự Phách; Nguyễn Tất Nhiên ký Nguyễn Văn Hải chẳng hạn, chắc chẳng có ma nào thèm đọc. Thơ tình mà nghe “phách” với “hải”, hãi thật đấy chứ. Cái tên cũng vận vào người. Nếu nhà văn Nam Cao không đặt tên Chí Phèo, Trạch văn Đoành.. hẳn sức sống nhân vật ấy khó “bền” đến hôm nay chăng? Cái tên Chị Đẹp, ngẫm đi ngẫm lại thấy cũng hay. Vừa sến vừa điệu đà lại vừa “chảnh” nữa chứ. Không “đụng hàng”. Chắc chắn một điều đó là cái tên ấn tượng. 

Ai chịu khó tìm hiểu bút danh của nhà văn cũng là thú vị. Lâu nay, sách báo vẫn ghi tên tự của hai nhà học giả, nhà văn Trương Vĩnh Ký là Sĩ Tải; Trương Minh Ký là Thế Tải. Liệu có đúng không?  Như ta biết, tên tự được đặt theo lối dùng chữ đồng nghĩa với tên chánh, kèm theo một chữ dùng để làm cho tên tự được hoa mỹ. “Tải” có nghĩa là chuyên chở, trong khi “Tái” có nghĩa ghi chép như chữ “Ký”. Vậy Sĩ Tái; Thế Tái mới đúng chăng? Tiếc không tìm ra bút tích của họ để xem lập luận này có vững không? Nghe những bút danh như Bà Tùng Long, Anh Bồ Câu, Nghiêm Lệ Quân… rõ ràng chỉ thoáng một lần, đã nhớ. Ngày trước, khi sinh con, người ta rất chú ý đến cái tên của con. Nếu đặt tên theo chữ Hán, ắt phải theo “bộ”. Suy nghĩ như thế, tôi quả quyết rằng, con trai của quan đại thần triều Nguyễn là cụ Tôn Thất Thuyết, phải là Tôn Thất Đàm. Bảng tên đường ở Sài Gòn hiện nay ghi Tôn Thất Đạm, có lẽ không đúng. "Thuyết" phải đi với "Đàm".

Với con người ta, cái tên của họ là quan trọng nhất. Trong quyển sách Đắc nhân tâm, ông Nguyễn Hiến Lê cho rằng, một trong những cách lấy thiện cảm người khác nhanh nhất, dễ nhất là hãy gọi đúng tên của họ. Tôi có một trí nhớ tồi tệ hay hay quên tên người khác, gặp nhau tay bắt mặt mừng, dù cố nặn óc cũng không thể nhớ ra được cái tên. Tệ thật! Lúc đó, cách khôn ngoan nhất, tôi làm mặt tỉnh như ruồi, bảo: “Ông (anh), chị (em) cho Q cái “cạc-vi-dít” để lưu số điện thoại”. Vậy là xong, nếu người đó không có thì đưa cái điện thoại mình cho họ, “Ông lưu giùm một cái. Dạo này mắt mũi kèm nhèm quá!”. Vậy cũng  xong.

Có lẽ trong tập sách Đắc nhân tâm thì phải, ông Nguyễn Hiến Lê có viết một câu, đại khái, muốn tạo được tình cảm của người khác, cách tốt nhất là phải nhớ tên người đó. Với con người ta, cái tên của họ là quan trọng nhất. Nhớ đến tên họ, khi ta gọi thì lập tức họ dành ngay cho ta sự thiện cảm. Đúng quá. Có lần, thấy ông Bùi Giáng múa may quay cuồng ngoài phố, bất cần đời, đố ai có thể hạ hỏa được cơn điên mộng du trầm phù bi đát của trung niên thi sĩ? Lúc đó, muốn ông “tỉnh” lại, bước ra khỏi cơn “điên” thì hãy gọi đúng tên ông. Lập tức ông trở lại trạng thái hiền khô, nhưng chưa hề xẩy ra chuyện gì? “Chú mày gọi trẫm hả?” Chưa dứt lời, ông đã nhảy vọt lên xe người vừa gọi rất đỗi thân tình, dù người đó lạ hay quen. Nhà văn thường xài bút danh, Ông Đoàn Thạch Biền tên thật Phạm Đức Thịnh, trước 1975 ký Nguyễn Thanh Trịnh và sau nay là Đoàn Thạch Biền. Hầu như ai ai cũng chỉ nhớ đến mỗi tên Biền, thậm chí ông còn tự trào câu thơ "gài" cái tên Biền:

Vẫn biết quán bia là nơi đen bạc

Nhưng đi Biền (biệt) cũng không đành

Trong bàn nhậu  đầy đủ nam thanh nữ tú xinh đẹp ngời ngời, nếu có người phụ nữ nào gọi “anh Thịnh”, tôi cam đoan chỉ có thể là… vợ của anh Biền! Với  nhà văn Nguyễn Đông Thức, họa hoằn lắm mới có người gọi tên thật Đức Thông! Thử liệt kê vài bút danh thuộc loại “hàng độc” trong văn chương Việt Nam hiện đại, chẳng hạn: nhà thơ J.Leiba (Lê Bái), TchyA (nhà thơ Đái Đức Tuấn ký tắt Tôi chỉ yêu Angèle), họa sĩ Ngym (viết tắt Tôi chỉ yêu mợ), Tám Sạc Ne (họa sĩ Cát Hữu), Tout Seul (Tú Xơn, tức Phan Khôi), Phạm Thị Cả Mốc (tức Phạm Cao Củng)… Chỉ riêng T.T.Kh mãi mãi là một bí mật, không thể xác định đó là bút danh của ai. Bạn tôi, anh Dương Thành Truyền khi viết phiếm đàm, tạp bút ký Duyên Trường, tôi nghĩ… khó nổi tiếng bởi cái tên Duyên Trường không xác định được giới tính. Luôn tạo ra cảm giác bài mạnh mẽ mà cái tên yếu xìu; ngược lại bài yểu điệu thì chẳng rõ giới tính nào viết! Thời nhóc con, "thuở mơ làm thi sĩ" chẳng hiểu sao tôi lại ký tên Thiên Bất Hủ. Nghe ra cũng oách đấy chứ! Bây giờ mà ký cái tên này chắc tòa soạn các báo chẳng cần đọc bài, họ liệng luôn vào sọt rác cho nhanh.

Sáng qua cà phê Trung Nguyên. Q nói với một người trẻ là N.T.T. Huy có thú sưu tập sách cũ rằng, bây giờ có nhiều người viết, viết hay lắm, họ viết  từ bloge, yahoo 360 đến faceboook nhưng họ vẫn chưa tạo được “cái tên” - dù sách cũng ra ầm ầm. Khó thật nhỉ? Tạo một cái tên quả là khó. Ai ai cũng có tên, nhưng thật ra chỉ là sự Vô Danh bởi cái tên này lẫn lộn cái tên kia trong thập loại chúng sinh. Khó ai có cái tên mà chỉ cần nghe qua tác phẩm, công trình nghiên cứu, sáng tạo, sự nghiệp của họ là đám đông nhớ ngay. Nhà thơ Nguyễn Duy viết:

Cứ chìm nổi giữa đám đông

Riêng ta xác định ta không là gì

Vậy là hay quá. Thật ra đời sống này, ta hưởng thụ được cái này; hạnh phúc; sung sướng được cái kia chính là từ công sức, hy sinh của những con người Vô Danh. Như Đất. Như Suối. Như Sông dài biển rộng. Như cỏ như cây rất Vô Danh...

Ông “chủ tịch”cà phê Trung Nguyên là cái tên dễ nhớ và cũng nhiều người biết đến. Nhưng nhìn hình ảnh tạo dáng thì oải quá trời. Từ điều xì gà Lahabana cầm tay, đến cái mũ bê-rê có đính sao vàng, cái áo khoác cũng là “diễn” y chang hình ảnh của anh hùng Che Guevara (1928-1967). Nhại y chang làm gì, bởi mỗi một con người là một hình ảnh riêng biệt, chẳng ai giống ai, khi mình là mình thì mới thể hiện sự tự tin. Có mệnh phụ phu nhân hỏi Che Guevara: “Ông sinh nơi nào, quê quán ở đâu”. Che đáp: “Nơi nào còn tiếng khóc của sự bất công, áp bức thì nơi đó là quê hương tôi”. Từ nhỏ đọc câu này và thích quá. Trên báo Văn Nghệ lâu lắm rồi có in bài thơ của Dương Tường (?):

Tôi đứng

       Về phe

            Nước mắt

Trên đời này, người ta có thể quên nhiều thứ nhưng khó có thể quên cái tên của mình. Có lẽ khó quên nhất là cái tên của tình phụ như gai nhọn đã giết mình chết từng ngày trong dĩ vãng? hay cái tên của người đàn bà đã hy sinh bản thân họ chỉ vì đời sống của mình? Tôi nghĩ, người ta luôn nhớ cái tên đã ở vế thứ hai.

Người đó, với tôi, chính là mẹ tôi, người có cái tên giản dị: Lương Thị Ân, sinh năm 1927, quê quán Quảng Huế, Đại Lộc (Quảng Nam).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.5.2103

 

Nhà văn Vũ Trọng Phụng chết vì bệnh ho lao, nằm trên giường bệnh, ông thở dài: “Nếu mỗi ngày có một miếng bít tết thì đâu đến nỗi”; nhân vật của Jack London bước lên võ đài chỉ ước ao được ăn một miếng bít tết; tướng Christian de Castries sau bại trận Điện Biên Phủ, quay về Pháp việc đầu tiên là ngấu nghiến miếng bít tết. Chiều nay muốn đi ăn bít tết nhưng lại ngại đường xa. Ở Sài Gòn, quán Tín Nghĩa trên đường An Dương Vương (Q.5) là ngon nhất. Chỉ tiếc quán nhỏ, ngồi trong quán cứ nghe tiếng dzô dzô như súng thần công xuyên qua lỗ tai. Miếng thịt bò cắt vuông vức, dầy chừng hai lóng tay, cắn ngập răng. Bền ngoài chiên chín, dùng dao cắt thấy miếng thịt đỏ tươi mà mềm. Gia vị chấm là muối tiêu chanh, ăn kèm với ớt ngâm dấm và đầu hành, nếu muốn có thể gọi thêm củ cải, mỗi củ được cắt dọc làm sáu. Thèm thì thèm, nhưng xa quá nên thôi.

 

nhat-ky-18.5

 

Ăn cơm nguội lúc trưa vậy. Trưa, mẹ đã nấu cơm nhưng lại đi ăn mì Ý.

Có trang web cũng vui, thỉnh thoảng đọc những comment vừa quen và vừa lạ.

Sáng nay đã viết xong “Thân này ví đổ làm trai được” cho TGPN.

 Anh Huỳnh Bá Thành, họa sĩ Ớt là người viết thư tay để y nhập hộ khẩu vào TP.HCM lúc mới chân ướt chân ráo ra trường đi làm việc. Quy định thời đó tréo ngoe như sau: Có hộ khẩu mới vào biên chế/ Có biên chế thì mới có hộ khẩu. Cứ như đánh đố nhau. Vì thế, trong tập thơ Ngày mai còn lại một mình tôi mới có bài thơ Tự sự:

tôi tuổi Kỷ Hợi không phải cầm tinh con heo

tôi sinh ra ăn mày để cầm theo bị gậy

đứng giữa ngã tư đường xin cuộc đời nhìn lại

tấm thẻ Nhân Dân trong túi áo của tôi

 

ngày rong chơi và đêm cũng rong chơi

căn phòng trọ từng ngày hãm hiếp tôi

lúc hai mươi lăm giờ (nếu chính xác là 25 giờ 1 phút)

người ta dò xét nhau hộ khẩu ở đâu rồi?

 

mấy năm tôi cư ngụ ở núi đồi

hộ khẩu của tôi là kẻ thù trước mặt

là những địa danh với nỗi buồn hiu hắt

tôi sống: hành quân rồi chết cũng: hành quân

 

tôi hành quân đi hết tuổi thanh xuân

trở về quên mang theo tờ hộ khẩu

ôi hậu khổ buồn tênh như giọt máu

đêm từng đêm lại ám ảnh viễn vông

 

chim có tổ cá có sông

còn tôi thì lạc chợ lông bông

tôi ăn mày cuộc đời một tờ hậu khổ

có hộ khẩu đời như trúng số

 

mấy năm tôi vất vưởng giữa núi đồi

hộ khẩu là cánh võng dài bên khẩu súng

là tấm lòng trước người yêu còn ngượng ngùng lúng túng

tôi sống và yêu trọn vẹn trái tim mình

 

tuổi Kỷ Hợi chính là tuổi cầm tinh

bị gậy ăn mày chờ xin hộ khẩu

tôi chỉ có Chứng Minh Nhân Dân trong túi áo

không hộ khẩu thì có gọi Công Dân?

(1990)

Chiều đọc lại tài liệu cũ, tình cờ gặp bài trả lời phỏng vấn của tờ Thanh Niên Thể thao & giải trí, trực thuộc báo Thanh Niên. Anh Huỳnh Kim Sánh (Hoàng Hải Vân) làm chủ biên tờ này một thời gian. Sau đóng cửa vì lỗ. Thỉnh thoảng Q có cộng tác. Lúc anh Sánh viết về anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thạch in nhiều kỳ trên Thanh Niên, Q có cho một tài liệu quý, đó là hồi ký của nhà báo, linh mục Nguyễn Quang Lãm in nhiều kỳ trên báo nhật báo Hòa Bình trước 1975. Tài liệu này được cắt dán từng ngày, và lưu trữ ở Thư viện báo Tin Sáng. Tình cờ Q mua được, nghĩ mình có lẽ chẳng bao giờ sử dụng đến nên cho anh Vân khai thác thì tốt hơn.

Với chủ đề Hài trong mắt nghệ sĩ, trên báo Q Thanh Niên Thể thao & giải trí, Q trả lời như thế này:

“Cười là một đặc tính của con người. Muốn người ta khóc không khó, nhưng để tạo ra tiếng cười là điều không dễ dàng. Cười là biểu hiện của sự tự do. Từ xưa đến nay, tiếng cười trong văn học dân gian đã biểu thị ở nhiều góc độ, nhiều sắc thái, nhiều phong cách rất phong phú và đa dạng. Trong khi đó, các nhà văn trong dòng văn học hiện đại đã không theo kịp. Học tập truyền thống Folklore Việt Nam để nâng cao và tạo ra tiếng cười trong tác phẩm văn học vẫn còn hiếm. Ta từng có kiệt tác hoạt kê Số đỏ của Vũ Trọng Phụng “làm vinh dự cho mọi nền văn học”, nay vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua nổi.

Nhìn lại giai đoạn văn học “thời tiền chiến” ta thấy dường như các nhà văn biết cười và cười nhiều hơn sau này, tiếng cười trong tác phẩm văn học ngày càng ít. Nếu có thì cũng không “đứng” được. Tại sao? Vì nhà văn chưa cười đúng vào bản chất của sự việc, mà chỉ mới loanh quanh “râu ria” bên ngoài, cho dù hiện thực xã hội ngày nay đang có nhiều, rất nhiều hiện tượng đáng để cười. Tôi tin, dòng chảy văn học dân gian vẫn đang tiếp tục phát huy sức mạnh của nó. Trong thời đại @ này, dưỡng chất “u-mua” rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn, nếu chúng ta không muốn biến thành người máy” (TN 2.9.2005).

Ngẫm lại vẫn còn thấy đúng.

Nhà văn đang cười cái gì vậy? Đang viết cái gì vậy? Đang đứng trong/ ngoài cuộc sống? Hai chân đang dẫm dưới đất hay đang  tung tăng trên mây?

Còn nhớ trong tác phẩm của nhà văn Võ Phiến trước 1975, đọc lâu quá không nhớ quyển gì, tra tài liệu sẽ tìm ra, nhưng thôi. Ông bảo, các nhà văn XHCN không biết cười. Ông chứng minh qua thơ trào phúng của miền Bắc và miền Nam để rút ra kết luận đó. Đọc Võ Phiến thấy hay. Vừa rồi Nhã Nam có in một tạp bút của ông nhưng chỉ ghi bút danh “Tràng Thiên”, dù ngoài bìa là hình Võ Phiến. Lần nọ ngồi chơi với Sơn Nam, ông kể, khi nhà Lê Vĩnh Hòa (em ruột Võ Phiến, thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam) qua đời, ông có đến báo cho Võ Phiến biết trước nhất. Võ Phiến không nói gì và lẳng lặng cúi xuống làm việc. Tạp bút Võ Phiến hay ở chi tiết. Của Nguyễn Tuân hay ở chữ.

Hôm kia gặp Đoàn Dũng. Dũng phân trần là chưa thể trả nhuận bút được. Cả năm 2012, viết chuyên mục Yểu điệu cười, mỗi số 1 triệu nhưng chẳng nhận được xu nào. Tờ báo Phụ Nữ Ấp Bắc lỗ quá và đóng cửa trước Tết. Tờ báo này trong những ngày đầu tiên là do anh Biền cố vấn nội dung. Q có in một loạt thơ trào phúng ở đây. Ngày chưa có internet, tờ này cũng có “số má”, nay đã khác. Sự ra đời của internet khiến báo giấy điêu đứng.

Lẽ tất nhiên.

Post lại tấm hình đã in trên Kiến thức ngày nay ngày 20.8.2005, chung  với nhà báo Nguyễn Phan. Lâu quá không gặp Phan.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.5.2103

 

Khuya qua, dù say những cũng viết xong bài thơ. Sáng lại lao vào bàn viết, “cày” bài đọc sách cho PNO. Đi dự ra mắt tập sách Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của Nick,  người Úc (tên đầy đủ là Nick James Vujicic), sinh năm 1982, không có cả tay lẫn chân ngay từ lúc chào đời. Nhà báo Hoài Giang (báo CA TP.HCM) cho biết Tôn Hoa Sen tài trợ cho chương trình Nick đến Việt Nam cả mấy tỷ.

 

truong-hansiu

Đền thờ Trương Hán Siêu tại Ninh Bình


Sau đây là những câu nói hay trong sách của Nick:

1.    Dù bạn có vấp ngã hàng trăm lần thì cũng đừng bỏ cuộc. Hãy đứng dậy!

2.    Tìm kiếm sự giúp đỡ ở người khác không phải là một dấu hiệu của yếu kém. Đó là một dấu hiệu của

sức mạnh.

3.    Ngay cả khi bạn phải đối mặt với điều tồi tệ nhất, hãy làm hết khả năng để sẵn sàng đón đợi điều tốt

đẹp nhất!

4.    Tất cả mọi điều bạn làm để khiến cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn đều khiến cho cuộc

sống của bạn trở nên ý nghĩa và đẹp hơn.

5.    Sống không có giới hạn có nghĩa là biết được rằng bạn luôn có thứ gì đó để cho, luôn có thể làm điều

gì đó để giảm nhẹ gánh nặng của người khác.

6.    Khi bạn tìm kiếm hạnh phúc trong những đối tượng vật chất thuần túy, thì vật chất chẳng bao giờ là đủ

cả. Hãy nhìn ra xung quanh. Hãy nhìn vào bên trong.

7.    Tôi là một điều kỳ diệu. Bạn cũng là một điều kỳ diệu của cuộc sống.

8.    Tôi biết chắc chắn rằng chừng nào bạn còn thở thì chừng ấy cuộc sống của bạn vẫn còn hy vọng.

9.    Tôi chưa bao giờ thực sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng. Hãy tin tôi đi, mất hy vọng còn tồi tệ hơn cả mất chân tay.

10.    Bạn và tôi không thể sống mà không có niềm tin, không thể sống mà không tin tưởng vào một điều gì đó.

11.    Nếu nỗi đau đớn, khổ sở của bạn là một gánh nặng, thì bạn hãy tìm đến để chia sẻ và xoa dịu nỗi

đau tương tự ở người khác và mang đến cho họ niềm hy vọng.

12.    Bạn không bao giờ có thể thay đổi được quá khứ của bạn, nhưng bạn có thể thay đổi tương lai!

13.    Tìm ra mục đích sống là bước quan trọng đầu tiên để sống một cuộc sống không giới hạn.

14.    Nơi nào có ý chí và có những con sóng, thì nơi đó có cách để lướt sóng!

15.    Bạn hãy luôn giữ ý nghĩ này: Không gì là không thể. Khi bạn cảm thấy mình thất bại và bị lấn át bởi 

một thách thức lớn, hãy tin rằng không gì là không thể.

16.    Đạt được lý tưởng không phải là đạt được sự hoàn hảo trong suốt cuộc đời bạn, mà là tìm kiếm sự hoàn hảo.

17.    Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình, nhưng bạn phải hành động để biến những giấc mơ ấy 

thành hiện thực.

18.    Tất cả những gì xảy ra với bạn sẽ định nghĩa con người bạn, định nghĩa cuộc sống của bạn nếu bạn

không hành động để định nghĩa chính mình.

19.    Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê.

20.    Phép màu tuyệt vời nhất là sự biến đổi từ bên trong con người chúng ta.

21.    Cuộc sống là nồi thịt hầm - Bạn là đôi đũa – hãy mạnh dạn khuấy nó lên.

22.    Nếu bạn luôn mong được quan tâm, thương hại chắc chắn sẽ dẫn tới bất hạnh - Nếu bạn mong

muốn được cho đi và giúp đỡ người khác chắc chắn sẽ có niềm vui, hạnh phúc bền lâu.

Thấy có ý kiến đáng chú ý là trong cuộc giao lưu giữa Nick và giới doanh nhân, người phiên dịch đã loại bỏ hẳn những gì Nick nói liên quan đến tôn giáo. Thì ra, thời buổi này có thể kiểm chúng thông tin bằng nhiều cách, kể cả mạng xã hội. Báo chí ta dịp này cũng có đưa nhiều trường hợp như Nick, nhưng liệu ta có một Nick tương tự không? Y nghĩ, sẽ có, nếu con người đó có một điểm tựa. Điểm tựa của Nick chính là tôn giáo. “Tôi là sự sáng tạo của Đấng Sáng Tạo, được sinh ra để thực hiện kế hoạch của Ngài. Nói như thế không có nghĩa là tôi không cần phải tự hoàn thiện mình. Tôi luôn cố gắng trở thành người tốt hơn để tôi có thể phụng sự Chúa và phục vụ thế giới tốt hơn”. Ngay từ lúc ý thức được thân phận của mình, anh đã có lúc muốn tự tử nhưng sao đó lại thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Trong tự truyện Sống cho điều ý nghĩa hơn, anh viết: “Qua thời gian, tôi tự nhận thức rằng Đấng Sáng tạo muốn tôi có mặt trên thế gian này trong tình trạng thiếu tứ chi không phải ngài muốn trừng phạt tôi. Thay vì thế, Ngài có một kế hoạch tuyệt vời dành cho tôi, một kế hoạch cho phép tôi trở thành người truyền cảm hứng và khích lệ tinh thần tất cả những người khác trên trái đất này. Nếu Đấng Sáng Sáng Tạo có thể chấp nhận một người không tay không chân như tôi và sử dụng tôi làm cánh tay và đôi chân của Ngài thì Ngài cũng có thể sử dụng bất cứ ai vì những mục đích cao cả tốt đẹp như thế”.

Sực nghĩ đến những vụ đánh bom khủng bố, khi người ta tự ý thức, tự giác việc làm của mình là phục vụ cho đấng tối cao, đấng vô hình, đấng thiêng liêng nào đó và cái chết của mình là được về với đấng tối cao ấy thì sẽ không một vũ khí nào có thể sánh nổi, kể cả bom nguyên tử. Lương tri loài người không chấp nhận khủng bố, bởi cái chết đó lại kéo theo quá nhiều cái chết khác. Đó là tội ác. Trở lại với Nick, y tin rằng những ai có được ý thức như anh thì sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu khác ngoài sức tưởng tượng của con người.

Rời phòng họp báo, ngoài ngồi sân tán phét với Trần Hoàng Nhân. Rồi về. Trưa, ngủ dậy, đọc lại mấy tài liệu về thiền sư Vạn Hạnh. Có mấy suy nghĩ: Thiền Uyển Tập Anh ghi thiền sư họ Nguyễn, có sách khác ghi họ Lý. Đọc kỹ sử sách, tôi quả quyết, thiền sư họ Lý và là cha đẻ của Lý Công Uẩn. Thiền sư Lý Khánh Văn là em ruột của ngài, vì thế ngày từ nhỏ Lý Công Uẩn đã được ngài Khánh Văn nuôi dạy. Những chuyện này, sử chưa quả quyết nhưng suy luận này là có cơ sở. Không phải ngẫu nhiên khi lên ngôi mà Lý Công Uẩn cho xây quá nhiều chùa chiền.

Sử còn ghi: “Năm 1010, sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ xây dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức; trong thành làm chùa Ngự Thiên, Ngũ Phượng; ngoại thành phía Nam dựng chùa Nghiêm Thắng; rồi trùng tu chùa quán ở các lộ…”.  Nhà sử học Lê Văn Hưu có lời bình mà nay đọc lại khiến ta vẫn còn phải suy nghĩ: “Thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc được chăng?”.

Liên hệ với thời cuộc, ta thấy gì?

Chiều trời mưa tầm tã. Giông tố thì ít mà ngao ngán, chán ngán thì nhiều. Chả ra làm sao. Tệ quá. Lại sực nhớ cái thuở, đêm đã khuya gõ cửa phòng trọ của Bùi Thanh Tuấn. Uống bia đến say mềm, rồi ngật ngầy ngật ngà đọc thơ Du Tử Lê đợi sáng…

Ngày nào cũng vậy. Mở mắt ra là đã thấy thời gian vùn vụt trôi qua. Vừa viết xong cái góp ý Dự thảo Nghị định về quy định chế độ nhuận bút trong lãnh vực xuất bản của Thủ tướng Chính phủ cho cơ quan, chẳng hào hứng gì.

Ông anh mình mới đi Ninh Bình về, có chụp một di tích liên quan đến danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đời người chỉ cần làm một Bạch Đằng giang phú là đủ, khi chết đi cũng chẳng gì phải tiếc tháng ngày rong ruổi tầm phào ở cõi tạm này:

Tiếng thơm còn mãi,

Bia miệng không mòn.

Đến chơi sông chừ ủ mặt,

Nhớ người xưa chừ lệ chan.

Rồi vừa đi vừa ca rằng:

"Sông Đằng một dải dài ghê,

Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.

Những người bất nghĩa tiêu vong,

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!"

Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:

"Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

Giặc tan muôn thuở thanh bình,

Bởi đâu thoát hiểm cốt mình đức cao

(Nguyễn Hữu Tiến - Bùi Văn Nguyên dịch)

Nghĩ cho cùng, trong đời người đàn ông chỉ có một người thương y nhất vẫn là mẹ y. Mỗi sáng, y đi làm mẹ y khóa cửa cẩn thận. Trưa y về có cơm và dù chiều tối y có vác xác đi đâu đến tận gà gáy sáng thì mẹ y vẫn không thở than một lời… Vậy mà có mấy nhà thơ dành nhiều thời gian viết về mẹ mình? Bây giờ trong lòng y rỗng không. Nén một tiếng thở dài, y chìm vào giấc ngủ. Lại một ngày tẻ nhạt trôi qua...

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15 bis.5.2103

 

Say mà chẳng là say

Lòng nhớ về Chị Đẹp

Quốc đúng là "dân chơi"

Nhưng "dân thường chơi đẹp

Lại đè bẹp dân chơi"


nhau-155

Từ trái (đứng): Giản Thanh Sơn. Trần Hoàng Nhân, Lưu Đình Triều. Ngô Kinh Luân, Trần Nhã Thụy, Phạm Thành  Long./ Từ trái (ngồi): Lê Minh Quốc, Lê Văn Nghĩa.

 

Câu thơ viết đùa thôi

Có cả Trần Nhã Thụy

Lại thêm Hồng Thanh Quang

Bất ngờ vừa tạt tới

Đời vui Lưu Đình Triều

Quốc chẳng gì vui mấy

Ngô Kinh Luân làm thơ

Những câu thơ rất mới

Quốc ngồi mong một người

Ấy là Chị Đẹp tới

Lòng cứ lại đìu hiu

Yêu nàng, Quốc  cứ đợi

Vui đi Trần Hoàng Nhân

Việc quái gì phải vội

Còn đây Phạm Thanh Long

Thì bia cứ rót tới

Vui nhé Giản Thanh Sơn

Đời sống không nghỉ ngợi

Chỉ tình bạn anh em

Hãy nhìn Lê Văn Nghĩa

Vẫn còn muốn ngồi thêm

Nhưng lòng lo bốn phía

Ngày sức khỏe đã mòn

Thì vui mà cà khịa

Vui đi Hà Đình Nguyên

Anh em vui là vậy

 

nhau-15.5.-21013

 

Lòng Quốc chỉ nỗi buồn

Chị Đẹp sao chẳng thấy

Đang viết lúc chưa say

Thấy đời vui biết mấy

Thấy đời buồn quá vậy

Vẫn muốn, muốn viết thêm

Say rồi, xin dừng lại

Ngoài sân trăng nhú lên

Yêu  NÀNG là mãi mãi


L.M.Q

(23g ngày 15. 5.2013)

tranhoang-nhabn

Từ trái: Giản Thanh Sơn, Ngô Kinh Luân, Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Hà Đình Nguyên, Lưu Đình Triều, Lê Văn Nghĩa, Trần Hoàng Nhân

 

hongthanh-quang-le--minh-quoc

Nhà thơ Hồng Thanh Quang & Lê Minh Quốc (ảnh: Trần Hoàng Nhân)

quocquangnhantrieu

Từ trái: Hồng Thanh Quang, Lê Minh Quốc, Trần Hoàng Nhân, Lưu Đình Triều

 

 

 

 

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.5.2013



bien-moi-ruouR2

"Anh hùng Tống Giang" nâng ly mời bạn bè lúc chưa kiêng cữ bia bọt


Người anh hùng Tống Giang của Lương Sơn Bạc văn nghệ sĩ Sài Gòn vừa đưa tay đầu hàng, với bia. Vâng, một giọt bia cũng không chạm tới. Ít phải 30 ngày kiêng cữ. Dăm năm trước, y đã viết về anh:

anh say trước mọi người
nhưng lại về sau cùng
anh không có gì cả
ngoài cô đơn sủi bọt
bàn tay nghiêng chai rót
sóng sánh ngoài thời gian

Những lúc chai cao ly thấp, chén cạn cốc đầy, ông thường nửa đùa nửa thật: “Phạm Duy viết câu này tặng tau”. Thời đó, bọn y mới lao nhao bước vào làng văn, nghe vậy, vội vàng hỏi tới tấp: “Câu gì? Câu gì?”. Ông tỉnh bơ cất giọng: “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em/Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên/… Đường về nhà em tối đen/ Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen… Mấy chữ “ốm yếu ho hen” là tặng tau chứ còn ai vô nữa?”. Ai nấy cười khà khà. Lập tức, ông bảo: “Chữ này mới là chữ vàng chữ ngọc nè: “Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng xuân sang/ Yêu phố vui, nhà gạch ngon”. Chữ “ngon” gọi là “nhãn tự”. “Nhãn tự” nghĩa là... Cứ thế ông giải thích và bọn y ngẫn tò te ngồi nghe. Lại lần khác ông bảo: “Câu này Phạm Duy cũng tặng tau”. Câu gì? “Người từ trăm năm về phai tóc nhuộm…”. Câu này hay ở chỗ “tóc nhuộm”. Hiện đại quá chừng. Nhìn bề ngoài tóc xanh, nhưng anh B lật bên trong đã thấy bạc trắng. Tóc y cũng đã bạc trắng rồi. Dấu chân chim đã hằn. Tóc nhuộm đã phai... .

Ngày hôm kia, anh nhắn tin mời bạn bè đến quán Đất Phương Nam. Anh đãi món khoái khẩu do chính tay vợ nấu là con dông Phan Rí. Vừa xào vừa nướng. Con dông là “nhân vật” quen thuộc trong truyện ngắn của anh.

Đoàn Thạch Biền lại hay, sau khi về hưu hầu như anh không viết thêm gì mới, mỗi năm chừng một hai truyện ngắn là cùng. Anh bảo: "Viết không hay hơn trước, viết làm gì?". Biết dừng là hợp đạo. Nhưng than ôi, có phải ai cũng được như thế đâu. Họ phải viết để duy trì sinh kế, dù đã già, đã hết xí quách. Trong các nghề, viết là nghề khó khọc. Khó nhọc nhất là lúc không thể "vượt lên chính mình" mà họ cũng phải viết. Viết như đã tằm thì phải nhả tơ đến kiệt cùng thân xác.

Ông Sơn Nam có lần tâm sự: "Nếu ngồi nhà mà hái ra tiền thì chẳng ai đi ra ngoài đường làm gì". Y ngẫm nghĩ thêm, nếu không lo toan về sinh kế, được ngồi nhà viết những gì mình thích thì sung sướng biết bao nhiêu. Viết là cái thú ở đời với nhiều người, nhưng viết để kiếm sống thì cực nhọc quá. Văn chương thời 1932-1945, nhà văn Ngô Tất Tố bùi ngùi: “Ở xứ An Nam ta chính cái nghèo là trường học đào tạo nên các nhà văn”. Có thể hiểu, lớp nhà văn ấy, họ viết trước hết nhằm giải quyết cho sự mưu sinh trước khi muốn gửi một “thông điệp” cao cả nào đó đến bạn đọc. Ngày nay, đã khác. Đã có một thế hệ viết nào phải vì tiền. Bằng chứng, có những người xinh đẹp, giàu có, nói ngoại ngữ giòn như bắp rang, một bước lên xe hơi đời mới, thu nhập tiền USD nhưng họ vẫn viết văn. Với họ, viết để chơi. Chơi một cách sang trọng chứ không chăm bẳm kiếm sống từ tác phẩm của mình. Viết chỉ để giải bày tâm sự và ghi lại cảm xúc của mình. Điều này, ta có thể thấy rõ trên các trang mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều blogger. Và không ít bài viết có chất lượng của họ đã được tuyển in thành sách. Mục đích viết văn mỗi thời mỗi khác. Cũng là lẽ tất nhiên.

Lúc ngồi khề khà bên bàn nhậu, anh bảo: “Học trò của tao nuôi dông, nó nói con dông rất háu ăn. Khi đẻ con, nếu đói, chúng cũng xơi tuốt. Vì thế, người nuôi phải biết đem lũ dông mới đẻ qua chỗ khác”. Chi tiết này hay.

Nhà văn? Y nghĩ phải biết nghe, chọn lọc cái đắc địa nhất và nhớ; phải biết quan sát. Có người chỉ nhìn mà không thấy, bởi họ không biết quan sát. Anh lại bảo: “Trong một tháng không bia bọt sẽ sắp xếp lại tủ sách; sẽ cho Q một vài tạp chí trước 1975”. Nghe mừng rơn. Rồi ai cũng có lúc phải thế thôi, cữ bia. Bởi anh bị “gout”. Hỏi nhiều người bị, câu trả lời có mẫu số chung là ăn nhiều nội tạng động vật.

Ngày trước viết hồi ký cho tướng Trần Độ, ông có kể, lúc ở tù của đế quốc, sung sướng nhất là được ăn những thứ này, vì lấy lại sức khỏe rất nhanh. Về vụ hồi ký Trần Độ, sau y bỏ nửa chừng, dù có giữ một loạt băng cassette ghi âm. Trong đó ông có kể lại chi tiết hay về Cụ Hồ thời đánh nhau ở Điện Biên Phủ. Lần nọ, cả đoàn quân đang đi bỗng Cụ hô dõng dạc hô khẩu lệnh: “Tất cả: Dừng! Bên trái: Quay!”. Cả đội hình thực hiện theo răm rắp. Mệnh lệnh kế tiếp là gì? Ông Cụ lại hô: “Đái!”. Xong xuôi mọi việc, cả đoàn lại hành quân. Chi tiết này y tin là thật và cũng thú vị nữa. Rất đời.

Mấy hôm nay vui vui vì bạn bè có sách mới. Thời buổi này, nhà văn vẫn thiệt thòi bởi họ không thể biết số lượng in thực bao nhiêu và tái bản bao nhiêu lần? Thông thường NXB hoặc tư nhân liên kết làm sách chỉ ghi 1.000 hoặc 2.000 bản, như thế giảm được chi phí trả nhuận bút cho nhà văn và đóng thuế nhà nước. Khi có sách, nhà văn chỉ nhận tiền lần một rồi sau đó sách mình như thế nào thì chịu. Có tái bản hoặc không cũng chịu bởi quy trình in và phát hành khép kín. Nhà văn muốn bỏ tiền ra in ư? Lại không thể phát hành được. Cái khó là chỗ đó.

Mà, in thơ lại càng khó hơn nữa. Ai nhận phát hành? Hôm nọ trong đám cưới con trai Xuân Thái. Gặp nhiều người quen. Bạn bè cũ. Gặp Trương Nam Hương nói về chuyện thơ. H cho biết đã chuẩn bị bản thảo in tập thơ. Đã xong. Nhưng cuối cùng xếp vào ngăn kéo vì in để làm gì? Đúng quá, in thơ để làm gì nhỉ? Thời buổi này, không còn một NXB nào đưa thơ vào kế hoạch A, nghĩa là họ đầu tư vốn. Hầu hết là kế hoạch B, tác giả phải lo từ A đến Z. Ấy thế, Cuộc thi thơ trên Facebook vẫn rầm rộ, thiên hạ vẫn ồ ạt post thơ từng giờ cứ như thời năm 1972 bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên Hà Nội.

Khiếp!

Mấy hôm nay lại viết linh tinh. Hôm qua đã cày xong bài phản bác lại quan niệm “Có chồng phải gánh giang san nhà chồng” cho DDVN số tháng 6.

Chia tay anh hùng Tống Giang, rời khỏi Đất Phương Nam về nhà, mẹ cho biết là mối mọt kéo vào tủ quần áo. May phát hiện được. Loay hoay cả đêm. Sáng, ghét quá, chuyển quách luôn cái tủ. Trưa PV của DDVN đến chụp tranh Q đã viết nhằm dự trữ minh họa cho bài viết của Q. Tối qua, lếch thếch chằng biết ăn gì. Ở Sài Gòn tìm một chỗ ăn ưng ý chẳng dễ dàng chút nào. Lên giường ngủ nằm đọc lại tap chí Tin Văn mới biết làm báo trước 1975 hào hứng thật. Bây giờ ư? Đừng hòng. Với tay lấy tờ An ninh thế giới số cuối tháng, đọc bài của Ngô Trí Minh, đoạn đầu có 4 câu thơ:

“Em mòn câu hát cũ

Anh đã vẹt dấu giày

Tìm nhau bằng ký ức

Không mưa mà ướt tay”

(N.K.L – thân tặng B.V.H)

Không lẽ là của Ngô Kinh Luân? Thơ hay ra phết đấy chứ.

Mấy hôm nay vui vui vì bạn bè có sách mới. Thời buổi này, nhà văn vẫn thiệt thòi bởi họ không thể biết số lượng in thực bao nhiêu và tái bản bao nhiêu lần? Thông thường NXB hoặc tư nhân liên kết làm sách chỉ ghi 1.000 hoặc 2.000 bản, như thế giảm được chi phí trả nhuận bút cho nhà văn và đóng thuế nhà nước. Khi có sách, nhà văn chỉ nhận tiền lần một rồi sau đó sách mình như thế nào thì chịu. Có tái bản hoặc không cũng chịu bởi quy trình in và phát hành khép kín. Nhà văn muốn bỏ tiền ra in ư? Lại không thể phát hành được. Cái khó là chỗ đó.

Trần Nhã Thụy vừa nhắn tin cho biết là vụ làm tập sách Không gian tiệm nước, O chỉ tài trợ một phần, còn lại là Thụy và Ngô Liêm Khoan. Sáng nay, vẫn phở bà Dậu.  Q và Trần Hoàng Nhân đã đưa kế hoạch làm bìa cho tập sách của cuộc thi thơ trên Facebook. Liên điện thoại đòi kịch bản truyện tranh. Chưa viết xong. Thiện NXB Trẻ đề nghị làm lại bộ Hỏi đáp Sài Gòn - TP.HCM. Sắp kỷ niệm sinh nhật báo PN. Trời mấy chục năm Q đã làm việc tại đây. Nhanh ơi là nhanh.

Chiều nay nhậu Việt Phố bởi có người tặng Giản Thanh Sơn 4 ký thịt bò Mỹ. Vẫn là vài gương mặt cũ. Vừa viết xong bài đọc sách tập sách truyện ngắn Đất tụ long của NXB Trẻ và báo Văn Nghệ in. Tập này hay. Đáng đọc.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.5.2013

 

Đêm qua, ăn lẫu mắm ngon ghê. Sương bảo, phải có hai loại mắm. Trong đó có mắm cá linh. Sực nhớ, mỗi lần thèm ăn mắm này là bạn thơ Huỳnh Thúy Kiều lại gửi lên, qua đường xe đò Cà Mau - Sài Gòn. Dễ thương ghê. Trần Hoàng Nhân đem đến một chai rượu đỏ, Chị Đẹp lại một chai nữa. Vậy là vài anh em có buổi tối năm ngon, trò chuyện vui vẽ trong căn nhà mà mình đã vẽ và ngồi viết ở đó.

Hôm qua ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật, thứ bảy là hai ngày sung sướng nhất vì hoàn toàn làm chủ thời gian, làm gì cũng tùy theo sở thích. Hôm qua, ngồi trên vi tính từ 10 g đến 14 g viết loạt bài về gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ, cả thảy 4.1888 chữ. Sở dĩ viết nhanh vì:

1. Khi viết chỉ nghĩ về tình bạn với L.K.T. Bạn vui là mình vui. Được in, nhiều người đọc hơn và cũng có nhuận bút.

2. Chuẩn bị tư liệu chu đáo. Trong lúc tìm tài liệu lại tìm thấy bài viết của mình phỏng vấn L.K.T "Em gái Lưu Quang Vũ nghĩ gì về anh mình?" in báo PN TP.HCM 25.5.1994. Bài viết này thực hiện lúc ra HN dự Đại hội nhà văn trẻ. Thoáng đó mà bé Tún đã có chồng. Nhanh thật.

 

quoc-phong-van-LKT

 

 

Khi ra nước ngoài, người ta sẽ thấy câu: “Chỗ quê hương đẹp hơn cả” không còn đúng nữa. Đẹp trong ngữ cảnh của Quốc văn giáo khoa thư còn hiểu theo nghĩa của tâm linh, nơi chôn nhau cắt rốn… Thế nhưng khái niệm đó trong “thế giới phẳng” không còn là một rào cản như thế kỷ trước. Nếu chúng ta không cải thiện để hoàn thiện về giáo dục, y tế, luật pháp thì chắc chắn ngày càng nhiều người “hướng ngoại”.

Chưa bao giờ ở Việt Nam ta sự chênh lệch giàu nghèo đã tạo một hố sâu ngăn cách như hiện nay; chưa bao giờ sự cách biệt thành thị với nông thôn/ vùng sâu/ vùng xa/ vùng núi lại “một trời một vực” như hiện nay. Chúng ta thiếu một tổng chỉ huy, một công trình sư nhằm điều phối phúc lợi trong công cuộc cải thiện đời sống dân sinh giữa nông thôn và thành thị.

Nguyễn Huy Thiệp có truyện ngắn Không có vua. Nói thế thôi, không thể một ngày không có vua. Thử hỏi, mỗi một ngày, vua phải dựa vào cái gì? Lại đọc lỗ mổ quyển Khổng Tử (bản in năm 2006 - NXB VHTT, tr.170) của Nguyễn Hiến Lê: "Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: "Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền". Tử Cống hỏi thêm: "Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ binh bị". Tử Cống lại hỏi: "Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ (dân vô tín bất lập)". Lời dạy của Khổng Tử “gút lại”, chỉ vỏn vẹn ba từ: “Dựa vào dân”.

Trong biến động của đời sống với quá nhiều quái dị, dị hợm vẫn chưa có một nhân vật điển hình tầm cỡ như Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ… Nhân vật điển hình của thời chúng ta đang sống vẫn chưa ra đời. Tại sao? Nhà văn chúng ta thiếu cái gì? Tài năng? Bản lĩnh chính trị? Trách nhiệm công dân? Đã có lần y phát biểu, những bài thơ hay nhất của các nhà thơ hiện nay vẫn là những bài thơ còn nằm trong sổ tay. Chưa công bố. Thơ Chế Lan Viên sau 1975, những bài thơ hay nhất, tâm huyết nhất vẫn là tập thơ Di cảo.

Đọc lại Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nay vẫn còn thấy đúng, thời sự và sâu sắc. Chúng ta luôn sợ một cái sợ vô hình nên ngòi bút phải uốn éo. Nguyễn Minh Châu viết: “Có lúc - nói ra thật lẩm cẩm - tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây! (…) Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này - buồn thay - các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm”…

Ngày lại ngày. Ngày nào cũng có chuyện nhố nhăng trên mặt báo. Nhờ thế, có cái vui để cười chơi. Gần đây nhất là vụ Lý Nhã Kỳ chụp ảnh chung với tổ lái lúc máy bay made in Việt Nam đang lượn trên vòm trời. Thật ra về nhân vật L.N.K trước đó báo chí đã can ngăn Bộ VHTT & DL là không nên chọn làm Đại sứ du lịch, y cũng viết một bài cho báo PL TP.HCM. Sự việc trên và nhiều sự việc khác đang diễn ra khiến y nhớ đến thi sĩ Tản Đà. Một thi sĩ say sưa suốt ngày, khoái ăn ngon, xưng “trích tiên” nhưng lại viết được câu thơ rất thời sự, mấy chục năm qua vẫn còn thời sự và vài thập kỷ nữa vẫn là thời sự:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

Còn y? Cả đời mình lặn ngụp trong thời sự mà câu thơ lại phiêu dạt đâu đó tít tận mây xanh. Chán y thật.

Trưa nay nằm đọc tập thơ Những cánh tay sưa. Bản thảo tập này, mình tuyển chọn giúp cho anh em. "Sưa" chứ không phải "xưa". Sưa là một loại cây quen thuộc ổ Tam Kỳ (Quảng Nam). Tập thơ này hầu hết anh em là dân Tam Kỳ: Trường Vũ  Thiên An, Phan Chín, Nguyễn Ngọc Chương, Phương Dung, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Bá Hòa, Phạm Phú Hưng, Phạm Hồ Lưu, Huỳnh Trương Phát, Lê Minh Quốc, Nguyễn Tấn Sĩ, Phan Thanh, Phú Thiện, Phạm Thông, Vũ Khắc Tĩnh.

Trưa đi làm về, nhận được tín nhắn của Huỳnh Thúy Kiều: "Em gửi mắm cá linh cho anh".

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.5.2103

 

Đi ăn phở là về nhà, viết  một lèo đến 14 g, nghỉ ăn trưa rồi ngủ. Thức dậy đọc Nhà văn qua hồi ức người thân, đọc bài viết về gia đình Lưu Quang Vũ. Cảm động quá. Phải viết cái gì chăng? Hy vọng sáng mai. 16g bắt đầu dọn dẹp tủ sách.

Trước đây nhà văn Lê Văn Nghĩa tâm sự tếu táo: “Nhà mình nhiều sách, nhưng để tìm một quyển sách, biết chắc chắn có nhưng cách tốt nhất là ra tiệm sách mua ngay quyển sách mới cho đỡ mất thời gian tìm kiếm”. Q nay cũng thế thôi. Trước còn sắp xếp ngăn nắp. Nay chịu chết. Dù nhiều sách nhưng Q vẫn giữ thói quen hay la cà trong các nhà sách cũ, dù chẳng có nhu cầu mua gì nhưng cũng thích ngắm nghía các bìa sách. Loay hoay hết một ngày. Tìm trong sách của mình có quyển sách giáo khoa Le livre unique de Francais in năm 1935 tại Hà Nội. Điều khiến thích thú nhất, dù bài học là chữ Pháp nhưng các tranh vẽ đều là phong cảnh thiên nhiên, con người Việt Nam. Tranh vẽ tuyệt đẹp. Chẳng rõ của họa sĩ nào?

 

don-bien-phong-Co-ba

Nhà báo Lưu Đình Triều (3.2013)

Hôm kia đã email bài cho nhà văn Ngô Thảo, hưởng ứng bài viết cho tập sách đang thực hiện về nhà thơ Thu Bồn. Q thích khi viết câu này: “Với hai thi sĩ nổi tiếng và là niềm tự hào của Quảng Nam, tôi không rõ từ đâu, lâu nay trong lúc trà dư tửu hậu thiên hạ thường bảo rằng mấy câu lục bát nhảm nhí, lảm nhảm rẻ tiền này là của Bùi Giáng “trêu” Thu Bồn, đại loại: “Thu Vân ngồi cạnh Thu Bồn”. Nói như thế, tin như thế là ngốc nghếch và cũng chỉ là suy nghĩ của những kẻ tầm thường khi léng phéng đến với đến thơ, mon men bước gần những thi sĩ chân tài như Bùi Giáng, Thu Bồn...”.

Chiều, lại qua ăn tối với Chị Đẹp. Xem phim truyền hình. Lại nghe hứa hẹn là chiều mai có lẫu mắm. Mai hết detox đấy nhé. Vào facebook thấy Tẹo post tấm hình chụp tại Hội nghị khách hàng Hitachi. Vui. Đã chuẩn bị cho Tẹo một mớ sách đem về Đà Nẵng.

Mấy hôm nay trời cứ mưa lai rai. Thiên hạ bàn nhau nhiều về chuyện dịch sai các tác phẩm văn học nước ngoài, Q rất lưu ý đến phát biểu của dịch giả Trịnh Lữ trong tọa đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản ngày 8.5.2013 tại Hà Nội:  “Thay vì dịch phóng tác và Việt hóa mạnh mẽ như thời gian đầu (dịch cả tên riêng nước ngoài ra tiếng Việt cho người đọc thấy quen thuộc), dịch thuật Việt Nam hiện nay đang làm một việc là mang chất ngoại lai toàn cầu đến với người đọc trong nước, và đó là một cách làm đúng đắn, bởi nó sẽ góp phần làm giàu ngôn ngữ Việt”.

Nhớ ngày trước trước trò chuyện với nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, theo ông với những danh từ riêng thì đừng bao giờ dịch ra theo âm tiếng Việt. Ông nói: “Vấn đề người bản ngữ có đọc dễ hay không thì không nên đặt ra, vì không ai đòi hỏi họ đọc đúng. Vả lại làm sao đọc đúng được tất cả các tên riêng của mấy trăm thứ tiếng?... Đã biết được điều đó, thì tốt nhất là hy sinh cách đọc để ít ra cũng được cách viết. Vả lại vấn đề đặt ra ở đây là “nên viết như thế nào”, chứ không phải là “nên đọc như thế nào”. Tên Reagan mà trước đây các báo phiên là Rigân, nếu có ai cứ đánh vần ra mà đọc “Re - a - gan” chẳng hạn, thì cũng chẳng hại gì hơn. Một đằng không biết phải đọc như thế nào, phải hỏi người khác; một đằng thì nắm chắc 80% là đọc sai - và có lẽ là vĩnh viễn đọc sai - đằng nào hơn?"

Ông Hạo cực giỏi ngoại ngữ. Có lần I kể, do quá nhiều công việc nên vào thời điểm ấy I không muốn nghe bất kỳ một cuộc điện thoại nào của người Việt gọi tới, dù họ nói tiếng Nga hay Việt cũng vậy. Lúc ấy, sang Nga, ông Hạo gọi cho I, nghe máy điện thoại lập tức con gái của I gọi: "Mẹ ơi! Có người nào gọi nè". Đứa trẻ ấy đã được mẹ dặn là hễ người Việt gọi tới thì cứ bảo mẹ đã đi vắng. Nghe gọi nói của ông Hạo, nó chắc bẫm là người Nga!

Chiều nhận được email nhà báo Lưu Đình Triều gửi tấm ảnh mà anh chụp ở đồn biên phóng Cô Ba (Cao Bằng) - minh họa cho loạt bài Bút ký Biên giới phía Bắc post luôn vào nhật ký hôm nay.

Khi viết những dòng này, nhận được email nguyên văn như sau: “Con chào chú Quốc!!, con là sinh viên trường Nhân Văn TP HCM, con đang học môn Lịch sử giáo dục Việt Nam. Trong chương trình con học có phần về "việc học của học sinh thời xưa (phong kiên)  ", chúng con có tìm rất nhiều nguồn tài liệu nói về việc học của học trò ngày xưa, thầy dạy con kêu là về tìm bài viết của chú!!!nhưng tụi con tìm mãi mà không thấy hic.... nên con gửi mail hỏi chú về bài viết này của chú!! (con tìm hết trang web của chú luôn rồi mà không thấy) mong nhận được hồi âm của chú!! Trần Thị Mỹ Hạnh.GDK11. Thân!!!!!!!!!”

Không biết nên cười hay mếu đây?

Ngao ngán thật!

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.5.2103

 

Trong vài ngày gần đây nhận được nhiều sách biếu. Có lẽ khó đọc hết. Đọc sách, chẳng gì phải vội. Có những quyển sách đã mua, được tặng nhưng có khi vài tháng sau người ta mới đọc. Vội gì.

Sáng qua nhà sách của Cứ chơi. Cứ lại cho thêm mấy quyền sách nữa, về Đà Nẵng. Gặp anh bạn thơ P.C.S - phụ việc cho Cứ, anh tâm sự sắp làm tập sách gồm các bài viết về nhà văn Võ Hồng. Q xem qua bản thảo, chỉ thấy các bài phỏng vấn, nhận định về nhà văn Võ Hồng sau 1975 bèn nói: “Q đang giữ số tạp chí Văn đặc biệt về Võ Hồng. Nếu in luôn những bài này thì tập sách sẽ tốt hơn, đầy đủ hơn và bạn đọc sẽ có được cái nhìn về Võ Hồng toàn diện hơn. Muốn vậy thì nói Cứ trả tiền để Q photo cho”.

 

ve-van-SAIGON_Option1

 

P.C.S không đồng ý và nói đây là sách làm việc nghĩa.

Ủa! Thế con người ta bỏ tiền ra mua tư liệu, gìn giữ nó và khi anh cần anh lại bảo cho không vì làm việc nghĩa? Đừng quên, ngay cả anh vào thư viện nhà nước mượn sách đọc cũng phải đóng tiền làm thẻ kia mà.

Chẳng lẽ, vì việc nghĩa mà ta có quyền gom in tất tần tật bài việc của người khác rồi bán? Thế còn bản quyền của các tác giả đó thì sao? Sự nhập nhằng này trong giới làm sách đang phổ biến. Cứ nhân danh cái này cái kia để lờ luôn tác quyền người khác. Mà sự nhân danh gì, dù làm việc nghĩa đi nữa thì đích đến cuối cùng cũng là kinh doanh đấy thôi.

Nghĩ mà chán!

Chiều trời mưa. Đã viết xong bài cho tạp chí DDVN; sáng mai "cày" cho tạp chí TGPN nữa. Vừa đọc lại bài Q viết đã in trên DDVN số 5 và Mực Tím số đặc biệt vừa phát hành.

Có một điều thú vị chẳng rõ có ai để ý không? Q cảm nhận rằng:

Chỉ vài tháng trở lại đây, trên thị trường sách đã có những ấn phẩm lấy địa danh Sài Gòn làm tựa. Ta có thể kể đến Sài Gòn dậy mà đi (Lê Văn Nuôi), Ăn vặt Sài Gòn (Chu Thị Hồng Anh - Trần Việt Đức); Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Người tình Sài Gòn (Linh Lê), Sài Gòn đi và nhớ của Nguyễn Ngọc Hà và trong tháng 4.2013, Tủ sách Tuổi Trẻ của báo Tuổi Trẻ sẽ ấn hành thêm tập sách khác là Ve vãn Sài Gòn của tác giả Chị Đẹp v.v… Mỗi người chọn cho mình một phong cách viết khác nhau nhằm thể hiện tình yêu dành cho vùng đất khá đặc trưng: “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về” (Diệp Minh Tuyền).

 

ve-van-SAIGON1

Với Lê Văn Nuôi, anh đã khắc họa được tính cách cụ thể của một thế hệ thanh niên mà nhà văn Sơn Nam đã khái quát qua chuyên luận Người Sài Gòn. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà cũng sinh ra tại Sài Gòn nên hầu như các tùy bút của chị đều xoay quanh với những kỷ niệm của thời niên thiếu. Đó là những Sài Gòn cà phê, Passage Eden, Bò bía- bánh tráng trộn Sài Gòn,  Chợ Nancy, Nhà chú Hỏa v.v… Dù sống từng ngày tại Sài Gòn, nhưng sự thay đổi nhanh chóng để rồi một ngày nọ, chị chợt nhận ra: “Giờ ngôi chợ Nancy không còn nữa, tôi như mất người bạn. Sống gần bạn, thỉnh thoảng đi ngang bạn, lại không được thấy bạn lần cuối”. Với nhà văn Linh Lê: “Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”; Phạm Hà Phú lại là: “Sài Gòn là mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nghĩ về Sài Gòn mà lại chẳng biết viết gì, nói gì về nó. Nó lạ kỳ đến nỗi người ta luôn nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó…”.

Khi đọc những trang viết này, chúng ta thấy hiện lên một Sài Gòn của ngày Hôm qua và thấp thoáng đâu đó Sài Gòn của Hôm nay. Tuy nhiên, những cảm nhận ấy chỉ mới dừng lại bề ngoài, hơn là đi sâu vào “hồn vía” của một thành phố trẻ chỉ mới ngoài 300 năm tuổi.

Nhắc lại kỷ niệm xa xưa để gợi nhớ là cần thiết, nhưng bạn đọc vẫn thấy thiếu hình ảnh của một Sài Gòn đang đổi mới. Có thể nói, những nét đẹp và mới trong kiến trúc đô thị, phố xá, những con đường mới mở, cầu mới xây dựng v.v… vẫn chưa được “cập nhật” nhiều. Sài Gòn hôm nay đã khác với câu nói phổ thông ngày trước: “Ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1, trấn lột quận 4” mà thay da đổi thịt từng ngày. Khác như thế nào, các trang viết vẫn chưa chạm đến được chiều sâu. Hoặc nếu có đề cập đến, cũng chỉ mới dừng lại quan sát, hơn là phân tích, khắc họa sâu hơn về đặc trưng của tính cách, không gian đô thị, cảnh quan… mang dấu ấn Sài Gòn.

Đòi hỏi ngày càng có nhiều tác phẩm viết về sâu hơn, hay hơn về Sài Gòn là cần thiết. Đôi khi tôi tự hỏi, khi người nước ngoài biết đến Sài Gòn qua tác phẩm văn học nào của chúng ta? Khoan vội trả lời, ta thử suy nghĩ, vì sao năm 2002 đạo diễn Phillip Noyce chọn Người Mỹ trầm lặng của nhà văn Anh Graham Greene để tái hiện lại Sài Gòn của thập niên 1950? Tại sao mỗi lần đi ngang qua khách sạn Continental ta lại nhớ đến nhân vật Phượng qua ngòi bút của Graham Greene?

 

ve-van-SAIGON_Option2

So với Hà Nội, Huế… đến nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn. Khi yêu một thành phố mà ta đang sống là bao giờ ta cũng muốn sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố ấy. Để hiểu và thêm yêu Sài Gòn, công chúng cần có nhiều hơn nữa tác phẩm viết về vùng đất này. Sự “trỗi dậy” của địa danh Sài Gòn trong các tập sách gần đây ít nhiều cho thấy sức hấp dẫn, quyến rũ của một thành phố trẻ Sài Gòn và bản thân Sài Gòn đủ sức tạo cảm hứng cho mọi người.

Nhân đây post mẫu bài sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Mẫu bìa này cuối cùng đã thay đổi. Một mẫu bài khác. không rõ sách có ra kịp trước ngày tác giả về nghỉ hè ở Mỹ không?

Ngày mai thứ bảy rồi. Một tuần qua chóng vánh quá. Những vòm me vẫn còn nõn xanh lá biếc trên nền trời…

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.5.2013

 

Đêm qua tung tăng với Váy ơi là váy. Mừng bạn vừa có tập tập mới phát hành. Chỉ vài người. Bia rót lênh láng lên trời xanh. Ngồi nói chuyện linh tinh. Hỏi, chọn lấy mỗi một chữ trong cuộc vận hành của vũ trụ này, bạn chọn lấy chữ gì? Q chọn chữ Duyên. Trần Nhã Thụy chọn chữ Thương. Nghe bạn nói vậy, lúc ấy Q sực nhớ loáng thoáng đến câu thơ của Lưu Trọng Lư:

 

photobanbe

Từ phải: Nhà báo Trần Hoàng Nhân, Lê Minh Quốc, Ngô Kinh Luân, Trần Nhã Thụy và Oanh

 

Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ

Vì thương người lắm, mới say thơ

Phên thưa đã có bàn tay đỡ

Đêm lạnh, phăng lần những mối tơ


Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương

Chao ôi! Thiên lý một con đường

Đi trong trời đất từ duyên ấy

Sớm tối không rời một chữ thương


Sau này, Q thường gặp Lưu Trọng Văn, con trai của nhà thơ Tiếng thu. Có câu chuyện như sau, chuyện này kể lại ngắn gọn, vắt tắt thôi, xẩy ra vào năm 2004. Nhớ vì bấy giờ cả nước đang kỷ niệm rầm rộ 50 năm chiến trắng Điện Biên Phủ. Anh em kéo nhau vào quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn, bấy giờ, đối diện là nhà hàng karaoke Dân Ca. Lúc nhậu, anh Văn cao hứng kể lại chuyến đi giang hồ qua các tỉnh miền Bắc mà sau đó anh có viết nhiều bài báo. Những bài báo này hấp dẫn bạn đọc là do anh quan sát tận nơi và suy luận. Chẳng hạn, khi đến Hoa Lư nhà Đinh, anh quả quyết vụ Đỗ Thích giết cha con vua Đinh, với cấu trúc xây dựng cung đình như thế này, như thế kia thì không thể dẫn đến chi tiết như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép:  "Khi ấy việc bắt hung thủ rất ngặt. Thích trốn nép trên máng nước trong cung, qua ba ngày, khi gặp trời mưa lấy tay hứng nước để uống, cung nữ trông thấy báo với Định Quốc Công Nguyễn Bặc. Bặt sai người bắt đem chém, đập nát xương và băm thịt ra...".

Rồi anh lại gật gù, tỏ ra hoài nghi về một vài nhân vật không có thật, bằng chứng là khi đến tận nơi bia mộ, anh không tìm ra được những thông tin cần thiết v.v...

Nói trong lúc nhậu là nói chơi, nói giỡn và cũng có khi người ta nói để mà nói, hoặc cố tình nói sai lệch vấn đề nào đó đặng tranh luận khoái khẩu.Thông thường người say lại hay nói thật.

Câu chuyện của chúng tôi chỉ bàn luận về sử sách, và phản biện về một vài điều  mà lâu nay người ta vẫn  tin cũng không ngoài mục đích làm sáng tỏ vấn đề đang quan tâm. Ấy thế mà lập tức có người mặc thường phục, ngồi bàn phía bên kia, cũng ngà ngà say, bước đến và... đặt khẩu súng K.54 lên bàn, gằn giọng: "Tao là dân Củ Chi, cha mẹ tao bị xe xe tăng Mỹ cán chết. Tao là con liệt sĩ, đi đánh Mỹ từ năm mười tuổi. Mày có dám nói lại những gì mày vừa nói không?". Nhìn thấy khẩu súng thép, chúng tôi lạnh người. Nào ngờ, anh Văn vẫn cứng cõi: "Sao lại không? Chúng tôi đang bàn về học thuật, về nghiên cứu lịch sử, mời anh bước ra chỗ khác". Tất nhiên, người này không đi và vẫn đứng đôi co: "Mày con ai mà mày dám nói linh tinh?". Anh Văn ưỡn ngực: "Tôi, con của nhà thơ Lưu Trọng Lư".

May quá, lúc bấy giờ có một chị phụ nữ bước đến bàn chúng tôi và nói: "Tôi mê thơ Lưu Trọng Lư" và đẩy anh chàng kia quay về. Không ngờ chị dành cho bàn nhậu của bọn tôi nhiều thiện cảm. Lúc ấy, nhà báo Lưu Đình Triều nhận ra chị, đó là nữ anh hùng lực lượng vũ trang và cũng là nhân vật chính của vở kịch nổi tiếng Khách sạn hào hoa. Nhờ đó, mọi việc có vẻ lắng dịu. Nhưng giây lát sau anh chàng nay vẫn lò dò bước qua, vẫn đằng đằng sát khi như muốn "ăn thua đủ" nhưng sau khi nghe chị ấy nói thì thầm gì đó, anh ta thay đổi thái độ và tỏ ra muốn xin lỗi anh Văn và bọn tôi. Có thể tin sự phục thiện tắp lự của người đang say không? Chắc là không? Dần dà chúng tôi tìm cách rút êm, kéo nhau qua karaoke Dân Ca hát hò cho nhẹ cái đầu... Về sau, trong một cuộc họp khác tôi có gặp lại chị phụ nữ này, chị tỏ ra lấy làm tiếc vì thái độ của "lính" dưới quyền chị trong bữa nhậu hôm ấy.

Nhậu chỗ đông người mà bàn chuyện nghiêm túc hoặc đùa cợt cũng dễ gây hiểu nhầm. Vậy chẳng lẽ nhậu là ngồi câm như hến? Q chúa ghét những ai ngồi nhậu chung mà chẳng há mồm ra nói một câu gì! Chán.

Khi nào tìm ra bài viết về nhà Lưu niệm Lưu Trọng Lư thì sẽ post lên trang web này. Bài đó, viết khi qua chơi nhà Lưu Trọng Văn và Q có tặng một vài tác phẩm của Lưu Trọng Lư in trước năm 1975 tại miền Nam.

Sáng đi ký nhuận bút. Tính ra mỗi chữ được trả đúng 1 ngàn đồng. Như vậy là nhiều hay ít?

Tập Váy ơi là váy đọc thú vị, Ngô Kinh Luân cũng nhận xét như vậy. Trần Hoàng Nhân ký Y Choang Trần viết bạt và Q viết Tựa. Ngồi chung mới nhớ Oanh là người trước đây đã nhờ Thụy thực hiện tập sách Không gian tiệm nước, gồm những tạp bút, tùy bút về Sài Gòn. Hôm ra mắt ở Văn Thánh, Q làm MC giới thiệu. Vui.

Lúc ra về, trên nền trời đã tối đen và sực nhớ đến công việc của ngày mai. Ngày mai lại ngồi vào bàn viết. Không viết lấy gì ra tiền? Khổ thế.

 

L.M.Q

 

 


Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.5.2013

 

Hôm qua, đám cưới con trai Xuân Thái. MC Thanh Bạch hỏi chú rể: "Lần đầu tiên gặp, em đã tỏ tình như thế nào?". Trả lời: "Anh yêu em hơn cả nhịp đập của trái trái tin anh". Hỏi cô dâu: "Lúc ấy, em có cảm tưởng ra sao?". Trả lời: "Em bảo, anh nói điêu. Nay mới biết lời tỏ tình ấy là thật". Gặp nhiều người quen. Bạn bè cũ. Gặp Trương Nam Hương nói về chuyện thơ. H cho biết đã chuẩn bị bản thảo in tập thơ. Đã xong. Nhưng cuối cùng xếp vào ngăn kéo vì in để làm gì? Đúng quá, in thơ để làm gì nhỉ? Thời buổi này, không còn một NXB nào đưa thơ vào kế hoạch A, nghĩa là họ đầu tư vốn. Hầu hết là kế hoạch B, tác giả phải lo từ A đến Z. Cuộc thi thơ trên Facebook vẩn rầm rộ, thiên hạ vẫn ồ ạt post thơ từng giờ cứ như thời năm 1972 bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên Hà Nội.

Khiếp!

 

2-tap-tho-be-ban

 

Khuya về với Lưu Đình Triều, ghé lại quán Nhánh lan rừng theo lời mời của chủ quán là nhạc sĩ Thế Hiển. Hát với nhau. Loe ngoe vài người khách. Sực nhớ đến thời trước. Cũng mời bè bạn đến, cho xôm tụ, cho đông. Nghĩ lại mà ngao ngán. Làm bao nhiêu tiền cũng không đủ trả tiền nhà. Phải mời, phải mọc, phải uống, phải tiếp người này người nọ dù trong lòng chẳng muốn gì. Việc quái gì phải vậy. Quá mệt. Có những người mình không thèm ngó mặt, vậy mà phải đon đả, săn đón. Chán như con gián. Có mấy người bạn mở quán nhậu, khi dẹp quán là phải vào bệnh viện bởi ngày nào cũng phải uống, chiều khách, giữ khách.

Khổ quá là khổ. 

Lại nhận được hai tập thơ mới của bạn bè gửi tặng. Một của Đỗ Trọng Khơi. Một của Kim Thạch.

Sáng nay, vừa viết xong Chuyện ghen của các nhà thơ; đọc tập sách Nỗi buồn thượng lưu của Đoàn Tú Anh cho PN.

Mấy đêm nay lại đọc truyện tranh Tintin. Câu chuyện nào cũng hấp dẫn và nhất là hài hước. Người Việt có tư duy về truyện tranh không? Tôi nghĩ là không.

Lại đọc lỗ mổ quyển Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê. Trang 170 có đoạn viết: "Tử Cống hỏi về phép trị dân. Khổng Tử đáp: "Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền". Tử Cống hỏi thêm: "Trong ba điều đó, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ binh bị". Tử Cống lại hỏi: "Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một nữa, thì bỏ điều nào trước?". "Bỏ lương thực. Từ xưa vẫn có người chết, nếu dân không tin chính quyền thì chính quyền phải đổ (dân vô tín bất lập)" (bản in năm 2006 - NXB VHTT).

Chiều nay họp và chuẩn bị bài thi cho anh em tham dự giải báo chí 21/6 của Hội Nhà báo TP.HCM. Sau đó, là cuộc hẹn hò,bù khú với Váy ơi là váy!

Ông Sơn Nam có nói câu này hay: "Nếu ngồi nhà mà hái ra tiền thì chẳng ai đi ra ngoài đường làm gi". Tôi ngẫm nghĩ thêm, nếu không lo toan về sinh kế, được ngồi nhà viết những gì mình thích thì sung sướng biết bao nhiêu. Viết là cái thú ở đời với nhiều người, nhưng viết để kiếm sống thì cực nhọc quá.

Trong bài viết nọ, Q mở đầu: "Ngày trước, về nghề văn, nhà văn Ngô Tất Tố bảo rằng, đại khái, ở xứ An Nam ta chính cái nghèo là trường học đào tạo nên các nhà văn. Tôi hiểu, họ viết trước hết nhằm giải quyết cho sự mưu sinh trước khi muốn gửi một “thông điệp” cao cả nào đó đến bạn đọc. Điều này hầu như khác với các nhà văn trẻ thời @. Bằng chứng, có những người xinh đẹp, giàu có, nói ngoại ngữ giòn như bắp rang, một bước lên xe hơi đời mới, thu nhập tiền USD nhưng họ vẫn viết văn. Với họ, viết để chơi. Chơi một cách sang trọng chứ không chăm bẳm kiếm sống từ tác phẩm của mình. Viết chỉ để giải bày tâm sự và ghi lại cảm xúc của mình. Điều này, ta có thể thấy rõ trên các trang mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều blogger. Và không ít bài viết có chất lượng của họ đã được tuyển in thành sách".

Ngẫm lại như nhà văn Đoàn Thạch Biền lại hay, sau khi về hưu hầu như anh không viết thêm gì mới, mỗi năm chừng một hai truyện ngắn là cùng. Anh B bảo: "Viết không hay hơn trước, viết làm gì?". Biết dừng là hợp đạo. Nhưng than ôi, có phải ai cũng được như thế đâu. Họ phải viết để duy trì sinh kế, dù đã già, đã hết xí quách. Trong các nghề, viết là nghề khó khọc. Khó nhọc nhất la lúc không thể "vượt lên chính mình" mà họ cũng phải viết...

Lại sốt ruột với tập sách Ve vãn Sài Gòn của Chị Đẹp. Bao giờ phát hành?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 57 trong tổng số 58