THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001

Tết Kỷ Tỵ vừa rồi, gặp Minh “da đỏ” và Vinh “gạo”. Lần nào gặp nhau, chúng tôi cũng đều nhắc đến chuyện làm thế nào để chuyển mộ Hạm từ Tây Nguyên về Hà Nội. Hạm và Điệp chết cùng một ngày, hai đứa chôn cùng một nơi. Nay mộ Điệp đã tìm thấy, còn mộ Hạm đang ở nơi nào? Đối với chúng tôi, cái chết của Hạm là một trong những cái chết đau xót nhất.
Sau khi dự lớp tập huấn điều lệnh sỹ quan mới ở Nha Trang, tôi tranh thủ về thăm nhà được một tuần. Ngày 16-5-1982, tôi lên tầu Thống Nhất về lại đơn vị.
Tối 18-5, tầu đến Diêu Trì. Tôi xuống ga, lang thang một mình, chưa biết đêm nghỉ đâu, bỗng có một anh bộ đội đến làm quen. Đi loanh quanh một hồi, rẽ vào một hẻm phố, anh ta rủ tôi trèo lên sân thượng của một ngôi nhà nhỏ, mái bằng, để ngủ. Chẳng còn cách nào khác, tôi đồng ý.
Gối đầu lên ba lô vẫn đeo khẩu súng ngắn bên mình, tôi cố thức. Đề phòng người bạn đường mới quen.
Đang mơ màng, chợt thấy động, tôi vùng dậy. Người bạn đường kia đã ôm ba lô của tôi đang lao xuống đất.
“Trộm! Trộm! Bắt lấy nó!” Tôi hô lên thất thanh và rút súng đuổi theo, vừa chạy vừa bắn bừa một phát lên trời. Ông chủ nhà cũng chạy ra đuổi trộm. Chạy được một quãng chừng 200 mét, tên trộm phải vứt ba lô của tôi để chạy thoát thân. Mẹ kiếp! Bao nhiêu tài liệu quan trọng của trung đoàn suýt bị mất. Mình suýt toi mang vì thằng bộ đội đểu. Ông chủ nhà trách tôi sao quá tin người.
Lại lang thang ra ga Diêu Trì. Đã hơn 12 giờ đêm. Ngồi bên quán nước, bỗng gặp một anh lính răng vẩu ám khói thuốc lào.
- Ở đơn vị nào đấy? Anh hỏi.
- Dạ, em ở F307, E29
- À, đồng hương rồi. Tớ ở E576 đây. Mới từ bên K về.
- Tình hình bên đó thế nào?
- Mìn muỗi liên miên. Hôm qua có hai thằng 29 chết.
Nghe anh nói, tôi đã hình dung tình hình chiến trường không có gì khác so với một tháng trước đây, khi tôi còn ở bên đó. Tôi cũng không quan tâm hai người lính trung đoàn tôi chết là ai, E29 đông lắm. Đóng quân trên một địa bàn mênh mông.
Nghe tôi kể vừa bị trộm ba lô, anh dẫn tôi cùng anh về nhà trọ gần đó. Anh chỉ cho tôi lên một cái giường, có màn cẩn thận. Tôi lại gối đầu lên ba lô, ngủ ngon lành. Dù sao anh ấy cũng là lính cùng sư. Vì trung đoàn pháo 576 là đơn vị phối thuộc với sư đoàn tôi.
Tôi tỉnh dậy vì ánh nắng chiếu qua đầu hồi hình tam giác trống hoác vào giữa mặt. Tôi nhỏm dậy. Chợt thấy hoảng vì quanh tôi, trên các giường khác, giường nào cũng có một đôi nam nữ. Anh lính của E576 cũng nằm cạnh một người phụ nữ. Chị ta đang ngồi vấn mái tóc dài của mình. Thì ra tôi đã gặp chị này cùng ngồi bên quán nước nhưng tôi không để ý. Thấy tôi, chị ta cúi mặt.
Ăn sáng xong, tôi cám ơn và chia tay anh. Đón xe lên Plây-ku. Nghỉ lại ở trạm 7 mấy ngày vì không có xe sang Cam-pu-chia. Được chứng kiến những cơn mưa cao nguyên thật hoang dại.
Mấy hôm sau có đoàn xe của người Khơ me chở gạo sang Cam-pu-chia, tôi xin đi nhờ đến Strung-treng. Rồi từ đó, qua mỗi đơn vị, tôi lại trình giấy công lệnh, xin người đưa mình đi từng đoạn đường. Cứ như thế hơn 20 ngày trời, tôi đã đi bộ hơn 600 cây số qua Chchép, qua trung đoàn 94, qua sông Sen, qua Kulen để về đến trung đoàn bộ E29.
Qua Đồi Đá, tôi kinh hoàng nhìn thấy cái hố mìn tăng đã giết chết Hạm và Điệp. Sâu như cái hầm cá nhân. Anh em E94 kể rằng dưới quả mìn tăng, bọn địch còn đặt một khối thuốc nổ 10kg nữa. Thảo nào một xe tải chở đầy gạo, trên thùng xe có thêm 4 lính ta, bị lật đổ nghiêng. Khi tôi đến, chiếc xe đã được kéo đi. Gạo còn rơi vãi đầy xung quanh. Đặc biệt, trên miệng hố và gần đó, tôi còn nhặt được những giấy tờ cắt quân trang của Điệp, giấy đề nghị trường đại học Bách khoa cung cấp tài chính tiếp tục cho Hạm… Những tờ giấy pơ-luya màu trắng, màu xanh vẫn còn đây mà Điệp và Hạm ở đâu? Tôi cúi xuống lượm những mảnh giấy đó. Không dám hỏi anh em E94 về cái chết của Hạm và Điệp. Không hiểu sao, tôi sợ họ biết tôi là bạn thân của hai người. Hoặc tôi sợ nếu hỏi, sẽ bộc lộ những tình cảm yếu đuối của mình. Tôi cứ lặng im đi.
Khoảng 5 giờ chiều, anh em E 94 giao cho tôi một đơn vị khác. Đó là một đơn vị nhỏ, đóng gần một phum người Khơ-me. Vừa thấy tôi, một cậu lính trẻ cất giọng nhỏ nhẹ.
- Anh Hạm anh Điệp đồng hương của anh, chết rồi.
Tôi gật đầu, không nói gì. Thấy chặng đường trước mặt còn dài mênh mông quá, không biết số phận mình ra sao.
Khi về đến trung đoàn, tôi mới được anh em kể về cái chết của Hạm và Điệp. Số là, trung đoàn có một xe để chở anh em được phục viên về nước. Chiều tối ngày 16/5, xe vẫn đỗ bên này sông Sen. Trong khi đó có 3 xe chở gạo của người Khơ-me sang bên kia sông. Sợ đêm xuống, nước sông lên to, xe không sang được như mọi năm nên Hạm, Điệp cùng Minh da đỏ và Đại bám theo xe bạn sang trước.
Sáng hôm sau, xe ta qua sông và vượt lên đi đầu. Con đường qua Đồi Đá nhiều mìn nên xe nào cũng ngại đi trước. Hạm và Điệp cùng Minh và Đại ngồi trên xe bạn, đi thứ 3. Hai xe đầu đi qua, không có dấu hiệu gì nguy hiểm. Đến xe chở 4 người này, người tài xế chủ quan đi chệch vết xe trước. Thế là mìn nổ, xe chở đầy gạo như thế mà bị lật. Cả 4 người bay tung khỏi thùng xe, văng xuống đất. Hạm chết ngay tại chỗ. Điệp bị thương nặng. Vào đến bệnh viện thì chết. Minh bị chấn thương cột sống. Mỗi Đại bị thương tương đối nhẹ.
Khi Điệp bị thương, anh còn nhận ra ba lô của mình. Tuy đau đớn, song Minh vẫn gắng bò, thu lượm giấy tờ cho bạn bè. Minh còn nhớ, khi bị thương, trên tay Hạm còn đeo chiếc đồng hồ và Điệp còn đeo cái nhẫn vàng. Nhưng khi nhập viện thì những thứ đó không còn nữa.
Tối hôm đó 17/5/1982, Hạm và Điệp được chôn ngay bên bờ sông Sen. Anh em tỉnh đội Thuận Hải, đơn vị kết nghĩa với tỉnh Prếch-Vi-hia, chôn.
Khi qua sông Sen, tôi không gặp ai để hỏi về mộ Hạm và Điệp. Chiến trường mênh mông, người đơn vị mình chết ở đâu có người ở đơn vị đấy chôn cho.
Hạm và Điệp chết, có phải vì quá cẩn thận không? Sang sông từ chiều hôm trước. Không đi xe ta mà đi xe bạn cho an toàn vì bọn lính Pôn Pốt chủ yếu bắn vào xe ta. Xe bạn lại đi sau chỉ chẳng may vướng mìn, cũng không ngờ được quả mìn tăng còn kèm theo 10 cân bộc phá. Chứ một quả mìn tăng thì cũng chẳng sao. Tôi cũng bị một lần vấp mìn tăng khi lên sư đoàn. Đang ngồi trên thùng xe. Mìn nổ, bay tung người xuống. Ù tai. Đau ê ẩm. Địch bắn ra như mưa. Nhưng nằm dán mình xuống đất, miệng vẫn hô xung phong.
Nhưng mọi người nói, Hạm và Điệp chết có lẽ là do ăn thịt chó đen. Đã chó đen lại còn chết.
Đầu đuôi câu chuyện thế này. Khi được tin Hạm, Điệp cùng Minh và Đại được phục viên, anh em đồng hương Hà Nội rất mừng, làm bữa liên hoan chia tay. Việc lo thực phẩm được giao cho Vinh gạo, lính trinh sát trung đoàn. Mọi lần vào phum đổi chó và gà rất dễ, không hiểu sao hôm ấy, Vinh đi mấy phum vẫn không đổi được con chó nào. Mãi quá trưa, đến một phum rất xa mới đổi được một con gà nhỏ và con mực. Buộc mõm lại cho vào ba lô, đeo về đơn vị. Xẩm chiều mới về đến nhà. Mở ra thì chó đã chết. Tuy vậy anh em vẫn cố cắt tiết. Còn con gà nhỏ để nấu cháo. Mọi người đều biết là chó chết nhưng không ai để ý bởi niềm vui ngập tràn.
Thức ăn thừa, anh em còn gói lại để bốn người mang theo ăn đường.
Và thế là, sáng hôm sau nữa, mìn nổ.
Trịnh Quốc Tài đang tập huấn chỉ huy 12 ly 7 vội theo xe về trung đoàn báo tin. Gặp Vinh gạo vừa đi tuần về, Tài nhẩy xuống nói:
- Vinh ơi! Thằng Hạm và Điệp chết rồi!
Vinh không tin. Cả trung đoàn không ai tin. Bao năm ở chiến trường không sao. Giờ trên đường về đi học lẽ nào lại chết? Điệp ở pháo binh, từng dày dạn trận mạc. Chứ còn Hạm, mấy năm ở chiến trường, chưa hề phải bắn một viên đạn. Mấy tháng đầu làm vệ binh, sau về ban tài vụ trung đoàn đến lúc phục viên. Số phận thật đen đủi.
Lẽ nào Hạm linh cảm về cái chết của mình từ rất sớm? Tôi còn nhớ về những ngày đầu tháng 11-1978, khi chúng tôi đang hành quân bằng tầu Thống Nhất vào Nam. Đêm ấy trên tầu, tôi không ngủ, ngồi bên cửa sổ đầy gió lộng và ngắm sao trời. Chợt Hạm đến bên tôi. Hai đứa nhìn vào trong khoang tầu. Bọn Khánh “xếch”, Tân “cu lừng” đang say sưa sát phạt đỏ đen, còn lại anh em đang ngủ ngon. Người nằm, người ngồi, người ngủ gục… Bỗng giọng Hạm vang lên thầm thì:
- Không biết trong những khuôn mặt này, ngày về, ai còn, ai mất?
Tôi không để ý đến tâm trạng của Hạm. Lãng mạn quáTôi không để ý đến tâm trạng của Hạm. Lãng mạn quá chăng? Lúc đó chúng tôi không hề biết mình đang đi đâu. Có thể vào Sài Gòn. Tôi nhớ gương mặt Hạm lúc ấy, rất tươi, tuy vẫn phảng phất buồn. Lúc ấy lòng tôi đang âm vang một khúc tình ca thời chiến.
Rồi đầu năm 79, khi chúng tôi phải sang sông Mê Kông từ đêm trước. Sáng hôm sau đánh nhau từ sớm đến trưa. Đói. Người chết, người bị thương quanh mình. Tôi đã phải nhăn mặt vào, lấy bát sắt úp lên bụng, băng cho một thương binh bị thủng ruột trên đường. Và chốt lại bên sông. Mấy hôm sau, bộ phận hậu cần trung đoàn mới sang bằng phà. Chúng tôi gặp Hạm. Từ bờ bên kia, nhìn dòng Mê Kông mênh mang cuộn sóng, Hạm chợt cất giọng:
- Thôi, thế là con tốt sang sông rồi nhé!
Minh lùn cười:
- Tốt sang sông chỉ có tao thôi nhé. Trinh sát luôn đi đầu rúc bụi.
Tôi không có sự mẫn cảm giống Hạm. Ừ, con tốt sang sông chỉ đường quyền đi thẳng đi ngang, chứ không có đường lùi. Đêm, tôi sang sông bằng thuyền máy nhưng phải chèo bằng tay để giữ bí mật. Đến giữa sông, tôi vốc nước rửa mặt với ý nghĩ: nếu mình chết, phải giữ cho gương mặt sạch sẽ. Lúc ấy tôi nhớ hình ảnh một người tù binh, bị đối phương mang đi hành quyết, yêu cầu cuối cùng của anh là xin được rửa mặt trước khi chết.
Con tốt sang sông ư? Hạm còn được về phép trước tôi. Nhưng sau này, nghe anh Bằng, anh trai Hạm nói, trước khi trả phép, không hiểu sao Hạm rất buồn. Gia đình Hạm nhận thấy điều người nhưng không ai dám nói. Ít ngày sau thì nhận được tin Hạm hy sinh.
Hạm ơi, còn nhớ ngày hai đứa mình ở chung nhà của anh Quách Công Đệ, xã Phú Tường, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình không? Chiều ấy mình ra trung đoàn lĩnh quân trang về, Hạm ở nhà lấy củi một mình, nhìn núi xanh buồn rơi nước mắt. Hạm tâm sự với mình, sao mình không biết nói gì để an ủi Hạm?
Rồi những ngày ở chiến trường ác liệt, Hạm dành cho mình từng tờ giấy viết thư, từng lọ mực. Chính trong những ngày ác liệt ở An-lung-viêng, Hạm đã cho mình mượn “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”. Và chính Hạm đã khích lệ, tin tưởng và hy vọng mình sẽ trở thành nhà thơ! Và mình vẫn còn giữ bài thơ của nhà thơ Tiệp Khắc Jiri Taufer do Hạm chép cho mình. Bài thơ ấy lại do một cô bạn gái của Hạm gửi cho Hạm ở chiến trường. những câu thơ sao giống hoàn cảnh chúng mình đến thế: “Dạo ấy chúng mình ra đi/ xa đất nước mà không cần hộ chiếu/ không ngoại tệ, không tiền tiêu/ Một cuộc hành quân ra mặt trận/ Cả hai đứa mình/ Đều yêu đất nước đó? Đồng ruộng cùng làng quê/ Niềm tin và hy vọng”.
Rồi mình đi công tác ở Nha Trang, không hy vọng được về Hà Nội. Tháng 4 năm 82 ấy, biết tin Hạm sẽ được về lại Đại học Bách Khoa, mình đã sang gửi một chùm thơ, nhờ Hạm mang về tạp chí “Văn nghệ Quân đội”. Khi xe bị trúng mìn, đồ đạc trong ba lô Hạm tung tóe. Cả những bài thơ của mình cũng tả tơi. Không ngờ Minh lùn còn cố gắng thu lượm, bỏ ba lô, mang về. Gần năm trời điều trị tại đoàn 979 Quy Nhơn chờ cấp thẻ thương binh, Minh đã không làm mất chùm thơ, mà còn mang được về Hà Nội, giao cho nhà thơ Vương Trọng.
Hạm ơi, Điệp ơi, Minh ơi, chùm thơ ấy, sau này được tạp chí VNQĐ trao giải A trong cuộc thi thơ 1983 – 1984. Đêm chiêu đãi bạn bè ở Đại học tổng hợp và đại học Ngoại ngữ mình nhắc lại số phận chùm thơ này. Nhớ Hạm, Điệp và Minh vô cùng.
Rồi những năm sau, cứ đến ngày 17 tháng năm, mình lại mua bó huệ, đến thắp hương cho bạn. Mỗi lần bước vào căn nhà 23 Phùng Khắc Khoan, bố Hạm lại giơ bàn tay xương xẩu ôm lấy mình, khóc: “Tuấn đấy à? Sao cháu giống thằng Hạm nhà bác thế?”. Mình cũng khóc theo.
Rồi một lần rủ Vinh gạo đến cùng. Nó không đi:
- Tao ngại quá! Lần nào bố nó cũng khóc. Tao không muốn khơi lại vết thương của gia đình thằng Hạm.
Biết nói thế nào? Vinh gạo cũng có lý. Giờ bố Hạm mất rồi, mà xác Hạm vẫn còn ở rất xa. Biết khi nào mang được bạn về Hà Nội, Hạm ơi?
Ôi những ngày ở chiến trường, Hạm cho mình xem tấm ảnh nhỏ xíu của cô bạn tên Oanh kháu khỉnh. Một tình yêu. Và Hạm còn hẹn, sau này, khi nào mình cưới vợ, Hạm sẽ làm phù rể cho mình. Ngày mình cưới, Hạm không về được, mình cũng chẳng mời ai làm phù rể đâu.
Nhất định chúng mình sẽ mang xác Hạm về Hà Nội.


Tôi đến nhà Nguyễn Văn Minh ở xóm Chùa, Đồng Nhân, Hai Bà Trưng hỏi thăm về cái chết của Hạm và Điệp. Minh là người đi cùng chuyến xe đó. Minh mở tủ đưa tôi cuốn nhật ký đời lính. Đây là đoạn ghì trong bệnh viện về cái chết của hai người bạn thân.

“Trưa ngày 15-5 chiếc xe GMC chuyển bánh rời khỏi trung đoàn, chở chúng tôi về với Mẹ. Xin giã từ mãi mãi mảnh đất này, chiến trường này, trong chúng tôi dâng tràn những niềm vui xốn xang về những ngày sắp tới. Những kỷ niệm của quá khứ trở nên tẻ nhạt không có gì quyến luyến. Nỗi buồn đọng lại trong chúng tôi lúc đó chỉ bởi những cánh tay vẫy chào của những đồng đội, đồng hương ở lại. Những anh em đất thánh ở lại kia biết đến lúc nào chúng tôi sẽ lại gặp nhau, và lúc đó người nào không về được?
Bỏ lại đằng sau những địa danh đã in dấu chân chúng tôi qua đường 12, Tà ben, sông Sen, Đồi Đá 94 và…
Đến hôm nay sau gần một tháng nằm điều trị tại V19, sức khỏe tôi đã khá hơn, một vòng bột trắng nặng chịch ôm quanh người tôi từ giữa hông lên gần nách khiến tôi vận động rất khó  khăn. Nằm viện buồn quá, phải ghi lại những đau buồn đã qua và cũng là để giết chết thì giờ về nghĩa, lấp đi những gì trống trải trong lòng. Phải nằm sấp trên giường mà viết vậy.
Lúc này đã vào giữa tháng 6, mùa mưa đã chính thức bắt đầu, nước ở dòng sông Sen dâng tràn đỏ ngầu, gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển ở vùng này. Năm nay mùa mưa đến muộn hơn, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã khiến người ta lo lắng cho một mùa mưa ác liệt hơn sẽ tới và đang tơi. Mới đầu mùa địch đã tăng cường hoạt động mạnh, địch từ trong dân ra, từ ngoài biên vào, những tiếng mìn nổ, những chuyến xe bị phục, những cáng thương binh… Cả đoạn đường xe từ tỉnh lên sư 307 hầu như không còn một chiếc cầu nào.
Đáng lẽ ra lúc này chúng tôi đã có mặt tại Hà Nội và đang sống những ngày vui sướng nhất. Nhưng mảnh đất ác nghiệt này, kẻ thù thâm độc này đã ngăn cản chúng tôi. Chúng tôi đã tỏ ra bất lực trước dòng sông Sen, đã qua rồi lại phải quay lại. Người thì phải nằm lại yên nghỉ mãi mãi. Hạm và Điệp, trẻ như tôi, Đại, Tuấn thì một tháng nay vẫn chưa qua nổi dòng sông này. Xe qua đồi Đá rồi bỗng dưng chẳng ai còn biết gì nữa, khi tỉnh lại thì mỗi người một nơi, một hố mìn tăng rộng hoác đã bắt chiếc xe dừng lại và quăng chúng tôi xuống đường. Oái ăm thay, tất cả bốn thằng lính Hà Nội chúng tôi đều bị chấn thương không dậy được, anh em đưa chúng tôi lên xe quay về viện 19. Nhưng dọc đường Hạm đã tắt thở, còn Điệp vì bị gẫy xương đùi và bị choáng quá mạnh nên khi đến viện mặc dù được cấp cứu ngay cũng không qua khỏi. Còn lại hai chúng tôi đều bị chấn thương cột sống phải nằm bất động.
Ôi! Thế là H + Đ đã ra đi thực sự rồi. Có lẽ nào sự thật lại phũ phàng thế chăng? Sáng nay chúng tôi còn ngồi chung xe, còn cười, còn vui khi nghĩ đến ngày đặt chân lên đất Hà thành. Thế mà trưa nay… Chả lẽ nào đêm qua lại là đêm cuối cùng tôi ngủ cùng với Hạm, lẽ nào…? Lẽ nào…? Sự thực đau xót là vậy mà tôi đâu có tin là sự thực. Các bạn của tôi ra đi đột ngột quá, nhưng lại rất lặng lẽ, bình thản không một lời dặn lại. Thương tiếc các bạn quá! Đau quá! Đau như đứt ruột ấy mà mắt cứ ráo hoảnh, trừng trừng. Tôi muốn kêu lên, thét lên trước sự thật phũ phàng này. Ôi, điều mà chúng tôi mong ước bấy lâu nay đến hôm nay đã trở thành sự thực rồi, đứa nào cũng vui, cũng sướng khi được cầm tờ quyết định, thế mà chỉ còn đường về thôi, chỉ cần qua một đoạn đi ngắn khoảng vài km, vài trăm mét… Rồi vài mét nữa thôi mà cũng không được. Chiếc bánh xe đi trật đường, một tiếng nổ, thế là các bạn tôi phải nằm lại, nằm lại vĩnh viễn bên mảnh đất này. Mẹ ơi! Thế là con của mẹ đã xa mẹ thật rồi, đứa con mà Mẹ mong ngóng từng giờ, từng ngày đã không bao giờ trở về bên Mẹ nữa. Vắng con yêu Mẹ biết sống ra sao. Và chiều nay Mẹ nào có hay, Mẹ lại ra đứng tựa cửa trông về phía trời xa chờ mong con của Mẹ trở về. Mẹ vẫn tin con của Mẹ sẽ về với Mẹ! Mẹ ơi! Con của Mẹ ra đi rồi, sẽ có những đứa con khác làm con của Mẹ: chúng con đã nói với nhau rồi: chúng con có chung một Mẹ.
Hạm, Điệp ơi! Nhớ lại ngày nào chúng ta gặp nhau ở C4 huấn luyện ấy. Trước kia nào chúng ta có biết nhau, thế mà chả mấy chốc chúng ta đã thân nhau và gắn bó với nhau, gắn bó cho đến tận bây giờ và còn mãi về sau nữa. Bởi vì chúng ta đã hiểu nhau quá và có nhiều nét đồng cảm nữa: gia đình, bản thân, cuộc sống với những ước mơ. Ngay cả cho đến khi sang đây cũng thế thôi. Cuộc sống chiến trường khiến chúng mình càng gần gũi hơn, càng đậm đà hơn. Mỗi đứa mỗi đơn vị đó nhưng vẫn thường xuyên lo lắng săn sóc nhau đó! Săn sóc lo lắng khi một đứa thiếu thốn, ốm đau gặp khó khăn, lo lắng trong mỗi chuyến công tác của bạn và cũng phấn khởi, vui cười khi bạn trở về bình an, mạnh khỏe.


Hạm, Điệp ra đi đã để lại trong tôi một sự trống trải lớn không gì lấp nổi cả về hiện tại cũng như về cuộc sống sau này. Cuộc đời tôi về sau này sẽ mãi mãi thiếu một cái gì đó lớn lao, cần thiết. Trước kia ở đơn vị chúng tôi đâu có chịu vắng nhau, một tuần không nhìn thấy nhau là nhớ lắm rồi. Hạm người cao, mảnh người, trán cao thông minh, tính tình sôi nổi, chân thực thẳng thắn và nhiệt tình với bạn. Hạm có cái nhìn nhạy bén về mọi vấn đề, thường đưa ra những vấn đề buộc người khác phải tranh luận và luôn bảo vệ ý kiến của mình bằng những lập luận, phân tích chắc, sát. Hạm là người có nhiều ước mơ và có sự nhiệt tình ham mê đến cao độ đối với khoa học. Hạm là một người con hiếu thảo với cha mẹ. Bố mẹ Hạm già cả rồi. Hạm là con út mới học xong đã phải ra đi, chưa giúp đỡ gì cả nên Hạm rất thương bố mẹ già yếu ở nhà. Chính vì vậy mà Hạm đã xác định con đường đi của mình rất rõ ràng dứt khoát, xác định rõ cả những khó khăn mà mình sẽ phải gặp và luôn mong mỏi vào ngày trở về - một ước mong cháy bỏng ở H đó. Và ở H còn có một nét riêng nữa là hay nghĩ ngợi nhiều khi mất ngủ: nghĩ về gia đình, về hiện tại của bản thân. Nhiều lúc trầm lặng xuống, tôi đã nhiều lần nhìn thấy nét mặt buồn đó. Chính những lúc nghĩ ngợi, buồn bã đó đã thúc giục H mau chóng phải trở về, đã làm giàu thêm những ước mơ ở H, đã thức đầy mạnh mẽ hơn sự ham mê trong con người đó và càng làm nảy sinh nhiều dự kiến mới trong tương lai.


Tôi đã phải học ở H rất nhiều. Tuần nào tôi cũng phải tìm cớ gặp H, giao báo ban cũng tạt vào, có việc đi qua cũng tạt vào, rồi ngày nghỉ, có lúc một chốc, lúc cả buổi, có khi cả ngày thường là để trò chuyện với nhau tất cả cả những gì chúng tôi quan tâm. Thường những lúc đó H luôn sôi nổi hơn tôi, tôi đi lại với H đến nỗi có người nhầm tưởng chúng tôi là anh em, họ bảo hai đứa có nét mặt rất giống nhau. Mà làm sao tôi giống H được cơ chứ. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau sau này chúng tôi mãi mãi bên nhau. Thế mà giờ đây… Mất H rồi tôi mất đi một người bạn hết sức tốt, mất đi sự tin cậy, và để lại trong tôi một sự trống trải vô cùng lớn không ai lấp nổi.
Còn Điệp cũng đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp đẽ, tôi và Điệp thì có ít điều kiện để gặp gỡ nhưng nếu có dịp nào đấy thì bộ ba chúng tôi nhất định đầy đủ không thể thiếu một ai. Điệp cũng có hoàn cảnh gia đình khác hoàn cảnh gia đình tôi. Điệp một con người dễ thương, sống có tình, nét mặt phúc hậu, hay cười, tính sôi nổi nhưng lại điềm đạm. Cùng có một ước vọng cháy bỏng như nhau, chúng tôi đã gắn bó với nhau. Thế mà đến lúc này chúng tôi lại xa nhau. H, Đ ra đi để lại tôi một mình. Tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm nhiều hơn với bạn. Một trách nhiệm cho mãi về sau.

Cùng cuốn sổ nhật ký, Minh còn trao cho tôi một số thư từ của Hạm. Khi Hạm hy sinh, Minh đã báo tin buồn này cho chị Phạm Kim Oanh, người bạn gái thân thiết của Dương Công Hạm. Và Oanh đã viết thư trả lời Minh khi nhận được tin đau này. Chúng tôi xin trích ra đây một phần bức thư của chị Phạm Kim Oanh.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21-10-82
Bạn Minh thân mến!
Mấy ngày nay, tôi nhận được thư của mấy bạn học cùng phổ thông vì tưởng tôi chưa biết nên họ báo tin Hạm hy sinh cho tôi hay. Tôi vô cùng đau đớn khi đọc những dòng chữ đó. Cho đến bây giờ, nhiều khi tôi vẫn bàng hoàng không hiểu đây là một sự thật phũ phàng hay chỉ là một giấc mơ phũ phàng? Nhưng những lá thư của anh Các, của bạn và mọi người đã phá vỡ các ảo tưởng của tôi, trời ơi, đây lại là một sự thật, một sự thật… Không, Minh ạ, tôi muốn tin rằng đây là một sự nhầm lẫn, phải chăng trong chiến tranh sự nhầm lẫn là thường tình?
Tôi thấy như trời mưa và tất cả tối sầm lại trước mắt tôi. Tôi không thể cầm được nước mắt khi viết thư cho bạn. Chao ôi! Sao sự thật lại cay đắng, xót xa đến vậy! Chiến tranh, chia ly xa cách - những cái đó thật là khủng khiếp biết bao, vì nó mà bao nhiêu cuộc đời phải chịu những vành tang trắng, những đau đớn suốt đời không nguôi, những mất mát chẳng có gì bù đắp nổi… Tôi nghĩ mãi mà không hiểu tại sao con người ta lại bị ngăn cách nhau bởi cái sống và cái chết? Tại sao số phận con người lại khắc nghiệt đến vậy? Đã gần 5 tháng rồi, người bạn thân thiết nhất đời của tôi đã phải nằm xuống, đã phải trở về thiên cổ, những ước mơ mà Hạm đã nuôi dưỡng suốt 4 năm trời sẽ không là hiện thực nữa. Tôi đã mất đi một người bạn thân thiết, gần gũi nhất của thời thơ ấu, thời thanh niên; người bạn mà tôi rất kính trọng và quý mến. Tôi không thể chịu đựng nổi sự mất mát quá to lớn này, nếu như không vì những người thân quanh mình chắc là tôi không sống nổi. Thế là đã 10 năm rồi, chúng tôi thân nhau. Biết bao kỷ niệm đã gắn bó tình bạn chúng tôi. Những cái đó đối với tôi là vô cùng thiêng liêng. Giờ đây, kỷ niệm vui buồn đó lại sống động trong lòng tôi một cách rõ rệt nhất những điều tưởng chừng như vụn vặt nhưng nó đã làm thành toàn bộ cuộc sống của tôi. Bao giờ tôi cũng mong muốn tình bạn chúng tôi mãi mãi tốt đẹp, mãi mãi vững bền. Phải nói rằng, những gì tốt đẹp mà tôi đạt được một phần rất lớn là nhờ ở Hạm. Tình bạn chúng tôi đã giúp tôi vượt qua khó khăn, đau buồn, những thử thách của cuộc sống. Ước mong lớn nhất của tôi bao giờ cũng là một ngày nào đó Hạm được trở về và Hạm sẽ thực hiện được ước mơ mà Hạm đã bao lâu dày công vun đắp và mong đợi.
Đêm nay trăng sáng làm sao. Vầng trăng đó trước kia là nỗi nhớ, là tình thương, là những gì cao đẹp nhất mà tôi dành cho Hạm, bây giờ nhìn lên tôi chỉ thấy một nghĩa trang rộng lớn với những nấm mộ mà thôi. Dù người ta nói thật đúng rằng: trăng thật sáng và đẹp nhưng trong những căn nhà mà trăng làm cho bề ngoài có vẻ đẹp hẳn lên biết bao tâm hồn đang quằn quại vì những đau thương, những nỗi khổ không bao giờ cạn?
Tôi muốn hỏi bạn nhiều chuyện, muốn vô cùng nhưng nhiều khi tôi thấy khó diễn tả trong thư quá, có lẽ nói với nhau bao giờ cũng dễ hơn. Trước hết tôi muốn hỏi bạn mộ Hạm bây giờ đặt ở đâu? Có phải ở nghĩa trang Xiêm Riệp không? Thời gian ở bên đó, bạn có điều kiện đến thăm mộ của Hạm lần nào chưa? Và khả năng mai sau mộ Hạm có thể được chuyển về nước? Bạn cũng là một bạn thân của Hạm, vì thế bạn chắc hiểu Hạm nhiều và như bạn nói, bạn biết nhiều về tôi. Tôi rất mong muốn qua những lá thư sau bạn hãy kể lại những kỷ niệm về những năm tháng ở chiến trường, về tình bạn giữa Hạm và bạn. Tôi rất muốn biết nhiều về cuộc sống, về những ngày tháng gian khổ mà Hạm đã trải qua, những vùng đất nào mà Hạm đã đến. Bạn ạ, xưa kia qua những lá thư Hạm luôn nói với tôi rằng ngày trở về Hạm sẽ kể nhiều chuyện cho tôi nghe, tôi vô cùng khao khát được muốn nghe những mẩu chuyện về những năm tháng trong chiến đấu của Hạm. Suốt những năm tháng ở đại học tôi đã mong chờ những ngày đó biết nhường nào nhưng giờ đây thì Hạm đã không còn nữa. Tôi vô cùng đau đớn và thương tiếc Hạm! Biết bao nhiêu chuyện mà chúng tôi đã không nói được với nhau và vĩnh viễn… Và những kỷ vật của Hạm trong đó có lá thư của tôi giờ đây ai giữ?
Tôi rất muốn được giữ kỷ vật đó.
Còn một chuyện này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, giờ đây tôi quyết định sẽ hỏi bạn. Bạn còn nhớ đợt anh Các về phép và đã mang hộ thư của Hạm gửi cho tôi? Từ ngày đó trở đi tôi không nhận được một lá thư nào của Hạm. Không hiểu những lá thư tôi gửi trong năm vừa rồi Hạm có nhận được không? Tôi suy nghĩ nhiều nhưng không hiểu được tại sao tôi không nhận được một lá thư nào của Hạm. Nếu Minh biết, mong rằng thư sau bạn hãy nói cho tôi rõ sự thật. Tôi hiểu rằng có thể bạn sẽ đắn đo khi trả lời câu hỏi trên của tôi vì bạn sợ tôi buồn, nhưng tôi thiết tha mong muốn bạn hãy viết cho tôi, nói cho tôi hay sự thật một cách thật chân thực nếu bạn biết dù đó là sự thật thế nào chăng nữa. Một lần nữa, tôi rất thiết tha về vấn đề trên cả tôi và bạn sẽ nói một cách rất thật và đầy đủ cho nhau biết.
Cuối cùng, tôi chúc bạn luôn mạnh khỏe, đạt được mọi ước mơ trong cuộc sống. Tôi rất mong thư bạn.
(Phạm Kim Oanh 76 Nghĩa Thục, Q5, TP HCM)
Bạn
Phạm Kim Oanh,
(Hình)
Binh nhì Dương Công Hạm (Ảnh chụp tháng 11/1978 ở Hà Nội trong lần về phép trước khi vào chiến trường K).
Đôi bạn Đoàn Văn Điệp và Dương Công Hạm trên đất Cam-pu-chia (tháng 10/1980)

Trích nhật ký của chị Doanh, chị gái của Điệp

Hà Nội ngày… tháng… năm 2000
Cứ đến hè hoa phượng nở đỏ rực trên các hè phố Hà Nội, những tháng năm này cả nhà ai cũng nhớ đến em… Ngày mong em trở về để được đoàn tụ gia đình sau bao năm chờ đợi. Mong đợi cái ngày em về để trường Đại học Y dang tay đón nhận em. Một người lính đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Song ngày ấy không còn nữa và em đã ra đi thật xa… Hè năm nay bố mẹ, anh, chị, và cậu Đằng mong tìm được mộ em đã xa cách bao lâu rồi, ngoài Tô quốc hay trong đất nước mình… Khi được biết tin cậu Liên, một người tìm mộ rất giỏi, cả nhà bố mẹ, chị đã tìm đến nhờ cậu. Người nhờ xem rất đông, song cả nhà đã kiên trì chờ gặp được cậu Liên. Gia đình đã nhờ được chú phóng viên ở Gia Lai chụp được ở nghĩa trang Plâyku (qua ảnh cậu Liên nói đó là mộ của em). Thế là một ngày đẹp đầu tháng 6 cả nhà lên tầu vào Gia Lai tìm em… Bố, cậu Đằng, chị ruột của em đã lên đường. Ngồi trên tầu cả nhà mong được gặp em lắm. Chị luôn khấn trời phật phù hộ cho chuyến đi này. Khi xuống tầu tới Qui Nhơn để lên Gia Lai, trời mưa rất to, ngồi trong ô tô lên Gia Lai chị đã khóc. Khóc nhớ cái ngày cách đây 19 năm khi về phép, em trở lại đơn vị cũng mưa như những ngày hôm nay. Mưa xối xả qua kính ô tô, trong lòng chị nhớ thương em nhiều hơn… Bố và cậu Đằng ngồi cạnh chị trên xe - chắc cả nhà cũng cùng trong tâm trạng - Mưa! Mưa lạnh, chị cũng lạnh,  nghĩ đến em nằm nơi đâu có lạnh không em. Em nằm đó cùng đồng đội trên cao nguyên - có biết rằng người chị gái nhớ thương em bao năm ròng… Xe cứ chạy chạy mãi, trời tối dừng ở một khách sạn ở thành phố Plâyku. Cả nhà đã vào nghỉ tại đây. Song bố và chị không sao ngủ được, chỉ mong cho chóng sáng để được ra nghĩa trang được gặp em…
Suốt đêm bố và chị nói chuyện về em… về những ngày em nằm tại nơi đây khi mùa nước đến!... Cũng thành phố này nhưng chắc ngày ấy là những bìa rừng cảnh lán trại căn cứ của đơn vị. Sau mưa rét em mới trở lại Cam-pu-chia. Và ngày trở lại thì có, mà ngày trở về đâu còn nữa… Và bây giờ em lại nằm lại nghĩa trang Plâyku này. Sáng hôm sau khi cả nhà lên ô tô ra nghĩa trang nơi em nằm… Sáng nay đi sao lòng chị và bố xúc động quá. Mỗi bước chân lên tới nghĩa trang là bố và chị như nhìn thấy em, trong màu áo lính đã sờn, ngôi sao lấp lánh trên mũ - và đang mỉm cười đón bố và chị. Khi thắp nén nhang đầu, trên mộ em và đồng đội - đã thấy em về - tim chị bị bóp lại, toàn thân chị lúc ấy không còn là chị nữa. Chị chỉ còn gào thét tên em. Điệp ơi! Điệp ơi. Bố và chị - cậu Đằng đã ở ngay cạnh em đây! Em ơi! Sau 18 năm rồi còn gì, cả nhà mong em, giờ mới tìm lại được em. Đúng là em của chị rồi, trái tim chị bị bóp nghẹn, chân tay chị không còn đứng vững được. Chị gặp em rồi. Bố mẹ và cả nhà giờ này đang mong tin em đây! Bố gọi điện về cho mẹ và cả nhà. Rồi sau đó cả nhà bố, chị và cậu trở về xin làm thủ tục và rước đón em về. Nơi quê nhà cội nguồn của Tổ tiên. Xe con băng băng qua bao con đường mòn của cao nguyên. Hai bên là những cánh rừng già, xe bon bon suốt đêm qua bao cầu bao sông - suốt quốc lộ. Một đứa em trở về trong vòng tay thương yêu của gia đình, cô dì, chú bác, anh chị em. Và những người bạn của em ở tuổi học trò ngày nào. Hôm nay đây… những ngày của hoa phượng nở đỏ… Nghĩa trang thành phố - Ngọc Hồi nơi sinh ra Tổ tiên ông bà của em đã đón nhận em về trong lòng đất của Tổ tiên sau bao này xa cách… Lễ đón nhận liệt sỹ được cử hành rất long trọng – tất cả các cơ quan, đoàn thể, họ hàng cô dì chú bác - các bạn của em đến tiễn em. Nấm mồ xanh trong nghĩa trang nơi em nằm đây yên nghỉ, vẫn những ngày hè, hoa phượng nở đỏ rực như mừng vui cùng gia đình đã đón được em về gần gũi… Em lại được nằm đây cùng đồng đội với những cây xanh rì rầm với những bông phượng nở đỏ rực…
Cả nhà bây giờ sẽ lại được gần em. Nhất là bố mẹ và chị, anh, em của em. Với những ngày nghỉ, chủ nhật lại được hương khói cho hương hồn em - một người lính trong trắng, được tất cả mọi người yêu quý em.
Em mãi mãi trong lòng của tất cả mọi người.
Người lính trẻ - Đoàn Văn Điệp.
Ngày… tháng… năm 2000
Chị gái em
Đoàn Thị Doanh

Chị Doanh còn kể cho tôi nghe câu chuyện khá li kỳ về việc nhờ vả nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên tìm thấy mộ Điệp ra sao. Thỉnh thoảng tôi tạt qua phố Lê Văn Hưu nói chuyện với chị Doanh. Chị có một quán nước nhỏ bên hè phố. Cũng có lần gặp cả Nguyệt, em gái Điệp. Hai chị em còn cho tôi biết thêm vài chi tiết về cái chết của Điệp. Chẳng hạn, không hiểu sao, trước ngày phục viên, Điệp lại gói tất cả thư từ và nhật ký của mình vào một bọc rồi gửi cho một người bạn trai rất thân của Điệp là bác sĩ Trần Việt. Lúc này bác sĩ Việt đang tu nghiệp ở Mỹ. Điệp và Việt là những người bạn thân nhau từ hồi phổ thông cùng thi và đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội. Hiện nay Việt vẫn giữ tất cả những kỷ vật cuối cùng đó của Điệp.
Nguyệt còn kể, ngày Điệp mất, đám bạn học phổ thông đến chia buồn. Hai cô bạn gái Liên và Hằng mới kể lại, rằng dạo trước khi thi đại học, cả bọn kéo nhau đi xem bói. Ông thầy phán về Điệp là: “Cậu này sẽ chết ở nơi đất khách quê người”. Các bạn mới bảo: “Điệp ơi, mày học giỏi làm gì để mà sang Liên Xô rồi chết ở bên đó!”. Vì dạo ấy ai cũng nghĩ đỗ đại học điểm cao sẽ được đi Liên Xô. Có ai ngờ “đất khách quê người” với Điệp lại là Cam-pu-chia!
Còn Hạm, Minh lùn cứ hay nhắc lời Hạm ví “con tốt sang sông”, còn tôi lại cứ nhớ trên tầu vào Nam, tháng 11 năm 78 ấy, chưa ai biết đi đâu, làm gì, mà sao Hạm đã linh cảm trước cảnh “người còn kẻ mất”? Và nhiều người khác cứ nhắc chuyện ăn thịt chó chết, lại là chó mực nữa. Đen vô cùng là đen.
Một ngày hè năm 2001, cùng một số anh em, tôi về thăm tại Đồng Bông, Phú Tường, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, nơi những gia đình đồng bào Mường và Kinh đã cưu mang, cho chúng tôi ở nhờ những ngày huấn luyện. Tôi vào thăm gia đình anh Quách Công Đệ ở thôn An Bình. Anh đã biết tin Hạm và Điệp hy sinh. Tin do anh Quách Văn Quý, người thôn này nhận khi đi liùnh, 1974, cũng ở trong trung đoàn 29 chúng tôi, về kể. Hăm hai năm đi lại con đường ngày xưa, nơi mỗi chiều, có ngôi sao Mai chơi vơi trên ngọn tre bên đường, Hạm và Điệp, sau khi ăn cơm ở bếp đại đội về, mỗi người còn múc thêm một bát nước rau muống luộc, vừa đi vừa uống “để trong người có thêm chất vitamin”. Đây vườn sắn bên chân núi, nơi một chiều Hạm ngồi ứa nước mắt nhớ Hà Nội. Đây cái giường trong nhà anh Đệ, nơi tôi và Hạm cùng nằm, vẫn còn nguyên, tuy đã có vài đường mọt ăn. Đây thung lũng, nơi thao trường ngày xưa, chúng tôi cùng lăn, lê, bò, toài, giờ đầy khoai sắn. Đây con đường qua hẻm núi, một tối Hoàng An đã đảo ngũ, băng qua. Đây bờ đập sáng sáng chúng tôi tập thể dục, hô “1-2-3-4” âm vang non nước. Một đoạn được ngắn mà đầy kỷ niệm. Tùng, An, Hạm, Điệp mãi mãi không được về thăm lại nơi này.
22 năm, những người dân nơi đây vẫn nhận ra chúng tôi, tên từng đứa một. Anh Đệ tặng tôi con sóc đỏ mới bẫy được. Chúng tôi mời các anh ra Hà Nội, thăm nhà chúng tôi. Khi đến đây mới 18 tuổi tròn. Lúc quay lại đầu đã hai thứ tóc, song tình cảm vẫn như xưa, nhớ ơn những người nghèo khi đã nhường cơm chia nhà cho chúng tôi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com