THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

 

Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001


Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc gửi cho tôi một đoạn nhật ký. Những trang photocopy ghi tên những người đơn vị Quốc đã hy sinh trong mùa mưa dữ dội năm 80.
“Huỳnh Lộc 15-6-1980, Đỗ Nhờ 16-7-1980, Nguyễn Tiếp 21-7-1980, Nguyễn Luân 13-8-1980, Lý Văn Nga 18-8-1980, Mai Công Ngói 15-6-1980, Lê Văn Lâm 21-6-1980, Phạm Hữu Phước 17-6-1980, Trần Thanh Biện 25-11-1980, Lưu Thanh Sơn 25-11-1980, Hoàng An 28-12-1980, Huỳnh Hoan 13-12-1980, Trần Lợi 13-12-1980…”
Tôi hình dung lại những gương mặt thân yêu không bao giờ gặp nữa. Huỳnh Lộc mặt tròn, hồng hào, tóc đen nhánh. Đỗ Nhờ nhanh nhẹn, mặt sáng, răng bàn cuốc, ăn to nói lớn, nóng tinh. Nguyễn Tiếp người đen, cằm nhọn, mắt sáng, chẳng bao giờ to tiếng với ai, rủ rỉ rù rì. Nguyễn Luân bồng bột, tính bướng. Ôi Lý Văn Nga! Từ liên lạc tiểu đoàn xuống C7 làm lính bộ binh. Mặt mũi sáng sủa, đẹp trai, mắt tinh, giọng nói tiếng cười giòn tan, trung thực. Mà buổi sáng ấy Nga vấp mìn và chết một cách hết sức vô tình. Và Nga ra đi đau đớn, nhẹ nhàng. Huỳnh Đức Thuận cùng hầm tôi đã khóc, đã nức nở ra đón xác Lý Văn Nga khi anh em khiêng về tiểu đoàn. Mai Công Ngói đầu tròn, mặt tròn, hiền khô. Trần Thanh Biện tôi đã kể. Lưu Thanh Sơn sẽ phải kể dài sau. Và Huỳnh Hoan nhẽ ra không chết. Hoan bị thương nhẹ, đơn vị đã cử người đưa về viện sư đoàn. Nhưng Hoan chưa muốn đi, chờ giấy gọi về trường văn hóa quân khu, ôm mộng học tiếp. Và Hoan vẫn cùng anh em đi tuần, không may vấp mìn, tử trận. Trần Lợi nữa, lính mới nhập ngũ đầu 80, cuối 80 đã chết. Phạm Hữu Phước cũng vậy, chết chưa tròn 20…
Đấy mới là danh sách năm 80 của C7, còn sau này nữa? Tôi cứ băn khoăn nhớ một người đơn vị Quốc. Tôi đã chôn. Hình như anh ấy quê Thuận Hải. Bởi hôm sau, tôi sang C7 lấy ba lô của anh về làm biên bản kiểm nghiệm di vật tử sĩ. Lính tráng chết nhiều. Anh Thuận chính trị viên chẳng buồn tiếp, bảo tôi cứ về hầm anh Tân mà lấy ba lô. Tôi lom khom cúi vào. Hầm ẩm mốc. Có ba cái sạp, hai người nằm hai bên chắc đã đi tuần, đi phục. Tôi lấy cái ba lô ở giữa, theo lời anh Thuận dặn. Mang về tiểu đoàn, mở ra, tôi bần thần thấy có mấy lá bùa, viết kiểu chữ nho, hình người dài ngoẵng. Kèm theo lá bùa là lá thư của người cha dặn con, mỗi ngày, trước khi đi ngủ, đọc câu gì mấy lần. Tôi không biết anh ấy có làm theo lời cha dặn không? Tôi đưa cho chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Văn Vẳng xem. Ông lừ mắt, phẩy tay: “Vứt đi”. Tôi mang xuống nhà anh nuôi vứt vào bếp, đốt.
Tôi nhớ hôm sang lấy xác anh này. Trời mưa lâm thâm. Rừng ẩm ướt. Tối om. Không có đèn pin. Hai trinh sát dẫn tôi đi. Chẳng biết họ đến hầm Ban chỉ huy đại đội lúc nào. Cách vài mét, tôi nhận ra ánh đèn le lói trong hầm. Chợt thấy một người đứng lù lù bên gốc cây, tôi định vỗ vai hỏi. Vừa chạm vào, tôi thấy tay mình chạm phải vật gì cứng đờ, lạnh toát, ướt át. Vớ phải cây cọc, tôi lắc lắc. Cái bọc cũng rung theo. Tôi cũng lạnh toát người. Thì ra đó là xác một chiến sỹ vừa tử trận. Anh em khiêng về, chưa kịp tháo ra, cứ để nguyên cả võng và cáng dựng vào thân cây.
Đêm trước, tôi nằm mơ thấy trong lòng đất An-lung-viêng có một khu hầm mộ. Những cái tiểu được xếp từng lớp, từng lớp. Một anh bộ đội giao những cái tiểu đó cho tôi. Nhận tiểu, tôi lại chuyển cho người khác. Đến một cái tiểu, tôi thấy ướt nhoèn. Tỉnh dậy, thì ra nước trong hầm đã ngập đến ngang võng.
Nhưng sao tôi cứ liên tưởng đến cái tiểu ướt đêm qua với anh lính này?
Sau 20 năm tôi vẫn băn khoăn. Anh ấy là ai? Có đúng quê Thuận Hải không? Có lẽ ngày đó anh em hy sinh nhiều quá. Hầu như ngày nào tôi cũng phải chôn người, nên có một số người tôi không nhớ được họ tên, quê quán. Nhưng riêng lá bùa, tôi mãi không quên.
Rồi sau này, Tô Văn Phán, trinh sát tiểu đoàn, lính 80, chết, trên cổ và trong ví cũng có bùa. Lần này thì tôi lẳng lặng chôn theo cùng em, không nói cho ông Vẳng biết nữa.
Dạo đầu năm 79, tôi đi phối thuộc với C7. Đến giải phóng một phum, các cụ già râu tóc bạc phơ quỳ xuống lạy chúng tôi đã cứu thoát họ. Dân trong phum dẫn chúng tôi ra xem một cái hố to, nói rằng lính Pôn Pốt ra lệnh đào cái hố này để chôn họ. May chúng tôi đến kịp. Vợ chồng một ông bà già trong phum rất quý anh Trần Thanh Chương, chính trị viên C7 và tôi. Họ đã làm bùa cho anh Chương, nói rằng đeo bùa này trong người thì sẽ không bị trúng đạn. Họ bảo lính Pôn Pốt cũng đeo bùa nhiều lắm. Ông bà già đó, mà tôi thường gọi là “âu” “me” (bố mẹ) cũng gợi ý tặng tôi một lá bùa. Nhưng tôi cảm thấy nó ghê ghê thế nào ấy khi mang trong người, nên tôi không nhận. Lúc nào cũng cảm thấy vướng víu trong ý nghĩ thì chiến đấu làm sao được. Ở phum đó độ mươi ngày, chúng tôi lại hành quân. Trước lúc ra đi, anh Chương lại nhắc rằng ông bà ấy vẫn chờ tôi ra lấy bùa, thực tình tôi không thích. Có hai loại bùa, đeo ở cổ tay hoặc giấu trong túi ngực. Anh Chương lấy loại thứ hai. Tôi thấy anh nói nhiều về nó, chắc anh tin ông bà già đó lắm và cũng rất tin vào sự hiệu nghiệm của lá bùa. Song không ngờ sau này chính anh Chương cũng hy sinh. Anh bị lũ cuốn khi bơi qua suối phum Giềng.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com