THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 7 tháng 10 năm 2000

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Ngày 7 tháng 10 năm 2000

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang



Ngày 7 tháng 10 năm 2000


Trên truyền hình chiếu những hình ảnh lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Người ta phải buộc xác những người chết đuối vào lều lán, đợi khi nước rút mới mang đi chôn. Vợ tôi đang bế con lắc đầu, chép miệng:
- Sao lại khổ đến nỗi thế!
Tôi an ủi và trấn tĩnh:
- Anh cũng có lần phải chôn người như thế rồi đấy!
Hầu như lúc nào tôi cũng nhớ tới anh Hà Huy Lan, thiếu úy, đại đội trưởng C5 với cái chết bi tráng và tuyệt đẹp.
Dạo đó, những ngày đầu năm 1979, tôi được đi phối thuộc với đại đội 5. Đơn vị đóng quân ở ngoài phum Kầm-Prạ, một phum nằm sát biên giới Thái Lan, thuộc tỉnh Prêch Vihia. Suốt một thời gian dài ở đó, tôi đã trở nên gắn bó với C5. Có những đêm bắt cá dưới ánh trăng sáng như ban ngày, cùng chịu những trận tập kích của địch vào lúc tảng sáng, cùng đi những đợt truy quét mệt lả người, trở nên thân thiết với các anh trong ban chỉ huy đại đội như Hà Huy Lan, người Nghệ An, anh Nguyễn Văn Trung, người Mường ở Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Huyên, người Ba Vì, Hà Tây.
Ngày 8 tháng 5 năm 1979, tôi được tiểu đoàn gọi về và hạ sỹ Nguyễn Văn Mạnh, người Bình Định, lên thay tôi.
Ngày 10/5, cùng Lê Quỳnh Lang, Nguyễn Văn Học và một số người khác trong trung đội thông tin, chúng tôi đi tát cá. Khoảng 3 giờ chiều, bỗng nghe súng nổ phía xa, nhưng không ai để ý. Khoảng 5 giờ, vừa về đến tiểu đoàn, đang làm cá thì nghe ồn ào trên nhà tiểu đoàn bộ, chúng tôi chạy lên, thấy anh Trung, chân đất, quần áo xộc xệch, mặt hớt hải, cầm ngang cây AK, thở dốc:
- Cả ban chỉ huy bị phục kích, anh Lan bị thương rồi.
Chúng tôi hốt hoảng. Chính anh Trung cũng bị thương, vết thương ở mông to và sâu bằng nắm đấm, máu vẫn đang rỉ ra. Ngay lập tức, thông tin trinh sát và vận tải vội triển khai đi tìm ban chỉ huy C5.
Đến tối chúng tôi mới đến địa điểm bị phục. Đó là con đường dẫn vào phum Tờ-nà-riêng. Bên trái là rừng thưa. Bên phải là rừng xanh. Nằm giữa rừng xanh và con đường là một bãi trống. Khi đoàn người vừa ra khỏi phum, bọn địch phục kích từ trong rừng xanh bắn ra. Hôm 8 tháng 5 khi qua đây, nghe những tiếng con chim “te te… hoắt!” hoảng loạn bay lượn trên vòm săng lẻ, tôi đã rợn người, cố đi nhanh qua đoạn đường nguy hiểm. Cái tiếng chim đó kêu suốt ban ngày và ban đêm. Mỗi lần chúng cất tiếng, sự nguy hiểm nào cũng xảy ra.
Khi đến nơi, chúng tôi thấy anh Huyên đang nằm gục bên hố nước ven đường, áo quần ướt đẫm vì nước và vì máu. khẩu AK báng gập vẫn chưa kịp bật báng, còn đeo bên vai. Anh bị trúng đạn vào giữa miệng. Cái mồm toang hoác. Những chiếc răng chìa ra. Khi còn sống, anh bị hơi vẩu. Giờ đây, cái miệng anh dẩu ra với hai hàm nứt toác. Ngay phút đầu tiên tôi không thể nào nhận ra anh Huyên. Ít giây sau, trấn tĩnh lại, tôi mới bàng hoàng khiêng anh vào võng.
Chuẩn úy Nguyễn Văn Huyên mới từ đại đội thông tin trung đoàn về C5 được ít ngày làm chính trị viên phó. Hình như anh vừa về phép, mới cưới vợ. Mấy hôm trước, tôi còn giận anh Huyên vì anh đã đọc trộm thư từ và nhật ký của tôi. Bây giờ anh đã chết. lúc trúng đạn, chắc anh đau đớn lắm. Bộ phận vận tải vội khiêng anh về tiểu đoàn.
Cách chỗ anh Huyên nằm không xa là xác một tên địch. Nó nằm sấp, mặc quần áo đen. Đây là thằng địch do anh Trung bắn chết. Anh Trung kể: “Khi nghe tiếng anh Lan kêu: “Trung ơi, tao bị thương rồi!” thì bọn địch xông lên định bắt sống quân ta. Anh Trung nấp sau phía cây, nổ súng. Một thằng ngã sấp. Số còn lại quay đầu chạy vào rừng. Chúng tôi vào phum, gọi phum trưởng ra nhận mặt, xem có phải là người trong phum không. Mấy người đàn ông Khơ-me ra, lật xác lên, lắc đầu và xua tay.
Chúng tôi bảo họ đi chôn tên địch. Mấy người Khơ-me cầm dao, chặt đoạn dây rừng, buộc hai chân tên địch đang nằm sấp, kéo về phía rừng thưa. Đường mấp mô và khô cứng, xác thằng địch bị kéo lê trên đất nghe sần sật, sần sật. Trời tối mò, rừng cây đen thẫm, xác thằng địch đen thui bị kéo lê trên mặt đất tối sầm, chỉ có những tiềng sần sật vang lên nhịp nhàng. Bao năm rồi tôi không thể nào quên được những tiếng sần sật ấy. Những người Khơ me bới qua loa cái hố sâu chừng mươi phân, đặt xác thằng chết xuống, chặt dăm cành cây phủ lên. Thế là xong. Rồi họ xin phép ra về như không có chuyện gì xảy ra.
Đêm đó, chúng tôi thức suốt để đi tìm anh Lan theo hướng anh Trung chỉ. Còn anh V. nữa những anh Trung không biết đã chạy hướng nào. Gần sáng, trinh sát Nguyễn Trần Hải, nhà ở phố Thi Sách, Hà Nội, nhặt được chiếc bàn chải đánh răng. Chúng tôi xác định cái này là của anh Lan. Đi vài chục mét nữa thì trinh sát Nguyễn Văn Cầm, người Tam Kỳ, Quảng Nam nhặt được mảnh túi áo bị xé cùng một số giấy tờ. Tất cả đều là của anh Lan. Đến khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi tìm được xác anh Lan. Anh nằm bên bờ suối cạn. Đầu gối lên khẩu M.79. Vết thương trên thái dương được buộc lại bằng chiếc khăn mặt trắng. Các túi áo bị xé hết. Anh nằm nghiêng như đang ngủ say. Đôi dép cao su được đặt ngay ngắn dưới chân. Quanh anh còn ba vỏ đạn M.79. Da mặt còn tươi, áo vẫn bỏ trong quần. Đây là tư thế chết đẹp nhất ở chiến trường mà tôi được gặp.
Khiêng anh Lan về đến đơn vị thì chúng tôi tập trung vào chiến dịch đánh lên An-lung-viêng. Xác anh Huyên đã được chuyển lên trung đoàn. Còn xác anh Lan không kịp chuyển, phải buộc võng treo tạm vào kho đạn của tiểu đoàn. Trong kho còn ít đạn vì đã chia cho các đơn vị. Mãi đến gần 5 giờ chiều, tiểu đoàn đang chuẩn bị hành quân thì anh V. mới lò dò dẫn xác về. Thì ra anh chạy lạc đến một đơn vị của trung đoàn 95, được người của đơn vị bạn dẫn về.
Nhìn bộ mặt bạc nhược của chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Xuân V., chúng tôi chán hẳn. Cái chuyện bị địch phục kích đều từ anh này mà ra. Đang đi làm công tác dân vận, nhận được điện gọi về tiểu đoàn để chuẩn bị đại hội đảng bộ, anh V. rẽ vào C5 gần đó để rủ ban chỉ huy đại đội về cùng. Qua phum Tờ-nà-riêng, anh V. rủ ở lại nấu cơm ăn trong nhà dân. Các anh cũng chủ quan. Nghĩ mình đi bốn người nên không mang theo lính bảo vệ, có ngờ đâu trong phum vẫn có địch. Chờ cho các vị cơm no rồi mới lên đường, ra đầu phum là chúng quật.
(Chiến dịch đánh lên An-lung-viêng lần đó của đơn vị chúng tôi thất bại. Kéo quân đi lại kéo quân về. Lực lượng to lớn, cỡ trung đoàn tăng cường, được xe tăng của sư yểm trợ, chuẩn bị công phu nhưng cuối cùng phải về không. Nguyên nhân từ điều hết sức vặt vãnh. Số là nghe tin chuẩn bị đi chiến dịch, lính tráng đổ xô vào phum Choăm Sre xin thuốc hút. Dân hỏi: “Xin làm gì mà nhiều thế?”. Lính hồn nhiên: “Đi bắt Pôn Pốt ở An-lung-viêng”. Anh em có biết đâu rằng, dân trong phum có con em đi lính Pôn Pốt rất nhiều. Đêm, họ đã cắt rừng đi báo cho chồng con họ biết. Khi xe tăng ta kéo lên, dọc đường, địch đã chặt những cây to mấy người ôm không xuể, đổ ngang. Công binh phải dùng mìn đánh để mở đường. Đến nơi, An-lung-viêng vườn không nhà trống. Một tuần sau, ta phải rút về).
Đi bộ hàng trăm cây, vừa về đến đơn vị, trung đội trưởng Lê Quỳnh Lang đã phân công cho tôi cùng Nguyễn Đức Thừa, người Quảng Nam, liệm xác anh Lan để lên theo xe chuyển về sư đoàn. Suốt cả tuần đó, trời mưa không ngớt. Cái lán kho đạn không có vách thưng, mưa hắt xối xả. Từ nhà thông tin đã ngửi thấy xác anh Lan bốc mùi. Mỗi đợt gió thoảng qua, ai cũng phải nhăn mặt.
Tôi và Thừa ra kho đạn. Lạ thật, trời mưa nhiều thế, rừng và đất vẫn còn ẩm ướt, nhưng bao nhiêu cỏ cây quanh kho đạn đều úa vàng, chết rũ. Không ngờ nước dịch từ trong người tử sỹ rỉ ra lại độc đến thế! Đám cỏ tranh úa vàng quanh xác anh Lan khắc mãi trong tâm trí tôi.
Tôi và Thừa hạ xác anh Lan xuống. Bụng anh Lan đã trương phềnh như bụng trâu. Cả cái võng rộng 1,5 mét mà ôm không kín. Võng đã dính chặt vào áo quần và da bụng. Bóc lớp võng ra, da bụng cũng dính theo. Dòi bọ lúc nhúc. Thừa đề nghị cho luôn cả võng vào túi ni lông, nhưng người quân y sư đoàn không cho phép chôn võng cùng tử sỹ. Tôi không biết nguyên tắc đó của ai. Hay do anh ta nghĩ ra? Song do anh ta là cấp trên, chúng tôi phải tuân lệnh. Khi tôi bê đầu anh Lan lên, những mảng tóc dính da đầu cũng bị tuột, lộ ra hộp sọ. Tôi căng túi. Thừa khỏe hơn tôi, đẩy xác anh Lan vào. Một túi, nước dịch vẫn ứa ra. Phải lồng vào hai túi. Tôi lấy lọ pe-nê-xi-lin đựng mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, cấp bậc, chức vụ, ngày hy sinh của anh Lan bỏ vào túi luôn. Ruồi nhặng kêu vu vu, đậu vào mắt, vào miệng, chúng tôi mặc kệ. Ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm với đồng đội, tôi còn làm vì tình yêu đối với anh Lan.
Sau đó, tôi chạy về bãi cỏ gần nhà thông tin, nằm thở dốc. Nhìn lên bầu trời thấp, những đám mây trĩu nước, lờ đờ bay. Không còn anh Lan với giọng nói và tiếng cười sang sảng, không còn anh Lan dạy tôi lên gấu quần, không còn những đêm anh Lan rủ tôi vào các cơ sở trong phum Kầm-Prạ nắm tình hình địch, nướng những con cá to như cây chuối trên bếp lửa rực hồng rồi uống rượu xa-ra với dân. Không còn anh Lan như một điểm tựa tinh thần vững chắc của bao binh lính. Không còn… Không còn… Và lòng tôi buồn tê tái đớn đau khi biết rằng vợ anh, chị M., người con gái thành phố Vinh đã ngoại tình.
Tôi ra suối C8 tắm. Cạnh đó có cây khô bị sét đánh, chẻ toang. Lấy rìu bửa những tảng than ra để gội đầu và kỳ cọ cho sạch. Về đến nhà, gặp Thừa đang ngồi thừ ra bên bàn, tôi hỏi:
- Đồng hương giặt võng anh Lan ở đâu?
- Ở suối C8
- Chết mẹ! Sao không bảo? Mình vừa tắm ở đó về!
Thừa cười. Tôi giãy nẩy và cũng phải cười. Thừa đẹp trai hiền lành, da trắng như thư sinh. Tuy cùng trung đội, nhưng chẳng mấy khi gặp nhau vì phải đi phối thuộc luôn, song tôi rất mến Thừa.
Ít ngày sau, tôi lại vác máy thông tin đi phối thuộc với C7. Anh Trần Thanh Chương quê Nam Đàn, Nghệ An, chính trị viên đại đội kể:
- Mình về đến Chchép, nghe tin có xe chở tử sỹ của E29 chạy qua, mình vội đến tìm xem có ai quen. Không thể tin ở mắt mình được nữa. Trời ơi! Hà Huy Lan đây sao? Không thể tin nổi. Ông có biết không, từ đơn vị mình về đến nước, mỗi xác tử sỹ phải lồng vào chín túi ni lông. Đến Chchép đã là bảy túi. Đây ông xem, lá thư cuối cùng ông Lan viết cho mình hôm họp quân chính ở trung đoàn, trước khi mình đi công tác.
Anh Chương cho tôi xem lá thư. Đúng nét chữ rắn rỏi của anh Lan hay viết điện cho tôi truyền về tiểu đoàn hàng ngày. Vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ viết trên sổ tay:
Chim xa rừng cho cây nhớ cội
Người xa người nhớ lắm người ơi!
Từng bên nhau chiến đấu bấy năm trời
Trong phút chốc phương trời nam cách mặt.
Anh Chương cứ nhắc đi nhắc lại rằng lá thư này như điềm gở báo hiệu anh Lan sẽ hy sinh. Rồi với giọng Nghệ Tĩnh ngâm nga, anh đọc cho tôi nghe bài thơ khóc bạn. Hôm anh Lan mất, đúng vào dịp chi đoàn tiểu đoàn bộ phát động làm báo tường chào mừng đại hội đảng bộ tiểu đoàn. Tôi xúc động viết bài thơ vĩnh biệt anh Lan. Song y sĩ Nguyễn Văn Tố, bí thư chi đoàn, người Thanh Hóa, nói lại với tôi rằng, bài thơ không dùng được, sợ ảnh hưởng đến tinh thần anh em. Riêng tôi, bốn câu thơ anh Lan chép, nhập ngay vào tâm trí tôi và ám ảnh tôi mãi.
Anh Hà Huy Lan hy sinh rồi. Hai năm sau, năm 1981, mùa mưa chúng tôi đau đớn nhận được tin anh Trần Thanh Chương cũng hy sinh. Lúc ấy, chúng tôi đang phải trải qua những ngày ác liệt ở An-lung-viêng. Anh Chương đã được điều lên Ban cán bộ trung đoàn. Trong một lần đi công tác, xẩm chiều, qua suối phun Giềng, nước lũ đổ về cuồn cuộn. Vì muốn về đến đơn vị cho nhanh, lại cậy mình bơi tốt, anh Chương ôm ba lô làm phao, bơi qua suối. Không ngờ anh bị nước cuốn đi. Hôm sau nước rút, đồng đội mới tìm thấy xác anh. Cá đã rỉa hết tai và mũi. Anh vẫn mặc quần đùi ni-lông màu đỏ.
Về anh Nguyễn Văn Trung, kể từ khi ra quân, chúng tôi ít có điều kiện gặp anh. Đầu năm 2001, mấy anh em C5 gồm Vinh (Nam Đồng), Toàn cây si, Thành béo… rủ nhau lên Hòa Bình tìm thủ trưởng cũ. Gặp anh Trung đang tuốt lúa bên đường, gần dốc Cun, Toàn cây si giả vờ đến hỏi chuyện mua máy. Nhìn khách, anh Trung bỗng kêu lên: “A! A! C5! C5 phải không?” Anh em nhận ra nhau, quá đỗi hạnh phúc. Gặp nhau được ít giờ, khi ra về, Toàn hẹn tháng sau sẽ dẫn mọi người đến thăm anh Trung. Vài tháng sau lên, mọi người chỉ gặp anh Trung qua tấm ảnh trên bàn thờ. Anh Trung mới mất cách đó mấy ngày. Anh đi xe máy, tránh một người đi xe đạp, phanh gấp, đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não và chết.
Như vậy Ban chỉ huy C5 ngày ấy gồm các anh Hà Huy Lan, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Trung, người chiến trường, người hậu phương, đều đã ra đi.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com