THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999


Mưa tầm tã. Tôi qua nhà Chung mua một bó hoa. Nhà Chung có cửa hàng hoa nhưng thuê người khác bán. Bố mẹ Chung ngồi trong nhà nhưng không nhận ra tôi. Dù sống cách nhà Chung không xa, nhưng ít khi tôi ghé thăm nhà số 6 phố Minh Khai. Tôi chỉ ghé vào những dịp kỷ niệm 15 hay 20 năm lính, lại đi cùng với hàng chục anh em. Và trong những dịp đó, thường là anh Thơm, anh Lễ, những người có tuổi quân cao, lại là cán bộ trung đoàn hoặc một số anh em khác, ăn nói tốt hơn tôi, thay mặt cả đoàn, nói những lời chia buồn và an ủi gia đình. Thực ra tôi chỉ muốn Thành ở 55 Trần Xuân Soạn, đồng nghiệp của Chung, người chứng kiến cái chết của Chung, nói những lời chân thành với gia đình Chung, nhưng anh này chỉ nói hay ở quán bia với bạn bè cũ thôi, chứ với những việc hệ trọng lại lúng túng như gà mắc tóc.
(hình)
Nguyễn Xuân Nhật Minh (thứ 5 từ trái qua) và Đinh Ngọc Long (bìa phải) cùng các bạn lớp 10B trường cấp 3 Lý Tự Trọng trong ngày cắm trại tại công viên Lê nin (Hà Nội). Ảnh chụp ngày 26/3/1978 do Kiều Bằng Khánh – bạn thân của Minh cung cấp.
Mùa mưa năm 1980, một trung đội tăng cường của D7 lên D8 chúng tôi để phối thuộc với C6 - một đơn vị độc lập, đóng trên núi đá, cách D8 khoảng 50 cây số. Trong số lính D7 đó có Thành và Chung là thông tin. Hai người mang theo một máy 2w Silic 71 của Trung Quốc, Chung là bạn cùng trường cấp III Trương Định với tôi. Còn Thành, thời kỳ huấn luyện ở Hòa Bình, cùng trung đội với tôi. Hơn nữa, tôi cũng vừa từ thông tin chuyển lên làm trợ lý chính trị tiểu đoàn nên khi gặp Trung và Thành, tôi cảm thấy rất gần gũi. Hai đứa ở cùng trung đội thông tin của tiểu đoàn 8, tối nào cũng qua hầm tôi chơi.
Tôi nhớ cái ngày trước khi lên C6, Chung và Thành cứ ngồi mãi ở hầm tôi. Lúc nào Chung cũng nhắc đi nhắc lại câu “Nhỡ thằng đi đầu không giẫm, thằng đi giữa giẫm thì sao?”. Dễ đến hàng trăm lần Chung nói câu này. Thậm chí khi về hầm thông tin để ngủ, Thành kể lại, Chung còn nhắc hàng trăm lần nữa, đến nỗi Thành phát bực, gắt bạn đi ngủ để mai có sức hành quân.
Ngày đó, con đường từ D8 lên C6 nhiều mìn lắm. Quanh C6 cũng nhiều mìn. Lính ta hy sinh đều do vấp mìn địch. Tiểu đoàn tôi đánh địch quá mệt, thỉnh thoảng trung đoàn lại cử một số trung đội của D7 lên tăng cường cho D8.
Cũng như Nhật Minh, khi lên D9, Chung cũng xin tôi một chiếc cần câu mìn. Tôi cho Chung nhưng không nghĩ bạn sẽ phải sử dụng đến nó. Bởi Chung và Thành là thông tin, thường đi giữa đội hình.
Trang bị của Chung và Thành cũng hết sức giản đơn. Một cuộn dây mìn Clây-mo làm ăng ten liên lạc. Nhưng Chung cứ sợ rằng khi mình ném dây ăng ten lên cành cây, sẽ vấp mìn. Khi nói câu “Nhỡ thằng đi đầu không giẫm, thằng đi giữa giẫm thì sao?”, tôi thấy mặt Chung tái dại, mắt mở to, con ngươi không cử động. Da mặt Chung như dẹt xuống. Các cơ mặt hầu như không cử động. Mầu sắc da mặt lạnh hẳn, nhợt nhạt. Song lúc đó, tôi và Thành chỉ nói với Chung: “Sợ gì, sống chết có số!”, “Có người có ta!”, “Mình vẫn còn an toàn hơn anh em bộ binh nhiều” v.v… Nhưng Chung cứ im lặng được một lát lại nhắc hệt câu cũ. Tôi với Thành nằm võng. Chung ngồi một chỗ không yên, cứ đi đi lại lại, cầm cần câu gẩy đất lên thành hầm. Đã quá quen với bao nhiêu trường hợp như thế ở chiến trường, chúng tôi đâu có ngờ đó là dấu hiệu báo trước những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Chung.
Mấy ngày sau, tôi nhận được tin Chung hy sinh. Thật bàng hoàng. Lẽ nào sự linh cảm của Chung lại đúng như thật? Tôi chuẩn bị quan tài, vải liệm, lọ pênixilin, đào huyệt, điếu văn… để đón Chung. Nhưng đêm đó trời mưa tầm tã, xác Chung không chuyển về được. Phải đến hai ngày sau, tôi mới nhận được xác Chung lúc 5-6 giờ chiều. Trời đã tối. Chúng tôi tắm rửa và chôn xác Chung ngay trong đêm mưa. Bởi xác Chung đã trương. Bụng căng phồng. Đã bốc mùi. Một số thư từ, nhật ký và ảnh của Chung, khi làm biên bản kiểm nghiệm di vật tử sỹ với anh cán bộ D7, tôi đã xin giữ lại.
Tháng 5/1982, sau khi tập huấn điều lệnh sỹ quan ở Nha Trang, tôi tranh thủ về Hà Nội được một tuần. Thăm nhà, thăm người yêu, tranh thủ đến thăm gia đình một số đồng đội bị thương hoặc hy sinh.
Trước khi đến nhà Chung, tôi cảm thấy thật nặng nề. Một mình đi báo tử. Nói gì và nói thế nào đây? Tôi còn mang theo cuốn sổ tay, một ít ảnh, cái khăn mùi xoa, cây bút cùng một ít đồ dùng lặt vặt khác của Chung. Song thời gian quá gấp, tôi quyết định đến nhà Chung vào buổi tối.
Khi tôi đến nhà Chung, bố mẹ Chung đã biết tin con mình hy sinh. Mẹ Chung khóc nhiều lắm. Bố Chung cứng cỏi hơn. Khi tôi trao cho gia đình những di vật của Chung, mẹ Chung nghẹn ngào:
- Thà nó hy sinh ở Trường Sơn hay Đồng Tháp thì bác còn nhớ. Dù sao đây cũng là ở nước mình, chứ nó hy sinh ở cái tỉnh nào xa vời tận Cam-pu-chia, bác làm sao nhớ nổi.
Cuộc viếng thăm ấy diễn ra vào buổi tối, sau bữa cơm chiều. Tôi phải vội về vì không dám nhìn cảnh mẹ Chung khóc nhiều quá.
Sau này trong bài thơ “Ngày tôi rời mặt trận”, tôi đã ghi lại cảm tưởng buổi tối hôm đó:

“Ngày tôi rời mặt trận
Không dám một mình đến nhà những người bạn hy sinh
Cảm thấy mình như người có lỗi
Tôi sợ nhìn nước mắt mẹ bạn tôi”

Trong tôi vẫn còn sáng mãi hình ảnh Chung những ngày đi học. Chàng trai có khuôn mặt hiền lành, thường đi bộ từ ngã tư Trung Hiền đến chùa Sét. Dạo ấy trường cấp III Trương Định của chúng tôi còn là những dẫy nhà tường đất mái lá, nằm trong khuôn viên chùa. Sau giờ học, chúng tôi thường gặp nhau trên sân bóng đá Tương Mai. Dáng người to đậm, chậm chạp nên Chung thường bị chúng tôi dễ dàng lừa bóng qua.
Tuy cùng ở một trung đoàn, lại cùng là lính thông tin, song tôi và Chung thường xa cách. Chiến trường mênh mông mỗi đơn vị một hướng, thường chỉ hỏi thăm tin tức về nhau, không ngờ lần gặp nhau đầu tiên ở chiến trường giữa tôi và Chung cũng chính là lần vĩnh biệt nhau.
Trong lòng tôi có một nơi ước ao, giá như trường cấp III Trương Định có phòng truyền thống, sẽ treo những bức chân dung của những học sinh và của trường đã trở thành liệt sỹ. Thật xúc động biết bao khi tôi đặt chân vào trường Đại học điện ảnh quốc gia Liên Xô trước đây (VGIK), trên tấm bia đá, bao người đứng kính cẩn và trang nghiêm đọc tên những thầy giáo và sinh viên của trường đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Sự bất tử của những người đã khuất đôi khi bắt đầu từ hành động bình thường của những người đang sống.

Trích hồi ức của Trần Chí Thành, nguyên lính thông tin D7, người đi cùng và chứng kiến những ngày và giây phút cuối cùng của Phạm Văn Chung.

“Đầu năm 1981, đang là đầu mùa khô, lại đúng dịp tết cổ truyền của ta nên bọn tàn quân Pôn Pốt tăng cường hoạt động đánh phá ta.
Suốt ngày tiếng súng ầm ầm từ biên giới Cam-pu-chia – Thái Lan dội về tạo nên không khí chiến sự căng thẳng. Trước tình hình đó, cấp trên quyết định điều động đơn vị chúng tôi chi viện một D thiếu cho D bạn đang chốt ở tuyến trước. Cùng tổ đài vô tuyến điện phối thuộc với tôi là Phạm Văn Chung. Hai chúng tôi thay nhau làm việc đảm bảo phục vụ tốt chỉ huy chiến đấu. Chung người thấp, béo lại vui tính nên được anh em trong đơn vị yêu mến. Hơn nữa hai đứa chúng tôi lại là đồng hương Hà Nội nên “rất thân” nhau. Ban ngày, chúng tôi hành quân truy quét địch, tối đến thì rải một chiếc tăng xuống đất và đắp chung chiếc chăn chiên, rồi hai đứa ôm nhau đánh một giấc ngon lành đến sáng. Sau 1 tuần truy quét, đơn vị chúng tôi đã tiêu diệt được một số tên địch và đuổi bọn tàn quân về bên kia biên giới.
Chiều 30 tết, chúng tôi rút về đón tết với đơn vị bạn.
Cách đơn vị 50m chúng tôi dừng chân bên con suối một mùa nước trong vắt để tắm rửa. Được vẫy vùng trong làn nước mát, chúng tôi cảm thấy người tỉnh táo hẳn lên, muốn ngâm mình lâu hơn nữa cho thỏa thích nhưng rất tiếc đã tới phiên liên lạc với cấp trên, tôi đành phải vác máy về trước, còn Chung ở lại tắm tiếp. Làm việc xong, tôi vừa bước chân ra khỏi hầm âm đã thấy Chung thong thả về tới nơi. Nhìn cậu ta trong bộ quần áo mới thay, đầu chải gọn gàng trông đẹp trai hẳn lên, nhưng gương mặt cậu ta có vẻ hơi buồn. Hỏi ra mới biết là sơ ý Chung đã để chiếc gương nhựa tròn nhỏ vào túi cóc ba lô, sau đó để bi đông con vừa lấy đầy nước lên trên, đi được mấy chục mét mới sực nhớ đến, khi nhấc chiếc bi đông ra thì chiếc gương đó đã bị vỡ làm đôi. Biết chuyện cậu Tuấn trinh sát có nói trêu đó là điềm “xúi” lắm và kể lại chuyện cũ hồi ở nhà cô em gái vô tình làm vỡ chiếc gương treo tường nên bị tai nạn giao thông. Nhưng tôi thì cố gạt đi và nói mấy câu cho Chung vui. Sau tết, chúng tôi lại được lệnh ở lại chốt đường cho xe chở hàng hậu cần và vũ khí cho đơn vị bạn. Chúng tôi phải đi theo hai vết bánh xe cũ để gỡ mìn chống tăng và mìn bộ binh do địch gài. Sau đó dải quân ra chốt hai bên đường cách 50m một người. Tối hôm trước khi đi chốt đường, trời tối đen như mực, hai chúng tôi đang nằm tâm sự trong hầm âm thì có một con đom đóm rất to bay vào. Chung nói đùa là thằng Xuân nó về kia kìa (chả là hôm trước cậu Xuân trinh sát mới hy sinh do vấp phải mìn địch). Tôi phải bấm nó mấy lần ra hiệu không được nói nữa, không khéo thủ trưởng nghe được lại xạc cho một trận.
Sáng hôm sau chúng tôi xuất phát. Đội hình đi theo hàng một, dẫn đầu là trinh sát và công binh. Tiếp sau người nọ cách người kia mọi và phải dẫm đúng vết chân của người đi trước. Đây là đoạn đường cắt qua hành lang của địch từ Thái Lan sang nên địch gài rất nhiều loại mìn. Chúng tôi vừa đi vừa gỡ mìn nên một giờ chỉ đi được khoảng 1km.
Khi mặt trời gần đến đỉnh đầu thì chúng tôi gặp phải một cây rừng lớn bị cháy đổ vắt ngang qua đường nên đội hình phải vòng tránh sang vệt xe bên kia. Đã gần nửa đội hình vượt qua được, sau đó đến Chung và tôi. Tôi đang nhẹ nhàng bước theo vết chân trước thì bỗng ầm… một tiếng, đất đá bay vào làm rát mặt. Định thần lại, tôi đã thấy Chung đang từ từ ngã xuống, hai ống quần bị cháy xém, máu tuôn ra rất nhiều. Thì ra Chung đã sơ ý dẫm phải quả mìn KP2 cháy chưa hết kíp nổ, nó đã nhảy lên đúng đáy chiếc máy thông tin Chung đeo sau lưng và chụp xuống xé nát hai chân anh. Tôi vội lao lên băng bó vết thương cho Chung và nhanh chóng cùng anh em cáng Chung về đơn vị. Nhưng do vết thương quá nặng, Chung thiếp dần và ra đi mãi mãi…
Chiến dịch kết thúc thắng lợi, trên đường hành quân trở về đơn vị, bên cạnh niềm vui chung, trong lòng tôi nặng trĩu nỗi thương tiếc vô cùng người đồng đội đã ngã xuống để lại ước mơ đến ngày chiến thắng trở về sẽ theo học tiếp trường đại học Tài chính và trở thành một nhà quản lý kinh tế”.

Những lần đến nhà Chung, tôi nghe mẹ Chung kể:
“Em nó chết thiêng lắm, anh ạ. Nhà tôi dạo đó, đi ngủ thường để xoong nồi bên cửa, đề phòng kẻ trộm. Tôi nhớ đêm đó, tôi và ông nhà tôi nằm ở gian này. Nửa đêm nghe xoảng xoảng xoảng xoảng. Tôi dậy ra xem. Tất cả vẫn y nguyên. Cửa vẫn đóng. Tôi trở vào. Một lúc sau, lại nghe tiếng loảng xoảng. Ông nhà tôi dậy, ra xem, vẫn không thấy gì. Một lúc sau, lại nghe tiếng loảng xoảng trên gác. Tưởng là chuột, tôi chạy lên. Vẫn không nghe động tĩnh gì. Ít lâu sau, nhận được thư bạn Chung báo tin Chung hy sinh. Tôi tính ngày âm, đúng cái đêm hôm đó. Hình như em nó về. Cháu biết không, lạ lắm. đêm đó, hai chị gái của Chung đi thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai chị đều mơ thấy Chung về. Một bên chân đầm đìa máu. Anh cả của Chung cũng vậy. Mơ thấy em về. Vai đeo ba lô, chân đi tập tễnh.
Rồi một năm sau, gần đến ngày giỗ đầu của Chung, tôi cứ thấy một con đom đóm, to như ngón tay cái thế này này, sáng rực, bay vào, lượn khắp nhà, đậu lên tấm ảnh Chung, đậu vào bàn thờ, rồi bay lên gác. Một lúc sau mới bay đi. Những lần sau, cứ gần đến ngày giỗ Chung, lại có con bươm bướm, to lắm, bay vào, đậu ở bàn thờ. Sau này tôi chuyển bàn thờ em nó lên gác, con bướm cũng theo lên đó”.
Khi tôi đến nhà Chung xin gia đình những tấm ảnh của Chung. Mẹ và anh của Chung ngồi tiếp. Mẹ Chung hỏi:
- Em nó mất chân nào hở anh?
- Chân phải bác ạ. Vì khi bước qua một thân cây to đổ chắn ngang, chân phải bao giờ cũng đặt lên trước - tôi làm động tác bước qua thân cây cho mẹ Chung hình dung.
(hình)
1. Phạm Văn Chung (bên phải) khi đang học lớp 3.
2. Phạm Văn Chung lúc ôn thi đại học (tháng 6/1978)
3. Phạm Văn Chung (thứ 4 từ trái qua hàng sau) cùng gia đình (tháng 10/1976.
Có tiếng cháu nhỏ khóc ở nhà trong, mẹ Chung chạy vào. Anh Chung cùng tôi ngồi lại. Chuyện gần chuyện xa. Tôi nhớ lại ngày trước chúng tôi đá bóng ra sao. Anh cả Chung nghẹn lời:
- Nhắc chuyện đá bóng. Ngày bé, Chung hay ra chợ Mơ đá bóng. Có lần đá vỡ mấy cái vại sành, niêu đất của người ta. Họ đến tận nhà mách. Tôi tức quá, lấy xích, xích chân thằng em lại. Bây giờ…
Anh không nói tiếp được nữa. Cúi mặt xuống. Tôi vội ra về. Ôm lấy anh, chào tạm biệt. Anh không nói gì. Tôi nhìn vào gương mặt anh, thấy đôi mắt người đàn ông tuổi gần 60 đỏ hoe.

 



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com