THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa - Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang



Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Mới đây, báo Tiền phong đăng mẩu tin ngắn về việc phát hiện một mộ liệt sỹ ở Tây Nguyên. Điều đặc biệt trong ngôi mộ đó là cây bút Trường Sơn vẫn còn mực sau hơn 20 năm trời nằm trong lòng đất. Cây bút kỳ lạ đó được chôn cùng người liệt sỹ quê ở Hà Tây.
Dòng tin đã thoáng qua, gợi cho tôi nhớ đến truyện ngắn “Thời Gian” của nhà văn Cao Duy Thảo. Câu chuyện kể về chiếc đồng hồ của một liệt sỹ sau mấy chục năm nằm trong lòng đất vẫn không chết. Di vật bất tử đó đã giúp bà mẹ giải thoát được nỗi đau đớn hiểu lầm về người con đã hy sinh.
Tôi lại nhớ một chi tiết tuyệt vời trong phim Đàn sếu bay qua của Nga. Sau trận bom, trong cảnh đổ nát tan hoang của ngôi nhà, những chiếc kim của chiếc đồng hồ quả lắc vẫn chạy. Sự bất tử của thời gian, của sự sống.
Song trong tôi vẫn còn một nỗi đau về chiếc đồng hồ. Một chiều tháng bảy năm 1980, cơm nước xong, tôi qua chỗ anh Trần Văn Đan, tài vụ tiểu đoàn, ngồi chơi uống nước. Tối nhọ mặt người. Tôi đang đứng ở lối vào tiểu đoàn thì gặp anh Trần Thanh Biện. Anh nói luôn:
- Tuấn cầm hộ mình cái đồng hồ này. Nó vừa bị hỏng, khi nào có dịp về trung đoàn công tác, nhờ sửa hộ mình.
Tôi bối rối nhận chiếc đồng hồ vì trong lòng thầm nghĩ chẳng biết có dịp nào mới lên trung đoàn được. Nhưng vừa nói xong, anh Biện vội quay về C7.
Khoảng hơn tiếng sau, nghe tiếng mìn nổ. Rồi tin anh Biện hy sinh bay về tiểu đoàn. Anh dẫn trung đội đi tuần, vướng mìn.
Anh em khiêng anh Biện về tiểu đoàn bộ. Anh đã chết. Quần áo ướt đầm nước mưa. Trời tối, mặt anh xám đen.
Chúng tôi thay quần áo, liệm cho anh rồi chôn anh ngay trong đêm. Sợ để qua đêm, lại mất thêm người canh gác và cũng sợ thú rừng ăn thịt.
Sáng hôm sau tôi sang C7 nhận ba lô di vật tử sỹ của anh Biện về làm biên bản. Quần áo trong ba lô của anh rất sạch sẽ, đã được xếp gọn gàng. Cái ba lô cũng được giặt rất sạch. Có một chồng thư nhỏ được bọc trong hai lớp túi ni lông.
Tôi bỏ luôn chiếc đồng hồ chết vào ba lô di vật của anh.
Tôi nhớ lại gương mặt chiều qua, lúc sang gửi tôi chiếc đồng hồ. Gương mặt ấy có điều gì thảng thốt như tái dại, giọng nói dù vẫn nhỏ nhẹ nhưng không được bình tĩnh, ánh mắt cháy rực sáng. Rất rực sáng. Và dáng di của anh thật vội vã. Mất hút luôn.
Tại sao anh lại gửi tôi chiếc đồng hồ? Tôi xa thông tin lâu rồi, có mấy khi được về trung đoàn nhận pin đâu? Và cũng đã lâu, từ khi đơn vị lên đứng chân ở An-lung-viêng, tôi đâu còn được đi phối thuộc với C7? Chỉ năm 1970, gần như suốt năm, tôi đi với đơn vị anh trên một chặng đường dài. Dạo đó anh đã là trung đội trưởng. Nhớ dạo đóng quân ở Cầu Sắt, anh Biện nhận được lá thư của em gái. Anh cho tôi xem thư. Lá thư buồn lắm. Hoàn cảnh gia đình thật khó khăn. Hình như cha mẹ anh đã mất từ lâu, em gái anh sống cùng bà ngoại và bà dì. Người dì không quý cháu lắm. Cô em gái cứ hỏi bao giờ anh được về để làm một ngôi nhà cho anh em sum họp chứ sống như đi ở thế này thì khổ lắm.
Anh Biện rất buồn. Ba, bốn đêm liền trằn trọc trên võng. Tôi nằm gần anh chỉ biết im lặng.
Tôi biết, trong đơn vị, anh Biện cô đơn lắm. Trong lý lịch, anh là người Mường. Song những người Mường chính gốc lại ít chơi với anh, cho anh là người Kinh. Còn những người Kinh những lúc đùa vui lại giễu anh là người dân tộc. Tôi chỉ thấy anh im lặng, ít nói, kín đáo, cẩn thận. Dáng người anh chắc nịch, khỏe mạnh. Anh cắt những bó tranh mà tôi không gánh nổi. Tôi học ở anh cách đánh tranh lợp nhà. Những lúc giải lao trên đường hành quân hay lúc đi dã ngoại, gùi đạn, tôi thường ngồi nghỉ bên anh. Hút chung điếu thuốc. Uống chung bi đông nước. Đùa cùng anh vài câu tếu táo cho đỡ mệt, đỡ căng thẳng.
Sống lặng lẽ. Chết cũng lặng lẽ. Song hình như trước khi chết, anh Biện đã linh cảm. Nhưng vẫn đi.
Anh đã gửi gắm vào tôi quá nhiều, quá lớn. Tôi không nhớ anh ở huyện nào? Thuộc Hà Tây? Sơn Tây? Hay Hòa Bình? Tôi vẫn chưa về thăm quê anh được. Bao giờ thu xếp được thời gian? Chắc mộ anh đã được chuyển về Đức Lập. Và bao giờ mới có dịp trở lại Tây Nguyên đây?
Mở trang nhật ký của Lê Minh Quốc: “Trần Thanh Biện H/S 25 - tháng 11-1980”. Ngày mai, trong khẩu phần của lính C7, quản lý Quốc lại phải đong bớt một xuất.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com