BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa "Lòng ta chôn một khối tình" của VÕ THANH PHÚ

LÊ MINH QUỐC: Viết Tựa "Lòng ta chôn một khối tình" của VÕ THANH PHÚ

 

375912091_7238498206179396_4991319960465871840_n

 

TỰA
1.
Trên đời này, khi người ta xác lập các mối quan hệ, có phải từ chữ “duyên”? Không dám quả quyết nhưng lạ lùng sao, có những người dù chưa một lần gặp mặt, ấy thế, từ lúc ban đầu biết nhau, đọc của nhau lại trở nên gắn kết lâu dài. Tôi với nhà văn Võ Thanh Phú là một thí dụ.

Dăm bảy năm trước, tôi đã biên tập và viết tựa cho tập "Hoa dị thường" (NXB Hội Nhà văn -2016) của anh, rồi bẵng đi một thời gian dài, nào ngờ nay lại vẫn còn gặp lại. Tất nhiên, lần này cũng là từ bản thảo mới nhất của anh. Tôi ngạc nhiên, không lẽ lấy lại nhan đề "Hoa dị thường" đặt cho tác phẩm này? Với tập trước, tôi cảm nhận:

“Đọc nó, cũng tựa như lúc nhẩn nha thưởng thức ngụm trà ngon, xem một bức tranh đẹp, thưởng hoa lúc nhàn tản.

Từ những bài thơ, ca từ âm nhạc do yêu thích, tác giả đã viết ra đôi dòng cảm nhận ngắn. Sự cảm nhận và thưởng thức nghệ thuật bao giờ cũng mang tính chủ quan. Cũng tựa như lúc ngắm nhìn một người đẹp, vâng, người đó đẹp mà đẹp như thế nào còn do mắt nhìn, nhận thức của mỗi người. Mà cũng có thể, người đẹp đó, số nhiều không cảm thấy đẹp nhưng cá nhân mình cảm thấy đẹp thì sao?

Chẳng sao cả.

Trước nghệ thuật, mọi cảm nhận đều “bình đẳng” miễn sao nhận xét ấy là của riêng mình”.

Chẳng lẽ, với tập sách này, tôi mượn lại nhận xét này? Tự hỏi, bởi khi đọc đọc "Lòng ta chôn một khối tình", tôi lại bắt găp phong cách viết “dị thường” của anh.
2.
Khi lấy nhan đề "Lòng ta chôn một khối tình" là anh mượn câu thơ Félix-Arver. Điều này hoàn toàn hợp lý, đó là mạch cảm xúc chung của dòng dòng chữ nghĩa mà anh đã viết, là xúc cảm dạt dào như chàng trai từng xửa từ xưa từng thốt lên:

'Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"

Anh viết những gì?

Thú thật, tôi không thể xếp vào thể loại nào. Truyện ngắn? Tùy bút? Túy bút? Tạp luận? Phiếm đàm? Nhàn luận? Tạp văn? Tạp luận? Tản văn? Mạn đàm? Khó có thể xác định rạch ròi, dù rằng, ranh giới của các tên gọi này cực kỳ mong manh. Vì thế, với những gì anh đã viết từ bản thảo, tôi có cảm giác như anh viết trong lúc “lên đồng”, tâm thế đang phiêu bồng, phiêu lãng đâu đó trên chín tầng mây với dằng dặc chữ nghĩa.

Vẫn biết là thế. Nhưng rồi, tôi tự nhận mình có trách nhiệm làm thế nào để rạch ròi từng phần, từng đoạn văn, chứ không khéo khi đọc độc giả rơi vào “mê hồn trận” thì gây quá. Tôi tự nhủ như mình phải níu lấy cánh diều lại gần hơn, chỉ lưng chừng trời xanh, chứ bay xa tít thăm thẳm thì nào thấy được vẻ đẹp của nó.
3.
Có thể nhìn thấy xuyên suốt trong tập sách này là những dòng ròng ròng nhớ, não nùng thương, thương thương nhớ nhớ trải dài theo năm tháng mà đã tạo ra dấu ấn khó quên ngay trong lòng người viết. Cảm nhận là thế, nhưng rồi từ cách đặt tên cho mỗi bài viết đến câu thơ, ca từ dẫn chuyện, tôi lại nghĩ biết đâu nhà văn Võ Thanh Phú đang bình luận về câu thơ, đoạn nhạc như lúc anh viết "Hoa dị thường"? Hiểu thế, càng thú vị. Mà, hiểu thế nào cũng được.

Nếu “hiểu thế nào cũng được”, tôi hiểu khi lấy nhan đề "Lòng ta chôn một khối tình" là ngụ ý gì? Là anh bàn về tình duyên, tình yêu đôi lứa nhưng vẫn chưa đủ. Tình trong ngữ cảnh này còn là tình của tấm lòng, của tâm thế hướng tới sự rộng mở, bao quát hơn về thiên nhiên, con người, về những giá trị bất biến nói chung.

Những khái niệm như “hạc trắng”, “trăng tròn mười bốn”, “bờ giậu”, “dòng sông”, “hoa ngọc lan”, “triền đông”… được anh lặp lại như những “từ khóa” là một sự ngụ ý. Ngay cả vầng trăng ngàn đời kia anh vẫn cho “Trăng tròn mười bốn”, rồi kết thúc các bài trong tập này cũng là con số 14.

Không riêng gì tôi, có người cảm nhận: “Gọi là “truyện” mà chưa hẳn là truyện. Rất ngẫu hứng, tùy tiện, chẳng theo một nguyên tắc, phương pháp sáng tác nào; chỉ là dòng-suy-tưởng về nhiều đề tài của bút pháp hậu hiện đại và kết cấu trùng-lặp-tầng-lớp khi dồn nén những sự kiện, chi tiết. Chúng ta được đến với nhiều mạch nguồn của các hệ không gian, thời gian và ý thức; từng bước lạc lối tận những thiên thể xa lạ, dạt tới các vùng cổ tích rồi len vào cõi mộng mị hiện thời và cuối cùng thì tung tẩy về chốn hư không của mai rày. Dẫu bị lắp ghép vụng về, khiên cưỡng nhưng dòng-suy-tưởng vẫn gắn kết được nhờ xoay quanh trục tư duy Chân-Thiện-Mỹ. Nó như thể minh họa cho sự kết hợp tai ác của điều phi phàm với bất trắc, giả tưởng với tồn vong và nhất là cái dị thường với vô thường”.

Hiểu là hiểu thế, chắc gì đã đúng hay đã đúng ý anh?
4.
Dù gì, nhà văn Võ Thanh Phú đã chọn cho mình một phong cách viết. Bạn đọc thích thú? Không thích thú? Thật khó có thể quả quyết. Nhưng tôi dám quả quyết, đây là một trong những cuốn sách mà tác giả đã “bung xõa” cảm xúc tới mức không de dặt, nhìn trước trông sau. Chỉ nghĩ và viết. Viết những gì đã chất chứa, đã suy ngẫm. Hạnh phúc và niềm hoan lạc của nhà văn và trang viết còn chính là đây.

Nghĩ thật lòng như thế, tôi viết Tựa này.

LÊ MINH QUỐC
(Phú Nhuận ngày 15.VI.2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com