BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết HỒI ỨC ĐỖ DUY LIÊN - CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

HỒI ỨC ĐỖ DUY LIÊN - CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

 

 Vào 9g thứ Bảy ngày 20/5/2023 tại Đường sách TPHCM sẽ diễn ra chương trình ra mắt tác phẩm Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ (Nhà xuất bản Trẻ, 2023).
Bà Đỗ Duy Liên - sinh năm 1927 là một cán bộ cách mạng lão thành, sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Phó chủ tịch UBND TPHCM phụ trách Văn - Xã (2 nhiệm kỳ, 1980-1989). Năm 2022, bà được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Cuốn sách bố cục gồm 4 phần chính. Phần 1, tác giả kể về cuộc đời mình với tâm nguyện dành cho các con: “Đinh ninh rằng, bao giờ, lúc nào mẹ cũng ở bên cạnh các con, sẵn sàng làm người trợ thủ cho các con và bao giờ cũng mong các con báo hiếu bằng chính phẩm chất của mình với Tổ quốc và nhân dân”. Phần 2, là những lá thư bà viết cho chồng sau khi ông hy sinh năm 1968. Phần 3 và phần 4 là hồi ức của những người con và cảm tưởng của nhiều người từng là đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân… dành cho tác giả.
Có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất trong tập sách này vẫn là những lá thư được bà viết cho chồng mình.
Bấy lâu nay, với những người nổi tiếng lẫn bình thường, viết thư là để gửi cho nhau khi họ còn hiện hữu trên trần thế. Trường hợp này là những lá thư bà Đỗ Duy Liên viết cho chồng là liệt sĩ Lê Duy Nhuận - nguyên Khu ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Phân khu 1 trực thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Thật bất ngờ khi các con của bà cho biết: “Ba chúng tôi hy sinh ngày 3/10/1968 tại chiến khu Bến Cát, Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Mẹ bắt đầu viết cho ba trên đường từ Hội nghị Paris về Hà Nội, khi quá cảnh ở Bắc Kinh, ngày 12/2/1969. Đều đặn từ đó, hằng năm, mẹ viết cho ba”.
Đọc từ lá thư đầu tiên đó cho đến thư cuối cùng viết ngày 1/11/2003, tôi đã ngậm ngùi tìm thấy những chan chứa ân tình, nồng nàn tình chồng nghĩa vợ. Người ta thường bảo, thời gian là vị thuốc kỳ diệu có thể làm lành mọi vết thương lòng, thế nhưng với tình yêu lại không. Nỗi nhớ của bà, ngày một đầy thêm khiến khi đọc những lá thư ấy có lúc ta rưng rưng và thêm yêu quý tấm lòng thủy chung của người vợ dành cho chồng đã khuất.
Ngày 2/3/1969, bà viết về một kỷ niệm khiến ta xao xuyến: “Em nhớ những lúc húc đầu vào bụng anh để lờ việc đi rửa chân và leo đại lên giường, anh lại phải đi múc một ca nước vào tận giường cho em rửa. Nhuận ơi, những kỷ niệm ấy bây giờ là nguồn sống của em đấy anh ạ. Em lại khóc rồi, thôi em không viết nữa. Yêu anh”. Chi tiết này riêng tư nhưng chan chứa biết bao tình.
Dù biết chồng đã mất, bà vẫn không tin làm gì có biệt ly đau đớn. Ngày 24/7/1969, bà viết: “Em chờ mãi mà chẳng có thơ anh. Sao anh lười viết cho em thế, anh không sợ em giận à. Viết cho em thật dài anh nhé, kể cho em nghe tất cả mọi chuyện trên đời”.
Đoạn này mới lạ lùng làm sao vì lâu nay, khi đọc Phạm Công - Cúc Hoa, ta cứ nghĩ lúc Phạm Công được đánh đồng thiếp đi xuống cõi âm tìm vợ chỉ có thể là chuyện trong cổ tích. Không đâu, trong đời thường vẫn có thể, nếu họ đã yêu nhau đến tận cùng máu thịt. Ngày đó, bà kể cho chồng: “Con hỏi, mẹ ơi, nếu có đường đi xuống thăm ba mẹ có đi không. Có khi em cũng muốn tin dị đoan để có thể đánh đồng thiếp cho em anh ạ. Nhuận ơi, căn buồng im phăng phắc, các con, cháu ngủ cả rồi, chỉ còn em và anh thức. Em muốn gọi anh để được nghe anh trả lời. Nhuận ơi, anh đang làm gì, đang nhớ vợ con lắm phải không? Em hôn anh ngàn vạn cái để bù vào những lúc em giận anh. Yêu anh”. Dòng chữ ấy không văn chương, chỉ nói thật lòng mình nhưng khiến ta phải rưng rưng xúc động.
Những lá thư của bà dừng lại vào ngày giỗ lần thứ 35 của chồng, ngày 3/10/2003, bà viết: “Em cứ chờ hoài, trong một giấc ngủ nào thấy được hình bóng của anh, một người đàn ông cao, gầy, mặt đẹp, nhẹ nhàng đến bên em - em chỉ chờ một câu thôi “Liên ơi, anh yêu em”, thế là đủ rồi. Cứ ước mơ hão huyền, có cặp vợ chồng già, đẹp đôi và cứ quấn quýt bên nhau. Ôi vui biết mấy phải không anh. Được thư này anh phải trả lời nhé, trong giấc mơ là đủ rồi, nói với em một tiếng rằng “Em ơi! Anh yêu em”. Thế là em mãn nguyện lắm rồi”.
Và chắc chắn bà đã mãn nguyện, vì trong sâu thẳm tâm hồn bà, hình ảnh của chồng vẫn mãi mãi hiện hữu, không mất đi, không phai nhạt bao giờ. Bây giờ còn có một điều khiến bà thêm mãn nguyện là từ tháng 12/1997, gia đình bà cùng đồng đội đã tìm được hài cốt của người chồng hy sinh tại chiến trường Bình Dương, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TPHCM.
Khi đọc tập sách này, với nhiều tài liệu trải qua các cung bậc khác nhau, chúng ta có thể hình dung ra hành trình phấn đấu và cống hiến của một người phụ nữ miền Nam đã tận hiến cả cuộc đời vì nghĩa vụ đối với non sông đất nước và gia đình. Ở đó, từ tình đồng chí, tình chồng nghĩa vợ đến tấm lòng của mẹ dành cho con đã thể hiện thấu tình đạt lý với nhiều chi tiết ấn tượng, xúc động. Vì lẽ đó, với Cuộc đời của mẹ, tôi mượn câu thơ của Truyện Kiều như một cảm nhận sâu sắc: “Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”.
Lê Minh Quốc

 

13DDL1111111

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com