1.
Một khi đã yêu dấu, đã yêu lấy vùng đất nơi mình đã chôn nhau cắt rốn, tự thân của mỗi người nếu “có tâm” thì luôn ghi nhớ mình phải “làm một điều gì đó”. Tùy nghề nghiệp, tùy điều kiện kinh tế, ai ai cũng mong muốn góp một bàn tay, một công sức cho nơi ấy. Biểu hiện này chính là tấm lòng vì quê nhà, dù ít dù nhiều mình cũng có đóng góp, theo khả năng của mình. Có nhiều cách để “trả ơn” vùng đất “của mình” thì viết cũng là một cách. Nhìn rộng ra, đây chính là biểu hiện của tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Tập tản văn Sông vẫn chảy đời sông (NXB Thanh Niên-2023) của nhà báo, nhà văn Nguyễn Linh Giang là một trong những dẫn chứng sinh động.
2.
Đọc sách của một người, qua đó, ta có thể hiểu rõ ngóc ngách trong tâm hồn họ. Những con chữ cất lên tiếng nói. Có thể âm vang dài lâu. Có thể lướt qua ngắn ngủi. Nhưng rồi, nghĩ cho cùng vẫn là tấm lòng của họ về những điều muốn chia sẻ. Gửi gắm. Tâm tình cùng người đọc.
Ở tập sách này, dù chia làm hai phần: “Miền ký ức” và “Hương vị quê nhà” nhưng cũng chỉ là một mạch cảm xúc. Đó là nỗi lòng của một người đang xa quê, có lúc lại nhớ về những gì đã xa, đã thuộc miền dĩ vãng, đã năm tháng vời vợi xa.
“Thời còn đi chăn trâu, trước mỗi buổi đi săn bắt rầy chúng tôi đã chuẩn bị hái lá bầu non, rồi muối hạt, tiêu tươi, ớt mọi. Sau buổi săn, một đống lửa được đốt lên ở ven ruộng dưa và rồi từng con rầy mốc để nguyên con được nướng trên lửa than. Khi cánh và chân của rầy mốc cháy thì cũng là lúc rầy chín. Lột bỏ hết cánh rầy, chân rầy còn sót lại, vặt đầu, chỉ còn phần thân mềm thơm nức. Lấy lá bầu non quấn lấy thân rầy đã nướng chín rồi chấm với muối ớt và ăn với tiếng xuýt xoa khen ngon nức nở vang lên giữa đất trời lúc nhá nhem tối. Vị béo ngậy, ngọt bùi quyện vào nhau khoan khoái khó tả. Không chỉ mùi vị thơm lừng của rầy nướng mà ta như còn được ăn cả mùi của đất đai, ruộng đồng, làng mạc, hương quê”.
Những đoạn văn nặng trĩu tâm tình về ngày tháng cũ, về quê nhà, ối dào, xiết bao kỷ niệm ùa về khiến người đọc cũng ngây ngất theo. Tự dưng, đôi lúc thả hồn trôi theo các dòng ký ức của Nguyễn Linh Giang, tôi lại hình dung ra tâm thế của chàng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín/ Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay”. Tuổi thơ của Nguyễn Linh Giang chan chứa trong tập sách này. Một nỗi nhớ dịu dàng. Tựa như:
Nhớ chi như cháo vạc giường
Đứng nghe mùi ném, ngồi thương mùi hành
Trong vạn trùng cái nhớ, dù đối tượng khiến mình nhớ có khác nhau, thí dụ nhớ quê cha đất tổ, nhớ người yêu dấu, nhớ làng cũ v.v… thử hỏi nỗi nhớ ấy như thế nào, làm sao cân đong đo đếm, lấy gì so sánh? Tôi cho rằng, chỉ có thể so sánh với… món ăn. Để làm nên danh tác Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, bàng bạc, xuyên suốt trong đó vẫn chính là nỗi nhớ về món ăn ngon của xứ Bắc. Kỳ lạ, có những nỗi nhớ phai dần theo năm tháng, lạ thay, với… món ăn thì không hề.
Lý giải ra làm sao?
Dù rằng, Nguyễn Linh Giang hoặc bất cứ ai đã thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, nhưng món ấy làm sao có thể sánh nổi với những gì mình đã ăn từ ngày thơ dại? Nguyễn Linh Giang trầm ngâm nhớ về con cá cấn, cá lúi kho trong cái tréc: “Nồi đất được lót lá gừng non. Cá kho chỉ chọn những con cá còn nhỏ chỉ bằng ngón tay, nhưng mập tròn múp mít, vẫn còn sống, còn khỏe nên búng rất mạnh. Sau khi sơ chế cá thì cho cá vào tréc, ướp nước mắm, tiêu, củ ném giã giập. Cá thấm, mẹ tôi bắt tréc lên bếp củi. Khi tréc cá vừa sôi đều, mẹ cho trái ớt già khô vào, có khi đến lượng một cá một ớt. Sau đó, mẹ cho bớt lửa, tréc cá sôi liu riu”.
Khi đọc đến đây, có thể ai đó cười khì: “Nói chi mà quá hớp. Ngon thì cũng ngon vừa phải, chứ có phải… tim khủng long, gan… rồng đâu mà ngon lắm thế?”. Xin thưa, cái ngon của tréc cá kho hoặc gỏi nuốt, nấm mối, rầy mốc, món lớ, mắm thính, cá diếc, ốc, bánh bột lọc… mà Nguyễn Linh Giang đã kể, sở dĩ ngon còn chính vì hình ảnh người mẹ, người cha, ông bà đã nấu cho ăn. Chính vì tình cảm sâu đậm đó, đã dẫn đến tâm lý hết sức buồn cười?
Tâm lý gì thế?
Thưa, đến một độ tuổi nào đó, dù răng cỏ lung lay, nhai đã xiệu xạo, chỉ còn nước… húp bát cháo loãng, nhưng rồi con người ta lắm lúc ngồi thừ ra rồi háo hức thầm nghĩ: “Ước gì được ăn những món ăn dân dã ngày xửa ngày xưa”. Chỉ lúc về già? Không, ngay cả lúc còn trẻ cũng thế thôi. Đang trung niên phơi phới xuân tình, Nguyễn Linh Giang vẫn đang nhớ đó thôi, chẳng hạn: “Món ‘gà đồng’ trong mùa mưa tiểu mãn thì quá đỗi ngon ngọt, thịt săn và béo: ‘Măng mai nấu với gà đồng/ Chơi nhau một mẻ xem chồng về ai?’ (Ca dao). Người lớn thi nhau đi cất rớ (cất vó) bắt cá. Bên cạnh các đầm, hói, chỗ có nước chảy, hàng chục người dàn hàng ngang cất rớ. Cá diếc, cá thát lát, cá rô, cá tràu (cá lóc), cá hẻn (cá trê) nhiều vô kể”.
Khi nhớ món ăn đó cũng là lúc kỷ niệm cũ lại ùa về. Choáng ngợp tâm tưởng. Vỗ về. An ủi cho con người ta nhiều lắm. Món ăn ngon không chỉ một vật chất cụ thể, mà ngon còn vì gắn với ký ức đã thuộc về dĩ vãng.
3.
Khi đọc Sông vẫn chảy đời sông, tôi nghĩ, lịch sử là số phận của cả một dân tộc, chứ không riêng một cá nhân nào, một vùng đất nào mà tất cả đều gắn bó trong quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Sống trong một đất nước, có những sự kiện ghi dấu mốc của dân tộc thì tác động sâu sắc đến mọi vùng miền trong cả nước. Thế nhưng biểu hiện diễn ra sự kiện ấy lại khác nhau, tùy vào mỗi vùng đất cụ thể. Vậy, khi đọc dòng sách này, bạn đọc sẽ vô cùng thích thú khi có dịp biết thêm, biết rõ hơn nữa về sự kiện ấy/ vấn đề ấy một cách sâu sắc hơn, bởi đã có những trang viết từ vùng đất khác bổ sung cho vùng đất của mình.
Ở đây, Nguyễn Linh Giang đã có những trang viết về tiền nhân như về chúa Nguyễn Hoàng, về bà Huyền Trân công chúa, về nghề gia truyền, về địa danh, sản vật… của vùng đất mà anh đã chôn nhau cắt rốn. Khi đọc, tôi nhận ra có nhiều chi tiết rất đỗi đời thường hết sức sinh động. Âu cũng là cách mà anh đã “dẫn dụ” người đọc thêm tình cảm với vùng đất đó. Làm được điều này cũng là một cách tạ ơn nơi mình đã sống.
Cho dù một khi viết về món ăn của quê mình, nhân vật quê mình, sản vật quê mình, gì gì đi nữa để cuối cũng vẫn là dẫn đến một “mẫu số chung”: con người của địa phương đó. Bởi tất cả và tất cả cũng chính là sự phản ánh tính cách, tâm tính, thói quen, nết ăn nết ở, phong tục, tập quán… của con người nơi ấy.
Nếu chọn lấy một chi tiết có thể ít nhiều “tiêu biểu” cho con người ở quê anh, tôi chọn chi tiết này: “Con người Quảng Trị ăn ớt như… ăn cơm. Ớt có mặt trong mọi bữa ăn, trong mọi món ăn và việc ăn ớt là lấy sự cay làm trọng. Trẻ em Quảng Trị đã được mẹ ‘luyện’ ăn ớt từ trong trứng, gien ăn ớt di truyền qua bú sữa mẹ; đến khi cai được sữa mẹ thì mẹ cho ‘ăn mem’ (mẹ nhai nhuyễn cơm để mớm cho bé, thời trước không có sữa hộp như sau này). Cả nhà cùng ăn chung mâm thức ăn, không có nấu riêng cho trẻ con; ăn cay riết thành quen”. Câu văn này của Nguyễn Linh Giang, với tôi là một sự “phát hiện”, bởi từng nghe câu ca dao:
Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau
Ắt “dị bản” này đã thuộc “bản quyền” của người Quảng Trị:
Cũng liều cắn ớt nhai gừng
Chua cay mặn chát ta đừng quên nhau.
4.
Dám nói rằng, con người và vùng đất của mỗi địa phương đều đóng góp cho bộ sử của cả nước đầy đặn hơn, phong phú hơn. Một khi chúng ta nói đến lịch sử một dân tộc là cần hiểu rộng hơn bao gồm cả yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực v.v… của nhiều vùng đất khác gộp lại. Vì lẽ đó, những quyển sách đề tài này, bao giờ cũng cần thiết. Nếu khi đọc xong, bạn đọc gật gù, tâm đắc: “À, ước chi có dịp đến nơi ấy một lần nhỉ?”. Được thế, nhà văn đã thành công.
Sông vẫn chảy đời sông của Nguyễn Linh Giang là một trong những tập tản văn như thế.
Nhà văn LÊ MINH QUỐC
(Phú Nhuận, 29.9.2023)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|