BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: PGS CHU XUÂN DIÊN - NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN GIEO CHO TÔI TÌNH YÊU VĂN HỌC DÂN GIAN

LÊ MINH QUỐC: PGS CHU XUÂN DIÊN - NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN GIEO CHO TÔI TÌNH YÊU VĂN HỌC DÂN GIAN

 

IMG_1698112983178_1700196462682

LÊ MINH QUỐC: PGS CHU XUÂN DIÊN - NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN GIEO CHO TÔI TÌNH YÊU VĂN HỌC DÂN GIAN

 

1.

Trong cuộc đời, con người ta được học với nhiều người thầy. Về sau, hình ảnh những người thầy đó, có thể nhạt dần theo năm tháng nhưng cũng có thể lại lẫn khuất đâu đó trong trí nhớ. Với tôi, thầy Chu Xuân Diên là một trường hợp cụ thể. Dường như đã từng lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ đến nữa. Không nhớ đến hình dáng cụ thể, vì rằng, sau ngày tốt nghiệp ra trường, hầu như tôi ít có cơ hội trò chuyện cùng thầy như thời còn đi học.

Tưởng rằng quên nhưng thật ra nỗi nhớ ấy thể hiện trong công việc tôi vẫn đang làm mỗi ngày: khảo cứu văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt. Môt khi đã nói về tiếng Việt, không thể không quan sát từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ… Thiết nghĩ, toàn bộ trí khôn, phép ứng xử, đối nhân xử thế, quan niệm về cuộc sống, nói cách khác, kho tàng tri thức, kinh nghiệm sống, phương thức tồn tại để sống của người Việt đã lưu giữ trong đó, từ đời này qua đời khác.

Người thầy trước nhất đã gieo cho tôi hạt giống ban đầu chính là PGS Chu Xuân Diên.

2.

“Bằng tấm lòng biết ơn sâu xa - kính tặng thầy Chu Xuân Diên với kiến thức uyên bác và lòng yêu nghề đã giúp em hoàn thành tiểu luận này (20.6.1987). Nhìn lại dòng chữ mực tím của năm tháng xa xưa còn nhiều mơ mộng, tự dưng trong tôi dào dạt niềm cả xúc. Tưởng chừng như còn nghe gió lùa vào thư viện của trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ngày ấy. Nơi ấy, những ngày tháng sắp chuẩn bị làm tiểu luận tốt nghiệp, tôi và thầy đã từng ngồi lật từng trang sách. Lúc tôi còn đang phân vân, chưa biết chọn đề tài gì, thầy nói: “Đi vào ca dao, chỉ khoanh vùng khảo sát về hình ảnh con thuyền. Nếu em làm kỹ cũng là một đóng góp”.

Vốn mê thơ, đã từng làm thơ nên tôi ngẫm ra cũng là một lẽ thú vị. Sau khi bàn bạc cùng nhau, dăm ngày sau thầy đưa cho tôi… một lá thư tay. Không rõ những gì ở trong đó? Khi ngồi một một mình, tôi hồi hộp mở ra. A, bản liệt kê tên những quyển sách mà tôi phải tìm đọc. Lúc ấy, may quá, tủ sách của tôi cũng khá nhiều, do đó, không những tìm được dễ dàng mà tôi còn bổ sung thêm nhiều quyển sách khác. Như một người thợ nề dựng nhà, sau khi đã có đầy đủ dụng cụ, thầy buộc tôi phải làm đề cương chi tiết trước khi bắt tay công việc.

Ối dào, đề cương này đối với tôi thiệt là “toát mồ hôi hột”. Nhọc nhằn và thay đổi nhiều lần, với sự góp ý của thầy. Cách hướng dẫn của thầy, về sau, khi đã chính thức bước vào con đường nghiên cứu, tôi luôn nhớ đến sự hướng dẫn ban đầu: sách và đề cương chi tiết. Ý thức này, tôi học ở thầy Chu Xuân Diên từ thuở ngây ngô và trong sáng: “Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng/ Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời” (Xuân Diệu). Từ một tâm hồn lai láng với thơ, qua công việc làm tiểu luận, thầy đã níu tôi gần lại hơn nữa với các thao tác cụ thể, hết sức cần thiết. Dần dà, thành thói quen.

Mà, phải nói thêm điều này, như một cách bày tỏ lòng biết ơn, rằng, bấy giờ, tôi nào biết thế nào là phong cách viết nghiên cứu, với tiểu luận “Con thuyền trong ca dao Việt Nam”, tôi viết hết sức bay bổng, tùy hứng. Khi giao nộp cho thầy, những tưởng sau đó, thầy sẽ khen nức nở. Có thật là khen? Ít lâu sau, với bản thảo đó, thầy lật ra từng trang chỉ cho tôi thấy những chỉnh sửa, “biên tập” chi chít và bắt đầu dạy cho tôi biết thế nào là phong cách viết nghiên cứu, khảo cứu.

Cuối cùng thì sao?

Thì, tôi phải… viết lại toàn bộ dù vẫn tuân theo đề cương mà thầy đã “duyệt”. Hồi đó, thú thật, tôi ấm ức lắm. Không ấm ức sao được vì sau khi viết lại, thầy buộc phải bổ sung thêm các câu ca dao có liên quan đến hình ảnh con thuyền. Cáu thật. Tuổi trẻ còn háo thắng “hăng tiết vịt” cơ mà. Nay, nhìn lại tiểu luận dù  đạt số điểm cao nhất, tất nhiên, chỉ là kỷ niệm của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Thế Lữ) nhưng phần còn lại vẫn là bổ sung ấy. Có cả thẩy 328 câu ca dao mà tôi đã tìm ra, từ hồi đó. Nghĩ lại, sự cung cấp các câu ca dao cụ thể này hết sức quan trọng, vì rằng đó còn là một tài liệu giúp người khác trên cơ sở đó tham khảo hoặc bổ sung thêm.

3.

Đôi lúc tôi tự hỏi, trong đời người, giai đoạn nào quan trọng nhất? Với tôi vẫn là lúc chân ướt chân ráo, chập chững vào đời. Bước đi đầu tiên hay, dở, đúng, sai có tầm ảnh hưởng suốt đời của một con người. Tôi may mắn được thầy Chu Xuân Diên chỉ cho hướng đi về văn học dân gian. Một hướng đi mà về sau, toàn bộ những gì khi khảo sát về tiếng Việt, tôi vẫn lấy đó làm văn liệu, cứ liệu căn bản khi quan sát từ cách sử dụng từ/ vốn từ trong ca dao, tục ngữ để tiếp tục học tiếng Việt.

Hướng đi này là một cách tích cực, không chệch hướng lúc tìm về “linh hồn tiếng Việt”. Vì rằng, qua đó, chúng ta còn có thể tìm thấy dấu vết của phong tục, tập quán, lời ăn tiếng nói, đất lề quê thói từ ngàn năm trước. Chữ ở đó, không là “xác chữ” mà còn là dấu vết văn hóa của người Việt.

Không riêng gì tôi, nhiều thế hệ sinh viên của trường mình đã được các thầy cô chỉ cho hướng đi. Vì lẽ đó, ngày kia, nhân bàn về kỷ niệm 90 năm sinh của GS Chu Xuân Diên, nhà thơ Phan Hoàng cùng tôi mạo muội nghĩ rằng, cần có thêm nữa việc làm đáng quý tương tự. Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Mong rằng, sẽ còn có thêm những tập sách, thước phim tư liệu về các thầy cô như: Mai Cao Chương, Huỳnh Minh Đức, Trần Chút, Nguyễn Khắc Thi, Trần Đình Hựu, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Lộc, Huỳnh Như Phương, Đinh Lê Thư, Huỳnh Như Phương, Lê Văn Chưởng…

Sự nhắc lại này là cần thiết. Mà, cần thiết nhất là qua đó, cũng là lúc ngẫm lại xem từ hướng đi ban đầu do các thầy cô giáo chỉ dẫn, chúng ta đã làm được những gì? Nghĩ cho cùng, “làm được những gì” cũng là cách trả ơn thầy, tức mình đã đóng góp thêm được cái gì đó cho xã hội, cho cộng đồng, từ những gỉ đã học.

L.M.Q

(23.10.2023)

(nguồn: Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên - NXB TH TP.HCM - 2023).

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com