BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Miếng đỉnh chung mới quệt đã khem

LÊ MINH QUỐC: Miếng đỉnh chung mới quệt đã khem

Phu_nu_tem_trau_ngay_xua-1690861333988

Khi người phụ nữ chết chồng, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương bảo:

Ai về nhắn nhủ đàn em nhé
Xấu máu thời khem miếng đỉnh chung
Có lẽ, nhiều người đã dừng lại từ "khem" và… mày mò tìm hiểu cho rõ nghĩa. Không những thế, có những câu thơ của bà xưa nay ta đã thuộc làu làu nhưng rồi chắc gì đã hiểu đúng ý của tác giả? Bài thơ “Mời trầu” là một thí dụ, có bản như sau:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Đọc kỹ lại lần nữa, ta vẫn không phát hiện ra điều gì khiến phải ngập ngừng, suy nghĩ thêm.

Nhà thơ Mai Văn Hoan đã phát hiện ra một chữ/ một từ, chỉ một từ, phải thay một từ thì mới phản ánh được bản lĩnh của “bà chúa thơ Nôm”. Ông chỉ cho bạn đọc thấy từ "mới/ mới quệt rồi" cực kỳ vô vị. Tại sao? Ông lập luận: "Cách mời trầu của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương không giống với cách mời trầu thông thường. Bà không hề có ý muốn tạo sự hấp dẫn với người được mời, rằng là miếng trầu của mình "vừa mới quệt", còn "tươi roi rói", rất "sốt dẻo". Nếu mời để hấp dẫn khách như thế, bà phải nói lá trầu của bà là lá trầu ngon, quả cau của bà rất đẹp. Đằng này bà lại "khai báo" với khách một cách hết sức thành thật: "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi".
"Trầu hôi" là loại trầu xoàng ít ai dùng. Quả cau "nho nhỏ" cũng ít ai lựa chọn để tiếp khách quý. Nên biết lá trầu, quả cau ở đây chính là "lạch Đào nguyên" và "gò Bồng đảo" trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày" nhưng đã "xuống cấp". Trầu và cau như thế, dù có "mới quệt" đi chăng nữa cũng khó lòng hấp dẫn khách mời. Nếu cho rằng đấy là cách nói nhún nhường, khiêm tốn, tự hạ mình (như nàng Kiều nói với Kim Trọng "Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?"), thì việc khoe "mới quệt" xem ra cũng không phù hợp chút nào".
Xét ra cũng có lý đấy nhỉ? Vậy, không phải "mới quệt rồi", vậy phải là từ gì? Nhà thơ Mai Văn Hoan chọn lấy dị bản "Này của Xuân Hương đã quệt rồi". Khi nhà thơ Mai Văn Hoan chọn từ "mới" qua "đã" rõ ràng là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Ông phân tích: "Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương dám nói cái điều mà những người đàn bà rơi vào hoàn cảnh như bà vẫn muốn che giấu, không dám nói, rằng là: "Này của Xuân Hương đã quệt rồi!". Đã quệt không xác định rõ thời gian như mới quệt. Chữ "quệt" mà “bà chúa thơ Nôm” dùng ở đây là cách nói bóng gió (hóm hỉnh, tinh nghịch, thanh mà tục) chứ không chỉ đơn thuần là quệt trầu. Cái cung cách mời trầu cho ta biết bà đã hơi đứng tuổi, không như những cô gái mới lớn. Bà muốn nói với "người ấy" rằng: Bà là người đàn bà từng trải, không còn thanh tân nữa…

Đó là cách mời trầu của một phụ nữ bất hạnh, chưa được tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nữ thi sĩ vẫn còn khao khát được yêu, được chung sống với người mình yêu. Thế nên bà mới nói: "Có phải duyên nhau thì thắm lại". Bà muốn nhắn gửi với "người ấy" rằng: Cái quan trọng nhất là chúng mình thực sự yêu thương nhau! Đã phải duyên nhau rồi thì bất chấp tất cả, bỏ qua tất cả. Tình yêu sẽ làm "thắm lại" tất cả. "Thắm lại" có rất nhiều tầng nghĩa: Cùng nối lại tình cảm, cùng nhau làm lại cuộc đời, cùng hòa trộn vào nhau như kiểu ăn trầu...

Nữ thi sĩ không chỉ nhắn với người mình yêu mà nhắn với tất cả mọi người của mọi thời đại: "Đừng xanh như lá, bạc như vôi"! Yêu nhau mà không gắn bó với nhau, hòa trộn vào nhau thì có khác gì trầu, cau, vôi bị tách ra. Lá trầu cứ xanh, vôi kia vẫn giữ nguyên màu trắng… "Thắm lại" rất phù hợp với "quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi", rất phù hợp với "đã quệt rồi". Đó chính là sự màu nhiệm của tình yêu. Tình yêu có thể làm thay đổi tất cả! Xanh như lá, bạc như vôi nhưng nếu biết hòa trộn vào nhau bằng một tình yêu đích thực thì vẫn "thắm lại" như thường. Nếu miếng trầu của bà vừa "mới quệt", "còn tươi rói" cần gì bà phải khẩn nài với "người ấy": "Có phải duyên nhau thì thắm lại" nữa. Với bà, điều quan trọng nhất là có yêu nhau thật lòng hay không. Nói như dân gian "yêu nhau cau sáu bửa ba", miếng trầu hôi cũng có thể biến thành miếng trầu thơm như thường…

Tôi cho rằng, cách phân tích của nhà thơ Mai Văn Hoan hợp lý, thuyết phục, đã trả lại từ "đã" hết sức độc đáo của “bà chúa thơ Nôm”, lâu nay đã bị từ "mới" lấn lướt. Vậy, chỉ một từ mà ý nghĩa bài thơ khác hẳn. Vậy, cũng như khi ta liên tưởng đến từ "khem" trong câu thơ "Xấu máu thời khem miếng đỉnh chung", không thể "giỡn chơi", cần xem xét nghiêm túc để tìm hiểu bà ngụ ý điều gì?

Mà, khem nghĩa là gì nhỉ?

Năm 1939, nhà văn hóa Phan Khôi có viết tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra”, ngay nhan đề của nó, nhiều người ở miền Bắc thời đó đã không hiểu. Muốn hiểu câu này, ta cần liên hệ đến câu tục ngữ phổ biến ở Trung, Nam Bộ "Con gái trở vỏ lửa ra". Về tục lệ này, ta hãy nghe ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: "Cây cắm ra ngoài cho biết trong nhà có việc kiêng cử: ấy là một cây dài nhỏ, chẻ ra một đầu, giắt một đoạn củi vắn đã có chụm rồi, cắm ra trước nhà cho biết là nhà có người nằm bếp, đẻ con trai thì trở đầu cháy vào nhà, đẻ con gái thì trở đầu cháy lộn ra". Việc làm này, gọi tắt bằng từ "khem".

Giải thích trên cho biết "cây củi vắn đã có chụm", ta hiểu là nó đã từng chụm lửa, chứ không phải cây củi đó đang phừng phựt lửa cháy. Cây củi đó, thú vị thay, người Việt mình gọi là "vỏ lửa", thế nhưng tréo ngoe thay, khi có người trên tay cầm cây lửa đang cháy, hớt hơ hớt hải chạy lộn đầu này, ngược đầu kia nhắm báo động cho bà con biết giặc tràn vào làng, thì lại gọi "chạy vỏ lửa".

Tóm lại, trong ngữ cảnh cụ thể, "vỏ lửa" có liên quan tới "khem" nhằm chỉ lúc người phụ nữ sinh nở. Thế nhưng, không những thế, với từ khem này, ta biết ngày xưa mỗi nhà của người Việt đều có khoảng thời gian đóng cửa ngõ, không cho ai lui tới nữa. Đó là từ lúc làm lễ rước ông bà vào chiều 30 Tết tháng Chạp đến lễ đón Giao thừa, thậm chí đến rạng ngày mồng Một, người ta cũng gọi là khem/ vào khem.

Khi người phụ nữ "nằm bếp", còn có các từ tương tự như nằm lửa/ nằm phây/ nằm nơi… Nếu thay thế bằng từ khác, ta còn có cách nói khác như nằm cữ, giường cữ, ở cữ...  Tục ngữ có câu "Ăn khem nằm cữ" là vậy. Người Việt ngày xưa có câu cửa miệng "Con trai bảy ngày một cữ, con gái chín ngày một cữ". “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức giải thích: "Thời kỳ ở cữ (sinh đẻ) bảy ngày nếu sinh con trai, chín ngày nếu sinh con gái, kiêng người tới thăm bằng cách treo trước cửa một lá môn, một cục than và bảy hay chín đồng tiền".

Trong khi đó, hầu hết các thông tin trên mạng hiện nay đều cho rằng, đó là: "Lễ cúng mụ đầy cữ cho bé gái khi bé được 9 ngày tuổi và bé trai được 7 ngày tuổi. Ý nghĩa của buổi lễ để cảm ơn các bà Chúa Mụ. Đã khai tâm, khai tính, khai lời, khai khẩu đối với một đứa trẻ sơ sinh". Rõ ràng, đã có sự hiểu khác nhau về câu cửa miệng đã có từ xưa vừa nêu trên. Thiết nghĩ, điều này hết sức bình thường mà cũng hợp lý nữa, vì quan niệm về "khem" đã khác trước.

Mà, thật ngộ, khem cũng có nghĩa là kiêng, bởi vậy ta có tiếng đôi kiêng khem. Nhưng kiêng còn "choàng vai bá cổ" với dăm từ khác để trở thành kiêng nể, kiêng oai, kiêng sợ, kiêng kỵ, kiêng dè, kiêng mặt... Kiêng là né tránh, không phạm đến những sự vật/ sự việc gì đó, tránh xa cho lành. Ca dao miền Nam có câu:

Tới đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng

Dù kiêng và khem đồng nghĩa nhưng câu này không thể hoán đổi cho nhau cũng như không thể đổi sang cữ - dù kiêng cũng có nghĩa là cữ. Thí dụ, một người bảo: "Tớ cữ/ kiêng món mộc tồn", ai cũng hiểu người đó hễ thấy món "cờ tây" là "né đạn" ngay, dứt khoát không đụng đũa. Trong ngữ cảnh nào đó, thay vì dùng các từ trên, ta còn có từ tương tự là kỵ/ kị, có từ đôi kiêng kỵ.

Trở lại với câu "Xấu máu thời khem miếng đỉnh chung" trong bài thơ "Dỗ người đàn bà khóc chồng chết", các sách bình giảng về thơ Hồ Xuân Hương đều chú thích: "Khem: kiêng"; "đỉnh chung" thì đỉnh là cái vạc, chung là cái chuông "chỉ gia đình quyền thế cực giàu có, nấu cơn bằng vạc, giờ cơm phải đánh chuông" - theo “Hán Việt tân từ điển” (1975) của Nguyễn Quốc Hùng. Ta hiểu, bà bảo đã "xấu máu" (chồng chết) thì nên kiêng, chớ ham hố "miếng đỉnh chung" (nơi quyền quý sang trọng).

Đơn giản thế ư?

Không.

Khem trong câu thơ này vừa là kiêng nhưng lại còn liên quan đến chuyện "nằm bếp/ ở cữ" nữa, do đó, "miếng đỉnh chung" không thể chỉ hiểu… "miếng đỉnh chung" như từ điển giải thích, mà, nó phải hiểu qua nghĩa khác. Chỉ có thể hiểu bằng sự liên tưởng qua thơ của chính bà, rằng, "miếng đỉnh chung" ấy chính là vật dụng, tài sản quý báu của đấng mày râu:

Đầu đội mũ da loe chớp đỏ

Lưng đeo bị đạn rủ thao đen

dùng cho mục đích "đóng cọc": “Quân tử có yêu thì đóng cọc", "Quỳ hai gối xuống gật xom xom"... Một khi đã "xấu máu" vì rằng đang còn "Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng" thì phải khem theo nghĩa này.

Sự đắc địa của từ "xấu máu" còn do bà vận dụng tài tình câu tục ngữ "Xấu máu đòi ăn của độc". Về nghĩa của nó, “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân giải thích: "Xấu máu là tạng yếu. Giễu những ai mong ước những điều không hợp với khả năng của mình"; “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương cũng cho rằng: "Máu đã xấu thì đừng đòi ăn món của độc (dễ bị mắc họa). Hay dùng để khuyên những ai tạng yếu hãy tránh xa các món của độc cho khỏi mắc họa". Xét ra, về nghĩa bóng, Nguyễn Lân giải thích "chuẩn" hơn, tương tự, còn có câu như "Đũa mốc chòi mâm son"… Đã hiểu rõ nghĩa từ "của độc", ta mới rõ cơn cớ tại làm sao bà Hồ Xuân Hương lại dùng từ "khem".

Tương tự, từ "quệt" trong câu thơ "Này của Xuân Hương" cũng thế, không thể hiểu đơn giản: "Bôi vào, phết vào: Quệt vôi vào lá trầu" - theo “Việt Nam tự điển” (1931), hiểu thế còn gì là Hồ Xuân Hương? Quệt trong ngữ cảnh này là chỉ động tác mà người đàn bà đã từng được/ từng bị "đẽo đá": "Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc", đã trải qua tình huống: "Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không"… Vì thế, mời trầu ở đây chỉ có thể là "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi" thể hiện sự nhất quán nội tại của bài thơ.

Nếu không hiểu như thế, làm sao ta cảm nhận hết cách sử dụng tiếng Việt thuộc hạng thượng thừa đã tạo nên bút lực "vô tiền khoáng hậu" của một bậc nữ lưu được đời sau tôn vinh “bà chúa thơ Nôm”?

Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng 25.7.2023)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com