THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Chú Vinh

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Chú Vinh

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

 

Chú Vinh

Chú tôi - chú Vinh, sau khi bố mẹ mất, ở nhà không nghề ngỗng chi cả, học hành lem nhem, ở với chị Cớt lại hay bị ăn đòn. Ông bỏ nhà ra đi, đi mãi đi mãi rồi đến tuổi đi bộ đội, lăn lộn qua nhiều chiến trường Trong một trận đánh chống Pháp, ông bị thương và cụt một tay.

Cuộc đời ông lại rẽ vào một ngỏ khác, thương binh hồi ấy được ưu tiên lắm, ông được sung vào đội thuế của Thị trấn Cồn ở mãi tận bên huyện Hải Hậu - Nam Định, gần biển. Cách quê tôi cũng phải hơn 50 cây số. Chú tôi đã chọn vùng đất này để lập nghiệp vì sự trù phú của nó

"Thị trấn Cồn thuộc huyện Hải Hậu .Thị trấn Cồn là thị trần đầu tiên của tỉnh Nam Định. Nằm ở trung tâm phía Nam của huyện Hải Hậu, phía Đông giáp xã Hải Lý, Đông Bắc giáp xã Hải Tây, Đông Nam giáp xã Hải Chính, phía Bắc giáp xã Hải Tân, phía Tây giáp xã Hải Sơn, phía Tây Nam giáp xã Hải Cường, phía Nam giáp xã Hải Xuân - là trung tâm văn hóa của cả vùng. Thị trấn bao gồm 16 đơn vị hành chính . Nổi tiếng từ xưa với chợ Cồn - trung tâm thương mại của cả vùng phía Nam . Ngoài ra còn có Chùa Cồn được nhận bằng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1995.
Là thị trấn có diện tích nhỏ nhất huyện Hải Hậu, nhưng kinh tế của thị trấn khá phát triển. Thành phần kinh tế chủ yếu là tiểu thương và tiểu thủ công nghiệp, ngoài ra còn có một vùng làm nông nghiệp là khu vực xã Hải Tiến cũ (làng An Bài). Tỉ lệ người dân theo Đạo Thiên Chúa của Thị trấn cũng khá cao".

Cách nhà Chú ra biển khoảng 6 cây số, biển Hải Hậu bị xâm thực kinh khủng, người ta phải cho đổ đá hộc dọc suốt ven biển để tránh sóng to gió lớn, nơi vùng biển này các cố Đạo Gia Tô đã vào truyền Đạo lần đầu tiên ở Việt Nam. Xa xa ngoài biển có mấy ngôi nhà thờ hằng trăm năm tuổi đã bị biển xâm thực nằm chơ vơ, chỉ còn thấy phần gác chuông và tượng chúa Jésus trên cao. Mấy bức tường bị sóng nước đập vỡ loang lỗ. Sức mạnh của thiên nhiên tàn phá ngày qua ngày khủng khiếp thật.

clip_image007
Hải Hậu nhìn ra biển

Chú tôi đã chọn vùng đất này để lập nghiệp vì sự trù phú của nó. Đồng lúa Nam Định rất màu mỡ, là vựa thóc của miền Bắc. Hải Hậu - chỗ chú tôi ở, nông dân còn cấy loại gạo thơm đặc chủng. Nồi cơm khi đã chín, mở vung ra, hương thơm bay ngào ngạt khắp nhà. Ở nhà, chú tôi được thổi riêng một nồi cơm loại gạo này mỗi bửa ăn. Ông bảo số ông có sao Tham Lang thủ mệnh nên thích ăn ngon! Ngư nghiệp cũng phát triển, ra chợ tôi thấy người ta bày bán rất nhiều loại cá quí hiếm với giá rất rẻ, nhất là cá thu. Ngoài ra những sinh vật trong đồng cũng chẳng thiếu chi như rạm đồng, ếch, lươn, cá quả (cá tràu) cũng ê hề... Tôi đã trổ tài nấu mấy món miền Nam với sinh vật tự nhiên hoang dã này cho mấy em nhậu, đứa nào đứa nấy cũng khen nức nở các món như ếch xào xả ớt, da ếch chiên dòn, cá quả nấu canh chua…

clip_image006

Cháu đích tôn của ba tôi

Nói là cư dân thị trấn cho oai chứ thói quen nấu nướng  nhà chú tôi còn mang tính nông thôn, không dùng nhiều gia vị, khó chế biến được nhiều món ngon. Nhìn vào bếp tôi thấy chỉ có một hũ mỡ và một hũ muối, với ngần này gia vị, bảo làm sao nấu ăn cho ngon được. Tôi học được mẹ tôi  câu tục ngữ “hành mỡ đỡ đứa vụng”. Khi trổ tài nấu nướng tôi đã nêm nếm nhiều gia vị hợp lý nên bọn em ăn vào thấy khoái khẩu. Lần thứ hai tôi ra lại, cung cách ăn uống nhà chú tôi đã khác xưa, lần này bọn em nấu thếch đải tôi món “tiểu hổ đồng bằng”và “nai đồng quê” ngon tuyệt.

Khi sinh thời tôi cũng có về thăm chú tôi, hoàn cảnh ông như vậy mà ông sinh đến 9 người con, quớ trời!

Thím tôi tâm sự, bà là con ông Chánh Thái, có anh trai là quan ba của Pháp, nhà cửa bị tịch thu, anh trai đi tù, mười mấy năm sau mới được tha về, cha bị đấu tố. Ấy là vào năm 1945, gia đình rất sa sút. May mà có lệnh sửa sai của Hồ Chủ tịch chứ không cha bà - ông Chánh Thái phải tội tử hình!

Lúc ấy, bà sinh nhai bằng cách trốn chui trốn nhủi đi bán thịt heo nuôi gia đình. Mà khổ quá trời ạ, mỗi lần đi mua đi bán lại bị chú tôi - nhân viên đội thuế thị trấn Cồn lùng bắt, phạt thuế, bà căm hận lắm. Khóc lóc van xin, chú tôi lại mủi lòng tha cho, từ đây mà tình cảm nẩy sinh? Chắc ông bày trò này ra để chiếm đoạt con tim của bà chăng? hay bà thương cảm vì tấm thân tàn phế của ông? Hay bà muốn dựa vào ông thương binh để được che chở? Với ngần ấy lý do, hai người đi đến yêu thương hồi nào không hay! Bà và chú tôi nên nghĩa vợ chồng.

Lấy con nhà địa chủ phong kiến, chú tôi không ngóc đầu lên nổi, được làm nhân viên phòng thuế thị trấn là may phúc rồi.

Rồi chú cũng đến ngày phải về hưu vì cao tuổi, với đồng lương hưu thương binh ít ỏi chết đói.

"Cuộc sống của người dân miền Bắc đã khó khăn lại càng căng thẳng, ngay cả bộ đội cũng bị thiếu ăn. Ở thành thị, dân chúng phải tản cư về nông thôn để tránh bom, nhu yếu phẩm cho dân thành thị được bán theo chế độ tem phiếu rất nghiêm ngặt . Ở nông thôn, ngoài số thực phẩm tối thiểu được để lại để nuôi sống gia đình, tất cả các nông phẩm phải đưa hết vào kho cho nhu cầu quốc phòng. Nông thôn vắng bóng nam thanh niên. Nữ thanh niên vừa lao động sản xuất vừa phải tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ trật tự và tham gia huấn luyện quân sự, bắn máy bay. Chính phủ đã huy động hàng vạn nữ thanh niên đi Thanh niên xung phong sinh hoạt tập trung như bộ đội vào tuyến lửa tại các tỉnh bị đánh phá nặng nề nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và vào tuyến đường Trường Sơn, sang Lào để làm nhiệm vụ hậu cần, làm đường và đảm bảo giao thông. Số này bị thương vong vì bom đạn và bệnh tật rất nhiều (wikipedia.org/chiến tranh Việt Nam)".

Chú lại dấn thân một lần nữa để nuôi con. Chú làm đủ thứ chuyện. Buổi sáng, ông nấu 2 nồi thuốc nhuộm to đặt ở ngã tư thị trấn, sai mấy thằng con chụm lửa đỏ mắt, hồi đó, miền Bắc thiếu ăn, thiếu mặc dữ lắm. Tất cả dành cho cuộc chiến giải phóng miền Nam. Áo quần chỉ có màu đen và màu nâu.

Áo quần cũ, ông cho vào nồi nhuộm là sẽ biến thành áo quần mới tất tần tật. Trong lúc chờ nhận áo quần nhuộm, mấy cô mấy bà thích quấn quít bên chú tôi để xem chỉ tay.Ông có lối bắt chuyện với người đối diện rất hay, mẹ tôi hay nói “chú mầy có cái miệng rất dẻo”. Công việc nhuộm áo quần cũ cũng giúp gia đình chú tôi sống được huy hoàng. Đúng là nhất cận thị nhì cận giang. Nhà ông ở ngay chợ thị trấn Cồn.

Đó là công việc buổi sáng, chợ thị trấn Cồn chỉ đông một buổi, buổi chiều rảnh rổi quá không biết làm gì. Chú kể, hồi nhỏ hay gần ông nội, được ông thương lắm, mỗi lần đi cúng hay đi công việc gì ông nội lại dắt theo. Con ông thầy cúng giá nào cũng được hưởng xái cục xôi, cái bánh. Nhưng Chú tôi bảo: “Thèm vào những thứ ấy, chú đi theo ông chỉ cố học nghề và chữ để sau này kiếm sống”.

Và chú tôi kiếm sống bằng nghề này thật. Mấy cô sồn sồn ế chồng cũng tìm đến chú để làm cho đạo bùa đeo vào ngực, có người yêu ngay (!?). Đạo bùa chú có hiệu nghiệm không? Tôi chẳng biết nữa và cũng chẳng biết ông giúp được cho bao nhiêu người?

Nói chung những công việc linh tinh thuộc về tâm linh chú tôi làm tất. Theo phong tục miền Bắc sau khi chôn tạm ở mả đất, ít nhất ba năm sau thân nhân phải chọn ngày và tìm huyệt mộ cải táng cho người thân rồi mới được xây mồ. Làm nhà phải chọn hướng nhà cho hợp tuổi, gia đình con cái mới làm ăn phát đạt  Mở hàng cũng phải coi ngày lành tháng tốt khai trương v.v… Chú tôi bảo chú làm theo sách cổ bí truyền, hồi ra Bắc ở lại chơi nhiều tuần, chú có khoe với tôi mấy cuốn sách chữ Nho cũ, xơ hết gáy. Tôi xem mà chẳng hiểu gì.

Từ sau 1945 ở miền Bắc, chuyện coi số má, cầu cúng đều bị Nhà nước cho là mê tín dị đoan và cấm triệt để, nhưng trong thâm tâm người dân miền Bắc vẫn tin có đời sống tâm linh, họ vẫn tin vào số mệnh do trời định đoạt, chứ không thể nói bừa theo cái kiểu: thay trời làm mưa, nghiêng sông đổ nước vào đồng được.

Cho nên người  ta vẫn cầu khẩn khấn vái thánh thần, coi tướng coi số, ngày lành tháng tốt một cách lén lút mà thôi. Vì những lẽ ấy mà chú tôi có điều kiện để sinh nhai
Lúc ông lâm bệnh năm 2004, tôi ra thị trấn Cồn thăm ông, căn bệnh dạ dày đã hành hạ ông, không ăn uống được chi nhiều, chỉ chút cháo và vài chai bia hằng ngày. Ông bảo uống bia vào, ợ được hơi, cái bao tử cảm thấy dễ chịu hơn. Lúc đau nhiều, bệnh viện Hải Hậu chuyển ông lên Hà Nội siêu âm, người ta chuẩn đoán ông có thể bị ung thư bao tử. Ông tự bấm số Tử vi và bảo với tôi sẽ mạng chung vào năm ông bảy mươi ba tuổi. Thật kỳ lạ, về sau đúng như lời chú nói! Vậy khoa tử vi có ứng dụng vào trường hợp của ông không? Năm 2006 qua đời chú tôi hưởng thọ bảy mươi ba tuổi.


clip_image008


Sau khi đắp mồ được ba năm, lúc cải táng mấy người em quyết định xây mả chú ở thị trấn Cồn, chứ không mang chú về quê Hoa Lư - Ninh Bình như lời chú đã trối trăn. Con ở đâu cha theo đó. Mấy đứa em con chú đều lập nghiệp ở thị trấn Cồn.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com