THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang


Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp

Cả nhà ngốn nháo, cả khối nhốn nháo, cả phường nhốn nháo, và đâu đâu cũng thấy người ta nhốn nháo!
"Vào ngày 2/9/1975: Ở Miền Nam, đổi tiền của chính quyền Sài gòn cũ bằng tiền Giải phóng theo tỷ giá 500 đồng tiền cũ = 1 đồng tiền mới giải phóng. Có phát hành thêm các loại tiền: 10 xu, 20 xu, 50 xu và 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng" (http://www.vi.wikipedia.org/wiki/thảo -luận:Đồng- (tiền).

Trời ơi là trời 500 đồng đổi còn 1 đồng? Đồng tiền Cách mạng to vậy sao? 1 ăn 500. Vậy chúng ta giàu to rồi. Chỉ cần vài chục đồng là có thể mua được một chỉ vàng, xe Honda đang xuống giá, 50 đồng là mua được một chiếc! Cơm gạo chỉ tính bằng xu thôi, đúng là Cách mạng đã đem lại sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Cả nhà tôi vui mừng khôn xiết, đến ngày đổi tiền mới hay, mỗi gia đình chỉ đổi được 150.000 đ. Số tiền còn lại phải gởi vào tiết kiệm ở ngân hàng, khi nào gia đình cần chi tiêu, viết đơn lên ủy ban nhân dân phường xác nhận, ngân hàng sẽ cho nhận và trả thêm tiền lãi!  Ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể và cho rút lại số tiền tiết kiệm phù hợp. Nhà nước lo cho dân từng xu vậy còn gì hơn nữa! Nhưng lúc này ba tôi bảo rằng: “Tiền nong do mình làm ra, ngân hàng nhà nước xét cho chi tiêu thì mới cho rút tiền. Thế  còn thể thống gì, thể thống gì nữa?”. Than ôi, tất tật cả nhà tôi chỉ đổi được 300 đồng, 10 người tất cả, vị chi không kể lớn hay nhỏ, mỗi người 30 đồng, trong thời giá ấy lương nhân viên nhà nước 48 đ, mỗi nhân viên được đỗi 100 đ.

Vậy sao không chịu vào làm nhà nước nhỉ? Người của nhà nước được ưu ái trăm bề. Theo nhà nước quyền lợi được hưởng gấp đôi dân thường. Làm sao để lọt chân vào?

Vậy là ba tôi chạy tứ tung để xin anh Lương vào làm thủy lợi, những người quen thân trong kháng chiến nay trở về thành phố công tác giúp đỡ cha tôi. Công việc hằng ngày đi đo đạt mức nước lên xuống của sông Thu Bồn tại Đại Lộc. Vĩnh cũng được xin vào ở đài thủy tượng thủy văn. Học mấy tháng sau được đổi về làm tại trạm thủy văn Tam Kỳ. Tôi vào lại Sài gòn một năm sau đó để thi vào lại Đại học Tổng hợp. Ngày thi, tôi nhận được một cái đề văn nghị luận. Văn nghị luận đối với tôi không khó. Đề thi ra: “Anh chị hãy bình luận câu nói của đồng chí tổng bí thư Lê Duẩn: “Yêu nước ngày nay đồng nghĩa với với yêu chủ nghĩa xã hội”. Yêu nước ư? Đã là con người thì ai không yêu nước, không yêu nơi chôn rau cắt rốn? Còn chủ nghĩa xã hội là gì? Môn triết học lớp 12 của tôi chỉ nhắc sơ qua trong nhiều chủ nghĩa. Kiến thức về chủ nghĩa xã hội của tôi còn ít ỏi quá. Tôi không làm được bài văn nghị luận trong ký thi này. Tôi trở về lại Đà Nẵng để tiếp tục làm vàng với mẹ tôi. Ba tôi tặt lưỡi, thôi cũng được: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh con ạ”.

"Lần thứ hai ngày 3/5/1978: Thống nhất tiền tệ trong cả nước. Ở miền Bắc đổi từ tiền cũ sang tiền thống nhất theo tỷ giá 1 đồng cũ = 1 đồng tiền mới thống nhất. Ở miền Nam đổi tiền giải phóng sang tiền thống nhất theo tỷ giá 1 đồng giải phóng = 8 hào tiền thống nhất. Có phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng" (như trên).

Chuyện này, tôi không bình luận. Chỉ biết rằng:

“Sau bao biến cố của lịch sử, đồng tiền mới được thống nhất trên phạm vi cả nước. Lẽ ra đây sẽ là thời điểm đầu tiên của lịch sử phát triển tiền tệ của đất nước, nhưng đáng tiếc là vì nhiều nguyên nhân, đồng tiền lại rơi vào những thăng trầm mới.

Ngay sau đó do nền kinh tế nói chung còn ở trình độ quá nghèo nàn, lạc hậu lại do những sai lầm trong cải tạo các thành phần kinh tế - nhất là cải tạo giới công thương nghiệp miền Nam để áp dụng cơ chế bao cấp giống như ở miền Bắc trong cả nước nên lạm phát đã liên tục gia tăng - Từ chỗ giá trị đồng tiền mới sát với sức mua của đồng Dola Mỹ (1,25đ/1USD) đã nhanh chóng bị “doãng ra”. Đồng tiền NHNN VN mất giá mạnh so với đồng USD, đến trước ngày đổi tiền tháng 9/1985 tỷ giá giữa đồng tiền NHNN VN so với đồng USD đã là: 150đ/USD” (www.cuocsongviet.com).

Quá bất ngờ như lần trước, tiền của gia đình tôi bị gởi vào tiết kiệm một lần nữa. Lúc này đời sống khó khăn dần, lương thực thực phẩm mắc mỏ, phải thường xuyên ăn độn. Những sợi mỳ được làm bằng bột gạo pha bột sắn quả khó nuốt. Mỳ sợi được hấp chung với cơm, hay xào với mỡ, làm kiểu gì làm nó cũng nhạt thếch, chẳng có tí thịt nào xào chung khó ăn thật. Lại còn hạt bo bo nữa! Luộc hạt bo bo rất lâu chín mềm vì lớp vỏ của  nó. Khi ăn vào có cảm giác sần sật, hạt này khó tiêu lắm, bao tử người nào khỏe mới xay nó nổi! Chú Vinh tôi ngoài Bắc vào chơi nói đùa đấy là hạt ba đời. Hạt bo bo sau khi tiêu hóa ở người, chó còn có thể ăn được sau khi người… và sau đời thứ ba là gà hưởng phần của chó...! Ngoài thị trấn Cồn, chú tôi cho rang hạt bo bo chín như đậu phụng, mấy đứa em con chú bỏ đầy hai túi quần, mang đi học để ăn thêm cho đỡ đói, ra vẻ phong lưu lắm. Hạt bo bo thần kỳ thật!

Và hệ thống tiền đổi lần này có một tờ mệnh giá 30 đồng, và tờ tiền mệnh giá 50 đồng và 100 đồng ê hề trên thị trường, những tờ mệnh giá thấp đốt đuốc tìm cũng không thấy! Hiếm lắm. Tôi còn nhớ mãi, khi cầm tờ mệnh giá 50 đồng đi ăn buổi sáng, chủ quán không có tiền thối lại. Quán ông Tàu bán bánh mì ở đường Trần Bình Trọng mà tôi hay lại ăn, mỗi lần thối tiền ông ghi cho tôi một tờ giấy ghi lằn ngoằn bằng chữ tàu, và con số trên tờ giấy tôi đọc được là số tiền còn lại của tôi quán ông còn thiếu. Lần sau đến ăn trả cho ông tờ giấy này, nhìn vào đó ông sẽ thối lại tiền thừa cho tôi nếu ông có đủ tiền lẻ, còn không, ông ghi lại tờ giấy khác, tôi phải đến ăn lần thứ ba, lần thứ n cho đến khi nào ông đủ tiền lẻ thối lại cho tôi.

Lại nữa, tờ bạc mệnh giá 30 đồng mới khó tính làm sao. Khó kẹp chung nó với mấy tờ tiền khác để đủ 100 đồng  Những thương vụ của mẹ tôi đôi khi lên đến hàng ngàn đồng!

Sau việc đổi tiền lần thứ hai, nhà nước tiến hành tổng kiểm kê trong đợt này được gọi là “Cải tạo công thương nghiêp”.

"Nội dung cải tạo ở miền Nam sau 1975

Những nhà tư sản lớn của Sài Gòn - TP HCM thời đó phần lớn đã di tản ra nước ngoài, thành phố chỉ còn các doanh nghiệp loại vừa như các chủ nhà in, chủ xưởng thủ công, chủ cửa hàng, cửa hiệu... Các ông chủ này; kể cả những người làm nghề chuyên môn và chỉ là tiểu chủ như chủ hiệu thuốc tây bị buộc phải kê khai tài sản, vốn liếng rồi trưng thu, tịch thu, trưng mua và buộc họ không được làm kinh doanh, phải chuyển qua sản xuất nông nghiệp, nhiều người phải rời khỏi thành phố. Nhiều cửa hàng nhỏ, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, một số tiệm ăn, tiệm cà phê... cũng bị niêm phong, định giá và chuyển qua sản xuất quốc doanh, hợp tác xã.

Để thực thi, những tổ công tác mật được gấp rút thành lập, bắt đầu rà soát, lên danh sách những hộ gia đình kinh doanh, những gia đình giàu có phải vào diện “cải tạo tư sản”. Nguyên tắc hàng đầu của các chiến dịch này là bí mật, bất ngờ. Những ông chủ, bà chủ chỉ bàng hoàng nhận biết những gì xảy ra khi cửa mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định “kê biên tài sản” của họ.
Những cửa hàng, nhà cửa bị tịch thu trở thành tài sản công và thường sẽ thành một cửa hàng quốc doanh hoặc thậm chí nhà ở cho cán bộ.
Tài sản bị niêm phong xong, mọi người trong gia đình đó phải chuẩn bị nhận quyết định đi “xây dựng vùng kinh tế mới“.

Xuất phát của quan điểm cần cải tạo:

Nhận thức sai lầm về giới chủ: Tất cả xuất phát từ quan niệm đầu tiên cho rằng các ông bà chủ chuyên ăn trắng mặc trơn, chỉ bóc lột nên nay cần phải cho đi cải tạo để họ thành những "con người mới XHCN". Do đó dích đến của họ thường là các vùng kinh tế mới .

Nhận thức kinh tế ấu trĩ: Cho rằng chỉ có sản xuất mới là có giá trị còn tất cả các ngành khác đều kém; nhất là thương mại là không sinh ra giá trị nên cần tiêu diệt càng kỹ càng tốt.
Quá đề cao quan điểm giai cấp: Nên chỉ tôn vinh công, nông, tiêu diệt tiểu tư sản, tư sản.

Nôn nóng đem lại công bằng xã hội" (www.wikiperia.wiki/cai_tao_công _thương_nghiêp).

Không biết ba mẹ tôi có lường trước việc này hay không. Ba tôi giao cho tôi một số vàng mót máy còn lại của gia đình, chỉ để một hai lượng buôn bán mà thôi. Thằng Anh Toát Loa chở tôi vào Quảng Ngãi bằng xe Vespa Sprint gởi số vàng này cho cậu Bảo tôi, cậu vẫn làm nhà đèn,nhà công vụ của cậu đã bị thu hồi và cậu đã mua nhà khác ra ở cống sông Đào, đường Quang Trung. Tôi đem số vàng này vào gởi cậu, đâu khoảng 6 lượng. Tôi đi về trong ngày, khi hai anh em về đến nhà, tôi thấy đoàn cán bộ kiểm kê đã vào trong nhà từ hồi nào rồi! Cha tôi mắng tôi và thằng Anh Toát Loa xối xả. Ông bảo tôi là thằng khốn nạn, chỉ biết rong chơi suốt ngày thật là đồ vô dụng! Tôi hiểu ngay ba đang đánh lạc hướng đoàn cán bộ kiểm tra.

Trưởng đoàn lúc ấy là một thiếu úy công an tên Lê Viết Dẫn, sau này tôi biết Dẫn thuộc gia đình cách mạng ở Điện Nam (Điện Bàn) có thân nhân hy sinh trong thời chiến, người thân gởi vào học trường công an, bây giờ đã là trung tá. Một người nữa, một cán bộ tòa án tập kết về, hình như tên Tuyết? và một cán bộ hưu trí tên Thiết lé mắt.

Gia đình tôi bị cho là gia đình tư sản bóc lột! Ăn trắng mặc trơn phải bị cải tạo. Mọi người trong nhà đều “nội bất xuất” và “ngoại bất nhập”. Mọi việc đi lại phải xin phép cán bộ. Đến bữa cán bộ sẽ thay phiên nhau đi ăn, nhà tôi luôn luôn có người canh gác! Vậy là gia đình tôi bị gán vào thành phần đối lập với chế độ! Thật vậy sao?

Buổi tối trưởng đoàn đi đâu đó khoảng 8 giờ tối về ngủ lại, đoàn cán bộ ở nhà tôi suốt một tháng trời, thỉnh thoảng có cán bộ đến tăng cường.

Đoàn cán bộ làm gì trong nhà tôi suốt một tháng?

Họ điều tra xét hỏi số vốn của nhà tôi làm ăn? Vàng bạc chôn giấu ở đâu? Dù ba mẹ tôi trả lời thế nào họ cũng không tin. Họ dùng những danh từ chối tai để xưng hô. Ba mẹ tội bị sỉ nhục thật sự.

Họ hỏi và ghi biên bản, hỏi tới hỏi lui cũng một chủ đề về số vàng cha mẹ tôi cất đâu? Ba tôi vẫn bình tĩnh đối đáp, nhưng trong tâm ông sốc thật sự. Ông buồn rầu và già đi nhanh chóng. Cả cuộc đời đi theo cách mạng để rồi ngày hôm nay được đối xử như kẻ thù, cơn đau bao tử tái phát lại hành hạ ông. Mẹ tôi vỡ lẽ, con đường bà đã chọn đi cùng ba tôi từ ngày ở vùng tự do Cây Sanh - Tam kỳ đã bị đoàn người này gạt bỏ, chỉ vì bà mang tội buôn vàng, bóc lột của nhân dân để làm giàu!Còn chúng tôi hiểu ra rằng chế độ này không dành ưu ái như chúng tôi đã tưởng. Tôi có cảm giác đang sống dưới địa ngục.
Người ta đã lục tung 3 tầng lầu và 3 gian nhà của chúng tôi giống như đi tìm cây kim trong đống rơm. Lục lọi đến đâu ghi biên bản đến đó. Gia đình đi theo chứng kiến, những cái chậu kiểng để ở hiên trước lầu 2 và lầu 3 cũng bị đập phá, đổ hết ra vì nghi có giấu vàng.

Và một điều thất nhân tâm nhất là những lư hương thờ trên bàn thờ tổ tiên ở gian giữa lầu ba, cũng bị đổ ra từng bát một! Bài vị tổ tiên cũng bị lột ra, tháo rời từng mảnh tìm tòi bên trong. Họ đang đi tìm vàng mọi ngóc ngách trong nhà. Sau nhà tôi có cái giếng, họ nhảy xuống mò cả mấy ngày trời. Nhà tôi có tường, chỗ nào nghi ngờ giấu vàng, họ đập tường. Một đống củi to cũng được dời qua dời lại! Tủ trong phòng được lục lạo từng ngăn một.

Từng phần một trong căn nhà bị xoi xét. Lần này so với lần khám nhà bắt cha tôi đi năm Mậu Thân người ta làm kỹ gấp ngàn lần. Ngay cả cây nạng sắt tôi chống đi cũng bị người ta mượn đi thử để kiểm tra! Người ta thu và niêm phong số vàng của gia đình tôi, ba mẹ tôi đã trao những gì còn trong nhà cho đoàn kiểm kê, kể cả những hột đá xanh đỏ vàng tím tôi dùng để làm nữ trang. Tất cả nữ trang anh em tôi đeo trong người cũng bị lột sạch. Tôi bị tịch thu đi một sợi dây chuyền vàng 18k và một chiếc nhẩn 10k của sĩ quan Mỹ. Đau nhất là anh Lương mới cưới vợ có cặp nhẫn cưới mấy phân vàng 14k cũng bị lột luôn.

Tủ sách của ba tôi cũng bị niêm phong. Tôi tiếc hoài bộ bán nguyệt san Phổ Thông Thời Nay, hai bộ bán nguyệt san này đã làm giàu kiến thức tôi khi còn đi học. Người ta qui “văn hóa phẩm đồi trụy”! Tủ sách riêng tôi có mấy cuốn truyện bỏ túi in bằng Pháp ngữ, tôi mua đọc hồi còn đi học để đọc luyện Pháp văn, họ đọc mà chẳng hiểu gì, khi hỏi tôi trả lời sách này để học sinh ngữ. Họ cho lại tôi tất cả dù trong số ấy có cuốn “Giờ thứ 25” (La Vingt-cinquième heure) một tác phẩm viết bởi nhà văn Virgil Gheorghiu - người Roumania viết năm 1949. Cuốn sách này tôi vẫn còn giữ.

Lại nói thêm, một số vải nội không giá trị lắm mà cha mẹ tôi mua của hệ thống “kinh tiêu” phường mấy năm trước cũng bị tịch thu.

Sau suốt một tháng ròng quần thảo lục lọi khắp hết nhà tôi, ngày cuối cùng cũng đã đến.

Một đoàn người của ngân hàng đến thâu số vàng bạc và hột hạt của gia đình tôi, có chính quyền địa phương đến làm chứng. Khi mở gói niêm phong, ngân hàng lập biên bản mới nhận bàn giao. Chủ tịch phường là Nguyễn Ngọc Nhĩ thấy có một chuỗi hột ngọc cẩm thạch, cho đây là đồ trang sức cá nhân mà từ năm 1975 mẹ tôi đã đeo khi sinh hoạt hội phụ nữ tại phường, chứ không phải là hàng hóa buôn bán, ông có ý kiến nên trả lui. Ba bên (đoàn kiểm kê, đoàn ngân hàng, chủ tịch phường) bàn bạc hội ý một lúc lâu. Cuối củng họ huận theo ý kiến chủ tịch phường. Chuổi ngọc này mẹ tôi đã tặng cho vợ tôi khi bà đã già, và dặn đi dặn lại với là không được bán nó, chỉ để dùng khi có tiệc tùng lúc lớn tuổi, sau này không dùng nữa nên cho lại thế hệ kế tiếp. Chắc con gái tôi sẽ được nhận của quý này sau này. Hay là đứa cháu nội gái nào của mẹ tôi?

bd4fscd

Mẹ tôi và chuổi ngọc cẩm thạch
Một đoàn của thương nghiệp đến nhận vải, ba mẹ tôi có xin lại với lý do là số vải này mua của “kinh tiêu” phường, nhưng Nguyễn Ngọc Nhĩ bảo không có bằng chứng. Nói, số vải này cha mẹ tôi đầu cơ tích trữ mà có. Lại thêm một đoàn của thông tin văn hóa đến nhận hết cái mà họ gọi là “văn hóa phẩm đồi trụy”. Bao nhiêu kỷ niệm thời học sinh của tôi ùa về, những kiến thức in ấn trong mấy tạp chí đã được mang đi cùng nổi khổ đau của tôi. Người ta như dùng búa gõ vào tim tôi. Vĩnh biệt những người thầy những người bạn lặng câm của tôi.

Trong thời gian đoàn còn kiểm kê, một đoàn của Ty Nhà đất đến thúc ép ba mẹ tôi viết vào giấy: “Đơn xin hiến nhà”. Thật là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Ba tôi rất đau khổ. Người ta thúc ép buộc ba mẹ tôi ký vào đơn xin hiến nhà liên tục. Thế nhưng ba tôi nhất quyết không ký. Bút sa gà chết!

Dù không chịu ký  “đơn xin hiến nhà”, Ty Nhà đất cũng cử người đến đòi tịch thu và chỉ để lại một phần nhỏ phía sau! Nói gì thì nói ba tôi nhất quyết không chịu ký bất cứ một tờ giấy nào về nhà cửa. Lúc đó, chính quyền áp dụng bốn mũi giáp công đánh vào gia đình tôi. Tinh thần ba tôi suy sụp dữ lắm. Lúc này, cậu Thái cũng rất nóng lòng, cậu đi tìm ông sáu Hưng và ông Hồ Nghinh ở Ủy ban Nhân dân tỉnh để phản ánh và báo cáo tình hình của gia đình tôi với hai ông. Ông Hồ Nghinh bây giờ là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nói với cậu Thái nhắn lại với ba tôi rằng: “Cải tạo công thương nghiệp là một chủ trương đúng đắn của trung ương, dù có sai trái gì cũng phải chấp hành mai sau có gì anh em sẽ có hướng giải quyết”.

Vào thời điểm này, một cuộc chiến khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc sắp sửa xảy ra.

"Chiến tranh Việt Nam - Trung Quốc, 1979 hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nổ ra vào vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Chiến tranh biên giới Việt - Trung xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ "dạy cho Việt Nam một bài học" của Đặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Quốc buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa". (wikipedia /chiến tranh Việt Trung).

Chắc Ty Nhà đất có nghe chỉ thị miệng của mấy ông ở trên tỉnh? Hay vì lý do gì khác? Vì sau đó, chuyện trưng thu nhà của chúng tôi lặn luôn. Hay có thể vì người ta muốn gác lại mọi chuyện đang xáo xáo lòng dân để thời gian và nhân lực tập trung đối phó với giặc ngoài?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com