THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Hoạt động bí mật

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Hoạt động bí mật

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang


Hoạt động bí mật

Mới đây, nhân chuyến vào Buôn Mê Thuột với cậu Thuận dự đám giổ Dũng -  em họ con cậu Bảo  - cậu Thuận mới hé ra bí mật này cho tôi:

Một đêm nghe tiếng chì chéo của mẹ tôi, cậu và dì Ba thức dậy vào lúc nửa đêm, nghe tiếng rít khủng khiếp của mẹ tôi, cha tôi mặt mày xanh dờn lo sợ. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Mẹ tôi ghen. Một cơn lồng lộng ghen điên cuồng đã làm mẹ tôi mất lý trí, bà xé phăng hết cái áo ba tôi đang mặc trong người, phía dưới cái quần đùi rộng thình thình cũng bị xé nát… Khi cậu Thuận vào đã thấy cái quần đùi đã rách như xơ mướp. Cậu và dì Ba cảm thấy ái ngại cho cha tôi, dì Ba hết lời căn ngăn và cậu Thuận, hồi ấy đã học lớp đệ tứ trường Phan Chu Trinh rồi, cự mẹ tôi dữ lắm. Cậu không đồng ý về cách hành xử của mẹ tôi. “Chị làm gì thì làm cũng phải một vừa hai phải chớ. Ban ngày ảnh còn đi làm đi ăn, mặt mày xơ rơ xác rát làm sao mà giao thiệp được với ai? Hàng xóm láng giềng nghe được xầm xì to nhỏ, nhục nhả cho gia đình lắm”. Mẹ tôi nghe một lúc mới nguôi lòng và thôi không hành hạ ba tôi nữa. Tha cho lúc này thôi.

Ba tôi có làm gì mà nên tội?

Những lúc vui tôi hay hỏi chuyện xưa của ba mẹ, mẹ tôi vẫn khăng khăng nói rằng ba tôi đã mèo mỡ với mụ đàn bà khác. Mẹ tôi kể rằng một buổi chiều tối đi bán về nghe ông ngoại tôi mách lại, “Tau thấy thằng Châu (tên ba tôi) đánh lông nheo với con… ở bên Trung Lương. Đáng nghi lắm!”. Thế là máu Hoạn Thư chảy rầng rầng trong cơ thể và bà bắt đầu ra tay. Mẹ tôi đã cho người qua tận Trung Lương điều tra về người đàn bà này. Quả thật người ấy không chồng (chồng đã đi tập kết), làm nghề buôn bán nông sản. Người mẹ tôi thuê đi dọ hỏi về báo lại là cha tôi thường hay đến nhà người đàn bà này để chửa bệnh.  Người thấy to khỏe mà bệnh tật gì?

Trung Lương là một làng thuần nông nằm bên kia bến đò Đò Xu sông Cẩm Lệ. Mấy phụ nữ này mua sản vật nông nghiệp trong làng, nào khoai lang, sắn, đậu cô ve, mía lau, các loại đậu và gạo mới… Họ gánh hai thúng đầy đi đò qua thành phố buôn bán. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh họ đi từng nhóm nhiều người. Chia nhỏ ra bán quanh trong xóm. Ông ngoại tôi cũng hay gọi vào mua mấy khúc mía lau cho bọn tôi. Mẹ tôi đã điều tra ra, bà bắt đầu làm tình làm tội ba tôi, cứ nửa đêm là bà nhéo cho ông thức dậy, không cho ngủ và bắt đâu tra hỏi, bà dùng mọi phương cách dù vô lý của người vợ ghen. Lồng lộn, xé quần xé áo, cầm dao dọa giết và ôi thôi không biết bao nhiêu là cách mà mẹ tôi cho là để ba tôi.. quy hàng! Ban ngày xuống chợ, bà ngủ một giấc ngon lành, lấy sức để đêm đêm tiếp tục tra tấn, bà làm suốt một tuần lễ khiến ba cha tôi mặt xanh nanh vàng mà quy phục. Ba tôi không chịu nổi đón “tra tấn” cao tay này đã nhận hết mọi chuyện. Bà mới để yên.

Nội dung mẹ tôi kể chắc có phần oan uổng vỉ theo suy luận, ba tôi không phải thuộc loại mèo mả gà đồng, ông là người chồng chuẩn mực, không rượu chè bê tha mà ăn nhín nhịn thèm để lo cho vợ con. Tiêu pha rất tiết kiệm, chứ không vất tiền qua cửa sổ như bọn tôi. Mỗi lần tiêu pha việc gì cảm thấy phí phạm, ba tôi thường răn dạy bọn tôi như vậy. Ba tôi chỉ biết ngày ba bữa cơm với gia đình làm sao có chuyện ấy được? Sau này có đủ trí khôn tôi nhận định, ba tôi giao du với người đàn bà bên Trung Lương là để hoạt động bí mật. Vì việc lớn mà ông phải cam chịu những uẩn khúc trong chuyện vợ chồng. Chắc chắn vậy. Đúng là ba tôi thà chịu tội chứ không khai ra đồng chí. Mẹ tôi kể sau trận đòn ghen nhớ đời ấy, ba tôi không dám gặp lại người đàn bà ấy nữa!

Dù không tiếp tục liên lạc với người đàn bà bên Trung Lương, cha tôi vẫn hoạt động bí mật với người khác. Những tài liệu chết người của Mặt trận Giải phóng miền Nam, không biết cha tôi mang về từ đâu, được giấu dưới cái ghế salon bọc nệm ở phòng khách mà tôi tình cờ đọc được! Tôi từ nhỏ có tính hay tò mò, một bữa bò lê trên nền nhà, nằm ngó ngược lên cái ghế salon, bên trên bọc vải simili giả da, dưới đáy được bịt lại bằng vải bao tời. Mảnh bao tời này bị sút đinh, bên trong lộ ra một tập giấy, thấy lạ, tôi kéo ra đọc. Đọc xong, tôi hiểu một cách mơ hồ là cha tôi đang làm một chuyện gì đó nguy hiểm, tập giấy này nói về cương lĩnh của Mặt trận Giải phóng miền Nam! Tôi lẳng lặng bỏ lại chỗ cũ, chẳng dám nói với ai. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa mọi cộng tác, hoạt động cho cộng sản đều bị cấm, bị ghép tội phản quốc có thể xử tử hình. Năm đó tôi học lớp đệ thất (1966) và mơ màng biết rằng ba tôi đang làm một công việc rất bí mật.

Bac-TyRR

Ba tôi (áo đen, ngồi đầu bàn) cùng bạn hữu ăn giỗ tại nhà bác Tỵ - đối diện nhà

Với vỏ bọc bên ngoài là ông y tá tư, ông hớt tóc dạo, ba tôi đi cùng khắp thị xã và vùng phụ cận hợp pháp, từ ông, nhiều đồng chí của ông sẽ được nối kết. Cấp trên có thể ung dung đến nhà tôi, không sợ ai để ý, đi tìm y tá để chữa bệnh mà. Chính quyền làm sao đặt mối nghi ngờ cha tôi đang hoạt động cho Mặt trận Giải phóng? Một ông y tá giàu có với hai gian nhà ngói rộng thênh thang bên vợ con hạnh phúc, bà vợ dọn tiệm vàng ở chợ Cồn. Một vỏ bọc khá tốt. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà này đang tạo cho ông một cuộc sống tự do và thoải mái, tự do dễ dàng trong sinh nhai. Ông có bị áp bức nào đâu? Ông tâm sự khi tôi đã học lên trung học đệ nhị cấp, ông không thể không cộng tác cho Mặt trận được, nhưng cấm tuyệt tôi không được tham gia bất cứ tổ chức nào ngoài việc học, ông đồng ý với cấp trên là chính quyền miền Nam sẽ sụp đổ, thời gian chỉ còn chờ đợi mà thôi. Rồi hai miền phải thống nhất, Nam Bắc một nhà chứ không thể chia lìa nhau mãi như bấy giờ được. Những năm tháng chống Pháp, ông đã trải qua và với ý chí của một đảng viên cộng sản ông luôn tin tưởng như vậy. Quê nhà yêu thương ở tận Ninh Bình đang chờ ông trở về. Nếu chỉ bo bo làm giàu cho gia đình và bản thân, không đóng góp công của vào cuộc chiến đấu này, lỡ mau sau cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công, “người ta “có để yên cho ông và gia đình không?

Cho đến năm 1965, công việc làm ăn của cha mẹ tôi vẫn trôi chảy theo chiều hướng tốt đẹp, sau khi ở chợ Hàn buôn bán hàng rau củ quả, dì Ba và mẹ tôi dành dụm được một số vàng rất lớn. Dượng mười Xin lúc này đã thôi làm công cho ông bà Vĩnh Ký, với số vốn ban đầu ông bà giúp đỡ, vợ chồng dì dượng  ra làm ăn riêng.

Dì dượng lấy hiệu vàng Vĩnh Phát, Vĩnh là họ của hiệu ông cha nuôi, Phát là tên con trai thứ 2 của dì Hiền, cũng có nghĩa phát đạt nữa. Rồi, mẹ tôi và dì Ba cũng về chợ Cồn thuê chổ trước mấy kiosque để dọn hiệu vàng. Mẹ tôi hiệu vàng Vĩnh Châu, dì Ba hiệu vàng Vĩnh Thái. Ba hiệu vàng liền kề nhau của ba chị em. Ba chị em của quán Ba Cô thời tản cư ở Cây Sanh nay đã trở thành ba bà chủ hiệu vàng họ Vĩnh!

meLMQ

Mẹ tôi thời kỳ bán vàng tại chợ Cồn "Hàng vàng Vĩnh Châu"

Cậu Thái lúc này vẫn chưa có vợ, làm thợ cả cho dì Ba, của chị công em. Riêng phần mẹ tôi không có thợ, phải nhờ dượng tôi cố vấn và làm thêm cho mẹ tôi, ông tìm giúp thợ giỏi cho tiệm vàng mẹ tôi. Thợ ăn ở nhà tôi năm sáu người, học trò không kể đến cũng một vài người. Cha mẹ tôi có cho vợ chồng dì Hiền mượn một số vàng lớn để làm ăn, không tính lãi, thời hạn dài lâu. Mấy năm sau, ba tôi, dượng và cậu Thái mỗi người mua một chiếc xe Vespa Sprint của Ý Đại Lợi mới keng. Hồi ba tôi qua đời vì bạo bệnh, dượng mười Xin - chồng dì Hiền khóc dữ lắm. Ông khóc thương ba tôi như người anh ruột, chưa có anh em cột chèo nào mà đối xử tốt như ba tôi đối với ông. Giúp đỡ vốn liếng cho vợ chồng ông làm lụng nuôi 9 đứa con! Ông đã để tang cho cha tôi như để tang cho anh trai trưởng.

Thời gian dần dà trôi và tôi nhớ nhất cái Tết năm Mậu Thân. Trong giai đoạn này :

"Đoàn cán bộ do đồng chí Nguyễn Duy Hưng làm trưởng đoàn đã xây dựng được tổ trung kiên hoạt động hợp pháp và nắm được tình hình trong thành phố. Những anh em cơ sở này, phần lớn làm nghề mộc, rèn, đi lại dễ dàng. Các đồng chí đã hướng dẫn họ chắp nối lại một số cơ sở, liên lạc với các đảng viên hoạt động đơn tuyến, một số cán bộ kháng chiến cũ còn giữ được phẩm chất và tinh thần cách mạng. Bước đầu thông qua những cơ sở này, các đồng chí đã nối lại được những cơ sở quần chúng trung kiên ở khu Nam, Sông Đà. Một số quần chúng trung kiên và đảng viên cũ hoạt động đơn tuyến được rút ra ngoài ở vùng ven Hòa Vang, học tập tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương, phương châm, phương thức và nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Đến giữa năm 1961, một số cơ sở trong nội thành đã được khôi phục và hoạt động như cảng Đà Nẵng, nghiệp đoàn khuân vác, tài xế, thợ máy, xích lô, hỏa xa, nhà đèn, công thương và các khu phố Hải Châu, Phước Ninh (theo http://www.danang.gov.vn).

Ông Trần Duy Hưng có bí danh Sáu Hưng - một nhân vật vật mà khi viết giới thiệu tập sách Sáu Hưng - Năm tháng cuộc đời (NXB Văn Nghệ TP.HCM), ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ghi nhận: “Câu chuyện về ông Sáu Hưng và những đồng chí cùng thời với ông, đã cho thấy cái tinh thần “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của các thế hệ trước rất đáng được noi theo” (tr.7). Trong tập sách đó, ông Sáu Hưng kể lại thời gian ở nhà tôi:

sauhung

“Nhà anh Lê văn Châu ở đường Triệu Nữ Vương. Trong những ngày chuẩn bị tổng tiến công, đồng chí Trần Thận và tôi ở đây để chỉ đạo cuộc nổi dậy tại chùa Tỉnh Hội. Nhà anh được xem là trụ sở tiền phương. Các đồng chí Hồ Nghinh - Thường vụ Khu ủy khu V- Phó Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, đồng chí Hà Kỳ Ngộ - Thường vụ đặc Khu ủy Quảng Đà cũng cũng đã từng ở đây để chỉ đạo các cơ sở bên ngoài và giao nhiệm vụ cho các đội biệt động thành. Thường ngày, anh Châu tìm cách nắm tình hình với các đơn vị quân đoàn về cung cấp cho ta. Vợ anh Châu khi biết chiến sĩ biệt động của ta cải trang lính ngụy vào liên lạc thì đối đãi rất chân tình. Chị thường dặn dò: “Các con làm nhiệm vụ xong về nhà cô ở. Cứ coi như người trong nhà. Vào mở tủ lạnh có chi cứ dùng”. Đây là một cơ sở rất đáng tin cậy” (SĐD trang 206).

ba-me

Mẹ tôi

Thời gian đó, lui tới nhà tôi còn có dượng Sỏ tôi - thợ máy Sở Hỏa xa Đà Nẵng, chồng dì sáu Chát em cô cậu với mẹ tôi; ông Toại - thợ điện tự do, nhà ở góc đường Lê Đình Dương - Triệu Nữ Vương; ông Ba Luông nhà ở trước đồn cảnh sát Hoàng Diệu chủ một dépot cát, sạn, ciment là bạn thân của ba tôi v.v… Và cả cậu Thái nữa, lúc này ông là cảnh sát quốc gia! Dì Ba tôi phải lo cho ông một số vàng để đút lót, cậu mới được vào ngành này, làm việc tàng tàng ở thành phố, thời gian rảnh rỗi làm nghề thợ vàng, sướng hú, khỏi đi lính ra mặt trận, sống chết không biết đâu mà lần. Công việc của cha tôi được giao những gì? Cha tôi cùng bao đồng chí của ông làm những công việc gì?

"Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, để huy động sức mạnh tổng hợp của quân dân Quảng Đà và Đà Nẵng, Khu ủy Khu 5 đã quyết định nhập hai địa phương lại thành Đặc khu Quảng Đà do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc khu ủy. Ban chỉ huy Tỉnh đội được chuyển thành Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 để chỉ huy lực lượng quân sự đang được tăng cường. Huyện Hòa Vang cũng được chia thành 3 khu để hỗ trợ cho 3 quận ở Đà Nẵng.

Thi hành chỉ thị của Khu ủy Khu 5, từ tháng 12.1967, Đặc khu Quảng Đà đã khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Đà Nẵng được chọn là trọng điểm của khu. Đồng chí Trương Chí Cương, uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó Bí thư Khu uỷ Khu 5 được phân công chỉ đạo trực tiếp việc chuẩn bị. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tăng cường cho Mặt trận 4 các trung đoàn pháo binh 575, 577, trung đoàn 31 bộ binh.

Rút kinh nghiệm từ cuộc nổi dậy làm chủ thành phố năm 1966, Ban chỉ đạo đề ra phương án cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của thành phố là: dùng một lực lượng vũ trang nhất định hỗ trợ, phát động quần chúng bên trong nổi dậy là chủ yếu, tranh thủ lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch, lôi kéo một bộ phận chỉ huy và binh lính trong quân đoàn I ly khai chống Thiệu - Kỳ, làm chủ thành phố. Quần chúng các Khu 1, 2, 3 của huyện Hoà Vang được tổ chức lại thành các đại đội, có trang bị vũ khí thô sơ, đúng giờ quy định, đột nhập vào thành phố tiếp sức cho quần chúng bên trong nổi dậy.

Các lực lượng tham gia tấn công và nổi dậy được phân công nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể:
 

Đối với lực lượng chính trị: Đêm 30 rạng ngày 1 tết, các ban cán sự huy động quần chúng nhân dân nội thành tập trung tại chùa Tỉnh hội để phát động nổi dậy, quần chúng nông thôn khi có lệnh từ các hướng Nam Ô, Hòa Khánh, Hoà Phát, Hoà Đa, Hoà Hải kéo vào Đà Nẵng cùng với nhân dân thành phố nổi dậy làm chủ (theo http://www.danang.gov.vn - Lịch sử đấu tranh cách mạng thành phố Đà Nẵng).

Ông Bí thư đặc khu uỷ Hồ Nghinh và nhiều người nữa đã thường xuyên đến nhà tôi, có khi ở lại ăn cơm khách, có khi ghé vào rồi đi ngay, ba tôi đi làm giờ giấc rất tự do, nhiều đêm tám chín giờ tối, có người đến nhà mời đi chích thuốc ông cũng phải đi, không để người ta đợi đến ngày mai, cứu người như cứu hỏa. Nhưng những lúc ấy là ông đi lo cho công tác bí mật…

"Triển khai kế hoạch trên, từ giữa tháng 1 năm 1968, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của quận I, II, III và lực lượng quân sự, an ninh đều lần lượt vào nội thành để chuẩn bị. Vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men được bí mật chuyển vào thành phố qua nhiều phương tiện: xe vận tải của các tài xế, thợ máy, trên xe hon da của các nhà sư, trong gánh rau, gạo của bà con nông dân đi chợ vào thành phố v.v... Nhà ở của một số công nhân, nhân sĩ tiến bộ, công chức, giáo chức trở thành nơi cất giấu vũ khí, nơi che dấu cán bộ và chiến sĩ biệt động. Một số chùa chiền trong thành phố cũng trở thành cơ sở chuẩn bị cho chiến dịch.

Đến gần Tết Nguyên đán, các đồng chí Trần Thận, phó Bí thư Đặc khu uỷ và các đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng lần lượt vào bên trong nội thành. Trưa 30 tết, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Đặc khu uỷ cũng vào nội thành để trực tiếp chỉ đạo cuộc nổi dậy bí mật".

12x12QuocPN05

Ba tôi và các em tôi

Ba tôi hoá trang cho các ông Bí thư Khu uỷ Hồ Nghinh, Phó Bí thư Khu uỷ Trần Thận, Nguyễn Duy Hưng bằng những bộ Veston sang trọng và giày mũ hợp thời thượng và chở lần lượt các ông thong dong đi giữa phố phường Đà Nẵng bằng xe Vespa Sprint trước mũi cảnh sát và quân cảnh. Ba tôi hy sinh tất cả những gì mình có cho Cách mạng với một ước ao duy nhất: Mong ngày sum họp với gia đình ruột thịt ở Ninh Bình.

Những ngày tết năm Mậu Thân 1968, gia đình tôi đón rất nhiều khách, những người khách đến không để uống rượu mừng, ăn mứt và hạt dưa, nhưng đến vì trọng trách đất nước đang đặt trên vai mình. Trong dịp Tết cổ truyền năm Mậu Thân, mọi người vào ra nhà tôi như con thoi.

Và:

"Lúc này, cách mạng miền Nam đang đứng trước những thử thách khốc liệt. Sau Tết Mậu Thân 1968, do bị tổn thất nặng trong các đợt tổng tấn công, nên thế và lực của ta có giảm sút. Tình hình chiến trường đã thay đổi, nhưng ta vẫn dồn sức mở các đợt tấn công đồng loạt nhằm vào đô thị, để hở mặt trận nông thôn. Địch lợi dụng khó khăn của ta vừa tổ chức phản kích đẩy lùi chủ lực của ta ra xa các vùng ven thành phố, thị xã, các khu đông dân cư và đường giao thông chiến lược, vừa tập trung lực lượng giành lại vùng nông thôn. Về phía ta, do mất bàn đạp tấn công, lực lượng hao hụt, vũ khí, lương thực thuốc men bị mất mát, tiêu hao, chưa kịp bổ sung, khó khăn chồng chất " (như trên).

Đến ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968, ba tôi làm đám giỗ ông nội tôi, trưa hôm ấy tôi đi học về thấy ông Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng) có đến dự. Tôi hay gọi bác Sáu, những người khách đến nhà với cha tôi tùy theo tuổi tác mà tôi xưng hô.  

Tôi còn nhớ năm ấy đâu khoảng vào tháng giêng âm lịch năm Mậu thân 1968, cả nhà đang ngủ ngon, cảnh sát và quân cảnh vây vòng trong vòng ngoài đập cửa vào soát nhà, cả nhà bị lôi hết dậy. Tối hôm ngày 12 âm lịch, bị gọi dậy đứng ngay nhà ngang khoảng 20 phút, tôi run, răng đánh vào nhau cầm cập vì lạnh và vì sợ, tối hôm đó trời còn lạnh thật.

Tôi nghe loáng thoáng tiếng cảnh sát hỏi ba tôi: “Tên Sáu Hưng đâu? Hôm qua tên Việt cộng này ăn đám giỗ ở nhà ông, ngồi ở cái ghế nào? Bọn tôi biết hết! Mau khai ra!”. A, ông già hay đến nhà xầm xì to nhỏ với ba tôi là Việt cộng? Ba tôi liên hệ với ông sáu Hưng, chứa chấp ông Sáu Hưng trong nhà và mấy ông bí thư, phó bí thư khu ủy... Vậy đích thực ba tôi là Việt cộng nằm vùng. Ba tôi trả lời không biết. Mẹ tôi cũng có mặt ở đấy, bà đang nhai trầu, bà có thói quen hay nhai trầu, chắc là để ấm người lên và lấy thêm tinh thần, cảnh sát cũng hỏi và bà trả lời không biết. “A, bà này ngoan cố”. Chúng bảo vậy, sau khi lục loại khắp nơi, leo lên plafont nhà, leo cả lên mái nhà rọi đèn sáng trưng, không thấy “tên Sáu Hưng” đâu cả, chúng cho bọn tôi đi ngủ lại và bắt đi ba tôi và anh Lương. Hồi hồi ấy anh Lương mới học đệ tứ trường Bán công. Một người trong đám nhắc nhở ba và anh tôi mang theo áo ấm. Khi vào ngủ lại tôi nghe tiếng máy truyền tin PRC25 trên xe quân cảnh đậu ngoài đường phát ra nghe rào rẹt, tiếng nói cộng với tiếng ẹt ẹt của máy tôi nghe báo cáo lên cấp trên: “Báo cáo, đã bắt tên Việt cộng nằm vùng và thằng con nó rồi”.

Tôi chìm dần vào giấc ngủ...

Năm đó, tôi đã học đến lớp đệ ngũ trường Bồ Đề rồi. Chiều hôm sau tôi không có giờ học, đang đứng cổng nhà, tôi thấy ông Sáu Hưng xăm xăm đi lại, ông chưa biết gì về việc ba tôi bị bắt đêm qua cả. Ông mặc bộ đồ Tây, bên ngoài mặc thêm áo pardesus màu xám tro, một loại áo ngoài dài quá gối, thời trang  sang trọng, mang giày da đen bóng, đội mũ phớt màu ngà và mang kiếng đen. Thấy ông, bỗng tôi buột miệng: “Ba con bị bắt rồi!”. Ông không nói không rằng quay trở ra, kéo xụp mũ xuống và đi theo hướng cây đa Nguyễn Trãi rất nhanh. Những chi tiết này, trong tập sách Sáu Hưng - Năm tháng cuộc đời”, ông Sáu Hưng cũng có kể lại những chi tiết tương tự.

Khoảng một giờ sau, một người đàn bà, ăn mặc theo kiểu nhà quê gánh một đôi gióng và  hai cái mủng, hai chiếc gióng được lồng vào nhau, tay giữ đòn gánh trên vai phía trước, hai chiếc gióng phía sau, trên cái mủng có những gì? Lúc ấy tôi không quan sát kỹ lắm, hình như còn một mớ rau khoai đã héo. Chắc bà nguỵ trang người bàn hàng hết hàng lúc chiều về. Bà hỏi tôi: “Anh Châu đâu?”. Tôi trả lời ba tôi đã bị bắt khi hồi khuya. Mặt biến sắc, bà thọc tay vào túi áo bà ba móc ra một miếng giấy đã được xếp nhỏ, vội vàng bõ vào miệng nhai trộng và nuốt ực. Bà  vội vã quay đi mau ra theo hướng đường Lê Đình Dương. May mà ngày hôm đó không có mật vụ mai phục rình rập quanh nhà tôi, chứ có, ông sáu Hưng và người phụ nữ ấy khó mà trốn thoát.

Từ ngày ba bị bắt, nhà tôi buồn lắm, đây là lần đầu tiên một sự việc đau buồn xẩy ra trong gia đình. Mẹ tôi hằng ngày vẫn đi bán buôn, ra chợ mẹ tôi hỏi người quen hỏi về chỗ cảnh sát nhốt cha tôi ở đâu để đi thăm nuôi. Một buổi sáng mẹ tôi nhận được tin nhắn ba tôi bị bệnh, cảnh sát cho chuyển ra bệnh viện Đa khoa, bà vội vã gởi hàng cho dì Hiền, ra bệnh viện ngay, ba tôi bị bắt mới mấy tháng mà thân hình đã ốm o gầy mòn. Ba tôi mặc bộ đồ dân sự, một chân bị còng vào chân giường, hai tên cảnh sát đi đi lại lại ở hành lang canh chừng, mẹ tôi dúi vào tay mỗi tên một tờ con cọp (tiền giấy 500 đồng), bọn chúng cho mẹ tôi vào thăm ông.

Ba tôi nói, ông phải giả bệnh để ra gặp được vợ con (ông có nghề y mà), nhưng phải tốn tiền nhiều. Ông khuyên mẹ tôi đừng nghĩ ngợi chi nhiều về ông, cứ lo làm ăn buôn bán nuôi con, bọn chúng bắt ba tôi đi là do bị khai báo, cơ sở nuôi cán bộ cộng sản nhà tôi đã lộ. Điều may là tối đó chúng không bắt quả tang ông sáu Hưng tại nhà, nên chúng không có bằng chứng để buộc tội ba tôi, nhưng chúng vẫn giam giữ để điều tra. Đã vào tay cảnh sát rồi, không tội này thì cũng tội khác, nặng hay nhẹ thôi. Thời nào cũng vậy. Ba tôi cũng chưa biết người ta sẽ nhốt ông ở đâu sau này nữa. Mẹ tôi dúi cho ông một số tiền. Ông đề nghị xin bà ngoại tôi nghỉ bán hàng để về với mẹ con tôi. Đi học về nghe tin, tôi cũng ra bệnh viện, nhưng không gặp được. Người ta đã giải ba tôi đi từ lâu rồi.

Vài hôm sau ngày cha tôi và anh Lương bị bắt giải đi trong đêm ngày 12 ấy, tại ngã tư Lê Đình Dương - Triệu Nữ Vương, những chiếc xe GMC của cảnh sát dã chiến, cảnh sát áo trắng và quân cảnh vây chật đường, người ta đang tìm bắt đượng Sỏ tôi tại nhà mẹ của dượng, bà ba Sự ở ngay trong khuôn viên Miếu xóm, nhà cách ngã tư mấy căn; và bên kia đường Lê Đình Dương, ngay ngã tư, cảnh sát cũng đang lùng xục ông Toại.

Khói lựu đạn cay bay mù mịt. Cảnh sát dã chiến và quân cảnh trước khi kéo đến đây, chúng đã lục tung nhà dượng Sỏ, cái hầm bí mật hai ngăn được ngụy trang sau bụi tre đã bị bọn chúng khui lên trống hoác. Cảnh sát dã chiến sau khi lùng sục hai người không ra, chúng kéo đến đây. Chúng đeo mặt nạ heo chống độc, rồi tung lựu đạn cay xuống đường cống bởi cho rằng dượng Sỏ và ông Toại trốn dưới ấy.

Dượng Sỏ tôi trốn dưới ấy thật, thoát khỏi hầm bí mật ông chạy đến đây, kịp báo tin cho ông Toại tẩu thoát, phần ông chui xuống đường cống nấp. Nhưng do hít nhiều khói cay, ông không chịu nổi, phải bò lên, đến đoạn cống hở, ông lịm đi. Cảnh sát dã chiến ùa lại còng hai tay ông ra phía sau và khiêng vất ông lên xe GMC như một khúc gỗ. Chờ một thời gian sau không tìm thấy ông Toại bò ra, chúng biết ông không có ở đó nên cả bọn kéo nhau chạy đường Lê Đình Dương về hướng bờ sông.

Tội nghiệp dì sáu Chát tôi! Nghe được tin, bà chạy xuống để theo xe, coi chúng nó chở dượng Sỏ về đâu, làm sao bà chạy kịp chiếc GMC tăng ga chạy lên hướng Trương Nữ Vương qua bên kia ngã tư Quân đoàn. Bên kia ngã tư Quân đoàn đi Cẩm Lệ, thời đó nhà cửa rất thưa thớt, tre mọc um tùm, dân cư ở đây không nhiều.
Về ông Toại, sau ngày ra tù, gặp lại mới biết ông bị đón lỏng giữa đường bởi một tay chỉ điểm trong lúc tìm đường thoát thân ra chiến khu, ông cũng bị kêu án như ba tôi và cũng bị đày ra Côn Đảo.

IMG_3305

Di tích nhà tù Phú Hải tại Côn Đảo - nơi giam cầm  ba tôi (nguồn: LMQ chụp 2012)

May mà cậu Thái không hề hấn chi cả, vỏ bọc của cậu còn y nguyên. Một cảnh sát viên hào hoa, chưa có vợ, có nghề tay trái làm nữ trang vàng và bạc giàu có.

Từ ngày chồng bị bắt đi, một tay dì sáu Chát phải nuôi năm đứa con, lên nhà thăm chơi, tôi thấy bọn em lúc đó vẫn còn nhỏ, ăn cơm chan nước mắm, tội nghiệp. Nhà cửa trống quơ trống hoác, trong khi ấy dì Sáu đội đơn đi hỏi khắp nơi và van vái tứ hướng, nghe chỗ nào linh thiêng bà cũng đến đó cúng bái, hỏi tông tích của chồng. Mẹ tôi và mấy dì thương tình giúp đỡ bà nhiều. Mãi sau đến năm 1975, bao nhiêu người tù tội cũng đã trở về, những người tập kết ra Bắc cũng đã có tin trở về. Lúc ấy, bà mới biết chắc chắn chồng đã mất rồi, bà lấy ngày bị cảnh sát chở đi làm đám giỗ.

Cách đây khoảng 15 năm có một người tên Chiến, gọi là nhà ngoại cảm, ông này có tài tìm mộ người mất tích rất giỏi. Dì Sáu Chát và các con có tìm đến nhờ. Theo ông này cho biết, dượng Sỏ tôi chỉ bị ngất đi khu khiêng lên xe GMC, nhưng cảnh sát thấy ông nằm im lìm cứ ngở đã chết rồi, chúng cho xe chạy qua phía Hòa Cường, vất ông xuống xe bên một bụi tre rậm rạp, sau khi quay xe về, bọn chúng đã không quên cho ông một tràng đạn AR15. Dân cư ở đây cảm thương đã mang ông vào gò đất bên trong chôn cất cho ông.

Sau 1975, chính phủ có chủ trương giải tỏa nghĩa trang để làm khu tập thể, gọi là khu tập thể Hoà Cường, ngôi mộ ông được người dân khai báo, ban giải tỏa mang ông về chôn ở nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Đà Nẳng tại Hòa Khương, cách Đà Nẵng 25 cây số. Dì Sáu tôi nghe theo lời ông, lên nghĩa trang, theo bản đồ ông chỉ dẫn và tìm  thấy mộ chồng, không những một mình dượng Sỏ nằm ở đây mà còn biết bao liệt sĩ vô danh nữa. Theo bản đồ chỉ dẫn của ông Chiến, dì chỉ biết nhìn vào đó mà nhận mộ chồng. Biết làm sao bây giờ! Sau năm 1975, dượng Sỏ tôi được phong liệt sĩ và bà ba Sự được phong Mẹ Việt Nam anh hùng, mỗi tháng được lãnh lương và cả tiền tử tuất của dượng Sỏ nữa, một số tiền chỉ đủ mua gạo.

Cái khuôn viên đất có Miếu xóm, chỗ cảnh sát và quân cảnh khi xưa đến truy lùng ông được ủy ban thu hồi bán cho hợp tác xã cơ khí ô tô. Hợp tác xã ủng hộ cho bà một số tiền rồi mua luôn căn nhà của bà. Diện tích Miếu xóm khoảng 700 mét vuông, thuộc phố Hải Hạc cũ, khuôn viên được giao cho vợ chồng bà ba Sự trông coi. Chính quyền cắt một mảnh nhỏ cho gia đình ông ba Sự làm nhà ở riêng để tiện việc trông coi và hương khói nơi miếu. Em trai cả ông ba là chú Tám Thuận, ngoài việc nhang khói ở miếu phường còn kiêm nhiệm thêm công việc vác loa thông tin cho phường xóm. Chú Tám vác cái loa gò bằng tôn đi khắp phường: “A lô! A lô! Đồng bào nghe đây, nghe đây…”. Chú truyền đạt những thông tư, nghị định của chính phủ đến đồng bào. Giờ rảnh chú uống rượu, cái quán tạp hóa của bà sáu Tẹt đường Lê Đình Dương có rượu Sica cho chú.  

Tại khuôn viên Miếu xóm hồi còn nhỏ tôi còn nhớ tiếng trống, tiếng chiêng vang lên ì ầm xuân thu nhị kỳ cầu quốc thái dân an. Nay được thay bằng những tiếng gõ của búa vào tôn sắt gò thùng xe ầm ĩ suốt ngày, náo động cả một khu vực thời gian dài. Bà ba Sự lại quay về xóm Tân Thành, mua đất của bà năm Lý sau nhà ông ngoại tôi để làm nhà, ở gần cháu nội, cách một hàng rào, tức là mấy đứa em con dì sáu Chát tôi. Khuôn viên hợp tác xã  làm ăn một thời gian, thành phố có chủ trương di dời những cơ sở làm ăn ồn ào ra khỏi thành phố, và hợp tác xã này được đem ra bán với số tiền khổng lồ.

Qua nhiều lắt léo quanh co, miếng đất của Miếu xóm được hóa thân tài sản thành tài sản của ủy ban và được rao bán. Một doanh nhân mua lại, đập phá đi, mở quán billard máy lạnh cho thanh niên có tiền đến giải trí. Cái vụ bán hợp tác xã này kiện tụng suốt mấy năm giữa các xã viên, nhưng rồi nay cũng đã vào đó. Đám cháu nội bà ba Sự nhìn lại khuôn viên này chỉ còn nuốt nước miếng. Cũng đành chịu thôi bởi bà ba Sự đã đồng ý nhượng lại cho hợp tác xã từ đời nào có chứng cứ giấy tờ hẳn hoi.

Phần anh Lương tôi sau khi bị bắt với ba tôi, bị mang xuống nhốt ở Ty Cảnh sát Gia Long, cảnh sát tra hỏi đủ chuyện, hỏi về ông sáu Hưng, về dượng Sỏ hỏi về những công việc đáng nghi ngờ. Anh chẳng biết gì cả, sau một tuần tra hỏi chẳng tìm được cái gì, anh được thả ra về đi học lại. Có thể nói rằng: Người ta không thể khai những gì mà người ta không biết.

Phần ông Sáu Hưng, ông Hồ Nghinh, Trần Thận... may mắn được những cơ sở chưa bị bại lộ đưa về căn cứ an toàn.

Ở đâu có xác chết, ở đó có chim kền kền. Ba tôi mới bị bắt vào tù chứ chưa chết, vậy mà lũ kền kền muốn lao vào rỉa xác. Mẹ tôi một thân một mình lo buôn bán nuôi tám đứa con, chồng lại bị bắt đi tù không biết nhốt ở đâu để đi thăm nuôi. Rất nhiều người thân đến thăm hỏi và gợi ý giúp đỡ. Mẹ tôi nhớ mãi và sau này có dịp nhắc chuyện cũ bà hay kể lại cho anh em tôi nghe. Ông Song T. là một người mẹ tôi biết hồi còn sống trong vùng tự do thời chín năm. Y còn có là tên gọi là S. làm nghề chạy xe tải hàng, về già nghiện nhai trầu bỏm bẻm, khuôn mặt lúc nào cũng hồng hào, tươi đẹp và sang trọng. Y gá nghĩa với bà Th., một người quen thân với mẹ tôi và nhỏ hơn mẹ tôi ba bốn tuổi. Chị em hồi ở vùng tự do có giao du và làm ăn buôn bán với nhau rất thân thiết.

Y tìm đến mẹ tôi, khoe có quen đường dây của Ty Cảnh sát Đà Nẵng, có thể lo lót cho ba tôi được tự do. Lý lẽ y đưa ra nghe cũng khá hợp lý: Ba tôi bị bắt, ở nhà không có tài liệu, và không chứa ông Sáu Hưng trong nhà, vậy ba tôi chỉ bị quy vào danh sách tình nghi chứ không phải tội phạm. Y bảo có thể nhờ người làm hồ sơ cải tội danh. Y bảo rằng va tôi đang bị nhốt ở nhà giam bí mật. Nếu mẹ tôi đồng ý lo chạy chọt, y có thể dẫn bà đi thăm.

Mẹ tôi, lòng đàn bà dạ con nít, không biết bấu víu vào đâu, bà rất tin và trao cho y 10 lượng vàng.

Ngày đi thăm đợi hoài chẳng thấy, mẹ tôi cũng không gặp được mặt y, bà cho người chở lên nhà suốt bao lần mà đành chịu, không gặp được. Bà Th. hiểu rõ chồng hơn ai hết. Bà thú thật, chồng của bà chỉ dụ dỗ, nói ngon nói ngọt với mẹ tôi để lấy tiền tiêu xài. Bà Th. năn nỉ mẹ tôi cầm lại 5 lượng vàng, chỗ tình nghĩa năm xưa không thể nào bà không trả lại số vàng trên cho mẹ tôi, còn lại 5 lượng bà xin khất sẽ trả dần dần cho hết. Mẹ tôi biết làm sao hơn, vàng đưa ra không có một mảnh giấy làm bằng, biết kiện tụng ai? Từ ngày nhận lại 5 lượng vàng, bà Th. không dám gặp mặt mẹ tôi nữa, vậy là 5 lượng vàng đi đong.

Khi ba tôi ở tù về, mẹ tôi đối chiếu lại thời gian, lúc y S. bảo ba tôi còn bị nhốt ở Đà Nẵng là lúc ông đã ra ở tù ngoài Côn Đảo đã được ba tháng.

IMG_3312

Di tích nhà tù  Côn Đảo - nơi giam cầm  ba tôi (nguồn: LMQ chụp 2012)

Chuyện thật này khiến tôi nhớ lại câu truyện ngụ ngôn: Có một con chim bị giá rét, không bay nổi, rơi xuống cánh đồng, một con bò vô tình đi ngang qua phủ đống phân bò lên mình nó, nhờ hơi ấm và con chim hồi tĩnh. Chưa kịp hoàn hồn, một con mèo đánh hơi được con chim, con mèo tìm đến lôi lên xé xác ăn thịt. Câu chuyện ngụ ý là không phải ai muốn lôi mình lên khỏi đống phân là tốt với mình.

Còn những kẻ đã đến lợi dụng gia đình tôi có ai nữa? Mẹ tôi nói lại, nhiều lắm, kẻ vài chục ngàn, người vài chỉ vàng, nhớ không xuể và không đáng kể, đáng nhớ. Nhưng rồi cuối cùng số phận của họ cũng chẳng ra gì.

Đời là thế.

Mãi hơn một năm sau, ba tôi gởi thư về, ông bị nhốt tận đảo Côn Sơn, bị buộc tội phá rối an ninh trật tự, án kêu hai năm tù. Bìa thư khi nhận có dán lại cẩn thận, ngoài con tem ra, phía ngoài tôi đọc được hàng chữ in: “Đã kiểm duyệt” đỏ chót. Nội dung thư chỉ thông tin khoẻ mạnh, khuyên các con ăn học và có nhắn nhủ tôi nên “cai quản” đám em kỹ hơn như tôi đã được giao trọng trách này trước đây! Tôi thật sự là hung thần của đám em tôi! Và tôi trở thành thư ký cho mẹ tôi phúc đáp mỗi khi có thư từ Côn Đảo về. Nhận được thư báo bà ngoại tôi đã nghỉ bán ở chợ Cồn về ở với mẹ con chúng tôi, ông rất vui. “Con Năm (mẹ tôi) tội nghiệp, để mệ về ở với hắn cho vui nhà, chồng bị tù đày, một tay 8 đứa con, mệ coi ngó mấy đứa giùm. Chứ già rồi buôn bán cho vui thôi chứ có lời lỗ chi bao nhiêu”. Bà ngoại thường nói vây.  Ba tôi rất mang ơn bà về quyết định này.

4dadscd

Bà ngoại và mẹ con chúng tôi năm 1968



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com