THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Tự cứu lấy mình

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Tự cứu lấy mình

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

 

Tự cứu lấy mình

Từ ngày 29 tháng 3 năm 1975, gia đình tôi cũng thăng trầm thay đổi theo vận nước. Anh Lương sau khi đi làm thủy lợi ở Đại Lộc được một thời gian không thể nào hòa đồng với tập thể là một lẽ, tiền lương mất giá lần theo sự leo thang của vật giá và người vợ mới cưới nữa, nhiều lý do thúc đẩy anh về lại Đà Nẳng học nghề thợ tiện. Anh là thợ tiện giỏi của hợp tác xã cơ khí Tiền Phong. Làm ăn được một thời gian, giãi nghệ, dắt vợ vào Sài Gòn sinh sống.

Tôi  ra chợ học làm vàng với mẹ tôi và  ở nhà lén lút làm vàng và phân kim. Sai khi nhà bị kiểm kê, mẹ tôi cũng ra chợ la lếch để buôn vàng chợ đen như bao nhiêu người hồi ấy. Mẹ tôi và em gái, Ái đã bị đuổi học Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong thời gian kiểm kê, cũng đã ra chợ phụ tá cho mẹ tôi. Mẹ và em gái áp dụng chiến thuật: “Căng rút, lơ bung” nghĩa là nếu người ta kiểm tra, luc soát căng thẳng quá thì mình rút lui; còn nếu họ làm lo, không để ý đến thì mình bung ra buôn bán!

Người dân lúc ấy rất cần vàng để trao đổi với nhau dù đây là cái thời bao cấp.

"Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Hàng hóa được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.

Mặc dù chế độ bao cấp đã tồn tại ở miền Bắc từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, tức là trước thời kỳ Đổi mới. Đây được coi như một giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20" (Wikipedia/thòi_bao-cấp).

Vĩnh - em trai kế làm ở Tam kỳ sau khi học khóa học thủy văn thủy lợi. Sau một thời gian cũng tìm đường vượt biên. Em gái tôi, Ái bị đuổi học đại học Bách khoa Đà Nẵng vì gia đình tư sản bị kiểm kê, cải tạo công thương nghiệp, phải theo phụ mẹ như đã nói. Quốc đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Tây nam khi mới học xong lớp 11. Quốc được chọn đi bộ đội là được ưu tiên do gia đình là gia đình tốt, gia đình cách mạng, chứ khối đứa muốn đi mà đi đâu có được, lúc ấy gia đình chưa bị xếp vào loại  gia đình tư sản mại bản! Gia đình dì dượng và cha mẹ tôi tổ chức một bữa tiệc ở nhà hàng dưới ngả Năm để chiêu đãi Quốc trước ngày lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Ba tôi với linh cảm một người từng kinh qua chiến trường tỏ ra không vui vẻ gì trong buổi tiệc này.

Các em Tân, Tiến, Tuấn còn đi học.

Ba tôi từ ngày gia đình bị các “đồng chí” đánh tư sản, ông sống rất bi quan Thậm chí ngày xét khen thưởng những người có công trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước ông bị gạch tên. Sinh mệnh chính trị của ông đã bị khai tử. Đấu tranh dữ lắm, sau một thời gian dài, lần thứ hai, thứ ba hội đồng mới xét duyệt ba tôi mới được cấp Huân chương hạng Ba.

Một lần nữa ba tôi tâm sự, tôi là người có ăn học, ba xét thấy còn ở trong nước ngày nào, tất cả anh em chúng tôi sẽ đi vào ngõ cụt vì bản án của gia đình. Ba tôi bảo tôi nên khuyên nhủ mấy đứa em phải có hướng cho tương lai. Quen biết nhiều, tôi nên tìm đường cho mấy em vượt biên. Thời gian này tôi ghi tên học tiếng Anh ban đêm ở trường Phan Chu Trinh, tôi học được 5 năm, học để sau này vượt biên được hữu dụng, và học để làm gương cho em và con cháu tôi. “Đứa nào đi không được ở lại co cụm lại tìm việc gì làm ăn cho đủ sống qua ngày. Bao giờ tình hình đất nước sáng sủa rồi hay. Cái nhà cố giữ lại mà ở.hông được bán dù đói khổ đến mức nào. Sống cái nhà già cái mồ. Quốc đi bộ đội có sống sót trở về hẳn tính”. Ba tôi dặn dò. Mẹ tôi và em gái ra chợ buôn bán quen thân với nhiều chủ ghe thuyền, móc nối với họ để mấy đứa đi vượt biên.

Thời gian từ 1975 đến 1982 – 1983, người ta tìm đường đi vượt biên rất nhiều. Tống Viết Bình bạn học tôi đã qua được Canada viết thư về làm ba tôi phấn chấn. Cha mẹ Bình đã qua đời hết, một thân một mình đi được qua Canada vừa chạy bàn (waiter) vừa đi học đại học. Tôi gọi Tân và Tiến ra nói chuyện này, ba mẹ lo cho đi vượt biên, phải chuẩn bị tinh thần ra đi, nếu trót lọt thời không nói gì, lỡ bị bắt lại phải cắn răng chịu đựng chứ không nên trách cứ gia đình. Vào tù, lựa lời khai để nhẹ án, mấy em nghe theo, nhất là Tiến. Đang  học lớp 11, giờ Vật lý, Tiến mang cuốn Bố Già vào lớp đọc bị thầy bắt được, đuổi học dù ba tôi và tôi cố gắng xin thế nào cũng không được. Không đi học ở nhà nhàm chán, đi vô đi ra bị ba tôi mắng mỏ, lại thêm tôi chịu áp lực của ba tôi, luôn la rày nó. Tiến lại càng bị đè nén hung. Nghe tin được đi vượt biên, nó như mở cờ trong bụng. Tiến đã tìm ra lối thoát. Tiến đi trót lọt trong chuyến thứ hai mới qua được Hong Kong.

Tân, được bạn bè rủ đi cùng chuyến, đi qua đến Hong Kong gởi mật mã về mới nhận vàng (2 lượng). Lúc này, gia đình mấy dì cùng mẹ tôi buôn bán chung, số vàng hiện tại trong nhà không đủ, để người đưa đường hôm ấy đếm số lượng đủ làm bằng chứng gia đình có khả năng sẽ trả sau khi Tân đi lọt. Số vàng của cha mẹ tôi phải chia nhỏ tẩu tán khắp nơi ở mấy dì, họ đến đếm không đủ số lượng vàng nên Tân bị bỏ lại. May mắn cho Tân, chuyến đi này biệt vô âm tín. Cho đến bây giờ những gia đình có con đi chuyến này lấy ngày ra đi làm ngày giỗ! Ở Đà Nẵng có nhiều gia đình như vậy.

Rồi Tân cũng đi qua được Hong Kong. Hai anh em tị nạn tại đảo Koloon.

Thư từ hai em viết về có kèm theo thông báo của chính phủ Hong Kong cho biết sẽ trả những người vượt biển trái phép sẽ bị trả về Việt Nam!

xxxx


(nguồn: Ảnh tư liệu sưu tập của L.M.Q)

Bấy giờ, khoảng năm 1984 được nước thứ 3 bảo lãnh đã khó khăn rồi, lạng quạng bên kia (Hong Kong) trả bọn trẻ về là chí nguy. Lo lắng ghê lắm, ba tôi thúc tôi liên lạc với bạn bè bên ngoài để cứu 2 đứa em tôi. Qua Bình đang định cư ở Canada, tôi viết thư liên lạc nhiều nơi. Cuối cùng gặp được Lê Công Trí quen thân với tôi khi còn học ở Sài Gòn. Trí đã vượt biên từ miền Nam qua Malaysia và đã định cư ở Úc. Tôi liên lạc được với Trí, Trí lúc ấy đang là hội trưởng hội người tỵ nạn Đông Dương tại Úc. Trí đồng ý ngay. Trí nhận bà con cùng họ Lê và bảo lãnh Tân và Tiến qua Úc. Trong việc bảo lãnh này có cả hai đứa em con dì Hiền tôi nữa.

Hồi còn ở Việt Nam, Trí là kỹ sư nhà máy đường Quảng Ngãi, học hơn tôi 2 lớp,lương không đủ sống, hằng tuần về thăm vợ con ở gần nhà tôi, tôi thường hay biếu tiền để vào xe, tôi làm vàng có tiền mà. Trí giúp bảo lãnh hai đứa qua không đòi hỏi thù lao gì. Hắn bảo có gì quí bằng tha hương ngộ cố tri, không có mầy, tau ngộ mấy đứa em mầy cũng được.

Anh Lương và Vĩnh cũng tự tìm đường đi. Đi vài ba lần cũng trầm trầy trầm trật. Tìm nhầm người, bị lường gạt. Rồi cũng “nhất nhật thiên thu”. Cũng may, chớ như Nguyễn Quốc Minh con ông bãy Tân gần nhà bị du kích phục bắn, Minh bị thương khi đã lên được trên tàu, máu ra nhiều, không có đủ dụng cụ y tế và cũng không có ai biết nghề y, và nhất là không ai lường trước được tình huống: Từ trước đến nay chỉ có bắn chỉ thiên cho sợ để đuổi bắt người trốn đi vượt biên, chứ đâu có bị bắn hạ họ ngay tại bãi đâu! Qua đến đảo Hải Nam, Minh đã chết, bạn đồng hành chôn cất ở đây. Gia đình không biết bây giờ Quốc Minh đang nằm ở đâu trên đất người! Cùng chuyến đi với Quốc Minh, có khoảng bốn năm người chi đó bị bắn chết tại chỗ trên bài Thanh Bình! Không chịu ở với ta thì ta bắn chứ không cho đi đâu cả! Gặp lại mẹ Quốc Minh - bà bảy Tân ngớ ngớ ngẩn ngẩn tâm sự.

Người ta hay nói đùa với nhau, khi đi vượt biên, hên nhất là được Mỹ lãnh, hai nữa là Tiên Lãnh (trại tù Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng nam). Cuối cùng là Hà Bá lãnh!

Danh sách những số phận hẩm hiu như thế còn nhiều, còn dài…

Nghĩ mà buồn. Buồn thúi ruột.

Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Người xa người quá tội người ơi
Lênh đênh góc biển, chân trời
Trăm năm nghĩ một kiếp người mà đau



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com