LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.12.2017



NGOIBUIONVECHOICHO_BVUI_6R

 

Chân trong chân ngoài”, thành ngữ này ngụ ý điều gì? Anh chàng nọ vốn “anh hùng râu quặp” bị cô vợ chì chiết: “Anh dạo này coi mòi đã “Chân trong chân ngoài”, đã thế, “chân ngoài” lại dài hơn “chân trong”. Liệu hồn đấy”. Chỉ cần nge câu ấy, gã Thúc Sinh nọ đã hoảng hốt, hồn xiêu phách lạc. Bởi vì rằng, chuyện léng phéng với “phở” đã bị “cơm” phát giác. Lại nữa, sếp cơ quan nọ phê bình nhân viên nọ: “Ăn cây nào rào cây ấy. Chớ có chân trong chân ngoài đấy nhá”. Đích thị sếp cằn nhằn việc chạy show, làm ăn thêm bên ngoài.

Y có “Chân trong chân ngoài”? Có, chứ sao không. Thỉnh thoảng vẫn viết cộng tác với nhiều tờ báo khác. Gần đây, từ nhiều năm mỗi tuần phải nghĩ ra một tình huống về tình yêu, hôn nhân gia đình. Viết ròng rã, liên tục. Nhờ thế sau này mới có các tập sách như Tôi và đàn bà, Gái đẹp trong tôi, Tình éo le mà lý oái oăm, Khi tổ ấm nhảy Lambada, Thật tuyệt tình ta thôi trúc trắc… Cơ quan ấy, thỉnh thoảng y vẫn đến lấy báo biếu, ký nhận nhuận bút. Từ phòng khách nhìn ra sân đã thấy cây khế, đến mùa thì hoa nở tím, rụng đầy sân. Tự dưng có cảm tình, gần gũi.

Mới đây, ghé lại, đã khác. Cơ quan ấy, dãy nhà một tầng ấy đã cho thuê bán cà phê. Ban bệ phòng ốc dành cho trị sự, phóng viên thu gọn lại về phía sau, đi cổng ngang hông. Tức là tòa soạn thu hẹp lại đến mức có thể “Để kiếm thêm tiền nuôi quân”, anh bạn phụ trách nơi ấy cho biết. Nói cách khác, làm báo bây giờ khó có thể sống bằng nghề báo, bán báo, phải kiếm thêm nguồn thu khác. Đã qua rồi cái thời nhà báo được trọng vọng, ăn trên ngồi trốc.

Còn nhớ thuở ấy, có những cuộc họp báo đôi lúc trễ giờ, không tiến hành đúng thời gian đã ấn định chỉ vì phóng viên thuộc báo của cơ quan Đảng bộ, đài truyền hình chưa vác xác đến. Còn nhớ thuở ấy, nhất là ngoài Hà Nội một khi tổ chức sự kiện long trọng gì, trong phần quà biếu đại biểu bao giờ cũng kèm theo tờ Nhân dân, trong đó có đăng bài viết về đơn vị đó. Qua đó thấy rằng, sự có mặt của những tờ báo trên, chính là “nhãn hiệu cầu chứng tại toàn”  - như cách nói quen thuộc của người miền Nam trước đây.    

Thời ấy, đã qua rồi.

Các trang mạng xã hội đã làm nên một sự thay đổi kỳ diệu. Phân tích chuyện này dài dòng lắm, chi bằng phớt lờ quách. Chỉ biết rằng, trước kia mọi việc phải cần đến báo chí chính thống lên tiếng, muốn được thế còn phải chờ nhà báo sàng lọc, chọn lọc, nhìn trước ngó sau, cân nhắc mọi bề; nay không nhất thiết. Ai cũng bình đẳng trong việc công bố thông tin, kể cả tin bịa đặt. Đã có lắm sự kiện rình rang trên báo chí, chính là “ăn theo” từ nguồn tin đã được công bố trước nhất trên các trang mạng xã hội. Ông/bà nhà báo chuyên nghiệp được cấp thẻ dù muốn dù không đần dần cũng ngang cơ với nhà báo tay ngang, độc giả trong việc sở hữu/ tìm kiếm/công bố thông tin.

Đừng nói đâu xa, có phải trước đây các đồng nghiệp của y nếu buổi sáng không cầm lấy tờ báo mới, cảm thấy thiếu sót, áy náy, không yên tâm. Phải tìm đọc cho bằng được. Nay, có hoặc không của một/ nhiều tờ báo chẳng gì quan trọng. Chỉ cần cầm cái điện thoại là xong tất. Tha hồ đọc/xem/ nghe thời sự đang diễn ra từng giờ, chứ chưa nói đến từng ngày. Điều này có nghĩa các nhà báo với cách làm báo truyền thống đang đứng nguy cơ… viêm màng túi. Tiền lương ngày một ít dần. Thu nhập ngày càng bèo. Số lượng in mỗi kỳ ngày một teo tóp dần.

Đôi lúc y tự an ủi, dù gì mình cũng đã sắp nghỉ hưu rồi, sắp rời khỏi cuộc chơi ngày càng thoái trào. Dù cố gắng đến mấy, thú thật cũng không thể tác nghiệp vụ nhanh chóng bằng cánh nhà báo trẻ. Cách viết đã khác. Thu thập thông tin đã khác. Ngày trước, trong cơ quan y đã từng cãi nhau chí chóe rằng, một khi đi tác nghiệp có cần phóng viên ảnh đi theo chụp hình hay không? Tùy mỗi bao có quy định riêng. Nay, cánh nhà báo trẻ không thèm quan tâm chuyện đó nữa. Không chỉ chụp hình mà họ còn quay phim, dựng thành các clip, đoạn phim ngắn minh họa cho các bài viết. Dụng cụ ấy có gì? Chỉ cần cái điện thoại là xong. Thế thì, đồng nghiệp thế hệ y còn biết kiếm cơm bằng cách nữa hả trời?

Viết đến đây sực nhớ không biết dạo này sức khỏe anh P ra sao.  Nhớ vì  thời mới tấp tễnh vào nghề báo, y có theo học lớp đào tạo nghiệp vụ do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Lần nọ, anh P có kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh. Qua đó, có thể thấy nhà báo oách như ông trời con. Rằng, theo sự phân công của ban biên tập, từ thủ đô anh đi về xã nọ, huyện nọ tìm hiểu để viết bài về mô hình hợp tác xã đang phát triển. Lúc đến nơi, các ông bà trong ủy ban nhân dân nọ thấy anh trẻ quá, mặt mũi non chẹt nên ơ thờ, không tiếp đón chu đáo, anh cáu lắm. Sau đợt thâm nhập thực tế ấy, anh về méc với tổng biên tập về thái độ xem thường vai trò của báo thuộc Đảng bộ. Chuyện gì xẩy ra? Tay tổng biên tập quyết định không tuyên truyền cho xã nọ trong vòng sáu tháng! Thế mới biết, báo chí thời bao cấp đó ghê gớm lắm, chớ có giỡn mặt.

Thời ấy, đã qua rồi.

Mấy hôm nay, vẫn còn bàn tán trên báo chí, trang mạng xã hội về nội tình vấn đề vừa xẩy ra đã khiến y ca thán: “Thế thì, bao nhiêu năm các con em chúng ta đã được học hành, học tập từ các bậc nhà giáo uyên bác và  đáng kính ấy?” (Nhật ký 14.12.2017). Bài báo Đề thi bế tắc, đọc thấy thất kinh là một thí dụ, có đoạn: “Vì sao chọn Chi Pu vào đề thi? Bản thân cái tên "Chi Pu" - dù mỗi cá nhân có quyền đặt "nghệ danh" cho mình - đã thấy lợn cợn, tối nghĩa. Về tên tuổi "ca sĩ" này cũng chưa đủ "trọng lượng" để người ta biết tới và để tâm. Mà phải chi chuyện Chi Pu và các đồng nghiệp là chuyện đẹp đẽ, đáng noi theo. Đó là chuyện xấu, vì hiềm khích mà công kích, miệt thị nhau. Có hay ho gì mà đưa vào đề thi? Có hay ho gì mà bắt học sinh phải hóa thân vào và viết tự sự?

Nên nhớ, thi cử là một hoạt động quan trọng của giáo dục. Đề thi là công cụ, là ngữ liệu của giáo dục. Văn học là nhân học. Nhân vật và câu chuyện trong thế giới văn chương thường có sức mạnh sai khiến người ta. Thế giới showbiz vốn lắm thị phi, điều tiếng, thực tế cho thấy đã gieo vào đầu óc giới trẻ mặt trái nhiều hơn tiếng lành. Vì thế, chọn một câu chuyện lùm xùm trong giới giải trí, chọn một cá nhân như Chi Pu vào đề Ngữ văn là một sự ấu trĩ, lố bịch, phi giáo dục. Còn có bao nhiêu chuyện khác tử tế hơn, phạm vi tỏa rộng hơn, sâu sắc và nhân văn hơn, sao không chọn? Những người ra đề đừng vin vào yếu tố "thời sự" để thể hiện sự ngây ngô và bế tắc của mình.

Sốc không kém là Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) yêu cầu học sinh viết cảm nhận về đề xuất cải tiến tiếng Việt "gây bão" vừa qua của PGS-TS Bùi Hiền. Nội dung này có trong đề thi môn Ngữ văn lớp 12, thi học kỳ I vừa diễn ra. Một trường chuyên khác, ở Hà Nội, cũng đưa câu hỏi tương tự vào đề, chiếm đến 7.0 điểm! Những em học sinh khối 12 mới 18 tuổi thì làm sao đủ kiến thức về ngôn ngữ và trình độ, tư duy khoa học để mà đánh giá? Thầy - cô các em có chắc là viết nổi không mà bảo các em viết? "Gài" đề kiểu đó có khác nào lái các em viết theo hướng dư luận như thời gian qua, thiên về công kích PGS-TS Bùi Hiền. Đó là chưa nói đến việc nhiều em không quan tâm hoặc không biết đến chuyện này. Như vậy là phản giáo dục, là triệt tiêu sáng tạo.

Đáng nói hơn, đó là việc làm thất lễ. PGS-TS Bùi Hiền đã 83 tuổi, từng là phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, dành nửa cuộc đời nghiên cứu tiếng Việt. Đề xuất của ông mới chỉ là bài tham luận in trong kỷ yếu hội thảo khoa học, dù có thể gây ý kiến bất đồng nhưng không vì thế mà phải đem ra để cho các em học sinh "hỉ mũi chưa sạch" phán xét. Đọc cái đề mà thấy thất kinh! Làm người ai làm thế?! Các em học sinh dẫu làm gì cũng không có lỗi. Lỗi bất kính thuộc về những người ra đề và duyệt đề - những người dạy dỗ các em kiến thức lẫn những bài học làm người (nguồn: báo Người lao động ngày 12.12.2017).

Mà đâu chỉ có thế.

Trước đây, các bậc phụ huynh cũng từng choáng với các đề thi đậm mùi showbiz. Chẳng hạn, bình về bài “hit” Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm; chỉ ra thông diệp trong bài hát Lạc trôi của Sơn Tùng M - T vớ những câu lảm nhảm: “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/ Ta lạc trôi giữa trời”, thậm chí ca sĩ này đau răng cũng vào đề thi! Ối dào, “nữ hoàng nợi y” Ngọc Trinh với câu nói thực dụng: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”, rồi Ba Tưng cũng quá nhiều tai tiếng cũng nhảy xổm vào đề thi. Tội nghiệp các em.

Thi sĩ Tú Xương có đội mồ sống dậy, các nhà báo đến hỏi cảm tưởng ra sao ắt cụ lại thở dài: “Học trò chúng nó tội gì thế/ Để đến cho ông vớ được đầu?”. Nếu phỏng vấn y thì sao? Y xin nhắc lại câu kết của bài báo in báo Người lao động vừa nêu trên: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có ý kiến chỉ đạo về tình trạng ra đề phản tác dụng như vậy. Đưa chuyện thời sự vào đề thi là bổ ích nhưng không phải vì thế mà lạm dụng hay làm càn. Ngay cả người làm giáo dục mà không biết đâu là giá trị chân xác của giáo dục, thể hiện sự lố bịch trong việc ra đề thi (như đã nêu), thì xã hội này biết trông chờ vào ai, biết trông cậy vào đâu để tiến bộ, văn minh!”.

Câu hỏi này, chẳng mới mẻ gì. Thiên hạ đã gào lên nát nước nhưng rồi bốn phương vẫn lặng như tờ. Chỉ là đá ném ao bèo.

Riêng về chuyện cải cách chữ Quốc ngữ gây tranh cãi dữ dội trong dư luận, y đã viết và phát biểu nhiều về vấn đề này, tựu trung vẫn nhấn mạnh: Mọi can thiệp theo ý chủ quan của cơ quan quyền lực/ cá nhân nào, cuối cùng chỉ dẫn đến sự thất bại thảm hại. Hoàn toàn đống ý vơi ý kiến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi trả lời trên báo Thể thao & Văn hóa ngày 11.12.2017: “Chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học. Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không”.

Và anh nhấn mạnh: “Theo tôi, những cải tiến đơn giản, tiện lợi và không gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt xã hội thì có thể làm được. Chẳng hạn trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc thêm các phụ âm như j, f, w, z... vào bảng chữ cái để người Việt, đặc biệt là trẻ em, có thể đọc, viết được những từ thông dụng như quần jean, nhạc jazz, wifi, lướt web, bánh pizza... là rất cần. Chữ viết là công cụ giao tiếp, diễn đạt, do đó tiêu chí hàng đầu là thuận tiện cho người sử dụng - cả người viết lẫn người đọc. Mọi cải tiến, luật hóa nếu đưa đến sự bất tiện sẽ khó được cộng đồng chấp nhận, vì vậy tính khả thi không cao. Hiện tượng này không chỉ chữ Việt mới gặp phải mà xảy ra ở nhiều ngôn ngữ trên thế giới”.

Tuy nhiên, ta phải thừa nhận rằng, từ hình thức ký âm từ Từ điển Việt - Bồ - La của Nhà truyền giáo Đắc Lộ (1651) đến Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của đã có sự thay đổi. Rồi sau đó vẫn còn thay đổi,  Sự thay đổi này, do nhà từ điển ghi nhận từ cách viết/ lời ăn tiếng nói đã phổ biến và được chấp nhận trong cộng đồng. Nói cách khác, chính cộng đồng đã “cải cách” và dần dần trở nên thông dụng, chứ không từ một can thiệp nào có tính cách hành chánh.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment