LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.2.2018

 

27751718_1638400479559229_4226908136318741670_n

 

Ngày đã Tết. Không vui. Không buồn. Dửng dưng. Trong lòng chộn rộn một điều gì đó. Không rõ nét. Chiều. Những câu thơ Đọc Kiều lại vọng ngang qua trí nhớ. Những năm gần đây, thỉnh thoảng lại tìm cảm hứng từ Truyện Kiều. Năm nay cũng thế. Đặt bút là viết. Từng dòng. Từng chữ của khoảng khắc tẻ nhạt nhất trong ngày. Cũng là một cách tự an ủi, xoa dịu lấy chính mình.

“Tưởng rằng nước chảy chân cầu/ Ngờ đâu dậy sóng bể dâu vẫn còn/ Thịt xương ngày nọ héo hon?/ Không đâu, còn đó xanh non chập chờn/ Hồn oan nức nở cô đơn/ Lạc xiêu cát bụi oán hờn hắt hiu/ Bao nhiêu năm hỡi em Kiều/ Lại nghe máu chảy tiêu điều quẩn quanh / Ầm ầm vọng tiếng ruồi xanh/ Ngợi ca xương máu có tanh miệng mồm/ Rầu rầu tiếng khóc chiều hôm/ Sương đêm lụn xuống rạ rơm phận người/ Tú Bà toe toét cười tươi/ Sở Khanh hớn hở hát lời nguyên xuân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Nỗi niềm Sáu Tám sái vần đó chăng?/ Hỏi rằng, răng rứa là răng?/ Kiều thưa, vâng ạ, nhùng nhằng bấy lâu/ Tưởng rằng nước chảy chân cầu/ Ngờ đâu dậy sóng bể dâu vẫn còn/ Biết bao giờ mới vuông tròn / Hỡi trời, hỡi nước, hỡi non nước nhà/ Câu thơ Kiều khắc trên da/ Mười lăm năm ấy, hóa ra bây giờ?”.

Thơ viết về điều gì đã và đang ngổn ngang tâm hồn?

Lại những ngày nhẩn nha đọc sách. Mặc kệ những chộn rộn ngoài cửa sổ, ồn ào trên các trang mạng xã hội. Một khi đã chạm vào cánh cửa lục thập, ấy là lúc con người ta tự ý thức thời gian không còn nhiều nữa. Cố gắng làm cho hết những công việc đã và đang yêu thích. Chẳng mấy chốc, tụt qua bên kia dốc của đời người, mỏi gối chồn chân, liệu có nên cơm cháo gì nữa? Hóa ra, với y, cái thú tìm mua sách đã hình thành từ bé xíu đến nay vẫn không thay đổi. Vẫn chưa bưa. Vẫn chưa ngán. Vừa tìm mua quyển Tranh dân gian Việt Nam (NXB Văn hóa Văn nghệ -  2018) do Maurice Durand sưu tầm, nghiên cứu; Nguyễn Thị Hiệp, Olivier Tessier dịch và giới thiệu.

Trong lời giới thiệu cho biết: “Viện Viễn Đông Bác Cổ xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960. Bộ sưu tập này bao gồm hơn 400 tác phẩm hội họa dân gian kèm theo nghiên cứu, phân tích, bình chú uyên bác, tỉ mỉ và toàn diện của tác giả. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm trên các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Cuốn sách đặc biệt thú vị khi văn hóa dân gian Việt Nam được nhìn qua lăng kính của một học giả ngoại quốc tài năng vốn là thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp vào những năm giữa thế kỷ XX. Những quan sát, cảm nhận và bình giải của tác giả vào thời kỳ mà văn hóa truyền thống vẫn còn đậm nét ở Bắc Bộ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc”.

Cái sự sung sướng nhất của người mê sách vẫn là lúc đầu tiên cầm lấy quyển sách mới. Hồi hộp lật từng trang, giấy còn thơm mùi mực, lật từng trang, đọc loáng thoáng vừa nhanh vừa chậm, cứ thế cho đến hết quyển sách, tự nhủ: “Sẽ đọc kỹ hơn, vào dịp khác” rồi cẩn thận đặt trên kệ sách. Có quyển nằm ở đó thời gian ngắn, lại lấy xuống đọc; có quyển mãi mãi thời gian phủ bụi. Chẳng sao cả. Chắc chắn sẽ có lúc cầm lấy nó, lại có cảm giác tươi mới như lần thứ nhất.

Với quyển Tranh dân gian Việt Nam, thích thú với bức tranh dân gian vẽ nhảy đầm. Tại sao gọi “nhảy đầm”? Câu hỏi ấy, trả lời thế nào? Có những từ quen thuộc, vẫn sử dụng, nào có xa lạ gì nhưng bất ngờ nghe hỏi, muốn trả lời cũng không dễ. Tập sách này chú thích: “Khiêu vũ Pháp. Nhảy đầm “điệu nhảy của các bà đầm” hoặc “nhảy với đầm” (tr. 249). Suy luận rằng, do cùng mẫu từ “đ” nên từ “nhảy đầm”, người Việt mới “sáng chế” ra từ “nhảy đực” chăng? Hay từ “nhảy đực” dân gian đã dùng từ trước đó rồi mới gọi cái lối nhảy mới du nhập là “nhảy đầm”? Hay “đầm” là cách phiên âm của “danser” và được gọi “nhảy đầm”?

Từ nửa đầu thế kỷ XX, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải  có viết bài thơ Xem hội Tây: Nhảy đầm, ăn tiệc, ông Tây sướng/ Liếm chảo, leo đu, đứa trẻ mê”. Rõ ràng thời buổi ấy, đã có sự “tân cổ giao duyên” giữa văn hóa phương Tây với lối chơi truyền thống của người Việt. Trước đó, thời Nguyễn Khuyến chưa có, bằng chứng cũng viết về hội Tây nhưng cụ chỉ miêu tả: “Cậy sức cây đu nhiều chị nhún/ Tham tiền cột mỡ lắm anh leo”. Một khi đã có nhảy đầm ắt phải có đăng xinh (dancing) tức nhà hàng khiêu vũ, vũ trường. Dấu vết ấy, có thể tìm thấy qua thơ Tú Mỡ: “Cái hồ ấy, khi đã thành đất phẳng/ Tôi sẽ xin dựng một trường 'Cao đẳng đăng-xinh'/ Rước những ông du học tài tình/ Dạy những món văn minh nghệ thuật”. Đọc mấy câu thơ của Tú Mỡ lại nhớ đến Tú Xương. “Cái hồ ấy, khi đã thành đất phẳng”, tưởng chừng như vẫn còn vang vọng tiếng kêu não ruột: “Sông kia rày đã nên đồng’.

Thì ra, thời buổi nào cũ thế. Sự thay đổi trong đời sống xã hội dễ dàng nhìn ra nhất vẫn từ đất đai. Đừng nói đâu xa, cứ như mỗi lần về Đà Nẵng dù là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng rồi, lắm lúc lạc đường bởi đường sá thênh thang ngang dọc vừa mới hình thành. “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nà cửa chỗ trồng ngô khoai”. Thời buổi này, ngô khoai đi chỗ khác chơi. Phí đất. Phải là chung cư, khách sạn, cao ốc, nhà cao tầng… 

Với xã hội miền Nam, lúc người Mỹ đổ quân sang đây, năm 1965, tất nhiên dancing cũng mọc lên. Có phải nó cũng bị nhìn nhận là nơi “Dạy những món văn minh nghệ thuật” như Tú Mỡ đã mai mỉa? Hay đã có cái nhìn thoàng hơn? Câu trả lời này ra làm sao? Khó lắm. Y không biết. Chỉ biết rằng, nhân chứng của thời cuộc là nhà văn Bình Nguyên Lộc có viết truyện ngắn Hạ bệ, in trong tập Ký thác (NXB Cửu Long tái bản năm 1968). Rằng, lúc Hùng vào chơi vũ trường: “Bỗng Hùng nín lặng. Cả bọn đều ngạc nhiên nhìn anh chàng lắm lời này. Vẻ mặt kinh hãi của anh ta khiến họ đoán thấy anh ta đang tái mặt trong bóng mờ. Họ nhìn theo hướng ngó của anh ta thì tầm mắt họ chạm phải một đôi giày không có gì đặc sắc, nhưng phủ trên giày ấy, một miếng ống quần màu hơi quen. Mắt họ leo ống quần, thấy nó to lần lần và ở phía trên nó to quá, cho họ biết rằng người mặc quần ấy là một ông bụng bự. Họ chợt hiểu và ngước nhìn lên thì thấy quả đó là ông Ích Thành”.

Ông Ích Thành là cha  của Hùng. Và cậu có suy nghĩ gì?

“Hùng thấy cha cậu già quá, già hơn ngày thường nhiều, giữa đám vũ nữ trẻ trung ấy, và cậu có cảm giác đang đọc một bài thất ngôn bát cú in xen vào một tập thơ tự do. Mà đó là một bài Đường luật rất xoàng. Đó không phải là một người cao niên vốn sành ăn chơi, cố vui vớt vát, mà là một ông cụ thật thà, tập tành son trẻ. Nhưng dầu thuộc hạng già nào, ông cụ cũng chẳng coi được, khi vào đây. Khi ông Ích Thành và vũ nữ trôi trở lại, Hùng thấy ông thở hổn hển mà quay, cậu tưởng chừng như nghe hơi thở ồ ồ của cha, một ông cha lỗi lạc mà trước kia cậu thấy làm cái gì cũng trôi chảy, dễ như chơi. Hồi nãy cậu ta hoảng sợ khi bị cha bắt chợt giữa chốn ăn chơi. Nhưng bây giờ, chẳng những cậu không còn sợ hãi nữa, mà còn có bụng khinh thường ông cụ là khác”.  

Sao lại khinh thường. Khiêu vũ cũng chỉ một lối chơi thư giản, như tập thể dục, chứ nào có… vi phạm thuần phong mỹ tục? Lạ nhỉ. Sau đó, lúc về nhà, chỉ còn hai cha con, chuyện gì đã xẩy ra? Ông Ích Thành chớng chế: “Độ này ba viết về các tiệm nhảy, nên ba hay la cà ở các nơi đó để thu thập tài liệu”. Nghe câu đó, Hùng bỗng chợt hiểu; cậu buồn cười quá, không cầm được, nên bật cười to lên. “Sao con lại cười?” - Ông Ích Thành ngạc nhiên hỏi. “Thưa ba, - Hùng đáp sau cơn cười - Ba không cần gì cố cắt nghĩa sự có mặt của ba trong Móng Trời đêm đó. Con đã lớn thì con phải hiểu biết rằng ai cũng có quyền sống riêng cả! Không, con không dám khinh ba đâu, con không đạo đức lắm đâu. Nhưng con thú thật với ba rằng con bớt kính phục ba hơn khi trước. Bớt kính phục nhưng thương hơn vì thấy ba trễ đò và yêu hơn vì thấy ba là bạn của con. Sao con lại bớt kính phục ba thì ba đã biết. Và ba không làm gì được để gây uy tín lại cả. Nếu ai xô ba xuống khỏi bệ, thì ba có thể leo trở lên và người thân của ba sẽ giúp ba trong công việc ấy! Nhưng khi mà chính ba tự hạ bệ, và con đã trót thấy thì không làm sao... “.

Nay, đọc lại, ngỡ ngàng nhận ra cái dancing này, thời đó, đã khác nay nhiều lắm. Rất nhiều. Cha con, cả gia đình tìm vui giải trí nơi ấy, nay là cái sự bình thường, chẳng có gì ghê gớm đến mức người cha đã bị “hạ bệ” trong suy nghĩ của đứa con. Thì ra, một lẽ hiễn nhiên ai cũng thừa biết, mỗi thời mỗi khác. Cái thú đọc sách cũ còn là chỗ đó nữa. Những tình tiết, những câu chữ có thể cho thấy sự khác biệt về quan niệm đạo đức của mỗi thời.

Nếu không hiểu rõ ý nghĩa của từng từ, từng chữ mà tác giả đã sử dụng, e rằng, có lúc ta cũng không hiểu nốt về giá trị của văn hóa đã từng tồn tại và phổ biến. Chỉ xin đơn cử rằng, lúc viết tập sách Mẹ đã đi chợ về, y có trích dẫn câu ca dao: “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Ơ hay, “đèn trời” là gì? Khó hiểu quá. Trong các loại đèn, làm gì có đèn trời? Đúng không nào? Để khỏi tranh cãi lôi thôi, xin liệt kê các loại đèn mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Bộ GD và ĐT, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam đã ghi nhận. Chọn lấy từ điển này, vì rằng, đây vẫn quyển sách ghi nhận nhiều nhất các vốn từ hiện nay, cho đến thời điểm này: Đèn, đèn ba cực, đèn bàn, đèn bán dẫn, đèn biển, đèn cảm ứng, đèn cây, đèn cầy (nến), đèn chạy quân (đèn cù), đèn chiếu, đèn chớp, đèn cồn, đèn cườm, đèn dầu, đèn đất (đèn khí đá), đèn điện, đèn điện tử, đèn đóm, đèn lồng, đèn măng sông, đèn nê ông (neon), đèn trứng vịt, đèn xếp, đèn xì…

Kìa, còn có cả “đèn trời” nữa đấy chứ? Thế mà y lại bảo rằng không.

Hãy xem từ điển giải thích thế nào? “Đèn giời/ đèn trời: Sự sáng suốt của người bề trên, ví như ông trời, có thể nhìn thấy thấu suốt mọi uẩn khúc, éo le của người đời: nhờ đèn trời soi xét”. Với cách giải thích này, rõ ràng là hiểu theo nghĩa bóng. Thật ra có đèn trời theo nghĩa đen, do không biết nên có dị bản với câu ca dao trên: “Đêm đêm thắp ngọn sao trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Ítt ra “ngọn sao trời” vẫn dễ hiểu hơn vì nó còn giúp người tiếp nhận liên tưởng đến ngôi sao mọc hằng đêm. Mới đây, nhờ đọc quyển Đặc khảo về tín ngưỡng gia thần (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2013) của Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc, y mới biết ngọn ngành. Hai nhà nghiên cứu này căn cứ vào quyển  La vie intime d’un Annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaires (1907) của Lê Văn Phát giải thích rõ ràng, có liên quan đến bàn thờ Thiên, tức bàn thờ đặt ngoài trời:

“Tập tục thờ Trời ở bàn Ông Thiên này được tiến hành hàng ngày, gia chủ thắp nhang vái trời, đất, bốn phương cầu cho gia đình được an lành và đặc biệt là cầu thọ cho cha mẹ. Tập tục đốt một ngọn đèn chong suốt đêm ở bàn thờ Thiên là nhằm cầu thọ. “Đêm đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Lễ trọng nhất trong năm là lễ vía Trời vào ngày mồng 8 rạng ngày mồng 9 tháng Giêng hằng năm theo lệ “Mồng 9 vía Trời, mồng 19 vía Đất” có nguồn gốc từ người Hoa. Lễ gọi là vía Trời với nghi thức hành lễ gọi là “Thắp đèn trời”: Đốt một ngọn đèn sáp lớn tỏa sáng rực và đốt lò trầm hương. Cả hai cháy suốt đêm. Mục đích nhằm cầu an và cầu thọ cho cha mẹ. Đặc biệt trong lễ này, người ta trang hoàng nhà cửa tươm tất, dùng chén bát, đồ sứ sang trọng và mời dàn nhạc tấu mở tiệc đãi cha mẹ và bạn bè suốt  đêm” (tr. 160-161).

Thế nào là “đèn trời”? Đã hiểu rõ. Có điều đây cũng là cái Tết đầu tiên trong đời, y ăn Tết không còn chỗ dựa lớn lao, vững chải, tin tuỏng ở phía sau nữa: Mẹ đã mất.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment