LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.11.2017

 

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-y5tat-ca-deu-lammcon-nho-me

Tất cả đều làm con nhớ mẹ

1.

“Cả tiếng đầu tiên của chồi non vừa thức/ Cả dấu vết xanh của hạt sương mai/ Cả tiếng máy quạnh hiu bên sông vắng/ Cả mùi buồn của đống cỏ non khô/ Cả tiếng vọng lời hát ru khuya khoắt/ Cả bầu trời thường thấy, lúc xanh lam/ Tất cả đều làm con nhớ mẹ”. Thơ của nhà thơ Nga Aleksandr Trifonovich Tvardovsky. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn dịch. Một sự chia sẻ ấm áp của tình bạn, của những người luôn nghĩ về mẹ.

Nhớ đến câu chuyện về Thiền đã đọc trước ngày đi bộ đội. Ngắn thôi. “Một thiền sư bước vào trong ngôi chùa và nhổ toẹt nước bọt vào tượng Phật. Mọi người trách vấn, thầy trả lời: “Xin vui lòng chỉ cho tôi chỗ để tôi khạc nhổ, xin chỉ chỗ nào mà không có Phật đấy”. Chỉ dăm ba dòng. Thời trẻ đọc, nghĩ khác; bây giờ đọc, nghĩ khác. Phải thế.  

Trong mỗi nhà, hiện thân của Đức Phật chính là mẹ. Người Việt từ hàng ngàn năm năm bể dâu đã nhìn ra lẽ hiển nhiên ấy: “Lên chùa thấy Phật muốn tu/ Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền”. Đền đáp công ơn “cù lao chín chữ” đã là tu, đã là lòng thành dành cho Phật. Trong ba ngàn thế giới, chỗ nào lại không có Phật? Trong căn nhà đang ở mỗi ngày, chỗ nào không có bóng dáng mẹ?


2.

Một khi ba/mẹ đã mất, như một lẽ tự nhiên, rất tự nhiên từ trong suy nghĩ: Lại càng quý mến, kính trọng hơn nhưng nữa bè bạn của đấng sinh thành. Đơn giản chỉ vì qua sự hiện diện của họ, ít nhiều ta lại thấy bóng dáng của người đã khuất. Giữa họ và ba/mẹ còn giữ lại biết bao kỷ niệm của thời trai trẻ, có thể lúc ấy mình chưa sinh ra, có thể lúc ấy mình quá trẻ nít để có thể biết. Qua họ, nếu biết được gì thêm về năm tháng ấy thêm, thử hỏi còn gì sung sướng hơn?

Với y, dạo này không rõ bà cụ Sáu Điếc có còn sống hay đã về một nơi chốn mà mẹ y đã đến? Ngày mẹ ở chung nhà tại Sài Gòn, chừng mươi năm trước, thỉnh thoảng mỗi sáng lại nghe tiếng gọi: “Chị Năm Châu ơi, tui đây nè”. Từ trên nhà, y bước ra lan can nhìn xuống, đã thấy bà cụ nhỏ người, mắt đeo kính cận, lưng hơi còng, tay chống gậy đang đứng chờ trước cổng. Không rõ giữa mẹ và bà Sáu Điếc đã quen nhau từ thuở nào? Có lẽ từ thuở mẹ còn buôn bán ngoài chợ Cồn? Cảm động về người bạn già của mẹ là ở cổ bao giờ cũng có đeo một cái túi nhỏ, chỉ bằng bao thuốc lá. Trong túi ấy có gì? Có lần y tò mò mới biết chẳng có gì, chỉ là miếng giấy ghi tên, địa chỉ nhà và số điện thoại của người con. Ấy là phòng hờ lúc mẹ già đi lạc, không nhớ đường về thì những thông tin ấy cần thiết biết bao.

Những lúc bà Sáu Điếc ghé thăm nhà, sáng hôm ấy, mẹ không đi chợ như mọi ngày. Ở nhà, vừa nấu bếp vừa trò chuyện với bạn. Những câu chuyện của người già gần đất xa trời, lẫm ca lẫm cẫm, nhớ nhớ quên quên, đầu cua tai nheo, chuyện xưa tích cũ, không đâu vào đâu, ta có cần nghe không? Ối dào, có mà ngớ ngẫn. Khoảng cách giữa hai thế hệ khác nhau lắm. Nghe làm gì? Y đã từng nghĩ thế.

Rồi, lần nọ, do tình nhân thất hứa cho “leo cây trụ điện”, bực bội trong lòng, bèn nằm dài thừ người trên cái giường phía sau phòng khách, ngó lên trần nhà nhìn nhện giăng tơ cho khoay khỏa nỗi sầu tình. Gặm nhấm cô đơn. Sầu tình thê thảm. Nếu lúc ấy, bốn bề im lặng thì tốt quá. Không, khổ nỗi hai bà cụ đã ngoài 80 vẫn cứ rôm rã. Hào hứng lắm. Khi thì thầm. Lúc rổn rảng. Cực chẳng đã, y bèn lắng nghe cả hai đang trò chuyện những gì? 

Phải nói thật, qua những lần “lắng nghe” ấy, về sau chính là chất liệu cần thiết giúp y bổ sung các tình huống, tình tiết cho Khi tổ ấm nhảy Lambada, Tình éo le mà lý oái oăm, Tình ta đang nhảy Roock, Thật tuyệt tình ta thôi trúc trắc… Những tập sách viết về đề tài tình yêu, hôn nhân gia đình.

Cứ theo như câu chuyện của mẹ y với bà cụ Sáu Điếc thì một khi nhớ về những sóng gió của thời trẻ tươi nhan sắc, các cụ thường nhìn bằng sự nhẹ nhàng, thong dong và luôn bật lên tiếng cười. Chẳng có gì ghê gớm đâu. Trong khi đó, thời còn trẻ mọi gây cấn, gây hấn, gây gỗ, đồng sàng dị mộng của các đôi uyên ương nặng nề lắm. Trầm trọng lắm. Nếu giải quyết không khéo, tan đàn xẻ nghé dễ như đùa. Dễ như không. Chỉ có thể song ca: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” (Thế Lữ). Thế nhưng, lúc đã về già, con cái đã trưởng thành, nhìn lại sóng gió ấy, họ lại thấy chẳng là gì, thậm chí còn là kỷ niệm vui nữa là khác.

Vậy nên, trong quá trình lắng nghe, ghi chép tình tiết để tạo ra tình huống xung đột, y luôn chủ trương tư vấn cho các bạn trẻ luôn hướng đến cái kết “có hậu” là vậy. Suy nghĩ này, đã chi phối xuyên suốt trong các tập sách y đã và đang tiếp tục về đề tài hôn nhân gia đình.

Này Q, thử nêu ra tình huống có thật đã nghe lúc bà cụ trò chuyện, rồi viết lại? 

Thì đây, chỉ chọn nhón một tình huống trong tập sách Tình ta đang nhảy Rook (NXB Hội Nhà văn - 2017): “Mới đây, đang ngồi làm việc tại công ty, cậu Tùng gõ cửa phòng tôi và xin gặp đột xuất vì: “Có chuyện cần gấp, gấp”. Đang bận rộn, bù đầu với sổ sách, thống kê các số liệu chuyên môn nhưng nghe hắn gào lên, tôi đành gật đầu tiếp chuyện. Tùng thở hổn hển: “Anh làm ơn ký gấp quyết định phân công em đi công tác 1 tuần, có được không?”. Ơ hay, công việc đang đầy ra đó, thế mà hắn xin đi công tác là đi đâu, đi làm gì?

Nghe tôi hỏi, Tùng nói như mếu: “Em chịu hết xiết rồi. Vợ em “ra tay” khiếp quá. Dù mình đồng da sắt cũng đầu hàng, chứ anh xem cỡ vài chục ký lô như em đây, chịu làm sao nổi?”.

Chà, chuyện gì mà “lâm li bi đát” đến thế?

Đại khái, không biết do ai “mật báo” mà cô Tuyền - vợ Tùng biết tỏng chồng mình gần đây thường “đi ngang về tắt”. Không chỉ biết rõ tên mà còn biết đi xe gì, màu gì nữa; tiếc là không rõ nhà cửa, cơ quan làm việc của tình địch ở đâu thôi. Vậy là Tuyền tiến hành một cuộc “điều tra” hết sức quyết liệt và ráo riết. Tùng, trông “men” là thế nhưng rồi cũng phải “quy hàng”!

Khác với thiên hạ, Tuyền lại chọn thời điểm hết sức “nhậy cảm” là lúc… sau 12 giờ khuya.

Lúc Tùng đang ngủ nghê, chìm vào giấc mộng và cất tiếng ngáy sảng khoái thì hỡi ôi, cô vợ lại đánh thức và bắt đầu nhỏ nhẹ, âu yếm từng câu hỏi. Các câu hỏi ấy, tất nhiên, Tùng đối phó theo nguyên tắc hễ vợ không “bắt được tay, day tận trán”, cứ việc chối phắt, chối bay chối biến, chớ dại khai ra. Những lúc ấy, đôi bên lằng nhằng chừng vài tiếng rồi đồng hồ rồi tạm thời “đình chiến”. Nào ngờ qua đêm sau, rồi những đêm sau nữa, Tuyền vẫn lặp lại “theo đúng quy trình”. Với “độc chiêu” này, Tùng thiếu ngủ trầm trọng. Mà công việc mỗi ngày vẫn thế, đâu có thể vào công sở tìm cách ngủ bù!

Vậy phải làm sao? Tùng năn nỉ: “Anh giúp lần này đi anh. Cơ quan không phải cấp công tác phí, em chỉ cần cái công văn. Còn lại mọi việc em tự tính toán”. Trước tình huống éo le này của Tùng, liệu tôi đề đạt ý kiến thì ban giám đốc chấp thuận? (tr.174-175).

Chọn lấy chi tiết này, vì liên quan đến… mẹ của y. Lúc kể lại cho bà cụ Sáu Điếc nghe, cả hai cười rổn rảng vui vẻ. Cứ như thể đang chia sẻ cho nhau “kinh nghiệm giữ chồng”! Rồi bạn của mẹ lại kể về cách của mình… Y lại im lặng lắng nghe, ghi lại chất liệu để khi viết lấy đó dựng nên tình huống. Rõ ràng, chi tiết ấy, ít nhiều cho thấy tính cách quyết liệt của một người phụ nữ Quảng Nam một khi đã yêu, đã “ra tay” thì chẳng phải đùa. Những tháng năm sóng gió trong cải tạo công thương nghiệp, chính bà cụ đã một tay đứng mũi chịu sào cho đến lúc trời yên biển lặng. Không phải ngẫu nhiên trong trường ca Hành trình của con kiến (NXB Trẻ - 2006), y đã viết về mẹ: “đã vì con gạt đi nước mắt/ lao ra giông tố cuộc đời/ xòe cánh tay mỏng manh như nắng lụa/ chở che con bóng mát dưới vòm trời”…

3.

Ngày xưa, Tổng đốc Hoàng Diệu từ Hà Nội, có lần gởi về cho mẹ một vóc lụa. Bà mẹ không nhận, gởi trả lại cho con, kèm theo một nhành dâu, tượng trưng cho ngọn roi, để cảnh cáo đứa con đừng nhận quà cáp gì của dân. Với y, nhành dâu lại gắn với một kỷ niệm khác. Bấy giờ, ngay sau giải phóng, thời bao cấp thiếu thốn lắm, Tẹo - cậu út bị nổi rôm, nổi ghẻ ngứa ngáy, khóc í óe mỗi đêm. Mẹ y đã chữa trị bằng cách nào?

Ba cụ ra chợ Cồn tìm mua mấy nhành dâu còn tươi, tước lấy vỏ. Bảo con lên giường, ngồi hơi khom khom lưng, xoay lưng về phía mẹ. Hai tay cầm căng sợi dây dâu, bà cụ chậm rãi kéo sát rịt vào lưng, kéo nhiều lần, kéo từ vai xuống dần thắt lưng. Rồi thay qua sợi dây dâu khác. Ấy là cách lấy con ghẻ. “Có con ghẻ thật không, hả mẹ?”, y hỏi. Đặt sợi dây dâu xuống nền nhà, cầm lấy một đầu, một đầu giao cho y cầm để kéo căng ra, bà cụ lấy chai nước ngọt cán lăn qua, cán đến đâu nghe tiếng kêu rôm rốp đến đó.
Cách trị bệnh ghẻ ngứa theo lối dân gian ở vùng Đại Lộc (Quảng Nam), nay nhiều người không còn nhớ nhưng út Tẹo ơi, em phải nhớ.

4.

Trong tình cảm của tình bạn, y luôn nghĩ, ba/mẹ của bạn cũng là ba/mẹ của mình. Nhìn ba/mẹ của bạn để rồi có lúc lại bùi ngùi tự nhủ: “Ngày xưa, tôi cũng có ba/mẹ”. Ba mẹ của bạn y, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã mất. Nhưng nay, y vẫn còn nhớ. Nhớ gì?

Ối dào, lại nhớ về thời sinh viên mới ra trường, độc thân, còn ở nhà trọ, cơm hàng cháo chợ. Có nhiều đêm “Trốn tránh bơ vơ chạy ngủ lang” (Huy Cận), thỉnh thoảng về nằm ngủ trên sân thượng nhà của Thượng. Về lúc khuya khoắt. Như vạc ăn đêm. Rã rời. Say khướt. Nằm lăn ra chiếu, chỉ nháy mắt đã rền vang tiếng ngáy như còi tàu xe lửa từ ga Bình Triệu tăng tốc vào ga Hòa Hưng. Ngủ rất say. Ngủ mê mệt. Còn nhớ, sáng nọ, mặt trời đã lên bảnh mắt mà y vẫn còn ngủ nướng. Từ dưới nhà bước lên, xem con cái đêm qua về khuya đang ngủ nghê ra sao, bà mẹ của Thượng nói khẽ: “Đoàn ơi, nhẹ chân thôi để thằng Q ngủ”. Đoàn là tên thật của Thượng. Thương quá, nhớ quá Thượng à, câu nói yêu thương ấy, làm sao có thể nghe được nơi nào khác, nếu không phải từ trong nhà của mình?

Còn nhớ một đêm mưa như trút, cả hai ngồi trong quán cóc cạnh đường ray xe lửa số 7 ngắm mưa khuya. Và uống bia. Những chai bia Hải Âu, Chương Dương, Con Cọp, bia lên cơn, bia lên men, bia không tên… chen chúc dưới gầm bàn. Ngỗn ngang trên bàn. Ngỗn ngang như tâm hồn tuổi trẻ chưa có công ăn việc làm ổn định đang lông bông lêu bêu chỉ có thơ. Thơ và thơ. Đêm ấy, Thượng đã đọc bài thơ viết chưa ráo mực, sau này, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam chọn in trang 1. Mưa cứ trút. Xe cứ rú. Gió cứ gào. Đêm cứ khuya. Người cứ say. Và thơ cứ đọc. Trong nhập nhoạng âm thanh nhòe nhoẹt hỗn độn ấy, một giọng đọc thơ khẽ khàng lại ngân vang. Ngân vang mãi. Đến nay vẫn cứ mãi ngân vang trong lòng y một niềm yêu thương da diết mà Đoàn Vị Thượng đã dành cho mẹ. Mẹ của bạn của cũng là mẹ của mình.

Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông

Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt

Giọng Huế nghe còn một chút gì trong

Bao cay đắng pha vào chưa đục được


Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược

Vào miền Nam trắc trở đến giờ

Có phải vậy, Mạ chóng già hơn trước

Mà dòng sông thì vẫn cứ trẻ thơ


Dẫu gì sông cũng có đôi bờ

Trong khi Mạ nổi trôi vào Chu Lai, Quảng Ngãi

Mạ trôi tít vào miền Nam xa ngái

Giọng nói có là bờ để giữ Mạ được đâu


Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu

Va chạm đủ các âm thanh xa lạ

Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau

Để giữ lại chút gì đừng tan rã

“Chút gì” là chút gì? Có phải là ngữ âm, lời ăn tiếng nói của quê mẹ đấy không? Chắc chắn là thế. Hơn cả thế, giọng nói của người mẹ đã trở thành biểu tượng của nguồn cội. Có những người lạ, dù gặp nhau lần thứ nhất, tự nhiên có cảm tình, đơn giản chỉ vì nghe được âm vang hơi thở của cỏ nội hương đồng quen thuộc từ thuở ấu thời. Nghe thương thương. Nghe nhơ nhớ những người thân yêu ở quê nhà từng thể hiện giọng nói sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ấy cũng rất “nhà quê”. Quái lạ, có những người chỉ xa quê một thời gian ngắn nhưng lại hoàn toàn đổi giọng theo vùng đất mình đang ngụ cư? Để làm gì? Chẳng hiểu nữa.

Giọng Huế của mạ là bài thơ hay. Tứ thơ hay. Cảm động. Chan chứa ân tình. Phải là người nhớ nằm lòng giọng nói, lời ăn tiếng nói của mẹ, mới có thể cảm nhận tài tình mà chân thật, văn vẻ mà bình dị: “Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông/ Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt”. Và  “chút gì” đó tựa như tiếng kêu thản thốt: “Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu/ Va chạm đủ các âm thanh xa lạ/ Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau/ Để giữ lại chút gì đừng tan rã”. Sự lưu giữ giọng nói của người mẹ, dù “chút gì” nhưng nghĩ cho cùng, cũng là một cách neo giữ tâm hồn con trẻ gắn chặt với quê nhà đấy thôi.

5.


Đến một độ tuổi nào đó, con người ta chẳng thiết ra khỏi nhà nữa, bởi bạn bè cũ không còn mấy ai. Ngày kia, y hỏi: “Mẹ có về quê không?”. Bà cụ lắc đầu cho biết về “ngoài nớ” chẳng còn bầu bạn, anh chị em cũng đã chết cả rồi. Nghe nghèn nghẹn. Tuổi già của mỗi người khác. Nhưng chắc chắn sẽ là sự cô độc bởi có những tâm tình, những câu chuyện không thể chia sẻ với ai khác. Con cái đôi khi ngồi nghe, thì thầm nhưng rồi cũng chỉ trong chốc lát. Nghe tai này lọt qua tai kia. Không mấy quan tâm. Nó còn công việc mỗi ngày, đời sống riêng, những bận rộn, lo toan khác... Vậy người mẹ tâm tình, tâm sự với ai trong căn nhà lặng yên, quạnh vắng?

6.

Trong căn nhà quạnh vắng, con cái đi làm cả ngày. Chiều sụp bóng, có lúc lúc tối mịt mới quay về. Ai là bạn của mẹ trong khoảng thời gian cả nhà vắng người? Với mẹ của y chính là cái truyền hình. Mở cả ngày lẫn đêm. Có lúc ngủ quên, truyền hình vẫn phát sóng. Xem gì ở các kênh truyền hình? Đôi lúc chẳng cần phải xem gì đâu, chỉ cần nghe có tiếng người để không cảm thấy cô độc.

7.

Quảng cáo ở đâu hiệu quả nhất? Với mẹ của y chính là cái truyền hình. Khi xem, hễ thấy có dụng cụ, sản phẩm nào liên quan đến bếp núc nấu nướng là bà cụ mua hoặc bảo con cháu tìm mua cho bằng được, dù chẳng mấy cần thiết. Ở chung với mẹ già, căn nhà không khác gì cái siêu thị nho nhỏ. Hễ quảng cáo trên truyền hình, nghe bùi tai là mua. Ở chung với mẹ già, căn nhà không khác gì cái bảo tàng nho nhỏ. Hễ những gì dù không còn sử dụng nữa nhưng vẫn rửa sạch/ giặt sạch sắp xếp ngăn nắp ở một xó nhà. Con cái muốn tống khứ cái “của nợ” ấy, cách tốt nhất vẫn lúc bà cụ đi đâu đó vắng nhà, gọi ve chai vào tống khứ cho rảnh mắt. Sau đó, lúc bà cụ phát hiện ra thì mọi việc thế nào?

8.
 

“Đêm đêm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho ba mẹ sống đời với con”. Lời cầu nguyện ấy, vang lên từ đâu? Từ trong tâm tưởng. Từ ý thức. Đôi khi chẳng thốt nên lời. Sự nguyện cầu ấy, mỗi người có một cách thể hiện. Ngày kia, mẹ của một người bạn phải vào bệnh viện. Nỗi lo lắng canh cánh trong lòng bạn. Bấy giờ ngoài thuốc men, bác sĩ, hầu như ai cũng có một niềm tin tâm linh. Rằng, với lòng thành của mình, biết đâu mẹ sẽ mau lành bệnh? Và bạn đã cạo trọc. Từ một mái tóc bềnh bồng như nghệ sĩ, vốn quen thuộc, nay “xuống tóc” với lòng thành cầu nguyện. Nguyện cầu cho sức khỏe của mẹ mau hồi phục. Việc làm của bạn, tạo ra trong trí óc của y một tiếng vang của sự gợi nhớ.

Lập tức, y nhớ về ngày tháng chưa xa, đã từng về huyện Châu Thành (Bến Tre) quê bạn ăn giỗ. Chuyến đi ấy, đã gặp ba mẹ của bạn. Trưa đứng bóng, ngoài trời nắng gắt. Làng quê của miền Nam đất Việt đáng yêu quá. Cũng bóng dừa nghiêng trong nắng, cũng hàng cau đứng thẳng trong gió, cũng tiếng ca cải lương từ chiếc máy radio vọng về như gợi lại một sự thanh bình đã đạt đến sắc màu “cổ điển”. Cũng con đường lộ trước mặt, mịt mù bụi, nắng gắt chói chang và lúc đã say, y nằm tòng teng trên cánh võng dỗ dành giấc ngủ. Trong lơ lơ làng nhàng nhẹ nhàng nửa say nửa tỉnh, y đã nhìn thấy cảnh vật quanh quanh dù mới đến lần đầu nhưng tựa chừng như đã thân quen.

Sau chuyến đi ấy, đã viết tạp bút Lại hiền như xưa - viết về ba của bạn. Lần khác, lại quay về, cũng gặp ba mẹ của bạn. Nhớ như in hai khuôn mặt phúc hậu ấy. Nhớ như in cách phát âm của bà mẹ Bến Tre, rằng trong âm “tr”, khi phát âm thì “r” lại biến mất, chẳng hạn “trước” thành “tước”... Tựa như bà mẹ Quảng Nam, âm “ao” lại biến thành “ô” ngộ nghĩnh, chẳng hạn “gạo” phát âm thành “gộ” v.v… Nay, nghe tin bạn cạo trọc lúc mẹ bệnh. Cảm động không cùng. Bấy giờ, giữa lúc mọi người đang ồn ào trong quán nhậu trên Tân Bình, gần cư xá Bắc Hải, y lặng lẽ chìm vào cõi thơ riêng biệt, sá gì âm thanh ồn ào, hỗn tạp, lặng lẽ chép lại từng câu thơ mơ hồ loáng thoáng chậm rãi đang lướt qua trời khuya sao mọc.

“Trong con, mẹ - đóa hoa sen

Một đời chân chất dấu phèn chân quê


Châu Thành yêu dấu Bến Tre

Trăng đêm sáng. Nắng trưa hè. Vẫn xanh


Tuổi thơ hoa bưởi, hương chanh

Thơm bàn tay mẹ dỗ dành giấc mơ


Lời mẹ ru. Nhịp ầu ơ

Vẫn lắng đọng giọt phù sa quê mình


Từng ngày vạt nắng lung linh

Vẫn cầu cho mẹ ấm tình xưa sau


Bóng dừa biêng biếc nhịp cầu

Mẹ lại khỏe - lẽ nhiệm mầu trong con”.

Bài thơ mở đầu và khép lại bằng 2 từ “trong con” cho thấy sự nhận thức về mẹ mỗi thời mỗi khác. Ngày còn thơ ấu, ai cũng nghĩ mẹ mình là đóa sen, là Phật Bà, là sự màu nhiệm tuyệt vời nhất, đúng như câu danh ngôn rất hay: “Thượng đế không có mặt ở khắp mọi nơi nên ngài đã sinh ra các bà mẹ”; lúc mình lớn lên, mẹ mình lại già yếu, mình chỉ cầu mong một điều thiêng liêng: “Mẹ lại khỏe - lẽ nhiệm mầu trong con”. Nguyện cầu về lẽ mầu nhiệm ấy, mỗi người có một cách, có người “Đêm đêm thắp ngọn sao trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”; còn bạn mình lại xuống tóc. Vì thế rất cảm động. Cảm động về sự hiếu thảo của bạn mà viết.

Bài thơ này, khi in báo Sài Gòn Giải phóng lấy tựa Ngày mẹ bệnh, ghi tặng “Nguyễn Minh Nhựt”. Ngày mẹ y mất, Nhựt đã ra tận Đà Nẵng thắp nén nhang viếng. Đi vì tình bạn, chứ nào phải vì chức danh, chức vụ Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ. Chỉ cần có thế đã là một ân tình và thấu hiểu nhau. Ba mẹ của bạn cũng là ba mẹ của mình. Và ngược lại. Suy nghĩ ấy, sự gắn kết ấy khiến tình bạn trải dài theo năm tháng…

9.

Trong đời, ai cũng có “người ơn”.

Hát một ca khúc, thích vài giai điệu, nhớ một ca từ, mê câu vọng cổ, đắm lấy câu thơ, say một sắc màu, thích một quyển sách… ấy chính là  “người ơn”. Ơn tác giả đã sáng tạo ra những giá trị ấy, lúc thưởng thức, cảm thụ khiến tâm hồn mình an lạc hơn, nhẹ nhàng hơn, được vỗ về nhiều hơn. Thậm chí ngay cả nhan sắc tình phụ đã dằn xéo từng vết thương không thành sẹo khiến mỗi lúc nghĩ lại dù miệng ngậm lửa, mắt rớm lệ cũng là “người ơn”. Ơn nhớ về cảm giác, cảm xúc mà mình đã trả qua, nếu không có người đó liệu mình có được dịp chiêm nghiệm?  Dù gặp, dù không nhưng những gì từ ngoại cảnh đã tác động sâu sắc đến tâm hồn, nếp nghĩ, ấy chính là “người ơn”. Có một ca từ, thỉnh thoảng lại hát, như lấy làm lời an ủi: “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời”.

Những năm ấy, những ngày ấy, những tháng ấy, y đã gặp “sao xuống từ trời”, nay vẫn nhớ.

Bấy giờ, năm 1983 khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, một anh chàng nhà quê vừa rời khỏi chiến trường K đơn thân độc mã, khăn gói từ Đà Nẵng vào Sài Gòn nhập học. Chân ướt chân ráo đến một nơi xa lạ, y đã gặp “người ơn”. Ấy là mẹ con của người cùng quê, trước đó,  y chưa biết mặt, chỉ mới nghe tên nhưng đã chu đáo ra tận bến xe Miền Đông đón và đưa về nhà. Nghỉ ngơi một hai hôm rồi sau đó lại đưa y lên trường nhập học. Ngày ấy, cơ sở 2 của trường còn nằm ngoài xa lộ Đại Hàn, từ Thủ Đức phải đi lên vài cây số nữa, các em sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai phải học ở trên đó. Cả hai mẹ con “người ơn”. đã đưa y đi nhập học.

Thuở còn bé, ai đưa các cô cậu nhóc vào lớp mẫu giáo? Có phải là mẹ? Vâng, chính là mẹ. Vẫn còn nhớ đến bài Học thuộc lòng, y học năm lớp Ba: “Tôi không bao giờ quên được năm tôi lên sáu tuổi. Năm tôi bắt đầu đi học. Vào một buổi sáng đầu thu, mẹ tôi dẫn tôi ra trường xin học. Trường chỉ cách nhà tôi độ năm trăm thước. Thế mà trên quãng đường ngắn ngủi ấy, tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt. Mẹ tôi phải mua cho tôi ba đồng bạc kẹo bỏ đầy hai túi quần. Chỗ kẹo này thằng Sửu đã gạ ăn hết để tô hộ tôi những nét gạch chì trên trang đầu quyển vở”. Vâng, “Trường chỉ cách nhà tôi độ năm trăm thước”, từ căn nhà trên đường Triệu Nữ Vương đến ngôi trường trong đình làng Hải Châu chỉ dăm bước chân, mẹ y đã dẫn đi. Còn nhớ ngày đầu tiên, lúc y vào ngồi trong lớp, mẹ phải đứng ngoài cửa, cạnh gốc đa xòe râm bóng mát để y lấp ló nhìn thấy mẹ mới yên tâm ngồi học.

Rồi gần 20 năm sau, đưa y vào nhập học tại trường đại học lại là mẹ con “người ơn”. Thời bao cấp, gian khó ấy, bốn bề thiếu thốn, sinh viên ăn uống còn kham khổ hơn cả người lính ngoài chiến trường: “Tôi đi học nghe chim hót trên cây/ Tiếng chim hót rót đầy bao tử/ Rất no nê cùng trăm lời ngàn chữ/ Ở giảng đường/ Có thi ca Long Tống - Thịnh Đường/ Có tiếng cười Molière chua chát/ Có ngô đồng nhất diệp lạc/ Để cuối giờ đói lả với tay run…”, may mắn thay, nhờ “người ơn” thỉnh thoảng tôi có được những bữa ăn no và ngon.

Cứ mỗi sáng chủ nhật, y lại cùng bạn bè từ trường ròng rã đạp xe về nội thành. Tìm đến nhà “người ơn” để kiếm gì ăn. Nhà nghèo, cả nhà cơm dưa mắm muối tằn tiện nhưng bao giờ cũng dành cho bọn y dăm con cá chiên vàng. Thơm ngon. Dĩa rau xanh. Chén nước mắm có dằm ớt. Ăn xong, lăn ra nền gạch ngủ. Chiều râm mát, lại đạp xe hàng chục cây số trở về trường. Nhớ lại muốn khóc vì sự cuu mang đùm bọc của tháng ngày gian khó ấy.

Này Hoài Trinh, ngày 25.6.2004 khi anh viết bài thơ tặng em, cũng chính từ tình cảm mẹ em và em đã dành cho anh. Một khi đã lấy tựa Quê nhà cũng là ngụ ý tình cảm ấy chan chứa như anh em, mẹ con của một nhà. “trở về thành phố của màu rêu tuổi nhỏ/ vẫn còn nghe trong gió/ bầy chim sẻ trên nóc chuông nhà thờ/ gọi tên rất khẽ/ hoài trinh/ kỷ niệm xưa thức dậy dưới bàn chân/ khiến em như trượt ngã/ tình thơ dại ùa vào trong mắt/ buồn tênh/ tình thơ dại dìu em bay lên/ vòm khuya trăng non tháng sáu/ tình thơ dại chập chờn như cơn bão/ đường phố thênh thang bởi thiếu một môi cười/ tuổi mười bảy mắt biếc chưa nguôi/ vẫn ngày mưa tháng nắng/ vẫn lối đi quen hò hẹn dẫn nhau về/ từng có lúc mười ngón tay lạnh cóng/ hoa cúc vàng ve vuốt những cơn mê/ ngày tháng đi qua/ từng ngày khôn lớn/ vẫn một màu rêu trên mái ngói chưa nhòa/ một mình em đi, một mình em gọi/ một người đã xa...”.

Con người ta là động vật mau quên. Quên ơn của “người ơn” là y chứ ai. Không, y khác vì đã nhớ. Đã nhớ ư? Đã nhớ được gì? Đã làm được gì trả ơn ấy kể từ ngày ra trường đến nay, đã hơn 30 năm rồi còn gì? Trả lời đi Q? Y tự nhủ lòng thành: “ngày tháng đi qua/ từng ngày khôn lớn/ vẫn một màu rêu trên mái ngói chưa nhòa”. Y vẫn nhớ đến ngôi nhà trên đường Đinh Bộ Lĩnh, nơi ấy, có lần em bảo: “Mẹ em vừa nhắc, sao tuần này không thấy Q dẫn bạn bè về nhà? Có thức ăn ngon mẹ để dành đây”. Nay, nhớ lại, muốn khóc. “Tình sáng ngời như sáo sáng từ trời”. Ơn trời, y đã có “người ơn” trong đời thật.

10.


Từ lâu ơn mẹ quá cao dày

Viết báo, làm văn suốt tháng ngày

Nuôi dăm con thơ ăn học đủ

Cho con khỏi khổ lúc sau này


Ước gì con có đủ quyền uy


Nắm được thời gian chớ vội đi

Để mẹ chúng con còn trẻ mãi

Nhưng rồi ước vọng lại tan đi


Mái tóc đen nay đã bạc màu

Môi môi tươi thắm cũng còn đâu

Làn da trắng mịn giờ thay thế

Bằng một làn da kém ửng đào


Con muốn đem ngay mái tóc đen

Cùng dòng máu nóng của con tim

Thay vào tóc bạc và môi héo

Với nếp da nhăn của mẹ hiền


Bài thơ này, tác giả viết nhân sinh nhật 1.8.1962 của mẹ, có tựa Lòng con. Năm đó, y vừa tròn 3 tuổi. Chừng hơn 40 năm sau, dù cũng sinh nhật 1.8, nhưng y lại không tổ chức mà đến chung vui cùng bà cụ sinh năm 1915. Kỳ lạ không? Mẹ của bạn cũng là mẹ của mình. Mẹ của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Nhà văn Bà Tùng Long. Bài thơ trên anh viết năm 11 tuổi. Ngày đó, các bạn bè của anh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc… đều đến chung vui cùng bà cụ.

Dù bà cụ giỏi chữ, một tay lão luyện trên trường văn trận bút, mẹ y mù chữ nhưng cả hai gống nhau ở chỗ rất quý bạn của con. Bà cụ hỏi han từng chút một. Hễ có dịp gặp, bà gọi tên vanh vách. Biết rõ tính nết bạn của con. Cả hai cùng giống nhau chỗ này nữa, hễ chồng mèo mỡ nọ kia ắt không chấp nhận, nhưng nếu con của mình có thế, hơn cả thế thì lại khác. Đơn giản trong suy nghĩ của các bà mẹ nói chung, dù gì đi nữa hắn/nó vẫn là con của mẹ. Sẵn sàng dang rộng hai cánh tay chở che cho con.

Đọc lại bài thơ Lòng con, cảm động nhất vẫn là bốn câu kết: “Con muốn đem ngay mái tóc đen/ Cùng dòng máu nóng của con tim/ Thay vào tóc bạc và môi héo/ Với nếp da nhăn của mẹ hiền”. Than ôi, y lại hời hợt, nông cạn quá đi mất, mãi đến ngoài ngũ thập lúc đưa mẹ vào Bệnh viện Phú Nhuận, Gia Định, Đa khoa Đà Nẵng… mới ý thức được điều đó.

“Từ lâu ơn mẹ quá cao dày”. Ơn mẹ, làm gì có thể trả nổi? Y tự hỏi. Ngoài cửa sổ, ngọn gió thời gian vẫn thổi buốt theo năm tháng, nhìn xuống lòng bàn tay đã hằn dấu tử sinh ngang dọc đi qua sắp hết một đời, y lại tự hỏi: “Ơn mẹ, làm gì có thể trả nổi?”. Trả lời đi, Q? Ngoài cửa sổ, ngọn gió thời gian vẫn thổi buốt theo năm tháng, nhìn xuống lòng bàn tay đã hằn dấu tử sinh ngang dọc đi qua sắp hết một đời rồi đó… Vâng ạ. Không thể tìm ra câu trả lời.

11.

“Con thích ăn gì, mẹ nấu”. Chỉ 6 từ ấy, lúc mất mẹ, con người ta mới bàng hoàng nhận ra, sẽ không một ai có thể nói được câu nói ấy như tấm lòng của mẹ đã dành cho con. Dành cho con suốt cả một đời, không bao giờ thay đổi sắc thái tình cảm của sự thủy chung, yêu thương như nhất.

12.

Không rõ về thuật phong thủy, căn cứ vào đâu người ta lại bảo, đứng từ trong nhà nhìn ra ngõ, phía bên tay phải đừng bao giờ xây hồ cá. Nếu xây,  dứt khoát gia chủ sẽ vấp phải tai ương như… Như thế nào? Là như thế nọ. Là như thế kia. Là v.v… và v.v… Tưởng đọc rồi quên, ngày nọ có người bạn nọ đến nhà chơi cũng nhắc lại y chang. Và khuyên y nên đập bỏ hồ cá ấy, chuyển nó qua góc trái. Y bèn cười. Lại nhớ về những ngày còn có mẹ, mỗi chiều bà cụ thường ngồi trên chiếc ghế nhỏ ngắm hồ cá và đợi y về. Một dấu vết đã từng đồng hành cùng mẹ suốt thời gian dài, làm sao y có thể xóa đi? Dù cái thuật phong thủy có đúng mười mươi đi nữa, nhưng chẳng bao giờ y làm theo đâu. Hỡi các nhà phong thủy danh tiếng lẫy lừng toàn cầu, dù hàng triệu người tin và làm theo răm rắp nhưng với y, đừng có mơ!

13.

Còn giữ lại vật dụng gì của mẹ? À, cái lược dày. Ngày trước, cái lược dày không thể thiếu trong mọi nhà. Lúc chiều râm mát, người mẹ dẫn con ra sân, và chải chí cho con. Con mén, bỏ vào miệng cắn cái tách. Con chí lớn, bỏ xuống đất, dùng móng của ngón trỏ nghiến nát. Bấy giờ, tóc chị Ái đã dài. Mẹ hay vạch tóc bắt chí. Để chắc ăn hơn, lại dùng lược dày chải thêm lần nữa. Chà, thấy mẹ cưng chị quá, y ngồi cạnh bèn mè nheo: “Ngứa quá mẹ ơi, đầu con có chí nè”. Cái đầu tóc húi ca-rê, vừa tắm xong làm gì có chí?  Lần nào mẹ cũng bảo: “Ừ, chí thì nên”. Nói như ngôn ngữ của “trẻ trâu” thời @, bà cụ rất ít khi “troll” nhưng một khi đã “troll” thì phải “chất” như thế đấy.

14.

Tiếc là không còn giữ lại được cái chang tóc của mẹ. Ca dao xưa có câu: “Ngó lên đầu tóc em bao/ Chéo khăn em bịt, dạ nào không thương?”. Cái bao này, tức cái chang tóc, thời nhỏ, y còn thấy mẹ sử dụng, là túi lưới nhỏ mịn chỉ bằng nắm tay. Sau khi bới tóc có búi gọn gàng về phía sau ót, quý bà, quý cô thời của bà cụ lại dùng một cái túi lưới nhỏ bao/bọc tóc lại cho khỏi bung mối. Nếu tóc ít, không đủ dài để bới thành búi, họ lại dùng thêm một chuỗi tóc nhỏ dài chừng hai gang tay, một đầu đã dùng dây cước xiết chặt. Chuỗi tóc ấy dùng để nối thêm vào chùm tóc đã vén sau ót; nói cách khác, chuỗi tóc ấy là đệm thêm/ độn thêm cho tóc có búi. Bao tóc/ chang tóc ấy cũng là một cách làm đẹp của quý bà, quý cô ngày trước. Cái chang tóc là cách gọi một sự vật theo kiểu của người Quảng Nam, không rõ có hay không có “g”, tra từ điển tiếng Việt phổ thông, không tìm thấy từ này.

15.

Nhớ lại đi, nhớ chưa? Nhớ lại lần nữa đi, vẫn chưa nhớ à? Nhớ thật kỹ xem sao. Ừ, đã nhớ rồi, đúng không nào? Đúng là thế.

Thời còn trẻ nít, các con lên ba lên năm đêm đêm đều thích nằm ngủ chung với mẹ. Đứa nằm bên này, đứa nằm bên kia, mẹ nằm giữa. Nếu mẹ ngửa mặt lên nhìn lên trần nhà thì chẳng sao, nhưng nếu quay mặt qua bên kia, đứa bên này liền gọi giật: “Quay mặt qua con đi mẹ”. Mẹ làm theo thì đứa bên kia ứ chịu, ý muốn nhắc: “Bộ mẹ thương con ít hơn à?”. Cứ đòi mẹ phải nằm quay mặt về phía mình. Hai anh em y chí chóe cãi nhau rồi ngủ quên lúc nào không rõ. Lúc tảng sáng, đang ngon giấc đã nghe mẹ gọi dậy đi học. Nào có nghe lời làm theo ngay đâu, vẫn tì tì ngủ nướng. Mẹ thường bảo: “Sáng nào cũng gọi như gọi đò”.

Một khi so sánh “như gọi đò”, tức ngày xưa ở quê mình phương tiện vận chuyển phổ biến nhất vẫn là đò. Từ bờ này gọi vọng ra giữa sông, người lái đò có nghe, hoặc tảng lờ như không nghe? Một câu nói của mẹ cũng ít nhiều cho thấy nét sinh hoạt của một thời.

16.


Thời trẻ, nghĩ về mẹ có phải trong lòng chỉ thấy hân hoan rực rỡ nắng sớm? Bây giờ nghĩ về mẹ đã thấy trước mắt mờ mờ sương chiều hiu hắt bến sông quạnh vắng?

Thời trẻ, cầm bàn tay lúc mẹ còn khỏe, có lần thốt lên: “Mẹ ơi. Con muốn…”, nếu mẹ không làm theo ý, không ưng bụng là giận dỗi: “Mẹ chẳng thương con”, suốt mấy ngày liền không thèm nhìn mặt, dù mẹ có năn nỉ ỉ ôi, có gọi như gọi đò cũng quay mặt làm lơ? Bây giờ, cầm bàn tay lúc mẹ đang ốm, có lần thốt lên: “Mẹ ơi. Con muốn…”, nếu mẹ không làm theo là dỗ dành: “Mẹ chẳng thương con”, cứ dỗ mãi như dỗ một đứa trẻ trong vóc dáng mẹ già?

17.

Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa

Cho tuyết đầu non chảy máu ra

Đọc câu thơ của Hoàng Trúc Ly, nghĩ gì?

18.

Đôi lúc gọi “Mẹ ơi”, dù chỉ mới vọng lên trong tâm tưởng nhưng đột nhiên bật ra tiếng nấc. Không gì có thể kìm chế, dù hàm răng đã cắn chặt vào môi, đã thầm nhắc đừng khóc, đã tự dặn dò nhiều lần nhưng cớ sao từ hố mắt lại ròng ròng nước mắt? Chẳng ai có thể làm khác đi nhất là một khi đã mất mẹ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment