LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.1.2018

 

 

26991700_1172929096177094_4970082692218834590_n

Bạn Thành Luân Nguyễn tặng thư pháp bài tứ tuyệt Q ngẫu hứng lúc 8 g ngày 19.1.2017 hóa vàng tập sách MẸ ĐÃ ĐI CHỢ VỀ tại Nghĩa trang Hòa Sơn (Đà Nẵng): Mẹ đã đi chợ về/ Con hoá vàng trang viết/ Nhang khói vọng trời cao/ Mầm đời đang xanh biếc...

 

Vừa mới đi Đà Nẵng về. 100 ngày của mẹ. Sáng sớm, trời trở gió. Lạnh. Một cái rét nhẹ nhàng quen thuộc. Đường phố vẫn thế. Chỉ có tâm hồn đã khác. Mẹ đã về cõi khác. Anh em, bạn bè gặp mặt. Những ly rượu đã rót. Một tập sách đã hóa vàng tại nghĩa trang Hòa Sơn. Lúc ngồi tại sân bay Tân Sơn Nhất, viết loáng thoáng đôi dòng trong sổ tay. Những câu thơ vọng về từ khoảng trời xa lắc xa lơ nào đó. Vọng về từ đâu? Chẳng có thể biết. Chỉ đặt bút là viết. Chọn lấy thể ngũ ngôn. Nhịp thơ đi nhẹ nhàng. Mơ màng. Cứ thế mà đi. Từ nay, hãy cứ thế. Đi hết một vòng đời.

“Một trăm ngày của mẹ/ Gió thổi ngoài thời gian/ Một đời con xa mẹ/ Tưởng xa lại rất gần/ Huyền bí một hạt mầm/ Mẹ bao dung gửi lại/ Trời đất thêm một người/ Đã bây giờ đang thấy/ Này một dòng sông chảy/ Mát mái lại xuội chèo/ Con ẳm bồng hoa trái/ Nặng trĩu tiếng cười reo/ Căn nhà thôi  quạnh hiu/ Ấm tình đời bếp lửa/ Nâng chém cơm mỗi ngày/ Đã có đôi có đũa/ Vẫn như mẹ muôn thuở/ Là trẻ thơ nói cười/ Con khai sinh lần nữa/ Tiếp nối thêm cuộc đời/ Thêm tiếng nói niềm vui/ Con hóa vàng trang viết/ Mẹ đã đi chợ về/ Một mầm đời đang biếc”.

Câu cuối trong bài thơ này, ngụ ý một điều gì sẽ có và đã có?

Những gương mặt bạn bè thời chiến trường K đã có mặt cùng tập sách Mùa chính chiến ấy của Đoàn Tuấn. Lai rai tại nhà Trần Tuấn Bảo - chiến sĩ A10, C7, Trung đoàn 29. Thời gian nhanh như một nháy mắt, thoáng đó đã tròn 40 năm. Ngắn hay dài. Chẳng rõ. Vẫn cứ nghĩ như đang thời thanh xuân 18. Hèn chi, Trần Hoàng Nhân bảo: “Anh cứ mãi là chàng thanh niên nhiều tuổi”. Một nhận xét ngộ ngĩnh lúc cùng Dương Thanh Truyền, Nguyễn Văn Sanh, Võ Đình Chiến… cựu chiến binh lai rai tại nhà của Tẹo, em út. Lúc về nhà, cứ nghĩ sẽ uống lại nước chè của vùng quê xứ Quảng. Một thói quen mà mẹ từng uống hằng ngày. Nhưng rồi, vẫn là những giọt men. Niềm vui nỗi buồn dậy men. Có như thế, trong khoảnh khoắc ấy tâm trí con người ta phiêu linh hơn. Vâng, y phiêu linh đến độ “xuồng chìm tại bến”, không có cơ hội thưởng thức tô mì Quảng do cô em dâu nấu cực ngon. Y đã say mềm như cọng bún chỉ vì uống.

Này Q, có phải đôi khi chỉ qua thức uống, có thể nhìn ra tính cách của cư dân vùng miền. Nghĩ thế, có sai? Lúc mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, hấp dẫn và ấn tượng nhất đối với y vẫn là ly trà đá. Trong khi đó, lúc ở chung nhà, mẹ y vẫn giữ nguyên cốt cách nếp uống chè/ trà từ ngoài Trung. Cốt cách ấy thế nào? Nói đúng hơn, đó là phong cách “Đã ăn no phải uống đậm”, hãy nghe nhà văn hóa  Nguyễn Văn Xuân giải thích: “Người ta không dùng ly tách mà là bát, lớn thật lớn. Đổ nước lạnh nửa bát, lấy cái kẹp tre kẹp nồi nước chè Tiên Phước sôi sùng sục ra, từ trên cao đổ xuống nước nổi bọt và bưng bát nước đen quánh lên, ngửa cổ đổ vào, uống hớp nào phát ra âm thanh ột ột hớp ấy. Đã nghiền” (Giai phẩm Hương vị quê nhà - Báo Sài Gòn tiếp thị ấn hành năm 2000, tr.76).

À, “đã ghiền” chứ không chỉ “đã khát”. Thế thì, trong cái sự uống ấy còn có cả một nghệ thuật của sự thưởng thức, thỏa mãn cơn nghiền loại lá cây có ủ/ướp cả phong vị đất trời xuân hạ thu đông, chứ nào phải “đói ăn khát uống”. Sực nhớ, từ năm 1999, y đã viết bài thơ Uống trà. Đọc lại, nghe chơi: “Bỏ bia bụng bớt béo/ Nâng ly trà khề khà/ Uống tà tà buổi sáng/ Nhai luôn cả xác trà/ Một ly thì cảm hứng/ Dạt dào như gió reo/ Hai ly mây gió thổi/ Đưa tôi lượn qua đèo/ Ba ly như mọc cánh/ Bay lên cõi trời xa/ Bốn ly thì cảm thấy/ Thiên thai dưới mái nhà/ Năm ly thôi uống nữa/ Thấy nhũng nhẵng mồ hôi/ Giọt giọt tuôn nóng hổi/ Hương trà thơm gấp đôi/ Uống từ khuya đến sáng/ Một ly rồi một ly/ Thấy hồi xuân mộng mị/ Như đứa trẻ dậy thì/ Bỏ bia bụng bớt béo/ Trân trọng tri ngộ trà/ Trống trơn nộ ái ố/ Bụng xẹp vào sát da...”. Cái sự ngỗ ngáo, tinh nghịch của một thời tuổi trẻ đã nhìn thấy dấu vết qua câu “Nhai luôn cả xác trà’. Rất phàm phu tục tử. Mà thôi, lúc trẻ, ai lại không có những lúc tâm trí phiêu bồng ngang ngược?

Với ly trà đá của người Sài Gòn, đơn thuần chỉ nhằm thỏa mãn cái nóng cháy hừng hực lửa đang bỏng trong cuống họng. Lưỡi cứng đờ. Nước bọt đặc quánh. Phải uống. Phải có một dòng mát lạnh, phảng phất một chút hương vị trà pha loãng, lổn nhổn đá cục, càng lạnh càng tốt. Có như thế mới đã đời khoái trá.

Thử nghĩ, từ khu làng đại học ở xa tít ngoài Thủ Đức, trưa nắng chang chang, hì hục cỡi con ngựa sắt cà tàng leo lên dốc cầu Sài Gòn, mồ hôi mồ kê túa ra cay cả mắt, ướt đằm áo, nếu lúc ấy có được ly trà đá thì sung sướng lắm đây. Qua chân cầu bên kia, dừng lại, cởi phanh áo ngực, ngửa cổ uống cạn ly trà đá mát lạnh, lại có gió từ sông thổi qua thì có cảm tưởng rằng, Lưu Nguyễn lạc lối Đào nguyên cũng khoái trá đến thế là cùng. Mà Sài Gòn không là chốn thiên thai. Lúc nào cũng ầm ầm ngựa xe, khói mịt mù, người chen ngang xuôi ngược như trẫy hội. Sự tất bật, lo toan, chạy đua cùng thời gian chính là tính cách năng động của cư dân nơi này. Con người ta từ nơi xa đến, ban đầu còn e ngại, rụt rè nhưng dần dần về sau cũng bắt nhịp theo. Trước hết, sự bắt nhịp đó thể hiện qua ly trà đá đặc trưng của người Sài Gòn.

Uống trà thì uống trà. Ở đậu chẳng uống trà? Thế thì có gì mà y phải la toáng lên thế? 

Ừ, một khi lá còn tươi, nếu nấu uống gọi uống chè/ chè xanh; nhưng lá đã sao khô ắt gọi trà. Hãy nghe nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi miêu tả về cách uống trà/ uống chè của vùng Nghệ Tĩnh - một vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” nhưng con dân hiếu học, nơi này đã sản sinh ra nhiều con người kỳ tài. Cần đọc để hiểu thêm vê một thú vui tao nhã của người Việt xưa. Cái sự uống ở đây đã đạt đến một mỹ cảm thuộc hàng “kinh điển”, không rõ nay có còn duy trì?

“Đặc biệt là chỗ nấu lần đầu rất đặc, rất chát, gọi là chè cốt hay nước chát. Người xứ Nghệ có câu nói cường điệu: “Khăm (cắm) đũa vào không bổ (ngã)” để chỉ đặc điểm món đồ uống của họ. Nói chung, ở đâu cũng vậy, nước chè thường dùng sau bửa ăn, như câu: “Cơm sốt, canh sốt, nước chè cốt mới nấu”, hay là vào lúc tiếp đãi bạn bè khách khứa, như câu: “Chè ngon, nước mát xin mời/ Nước non non nước nghĩa người chớ quên”. Nhưng ở xứ Nghệ không nhất thiết như vậy. Ở nông thôn người ta thường uống chè vào những buổi riêng biệt cách bữa ăn.

Chưa tiến lên thành trà đạo như ở Nhật Bản, nhưng ở đây có tục uống chè ngồi đàm đạo giữa những người hàng xóm láng giềng. Họ chẳng có quy định gì chặt chẽ, nhưng cũng có ước lệ nho nhỏ: những bạn bè nghiện chè xanh ở gần nhau, mỗi lần nhà ai nấu một nồi nước chè, thường múc ra nhiều bát (lớn hơn bát ăn cơm, độ ¼ lít gọi là bát đàn hay đọi nạy) đặt lên mâm nan, rồi chủ nhà (hoặc cho vợ con) đi “ới” lên một tiếng gọi những ông bạn dăm bảy người quanh nhà, tới dự cuộc. Họ ngồi chõng hoặc đòn (ghế thấp) chuyện trò, thường là chuyện làm ăn, chuyện thời sự trong làng ngoài xã. Có khi uống lúc rãnh rỗi hoặc đêm khuya họ thường khuyến khích một người trong bọn đọc truyện Nôm hay thoại chèo đã thuộc lòng, hoặc ngâm vè hoặc kể chuyện cũ mới mua vui. Trò chuyện chán chê, đợi nước nguội mới uống.

Mỗi nồi thường nấu một “rộp chè” cả cành lẫn lá. Người ta cho nấu cả cành như vậy, nước mới ngon. Mỗi người dự cuộc có thể làm được vài tuần nước cốt cho đến cạn. Đói bụng uống vào có thể say nhưng những bạn nghiền thì cho rằng có thế mới đã, thậm chí có người già còn uống nước chè thay cơm, có nghĩa là cơm chỉ cần ăn ít cũng được, miễn là được nước chè cốt hàng ngày… Sau khi cạn nồi nước chè cốt, chủ nhân lại đổ nước lã vào nấu lần thứ hai, thứ ba, họi là chè giạo, để cho những người trong nhà, nhất là trẻ em giải khát, hoặc uống ít nhiều sau bữa ăn” (Địa chí văn hóa dân gian Nghệ TĨnh, NXB Nghệ An- 1995, tr.440).

Rõ ràng, uống chè ở đây không chỉ phong cách “đã nghiền” như người xứ Quảng, còn là dịp bà con xóm giếng túm tụm cùng nhau, sau một ngày lao động mệt nhọc cùng cởi mở tâm tình, rôm rả chuyện trò. Tình làng nghĩa xóm, qua bát nước chè thêm cảm thông, hiểu nhau hơn mà cũng gắn bó hơn. Ngay cả người Huế cũng thế. Phải uống bát to, nước chè đậm đặc. “Uống như thế, theo họ “uống mới đã”. Nước chè đặc quánh”, còn nếu loãng họ “cằn nhằn than phiền là “đem ra chi thứ nước lạt nhách, như thứ “nước chè bà chúa” (Bùi Minh Đức - Dấu ấn văn hóa Huế - NXB Văn Học -2007, tr.120).

Thời bé, đọc Vang bóng một thời lấy làm khâm phục và kinh ngạc cho một sự thưởng thức Chén trà trong sớm. Nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân cho biết: “Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm ành bằng cái thư nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Ðốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trongđời một người học trò được thày học yêu như con”. Ấy là một trong những cách uống trà của người Hà Nội xưa. Dù cầu kỳ, nhưng rồi, dám nói rằng, vùng miền nào cũng chọn lấy nước trà/ chè đậm đặc.

Riêng người Sài Gòn lại khác. Khác xa một trời một vực. Suy luận rằng, cách uống trà của người Việt một khi đã vào đến vùng đất phương Nam, do nhiều lý đo, chẳng hạn về nếp sống, nhịp hoạt… nên đã thay đổi. Nước trà cần loãng. Không phải đậm đặc. Một sự thay đổi căn bản, từ chỗ uống trà/ chè để thưởng thức, ngâm vịnh, uống cho “đã nghiền” thì nay chỉ là “đã khát”. Vâng, chỉ thỏa mãn nhu cầu đó là đủ.

Có chủ quan không?

Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ ắt nhận ra ngay cách uống trà của người Đàng Ngoài, rất khác với ly trà đá của người Sài Gòn: “Khi dạy học rảnh, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh dạo chơi chùa Vân, pha chè uống, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía tây xóm ấy, rồi múc nước suối pha chè uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng bay lượn, cùng là cỏ cây tươi tốt hay tàn tạ, hành khách lại qua, ta thường thường gửi tâm tình vào câu ngâm vịnh.”. Sống ở chốn phồn hoa đô hội Sài Gòn, mấy ai có thời gian uống trà/ chè mang phong vị khoáng đạt, phiêu dạt trữ tình ấy? Hơn nữa, Sài Gòn là vùng đất của khách tha phương tứ xứ, gặp nhau sơ giao, mời nhau ly trà rồi đường ai nấy đi thì khó có thể phong cách uống trà của tri âm, tri kỷ “hai người một bóng” như ông Phạm Đình Hổ vừa kể.

Sư thay đổi về uống trà qua cái sự loãng đã nói lên điều đó. Và qua đó nó còn thể hiện sự hòa đồng rộng rãi, dù ít hoặc nhiều cũng chấp nhận, không câu nệ. Bất quá, cũng như khi trong nhà có thêm khách đến, chỉ “thêm bát thêm đũa”, chứ có gì “trầm trọng” lắm đâu. Một cách giải quyết sự thích ứng, dung nạp nhanh chóng dễ dàng. Đó chính là tính cách của người Sài Gòn. Không phải ngẫu nhiên, từ thế kỷ XIX, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức nhận xét: “Ở Gia Định, khi khách đến nhà thời mời ăn trầu trước, thết nước chè rồi đến ăn cơm ăn bánh, cốt phải phong hậu. Không kể là người thân hay sơ, lạ hay quen, tông tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận tiếp thết đãi. Cho nên người đi chơi không mang theo lương thực, mà người lậu sổ, người trốn tránh khá nhiều vì có chỗ nuôi khách” (Gia Định thành thông chí - Viện Sử học- NXB Giáo Dục -1999, tr.146).

Sở dĩ nhạc Bolero được nhiều người yêu thích, ngoài giai điệu còn là ca từ đã chia sẻ sự bao dung, cảm thông cho những người xa xứ đến đến đây, cùng thân phận: “Thương cho kiếp sống tha hương/ thân gầy gò gởi cho gió sương”. Vì nên, một ly trà đá san sẻ cho nhau là lẽ thường tình. Có lẽ chỉ ở Sài Gòn mới có những thùng trà đá miễn phí. Đặt ngay trước nhà. Ai thích cứ việc đừng lại. Uống rồi đi. Nhẹ nhàng. Tấm lòng đến với tấm lòng không nhiều lời, tùy khả năng mà san sớt cho nhau, và phổ biến nhất vẫn là ly trà đá để khách thân, sơ đều có dịp đã khát, hứng lấy cơn gió mát một cách khoan khoái, tự tại cũng như mình. Chẳng phải lăn tăn nghĩ ngợi gì nhiều. 

Đôi khi không phải nghĩ ngợi gì nhiều lại hay. Chiều qua, lúc bước xuống sân bay, tự dưng lại có cảm giác sợ đi xa. Bởi vì rằng, nhịp sống mỗi ngày đang quen thuộc, xa Sài Gòn vài ngày, lúc quay trở lại phải sắp xếp lại sự trật tự, ổn định quen thuộc ngay từ tâm trạng của chính mình. Cái sự hoang mang, rã rời ấy bàng bạc, ngây ngất, không định hướng và lại cảm thấy có gì đó chông chênh và hoang mang không rõ nét…

Sáng nay, chủ nhật. Thảnh thơi viết đôi dòng, Dừng lại với câu thơ: “Mẹ đã đi chợ về/ Một mầm đời đang biếc”.  Câu cuối trong bài thơ này, ngụ ý một điều gì sẽ có và đã có?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment