LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.1.2018

mya_hoc_tuog_do

 

Hôm nào thư thả, thong thả, tìm thử xem trong nhà có tập sách nào in lại các tuồng, chèo hay không? Sĩ dĩ như thế, bởi đêm qua nằm đọc lại Nội dung xã hội và mỹ học tuồng đồ (NXB Khoa học Xã hội - 1984) của Lê Ngọc Cầu và Phan Ngọc. Mới biết rằng, đại khái, có hai loại tuồng căn bản: tuồng thầy và tuồng đồ.

Sự phân biệt ra sao?

Hiểu một cách nôm na, tuồng thầy có nội dung, thể tài về đạo thờ vua, giúp nước, quốc sự trong triều, ngôn ngữ trau chuốt điêu luyện…; trong khi đó, tuồng đồ lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày, thiên về cái hài chứ không bi hùng như tuồng thầy, cách ăn nói mộc mạc, bình dân, chĩ lưu hành trong dân gian, không “có cửa” chen vào chốn cung đình đạo mạo… Có thể tạm gọi bên này, “văn chương bác học”; bên kia, “văn chương bình dân”.

Lâu nay, với y, một khi nói về tuồng phải là ông Hoàng Châu Ký, thân phụ của nhà thơ Ý Nhi. Ông cùng con rể là GS Nguyễn Lộc (chủ biên) và nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện Tự điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội -1995) - một công trình rất giá trị. Ngày đó, tác giả Người đàn bà ngồi đan còn phụ trách NXB Hội Nhà văn ở phía Nam, y đến chơi, chị có tặng tập sách này. Nhân đây nói luôn, việc NXB Hội Nhà văn mới đây tái bản 10 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, phải là một cố gắng của nhà thơ Ý Nhi. Nhiều năm liền, chị đã tìm mọi cách để sách có thể in lại sau năm 1975. Khi biên tập bộ sách này, nhờ đó, y mới có thêm những hiểu biết về vốn từ miền Nam của thập niên 1950 mà chị Vũ đã sử dụng. Đọc cũng là học. Học lấy tiếng Việt biết bao giờ mới có thể vỡ vạc ra đôi điều? Y tự nhủ. Mà thôi chuyện này, bàn sau, không khéo lạc đề.

Ừ, tại sao gọi tuồng đồ?

Có phải các vở tuồng do các ông thầy đồ sáng tác nên mới “chết tên” như vậy? Phỏng đoán mà chi, phải nói có sách mách có chứng, thiên hạ mới tin. Thì đây, đêm qua gạch đậm dưới câu này: “Trong khái niệm tuồng đồ, có người cho rằng “đồ” có nghĩa là vẽ, là mạc theo nét có sẵn. Ngày xưa các thầy chữ Hán thường viết chữ mẫu trên giấy riêng, để cho học trò phủ giấy mỏng lên, rồi nhìn những nét của chữ mẫu hiện ra mà mạc lại. Như thế gọi là thầy dạy, trò đồ. “Đồ” cũng có nghĩa là phỏng đoán (tôi đồ rằng ngày mai anh sẽ đến). Từ điển tiếng Việt cắt nghĩa “đồ” là hấp chín bằng hơi nước như đồ xôi, đồ sắn. Với  cách hiểu đó, có người cho “tuồng đồ” là loại tuồng vẽ lại, mạc lại những chuyện cũ, cũng có người cho là loại vở phỏng đoán, đồ chừng, chưa có gì xác thực. 

Giáo sư Huỳnh Lý và Hoàng Châu Ký cho “tuồng đồ” là những vở thuộc loại đồ ngôn, đồ thuyết. Nhà văn Đặng Thai Mai cho rằng chữ “đồ” còn bao hàm cái nghĩa là học trò, như trong hai tiếng “sinh đồ” và “tuồng đồ” nghĩa là tuồng của trò, để phân biệt tuồng của thầy, đó là loại chưa được xem là mẫu mực, là loại quê mùa của dân gian. Mới đây trong tập sách Hý trường tùy bút mà Ty Văn hóa Nghĩa Bình xác định là của Đào Tấn, lại có định nghĩa “đồ” là con đường. “Tuồng đồ” có nghĩa là loại vở dựa theo con đường đã vạch sẵn của người xưa mà sáng tác ra” (SĐD, tr.30-31).

Rõ  ràng có nhiều ý kiến khác nhau, y có nghĩ gì khác không? Nào dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ biết lắng nghe, nói như người Quảng Nam hễ một khi thưởng thức món ăn nào ngon hết chỗ chê, không chê vào đâu được thì chỉ còn có nước gật gù “ngậm mà nghe”. Trong trường hợp này cũng thế, y nào dám cãi gì. Chỉ xin ghi nhớ nằm lòng. Tuy nhiên, một trong những cái thú của người đọc sách là thỉnh thoảng cao hứng cãi lại với tác giả. Có thể mới rộn ràng trang sách, vui cùng chữ nghĩa.

Về từ “đồ” biết đâu trong “tuồng đồ” lại hàm nghĩa khác? Nghĩa gì? “Sáng trăng em ngỡ tối trời/ Em ngồi em để cái sự đời em ra/ Sự đời như cái lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời”. Cái  sự đời có nói văn vẻ, văn hoa cũng nhằm tránh nói đến cái đồ đó thôi. Thử đọc lại một bài hát nói khuyết danh Diễu thầy đồ Cổ Nhuế:

Thầy đồ Cổ là người tài bộ

Quẩy cầm thư đi giáo thụ phủ Vĩnh Tường

Trước nha môn thiết một học đường

Dạy dăm đứa chi hồ dã giả

Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ

Ra hồ sen xem ả hái hoa

Ả hớ hênh ả để đồ ra

Đồ trông thấy đồ ngâm ngay tức khắc:

“Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc!

Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần”

Đồ ngâm rồi đồ đứng tần ngần

Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc

Suốt năm canh, đồ nằm biếng nhắp

Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

Đồ đâu gặp gỡ làm chi!...”.

Hai câu: “Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc/ Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần”, có người dịch : “Trước gió phất phơ hoa nẩy sắc/ Một dòng thấp thoáng hến thè môi”. Hến là cái ngao, cái hĩm, là cái đồ. Thế thì, một khi gọi tuồng đồ là cách gọi rẻ rúng của tầng lớp có học, sính chữ nghĩa dành gọi các vở lưu truyền trong dân gian mà họ cho là ba lăng nhăng, chẳng khác gì “Nôm na là cha mách qué”. Một khi nghe câu: “Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” thì đồ này phải hiểu theo nghĩa trên, chứ không phải: “1. Đồ vật do con người tạo ra để dùng hay làm thức ăn nói chung: đồ ăn thức uống, đồ chơi, giặt bộ đồ; 2. Người theo học chữ nho để thi cử: thấy đồ, cụ đồ; Loại hay người đáng khinh (dùng để nguyền rủa, mắng nhiếc): đồ ngu, đồ hèn, đồ mặt người dạ thú”- như Đại từ điển tiếng Việt đã phân loại, mà nó nằm ở nghĩa “4. Âm hộ (dùng trong cách nói tục tĩu, chửa rủa”.

Thế thì, các thứ tuồng đồ ấy không thể diễn chốn cung đình cũng phải thôi. Tầng lớp trên “Cho là loại tuồng ba lơn, chỉ có ích trong việc làm trò cười cho trẻ con, đàn bà” (SĐD, tr.21). Ai đời trước mặt các quan “Trông lên mặt sắt đen sì” mà bọn đào, kép há mồm ra: “Để dạo chơi phường phố/ Chở hàng hóa lên tàu/ Thiếu chi đĩ đĩ đào đào/ Biết mấy cờ cờ bạc” (Vở Giáp Kén Xã Nhộng). Chỉ có mà roi vụt nát mông. Hơn nữa, tuồng đồ rặt tiếng cười. Không nghe câu nói vang bên tai, chỉ đọc là cười. Cách viết khéo quá. Tố cáo xã hội khéo quá. Chẳng hạn trong vở Ngao Sò Ốc Hến, lão thầy bói Lữ Ngao bị Trùm Sò, Lý Hà cùm chân ở điếm canh, giao bọn tuần đinh canh giữ. Lợi dụng lúc chúng ngủ say, Trần Ốc lẻn vào tháo cùm giải thoát cho lão. Khổ thay, lão lại tưởng chúng thả cùm vì đuối lý, do đó, lão ứ chịu. Một tình huống kịch cực hay. Lão thốt ra:

“A! A! Thầy biết rồi. Thằng Trùm Sò mời thằng Lý Hà về uống rượu, rồi bàn bạc với nhau thấy bắt cùm thầy là thất lý, mới cho người ra mở cùm cho thầy, để thầy đi đằng thầy cho trôi. Chớ giải thầy lên quan thì phải tốn kém. Thầy dại gì cho bây mở cùm. Tao nằm đây, con dòi to bằng cổ tay tao chưa về. Phen này Trùm Sò phải hết cửa hết nhà với thầy cho coi. Bọn bây giải thầy lên quan, trước hết phải mua chai rượu làm lễ ra mắt quan, quan huyện nhận chai rượu đó mới đưa vào trong cho bà huyện. Quan mới xử lăng nhăng chi đó, rồi quan nạt, quan nộ, lão Trùm Sò phải lén ngõ sau mua chai rượu của bà huyện, để thưa bẩm lần nữa. Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau làm cho Trùm Sò phải hết nhà! Hết nhà! Hà hà… Bây có khôn ra đây, thầy bày cho! Bay sắm khay trầu, cau rượu với chừng dăm quan tiền thôi, bây thưa với mụ thầy là con vợ lão đây, nói khó với nó một tiếng, nó qua nó nhận thầy về. Vậy mà chắc chi thầy đã về cho! Em chết rồi em Sò của thầy ơi! Hà hà…”.

Đọc xong và cười thích thú. Cực hay. Không rõ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có xem tuồng Ngao Sò Ốc Hến? Trong truyện ngắn Cây gậy ba số của ông, gói thuốc ba con 5 cũng đóng vai trò luân chuyển như chai rượu của Trùm Sò. Lại nữa, hãy nghe thêm lời ca thán của người đàn bà khi hay tin chồng tằng tịu, nhăng nhít mèo mỡ lăng nhăng. Đọc qua một lần, tưởng chừng như hiện ra trước mắt hình ảnh người đàn bà quẫn trí đang gào, đang thét, tiếng kêu, tiếng rú quyện vào nhau, khi thở dài, lúc nộ khí xung thiên cực kỳ sống động. Ấy là lúc nàng Phương Khanh trong vở Bình Hoài truyện nhận được tin chồng ngoài biên ải đã lấy nữ tướng Phiên làm vợ. Không biệt trút giận vào đâu cho đã máu ghen, nàng đã nhè đầu người đưa thư mà đấm mà thoi mà cấu mà cào mà cắn mà véo:

Nó chíu chít như mèo thấy mỡ

Tao bồn chồn như chó chạy khào

Điên! Điên! Điên!

Đào chỗ thấp, tấp chỗ cao!

Tệ! Tệ! Tệ!

Đặng buồng này, khoay buồn nọ

Nó, của lạ, nằm hoài trong trướng gấm

Tao, đồ quen, ngồi giữ xó vườn hoa

Xung! Xung! Xung!

Say máu ngà ngà

Sướng! Sướng! Sướng!

Múa mồm nguây nguẩy!

Mồ cha con đĩ! Con đĩ!

Lấy gạnh chồng tao! Chồng tao!

Đau! Đau! Đau!

Ngứa! Ngứa! Ngứa!”

Một đoạn văn quá xuất sắc. Khó thể viết hay hơn. Sinh động hơn. Thành ngữ có câu: “Đau đẻ, ngứa ghẻ, hờn ghen” là vậy. Cách hờn ghen của của cô nàng Phương Khanh là phổ biến theo kiểu “người ta thường tình”. Còn cách của Hoạn Thư lại khác hẳn. Cao cơ. Kín đáo. Thâm trầm. Khiến Kim Trọng, Thúy Kiều phải tởn một phép. Lưu ý câu, “Nó, của lạ/ Tao, đồ quen” thì “của”/ “đồ” cùng một nghĩa. Từ “của” nay đã từng xuất hiện trong câu đối của nhà nho Trần Bình bỡn cô Tư Hồng: “Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn/ Ba thuyền tế độ của bà to!”. Đem “hàm cụ lớn” đối chan chát, đặt khín khìn khịt với “của bà to” thì đểu quá đi mất. Đấy, tuồng đồ đấy. Tuyệt chưa? Vậy mà bấy lâu nay, y chẳng hề đọc lấy một vở nào. Tệ quá.

Có thể nói, sự ra đời của tuồng đồ, thơ ca hò vè châm biếm, đả kích dù xuất hiện ở thời nào cũng là cách lên tiếng phản ứng, thái độ phản kháng của tầng lớp khố rách áo ôm đối với tầng lớp ăn trên ngồi trốc. Hoàn toàn đồng ý với nhà nghiên cứu Lê Ngọc Cầu và Phan Ngọc rằng, dù quan niệm về tuồng đồ xưa nay (như trên đã liệt kê) có khác nhau: “Nhưng lại nhất trí ở một điểm căn bản là tạo ra một lá chắn, một tấm bình phong để đỡ đòn cho tác giả khi bị vua quan phong kiến liệt vào loại tà ngôn, tà thuyết” (SĐD, tr. 31). Lật lại quyển Tự điển nghệ thuật hát bội Việt Nam do GS Nguyễn Lộc chủ biên, có đoạn: “Loại tuồng đồ thường không có văn bản ghi chép, thường không có tên tác giả, mỗi lần diễn người ta thường thêm thắt, nên các văn bản tuồng đồ được ghi chép về sau này nhiều khi chúng rất khác xa nhau” (tr. 612).

Thay vì phải cắp vở vào trường đại học ngồi học hết tiết này qua tiết nọ, chỉ chịu khó đọc những quyển sách nghiên cứu về vấn đề đó, con người ta cũng có thể nắm bắt được nhiều kiến thức.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment