LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.1.2018


tiuengrao-habg-tren-duongpho-ha-noi-1R

(nguồn: Les marchands ambulants et les crisde la rue à Hanoi (Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội),

 

Thói quen, hễ ra khỏi nhà luôn có cây bút giắt túi áo, quyển sổ tay nhét túi quần, với y không thể quên. Và cũng không thể quên một thứ này nữa. Thứ gì? Lúc ra khỏi nhà, chẳng hạn, sáng hôm ấy bỗng dưng nhớ đến phở. Phải là tái nạm giòn. Chà, bánh phở mềm, nước dùng trong, cọng hành xanh, khói thơm ngát…Ngon ơi là ngon. Thèm ơi là thèm. Bèn hiên ngang tạt vào quán. Lúc chuẩn bị ngồi xuống ghế, chợt sực nhớ ra điều gì đó, giật thót cả người: “Chà, đễnh đoãng quá đi mất. Chết thật”. Dù rằng, sắp có phở. Phở rất ngon. Đang thèm thuồng. Nhưng rồi, y cũng đành nghiến răng mà quay ra khỏi quán, và phóng xe về nhà ngay tắp lự. Không thể chần chừ, dù chỉ một giây, một phút. Quên cái gì mà quan trọng quá vậy ta?

Xin thưa, quên cái gì cũng được, hạ hồi phân giải, không gì phải vội nhưng không thể quên cái điện thoại di động.

Trước đây chừng hai mươi năm, ai sở hữu được “con dế” ấy cũng đều có thể hất mặt lên trời: “Em ơi đừng chê anh nghèo/ Điện thoại di động nó reo trong quần”! Oách lắm! Bây giờ mọi việc đã khác. Từ hoa hậu quý bà, chân dài siêu mẫu một bước lên ngựa xuống xe cho đến bà bán chuối chiên, chị rao hột vịt lộn, cô thu mua ve chai... cũng đều sở hữu “dế” cưng! Thậm chí, đứa nhóc còn nằm nôi cũng được mẹ sắm cho một chiếc để khi khát sữa, đòi bú là có thể réo ầm ĩ hoặc lập tức nhắn tin. Cụ già mắt mũi kèm nhèm dẫu gần đất xa trời cũng lận lưng một chiếc, lúc nào yêu đời phơi phới cũng có thể “a lô” người “cõi trên” hỏi han chuyện “hậu sự” lúc viễn du về đến Suối Vàng. 

Hôm trước ngồi nhậu lai rai, nghe anh B giải thích về gà tắc, lạ tai quá, bèn nghe anh em bồ tèo chung bàn nhắc nhở: “Sắm cái điện thoại thông minh, có phải tiện hơn không? Chỉ cần bật may ghi âm là xong”. Chưa chắc đâu. Chỉ lúc ngồi một mình, rảnh rỗi, không biết làm gì giết thời gian, hứng thú nhất vẫn là lật quyển sổ tay đặt trên bàn rồi hý hoáy viết gì đó. Viết rồi quên. Không quan tâm đến nữa. Có lúc tình cờ lật sổ tay ra lại nhớ mồn một về kỷ niệm nào đó đã qua. Chẳng hạn, ngày 27.8.2016 là ngày y có mặt tại Hà Nội dự cuộc họp chia tay nhà văn Trung Trung Đỉnh. Anh rời khỏi chức vụ Giám đốc NXB Hội Nhà văn để nghỉ hưu. Sáng hôm đó, nhà thơ Trần Quang Quý rủ đi ăn phở Bát Đàn. Ngạc nhiên, vì phải xếp hàng, tự tìm ghế ngồi. Ăn xong, viết ngay vào sổ tay đôi dòng:

Bát Đàn

Xếp hàng

Nghi ngút

Khói thơm

Từng bước chân

Nhích dần

Không chen ngang

Từng bước chân

Bước tới

Không ai nói

Chẳng ai cười

Gương mặt người

Nhẫn nại

Hà Nội

Không vội

Bốn ngàn năm

Sức sống

Tô phở ngon

Như lửa ấm…

Ước gì lúc này có tô phở thì ngon quá. Đang thèm thuồng. Chiều rồi. Bụng lưng lửng đói. Không có phở thì ăn gà tắc vậy. Thú thật, y chưa bao giờ nghe đến, chỉ mới thưởng thức gà xé phay, gà luộc, gà kho gừng, gà xào bông cải, gà xào nấm, gà xối mỡ, gà xào sã ớt, gà rô ti… Thế gà tắc là gì? Có phải nó là một loại gà như gà tre, gà xiêm, gà xước, gà tồ, gà sao, gà rừng, gà ri…? Hãy nghe anh B giải thích, đại khái khi du lịch đến vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, anh đã được bạn bè chiêu đãi món gà tắc. Thay vì phải cắt tiết, người ta bèn vặn cổ gà nghe kêu cái tắc. Ấy là cách làm gà bắt chước theo người Mường. Vì thế, miếng thịt gà có màu đỏ bầm, chứ thịt không trắng. Nghe ra, lạ tai bèn ghi lại là vậy. Ghi để làm gì? Nào ai biết để làm gì? Thích thì ghi vậy thôi.

Rồi anh lại kể, thời gian dạy học ở Phan Rí, các cô cậu học trò tinh nghịch đố anh: “Con gì khi chết đầu chui vào bụng?”. Đoán mãi không ra, anh bèn trả lời hụ hợ cho qua truông: “Con kỳ cục”. Học trò phá lên cười và giải thích đó là con cá nục. Bà con vùng biển Phan Rí khi kho cá nục, họ nhét lại cái đầu cá vào trong bụng con cá đó cho ngọt nước. Kể ra cũng là một nghệ thuật nấu nướng. Ở Quảng Nam không hề kho như thế. Kho nguyên con. Ăn cá nục cuốn bánh tráng, muốn đạt đến cái ngon cổ điển, mẫu mực thì chỉ có thể ăn kèm theo rau muống. Thế có lạ không? Chẳng lạ gì. Cái sừng sực của rau đi chung với sự mềm mại của báng tráng là một giao hòa êm ái; cái mềm ngọt bùi của cá đi chung với nước mắm dằm ớt, có pha thêm chút nước cá kho là sự du dương trữ tình.

Sống trên đời, được thưởng thức món ngon, đặc sản của từng vùng miền, có lẽ con người đó phải tu mười kiếp. Y vụng tu nên lúc nào cũng quanh đi quẩn lại vài ba món. Đọc sách thấy miêu tả món này món kia, chỉ nuốt nước bọt cái ực cho đã thèm. Tự dựng lúc này, lại thèm một tô mì gõ. Tại sao phải mì gõ, mì của người Hoa chứ không món gì khác? Đơn giản chỉ do sực nhớ lại, lúc mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Ngày đó còn ở tạm nhà bạn trên khu Tân Bình, nửa khuya tỉnh giấc bởi nghe tiếng rao mì gõ. Tiếng rao của nó chỉ là âm thanh phát ra từ hai miếng tre già gõ nhịp nhàng vào nhau. Tiếng nhặt. Tiếng khoan. Âm thanh của nó dứt khoát, từng tiếng một, không lẫn lộn vào đâu được. Thật lạ, hầu hết các bảng hiệu của xe mì của người Hoa đều có chữ ký, chẳng hạn, Thiệu Ký, Hải Ký, Hương Ký, Dìn Ký v.v… Đại khái thế. Thế “ký” có nghĩa là gì? Muốn trả lời chính xác, phải cậy đến cậy đến ông An Chi - nhà nghiên cứu từ nguyên số dzách hiện nay.

Vâng ạ, ông An Chi cho biết: “Chúng tôi đã hỏi một số người Hoa quen biết ở quận 5 thì nhận được mấy cách giải đáp như sau: 1. Ký là nhớ. Vậy Tường Ký, Chánh Ký, v.v… là để cho khách hàng nhớ đến cửa hàng của mình là Tường, là Chánh, v.v… mà không đi mua ở chỗ khác. 2. Ký là ghi chép. Ta thấy các cửa tiệm của người Hoa ngày xưa thường có bàn toán (bàn tính) và sổ ghi chép. Vì vậy nên mới gọi là Ký. 3. Chữ Ký có hàm ý là danh dự và uy tín của cửa hàng, tên bảng hiệu có chữ “ký” tức là cửa hàng làm ăn có tín nhiệm. 4. Ký chẳng qua là dấu hiệu, tín hiệu, là hiệu. Vậy Tường Ký chẳng qua là hiệu Tường, Chánh Ký chẳng qua là hiệu Chánh, v.v…

Các giải đáp 1, 2 và 3 trên thực chất chỉ là những cách hiểu theo từ nguyên dân gian. Nếu có nhiều thời gian để đi điều tra thêm thì có thể ta sẽ được biết thêm những cách giải đáp khác, có khi còn hấp dẫn hơn và nghe ra còn… có lý hơn. Chỉ có cách giải đáp thứ 4 mới hoàn toàn đúng sự thật. Mathews’ Chinese - English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark, Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.

Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng của mình” (nguồn: Báo SGGP số ra ngày 16.8.2006).

Với cách giải thích này, y gật gù tâm phục bèn thốt lên câu thơ Kiều: “Mấy lời ký chú đinh ninh/ Ghi lòng để dạ cất mình ra đi”. Đi đâu? Y đi theo âm thanh của cách tiếp thị mì gõ rất ư độc đáo. Tại sao không cất lên tiếng rao mà lại là hai thanh tre/ thanh gỗ va vào nhau tạo ra tiếng kêu lóc cóc?

Suy luận rằng, thuở mới sang Việt Nam buôn bán, người Hoa chưa rành tiếng Việt, họ tạo ra sự chú ý của khách bằng cách đó. Họ thừa biết, phải rao, nhưng vốn từ ít ỏi, lại khó có thể nhấn nhá câu chữ ngân nga, du dương nên “thay lời muốn nói” bằng cách đó? Đúng thế. Với người Việt, đã bán hàng thì phải rao. Vừa rồi đọc trên trang web của nhạc sĩ Trần Văn Khê & Trần Quang Hải, có đoạn đã lý giải: “Những tiếng rao không chỉ chứa đựng giai điệu ngọt ngào, trong nó còn có cả hương thơm, mùi vị, màu sắc, có tính kích thích tất cả các giác quan của chúng ta. Tiếng rao của những người bán hàng rong khiến cho phố phường tại các đô thị của Việt Nam trở nên rất sinh động. Điều này khiến cho những người nước ngoài cảm thấy thú vị. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ thường khiến cho họ không hiểu gì cả”.

Vậy thì, tiếng gõ lóc cóc của mì gõ người Hoa, không phải ngẫu hứng, tùy tiện mà nó có giai điệu hẳn hòi đấy chứ? Giai điệu ấy thế nào? Xin dành lại cho các nhà nghiên cứu âm nhạc. Với y, âm thanh ấy là sự thúc giục khiến can tì bao tử hòa nhịp theo và đòi phải dược tiếp nhận lấy tô mì gõ. Có phải làm nên “bản sắc” cùa tô mì của người Hoa chính là bí kíp làm nên sợi mì? Trả lời đi? Y có phải tay làm bếp đâu mà dám há mồm há miệng ra, chỉ biết ngậm miệng mà nghe ông chủ quán mì trên dòng kênh Nhiêu Lộc từng bật mí: “Sợi mì được làm từ bột mì, trứng vịt và nước tro tàu. Các nguyên liệu này, hoàn toàn được dùng tay trộn đều, nhồi nhuyễn để đảm bảo độ dai, giòn của sợi mì”. Tương tự, một trong những điều làm nên sự khác biệt của món phở, ngoài chất liệu căn bản có tính quyết định cho sự khoái khẩu là nước lèo thì còn kể đến bánh phở nữa.

Khi nghe tiếng gõ của mì gõ, chỉ cần ngồi yên tại nhà, í ới một tiếng, lập tức sẽ có người mang tô mì đến tận nơi. Kể ra cũng nhanh và gọn. Chẳng cần mất công đi đâu xa. Tiếng gõ ấy, len lỏi vào tận ngóc ngách hẽm, kiệt, xuyệt trong khu dân cư. Nghe riết, tự dưng một ngày nào đó không nghe là cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Một cái gì đó rất thân mật và gần gũi.

À, có một điều lạ, theo nhận xét của y là ở miền Trung, cụ thể Quảng Nam và ngay cả chốn thị thành Đà Nẵng cũng không có tiếng rao lóc cóc của mì gõ. Tại sao thế? Đơn giản, chỉ món ăn của người Hoa khó có thể thâm nhập vào vùng đất này. Một vùng đất mà cư dân luôn trung thành tuyệt đối với món ăn của địa phương. Phải là mì Quảng, bún bò Huế, bún chả cá, bánh bèo, bột lọc, bánh nậm… Đã thế, phải mặn ra mặn, cay ra cay thì mới sung sướng ông thần khẩu. Trong khi đó, món mì của người Hoa lại khác. Nó gần với cao lầu Hội An. Về Đà Nẵng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đường ngang dãy dọc, chỉ có mỗi con đường chéo ngay đường Phan Châu Trinh là có bán mì của người Hoa mà thôi.

Khi đến chơi Hội An, ông nhà văn Võ Phiến ngạc nhiên về món cao lầu và không hiểu tại sao món ăn này không thể xuất hiện ở nơi khác? Đừng nói đâu xa, ngay cả Đà Nẵng chỉ cách Hội An chừng 30 cây số nhưng cao lầu vẫn không thể nhập hộ khẩu. Ông ngắc ngứ: “Thật khó hiểu: nếu nó sa sút, sao nó không bị tiêu diệt vì sự cạnh tranh của những thứ khác? Nếu nó có gì xuất sắc, sao cái xuất sắc ấy lại chỉ vừa đủ mức để tự vệ mà không thể dùng để tấn công lấn lướt tới một ly nào?” (Tràng Thiên - Quê hương tôi - NXB Thời Đại tái bản năm 2012, tr.247-248). Trong khi đó, món mì của người Hoa dù gần với cao lầu nhưng vẫn phát triển ngon lành.

Tại sao thế?

Có lẽ do từ ban đầu, món mì đã chọn được “điểm rơi” lý tưởng:  Sài Gòn - một vùng đất cư đân đông đúc lại nghĩa hiệp, dễ làm dễ ăn, bất kỳ thời kỳ nào cũng đủ sức cuu mang người người tha phương nhập cư. Mà đã xa quê, ở đâu quen đó, dần dà họ làm quen với món mì của người Hoa mà không câu nệ, vì dù rằng, đôi lúc có nhớ đến món ăn đặc trưng của “quê mình” nhưng làm sao có thể? Thôi thì, ăn để sống, phải ăn. Ăn riết rồi quen. Rồi cảm thấy nó gắn bó, gần gũi không thể thiếu trong cái ăn sự uống.

Thế thì, món mì ấy, từ cái xe mì cố định và được người tiếp thị bằng cách gõ lóc cóc để trở thành tên gọi “mì gõ” đã trở thành quen thuộc. Rất đỗi quen thuộc. Cũng tựa như ở Quảng Nam, lúc chiều chiều hoang hoải nắng, thèm ăn một chút gì đó cho đỡ nhạt miệng thì bỗng dưng nhớ đến tiếng rao: “Ai bánh bèo, bánh bột lọc hông?”. Mà cũng phải nói thật rằng, tiếng rao ấy ngày càng ít dần. Hôm trước về Đà Nẵng, có những chiều ngồi trước sân nhà ngong ngóng chờ đợi tiếng rao nhưng rồi chẳng cũng lúc có, lúc không. Lại cảm thấy năm tháng tuổi thơ đã xa dần. Đã xa dần: “Ai đậu doáng, chè đậu đen hông?” đã từng ngọt lịm trong miệng con trẻ mà mẹ đã mua cho ăn ngày thơ bé. Nhớ và tiếc nuối.

Nói thì nói thế, nghĩ thì nghĩ thế nhưng dù gì đi nữa, dù vật đổi sao dời đi nữa thì tiếng rao ấy thể hiện qua cách gõ để tạo ra âm thanh vẫn còn. Cũng tựa như tiếng rao của người bán hàng rong ở ngoài Trung, ngoài Bắc vẫn còn. Nói như thế, chẳng lạc quan tếu đâu. Một khi cứ ngỡ rằng, nó sẽ mất đi, mất hút nên đã có những nhà nghiên cứu ghi lại, vẽ lại hình ảnh để đời sau có thể xem lại chứng tích của một thời. Chẳng hạn, từ năm 1929, nhà nghiên cứu người Pháp là F. Fénis đã xuất bản một cuốn sách mỏng Les marchands ambulants et les crisde la rue à Hanoi (Hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội), chừng 40 trang đã mô tả khá đầy đủ về các loại hình hàng rong và tiếng rao tương ứng ở Hà Nội thông qua hình ảnh và khuôn nhạc minh hoạ. Nay xem lại, vẫn tưởng chừng như tập sách đã thực hiện trong thế kỷ XXI này.

Vậy hóa ra, với món ăn dù có thêm nhiều hình thức mới theo thời gian nhưng rồi cách tiếp thị cũ vẫn tồn tại song hành, chứ không mất đi. Vâng, làm sao có thể mất đi nếu môi trường sống, nếp sinh hoạt vẫn không thay đổi?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.1.2018

mya_hoc_tuog_do

 

Hôm nào thư thả, thong thả, tìm thử xem trong nhà có tập sách nào in lại các tuồng, chèo hay không? Sĩ dĩ như thế, bởi đêm qua nằm đọc lại Nội dung xã hội và mỹ học tuồng đồ (NXB Khoa học Xã hội - 1984) của Lê Ngọc Cầu và Phan Ngọc. Mới biết rằng, đại khái, có hai loại tuồng căn bản: tuồng thầy và tuồng đồ.

Sự phân biệt ra sao?

Hiểu một cách nôm na, tuồng thầy có nội dung, thể tài về đạo thờ vua, giúp nước, quốc sự trong triều, ngôn ngữ trau chuốt điêu luyện…; trong khi đó, tuồng đồ lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày, thiên về cái hài chứ không bi hùng như tuồng thầy, cách ăn nói mộc mạc, bình dân, chĩ lưu hành trong dân gian, không “có cửa” chen vào chốn cung đình đạo mạo… Có thể tạm gọi bên này, “văn chương bác học”; bên kia, “văn chương bình dân”.

Lâu nay, với y, một khi nói về tuồng phải là ông Hoàng Châu Ký, thân phụ của nhà thơ Ý Nhi. Ông cùng con rể là GS Nguyễn Lộc (chủ biên) và nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện Tự điển nghệ thuật hát bội Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội -1995) - một công trình rất giá trị. Ngày đó, tác giả Người đàn bà ngồi đan còn phụ trách NXB Hội Nhà văn ở phía Nam, y đến chơi, chị có tặng tập sách này. Nhân đây nói luôn, việc NXB Hội Nhà văn mới đây tái bản 10 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, phải là một cố gắng của nhà thơ Ý Nhi. Nhiều năm liền, chị đã tìm mọi cách để sách có thể in lại sau năm 1975. Khi biên tập bộ sách này, nhờ đó, y mới có thêm những hiểu biết về vốn từ miền Nam của thập niên 1950 mà chị Vũ đã sử dụng. Đọc cũng là học. Học lấy tiếng Việt biết bao giờ mới có thể vỡ vạc ra đôi điều? Y tự nhủ. Mà thôi chuyện này, bàn sau, không khéo lạc đề.

Ừ, tại sao gọi tuồng đồ?

Có phải các vở tuồng do các ông thầy đồ sáng tác nên mới “chết tên” như vậy? Phỏng đoán mà chi, phải nói có sách mách có chứng, thiên hạ mới tin. Thì đây, đêm qua gạch đậm dưới câu này: “Trong khái niệm tuồng đồ, có người cho rằng “đồ” có nghĩa là vẽ, là mạc theo nét có sẵn. Ngày xưa các thầy chữ Hán thường viết chữ mẫu trên giấy riêng, để cho học trò phủ giấy mỏng lên, rồi nhìn những nét của chữ mẫu hiện ra mà mạc lại. Như thế gọi là thầy dạy, trò đồ. “Đồ” cũng có nghĩa là phỏng đoán (tôi đồ rằng ngày mai anh sẽ đến). Từ điển tiếng Việt cắt nghĩa “đồ” là hấp chín bằng hơi nước như đồ xôi, đồ sắn. Với  cách hiểu đó, có người cho “tuồng đồ” là loại tuồng vẽ lại, mạc lại những chuyện cũ, cũng có người cho là loại vở phỏng đoán, đồ chừng, chưa có gì xác thực. 

Giáo sư Huỳnh Lý và Hoàng Châu Ký cho “tuồng đồ” là những vở thuộc loại đồ ngôn, đồ thuyết. Nhà văn Đặng Thai Mai cho rằng chữ “đồ” còn bao hàm cái nghĩa là học trò, như trong hai tiếng “sinh đồ” và “tuồng đồ” nghĩa là tuồng của trò, để phân biệt tuồng của thầy, đó là loại chưa được xem là mẫu mực, là loại quê mùa của dân gian. Mới đây trong tập sách Hý trường tùy bút mà Ty Văn hóa Nghĩa Bình xác định là của Đào Tấn, lại có định nghĩa “đồ” là con đường. “Tuồng đồ” có nghĩa là loại vở dựa theo con đường đã vạch sẵn của người xưa mà sáng tác ra” (SĐD, tr.30-31).

Rõ  ràng có nhiều ý kiến khác nhau, y có nghĩ gì khác không? Nào dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ biết lắng nghe, nói như người Quảng Nam hễ một khi thưởng thức món ăn nào ngon hết chỗ chê, không chê vào đâu được thì chỉ còn có nước gật gù “ngậm mà nghe”. Trong trường hợp này cũng thế, y nào dám cãi gì. Chỉ xin ghi nhớ nằm lòng. Tuy nhiên, một trong những cái thú của người đọc sách là thỉnh thoảng cao hứng cãi lại với tác giả. Có thể mới rộn ràng trang sách, vui cùng chữ nghĩa.

Về từ “đồ” biết đâu trong “tuồng đồ” lại hàm nghĩa khác? Nghĩa gì? “Sáng trăng em ngỡ tối trời/ Em ngồi em để cái sự đời em ra/ Sự đời như cái lá đa/ Đen như mõm chó, chém cha cái sự đời”. Cái  sự đời có nói văn vẻ, văn hoa cũng nhằm tránh nói đến cái đồ đó thôi. Thử đọc lại một bài hát nói khuyết danh Diễu thầy đồ Cổ Nhuế:

Thầy đồ Cổ là người tài bộ

Quẩy cầm thư đi giáo thụ phủ Vĩnh Tường

Trước nha môn thiết một học đường

Dạy dăm đứa chi hồ dã giả

Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ

Ra hồ sen xem ả hái hoa

Ả hớ hênh ả để đồ ra

Đồ trông thấy đồ ngâm ngay tức khắc:

“Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc!

Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần”

Đồ ngâm rồi đồ đứng tần ngần

Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc

Suốt năm canh, đồ nằm biếng nhắp

Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

Đồ đâu gặp gỡ làm chi!...”.

Hai câu: “Phong tiền lạn mạn hoa sinh sắc/ Thuỷ diện vi mang bạng thổ thần”, có người dịch : “Trước gió phất phơ hoa nẩy sắc/ Một dòng thấp thoáng hến thè môi”. Hến là cái ngao, cái hĩm, là cái đồ. Thế thì, một khi gọi tuồng đồ là cách gọi rẻ rúng của tầng lớp có học, sính chữ nghĩa dành gọi các vở lưu truyền trong dân gian mà họ cho là ba lăng nhăng, chẳng khác gì “Nôm na là cha mách qué”. Một khi nghe câu: “Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” thì đồ này phải hiểu theo nghĩa trên, chứ không phải: “1. Đồ vật do con người tạo ra để dùng hay làm thức ăn nói chung: đồ ăn thức uống, đồ chơi, giặt bộ đồ; 2. Người theo học chữ nho để thi cử: thấy đồ, cụ đồ; Loại hay người đáng khinh (dùng để nguyền rủa, mắng nhiếc): đồ ngu, đồ hèn, đồ mặt người dạ thú”- như Đại từ điển tiếng Việt đã phân loại, mà nó nằm ở nghĩa “4. Âm hộ (dùng trong cách nói tục tĩu, chửa rủa”.

Thế thì, các thứ tuồng đồ ấy không thể diễn chốn cung đình cũng phải thôi. Tầng lớp trên “Cho là loại tuồng ba lơn, chỉ có ích trong việc làm trò cười cho trẻ con, đàn bà” (SĐD, tr.21). Ai đời trước mặt các quan “Trông lên mặt sắt đen sì” mà bọn đào, kép há mồm ra: “Để dạo chơi phường phố/ Chở hàng hóa lên tàu/ Thiếu chi đĩ đĩ đào đào/ Biết mấy cờ cờ bạc” (Vở Giáp Kén Xã Nhộng). Chỉ có mà roi vụt nát mông. Hơn nữa, tuồng đồ rặt tiếng cười. Không nghe câu nói vang bên tai, chỉ đọc là cười. Cách viết khéo quá. Tố cáo xã hội khéo quá. Chẳng hạn trong vở Ngao Sò Ốc Hến, lão thầy bói Lữ Ngao bị Trùm Sò, Lý Hà cùm chân ở điếm canh, giao bọn tuần đinh canh giữ. Lợi dụng lúc chúng ngủ say, Trần Ốc lẻn vào tháo cùm giải thoát cho lão. Khổ thay, lão lại tưởng chúng thả cùm vì đuối lý, do đó, lão ứ chịu. Một tình huống kịch cực hay. Lão thốt ra:

“A! A! Thầy biết rồi. Thằng Trùm Sò mời thằng Lý Hà về uống rượu, rồi bàn bạc với nhau thấy bắt cùm thầy là thất lý, mới cho người ra mở cùm cho thầy, để thầy đi đằng thầy cho trôi. Chớ giải thầy lên quan thì phải tốn kém. Thầy dại gì cho bây mở cùm. Tao nằm đây, con dòi to bằng cổ tay tao chưa về. Phen này Trùm Sò phải hết cửa hết nhà với thầy cho coi. Bọn bây giải thầy lên quan, trước hết phải mua chai rượu làm lễ ra mắt quan, quan huyện nhận chai rượu đó mới đưa vào trong cho bà huyện. Quan mới xử lăng nhăng chi đó, rồi quan nạt, quan nộ, lão Trùm Sò phải lén ngõ sau mua chai rượu của bà huyện, để thưa bẩm lần nữa. Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau làm cho Trùm Sò phải hết nhà! Hết nhà! Hà hà… Bây có khôn ra đây, thầy bày cho! Bay sắm khay trầu, cau rượu với chừng dăm quan tiền thôi, bây thưa với mụ thầy là con vợ lão đây, nói khó với nó một tiếng, nó qua nó nhận thầy về. Vậy mà chắc chi thầy đã về cho! Em chết rồi em Sò của thầy ơi! Hà hà…”.

Đọc xong và cười thích thú. Cực hay. Không rõ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có xem tuồng Ngao Sò Ốc Hến? Trong truyện ngắn Cây gậy ba số của ông, gói thuốc ba con 5 cũng đóng vai trò luân chuyển như chai rượu của Trùm Sò. Lại nữa, hãy nghe thêm lời ca thán của người đàn bà khi hay tin chồng tằng tịu, nhăng nhít mèo mỡ lăng nhăng. Đọc qua một lần, tưởng chừng như hiện ra trước mắt hình ảnh người đàn bà quẫn trí đang gào, đang thét, tiếng kêu, tiếng rú quyện vào nhau, khi thở dài, lúc nộ khí xung thiên cực kỳ sống động. Ấy là lúc nàng Phương Khanh trong vở Bình Hoài truyện nhận được tin chồng ngoài biên ải đã lấy nữ tướng Phiên làm vợ. Không biệt trút giận vào đâu cho đã máu ghen, nàng đã nhè đầu người đưa thư mà đấm mà thoi mà cấu mà cào mà cắn mà véo:

Nó chíu chít như mèo thấy mỡ

Tao bồn chồn như chó chạy khào

Điên! Điên! Điên!

Đào chỗ thấp, tấp chỗ cao!

Tệ! Tệ! Tệ!

Đặng buồng này, khoay buồn nọ

Nó, của lạ, nằm hoài trong trướng gấm

Tao, đồ quen, ngồi giữ xó vườn hoa

Xung! Xung! Xung!

Say máu ngà ngà

Sướng! Sướng! Sướng!

Múa mồm nguây nguẩy!

Mồ cha con đĩ! Con đĩ!

Lấy gạnh chồng tao! Chồng tao!

Đau! Đau! Đau!

Ngứa! Ngứa! Ngứa!”

Một đoạn văn quá xuất sắc. Khó thể viết hay hơn. Sinh động hơn. Thành ngữ có câu: “Đau đẻ, ngứa ghẻ, hờn ghen” là vậy. Cách hờn ghen của của cô nàng Phương Khanh là phổ biến theo kiểu “người ta thường tình”. Còn cách của Hoạn Thư lại khác hẳn. Cao cơ. Kín đáo. Thâm trầm. Khiến Kim Trọng, Thúy Kiều phải tởn một phép. Lưu ý câu, “Nó, của lạ/ Tao, đồ quen” thì “của”/ “đồ” cùng một nghĩa. Từ “của” nay đã từng xuất hiện trong câu đối của nhà nho Trần Bình bỡn cô Tư Hồng: “Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn/ Ba thuyền tế độ của bà to!”. Đem “hàm cụ lớn” đối chan chát, đặt khín khìn khịt với “của bà to” thì đểu quá đi mất. Đấy, tuồng đồ đấy. Tuyệt chưa? Vậy mà bấy lâu nay, y chẳng hề đọc lấy một vở nào. Tệ quá.

Có thể nói, sự ra đời của tuồng đồ, thơ ca hò vè châm biếm, đả kích dù xuất hiện ở thời nào cũng là cách lên tiếng phản ứng, thái độ phản kháng của tầng lớp khố rách áo ôm đối với tầng lớp ăn trên ngồi trốc. Hoàn toàn đồng ý với nhà nghiên cứu Lê Ngọc Cầu và Phan Ngọc rằng, dù quan niệm về tuồng đồ xưa nay (như trên đã liệt kê) có khác nhau: “Nhưng lại nhất trí ở một điểm căn bản là tạo ra một lá chắn, một tấm bình phong để đỡ đòn cho tác giả khi bị vua quan phong kiến liệt vào loại tà ngôn, tà thuyết” (SĐD, tr. 31). Lật lại quyển Tự điển nghệ thuật hát bội Việt Nam do GS Nguyễn Lộc chủ biên, có đoạn: “Loại tuồng đồ thường không có văn bản ghi chép, thường không có tên tác giả, mỗi lần diễn người ta thường thêm thắt, nên các văn bản tuồng đồ được ghi chép về sau này nhiều khi chúng rất khác xa nhau” (tr. 612).

Thay vì phải cắp vở vào trường đại học ngồi học hết tiết này qua tiết nọ, chỉ chịu khó đọc những quyển sách nghiên cứu về vấn đề đó, con người ta cũng có thể nắm bắt được nhiều kiến thức.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.1.2018

leminhquoc1989

Lê Minh Quốc (ảnh: Nguyễn Công Thành chụp năm 1989 tại xưởng làm giấy của báo Tuổi Trẻ)



Khi vàng đứng bóng im trưa

Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường

Thơ Hồ Dzếnh. Câu thơ có ma lực gì khiến y mỗi lần đọc lên lại cảm thấy quạnh vắng hun hút, một tiếng thở dài như gió lùa qua trí nhớ? Nhớ gì? Nhớ về những trưa im ắng, từ trong nhà ngồi nhìn ra đường, con đường Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng) của thập niên 1960. Ngày ấy, đường phố vắng, người vắng. Những trưa im ắng tưởng chừng như còn nghe và thấy tiếng lá lào xào. Nhìn ra con đường chỉ thấy nắng vàng trải dài. Nhìn vào lòng mình chỉ là những vu vơ của tháng ngày thơ dại. Tịnh không tiếng động. Lặng lẽ. Con phố ngủ trưa. Nay đã khác. Đông đúc. Ồn ào. Nhộn nhịp. Câu thơ ấn tượng nhất vẫn là “thưa”. Ngẫm nghĩ lại đi. Nếu không nghe tiếng lá rụng thì làm sao câu thơ đủ sức cựa quậy trong tâm tưởng?

Từ “Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường” lại nhớ đến: “Dịu dàng em nói dạ thưa/ Đôi môi lễ độ ngàn xưa vọng về”. Câu thơ ấy, y viết lúc nào?

Đôi khi nghĩ lại thấy rằng, cuộc đời này hay quá đi mất. Bấy giờ, tập thơ Tôi vẽ mặt tôi đã gây ồn ào dư luận. Phê phán gay gắt. La ó dữ dội. Trên báo chí từ Nam chí Bắc “ném đá” tơi bời. Nào ngờ, chẳng thể ngờ, ngay thời điểm ấy đó trên tạp san Nữ sinh (số tháng 2.1999) có bài viết bênh vực y. Bằng cách nào? Bằng cách bình lấy bài thơ Dạ thưa. Bùi Tá Phạm Vinh viết bài Lời thưa dịu dàng là ai? Y không rõ. Nhưng rõ ràng là kịp thời có một tiếng nói khác. Cần thiết lắm. Nay đọc lại, cảm thấy vui vui một chút.

Vấn đề vẫn là ở chỗ kịp thời, có một tiếng nói khác trong dòng chảy ồn ào của dư luận lúc bấy giờ. Trong đời, có những lúc tai ương, hoạn nạn, bất ngờ có bàn tay đưa ra, níu ta đứng dậy. Ơn ấy sẽ nhớ mãi? Chưa chắc. Con người ta vốn mau quên. Quên nhanh lắm. Nói về ai thế? Chính y đã tự thú từ năm 1989 đấy thôi: “Trên đường đời một lần tôi vấp ngã/ Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi/ Tôi suýt soa. Quên cám ơn. Là lúc/ Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi”. Trong đời dù nhớ, dù không, ai cũng có “người ơn” lặng lẽ, lặng thầm ấy. Âu cũng là cái sự may mắn. Nếu không, “Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau” (P.D) làm sao có thiện nhân cứu vớt, hỡi cô em Thúy Kiều, cô nàng Kiều Nguyệt Nga?

Thời trẻ, y thích đọc thơ của ai? Mà cái thời trẻ qua rồi, nói về lúc này có phải hay hơn không? Vâng. Đến một tuổi nào đó, y lại quay ngược về xuôi cùng dòng thơ Huy Cận và Hồ Dzếnh. Thâm trầm. Sâu sắc. Âm hưởng thơ mênh mang không gian của Đường thi, dù ngôn từ cực kỳ thuần Việt. “Khi vàng đứng bóng im trưa/ Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường” là một thí dụ. Sực nhớ, đã lâu lắm rồi, y có dịp diện kiến nhà thơ Quê ngoại. Ấy là khoảng tháng 4.1991 lúc ra Hà Nội.

Rằng, Sau khi uống cạn ly bia Vạn Lực ở 51 Trần Hưng Đạo - Hội nhạc sĩ Việt Nam - anh Nguyễn Thụy Kha bảo: “Bọn mình ghé sang thăm cụ Hồ Dzếnh nhé”. Lời đề nghị ấy đã làm y hoàn toàn vui sướng. Trong trí nhớ của y đã hiện lên hình ảnh một nhà thơ nổi tiếng từ thời “tiền chiến” với tập thơ Quê ngoại và những tập truyện như tập Chân trời cũ… Con người mang hai dòng máu Hoa - Việt ấy là ai? Là một người như thế nào mà đã viết những vần thơ rất bay bướm? “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”. Vẫn còn nhớ như in đoạn văn của Mai Thảo viết về Hồ Dzếnh in trên tạp chí Văn năm 1973. “Và một buổi chiều kia rầu rầu úa héo trên thiêm thiếp quê cũ chẳng dung người, quê cũ đã phụ rồi, vòm trời mây trắng bao la của nước Trung Hoa lạ lùng đã in cái hình bóng bé nhỏ li ti di động của một người Hoa nghèo khổ bỏ một nước Trung Hoa nghèo khổ mà lên đường. Đi qua Vân Nam. Đi từ Dương Tử đi tới Hông Hà. Đi từ Trung Hoa đi tới Việt Nam. Và từ cuộc gặp gỡ trong mưu sinh buồn rầu trên đất khách giữa một người Hoa bán thuốc dạo và một cô lái đò Việt trên một dòng sông Thanh Hóa, đã có một gã làm thơ Hồ Dzếnh Minh Hương”.

Thời trẻ, đọc ít nhớ nhiều; nay, đọc nhiều nhưng rồi chẳng nhớ gì mấy.

Tuổi thanh xuân, y đã chép những vần thơ của ông trong trí nhớ. Đã quên. Đã nhớ. Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là một khi thiên hạ đau khổ, bất hạnh giữa trần gian này lại bấu víu vào thơ ca của mình để mà yêu, mà sống. Với Hồ Dzếnh, y cũng đã có những lần bấu víu vào thơ của ông để tâm hồn vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, phiền muộn. Nguyễn Thụy Kha và y đã đến nhà ông vào lúc đúng Ngọ. Phía trước là quầy bán sách báo đã đóng cửa nghỉ trưa, có cẩn thận ghi dòng chữ: “Giờ nghỉ trưa xin đừng gọi cửa”. Mặc dù biết như vậy nhưng bọn y vẫn gọi. Con trai của nhà thơ đã dẫn vào ngõ sau. Leo lên những bậc cầu thang. Ô! Nhà thơ mà y đã từng mến yêu đây sao? Với gương mặt nhăn nheo, bình dị trong bộ quần áo mặc ở nhà, y đã thất vọng vì không tìm thấy được nét phong trần, gió bụi của những vần thơ: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây”. Lời thơ đó, Dương Thiệu Tước phổ nhạc quyến rũ, lãng mạn bao nhiêu thì trước mặt y là một ông già móm hiền lành khiến y hẫng bấy nhiêu.

Sau lời giới thiệu của Nguyễn Thụy Kha, ông đã đưa tay nắm lấy tay y. Bàn tay lạnh và gầy. Rồi ngồi nói chuyện về thơ ca. Điều làm y ngạc nhiên là ý kiến đánh giá của ông về phong trào Thơ mới: “Tôi khác hẳn mọi người về nhận định này. Thơ bây giờ hay, đúng là thơ mới. Chớ không phải như phong trào Thơ mới trước đây. Vì sao ấy à? Thơ mới ngày ấy, kể cả những đại biểu tiên phong nhất cũng cố gắng gỡ ra khỏi từ ngữ chứ không gỡ khỏi tư tưởng. Ngày xưa, phong trào Thơ mới với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... làm cho từ ngữ trong sáng lên, đẹp lên chứ tư tưởng chưa chắc đã mới lắm. Còn bây giờ, các nhà thơ đã nói thẳng tư tưởng của họ, theo tôi mới là thơ mới”.

Phát biểu của ông đã mở cho y thấy phía sau một thân thể già nua, lọm khọm ấy là một tâm hồn tha thiết với thơ biết bao nhiêu. Y còn nhớ là đã đọc được những câu thơ mà ông đã viết từ thời tiền chiến như một bộc bạch tâm sự: “Đừng mơ ước cả thiên đường/ Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa”. Ngôi nhà của ông nằm ngay mặt phố ồn ào, không có vườn để trồng hoa cỏ vui với tuổi già. Anh Nguyễn Thụy Kha bảo: “Cụ Dzếnh và những bài thơ của từ thời ấy, đáng quý như vàng. Tuổi già như lá, chẳng biết rụng lúc nào”.

Những ngày này đã vắt sang năm mới. 2018. Những tập sách của y lại tiếp tục đặt trên bàn biên tập của một, hai nhà xuất bản. Lại in sách mới. In gì nhiều thế? Có dăm người thốt lên và hỏi y. Trả lời ra làm sao? Bèn cười. Nếu con tằm mỗi ngày được ăn lá dâu non, không nhả tơ, chỉ mỗi ngày la cà quán xá buôn dưa lê, bà tám, chém gió thì có còn là tằm? Đã tằm thì nhả tơ. Đã họa sĩ thì vẽ. Đã cỏ thì xanh. Đã em Kiều thì 15 năm phiêu bạt. “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Thế thôi. Chẳng gì khác.

Sực nhớ vu vơ, thuở còn đàn đúm theo Sơn Nam, ông kể cũng đã có lần đã nghe câu hỏi ấy. Còn nhớ, ông cười khà khà rằng, nhiều người nói hay lắm, tốt lắm, khuyên rằng đừng nên viết nhiều mà hãy suy nghĩ về tác phẩm lớn. Không sai. Nhưng suy nghĩ mãi, đến lúc cầm lấy cây bút thì thói quen viết lách đã rơi rụng tự bao giờ rồi. “Tôi phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì tôi viết, luôn cả những bài viết theo nhu cầu thị trường ngoài ý muốn. Nhiều bạn khuyên tôi nên bớt viết, viết nhựt báo là hư văn chương. Nếu bớt viết thì lấy gì có tiền mà xài? Chẳng lẽ mượn tiền của bạn rồi đi chơi lăng nhăng để giữ cho ngòi bút được thơm tho. Tới chừng hư thì soạn từ điển, viết khảo cứu cũng hư. Đại khái, bàn tay dính bùn là điều tốt, nghề gì, “sứ mạng” gì trong lúc này cũng vậy thôi”. Trong phỏng vấn “Những nhà văn ở phút nói thật” in trên tạp chí Văn trước năm 1975, Sơn Nam đã phát biểu như thế.

Lại nhớ hôm kia, sau chầu lai rai chia tay ra về, một người bạn ôm vai thân mật bảo y, đại khái, phải viết như quyển này, quyển nọ mới thật sự là ghê gớm. Quyển gì? Nghe kể ra một loạt quyển, bỗng giật mình tỉnh rượu. Vẫn là những quyển bàn về chính trị, thời cuộc mà y nào có quan tâm gì đến. Chính trị vẫn là một lãnh vực y vốn mù mờ, làm sao dám đặt bút viết? Lại nghĩ, tùy theo vị trí, thế đứng, mỗi người có góc nhìn khác nhau về một sự việc. Có người nhìn A, có kẻ nhìn B. Dẫu có hoặc không có thông tin thì liệu sự nhận định ấy có đúng? Đúng lúc này nhưng về sau chắc gì đã đúng? Bởi, tùy theo góc nhìn của mỗi người, mỗi thời. Mà thôi, mỗi người có mỗi sở trường, ham hố làm chi. Vấn đề căn bản nhất vẫn là nhìn nhận sự lao động của mỗi người, miễn là họ viết hết lòng, sống hết lòng cùng trang viết bằng giọt mồ hôi trên vầng trán. Nếu thích, hãy vỗ tay một tiếng, bằng không hãy im lặng để họ tiếp tục viết.

Thể loại Feuilleton, không bàn sâu về nó, chỉ nói rằng, đó chính là một trong những cách giúp nhà văn trở nên chuyên nghiệp hơn. Mỗi ngày phải viết. Đến hẹn lại lên. Đến giờ phải giao bài. Không thể chần chừ. Không đợi cảm hứng. Cảm hứng à? Làm gì có cảm hứng. Phải viết như mọi thói quen. Như đói thì ăn. Như sống  thì thở. Ngay cả lúc mày mò tìm cảm hứng, đã sống chết với nghề thì cũng có tác phẩm như ai. Tản Đà là một thí dụ. “Hôm qua chửa có tiền nhà/ Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào/ Đi ra rồi lại đi vào/ Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ”. Trong cái sự quẩn quanh, bứt rứt bởi trong túi không còn xu teng nào mà ngày mai đã đến hạn đóng tiền nhà, vẫn ra thơ đấy chứ?

Lúc này, sẽ viết gì nữa? Chẳng thể biết. Thôi thì, ngày viết mỗi ngày, ngày sống đời thơ, ngày đi trên chữ, ngày trong nếp ngày như từng ngày vẫn thế. Vẫn rị mọ, mày mò, tiếp tục tìm hiểu về tiếng Việt như lâu nay vẫn làm. Miễn thấy thích, thấy vui là đã hài lòng. Hài lòng với chính mình là một nguồn vui sống. Tìm kiếm đâu xa. Mấy hôm nay vẫn đọc. Lại nhớ, ngày 7.4.2003 tại Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh, bấy giờ anh, Lê Hoàng -  Giám đốc NXB Trẻ đã công bố với báo giới về “Việc mua bản quyền toàn bộ tác phẩm Sơn Nam”, có nhà báo “tò mò” đặt câu hỏi với ông già Hương rừng Cà Mau: “Thưa ông, ông có thể cho biết số tiền mua bản quyền là bao nhiêu?”. Ông đã nheo mắt hóm hỉnh: “Ai lại đi hỏi một người khác rằng, trong túi của anh có bao nhiêu tiền?”. Ai nấy đều cười vang vui vẻ. Âu đó cũng tính cách bông lơn thường gặp ở Sơn Nam.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.12.2017

25348555_1469132306540628_3941738160584164404LAP_n

 

Hôm qua, ngày 22.12, không hề có một cuộc điện thoại, tin nhắn nào như mọi năm. Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù gì, y cũng cựu chiến binh nhưng rồi chính y cũng quên béng. Đến nay, vẫn còn nhớ đến 1 trong những lời thề quân nhân: “Không lấy cây kim, sợi chỉ của nhân dân”. Chỉ còn nhớ đến đó, sau dằng dặc tròn 30 năm rời khỏi quân ngũ.

Sáng nay, đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM dự hội thảo Cao Xuân với Ngôn ngữ học Việt Nam do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức. Thông tin này, hoàn toàn không xuất hiện trên báo chí. Do nhà báo không quan tâm chăng? Do biết nhưng không đưa tin vì cứ nghĩ chẳng mấy ai quan tâm chăng? Đôi lúc, chẳng rõ thiên hạ đang quan tâm đến những gì? Thì cứ nhìn từ báo chí chính thống đến các trang mạng xã hội, có thể đo lường, kiểm chứng sự quan tâm của đám đông trong mỗi thời điểm khác nhau. Tốt thôi. Còn quan tâm, phản biện, đả kích, nâng bi, tán thành vấn đề gì đó đã là tốt, vẫn còn hơn sự dửng dưng, vô cảm.

Tuy nhiên sự kiện liên quan đến nhà ngôn ngữ học tài ba thuộc hạng cự phách mà ít ai biết đến, kể ra cũng lấy làm buồn. Buồn mà chi. Chỉ khi nào trong một xã hội mà sự ổn định và phát triển là gam màu chủ đạo, bấy giờ con người ta mới quan tâm đến học thuật, văn hóa, những giá trị lâu bền bằng không vẫn là những vấn đề thời sự sát sườn có tác động đến cơm áo gạo tiển mỗi ngày.

Trong tham luận Nhớ Cao Xuân Hạo và vững tin, nhà nghiên cứu An Chi cho biết, lúc ông Hạo bát tuần, ông đã có phác thảo trong đầu câu đối mừng. Nhưng rồi 7 năm sau, ông mới gửi tặng: “Ngữ học siêu quần - Văn khoa bạt tụy”. Điều đáng chú ý, trong tham luận này, về vấn đề từ láy, ông An Chi cho rằng: “Cái gọi là từ láy sở dĩ bị thấy thành láy thì chỉ là do cái cảm thức về mặt đồng đại của người sử dụng tiếng Việt, kể cả các nhà Việt ngữ học chứ tiếng Việt không bao giờ có kiểu tạo từ bằng phương thức “láy”.

Và ông dẫn chứng: “Tôi thấy trong bủn rủn, chẳng hạn thì cả bủn lẫn rủn đều là những thành tố có nghĩa hoặc vốn có nghĩa. Nếu không có nghĩa thì rủn không thể có mặt trong từ rủn chí, còn bủn thì hiện vẫn thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ với nghĩa “mủn, mềm nhão; ươn, không còn tươi”. Trong bứt rứt thì bứt lẫn rứt đều hiển nhiên là những thành tố có nghĩa. Trong bời rời thì rời hiển nhiên là một từ độc lập có thể hành chức một cách tự do, còn bời không chỉ hiện diện trong bời rời, mà còn có mặt trong tơi bời. Khi một tiếng (âm tiết) có mặt trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa thì đó phải là (hoặc vốn là) một từ”.

Từ quan niệm này, ông An Chi đã tập trung khảo sát, phân tích và đưa ra một kết luận quan trọng: “Người sử dụng ngôn ngữ chỉ cần biết nghĩa của bịn rịn, bối rối, bời rời, mấp máy, nhấp nháy v.v… mà không cần biết bịn, bối, bời v.v… có nghĩa gì. Với anh ta thì trong những cặp đôi đó, hiện tượng láy là điều hiển nhiên nhưng mọi sự đều phải dừng lại đây, chứ nếu dựa vào đó mà khẳng định rằng “láy” là một phương thức tạo từ của tiếng Việt thì hoàn toàn sai. Chính từ quan niệm như thế nên tôi thấy muốn phủ nhận hiện tượng được phương thức “láy” như một biện pháp tạo từ thì phải làm từ nguyên, mà trọng yếu là từ nguyên của những từ Việt gốc Hán. Từ nguyên sẽ giúp ta giải mã cái bí ẩn lấp ló, thấp thoáng đàng sau hiện tượng “láy”. Nó sẽ giúp cho ta cảm thấy sảng khoái và thở phào nhẹ nhõm mỗi khi ta tìm ra được cái nghĩa đích thực của từng từ cổ hoặc hiện hành, bị gán cho cái nhãn “yếu tố láy”.

Sở dĩ ông An Chi lấy nhan đề tham luận Nhớ Cao Xuân Hạo và vững tin, vì rằng, ông cho biết “mừng như cá gặp nước” khi đọc bài Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng của Cao Xuân Hạo công bố trên tạp chí Ngôn ngữ số 2.1985. Ông Hạo viết: “Không bao giờ chúng ta có thể dám chắc từ thứ hai của tổ hợp nào đó không có nghĩa thực trước khi tra hết bộ Từ Hải và tìm hiểu vốn từ của tất cả các thứ tiếng Việt - Mường, và rộng ra là các tiếng Môn - Khmer nói chung qua từng giai đoạn của chục ngàn năm diễn tiến”.

Chẳng phải ăn theo nói leo, té nước theo mưa, phải nói thật rằng, trước đây, khi mày mò tìm hiểu về tiếng Việt, y đã nghĩ ra điều đó một cách cảm tính. Trong bài báo Lập thân hèn nhất ấy văn chương, có đoạn: “Y nghĩ, gọi “tiếng đệm/ tiếng đôi” gì đi nữa, chắc chắn cả 2 từ đó đều có nghĩa, cùng nghĩa, dần dà về sau, do cách nói gọn, người ta bỏ đi 1 cho gọn nên thế hệ sau, nhiều thế hệ sau cứ ngỡ là từ đó vô nghĩa. Nói thì nghe hay lắm, thử nêu vài thí dụ đi. Xin vâng, chẳng tìm đâu xa, cứ lật Từ điển Việt-Bồ-La (1651) ắt rõ, chẳng hạn, mắng mỏ, mắng thì dễ hiểu rồi, mỏ là nổi giận.; sợ sệt thì sệt là sự kinh khiếp; yêu dấu thì dấu là mơn trớn, vuốt ve, gớm ghiếc thì ghiếc là buồn nôn cùng nghĩa với gớm ghỉnh v.v… Rõ ràng cả hai từ cùng một nghĩa đấy thôi. Rồi nữa nóng sốt. Sốt là gì? Cũng là nóng, há chẳng từng nghe đến “câu sốt câu nguội” là chỉ sự trò chuyện hàn ôn/hàn huyên rét ấm? (Ngày đi trên chữ - NXB Hội Nhà văn - 2017, tr.97).

Khác với các bậc thầy như Cao Xuân Hạo, An Chi đã chứng minh rành mạch, thuyết phục, cậu học trò là y chỉ “phát hiện” bằng sự cảm tính mà thôi. Đọc/ nghe một tham luận mà cảm thấy vỡ vạc ra nhiều điều, sáng nay với y, chính là bài viết của An Chi.  

Về ông Cao Xuân Hạo, còn nhớ chừng hai mươi năm trước, cô bạn người Nga Irina có kể mẩu chuyện nhỏ, đại khái trong khoảng thời gian đó, vì lý do riêng, cô không muốn nghe bất kỳ cuộc điện thoại nào của người Việt. Hễ các cuộc điện thoại nào gọi đến, qua các phát âm của họ, người nhà đều nhận biết người Việt hay người Nga mà cho gặp hay không. Ngày nọ, có cuộc điện thoại, người nhà gọi cô ra nghe, vì chắc mẫm người vừa gọi đó là người Nga chính hiệu. Nào ngờ, chính là ông Cao Xuân Hạo. Chi tiết này cho thấy, ông Hạo phát âm rất chuẩn tiếng Nga. Nghe nói, khi dịch tác phẩm văn học nước ngoài ra tiếng Việt, trong cùng một lúc ông dịch 2, 3 ngoại ngữ là sự thường tình. Cách dịch của ông là đọc từ nguyên bản, dịch đến đoạn nào, tiếng nước nào thì ông nói to lên cho thư ký ghi lại. Quá siêu.

Những ngày này, trời Sài Gòn trở rét. Lạnh nhiều hơn mọi năm. Mỗi sáng, ra khỏi nhà đã phải mặc thêm áo ấm. Vào dịp cuối năm, con người ta thường nghĩ về 365 ngày vèo vèo trôi qua đã làm được những gì? Y làm được những gì? Ngoài tái bản Chuyện tình các danh nhân Vệt Nam (2 tập) là 7 quyển sách mới: Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, Tình ta đang nhảy Rock, Ngày sống đời thơ, Lắt léo tiếng Việt, Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin, Ngày đi trên chữ, Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc. Kể ra cũng là một bút lực ghê gớm của một người kiếm sống bằng các con chữ. Tìm niềm vui lẫn giết thời gian từ các con chữ.

Do mê, thích các con chữ tiếng Việt nên thỉnh thoảng lưu tâm tư/ cụm từ vừa mới được sử dụng. Gần đây nhất, tạo nên sự bỡn cợt, tranh cãi nhiều nhất vẫn là cụm từ “Nâng đỡ không trong sáng”. Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 17.12.2017, có post bài Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Quỳnh Anh: Hiểu thế nào là “nâng đỡ không trong sáng”? Ta hãy đọc: “Người thì bảo “là trong bóng tối”, người khác lại bảo “là tranh tối tranh sáng", "là nhá nhem"... Có người nêu nội dung: Vậy "nâng đỡ trong sáng" thì sao, có được không, có sai không? "Nâng đỡ" là khái niệm chỉ sự tác động ngoại lực vào một vật để dịch chuyển vật này lên vị trí cao hơn, và vẫn phải tiếp tục tác động ngoại lực để vật này không rơi xuống, nghiêng, đổ.

Theo nghĩa trên, trong công tác cán bộ nếu phải "nâng đỡ" mới có được cán bộ thì chúng ta sẽ tạo ra những cán bộ "dặt dẹo", không có năng lực để thực thi công vụ; mà phải giả dối, phải "chém gió", phải kiễng lên cho đúng tầm vị trí được nâng đỡ. Hậu quả là những "cán bộ cà kiễng" này sẽ làm cho bộ máy quản lý nhà nước kém hiệu quả, mất uy tín. Một hậu quả khác, cũng tất yếu theo quy luật nhân - quả, nhưng chỉ người "trong cuộc" mới thấm thía. Đó là "đứng kiễng chân thì không đứng được lâu".

"Đứng kiễng chân", như các cụ dạy, là khổ lắm, chẳng sướng đâu. Lúc nào cũng phải tính toán giấu dốt, diễn kịch, làm trò và lo lắng. Lo lắng đủ kiểu. Mà cái lo nhất là lo mất đi sự "nâng đỡ". Bởi để có thể "nâng đỡ" ai đó thì người "nâng đỡ" phải có quyền, có tiền. Nhưng quyền lực đến lúc nào đấy cũng mất đi, yếu đi, thường là tồn tại theo nhiệm kỳ; tiền cũng vậy, và không phải mọi trường hợp đồng tiền đều phát huy được sức mạnh vật chất của nó.

Vậy nên, khi sự "nâng đỡ" mất đi, các "cán bộ kiễng chân" thực sự lo sợ, lo không tìm được thế lực mới để "tầm gửi" thì "ngã ngựa" là kết cục. Vừa rồi hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, cách tuột các chức vụ, thậm chí dính vòng lao lý, đã chứng minh điều đó. Tóm lại, "nâng đỡ" cho ai đó có chức, có quyền là hành vi sai trái đối với nhân dân và cả với người được "nâng đỡ". "Nâng đỡ" dù với tình cảm vô tư, không vụ lợi, thậm chí như vì con cái mà "hy sinh đời bố, củng cố đời con" thì suy cho cùng cũng không thể gọi là trong sáng được”.

Với họa sĩ LAP của báo Tuổi Trẻ Cười, anh vẽ tranh biếm liên hoàn - 1: “Nâng đỡ trong tối” là người đàn ông từ phía sau chui tọt vào váy cô gái đó; 2: “Nâng đỡ trong sáng” là người đàn ông đó cồng kênh cô gái đó ngồi trên vai và được cô xoa đầu; 3: “Nâng đỡ không trong sáng” là người đàn ông đó khom lưng cúi xuống, dưới chân có mấy cái vỏ ốc, trên vai lại cồng kênhngười đàn ông khác ôm chặt và thọc tay vào ngực cô gái đó. Bức tranh của LAP có nhiều comment, phổ biến  nhất vẫn là “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Thế thì, cái nghĩa của “Nâng đỡ không trong sáng” là ở đó, chứ còn gì nữa.

Tạm ghi lại một vài sự kiện trong năm qua theo bình chọn của các trang mạng xã hội. Đại khái, chỉ lướt qua nhanh, chẳng hạn, Nhân dân của năm: Đồng Tâm; Người đi mây về gió của năm: Trịnh Xuân Thanh; Tiền lẻ của năm: BOT Cai Lậy; Nghề buôn phát đạt của năm: Buôn chổi đót xây biệt phủ;  Phát minh của năm: Cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền; Cụm từ mới của năm: Nâng đỡ không trong sáng; Ca khúc của năm: Con đường xưa em đi; Hàng hóa đình đám của năm: Khaisilk; Câu nói của năm: Đám quần chúng không hiểu gì nhảy vào ném đá v.v…

Còn gì nữa không? Tất nhiên là còn. Tiện tay chép lại một đoạn ngắn trong bài báo Phụ huynh hốt hoảng vì không thể giải nổi đề lớp 2: “Một lần cô con gái lớp 2 mang về bài toán “có tất cả bao nhiêu số có 2 chữ số mà hiệu của hai chữ số đó bằng 6?”. Chị nói mình đã giảng hoài nhưng con vẫn không thể tự làm nên chép luôn cho con kết quả là 4 số (71, 82, 93, 60). Hôm sau đi học về, vừa bỏ cặp xuống bàn cô con gái la lớn “mẹ giảng cho con bài ấy sai rồi nhé. Cô con nói có 7 số kia (17, 71, 28, 82, 39, 93 và 60). Nói rồi con thắc mắc “sao số 17, số 28, số 39 lại đúng hả mẹ, số nhỏ đứng trước có trừ được cho số lớn đâu?”. Lúc này, chị mới hiểu ý của đề mà lúc trước chị cũng nhầm lẫn như thắc mắc của con nhưng để giảng cho một đứa bé 7 tuổi hiểu được vấn đề cũng chẳng hề đơn giản tí nào (nguồn: Trang điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17.12.2017).

Bài toán của học trò lớp 2 đấy.

“Con cái chúng ta giỏi thật”, đâu phải mỗi nhà văn Azit Nezin thốt lên câu này.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.12.2017



NGOIBUIONVECHOICHO_BVUI_6R

 

Chân trong chân ngoài”, thành ngữ này ngụ ý điều gì? Anh chàng nọ vốn “anh hùng râu quặp” bị cô vợ chì chiết: “Anh dạo này coi mòi đã “Chân trong chân ngoài”, đã thế, “chân ngoài” lại dài hơn “chân trong”. Liệu hồn đấy”. Chỉ cần nge câu ấy, gã Thúc Sinh nọ đã hoảng hốt, hồn xiêu phách lạc. Bởi vì rằng, chuyện léng phéng với “phở” đã bị “cơm” phát giác. Lại nữa, sếp cơ quan nọ phê bình nhân viên nọ: “Ăn cây nào rào cây ấy. Chớ có chân trong chân ngoài đấy nhá”. Đích thị sếp cằn nhằn việc chạy show, làm ăn thêm bên ngoài.

Y có “Chân trong chân ngoài”? Có, chứ sao không. Thỉnh thoảng vẫn viết cộng tác với nhiều tờ báo khác. Gần đây, từ nhiều năm mỗi tuần phải nghĩ ra một tình huống về tình yêu, hôn nhân gia đình. Viết ròng rã, liên tục. Nhờ thế sau này mới có các tập sách như Tôi và đàn bà, Gái đẹp trong tôi, Tình éo le mà lý oái oăm, Khi tổ ấm nhảy Lambada, Thật tuyệt tình ta thôi trúc trắc… Cơ quan ấy, thỉnh thoảng y vẫn đến lấy báo biếu, ký nhận nhuận bút. Từ phòng khách nhìn ra sân đã thấy cây khế, đến mùa thì hoa nở tím, rụng đầy sân. Tự dưng có cảm tình, gần gũi.

Mới đây, ghé lại, đã khác. Cơ quan ấy, dãy nhà một tầng ấy đã cho thuê bán cà phê. Ban bệ phòng ốc dành cho trị sự, phóng viên thu gọn lại về phía sau, đi cổng ngang hông. Tức là tòa soạn thu hẹp lại đến mức có thể “Để kiếm thêm tiền nuôi quân”, anh bạn phụ trách nơi ấy cho biết. Nói cách khác, làm báo bây giờ khó có thể sống bằng nghề báo, bán báo, phải kiếm thêm nguồn thu khác. Đã qua rồi cái thời nhà báo được trọng vọng, ăn trên ngồi trốc.

Còn nhớ thuở ấy, có những cuộc họp báo đôi lúc trễ giờ, không tiến hành đúng thời gian đã ấn định chỉ vì phóng viên thuộc báo của cơ quan Đảng bộ, đài truyền hình chưa vác xác đến. Còn nhớ thuở ấy, nhất là ngoài Hà Nội một khi tổ chức sự kiện long trọng gì, trong phần quà biếu đại biểu bao giờ cũng kèm theo tờ Nhân dân, trong đó có đăng bài viết về đơn vị đó. Qua đó thấy rằng, sự có mặt của những tờ báo trên, chính là “nhãn hiệu cầu chứng tại toàn”  - như cách nói quen thuộc của người miền Nam trước đây.    

Thời ấy, đã qua rồi.

Các trang mạng xã hội đã làm nên một sự thay đổi kỳ diệu. Phân tích chuyện này dài dòng lắm, chi bằng phớt lờ quách. Chỉ biết rằng, trước kia mọi việc phải cần đến báo chí chính thống lên tiếng, muốn được thế còn phải chờ nhà báo sàng lọc, chọn lọc, nhìn trước ngó sau, cân nhắc mọi bề; nay không nhất thiết. Ai cũng bình đẳng trong việc công bố thông tin, kể cả tin bịa đặt. Đã có lắm sự kiện rình rang trên báo chí, chính là “ăn theo” từ nguồn tin đã được công bố trước nhất trên các trang mạng xã hội. Ông/bà nhà báo chuyên nghiệp được cấp thẻ dù muốn dù không đần dần cũng ngang cơ với nhà báo tay ngang, độc giả trong việc sở hữu/ tìm kiếm/công bố thông tin.

Đừng nói đâu xa, có phải trước đây các đồng nghiệp của y nếu buổi sáng không cầm lấy tờ báo mới, cảm thấy thiếu sót, áy náy, không yên tâm. Phải tìm đọc cho bằng được. Nay, có hoặc không của một/ nhiều tờ báo chẳng gì quan trọng. Chỉ cần cầm cái điện thoại là xong tất. Tha hồ đọc/xem/ nghe thời sự đang diễn ra từng giờ, chứ chưa nói đến từng ngày. Điều này có nghĩa các nhà báo với cách làm báo truyền thống đang đứng nguy cơ… viêm màng túi. Tiền lương ngày một ít dần. Thu nhập ngày càng bèo. Số lượng in mỗi kỳ ngày một teo tóp dần.

Đôi lúc y tự an ủi, dù gì mình cũng đã sắp nghỉ hưu rồi, sắp rời khỏi cuộc chơi ngày càng thoái trào. Dù cố gắng đến mấy, thú thật cũng không thể tác nghiệp vụ nhanh chóng bằng cánh nhà báo trẻ. Cách viết đã khác. Thu thập thông tin đã khác. Ngày trước, trong cơ quan y đã từng cãi nhau chí chóe rằng, một khi đi tác nghiệp có cần phóng viên ảnh đi theo chụp hình hay không? Tùy mỗi bao có quy định riêng. Nay, cánh nhà báo trẻ không thèm quan tâm chuyện đó nữa. Không chỉ chụp hình mà họ còn quay phim, dựng thành các clip, đoạn phim ngắn minh họa cho các bài viết. Dụng cụ ấy có gì? Chỉ cần cái điện thoại là xong. Thế thì, đồng nghiệp thế hệ y còn biết kiếm cơm bằng cách nữa hả trời?

Viết đến đây sực nhớ không biết dạo này sức khỏe anh P ra sao.  Nhớ vì  thời mới tấp tễnh vào nghề báo, y có theo học lớp đào tạo nghiệp vụ do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Lần nọ, anh P có kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh. Qua đó, có thể thấy nhà báo oách như ông trời con. Rằng, theo sự phân công của ban biên tập, từ thủ đô anh đi về xã nọ, huyện nọ tìm hiểu để viết bài về mô hình hợp tác xã đang phát triển. Lúc đến nơi, các ông bà trong ủy ban nhân dân nọ thấy anh trẻ quá, mặt mũi non chẹt nên ơ thờ, không tiếp đón chu đáo, anh cáu lắm. Sau đợt thâm nhập thực tế ấy, anh về méc với tổng biên tập về thái độ xem thường vai trò của báo thuộc Đảng bộ. Chuyện gì xẩy ra? Tay tổng biên tập quyết định không tuyên truyền cho xã nọ trong vòng sáu tháng! Thế mới biết, báo chí thời bao cấp đó ghê gớm lắm, chớ có giỡn mặt.

Thời ấy, đã qua rồi.

Mấy hôm nay, vẫn còn bàn tán trên báo chí, trang mạng xã hội về nội tình vấn đề vừa xẩy ra đã khiến y ca thán: “Thế thì, bao nhiêu năm các con em chúng ta đã được học hành, học tập từ các bậc nhà giáo uyên bác và  đáng kính ấy?” (Nhật ký 14.12.2017). Bài báo Đề thi bế tắc, đọc thấy thất kinh là một thí dụ, có đoạn: “Vì sao chọn Chi Pu vào đề thi? Bản thân cái tên "Chi Pu" - dù mỗi cá nhân có quyền đặt "nghệ danh" cho mình - đã thấy lợn cợn, tối nghĩa. Về tên tuổi "ca sĩ" này cũng chưa đủ "trọng lượng" để người ta biết tới và để tâm. Mà phải chi chuyện Chi Pu và các đồng nghiệp là chuyện đẹp đẽ, đáng noi theo. Đó là chuyện xấu, vì hiềm khích mà công kích, miệt thị nhau. Có hay ho gì mà đưa vào đề thi? Có hay ho gì mà bắt học sinh phải hóa thân vào và viết tự sự?

Nên nhớ, thi cử là một hoạt động quan trọng của giáo dục. Đề thi là công cụ, là ngữ liệu của giáo dục. Văn học là nhân học. Nhân vật và câu chuyện trong thế giới văn chương thường có sức mạnh sai khiến người ta. Thế giới showbiz vốn lắm thị phi, điều tiếng, thực tế cho thấy đã gieo vào đầu óc giới trẻ mặt trái nhiều hơn tiếng lành. Vì thế, chọn một câu chuyện lùm xùm trong giới giải trí, chọn một cá nhân như Chi Pu vào đề Ngữ văn là một sự ấu trĩ, lố bịch, phi giáo dục. Còn có bao nhiêu chuyện khác tử tế hơn, phạm vi tỏa rộng hơn, sâu sắc và nhân văn hơn, sao không chọn? Những người ra đề đừng vin vào yếu tố "thời sự" để thể hiện sự ngây ngô và bế tắc của mình.

Sốc không kém là Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) yêu cầu học sinh viết cảm nhận về đề xuất cải tiến tiếng Việt "gây bão" vừa qua của PGS-TS Bùi Hiền. Nội dung này có trong đề thi môn Ngữ văn lớp 12, thi học kỳ I vừa diễn ra. Một trường chuyên khác, ở Hà Nội, cũng đưa câu hỏi tương tự vào đề, chiếm đến 7.0 điểm! Những em học sinh khối 12 mới 18 tuổi thì làm sao đủ kiến thức về ngôn ngữ và trình độ, tư duy khoa học để mà đánh giá? Thầy - cô các em có chắc là viết nổi không mà bảo các em viết? "Gài" đề kiểu đó có khác nào lái các em viết theo hướng dư luận như thời gian qua, thiên về công kích PGS-TS Bùi Hiền. Đó là chưa nói đến việc nhiều em không quan tâm hoặc không biết đến chuyện này. Như vậy là phản giáo dục, là triệt tiêu sáng tạo.

Đáng nói hơn, đó là việc làm thất lễ. PGS-TS Bùi Hiền đã 83 tuổi, từng là phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, dành nửa cuộc đời nghiên cứu tiếng Việt. Đề xuất của ông mới chỉ là bài tham luận in trong kỷ yếu hội thảo khoa học, dù có thể gây ý kiến bất đồng nhưng không vì thế mà phải đem ra để cho các em học sinh "hỉ mũi chưa sạch" phán xét. Đọc cái đề mà thấy thất kinh! Làm người ai làm thế?! Các em học sinh dẫu làm gì cũng không có lỗi. Lỗi bất kính thuộc về những người ra đề và duyệt đề - những người dạy dỗ các em kiến thức lẫn những bài học làm người (nguồn: báo Người lao động ngày 12.12.2017).

Mà đâu chỉ có thế.

Trước đây, các bậc phụ huynh cũng từng choáng với các đề thi đậm mùi showbiz. Chẳng hạn, bình về bài “hit” Em gái mưa của ca sĩ Hương Tràm; chỉ ra thông diệp trong bài hát Lạc trôi của Sơn Tùng M - T vớ những câu lảm nhảm: “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời/ Ta lạc trôi giữa trời”, thậm chí ca sĩ này đau răng cũng vào đề thi! Ối dào, “nữ hoàng nợi y” Ngọc Trinh với câu nói thực dụng: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”, rồi Ba Tưng cũng quá nhiều tai tiếng cũng nhảy xổm vào đề thi. Tội nghiệp các em.

Thi sĩ Tú Xương có đội mồ sống dậy, các nhà báo đến hỏi cảm tưởng ra sao ắt cụ lại thở dài: “Học trò chúng nó tội gì thế/ Để đến cho ông vớ được đầu?”. Nếu phỏng vấn y thì sao? Y xin nhắc lại câu kết của bài báo in báo Người lao động vừa nêu trên: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có ý kiến chỉ đạo về tình trạng ra đề phản tác dụng như vậy. Đưa chuyện thời sự vào đề thi là bổ ích nhưng không phải vì thế mà lạm dụng hay làm càn. Ngay cả người làm giáo dục mà không biết đâu là giá trị chân xác của giáo dục, thể hiện sự lố bịch trong việc ra đề thi (như đã nêu), thì xã hội này biết trông chờ vào ai, biết trông cậy vào đâu để tiến bộ, văn minh!”.

Câu hỏi này, chẳng mới mẻ gì. Thiên hạ đã gào lên nát nước nhưng rồi bốn phương vẫn lặng như tờ. Chỉ là đá ném ao bèo.

Riêng về chuyện cải cách chữ Quốc ngữ gây tranh cãi dữ dội trong dư luận, y đã viết và phát biểu nhiều về vấn đề này, tựu trung vẫn nhấn mạnh: Mọi can thiệp theo ý chủ quan của cơ quan quyền lực/ cá nhân nào, cuối cùng chỉ dẫn đến sự thất bại thảm hại. Hoàn toàn đống ý vơi ý kiến của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi trả lời trên báo Thể thao & Văn hóa ngày 11.12.2017: “Chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học. Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không”.

Và anh nhấn mạnh: “Theo tôi, những cải tiến đơn giản, tiện lợi và không gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt xã hội thì có thể làm được. Chẳng hạn trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc thêm các phụ âm như j, f, w, z... vào bảng chữ cái để người Việt, đặc biệt là trẻ em, có thể đọc, viết được những từ thông dụng như quần jean, nhạc jazz, wifi, lướt web, bánh pizza... là rất cần. Chữ viết là công cụ giao tiếp, diễn đạt, do đó tiêu chí hàng đầu là thuận tiện cho người sử dụng - cả người viết lẫn người đọc. Mọi cải tiến, luật hóa nếu đưa đến sự bất tiện sẽ khó được cộng đồng chấp nhận, vì vậy tính khả thi không cao. Hiện tượng này không chỉ chữ Việt mới gặp phải mà xảy ra ở nhiều ngôn ngữ trên thế giới”.

Tuy nhiên, ta phải thừa nhận rằng, từ hình thức ký âm từ Từ điển Việt - Bồ - La của Nhà truyền giáo Đắc Lộ (1651) đến Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của đã có sự thay đổi. Rồi sau đó vẫn còn thay đổi,  Sự thay đổi này, do nhà từ điển ghi nhận từ cách viết/ lời ăn tiếng nói đã phổ biến và được chấp nhận trong cộng đồng. Nói cách khác, chính cộng đồng đã “cải cách” và dần dần trở nên thông dụng, chứ không từ một can thiệp nào có tính cách hành chánh.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.12.2017

 

tranh-ganh-pho-rong-1read-only-1512702556675

Tranh "Gánh phở rong ở Hà Nội" của Maurice Salge (1913)

 

Đã viết bao nhiêu Tựa, Bạt cho bạn bè bồ tèo đồng nghiệp? Khó có thể nhớ hết. Hôm kia Phan Hoàng điện thoại bảo viêt cái gì đó cho tập sách sắp in. Nhận lời ngay. Y thích chơi với những ai chịu khó làm việc. Cứ viết. Cứ in báo. Cứ ra sách. Nhận sách mới của bạn bè, đôi lúc giật mình tự nhủ: “Ủa, còn mình thì sao?”. Hôm nọ, có người bảo: “Chơi với X chán như con gián, hắn ta kiêu căng lắm”, y trả lời: “Kệ, hắn ta có tài, chịu khó làm việc”. Chỉ cần thế là đủ còn hơn những ai khác dù khiêm tốn nhưng chẳng viết gì nên hồn, chỉ “chém gió” là giỏi. Hạng người đó mới đáng chán. Chán vì chơi với họ mình chẳng bắt chước thêm được gì hay ho, bất quá cũng chỉ là những buổi thù tạc “buôn dưa lê” lảm nhảm. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bạn bè văn nghệ, một khi với người ham thích viết, chịu khó viết, dù không nói ra nhưng cũng là một cách để tự mình noi gương theo.

Viết gì cho Phan Hoàng? Viết rằng: “Phan Hoàng, nhà thơ? Tất nhiên. Phan Hoàng, nhà báo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người viết biên khảo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo? Tất nhiên. Trong cái sự tất nhiên ấy, hoàn toàn không có gì ngẫu nhiên. Nghĩ cho cùng, làm nên các trang văn của Phan Hoàng qua từng năm tháng vẫn là đi, đọc, quan sát, nhận xét và cuối cùng là viết. Miệt mài viết. Nghề văn, hạnh phúc nhất, hài lòng nhất là gì? Viết. Không có một từ nào có thể hoán đổi và so sánh với niềm vui kỳ diệu ấy.

Tôi quen biết Phan Hoàng từ những năm anh còn là sinh viên. Trong số các nhà báo tương lai ngày ấy, khi cộng tác với trang Nữ sinh viên của báo Phụ Nữ TP.HCM do tôi phụ trách, nay, hầu như chẳng mấy ai theo nghề. Cả thẩy hầu hết bỏ cuộc, Phan Hoàng vẫn tiếp tục bền bĩ.

Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra là tập sách mới nhất của Phan Hoàng. Cũng phải thôi, nhũng người tứ xứ đến lập nghiệp, như Phan Hoàng chẳng hạn, đã đến lúc viết cái gì đó về vùng đất này. Một địa danh của tình cảm gắn bó. Một không gian sống để thành danh như hôm nay. Âu cũng là tình là nghĩa của một nhà thơ đã tự nhủ: “Với Sài Gòn - vùng đất không phân biệt gốc tích xuất thân, nếu chịu khó làm việc, sống nghĩa tình với nhau thì ai cũng có thể làm tốt công việc mà mình yêu thích. Và tôi, một trong số những người đó. Không chỉ là quê hương thứ hai cưu mang, nâng cánh cho mình mà tôi yêu thành phố này còn vì những con người tài năng, hào hiệp, nghĩa tình mà thế hệ nào cũng nổi lên những hình ảnh đáng trân trọng”.

Vâng, trong tập sách này thêm một điều khiến ta cảm tình với Phan Hoàng còn là những tên tuổi, những ân nhân, những đồng nghiệp mà anh đã từng gặp gỡ từ những ngày đầu tiên đến với Sài Gòn. Anh nhắc lại sự ân tình. Có trước có sau. Có thủy có chung. Nào riêng gì anh, nhiều người thanh danh cũng chọn lấy phép ứng xử ấy.

Hãy cầm lấy Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt và chia sẻ tiếng lòng của Phan Hoàng đã nói hộ cho nhiều người: “Thành phố lớn nhất đất phương Nam ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị và có sức hấp dẫn lớn, luôn dung nạp, cảm hóa, tạo bệ phóng cho những tài năng dựng nghiệp. Nhất là những người sa cơ thất thế. Thành phố này cũng là nơi mở đầu cho nhiều chương trình hoạt động xã hội từ thiện có sức lan tỏa rộng lớn trên tinh thần nghĩa hiệp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” của Lục Vân Tiên”...

Ấy cũng là tinh thần xuyên suốt của tập sách này.

Bên cạnh đó, Phan Hoàng còn viết về “cổ tích” của Sài Gòn qua các giá trị văn hóa, những đổi thay thăng trầm năm tháng. Thật ra vấn đề này nhiều người đã viết, và sẽ còn tiếp tục viết nữa nhưng ở đây Phan Hoàng đã chọn cho mình một cảm hứng là thổi vào đó cảm xúc của thơ, của cái nhìn nhà thơ. Nhờ đó, cũng vấn đề đó nhưng qua cái nhìn của anh, nó đã có một sắc thái mới và đậm dấu ấn cá nhân.  

Khi hay tin Phan Hoàng ra sách mới (và cũng như các bạn văn khác), tự lòng tôi bao giờ cũng giờ cũng có tiếng reo vui. Tiếng reo ấy là đã bắt gặp đồng điệu của những con người lao động miệt mài cùng con chữ. Những người say mê làm việc và luôn có sách mới, tự họ cũng là một sự thôi thúc cho chính mình vậy”.

Viết về bạn cũng là viết về mình. Sự đồng điệu còn là chỗ đó.

Mới đây, về ẩm thực nước nhà, món phở một lần nữa được tôn vinh. Báo Tuổi Trẻ khởi xướng Ngày của phở Việt Nam, chọn 12.12. Vì sao chọn ngày này? Cứ như theo trả lời của Ban biên tập tờ báo này “là ngày dễ nhớ”. Trong khi đó, từ năm 2016, Người Nhật đã chọn 4.4 là Ngày phở Việt Nam tại Nhật Bản. Không rõ vì sao xứ Hoa Anh Đào lại chọn ngày này? Quái, chỉ thoạt nhắc đến phở, liên tưởng đến tái, nạm, gầu, sụn, lá xách, gầu gòn… là đã thèm thuồng.

Trong lúc ăn phở, có nhấm nháp thêm chút rượu thì tuyệt chăng? Có thể lắm, ví như rượu Hồng Đào chẳng hạn. Vấn đề này, chính y là người đã khơi dậy chừng mươi năm trước. Nay, không ngờ báo Công An Đà Nẵng ngày 14.13.2017 có bài viết Quanh chuyện "cô gái Hồng Đào" của Thái Mỹ, nhắc lại lần nữa. Cũng nhờ internet, nếu không làm sao có thể biết? Bài báo viết rằng: “Có lẽ đến bây giờ việc tranh luận rượu Hồng Đào có thật hay không có thật vẫn chưa đến hồi kết. Báo Thanh Niên điện tử ngày 11.3.2006 đăng bài "Rượu Hồng Đào hoàn toàn không có thật" của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, tiếp đó, ngày 18.3.2006, đăng tiếp bài tranh luận "Rượu Hồng Đào cớ sao lại không có thật?" của nhà báo Nguyễn Trung Dân. Chưa nói về nội dung, chỉ riêng hai cái tít bài thôi cũng cho chúng ta thấy mỗi người có một khẳng định trái ngược nhau.

Rồi ngày 3.11.2007, Báo Bình Định online có bài "Tìm quê cho rượu Hồng Đào" của hai tác giả Vĩnh Hảo - Thạch Trung có cái kết rất khác với nhiều người là rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu... Bàu Đá của Bình Định, ủ với trái đào tiên màu hồng tươi rất đẹp? Trái đào tiên có nhiều ở các vùng núi phía tây tỉnh Bình Định. Còn tại sao gốc tích rượu Hồng Đào ở Bình Định mà lại gắn bó với hai câu ca dao "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say" thì hai tác giả cho rằng năm 1471, vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam thứ 13 của Đại Việt. Khi ấy phần đất từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đèo Hải Vân mang tên huyện Điện Bàn, thuộc trấn Thuận Hóa. Đến năm 1604, Nguyễn Hoàng tách vùng đất này nhập vào trấn Quảng Nam. Vùng đất Quảng hồi đó rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên bây giờ.

Ngày 14.12.2007, Báo Quảng Nam online đăng bài: "Rượu Hồng Đào có gốc tích từ làng Bảo An" của tác giả Phó Đức Vượng đã khẳng định như tên bài báo. Tiếp đến ngày 29-9-2013, Báo Quảng Nam đăng bài "Xứ nào là xứ rượu Hồng Đào?"của tác giả Lê Nguyên Đại lại kết luận rượu Hồng Đào là thứ rượu huyền thoại, không có thật... Theo cuốn sách "Bảo An đất và người" (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng năm 1999) cho biết, làng Bảo An có bến Đường, tức là bến sông từ Bảo An ra sông Thu Bồn để chở đường của làng Bảo An đi bán khắp nơi trong nước. Do có nhiều đường, mật, người Bảo An sớm biết dùng để làm nguyên liệu nấu rượu. Rượu được cất bằng gạo tẻ hoặc nếp và mật hoặc đường. Men rượu được chế biến bằng thuốc bắc và dùng những dụng cụ bằng gốm tốt, vì vậy rượu Bảo An thơm ngon, nức tiếng từ lâu đời.

Còn theo truyền thuyết dân gian thì tại làng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam ngày xưa có một gia đình nông dân họ Nguyễn chỉ có hai cha con. Người cha  làm  nghề trồng dâu, nuôi tằm, gieo lúa và nấu rượu. Cô con gái mười tám, đôi mươi hàng ngày theo cha chăn tằm, dệt lụa. Cô gái tên là Hồng Đào, rất xinh đẹp, lại hiền thục, đoan trang nhất làng, được bà con gần xa thương yêu, quý mến. Vào mỗi chiều hàng ngày khi xong việc đồng áng, chăm tằm, dệt lụa, Hồng Đào còn phụ giúp cha bán rượu cho dân làng. Cha nàng nấu rượu bằng gạo lúa mới, ướp hương thơm từ những quả đào chín mọng rồi ủ trong chum sành, chôn sâu dưới đất nên rất thơm ngon…

Cũng theo các cụ cao niên vùng đất Gò Nổi thì rượu Hồng Đào là có thật. Ngày trước bà con nông dân nơi đây làm rượu theo lối thủ công với nguyên liệu chính là nếp hồng Bà Rén, một loại nếp đặc sản của Điện Bàn. Trong quá trình ủ men, người làm cho thêm trái bồ quân để tạo vị thơm ngọt và có  màu hồng rất đặc trưng. Ngày trước lúa gạo ít, bà con nông dân thường để lúa ăn đợi giáp hạt nên chỉ đến mùa gặt mới dành chút gạo nấu rượu. Gạo nấu phải là  lúa mới, không quá 100 ngày, được xay bằng cối tre, hạt gạo còn nguyên, xanh ngà, hạt cơm không nở to. Sau khi cơm nguội trộn với một ít men, ủ trong chum sành khoảng một tuần mới đem chưng cất rồi đổ rượu vào chum chôn dưới đất sau 100 ngày mới lấy lên dùng”.

Chà, vấn đề về rượu Hồng Đào đến nay gốc gác của nó ra làm sao, vẫn chưa thể có kết luận cuối cùng. Mà món phở cũng vậy chăng? Y đã viết nhiều bài về phở nhưng rồi cũng không thể tìm ra nguồn gốc phở. Chỉ có thể khảo sát từ sự ghi nhận của từ điển mà phát đoán năm ra đời. Chẳng hạn, Tự điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) cũng chưa có từ phở.

Cần lưu ý Tự điển Việt - Pháp của Genibrel (1898) đã có ghi nhận từ phở. Phở lỡ, làm phở, nói phở được hiểu theo nghĩa ồn ào, ầm ĩ, náo nhiệt, sôi nổi. Phở lại tương đồng với phớ như phớ lớ, la phớ lớ, mừng phớ lỡ hiểu theo nghĩa vui mừng, hoan hỉ… Mãi đến năm 1931 với Việt Nam tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo thì từ phở mới chính thức trình làng và được ghi rõ: "…Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò" và liệt kê ra phở xào, phở tái. Thật lạ, chẳng rõ vì lý do gì các từ phở/ phở lỡ lại không còn được ghi nhận, nó lại “nhảy” qua thành phớn/ phớn phở là “trỏ bộ vui mừng hí hửng”, nay Đại từ điển tiếng Việt (1999) xếp đồng nghĩa với “hớn hở”.

Vậy thì, các từ phở lỡ/ phớ lớ ấy mất đi chăng? Không hề, trong khi từ điển miền Bắc không ghi nhận nữa thì từ điển trong Nam lại còn. Bằng chứng là mãi đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ vẫn còn: “Phở: Vỡ, tiếng vang inh ỏi; phở trận: vỡ trận, to chuyện, la lối, dập phá v.v… Xét ra vẫn không khác gì hàm nghĩa mà Genibrel đã giải thích.

Tóm lại đi thôi, đang bàn về món ăn khoái khẩu lại nhảy vèo qua chữ với nghĩa, có nên chăng? Ừ, tóm lại năm tháng ra đời của phở chỉ có thể đầu thế kỷ XX, khoảng từ  thập niên 1910 -1920 chăng? Thử hỏi đến nay đã có cả thảy bao nhiêu loại phở? Tha hồ ngồi bấm ngón tay mà tính cho vui cái sự đời. À, việc gì phải nhọc công đến thế, cứ xem các nhà ngôn ngữ học đã lần lượt đưa nó vào từ điển là xong. Các sự liệt kê dù đầy đủ nhưng xem ra nhẹ hều, chẳng thể nào hấp dẫn bằng đôi thơ của Tú Mỡ. Thơ rằng: “Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi/ Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ/ Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ/ Ngọn rau thơm, hành củ thái trên/ Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm/ Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mủi”.

 Đọc ngâm nga tới chừng đó, đã muốn tắt máy vi tính, xuống phố thưởng thức bát phở ngon. Rồi ngâm nga câu thơ đã viết lúc ra Hà Nội: “Phở ạ! Sao mà trân trọng vậy/ Thưởng thức quán nào cũng thấy ngon/ Nước trong. Khói biếc. Tương cay đậm/ Tuyệt lắm. Trời ơi ! Tái nạm giòn/ Thêm một chút tiêu. Thêm chút ớt/ Cong cớn môi hồng cứ xuýt xoa/ Yêu em có lẽ vì … mê phở/ Vị ngọt trên môi cũng đậm đà”.

Em nào vậy hả Q? Nghe hỏi thế, y bèn cười.
 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.12.2017



24862164_810553412463358_5551402071256323193_n

 

Đã đọc Nhật ký qua các tập Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày, Ngày sống đời thơ, Ngày đi trên chữ ắt nhận ra, thỉnh thoảng y đã tẩn mẩn ghi lại dấu vết lời ăn tiếng nói của tháng ngày đang sống. Ghi để làm gì? Sự thay đổi của một xã hội, còn phản ánh qua ngôn ngữ/ngôn từ chứ không chỉ khảo sát từ những vấn đề to tát chẳng hạn, kỷ cương, luật pháp, chính sách… có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, nếp sống toàn dân. Mới đây, cũng lời ăn tiếng nói đang phổ biến, khi đọc/ nghe cái câu vừa xuất hiện, y đã ngẩn tò te. Bèn vận dụng trí khôn ngoan đã từng đọc nhiều sách, nghe ngóng nhiều nơi nhưng rồi cũng bù trấc.

Rằng, “5c, 6 ệ, 5 d” là gì?

Xếp nó vào dạng “thành ngữ” mới ra lò hay công thức toán học?

Nếu các nhà làm từ điển tài ba cỡ nhà truyền giáo Đắc Lộ, Huình Tịnh Paulus Của, Lê Văn Hòe, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Thanh Nghị… từ các thế kỷ trước sống lại e cũng chào thua. Mà cũng phải thôi. Họ không đồng hành cùng chúng ta, làm sao có thể nắm bắt? Tựa như có nhiều vốn từ/ ngữ phổ biến thời đó, nay tìm lại đôi lúc ta cũng ngắc ngứ, đơn giản chỉ vì không còn ai sử dụng nữa. Thời gian đã phủ lên đó lớp bụi mờ lãng quên. Lạ thay, có những từ đồng hành gần đây nhưng rồi đâu phải ai cũng hiểu, ai cũng có thể giải thích rõ nội dung và nhất là nó đã ra đời trong hoàn cảnh nào, lý do tại làm sao?

Trong bài viết Làm nghiêm để lấy lại lòng tin trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10.12.2017, khi phát biểu về vấn đề Quy trình bổ nhiệm đúng mà sao cán bộ sai?, ông Lê Như Tiến - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã “bật mí” về “công thức” rặt các con số “5c, 6 ệ, 5 d” như sau: “Đúng là việc sử dụng cán bộ theo công thức 5 "ệ" (quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ), 5 "c" (con cháu các cụ cả) đang rất phổ biến. 5 "ệ", 5 "c" đè lên các nguyên tắc khác, dẫn đến hậu quả 5 "đ" (đố đưa đi đâu được)”.

Chỉ ghi đến đây thôi, không dám có thêm lời bình, Vì rằng, trong thời đại đang sống có những điều kỳ quặc đã trở nên bình thường. Riết rồi, chẳng gì đáng ngạc nhiên. Trước kia, kỳ thi nọ ở tỉnh nọ ra đề cho các em học là bàn về chuyện ca sĩ Sơn Tùng đau răng. Báo chí phản ứng ầm ầm. Nay lại một ca sĩ khác cũng nhảy xổm vào đề thi, hầu như báo chí không mấy quan tâm nữa, xem như đã bình thường. Xét rằng, tình thần phản biện trên báo chí dường như đã “chuyển giao” cho các trang mạng xã hội rồi chăng?

Thật khốn khổ khốn nạn cho các bậc phụ huynh khi biết rằng, con cái mình phải “Nung nấu tâm can vò võ trán” với cái đề thi chết tiệt này: “Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss Teen 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: ‘Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những clip xuyên tạc được thực hiện thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Mặc dư luận ‘ném đá’, giọng ca Từ hôm nay cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tiếp tục luyện tập thanh nhạc để chứng minh con đường ca hát mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ ra mắt một MV.

Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay”.

Đôi khi chẳng thiết phải Nhật ký nữa. Bởi những trò hề nhảm nhí, nhố nhăng bất kỳ ai có nhận thức một chút, chưa đến nỗi phải tạm trú ở nhà thương Biên Hòa cũng thừa biết rằng không nên nói/viết/đề xuất vấn đề đó nhưng rồi nó vẫn cứ diễn ra, chẳng lẽ, mỗi ngày phải ghi nhận rồi bình luận về nó? Có mà ngộ độc chết tươi. Hãy tập cách bình tâm và phớt lờ, cái đề thi nêu trên mà một thí dụ; “đấu tố” nhân vật Chí Phèo để đòi loại bỏ ra khỏi sách giáo khoa là một thí dụ; cải cách chữ Quốc ngữ của Bùi Hiền là một thí dụ v.v… Điều đáng nói hơn cả là sự quái gỡ kỳ quặc đó lại xuất phát từ những người có ăn có học, chứ không phải hạng cùi bắp dốt nát i tờ… Thế thì, bao nhiêu năm các con em chúng ta đã được học hành, học tập từ các bậc nhà giáo uyên bác và  đáng kính ấy?

Mà nào đã hết đâu. Thì cũng báo Tuổi Trẻ ngày 7.12.2019 thông tin rằng: “Giờ vào lớp quá sớm, học trò đờ đẫn vì thiếu ngủ”. Có phải học để làm quan hay không mà từ trước 6 giờ sáng các em học lớp 1 phải thức dậy chuẩn bị đến trường? “Tương tự, tại TP.HCM, hầu hết các trường THCS, THPT đều quy định 6h45 học sinh phải có mặt ở trường. Nhiều trường lấy luôn giờ này là giờ bắt đầu vào tiết 1”. Thậm chí “Để ngăn ngừa tình trạng học sinh đi học muộn, một số giáo viên còn ra "quy định riêng" với lớp mình, là học sinh phải có mặt vào 6h40!”. À, chuyện này không mới, còn nhớ Nhật ký mấy năm trước đã ghi nhận. Dù các bậc phụ huynh la oai oái nhưng nay, có thay đổi gì đâu, “vũ như cẩn”, dẫm chân tại chỗ.

Nhân đây, cũng trích lại từ số Tuổi Trẻ vừa nêu trên để xem học sinh các nước trên thế giới đã vào lớp học có gì khác ta? “Vào tháng 5 năm nay, Singapore có một cuộc tranh cãi về giờ đi học. Hầu hết các trường tại Singapore bắt đầu giờ học lúc 7h30, nhưng trường nữ sinh Nanyang Girls’ High School đã gây chú ý khi dời thời gian vào lớp trễ 45 phút: 8h15. Lý do trường này đưa ra là học sinh cần ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe, có buổi sáng tỉnh táo.

Tại Trung Quốc, ở các thành phố lớn, phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, học sinh thường đi học muộn (ít nhất 8h mới nhập học), và kết thúc lớp học vào khoảng 3h chiều, sớm hơn 2 giờ so với mặt bằng cả nước. Cách thức bố trí thời gian này tương đồng với hầu hết các quốc gia châu Âu, khi giờ nhập học phải sau 8h sáng, và thường kết thúc lúc 14h30- 15h.

Riêng tại Phần Lan, quốc gia nhiều năm nay được ca ngợi về chất lượng giáo dục, có những trường mở đầu ngày học từ 9h-9h45 (mặt bằng chung là 8h-9h sáng), và kết thúc lúc 14h. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng khẳng định mốc vào học 8h sáng hiện nay là quá sớm, khuyến cáo các trường chỉ nên cho học sinh vào lớp sau 8h30.

Năm 2014, tờ Herald Sun cho biết bộ trưởng giáo dục Úc Martin Dixon ủng hộ việc linh hoạt giờ giấc vào lớp hơn. Lấy ví dụ, trường điểm Melbourne High School cân nhắc giờ khởi đầu lớp học là 9h30, trong khi Trường Templestowe bắt đầu tận 10h30 sáng”.

Trong nhiều việc làm cần thay đổi, hầu như những ai đó được phong “tổng tư lệnh” của ngành nào đó thường nghĩ đến những việc đội đá vá trời. Trong khi đó thân phận dân đen chỉ ước gì thay đổi từ những việc nhỏ nhặt nhất, sát sườn nhất. Được thế đã là may, chứ cần gì phải những gì to tát mà phù phiếm. Mà việc nhỏ làm không xong thì kham sao nổi việc lớn? Theo dõi thời sự hằng ngày, dễ dàng nhận một điều là có những việc ì ạch, trì trệ quá lâu, dù công luận đã lên tiếng ầm ầm. Thế thì, đôi lúc lại tự hỏi: Đâu là tiếng nói của báo chí nhằm tác động thay đổi một vấn đề nào đó cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn?

 Khi Chế Lan Viên viết: “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”. Dửng dưng mọi việc. Không quan tâm gì sất. Có phải đó lúc con người ta quá ngao ngán với hiện thực trần trụi đã diễn ra từng ngày chăng? Có phải đó lúc con người ta cảm thấy mệt mỏi đến bất lực, biết rằng không thể thay đổi được điều gì tốt đẹp hơn, chi bằng chui vào cái tôi tủn mủn nhỏ bé để tìm quên chăng? Nói gì thì nói, sống trong một xã hội tốt đẹp, văn minh, người đối sử với người như đồng loại thì con người ta mới quan tâm đến các giá trị văn hóa chăng? Bằng không chỉ là những vặt vãnh xoay quanh miếng cơm manh áo chăng?

Hằng ngày, y vẫn ngồi một chỗ, cùng bàn phím viết nhì nhằng nhưng đôi lúc cũng thoát ra “tháp ngà văn chương”. Đi xuống phố. Gặp bạn bè nọ kia cùng “buôn dưa lê”. Thật lạ, hầu như không một ai quan tâm, nhắc đến một hai sự kiện văn hóa vừa diễn ra. Biết đâu vẫn có người quan tâm đấy chứ? Ừ, hy vọng là thế. Ghi lại kẻo quên: Hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Rằng, tại Jeju, Hàn Quốc, chiều ngày 7.12.2017 trong kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được chọn. Ngày 8.12.2017 sau khi được UNESCO đưa ra khỏi danh mục bảo vệ khẩn cấp, Hát Xoan Phú Thọ cũng ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Báo Thể thao & Văn hóa ngày 7.12.2017 cho biết: “Theo tiêu chí của UNESCO, để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hồ sơ Bài Chòi của Việt Nam đã đáp ứng được 5 tiêu chí, chẳng hạn: “Nghệ thuật Bài chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật...”.

Sức hấp dẫn của bài chòi, theo y vẫn còn là sự độc đáo “bình cũ rượu mới”. Các con bài, thể lệ chơi vẫn giữ như cũ nhưng trong quá trình chơi, tùy theo cách hô của anh hiệu mà nội dung khác đi. Dù chuyển tải nội dung khác đi nhưng vẫn phải ra con bài đó. Nó được liên tục làm mới. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi nơi mỗi khác. Nội dung của “hô thai” có hấp dẫn, có gây vui nhộn hay không còn phụ thuộc vào khả năng ứng biến ngẫu hứng/ chuẩn bị trước của anh hiệu. Khi đọc các sách nghiên cứu về bài chòi, ắt gặp những câu quen thuộc được xếp vào hàng “kinh điển”, tuy nhiên, không chỉ dừng lại đó mà nó còn biến hóa liên tục. Nhờ vậy, người chơi/người tham dự luôn thấy mới mẻ, không nhàm chán do các câu hô thay đổi, không lặp lại.

Năm kia, nhiều năm kia đi chơi Hội An, y đã chú tâm mua các con bài sử dụng chơi bài chòi, nhưng lại không tìm ra. Trong khi đó, cũng chỉ là thứ quen thuộc nơi nào cũng có. Thế mới biết, mặt hàng lưu niệm của ta nghèo nàn biết chừng nào. Ít có sự đột phá, tạo ra được nét biểu trưng văn hóa của địa phương đó, vùng đất đó.

Thông thường vào dịp cuối năm báo chí trong và ngoài nước lại bình chọn nhân vật tiêu biểu của năm. Ở nước Đại Nam này, y đề cử "nhân vật" nào nổi đình nổi đám nhất trong năm? Chỉ có thể là ông BOT chăng? Chỉ có thể là ông Táo/cái lò được đốt nóng bằng củi khô lẫn củi tươi chăng? Đã sắp hết một năm. Lại những ngày viết báo Xuân, báo Tết. Lại những ngày, “Ngồi buồn vọc với sắc màu/ Tím reo đỏ hát rầu rầu nắng mai/ Từ trong một đã là hai/ Kìa hiên Lãm Thúy nọ vai Thúy Kiều/ Tiền Đường xô dạt bóng xiêu/ Vớt lên Dĩ Vãng những chiều rỗng không/ Vẽ chơi lưu dấu bụi hồng/ Bàn tay mười ngón phiêu bồng nhẹ tênh”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.12.2017

3-BAI-THI-VIET-O-DA-NANG-THANG-11.2107

 

Có những ngày đời ta không nhật ký

Là những ngày trống vắng của đời ta

Bạn bè ngậm cay, người tình nuốt đắng

Ngẫm lại mình còn nhiều nỗi xót xa


Mình đã vậy thì chẳng cần phải viết

Dù lời buồn căm giận thấu cô đơn

Ta ngồi vẽ mười ngón tay mình vậy

Thấy hay hay rơi bảy giọt cầu vồng


Rồi lại nhặt với từng hồi ký ấy

Gặp lung linh trên những sắc và không

Vui hớn hở nhưng chưa từng sát hại

Một cành hoa mê mãi giữa cánh đồng...


Ấy là những câu thơ của Trần Hoàng Nhân tặng y. Vì rằng, cơn cớ tại làm sao có những ngày y lại không Nhật ký? Rằng, ông bà mình đã nói, đố sai: “Xay lúa thì khỏi bồng em”. Đã bận việc này, tất  nhiên phải thôi việc kia. Không thể ôm đồm. Cả nửa tháng vừa rồi, phải tập trung cho xong một quyển sách. Mẹ đã đi chợ về. Nhan đề hiền lành và giản dị. Có những điều bình dị, đến lúc mất đi, không gặp lại nữa, bấy giờ con người ta mới sững sờ tiếc nuối.

Sáng 29.11 là thất tuần của bạn cụ. Vừa bước xuống sân bay Đà Nẵng, chỉ kịp lấy quyển Ngày đi trên chữ, bản đầu tiên lấy ra từ nhà in, ghi tặng thật nhanh để Đoàn Tuấn kịp làm thủ tục bay đi Hà Nội. Chỉ chớp nhoáng. Kể ra cũng có sự thú vị của tình bạn. Lại nữa, có người bạn thân thiết từ năm tháng học vở lòng quyết định dời sinh nhật để y và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có dịp chung vui. Bạn Nguyễn Văn Sanh, nay đang là cán bộ của Phòng văn hóa Thông tin của quận Hải Châu. Tác phẩm Chúc một ngày tốt lành, chính tác giả ký tặng bạn. Còn y, theo yêu cầu của bạn ngoài rượu, còn là bài thơ nữa. Phải viết trên giấy dó làm kỷ niệm lâu bền.

Thơ rằng: “Bạn bè từ thuở lên 5/ 50 năm vẫn còn cầm bàn tay/ Tình thân thuở chớm con trai/ Từ xuân hồng đến thu phai vẫn tình/ Bạn nhìn mình lại thấy mình/ Mình cùng bạn vẫn nặng tình thủy chung”. Trong đời may mắn cho những ai có bạn thận thiết, chí cốt để có thể nhẹ nhàng bật ra những câu thơ tự lòng, không gì phải hoa hòe hoa sói rỗn rãng chữ nghĩa. Khổ tâm đối với người cầm bút, rất ư Kép Tư Bền vẫn còn là vì lý do gì đó, dù không thích nhưng vẫn cứ viết như thể rút ruột ra mà viết. Y lại khác. “Bạn nhìn mình lại thấy mình”. Một câu thơ có 2 từ “mình”, tưởng 1 nghĩa nhưng thật ra lại là 2. Cách viết này cũng là một cách học tập ca dao: “Nước non một gánh chung tình/ Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?”. “Nhớ ai” là nhớ đến người nào, một câu nghi vấn, do chưa biết nên mới hỏi. Nhưng “ai nhớ” lại là câu hỏi dành cho người cụ thể, rõ ràng. Cùng 1 từ ai nhưng lại có 2 nghĩa khác nhau.

Bạn nhìn mình” là lúc ấy, bạn nhìn vào người đối diện bởi tác giả tự xưng mình. Lúc nhìn ấy, bạn thấy gì? “lại thấy mình” thì mình lần này, chính là bản thân bạn. Khác hẳn cách biểu đạt trong ca dao như: "Mình về mình nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười". Còn trong ngữ cảnh của bài thơ mà y đã viết, “ta” lại hóa thành “mình” để lái qua nghĩa khác dù vẫn ngầm hiểu là “ta”. Nói cách khác với bạn bè thân thiết cùng trang lứa, khi nhìn bạn cũng là lúc lại thấy thời gian đã đi qua của chính mình.

Bạn đã 50 năm rồi. Ít ỏi gì nữa?

Về Đà Nẵng lần này, tâm trạng thế nào? Câu thơ của Trần Hoàng Nhân ngẫu nhiên, lại đúng: “Ngẫm lại mình còn nhiều nỗi xót xa”. Xót xa gì mà còn? Vẫn là ước nguyện của bà cụ mà y chưa thực hiện xong, tức là phải bước ra ngoài tâm thế, ra khỏi không gian tự vấn của từ nhiều năm trước: “Đi không ai nhớ/  Về chẳng ai mong/  Xa không ai đợi/ Gần chẳng ai trông/ Mình tôi một bóng/ Sống phải phân tâm/ Vừa đóng vai vợ / Lại diễn vai chồng”. Quái quỷ, chiều nay, lúc  bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, câu thơ ấy bất ngờ vọng đến khiến rười rượi nao lòng.

Cảm giác bơ vơ ấy đè nặng tâm hồn là lúc con người ta một mình bước đến sân bay, sân ga, bến tàu… Sự đi/ đến ấy là một sự rỗng không, trống rỗng bởi dù chậm, dù nhanh chẳng có ý nghĩa gì cả. Có ai đang trông ngóng, chờ đợi gì đâu mà mình phải náo nức, phải bực rực đếm từng giây từng phút? Nỗi cô đơn da diết buồn bã của những ai xa nhà vẫn là lúc họ không thể về/ phải về chậm vẫn là khi biết có người thân đang ngóng đợi.

Còn y thế nào?

Chỉ nghĩ đến đó, đã thấy trong lòng một đường hầm sâu hun hút. “Đã từng ngày ngập lụt/ Nỗi hiu hắt rỗng không/ Phía bên ngoài đời sống/ Có ai hiểu tôi không?/ Tôi níu mây hỏi gió/ Chỉ gặp cuối chân trời/ Một câu thơ thất lạc/ Chỉ là cái bóng tôi”. Chẳng gì cả. Chỉ là cái bóng của chính mình. Người ngong ngóng đợi y từng giây, từng phút vẫn là mẹ. Nay còn đâu. Về nhà căn nhà của năm tháng tuổi thơ, nằm trên giường mẹ đã nằm năm tháng cuối đời. Làm sao lại không nhớ về ngày tháng yên vui nhất của đời mình? “Căn phòng xưa mẹ nằm/ Nhường cho con hơi ấm/ Bây giờ mẹ về đâu?/ Vọng lời thưa mây trắng/ Chân trời ngọn hoa lau/ Ru câu kinh thầm lặng”. Và như tất cả mọi người con lúc mất mẹ: “Mọi hoa hồng, với con/ Từ đây đều hóa trắng…”.

Tập sách Mẹ đã đi chợ về viết về mẹ, ba, anh, chị đã xong. Có bổ sung gì không? Chỉ thêm 1 bài thơ. Vậy là đủ.

Rồi lại trở về với những tháng của Nhật ký. Với y cũng là một cách trò chuyện đấy thôi. Không ai có để bù khú, tán phét, buôn dưa lê, bàn chuyện tào lao trên trời dưới đất, tâm tình thân mật thì y phải tìm cách khác: Nhật ký. Vậy mình trò chuyện với mình vậy. Không viết thì vẽ. Vẽ cũng chẳng khác gì. Cũng là lúc tỉ tê, hỏi han lấy mình vậy. “Ta ngồi vẽ mười ngón tay mình vậy/ Thấy hay hay rơi bảy giọt cầu vồng”, Trần Hoàng Nhân nói đúng lắm.

Cuối cùng là gì? Không riêng gì Nhân, bạn đọc và đồng nghiệp đã thấy rõ một điều: Những trang viết dựng lên một đời viết. Đôi lúc, y cũng cảm thấy ngao ngán, thở dài: “Viết gì lắm thế, ngày nào cũng viết?”. Làm sao có thể trả lời đây, hả Q? Chẳng biết nữa.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.11.2017

 

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-y5tat-ca-deu-lammcon-nho-me

Tất cả đều làm con nhớ mẹ

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.11.2017

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-2metoi_ngoi_khua_ao

Mẹ tôi ngồi khâu áo

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 7 trong tổng số 58