LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.5.2013

 

Những ngày gần đây là những chuyện cứ liên quan đến mồ mả, cõi âm. Tháng trước về Đà Nẵng đám tang cậu ruột; lại vào chùa cùng nhà báo Lưu Đình Triều khi anh đưa hài cốt thân sinh là nhà báo Lưu Quý  Kỳ về Nghĩa trang Thành phố. Mới đây, ông anh Q lại ra Bắc vì một chuyện rất lạ: đất nghĩa trang của dòng tộc, người ta lại đem chôn lén! Thật hết biết. Mọi việc đã giải quyết xong, phải xây dãy hàng rào bao quanh lô đất này, dài 50 mét, cao 60 phân. Quái lạ, có những nghĩa trang, người sống làm nhà ở trên, lấn đất với người chết; lại người chết  thì người sống lại chôn họ vào phần đất người khác.

Ô hô!

Sáng nay, nhà văn Đoàn Thạch Biền lại mail tôi những hình ảnh về mộ của nhà thơ Vũ Hữu Định, chôn ở nghãi trang Gò Cà (Đà Nẵng). Trước đây, chúng tôi có đóng góp kinh phí chung thực hiện tập thơ anh (NXB Trẻ). Khi ca khúc phổ thơ anh được phổ biến, bỗng có bài báo cho rằng câu thơ: "Mai xa lắc trên đồn biên giới" là chống Cộng nên bị ách lại. Công chúng mất dịp nghe một ca khúc hay. Khi ấn hành tập thơ của anh, trước đó, chúng tôi đã sửa "Mai xa lắc trên đồi biên giới" - nhờ vậy mọi chuyện trót lọt.

 

di-anh-Vu-Huu-Dinh

Di ảnh nhà thơ Vũ Hữu Định

mo-vu-huu-dinh

Phần mộ nhà thơ Vũ Hữu Định

vuluu-dinh

Một bài thơ của Vũ Hữu Định được gia đình chọn khắc trên bia mộ của anh

Những tưởng khi anh chết đi mọi chuyện sẽ khác, không hề, nay xem lại bài thơ này được gia đình anh chọn khắc in trên bia mộ, đọc kỹ, tôi lại thấy sờ sờ ra chữ "đồi". Một nhà văn đàn anh nhận xét: Thương cho nhà thơ Vũ Hữu Định, dù anh đã về suối vàng thanh thản, nhẹ nhàng như lúc còn sống đã rong chơi bất tận, ấy mà thơ "chính ngữ" vẫn chưa về với "chính chủ". Tôi cũng nghĩ vậy.

Ôi. Cứ cái trò chữ nghĩa này, còn lâu công chúng mới có thể tiếp cận được dòng văn học nghệ thuật trước 1975 ở miền Nam. Khi Phương Nam đứng ra in Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu... những muốn "gạn đục khơi trong" thì bị "nện" tơi tả. Lúc ấy, tôi có viết bài ghi nhận sự kiện này, sau phải viết tường trình linh tinh. Tôi biết, tác giả mở đầu cho loạt bài báo phê phán dữ dội sự việc đó là ai. Người này lấy tên nhân vật trong một truyện ngắn nổi tiếng của mình để ký tên bài báo đó. Mà thôi, nhắc lại làm gì. Sau sự việc đó, hầu như không ai còn nhắc đến chuyện "tiếp cận" lại dòng văn học trước 1975.

Chiều nay dự đám cưới con trai nhà báo Xuân Thái. Ăn đám cưới ở Sài Gòn là cực hình, vì cách tốt nhất là phải... ăn trước lúc vào đám cưới, nếu không, bị giờ cao su là đói meo. Cái này đã thành thông lệ rồi.

Sắp tới dự đám cưới của con gái nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay. Mấy câu thơ của anh đã được in trong thiệp cưới:

Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn
Em không phải chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em...

Lại nhớ, khi dự đám cưới con trai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, lúc tan tiệc mỗi người được tặng một tập thơ của thân sinh chú rể. Đám cưới con gái nhà báo Hàn Tấn Quang (Kiến thức ngày nay) là một chương trình văn nghệ đặc sắc, có từng tiết mục hẳn hòi. Đám cưới con của nhà thơ Cung Văn, sau phần khai mạc trên truyền hình mở luôn chương trình truyền hình trược đá bóng phục vụ quan khách. Ai nấy hào hứng và uống bia nhiều.

Vừa viết xong cái kịch bản truyện tranh thiếu nhi cho Đông A, viết về thiền sư Vạn Hạnh. Nhờ viết này mà đọc lại bài thơ của Ngài thật hay:

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi, thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông

(Ngô Tất Tố dịch)

và nhất là câu Ngài dặn dò đệ tử: "Các ngươi muốn nương tựa vào đâu? Ta thì không nương tựa vào nơi có thể nương tựa; và cũng không nương tựa vào cái chỗ không thể nương tựa”.

Một ngày nữa rồi. Một ngày sắp lững thững đi qua. "Hãy nhớ lại lại đi, thời gian là con bạc tham lam, thắng mọi ván mà không thèm giao hảo". Câu thơ của Baudelaire?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.5.2013

 

Đêm qua lai rai cùng Con gái vốn... phức tap. Sân thượng. Gió mát. Rượu và âm nhạc. Vẫn là những gương mặt đã quen. Nhà văn Đoàn Thạch Biền có câu thơ hay, nhớ đại khái: "Có gương mặt nhìn một lần đã nản/ gặp lần hai là muốn ngó lơ luôn". Đêm qua là những gương mặt mà Q đã gặp từ thuở mới chập chững bước vào nghề. Ngày đó, Q đoạt giải nhất thơ viết về TNXP, đang đứng ngơ ngác trong phòng, chờ lên nhận giải thưởng, bỗng có người đến kéo tay và nói như ra lệnh: "Ra ngoài này một chút". Q bước ra ngoài sân đã thấy tay nhiếp ảnh của báo Tuổi trẻ đứng sẵn và chụp hình. Sau đó, TTCN in một trang thơ hoành tráng. Sau mới biết, người "nói như lệnh" là nhà văn Nguyễn Đông Thức; người chụp hình là nhiếp ảnh gia Trương Công Ánh.

Đêm qua vẫn là những mặt đã quen, đã cũ. Đến một độ tuổi nào đó, người ta chỉ thích tụ tập vài người thật thân tình, khi nhậu. Chứ không còn đàn đúm bừa phứa, ô tạp như trước nữa.

 

con-gai-phuc-tapRR

 

Mừng tác phẩm của bạn bè vừa ấn hành, niềm vui đó cũng tựa như sách của chính mình. Có dịp khề khà và hát hò.

Sân thượng lồng lộng gió.

Phiêu lãng về một cõi thơ rồi cuối cùng là say quắt cần câu.

Chiều nay nhận được tập tạp chí Tân văn do nhà thơ Nguyễn Đăng Luận chủ biên, anh gửi tặng qua đường bưu điện. Nghĩ cũng lạ, các tờ báo chuyên ngành văn chương như báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà văn, Thơ, Văn nghệ nước ngoài... hầu như không còn xuất hiện trên sạp báo. Các Hội văn học nghệ thuật của địa phương nào cũng có tạp chí Hội nhưng cũng chỉ lưu hành nội bộ.

Những ngày này, báo chí vẫn tiếp tục quảng bá về cuộc thi thơ trên Facebook. Đã có đến hàng ngàn bài dự thi. Khi chấm giải sẽ rất mệt đây. Chị Đẹp bắt đầu thanh lọc cơ thể. Những thứ cần cho công việc này, đi mua mới biết giá 6 trái chanh vàng của Mỹ là 182 ngàn đồng; một bịch muối biển vài gam là 80 ngàn đồng...

Ăn phở buổi sáng và họp buổi chiều. Họp, ngồi loay hoay viết bài thơ vào sổ tay của L. Huê. Chẳng nhớ đã viết những gì. Tạp chí Duyên dáng Việt Nam phát hành sáng nay, có bài giới thiệu về Tôi và đàn bà. Trưa mẹ cho ăn cá chuồn. Rất ngon. Quảng Nam có câu: "Mâm cơm sui không bằng cái muôi con cá chuồn". Tình yêu quê hương, khi đi xa, người ta luôn nhớ về vẫn là những món ăn mà mẹ đã cho ta ăn từ ngày thơ ấu.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.5.2013

 

* Ngày 5.5.2013

Thật bất ngờ khi Tú Hương, từ Hà Nội gửi qua mail bức hình đã chụp thời sinh viên, phía sau hình ghi rõ lúc ấy Q và các bạn sinh viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM đi dã ngoại tại chùa Hội Sơn (Đồng Nai) vào tháng 5.1984.

 

thoi-sinh-vien

Từ trái: Vũ Quốc Đại, Nguyễn Quốc Chánh (sau này Chánh nổi đình đám với tập thơ bị thu hồi: Đêm mặt trời mọc - NXB Trẻ), Hoàng Công Minh Trường, Nguyễn Văn Thới, Nguyễn Văn Phong, Lê Minh Quốc, Hoa, Ngô Thị Thu An và Lê Đại Anh Kiệt.

 

Tấm ảnh thứ hai, ảnh Q đứng trước nhà, khi ấy tân gia, nhờ dòng chữ phía sau nên mới biết ảnh này chụp vào ngày 16.8.1991.

tangiaLMQ

Chiếc xe hon đa phía sau, sau này sửa nhà đã bị mất trộm. Cuối cùng hình sự quận Phú Nhuận cũng tìm lại được.

Chiều nay, nhậu lai rai với "Con gái vốn... phức tạp" của nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Đêm qua, đi đám cưới con gái người bạn là bộ đội thời ở K. Nhà hàng mở loa hết cỡ thợ mộc, như tra tấn, chẳng ai nói chuyện gì được. Gặp đồng đội cũ, đã quen từ 30 trước, có những người mà Q chẳng thể nhớ tên dù vẫn nhớ như in gương mặt của bạn mình thời trai trẻ.

Khuya về, đọc ấn bản Truyện ngắn được giải chọn lọc của báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký mồng Hai Tết 2013

 

Thế nào là cảm giác Tết?

Với tôi, cả đêm giao thừa trong lòng thấp thỏm không yên. Không dám chợp mắt. Dưới gối là bộ quần áo mới kẻng, xếp cẩn thận, nằm gối đầu lên để nó thẳng thớm. Sợ ngủ quên ghê. Tết đến mà mình  không biết à? Uổng lắm. Cứ thắc thỏm không yên. Thế mà ngủ quên béng lúc nào không hay. Rạng sáng đã nghe mẹ gọi: “Tết đến rồi!”. Anh em lật đật ngồi dậy. Ủa Tết đến rồi à? Chà! Tết!

“Mẹ ơi! Tết đến rồi hả mẹ?”

bantho-ba

Vĩnh biệt từ nay không còn gặp được cha

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký mồng Một Tết 2013

 

Sáng mồng Một thức dậy. Đà Nẵng. Tịnh không một tiếng động. Nhìn xuống đường phố Triệu Nữ Vương,  đã thấy những bóng người đi hái lộc đầu năm, đã nghe  từ xa xăm của Ngũ Hành Sơn vọng về tiếng chuông chùa mà trong âm thanh ấy dường như có hòa lẫn sóng vỗ Mỹ Khê  của ngàn năm thương nhớ. Sáng, không còn cảm giác của tuổi thơ rạo rực như năm mươi năm trước. Hoàn toàn đã mất. Chợt nhìn xuống bàn tay, đã thấy những đường tử sinh hằn từng dấu vết loằng ngoằn của thời gian.

 

Rtime

Ảnh: Việt Tuấn Trinh

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 58 trong tổng số 58