THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM

Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM

Mục lục
Lê Minh Quốc - DU LỊCH CỦA NGƯỜI CÂM
Số 1
Số 2
Số 3
Số 4
Số 5
Số 6
Số 7
Số 8
Số 9
Số 10
Lời Bạt
Tất cả các trang

IMG_0030m

LỜI TỰA

Khi nhà thơ Lê Minh Quốc đi du lịch Hà Lan trở về, tôi đã gặp anh và hỏi một vài chuyện: Có xem tranh của họa sĩ Van Gogh ở Viện bảo tàng Amsterdam? Có thấy hoa tulip đen? Hương vị Heineken sản xuất ở nguyên quán, có khác hương bị bia Heineken sản xuất ở Việt Nam? Lê Minh Quốc cười, lắc đầu: Anh đợi đấy. Tuần sau tôi sẽ trả lời. Và một tuần sau, anh đưa tôi tập bản thảo Du lịch của người câm.

Tại sao là người câm? Lê Minh Quốc thú nhận: “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời nữa. Nhưng than ôi! Tôi chỉ là người “câm” vì không rành một ngoại ngữ nào! Khổ thế!”. Không biết ngoại ngữ để có thể trò chuyện trực tiếp với người Hà Lan, đấy là một khuyết điểm đối vói người du lịch, nhưng Lê Minh Quốc đã biết biến khuyết điểm đó thành ưu điểm. Vì không mải mê nói chuyện với người khác, nên anh tập trung quan sát cảnh vật, con người, tập trung lắng nghe những tiếng động ở một thành phố lạ, chẳng hạn: “Một ngày ở Amsterdam, nếu bình tâm ta sẽ nghe nhiều hồi chuông vang lên nhịp nhàng. Khi dài, khi ngắn, khi mơn trớn, khi gióng giả... Có lẽ tùy theo đó mà người ta có thể đoán giờ hoặc những hồi chuông ấy mang theo một tín hiệu nào đó cần thông báo đã được quy ước trước trong cộng đồng chăng? Mỗi một ngày được nghe những hồi chuông của sự khoan dung thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Khi hỉ nộ ái ố níu lấy tầm hồn ta để nhấn chìm xuống bụi bặm thì tiếng chuông sẽ kịp thời vọng đến để thức tỉnh. Nghĩ như thế tôi cảm tình với những hồi chuông lãng đãng thỉnh thoảng vọng đến và chờ đợi lắng nghe...”

Khi đến thăm một nông trường nuôi bò sữa, các nhà báo biết ngoại ngữ đã tranh nhau phỏng vấn ông chủ nông trường về cách nuôi bò sữa, thì Lê Minh Quốc lại nằm lăn trên cỏ đẫm ướt sương, nhìn những con bò sữa nhởn nhơ nhai cỏ, và anh viết được câu thơ:

Nghe tiếng bò kêu dân dã quê mùa

Xứ sở lạ, cớ sao thân mật thế?

Cuốn du ký của Lê Minh Quốc đã trả lời tôi hai câu hỏi. Còn câu hỏi: Có thấy hoa tulip đen? Anh chịu thua. Chẳng trách anh được. Vì anh đến Hà Lan váo tháng 7, trong khi hoa tulip chỉ nở rộ vào tháng 3 và tháng 4. Những trang viết của anh về nguồn gốc hoa tulip ở Hà Lan, vè người thợ thủ công làm hoa tulip bằng gỗ để bán cho du khách làm quà lưu niệm, đọc rất lý thú. Như vậy hoa tulip đen đối với tôi (và anh) vẫn còn ở trong mơ, vẫn còn mời gọi chúng tôi ngày nào đó đến Hà Lan để chiêm ngưỡng.

Một tuần ở Hà Lan chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”, khó mà hiểu biết sâu xa về con người và cảnh vật nơi đây. Lê Minh Quốc cũng biết vậy, nhưng theo anh: “Nhà thơ khi đi du lịch vẫn là kẻ  “có lợi” nhất, vì ít ra ngoài những sản vật, kiến thức đem về, anh ta còn có dịp tiếp cận một nguồn năng lượng mới để làm giàu cho kiến thức sáng tạo”. Tôi không là nhà thơ và chưa đi du lịch Hà Lan, nhưng đọc xong cuốn bút ký Du lịch của người câm, tôi cũng nói được một điều: Đây là cuốn sách sẽ tạo cho người đọc “cảm hứng sáng tạo” những câu chuyện kể thú vị, trong các buổi trò chuyện với bạn bè.

Nhà văn ĐOÀN THẠCH BIỀN

(Thành phố Hồ Chí Minh, 8.2005)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com