TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định TÔI VẼ MẶT TÔI - 8. Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”

TÔI VẼ MẶT TÔI - 8. Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”

Mục lục
TÔI VẼ MẶT TÔI
1. Thơ là như thế này sao?
2. Về bài “thơ là như thế này sao”?
2 bis. Về bài “thơ là như thế này sao”?
4. Về bài “thơ là như thế này sao”?
5. Tôi vẽ mặt tôi
6. Đọc tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc
7. Đọc tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc
8. Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”
9. Tôi vẽ mặt tôi
10. Công văn số 05 của NXB Văn hóa Thông tin
11. Ai nỡ thơ ơ với bài thơ… nịnh nọt
12. Mưa dầm ướt văn
13. Nhà thơ trẻ Lê Minh Quốc đã rút vào làm thơ bí mật?
Tất cả các trang

 

Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”

Bước vào quán Con Rùa chưa kịp ngồi, anh bạn làng văn chìa ngay tờ Văn Nghệ TP.HCM số 135 bắt đọc, lại dở sẵn trang 10 dí tận mắt, chỉ cho thấy hai bài viết đăng cùng trang ấy về tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc (NXB Văn hóa Thông tin, 1994).

Bài thứ nhất của nhà thơ Diệp Minh Tuyền cho rằng tập thơ trên có 10 bài tốt, 50 bài còn lại có “vấn đề” nhục dục và kết luận “hướng tìm tòi cái mới của Lê Minh Quốc đã sai lạc”.

Phú Ninh, tác giả bài thứ hai, cho rằng sau nhục cảm Lê Minh Quốc có những câu thơ “rung cảm đến tận bề sâu xa của tâm linh” và nhận xét: “Tôi vẽ mặt tôi”… là một sự kiếm tìm thể nghiệm một cách nghiêm túc”. Nếu ai đó phản đối, bực dọc, cũng nên thông cảm, có cái nhìn ưu ái hơn.

Đọc xong hai bài, Ong-vò-vẽ quay hỏi bạn: “Có mang tập vẽ mặt nào đó không?”. Có. Liền mượn đọc qua, thấy những câu khá tươi mát: Trái tim tôi đã hóa thành quả ngọt - Tôi không thể tưởng tượng được lúc yêu em mà vắng lời chim hót. Viết về đất nước: là đêm trăng bên cái giếng đầu làng - em khua gàu làm vỡ ánh trăng tan. Về chiều Đà Nẵng: hiền lành và bẽn lẽn như một nàng dâu. Tôi sẽ bay lên trời dự đám cưới. Về chọn điều ước: sẽ chọn lấy điều bình thường - là được gặp người tình mười năm trước - đã mời tôi ăn hết một ly chè. Tập thơ gọi “mùa thu về ngoài cửa lớp”, nhớ “con dế mèn”, “trái bồ kết”, thương “tóc em đen và má em hồng”… những câu như vậy thật khác hẳn một Lê Minh Quốc sẵn sàng bày “cuộc chơi” đôi lứa “mắt nhắm rồi nhưng vẫn mở đôi tay”. Nói rõ ý mình với người bạn bên cạnh, anh ta kháy: “Hứ, định khen chê, chê khen chứ gì, tụt hậu rồi!”

Bạn giải thích: thời buổi thơ nhiều như sao trên trời, in ra ai chú ý. Nên có người bảo được khen đã mát mặt, chê càng chẳng lỗ chi. Sao kỳ vậy? Bởi họ cho chê cũng là cách “quảng cáo” cho họ, cứ chê. Phê bình thật gắt cũng là cách “chào hàng”. Ong-vò-vẽ cười: rõ rồi, thâm tạ quân sư quạt mo, ở đây không làm chuyện ấy, chỉ tiếc cho Lê Minh Quốc ham “khỏa thân” trong thơ quá. Người ta không chịu “khỏa’, mình cứ mơ mộng “khỏa” ngay cả cá:

Con cá khỏa thân lội trong dòng nước

(bài “Thơ thiền”, trang 94)

Phàm cá lội trong nước tất nhiên đã khỏa thân rồi. Cần gì viết “con cá khỏa thân lội trong dòng nước”, chắc hẳn muốn bảo rằng nó từng mặc quần áo chăng? Chuyện rắn có chân hoặc cá mặc áo thời cha sinh mẹ đẻ tới chừ Ong-vò-vẽ chưa thấy. Bạn trách: Ong dùng tam đoạn loạn” chứ luận theo “tứ cú” thì A là phi A, cá là phi cá, nó hóa rồng hóa chim mấy hồi. Chừng đó nó biến thành tiên múa khúc Nghê thường nữa là! Một câu ấy thôi để nhắc cái tật ham “khỏa” trong thơ Quốc. Còn như sau khi “khỏa” tất nhiên đẩy tới chỗ… ấy! Cái chuyện “faire l’amour” vẫn được nhắc đến viết đến từ xưa, hướng người đọc tới những khát vọng cao hơn xác thịt nhiều.

Như những câu thơ cổ nhất ví sự sáng tạo thiêng liêng tựa phút giao hợp giữa người đàn ông và đàn bà đọc vẫn không vướng mùi tục lụy (Linga - Rahasya). Chịu chơi như Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis và thiếu gì những nhân vật tiểu thuyết khác ăn trái cấm mà người đọc khen ngon. Nhưng phải có nội lực thâm hậu như thế nào, bút pháp như thế nào, để “sự ấy” khỏi bị sống sượng. Cơm chưa chín, vội bới ra mời, oan là chỗ đó! Chứ có tội lệ gì? Khách ăn mắng mỏ, đập nồi, thương là chỗ đó!

Ong-vò-vẽ

(nguồn: Báo Thanh Niên số 1.5.1994)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com