Tôi vẽ mặt tôi
Trong những gương mặt thơ nổi lên sau ngày giải phóng ở TP. Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc có lẽ là người “tự hành hạ” nhiều nhất bằng những bài thơ “tra vấn” chính mình. Bất lực, thèm khí trời để thở, Vết thương, Độc thoại với Thúy Kiều, Thiên thần, Ngủ quên cho đến sáng mai, Tôi vẽ mặt tôi, v.v… Hàng loạt bài trong tập thơ mới này cho thấy một nhà thơ luôn luôn day dứt, dằn vặt, ngồi đứng không yên, bất an trong tâm:
“Tôi ôm mặt khóc rưng rưng
Như con vật ý thức mình đang chết”…
Hoặc
“Đêm đơn độc nên tôi đành bò lên mái nhà.
Để tìm một chỗ ngủ”
Lê Minh Quốc vật vã như người thất tình, nhưng không hẳn là “thất tình” trai gái, anh “thất tình” đời trước những cảnh:
“Những đứa trẻ đứng ngồi moi đống rác bộ ngực gầy phẳng phiu…
hoặc:
“Ông già mù trút điệu buồn bi thảm
Vào năm sợi dây đàn màu xám…”
Thơ Lê Minh Quốc rất giàu chất thế sự. Ngay cả trong những bài thơ tình, Lê Minh Quốc vẫn đầy những ám ảnh đời sống.
“Khi tôi úp mặt vào ngực em
Nghe sóng vỗ miên man
Điệu hát bi thương dị thường của gió…”
Thơ tình Lê Minh Quốc mang nặng những ám ảnh dục tình, nhưng không dung tục, vẫn kịp dừng ở mức độ mang cái đẹp của thân thể và cũng mang cái ngạo ngược gần giống như một vài cây bút khác ở thành phố:
“Con gái đáng yêu như bánh tráng
Tiếng cười đỏng đảnh rất… giòn tan”.
60 bài thơ không ngắn trong một tập là một sự chọn lựa có phần hơi tham. Có thể tìm thấy dễ dàng những câu thơ hay, những ý thơ độc đáo nhưng lại rất khó chọn được bài thật hoàn chỉnh. Cảm xúc trong thơ Lê Minh Quốc thật mạnh, người “yếu bóng vía” có lẽ sẽ tiếp nhận rất khó khăn. Chỉ tiếc ngôn từ, chữ nghĩa của anh chưa chắt lọc, thiếu hẳn những “âm đen”, thứ tối cần thiết để làm nên những bài thơ hay.
Mai Nam
(nguồn: Thể thao & văn hóa số 19.3.1994)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|