TÔI VẼ MẶT TÔI

Mục lục
TÔI VẼ MẶT TÔI
1. Thơ là như thế này sao?
2. Về bài “thơ là như thế này sao”?
2 bis. Về bài “thơ là như thế này sao”?
4. Về bài “thơ là như thế này sao”?
5. Tôi vẽ mặt tôi
6. Đọc tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc
7. Đọc tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc
8. Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”
9. Tôi vẽ mặt tôi
10. Công văn số 05 của NXB Văn hóa Thông tin
11. Ai nỡ thơ ơ với bài thơ… nịnh nọt
12. Mưa dầm ướt văn
13. Nhà thơ trẻ Lê Minh Quốc đã rút vào làm thơ bí mật?
Tất cả các trang

4

Đọc tập thơ: TÔI VẼ MẶT TÔI

Nếu chọn lấy tập thơ mang dấu ấn Lê Minh Quốc nhất, với tôi, tôi chọn Tôi vẽ mặt tôi (NXB Văn hóa Thông tin - 1994). Tập thơ này, ngay sau khi phát hành lập tức đã dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội. Ngay cả hệ thống Fahasa cũng không dám nhận phát hành, dù không có lệnh thu hồi. Nhà thơ Trần Nhật Thu trình bày bìa. Tôi sửa bản in (vẫn còn sót vài lỗi) và in tại nhà in của báo Văn Nghệ TP. HCM (lúc đó còn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai). Nay tôi post lại các bài viết tiêu biểu đã phê phán tập thơ này, kể cả văn bản giải trình của nhà thơ Quang Huy (Giám đốc NXB VHTT) gửi cho Cục Xuất bản.

Tuy nhiên, chỉ sau tập thơ này, các bạn thơ phía Bắc mới bắt đầu chú ý đến Lê Minh Quốc. Và cũng từ tập thơ này, tôi được mời dự Hội nghị Công tác nhà văn trẻ lần thứ IV tại Hà Nội. Hội nghị này diễn ra từ ngày 26.4.1994 tại Cung Hữu nghị Văn hóa Việt - Xô. Đây cũng là chuyến ra Hà Nội lần đầu tiên của nhà văn Sơn Nam, ông đi với tư cách khách mời đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chuyến đi này có nhiều kỷ niệm, có dịp sẽ kể lại...

"Từ Tôi vẽ mặt tôi (năm 1994) đến nay anh có ý thức, ham muốn vẽ lại, vẽ thêm gương mặt của mình?". Với câu hỏi này của nhà văn Trần Nhã Thụy, tôi đã trả lời trên báo Văn nghệ trẻ (số 20.6.2004): "Chẳng rõ nữa. Tâm trạng như thế nào thì thơ như thế ấy. Làm sao ai có thể biết được tâm trạng của mình ngay lúc này, một giây sau thì nó sẽ thay đổi như thế nào?".

LÊ MINH QUỐC

X.2012



 

Thơ là như thế này sao?

Thơ bây giờ rất nhiều, quan niệm sáng tạo và thưởng thức, bình luận cũng nhiều. Nếu có gì mới lạ rất nên đưa ra bàn luận, tham khảo rộng rãi ý kiến của mọi người, sẽ rất hữu ích. Xin trích nêu một số câu một số đoạn dưới đây để bạn đọc xem có phải là thơ không:

tôi hát bài ca khi em làm đàn bà

nằm dạng chân ra

và đọc kinh ngoan đạo

nhân loại có chung một tiếng nói

là tiếng kêu thương ở trên giường

tiếng kêu rên chăn gối

… (1)

căn phòng tối đen méo mùi phạm tội

tôi run rẩy đầy từng lời nói

ca ngợi em ngoại tình

hoan hô em đang hát thánh ca

bằng dục vọng rạn nứt thịt da… (2)

đếch có bức tranh nào vẽ khuôn mặt nàng

tôi buồn quá.. .(3)

Yêu người đàn bà có chồng thì buồn bã nhân đôi

Anh đếch sợ. Cứ yêu như sắp chết

Trái đất sắp nổ tung không còn ai biết

Thì sao anh không dám yêu… (4)

đêm không mọc lên một ngôi sao nào

vòm trời đen như khi em tụt váy… (5)

Sách vở giờ đây như giẻ chùi nồi

Tìm đâu ra nhân nghĩa lễ trí tín

Thôi đành quay về tìm lấy chữ Tôi

Cây sẽ mọc mùa sau cho trái chín (6)

(Lạm bàn: câu cuối ở khổ này thì thơ lắm!)

Cõi ám toán vài ba vân mông áp sát chiều về, vô cương tỏa.

Dong dỏng thoát y mắt bụi nứng nẩy nồng nây chang

rang ra ràng còn tấy còn nướu tanh bành

bò quanh thít chặt. Ôi ong đầu óc cục cực cùng

mình choang choang ngực. Tan thân (7).

Đờm, dãi, thịt, da, tinh khí phì phào, thu hút mãi không thôi cọ xát

Chìm đắm dạt trôi, trói đâm đánh bắt, ngũ nhạc lừ lừ, lửa càn rần rật, thầm thức nương gió đọa, nước sinh ròng rã, trùng trùng giao kết căn duyên (8)….

Những đoạn những câu như thế còn nhiều. Nhưng chừng ấy thiết nghĩ bạn đọc có cơ sở để suy ngẫm xem có phải là thơ không. Nếu quả là sự cách tân mới lạ để nên thận trọng trân trọng. Rất mong nhận được hồi âm.

Chú thích:

(1, (2), (3), (4), (5), (6): Tôi vẽ mặt tôi. Thơ Lê Minh Quốc - NXB Văn hóa Thông tin- 1994.

(7), (8): Người đi tìm mặt. Thơ Hoàng Hưng - NXB Văn hóa Thông tin- 1994.

Chu Giang

(nguồn:báo Tiền Phong số 28 - 12.7.1994)



Về bài “thơ là như thế này sao”?

(Đăng trên báo TP số 28 ra ngày 12-7-1994)

… Tôi, một độc giả không am thường lý luận về thơ ca nhưng tôi thích thưởng thức thơ, miễn là thơ hay và đẹp. Thơ đẹp là thơ gây được mỹ cảm ở người đọc. Đọc xong thơ, lòng người vừa rung động vừa trong sáng hơn lên. Đặc biệt tôi rất thích khi được đọc những bài thơ có nhiều sáng tạo của cá nhân tác giả. Sáng tạo không đồng nghĩ với khác người, khác lạ: “… đếch có bức tranh nào vẽ khuôn mặt nàng”. Ngôn ngữ tục quá! Trong giao tiếp ngoài xã hội, việc tả chân nam nữ giao cấu đã là chuyện bất thường, thế mà sao nỡ đưa tả chân nam nữ giao cấu vào trong thơ (tôi không dám trích). Đích thị những câu thơ mà bạn Chu Giang đã trích dẫn là loại thơ con heo không hơn không kém.

… Thơ gì mà tục tĩu, bẩn thỉu vậy. “Thơ” ấy chẳng là thơ; chẳng có gì cao siêu mới mẻ cả. Nếu nhà thơ thật sự bị “dồn nén cảm xúc” có nhu cầu viết ra giấy, có nhu cầu ngâm nga cho đã, thì nhà thơ hãy khép buồng riêng lại mà viết, mà ngâm. Nhất thiết không nên in ra, vừa tốn kém tiền bạc công sức vừa tha hóa cảm xúc, tha hóa tâm hồn độc giả.

Và nữa, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cũng cần rút kinh nghiệm cho xuất bản thứ ấn phẩm này.

Có thể tôi phát biểu hơi gay gắt, nhưng các bạn ơi, hãy nghĩ đến tác hại của loại rác rưởi tinh thần này đối với xã hội mà cần nghiêm khắc gấp trăm lần.

Phạm Mạn

(Nam Định)

(nguồn: báo Tiền Phong số 9.8.1994)


 

Về bài “thơ là như thế này sao”?

… Qua đọc bài “Thơ là như thế này sao?” của Chu Giang (số 28 ra ngày 12-7-1994) tôi thấy bứt rứt, không thể không cầm bút viết đôi dòng mộc mạc (và có thể có chỗ hơi gay gắt, quá lời) để xin nêu một ý kiến cá nhân.

Trước hết, tôi xin kiến nghị các nhà bình luận, nhà thơ chuyên nghiệp cho ý kiến thật công minh về những bài thơ, đoạn thơ hoặc những câu thơ tương tự như tác giả Chu Giang đã dẫn chứng. Riêng tôi, tôi thấy không thể chấp nhận được những dòng thơ kiểu ấy, dù với quan niệm sáng tạo và thưởng thức như thế nào.

Là người lính, tôi từng say nhiều bài thơ trào phúng như thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, trong đó có những bài đụng chạm “chuyện kia” như “Vịnh cái quạt”, “Đánh cờ người”… (Hồ Xuân Hương).

Vậy mà làm gì có kiểu thơ như tác giả Chu Giang đã dẫn chứng lại được coi là thơ? Hay là tôi lạc hậu, không biết sáng tạo, cảm nhận và tiếp thu cái mới?

Dù có ai phẫn nộ với tôi, tôi cũng xin mạo muội ghi lại cảm hứng khi đọc những câu thơ ấy là:

Nghe thơ mà gớm cho thơ mãi

Thơ nặng mùi -

Thơ chắc nhiễm SIDA!

Lê Tiến Khóa

(Thôn Sinh Liên, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai - Hà Tây)

(nguồn: báo Tiền Phong số 9.8.1994)


Về bài “thơ là như thế này sao”?

Kính gửi báo Tiền Phong

Trong tháng 7-1994 vừa qua, báo Tiền Phong có đăng bài “Thơ là như thế này sao?” của bạn Chu Giang. Bài báo có trích dẫn 6 đoạn thơ (gồm hơn 20 câu) trong tập Tôi vẽ mặt tôi (của Lê Minh Quốc) và 2 đoạn thơ trong tập “Người đi tìm mặt” (của Hoàng Hưng) do Nhà xuất bản chúng tôi ấn hành.

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Ban biên tập báo Tiền Phong và bạn Chu Giang đã có những ý kiến kịp thời.

Chúng tôi xin được phép có đôi lời như sau: Tập thơ của Lê Minh Quốc gồm 60 bài, khoảng 1.800 câu thơ. Trong đó có một số bài khá. Đã có 7 báo từ Trung ương đến địa phương, có bài giới thiệu vào tháng 3 và tháng 4-1994. Các bài đều đánh giá phần ưu điểm và nhược điểm của tập thơ, và nêu lên một số câu chữ còn thô lậu, khiến người đọc khó cảm thông và thậm chí bất đồng tình. Tập thơ của Hoàng Hưng gồm 40 bài thì hơn 20 bài khá đã đăng trên các báo Trung ương (trong đó báo Văn nghệ trung ương đăng hẳn một chùm 5 bài). Tuy nhiên nhà thơ này cũng có một số câu chữ bị người đọc khó chấp nhận.

Sau khi có bài báo của bạn Chu Giang đăng trên báo Tiền Phong; Nhà xuất bản của chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc hưởng ứng bài báo này và cho thêm một số nhận xét bổ sung (đặc biệt là ý kiến của Câu lạc bộ thơ truyền thống Quảng Nam - Đà Nẵng).

Chúng tôi nhận thấy việc đánh giá về thơ trong lúc các quan niệm về sự cách tân của thơ trong giai đoạn này là khá phức tạp và đa dạng. Tuy nhiên sự đổi mới nào cũng cốt làm cho thơ ngày càng hay hơn.

Công việc biên tập của chúng tôi còn nể nang và thiếu chặt chẽ nên đã để sót lại một số hạt sạn như vậy trong tập thơ.

Một lần nữa xin cảm ơn báo Tiền Phong đã chỉ cho chúng tôi một số thiếu sót. Xin cảm ơn các bạn đọc xa gần đã có ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác biên tập.

T/M Ban giám đốc NXB Văn hóa - Thông tin

Giám đốc QUANG HUY

L.T.S Chúng tôi hoan nghênh sự kiểm điểm nghiêm túc có trách nhiệm của NXB Văn hóa – Thông tin. Cũng rất cảm ơn các bạn đọc gần xa đã nhiệt tình tham gia trao đổi với bạn Chu Giang. Vấn đề đã rõ ràng xin được tạm dừng ở đây.

(nguồn: báo Tiền Phong số 16.8.1994)


 

Tôi vẽ mặt tôi

 

 

Trong những gương mặt thơ nổi lên sau ngày giải phóng ở TP. Hồ Chí Minh, Lê Minh Quốc có lẽ là người “tự hành hạ” nhiều nhất bằng những bài thơ “tra vấn” chính mình. Bất lực, thèm khí trời để thở, Vết thương, Độc thoại với Thúy Kiều, Thiên thần, Ngủ quên cho đến sáng mai, Tôi vẽ mặt tôi, v.v… Hàng loạt bài trong tập thơ mới này cho thấy một nhà thơ luôn luôn day dứt, dằn vặt, ngồi đứng không yên, bất an trong tâm:

“Tôi ôm mặt khóc rưng rưng

Như con vật ý thức mình đang chết”…

Hoặc

“Đêm đơn độc nên tôi đành bò lên mái nhà.

Để tìm một chỗ ngủ”

Lê Minh Quốc vật vã như người thất tình, nhưng không hẳn là “thất tình” trai gái, anh “thất tình” đời trước những cảnh:

“Những đứa trẻ đứng ngồi moi đống rác bộ ngực gầy phẳng phiu…

hoặc:

“Ông già mù trút điệu buồn bi thảm

Vào năm sợi dây đàn màu xám…”

Thơ Lê Minh Quốc rất giàu chất thế sự. Ngay cả trong những bài thơ tình, Lê Minh Quốc vẫn đầy những ám ảnh đời sống.

“Khi tôi úp mặt vào ngực em

Nghe sóng vỗ miên man

Điệu hát bi thương dị thường của gió…”

Thơ tình Lê Minh Quốc mang nặng những ám ảnh dục tình, nhưng không dung tục, vẫn kịp dừng ở mức độ mang cái đẹp của thân thể và cũng mang cái ngạo ngược gần giống như một vài cây bút khác ở thành phố:

“Con gái đáng yêu như bánh tráng

Tiếng cười đỏng đảnh rất… giòn tan”.

60 bài thơ không ngắn trong một tập là một sự chọn lựa có phần hơi tham. Có thể tìm thấy dễ dàng những câu thơ hay, những ý thơ độc đáo nhưng lại rất khó chọn được bài thật hoàn chỉnh. Cảm xúc trong thơ Lê Minh Quốc thật mạnh, người “yếu bóng vía” có lẽ sẽ tiếp nhận rất khó khăn. Chỉ tiếc ngôn từ, chữ nghĩa của anh chưa chắt lọc, thiếu hẳn những “âm đen”, thứ tối cần thiết để làm nên những bài thơ hay.

Mai Nam

(nguồn: Thể thao & văn hóa số 19.3.1994)



Đọc tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc

Giá như tập thơ chỉ có khoảng 10 bài kiểu như các bài Gặp ở Ăngco-vát, Sau cánh gà, Ngày xưa, Khi gần 17 tuổi, Định nghĩa về đất nước, Giấc mơ, chiều mưa, Bản Tango ly biệt… thì nó sẽ là một tập thơ tốt. Thơ Lê Minh Quốc có giọng điệu riêng, thi tứ dồi dào, liên tưởng mạnh mẽ, ngôn ngừ táo bạo… Chính chỗ mạnh này được triển khai ra thêm khoảng 50 bài thơ “có vấn đề” nữa đã làm uổng tập thơ.

“Vấn đề” ở đây là vấn đề thể hiện “nhục cảm” trong thơ. Ngòi bút buông thả, phóng túng một cách bạt mạng tạo nên cảm giác nhục dục quá trần tục, gây cảm giác nặng nề phiền muộn cho người đọc. Nghe người viết bài này trách cứ nghiêm khắc, tác giả đã giãi bày là vì muốn đi tìm cái mới cho thơ: “Khó mà tìm được ở hình thức, chỉ có thể tìm ở nội dung, đề tài…” cụ thể ở đây là quan hệ tình dục.

Thật ra từ xưa ca dao dân gian, các nhà thơ tiền bối đã viết nhiều về chuyện nay nhưng lại hết sức thanh tao; “Yêu nhau cởi áo cho nhau. Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”; “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” (Nguyễn Du) và hàng loạt bài thơ rất tục mà thanh của Hồ Xuân Hương…

Cho nên hướng tìm tòi cái mới của Lê Minh Quốc đã sai lạc. Rất tiếc là NXB Văn hóa Thông tin đã không giúp tác giả sớm phát hiện ra chỗ yếu của tập thơ để kịp thời bổ cứu. Nhưng mà thôi, cần gì phải “đao to búa lớn”. Hy vọng rằng tác giả sẽ “thực sự cầu thị”. Được như vậy tôi tin rằng sẽ tiếp tục được đọc những tập thơ nghiêm túc hơn của tác giả sau này.

Diệp Minh Tuyền

(Báo Văn nghệ TP.HCM số 31/3/1994)


Trăn trở, kiếm tìm để tự khẳng định mình

Tôi vẽ mặt tôi

Thử phác họa một chân dung của Lê Minh Quốc khi anh tự vẽ mình, hay nói một cách khác là anh luôn đặt mình trước trang giấy và hỏi: Ta là ai?

Tôi gọi lên tên quốc

thằng uống rượu say  ăn mày kỷ niệm

suốt đời hoài hương như thằng đê tiện

thằng ươn hèn không nịnh hót ai

thằng giàu có vì tiền không dính túi

thằng là thằng chao ơi cát bụi

đi về mấy ngả trần ai

(Bất lực)

Trào lộng và đau đớn khi tự vẽ mặt mình! Vì cái lẽ ta là ai đó mà Lê Minh Quốc luôn luôn tự kiếm tìm: cuộc sống, tình yêu và bao nỗi nhân tình thế thái. Anh thể hiện nó-qua-thơ-một cách bạo liệt đến mức cực đoan và hơi sỗ sàng, thô thiển… Nhưng điều đáng quí ở anh là biết dừng lại đúng cái lằn ranh hay nói khác hơn là cái “giới hạn cần thiết” - cái barie nghiệt ngã ấy…

Sau những câu thơ xô bồ, thô mộc, nhục cảm… anh lại viết những câu thơ rung cảm đến tận bề sâu xa của tâm linh:

đất nước

có thể đó là một chú dế mèn

gọi mùa thu về chập chờn ngoài cửa lớp

là trái bồ kết để em gội tóc

thơm hoài trong hơi thở buổi tự tình

Thơ non tơ và xanh vời như kỷ niệm. Thế nhưng cũng với định nghĩa ấy, sau những năm tháng chạm mặt với cái chết ở chiến trường, anh lại thấy trách nhiệm công dân:

đất nước là hình ảnh khẩu súng quàng vai

đứng trang nghiêm trước sơn hà xã tắc

là câu đánh vần lúc bắt đầu đi học

là ngôi trường làng mái ngói rêu phong

Thì người đọc lại thấy một Lê Minh Quốc khác: trầm tĩnh, sâu lắng chân thành ẩn sau một Lê Minh Quốc luôn phá phách, hành hạ tâm hồn và thể xác của mình để kiếm tìm một bản ngã riêng biệt.

Trên con đường chông gai ấy, anh cũng vấp phải những hòn đá hoặc những viên sỏi sắc nhọn nằm đây đó trong tập thơ. Giá mà đừng có “nó” vẫn hơn vì nó làm mà anh tự làm khổ mình và khổ người đọc mà lỗi thuộc về anh chứ không phải ở họ.

Phú Ninh

(nguồn: Báo Văn nghệ TP.HCM số 31/3/1994)



 

Quanh tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi”

Bước vào quán Con Rùa chưa kịp ngồi, anh bạn làng văn chìa ngay tờ Văn Nghệ TP.HCM số 135 bắt đọc, lại dở sẵn trang 10 dí tận mắt, chỉ cho thấy hai bài viết đăng cùng trang ấy về tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc (NXB Văn hóa Thông tin, 1994).

Bài thứ nhất của nhà thơ Diệp Minh Tuyền cho rằng tập thơ trên có 10 bài tốt, 50 bài còn lại có “vấn đề” nhục dục và kết luận “hướng tìm tòi cái mới của Lê Minh Quốc đã sai lạc”.

Phú Ninh, tác giả bài thứ hai, cho rằng sau nhục cảm Lê Minh Quốc có những câu thơ “rung cảm đến tận bề sâu xa của tâm linh” và nhận xét: “Tôi vẽ mặt tôi”… là một sự kiếm tìm thể nghiệm một cách nghiêm túc”. Nếu ai đó phản đối, bực dọc, cũng nên thông cảm, có cái nhìn ưu ái hơn.

Đọc xong hai bài, Ong-vò-vẽ quay hỏi bạn: “Có mang tập vẽ mặt nào đó không?”. Có. Liền mượn đọc qua, thấy những câu khá tươi mát: Trái tim tôi đã hóa thành quả ngọt - Tôi không thể tưởng tượng được lúc yêu em mà vắng lời chim hót. Viết về đất nước: là đêm trăng bên cái giếng đầu làng - em khua gàu làm vỡ ánh trăng tan. Về chiều Đà Nẵng: hiền lành và bẽn lẽn như một nàng dâu. Tôi sẽ bay lên trời dự đám cưới. Về chọn điều ước: sẽ chọn lấy điều bình thường - là được gặp người tình mười năm trước - đã mời tôi ăn hết một ly chè. Tập thơ gọi “mùa thu về ngoài cửa lớp”, nhớ “con dế mèn”, “trái bồ kết”, thương “tóc em đen và má em hồng”… những câu như vậy thật khác hẳn một Lê Minh Quốc sẵn sàng bày “cuộc chơi” đôi lứa “mắt nhắm rồi nhưng vẫn mở đôi tay”. Nói rõ ý mình với người bạn bên cạnh, anh ta kháy: “Hứ, định khen chê, chê khen chứ gì, tụt hậu rồi!”

Bạn giải thích: thời buổi thơ nhiều như sao trên trời, in ra ai chú ý. Nên có người bảo được khen đã mát mặt, chê càng chẳng lỗ chi. Sao kỳ vậy? Bởi họ cho chê cũng là cách “quảng cáo” cho họ, cứ chê. Phê bình thật gắt cũng là cách “chào hàng”. Ong-vò-vẽ cười: rõ rồi, thâm tạ quân sư quạt mo, ở đây không làm chuyện ấy, chỉ tiếc cho Lê Minh Quốc ham “khỏa thân” trong thơ quá. Người ta không chịu “khỏa’, mình cứ mơ mộng “khỏa” ngay cả cá:

Con cá khỏa thân lội trong dòng nước

(bài “Thơ thiền”, trang 94)

Phàm cá lội trong nước tất nhiên đã khỏa thân rồi. Cần gì viết “con cá khỏa thân lội trong dòng nước”, chắc hẳn muốn bảo rằng nó từng mặc quần áo chăng? Chuyện rắn có chân hoặc cá mặc áo thời cha sinh mẹ đẻ tới chừ Ong-vò-vẽ chưa thấy. Bạn trách: Ong dùng tam đoạn loạn” chứ luận theo “tứ cú” thì A là phi A, cá là phi cá, nó hóa rồng hóa chim mấy hồi. Chừng đó nó biến thành tiên múa khúc Nghê thường nữa là! Một câu ấy thôi để nhắc cái tật ham “khỏa” trong thơ Quốc. Còn như sau khi “khỏa” tất nhiên đẩy tới chỗ… ấy! Cái chuyện “faire l’amour” vẫn được nhắc đến viết đến từ xưa, hướng người đọc tới những khát vọng cao hơn xác thịt nhiều.

Như những câu thơ cổ nhất ví sự sáng tạo thiêng liêng tựa phút giao hợp giữa người đàn ông và đàn bà đọc vẫn không vướng mùi tục lụy (Linga - Rahasya). Chịu chơi như Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis và thiếu gì những nhân vật tiểu thuyết khác ăn trái cấm mà người đọc khen ngon. Nhưng phải có nội lực thâm hậu như thế nào, bút pháp như thế nào, để “sự ấy” khỏi bị sống sượng. Cơm chưa chín, vội bới ra mời, oan là chỗ đó! Chứ có tội lệ gì? Khách ăn mắng mỏ, đập nồi, thương là chỗ đó!

Ong-vò-vẽ

(nguồn: Báo Thanh Niên số 1.5.1994)



Tôi vẽ mặt tôi

“Tôi vẽ mặt tôi” tập thơ mới của Lê Minh Quốc, là một thứ ngôn ngữ lạ. Thơ ca, với anh, ở đây có nghĩa là một bản phác họa về con người của chính mình. Dĩ nhiên con người đó không phải là một ý niệm, mà là một thực thể bị lôi ra trước ánh sáng cuộc đời. Nó có tiếng nói tự do, đúng hơn, nó sống hừng hực, nó gào thét, la lối, xỉa xói, yêu thương, ân ái… với tất cả tiếng nói tự đáy lòng mình. Nó không sống khắp mọi thời mà chỉ sống ở lúc này. Nó là sản phẩm của một thời, đó là thời hậu chiến với bao ray rứt cũng như với bao hạnh phúc.

Một khía cạnh khác, chất trữ tình đôi khi dường như đối lập với giọng điệu tàn nhẫn trên. Đó là giây phút của ký ức tình yêu, hoài vọng quê hương thời thơ ấu: Mai chia xa chỉ một lời nhắn lại da diết yêu em nên tôi cũng yêu đời... Xin trả lại tôi thuở sao khuya còn chìm trong mắt, ngoài hiên còn vàng vạt nắng ngây ngô… Tuy vậy đó vẫn chưa phải là yếu tố trội vượt, có nghĩa là phong cách của anh vẫn rõ nét, đó là giọng điệu của một con người trần trụi trước cuộc sống có thể làm lay động con tim chúng ta.

Trân Châu

(nguồn: báo Vũng Tàu chủ nhậtsố 13.3.1994)


 

Công văn số 05 của NXB Văn hóa Thông tin

Công văn số 05 do Giám đốc NXB VHTT Nguyễn Quang Huy ký ngày 5.3.1994 tại Hà Nội “Kính gửi: Cục xuất bản”. Nguyên văn như sau:

“Chúng tôi vừa nhận được Công văn số 45/CXB ký ngày 8.3.1994 báo tin cho biết là “Hiện nay đang có ý kiến khác nhau” về tập thơ Tôi vẽ mặt tôi của tác giả Lê Minh Quốc do Nhà xuất bản chúng tôi ấn hành.

Chúng tôi nhận thấy sự có ý kiến khác nhau về một cuốn sách văn học là lẽ bình thường, hơn thế nữa là sự cần thiết. Tiếng nói trao đi đổi lại lành mạnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đúng đắn của sáng tác văn học.

Xin gửi theo đây một vài ý kiến ngắn gọn nhất của chúng tôi về tập thơ ấy”.

“Vài nhận xét về tập thơ “Tôi vẻ mặt tôi” của Lê Minh Quốc

- Tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc có 60 bài in trên 140 trang sách. Với dung lượng khá dày đặc, lại thể hiện với một bút pháp gần như không nằm vào lối mạch thông thường: nhiều bài, nhiều câu khi đọc buộc người ta phải lật trở, suy nhìn, ngẫm nghĩ, nhưng rồi thấy cũng yên tâm bởi tập thơ không hằn gợi những vấn đề chính trị. Những định hướng về văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới mà ngành xuất bản đã thể chế hóa một bước quan trọng trong luật xuất bản thì tập thơ đã không có điều gì làm phương hại đến những vấn đề thuộc về nguyên tắc ấy.

- Trong muôn mặt tìm tòi để đổi mới sự sáng tạo văn học nói chung, riêng với thơ, từng bước có những khó khăn và vất vả hơn. Sự tìm tòi để nhập cuộc của thơ vào đời sống xã hội cũng khó thấy hiệu quả hơn là văn xuôi, sân khấu và điện ảnh v.v… bởi cái chủ thể trữ tình của thơ, bởi tính biểu cảm và hình ảnh của thơ…

Nói lại một chút không mới này để thấy tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc như còn đậm đặc hơn những đặc điểm trên vì lẽ cái bản thể trữ tình của nhà thơ, cái Tôi của nhà thơ được chú ý, được nhấn mạnh. Mà đã chú ý và nhấn mạnh quá thì cái được và cái không được đều có thể song hành tồn tại. Đương nhiên cái mạnh và cái được của tập, chúng tôi nghĩ vẫn là chủ yếu.

Tập thơ cho thấy tác giả rất có ý thức và khả năng nhìn xét nhiều chiều nhiều mặt, nhiều cung bậc, nhiều khoảng sáng tối, cả phần thánh thiện và tầm thường mà con người luôn luôn thể hiện ở cả phần tâm linh và thể xác. Nếu bằng cách đọc và cảm nhận thông thường ta dễ thấy tập thơ có nét cực đoan nào đó. Song chính ở chỗ này, lại cần phải dặt nó trong cả một bối cảnh chung của mọi sự tìm tòi đa dạng, nhiều phong cách. Rất rõ ở tập thơ này tác giả rất ưa (và cũng rất hợp) thể hiện sự tìm tòi và biểu đạt bằng ngôn từ, hình ảnh tạo nên cảm giác mạnh, ấn tượng xoáy. Nhiều câu thơ viết bạo tay, bỗ bã, đọc có thể giật mình là do người viết không muốn thơ mình trở thành những bài thơ “có chức năng giống vòng hoa tang lễ”. Nhưng từ cái không muốn đó, sự cực đoan hay nói khác đi là tính mức độ chỗ này chỗ khác, bài này bài khác, câu này câu khác đủ trở thành con dao hai lưỡi với anh. Một mặt anh viết rất say sưa trong giả tưởng người con gái đẹp mà anh yêu trong bài “Sự tích con dã tràng” hay trong bài “Xem tranh trong rừng”: (Tôi ham hố những phu nhân góa bụa… Thêm chút màu đen em sẽ hóa đàn bà… Tôi thèm khát hát lên bằng tiêng khóc) nhưng đồng thời, thật tiếc, cũng với rung cảm ấy tác giả đã không ít lần thể hiện nó “thực” quá để tạo cho người đọc ít nhiều cảm giác “xốc” và phần nào khó chịu ái ngại.

Những câu, những bài, những ý thơ như vậy đương nhiên là lỗi lầm dứt khoát phải trừ bớt vào dấu cộng có được của tập thơ. Cũng cần nói thêm rằng đây cơ bản là tập thơ tình (một kiểu thơ tình thể hiện bằng những gam độ mạnh) tuy nhiên là thế, song vẫn cứ muốn tập thơ được bổ sung thêm một số bài kiểu như bài “Định nghĩa về đất nước”- một bài thơ có nhiều những định nghĩa bằng thơ, thật thú vị, thật hay, về đất nước - thì cảm giác mực thước, tài hoa và cái chất đời sống đa diện sẽ có mặt đẹp hơn ở tập thơ này”.

Giám đốc Nguyễn Quang Huy


 

Ai nỡ thơ ơ với bài thơ… nịnh nọt

(Đọc bài thơ Tưởng tượng của Lê Minh Quốc)

 

Quả thật, hơn một năm trở lại đây tôi đã bắt gặp những lời chê trách thơ Lê Minh Quốc qua tập Tôi vẽ mặt tôi trên các báo, các tạp chí và các tập phê bình văn học. Nhưng không lẽ tôi có thể thờ ơ với bài thơ Tưởng tượng của anh trong tập thơ đó?

Con gái duyên dáng như là gió

Thổi cuốn tôi theo vạt áo dài

Sớm mai đi học vừa ra ngõ

Gió thổi hồn tôi lên ngọn cây


Con gái dễ thương như… xe đạp

Ban trưa bướm trắng chở nhau về

Còn tôi đi bộ xa hun hút

Ngóng gửi tình theo trục bánh xe


Con gái đáng yêu như bánh tráng

Tếing cười đỏng đảnh… rất giòn tan

Ồ đừng ví dụ vô duyên vậy

Họ dễ thương như một phím đàn


Con gái thú vị như viên kẹo

Kẹo ngọt ăn hoài sẽ sún răng

Tối về nằm mơ em đã lớn

Sao hàm răng trắng tựa sao băng!

Không thể thờ ơ được, bởi trước hết đó là lời “tự thú” rất… lọt tai của con trai trước con gái. Họ “thú nhận” là “con gái duyên dáng”, “con gái dễ thương”, “con gái đáng yêu”, “con gái thú vị”… Chính vì con gái duyên dáng thế, dễ thương thế, đáng yêu thế, thú vị thế nên cái “gã” con trai trong bài thơ mới… khổ. Nào là bị gió-con-gái cuốn theo vạt áo dài, thổi hồn lên ngọn cây, nào là bị kẹo-con-gái làm… sún răng (ai bảo ham “ăn hoài”!) thậm chí còn bị cả xe-đạp-con-gái mê hoặc (có thế mới “ngóng gửi tình theo trục bánh xe” chứ!)...

Bài thơ cuốn hút người đọc bằng cách diễn đạt hết sức thoải mái, tự nhiên, hóm hỉnh trong câu chữ, mà không hề đánh mất vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn của ý thơ.

Con gái có thể… phập phồng mũi lắm chứ, khi mà “họ” ví mình như gió, như bướm trắng, như phím đàn, và nhất là còn nằm mơ thấy mình “hàm răng trắng tựa sao băng”…

Ồ, xin thưa tác giả và thưa toàn bộ con trai, con gái cảm ơn và chấp thuận bài thơ mang tính chất rất chi là… “nịnh nọt” này đấy! Bởi ai có thể “sắt đá” tới mức làm ngơ? Ơ, nhưng giả bộ làm ngơ thì… cũng được. Con gái mà! Và có thế thì con trai mới chịu…. “tưởng tượng” chứ!

Hà Nội, chiều 6-10-1994

Khánh Hạ

(nguồn: báo Hoa Học Trò số 11/1994)


 

Mưa dầm ướt văn

 

Tăng Sâm đi học về. Mẹ Tăng Sâm ở nhà dệt vải. Có kẻ mưu hại đến phao tin xấu. Buổi sáng chúng bảo:

- Tăng Sâm giết người.

Mẹ Tăng Sâm thản nhiên không nói lại/ Bởi bà rất tin con mình.

Buổi trưa chúng bảo:

- Tăng Sâm giết người:

Bà mẹ Tăng Sâm tự nhủ:

- Con ta không bao giờ làm thế!

Buổi tối chúng kéo nhau đến bảo:

- Tăng Sâm giết người:

Bà mẹ hoảng hốt quăng thoi:

- Con ta sao lại làm thế...

Ấy là chuyện xưa, mọi người đều biết. Sự thiếu thông tin, thông tin sai lạc. Xuyên tạc, bịa đặt, thông tin nguy hiểm như thế.

Bây giờ có người làm thơ không nghiêm túc. Cợt nhả, văng tục bậy vào thơ. Đại loại:

Đếch có bức tranh nào vẽ chân dung nàng

Tôi buôn quá...

Hoặc:

Yêu người đàn bà có chồng nỗi buồn nhân đôi

Anh đếch sợ. Cứ yêu như sắp chết

(Tôi vẽ mặt tôi  - NXB Văn hóa Thông tin - 1994)

Thế mà có nhà lý luận phê bình rào đón biện hộ rằng bây giờ cơ chế thị trường, tự do dân chủ, tôn trọng người đọc tự chọn (!)... với những thể nghiệm mới nên bình tĩnh tiếp nhận, ai thích thì đọc, không thích thì gấp lại, không nên vội vàng nôn nóng phê bình nhận xét làm giảm mất cái không khí sáng tạo đổi mới v.v.... và v.v...

Ôi, nếu nà lý luận phê bình mà quan niệm suy nghĩ, phát ngôn như thế thì sớm muộn trước sau sẽ đẩy côn chúng văn học vào tình cảm mẹ Tăng Sâm. Bởi hiện tượng văn học, tác phẩm văn học dù đơn giản hay thâm thúy cao sâu đều không bày ra, không khoe sắc bốc mùi tất cả ở ngoài bìa sách. Người ta phải đọc rồi mới biết hay hay dờ, thích hay không thích. Nó rất khác với món bún ốc hay tiết canh cháo lòng, chỉ cần liếc mắt qua cũng có thể thẩm định được để quyết định ghé vào hay đi thẳng.

Tác phẩm văn học đa thanh, đa nghĩa. đa tầng tiềm tiềm ẩn ẩn có khi đọc đi đọc lại vẫn chưa nhận ra, vẫn chưa cảm hết. Vì thế mới cần đến nhà bình luận văn học như những người đọc siêu đọc, khám phá, đánh giá được các hiện tượng văn học, giúp cho sự tiếp nhận văn học của công chúng thêm phần phong phú. Nhà lý luận phê bình phải là người thấy trước cái hay, cái dở, cái mới, cái cũ... và phải nói to lên, nói thẳng ra, nói cho đúng cái sự thẩm định của mình, thông tin đúng cho công chúng...

Đấy vừa là bản lĩnh vừa là trách nhiệm của nhà lý  luận phê bình.

Nếu đứng trước một hiện tượng văn học (dù đơn giản hay phức tạp) mà nhà lý luận phê bình không đưa ra lời đánh giá, không tỏ rõ thái độ, dù khen hay chê, ủng hộ hay không ủng hộ... mà lại án binh bất động, cắm sào đợi nước, chờ đợi nghe ngóng tình hình... theo kiểu "tọa sơn quan hổ đấu" thì khổ nhọc cho công chúng văn học quá lắm. Thế là chờ đợi đấy! Chờ có cơn mưa xách gàu ra ruộng! Chờ gà gáy sáng mới hô rằng bình minh! Này bà con ơi! Nếu gặp nhà lý luận phê bình có tài chờ đợi như thế thì chớ vội mừng! Thì phải nói ngay: Hỡi nhà lý luận phê bình muôn quý ngàn yêu! Sao ngài không nói ngay, nói thẳng, nói to cái sự phê bình của ngài ra. Còn chờ đợi nỗi gì? Đợi cho bạn đọc biến thành mẹ Tăng Sâm tất cả rồi mới bình luận hay sao?!!!

4.1994

Trang Du

(nguồn: tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 10.1994)


 

Nhà thơ trẻ Lê Minh Quốc đã rút "vào làm thơ bí mật"?

Cách đây 4 năm, có người phê phán một số câu thơ “nhục cảm” trong tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc, và tôi đã tìm đọc tập thơ ấy. Tuy có những câu thơ đọc lên hơi bị ngượng, nhưng toàn tập đã gieo vào tôi ấn tượng về một giọng thơ phóng túng. Từ đó đến nay tôi không được đọc tập thơ nào của Lê Minh Quốc nữa. Có phải do bị phê phán mà nhà thơ đã rút vào “làm thơ bí mật”? Tôi muốn tò mò một chút về đời riêng của nhà thơ này. Tiền Phong có hỏi giùm được không? (Phan Hoàng Anh - Giáo viên Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

NGUYỄN TRỌNG TẠO:

Tôi may mắn có trong tay tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” mà Phan Hoàng Anh nhắc tới. Quả đúng là một tập thơ có ấn tượng về giọng điệu, không lẫn vào các tập thơ của những người khác. Phóng túng như một người đi xe hết tốc độ, và dân chủ như một kẻ chỉ biết nói theo ngôn ngữ của riêng mình giữa đám đông. Với sự tự tin của một người trẻ, có lúc anh đã thốt lên: “Thượng Đế là đứa trẻ khóc ngu ngơ”. Một con người bạo gan như thế mà làm thơ tình, lại hướng về tình dục thì hẳn sẽ làm cho người ta “dễ sợ” kể cũng không có gì là lạ. Tất nhiên, sau khi bị phê phán, Quốc cho tôi biết là anh vẫn làm thơ nhưng “làm sao cho người ta dễ chấp nhận hơn”. Do có câu hỏi của Hoàng Anh mà Quốc đã tiết lộ với tôi qua điện thoại là sắp tới anh sẽ cho in một tập thơ tình mới, rất đời, vì anh là người đang yêu (nay Quốc đang bước vào tuổi 40, mà vẫn “lính phòng không”).

Trong lúc đang chờ để in tập thơ mới, Lê Minh Quốc đã cho ra mắt tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to-quoc.html (in chung với Đoàn Tuấn - Nhà xuất bản Văn học,1997). Đây là tập thơ của hai người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam hồi 79-80. Đọc thơ các anh ngỡ gặp lại những người lính bằng xương bằng thịt thuở nào. Đấy là thơ làm bằng cảm xúc thật. Nhưng giọng thì vẫn giọng ngang tàng phóng túng bẩm sinh. Thật dễ thông cảm khi đọc những câu thơ như tế này của Lê Minh Quốc: “Đừng trách câu thơ chổng chểnh / Bởi rừng trăm lối quềnh quàng / Bước đi nhói đau xuệch xoạng / Chúng tôi xuống núi lên ngàn”.

Theo hồi ký của Đoàn Tuấn, bạn chiến đấu và là bạn thơ của Quốc, thì thời còn ở lính, Quốc là người có cá tính mạnh, hay kể tiếu lâm nhưng khi làm quản lý đơn vị (tay hòm tay chìa khóa) thì rất chuẩn. Và cũng lắm lần hút chết. Tôi xin trích lời Tuấn: “Và đến lượt Lê Minh Quốc, cái chết không buông tha. Một sáng đi tuần, chàng trai của thành phố Đà Nẵng đi đầu, vấp ngay phải quả mìn của địch. Nghe “tạch” một cái, mọi người chưa kịp nằm xuống thì quả mìn đã nảy ngang người Quốc. Nhưng nó không nổ mà rơi bịch xuống đất. Sau phút hoàn hồn, Quốc nhặt quả mìn lên. Thì ra quả mìn bị tra kíp ngược. Nhân mỉm cười nói: “Mẹ kiếp, chắc thằng ôn dịch là lính mới nên mới tra kíp ngược. Nhưng nhờ thế mà thằng Quốc được nếm mùi cảm giác sang thế giới bên kia…”

Sau khi rời quân ngũ, Quốc trở về tiếp tục học Đại học Văn khoa ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi làm phóng viên cho tờ “Phụ nữ Thành phố HCM”. Chỉ trong vòng mười năm, Lê Minh Quốc đã cho xuất bản hơn chục đầu sách gồm thơ, truyện dài, tiểu thuyết, truyện lịch sử, truyện thiếu nhi, truyện cười dân gian hiện đại và hàng loạt bài báo ngắn dài.

Có điều lạ là thơ tình của Quốc, nhiều và “dữ dội” như thế mà anh vẫn sống “một mình với mẹ”. Chiều tính “tò mò” của Hoàng Anh, tôi đã điện thoại hỏi Quốc sao chưa chịu cưới vợ. Vẫn cái giọng của một người giữ mục tiếu lâm, anh nhờ tôi nhắn với Hoàng Anh rằng: “Quốc sợ cưới cô này thì làm buồn lòng nhiều cô khác”.

N.T.T

(nguồn: báo Tiền Phong số 18.9.1998 & Nguyễn Trọng Tạo - Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ  - NXB Hội Nhà Văn - 2001)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com