BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Thương nhớ "dáng nâu" lãng tử Nguyễn Trung Bình

LÊ MINH QUỐC: Thương nhớ "dáng nâu" lãng tử Nguyễn Trung Bình

xuan_duy_xuyen_2nguyen_trung_binh

 

 

1.

Đã lâu lắm rồi, không thể nhớ lại cụ thể vào ngày nào tháng nào, năm nào. Nhưng tôi nhớ chính xác là hồi đó, chúng tôi còn trẻ. Thừa thải thời gian. Năng lực sáng tạo với thơ còn hừng hực như lửa, mê gái như điên và nhậu nhẹt lai rai thì lúc nào cũng dạt dào như sóng.

Vào một bữa khuya lắc khuya lơ, chúng tôi ngồi la cà tại một nhà hàng sang trọng ở đường Lê Văn Sỹ, ai nấy đã rã rời, đã phiêu bồng dăm đuối theo nàng thơ, bỗng dưng tất cả lại tỉnh như sáo, tỉnh queo tưởng chừng như chưa hề uống lấy một giọt men. Đó là lúc Nguyễn Trung Bình nói rành rọt: “Có người sắp cưới vợ rồi”. Tôi, bấy giờ đang độc thân lấy làm kinh ngạc, bèn hỏi lại: “Em sắp lên xe hoa?”. Bình gật đầu: “Bình chứ ai. Còn ai trồng khoai trên đất này nữa?”. Mọi người cười ồ lên vui vẻ. Lời tuyên bố của Bình lại là cái cớ chính đáng để dăm ngày sau, chúng tôi lại… “gầy sòng” ở quán khác nữa để bàn về chuyện quan trọng của Bình.

Còn nhớ, trong cuộc nhậu đó, sau những cuộc tranh luận, bàn tán ồn ào như vỡ chợ, mọi người đưa tay biểu “trăm phần trăm nhất trí”, đại khái, nhà báo Phạm Lê Tấn Phong (báo Doanh nghiệp) giữ chức Trưởng ban đón khách; nhà báo Mai Phúc (báo Quảng Nam) làm trưởng ban liên lạc - nói nôm na là đi giao thiệp cưới đến bạn bè; thêm dăm bạn khác làm công tác khác nữa, tôi không nhớ hết; cuối cùng, tôi (báo Phụ Nữ TP.HCM) được giao nhiệm làm dẫn chương trình. Tóm lại “sự nghiệp” làm MC của tôi bắt đầu là… từ đám cưới của người bạn, người em cực kỳ lãng tử là nhà thơ Nguyễn Trung Bình.

Bấy giờ, thỉnh thoảng chúng tôi hay tạt qua chỗ Hãng phim Thời sự tài liệu TP.HCM trên đường Ngô Thời Nhiệm, Bình làm việc ở đó. Như vậy, tính ra là khoảng năm 1997. Mỗi làm gặp nhau là cà phê cà pháo và câu chuyện rôm rã về thơ, chỉ bàn về thơ và lúc nào cao hứng thì hùn tiền kéo nhau qua “đại bản doanh” của thế giới văn nghệ sĩ thời ấy là 81 Trần Quốc Thảo - nay là cơ quan của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM. Ở đó có văn phòng của Hội Nhà văn mà chúng tôi là hội viên.

Thời gian chơi thân với nhau, tôi biết đôi nét về bạn, đại khái năm 1987, ngay sau khi tôi rời khỏi trường Đại học Tổng hợp TP.HCM thì Nguyễn Trung Bình bắt đầu học khoa Ngữ văn nhưng học ở trường Đại học Tổng hợp Huế. Lúc học xong, Bình làm phóng viên cho tạp chí Khoa học và phát triển thuộc Sở Khoa học Công nghệ và môi trường của tỉnh Quảng Nam. Dường như khoảng năm 1994, Bình vào Sài Gòn làm phóng viên đại diện phía phía Nam cho tờ tạp chí mà mình đang công tác. Ấy là cái duyên, cái cớ chính đáng mà Bình bám trụ lâu dài tại nơi này. Bấy giờ, Sài Gòn đã trở thành nơi mà nhiều cơ quan bao chí, nhà xuất bản của Trung ương lẫn các địa phương đặt văn phòng đại diện. Nhờ đó, trong cánh anh em báo chí, viết lách chúng tôi có thêm nhiều mối quan hệ của tình đồng nghiệp.

Vốn lãng tử, quảng giao, vui vẻ và nhất là giữ được tính hào sảng của người Quảng Nam xa xứ, luôn chơi thân tình, “xả láng sáng về sớm” nên Bình đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường này. Thế nhưng tình cảm cố hương bao giờ cũng hiện hữu rõ nét trong tâm cảm của Bình, chẳng hạn, lúc hay tin quê nhà bị lũ lụt:

Thế là em đã nói điều ấy trước giờ bão đến

Trời Sài Gòn u u mắt nâu

Anh đi vào mơ

Vào thực

Vào buổi chiều chẳng có ai để nhớ

Mưa bủa vây bốn phía

Mưa như nước mắt đàn ông

Rơi lì lợm...

Anh ngồi với anh mân mê từng hạt nước

Ngoài Trung nhiều tin chẳng lành

Đời chi lạ!

Bão cũng xé thành hai cõi

Bão của đời mải mê tàn phá

Bão lòng anh tan nát đời anh

Bão lòng anh chỉ mình anh chịu

Bão của đời xin hãy lặng yên!

Đây là một trong những bài thơ hay của Bình. Tôi ấn tượng với cách diễn dạt về tính cách mưa ngoài quê mình: “Mưa như nước mắt đàn ông/ Rơi lì lợm…”. Và, tôi cũng chưa bào giờ hỏi vì sao màu nâu luôn trở thành một ám ảnh trong tâm thức của Bình. Nói như thế, vì tác phẩm Bài của trẻ dáng nâu (1996) vẫn chính là dấu vết để lại của Bình dành cho thơ và đời: “những dáng nâu lên đường/ những dáng nâu ở lại. chia tay bằng thấm thía/ rằng chung một gia tài không chia chác được/ dáng nâu”. Nếu không gắn bó với vùng đất Duy Xuyên, Trà Kiệu, sức mấy Bình có thể viết được những câu thơ dành cho chính mình lại mang âm hưởng buồn man mác mà chân thật xiết bao:

thằng bé giụi đầu bú ngực đá 

vú Chàm căng mọng 

nhả miệng ra 

ăn cục nói hòn  

vung vẩy tắm 

nước ngà sông Thu 

lủi thủi lên bờ 

đã thèm bông lúa chín 

bước vào đời qua tấm lưng trâu 

Từ tấm lưng trâu của quê nhà, anh đã nhập tịch vào phương Nam chói chang năng ấm, từ đó, có thơ, có công ăn việc làm và khó quên nữa là gì? Tất nhiên, với câu hỏi này, ngay tập tức công chúng sẽ nhớ tới… phim Cyclo.

Câu chuyện đó là như thế này - Nguyễn Trung Bình đã kể cho nhà báo văn Bảy (Báo Thể thao Văn hóa): “Sau khi Trần Anh Hùng đạt giải Camera Vàng (Caméra d'or) năm 1993 tại LHP Cannes cho phim Mùi đu đủ xanh, thì về nước, lúc ấy tôi là phóng viên tạp chí Khoa học và Phát triển tại Đà Nẵng, hẹn gặp để phỏng vấn in báo. Trước ngày đi Pháp, Hùng đề nghị tôi tham gia viết kịch bản Cyclo, sau mấy ngày rụt rè suy nghĩ, tôi đã quyết định “nhảy sông” vào lĩnh vực mới. Lúc ấy, Trần Anh Hùng không rành tiếng Việt, nên chỉ phác qua những tình tiết tổng thể, còn các chi tiết đời thường và lời thoại thì do tôi đảm trách. Đồng thời tôi cũng là người trực tiếp tham gia tuyển chọn diễn viên, viết ba bài thơ cho nhân vật chính đọc, do Lương Triều Vỹ đóng. Tôi với Trần Anh Hùng có hứa hẹn làm một phim có tên Rượu gạo. Nhưng sau đó gặp một số trục trặc khách quan nên ý tưởng Rượu gạo vẫn chưa thành” - năm 2005, Nguyễn Trung Bình nói như vậy”.

Thông tin này ít nhiều cho thấy sự tài hoa của người con đã sinh ra ở vùng đất, ở một miền quê xứ Quảng:

nơi thả cánh diều tuổi thơ chát nắng

mẹ cắm cúi tối ngày đong gạo sữa cho con

trong gạo có vị mặn của biển

mùi tanh nồng cá mục cá mòi

nơi gửi bước chân đầu êm dịu

buổi học trò lơ mơ

nơi trái tim lần đầu rung lên như phép lạ

nơi khóc mà không hề mắc cỡ

dòng sông ấm ức chuyến đò ngang

nơi ngắm những ngày xưa hoang phế

thấp thoáng ghe bầu mưa lất phất

Nếu làm tuyển những bài thơ hay về xứ Quảng, tôi sẽ chọn lấy bài thơ này, trong đó, có những câu đủ sức quyến rũ cho bất kỳ ai đang sống xa quê:

nơi ta bật khóc ngày mai lúa chín

ngả đường chật hẹp bước chân

chợ ven sông nóc nhà xám mắt

con gái ngoan như lụa

Ối dào, tôi lại nhớ đến năm tháng hoa mộng ấy. Rồi từ câu thơ này, tôi lại nhớ cái thời trai trẻ, khoảng trước năm 2000, Nguyễn Trung Bình về làm tờ Doanh nghiệp theo lời mời của nhà báo Phạm Lê Tấn Phong. Bấy giờ, đang là trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Phụ Nữ TP.HCM, hàng tuần tôi phụ bài vở cho bạn ở mảng này. Còn nhớ, hễ mỗi lần gặp nhau, Bình lại cười ầm lên: “Chà, nhuận bút chưa có. Bài đâu?”. Nghĩ lại thấy vui vui. Cứ như thế, Bình trụ lại tờ báo này cho đến lúc trở thành… nhà báo tự do rồi trở thành biên tập viên của nhà xuất bản Lao Động.

Năm tháng trôi cái vèo. Một ngày kia, cụ thể: Ngày 10/10/2009, lúc 17h10 tại bệnh viện 175 nhà thơ Nguyễn Tring Bình đã qua đời đột ngột do bạo bệnh. Hưởng dương 42 tuổi, theo Âm lịch. Linh cữu sẽ được quàn tại quê nhà, làng Long Phước, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Với lãng tử Nguyễn Trung Bình, khi nhớ về bạn thơ, bạn lai rai bia bọt của một thời tuổi trẻ, lắm lúc tôi lại tần ngần nhớ về đám cưới của Bình đã tổ chức trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Ngày đó, vào lúc đã tàn tiệc, từ trên sân khấu, tôi bước xuống ngồi vào bàn bạn bè còn ngồi lại, chưa kịp ngồi, Bình đã kéo tay tôi ra nói nhỏ với nét mặt thật “trầm trọng”. Chuyện gì thế? “Anh ơi, cái thùng mừng tiền đám cưới của em bị ai cuỗm mất rồi”. Chà, đúng là “bỗng đâu tiếng sét ngang tai”.

Trước sự cố này, ngay sau đám cưới, tối hôm đó cánh anh em bạn bè đã được phân công hỗ trợ ngày vui của Bình đã họp “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”. Họp ở đâu? Tại quán Trống Đồng! Thế đấy. Lại ngây ngất chất men. Cuối cùng vẫn là rôm rã tiếng cười nói hào sảng. Vui lại càng vui. Mọi việc đơn giản. Khi còn trẻ, với con người ta mọi việc dù thế nào cũng cảm thấy nhẹ tênh như không. Hơn nữa, đó còn là tính cách “chịu chơi” lâu nay của Nguyễn Trung Bình. Khi viết những dòng này, bất giác tôi gọi “Bình ơi, em có còn nhớ đoạn thơ này của em”. Thơ rằng:

ồn ào này nhớ im lặng

gió ngoài kia thổi đi đâu

vách đá kêu thông thốc…

giá mà ngủ được

đất thèm núi

sừng sững ơi nhớ gì mênh mang

có đêm cắc cớ

ngồi một phương nghe mười phương

sấm rền…

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm XUÂN DUY XUYÊN - 2023)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com