Từ trái: Trương Nam Hương, Thu Thủy, Ái Linh, thầy Võ Văn Nhơn, Ngô Thu An, Quốc Hương, Lê Minh Quốc
Ngày hôm qua đáng nhớ. Kỷ niệm 30 năm ngày vào học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP.HCM. Niên khóa 1983-1987. Cụ thể, ngày đó là ngày nào? Một bạn cho biết, đó là ngày 3.10.1983 các tân sinh viên họp mặt tại làng Đại học. Thời đó, 2 năm đầu học tại đây; 2 năm sau chuyển về cơ sở Đinh Tiên Hoàng. Thời gian thấm thoát như bóng ngựa vụt ngoài cửa sổ, cứ nghĩ, chỉ một giấc ngủ trưa. Bừng con mắt dậy. 30 năm trôi qua cái vèo. 30 năm nhìn lại, bạn bè đã chồng/ vợ đề huề, sinh con đẻ cái, thậm chí có người đã lên chức nội/ ngoại.
Khiếp, thế mới biết thời gian chẳng chờ đợi một ai. Cứ lừng lững đi qua và nghiến nát tất cả chúng ta.
Khiếp, các gương mặt chẳng hề xa lạ chút nào, lúc gặp nhau vẫn nhớ như in, chẳng ai thay đổi gì. Có lẽ, hình ảnh bạn bè đọng trong trí nhớ là thế nên gặp nhau chỉ thấy như thuở nào.
Khiếp, cứ như cái thời trai trẻ mới vào trường bởi cũng là những câu chuyện vừa rôm rã lại vừa thân thiết của kỷ niệm.
Bạn bè từ Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai… có mặt. Thầy chủ nhiệm Võ Văn Nhơn cũng về dự.
Có thể nói, niên khóa 1983 - 1987 là thế hệ vàng, thế hệ lãng mạn cuối cùng của sinh viên thế kỷ XX.
Bởi sau đó, cả nước đã bắt đầu Đổi mới. Đời sống sinh viên cũng khác. Làm sao quên những đêm khuya đốt lửa giữa sân trường, vùi trong lửa là những củ khoai, củ sắn ăn đỡ đói mà bàn chuyện văn chương. Làm sao quên những lúc đang học, vài ba sinh viên lẻn ra khỏi giảng đường, chạy tọt xuống nhà bếp chờ xin cơm cháy. Do cơm nấu trong nồi quân dụng nên miếng cháy to đùng. Quý lắm. Có được “chiến lợi phẩm” là đem về chia nhau cho bạn bè. Nhai ngấu nghiến. Thèm thuồng. Làm sao quên những buổi trưa tan học, uể oãi bước vào nhà ăn tập thể. Khi cửa phòng mở ra, sinh viên ùa vào là cả binh đoàn ruồi từ các thau cơm bay tán loạn, sà luôn vào tô canh không người lái. Làm sao quên những ngày đạp xe từ Thủ Đức về Sài Gòn tìm mua những quyển sách hay. Muốn mua sách phải chìa tấm thẻ sinh viên ra và đứng xếp hàng chầu chực cả mấy tiếng đồng hồ.
Lại nhớ những ngày lăn lê bò toài học quân sự. Nằm dài trên cỏ nhìn trời xanh mây trắng mà làm thơ, viết văn. Những bài thơ tình của biết bao mối tình đơn phương. Mối tình trong tưởng tượng. Ngày hôm qua bạn bè còn nhắc lại bài thơ này, bài thơ kia. “Tiếc quá, nếu hồi đó bọn em giữ lại thì quý quá anh nhỉ?”. Chỉ cười khì khì với nhau. Rồi nhớ những ngày cuối tuần đạp xe về Sài Gòn, lang thang chán chê và đến trưa láu cá vào trong chùa xin cơm, nếu không, chỉ cái bụng đói meo quay ngược lại trường. Thời đó thơ mộng, nhiều mơ mộng nhưng khốn khổ quá. Nghèo quá. Cả đất nước còn nghèo. Còn nhớ, mỗi dịp cuối năm mua vé về quê là một cực hình. Phải thức cả đêm xếp hàng, đến lúc rạng sáng, đến lượt mình là hết vé! Mỗi sáng bước vào giảng đường là cái bụng đói meo. Lúc nào cũng thấy đói. Thời bộ đội mà còn khá hơn, bởi có lúc còn săn bắn được thú rừng cải thiện bữa ăn. Thời sinh viên thì chịu chết. "Chữ ký đẹp bởi nhiều lần ký nợ” là rất thật. Hầu như các quán dọc ký túc xá đều nhẵn mặt các sinh viên ký sổ. Ước mơ lớn nhất vẫn là tô phở, là bữa cơm sườn. Vậy mà trong câu chuyện lúc nào cũng bàn về những chân trời xa vời vợi. Chân trời của niềm say mê văn chương lúc nào cũng thôi thúc trong lòng. Có lần, y nhớ lại:
Có những đêm khuya cô độc một chỗ ngồi
Cúi gằm vào trang sách
Chữ chạy lên trời còn chúng tôi thấy bóng mình lênh đênh trên vách
Mà cười chua chát như không
Có đêm khuya với mơ ước viễn vông
Được lội ngược dòng văn chương cổ điển
Để gặp một Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến...
Cũng từng lều chõng
Cũng từng có nhiều đêm lạnh cóng
Mượn sách thánh hiền sưởi ấm giấc mơ
Chúng tôi học văn và liều lĩnh làm thơ
Còn nhớ ngày ra trường, Trương Nam Hương bảo: “Sau này gặp lại, đứa nào còn đi xe đạp, còn mua thuốc lá lẻ từng điếu là nhục lắm”. Chuyện này, giờ nghĩ lại cỏn con nhưng lúc ấy là cả một thử thách. Chính vì thế, thời sinh viên y cùng bạn bè viết nhiều lắm, chỉ mong sáng tác được in để có nhuận bút. Trường ca Bài hát giữa sân trường, y viết trong thời gian này. Viết khi nằm trên giường sắt hai tầng chung phòng số 6 với Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt. Thi sĩ Đinh Hùng có câu thơ hay: “làm học trò không sách vở cầm tay/ có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” là đúng hình ảnh của y, bạn bè y ngày đó.
Ngày hôm qua, bạn bè gặp nhau lại đọc cho nhau nghe. Những bài thơ viết thời sinh viên. Tự khúc cho em là bài thơ, Trương Nam Hương tỏ tình thời xa lắc xa lơ:
Có con đường gió ngang qua buổi chiều
Có em ngồi nhớ dọc miền thương yêu
Có bông cúc dại phù du nắng vàng
Có cơn mưa nhỏ nhọc nhằn đa mang
Có lời hẹn hò xốn xang xa lắc
Có cuộc tình ngoài mây trôi bèo dạt
Có đôi mắt nâu nhìn ta thăm thẳm
Có nụ hôn nồng môi sao chát đắng
Có nửa giấc mơ ngập tràn sông suối
Có nửa cuộc đời tỉnh trơ đá cuội
Có câu thơ lặng sóng treo giữa lòng
Có trong cái có vô vàn cái không!
Lúc ấy, có một ánh mắt nhìn buồn rười rượi. Rồi lại cười. Có câu chuyện chẳng nhớ nữa, nghe bạn bè kể, y tưởng bịa rằng thì là mà lúc ấy, có lần giữa khuya, y bước sang dãy phòng nữ đập cửa ầm ầm: “Y ơi anh yêu em!” khiến cả các bạn nữ náo loạn vì không ngờ trên đời này có kiểu tỏ tình quá hớp đến thế. “Làm gi có chuyện đó?”, y cười lỏn lẻn hỏi lại. “Không, chuyện có thật một trăm phần trăm thế mới ấn tượng chứ”. Hỏi “đương sự” thì bạn gật đầu và còn thòng thêm một câu: “Em không yêu anh là may mắn cho anh quá rồi còn gì?”. Bạn bè cười vang. Rồi Trương Nam Hương lại đọc thơ H. thiên thần, ngày xưa viết tặng H. Bạn bè sực nhớ đến cô bạn ngày đó học khoa ngoại ngữ là nhân vật chính trong bài thơ này:
Hôn lên giấc mơ em - gặp tuổi mình trong trẻo
Nắng qua mưa òa ập đến hoang đường
Câu thơ viết đầu tiên cho em đấy
H. thiên thần đâu biết có anh thương
Thuở hoa cúc vu vơ - thời cánh me ngơ ngác
Em nhìn ai xanh biếc lá sân trường
Ta đứng lẫn giữa bao nhiêu bè bạn
H. thiên thần đâu biết có anh thương
Những mảnh vụn câu thơ - áo Mỹ Châu lông ngỗng
Hai mươi năm tắc giấy dọc vun buồn
Ôi quầng mắt hai mươi mùa nhớ lặng
H. thiên thần đau biết mãi anh thương
Vài năm trước, y và Trương Nam Hương có gặp lại, cô nàng H trêu: “Bây giờ anh Hương còn dám làm thơ tặng em nữa không anh?”. Trong cuộc vui, Ngô Thị Thu An cũng đọc thơ. Chà, cô bạn tiết lộ là “họa” lại bài thơ của y từ thời sinh viên. Chuyện này, nghe cảm động quá. Thời đó, y viết bài thơ lấy câu câu thơ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương của Chế Lan Viên đặt tựa:
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Câu thơ vỗ vể lúc tôi cay đắng
Dù không thể gừng cay muối mặn
Để tôi về làm rể ở quê em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Từ buổi chia tay tôi còn ám ảnh
Giọng nói ngọt như nước dừa xiêm sóng sánh
Tôi uống ngập hồn mà muôn thuở chát chua
Nhưng em ơi tôi không thể vào chùa
Cạo trọc đầu đi tu như ngày trước
Chỉ nhủ lòng cám ơn em hạnh phúc
Như khi yêu em tôi hạnh phúc lạ lùng
Đừng ví tôi như sỏi đá miền Trung
Tình yêu đến ai không nghe cỏ hát?
Tôi vội vã vì trong ruột đất
Mẹ tôi gieo hạt lúa phải còng lưng
Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân
Có phải tôi về nên mùa này mưa vội?
Qua kênh Chợ Gạo một chiều bão nổi
Đôi mắt tôi chìm trong đôi mắt của em
Cám ơn Tiền Giang cái nhớ thênh thênh
Sông Thu Bồn hóa thành sông Bảo Định
Cũng tiếng chim rót qua vườn trái chín
Đất nước cưu mang ta lớn từng ngày
Tôi chọn về mình chua xót để chia tay
Tình yêu lứa đôi muôn đời khó hiểu
Tôi uống nước Tiền Giang, Cửa Tiểu
Vẫn ngọt lành như lúc mới yêu em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Bài thơ này viết năm 1986 là tỏ tình với L.T.M.H. Thời đó, H mới là tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường và nhà trường phân công hướng dẫn tổ của y đi sưu tầm văn hóa dân gian. Còn nhớ, lúc đó, y và Nguyễn Quốc Chánh đạp xe đến nhà H ở trọ trên đường P.V.C và y trao tận tay bài thơ này. Sau đó, cô H có gặp và bảo: “H. đã đính hôn rồi anh à”. Nghe buồn mấy ngày liền. Khi đọc bài thơ này ở lớp cho bạn bè nghe, không ngờ từ ngày đó Ngô Thị Thu An đã âm thầm họa lại với tựa Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên:
Buổi chia tay tưởng còn nghe anh nói
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Sông Thu Bồn nỗi nhớ không quên
Sao cứ muốn hóa thành sông Bảo Định
Chia tay nhau trong mùa trái chín
Tình yêu anh mãnh liệt đến ngỡ ngàng
Tôi muốn về uống lại nước Tiền Giang
Xem sông mẹ có ngọt ngào quá thể
Hay tình yêu ngàn đời là như thế
Như buổi đầu cha mẹ đến tìm nhau
Sông Thu Bồn có ngào ngạt hương cau
Như Cửa Tiểu mỗi lần tôi trở lại
Quả chín nuôi tôi một thời con gái
Chắc cũng ngọt lành như cây trái quê anh
Cứ ngỡ anh là viên sỏi của miền Trung
Qua cay đắng lại càng thêm rắn rỏi
Thêm óng ánh sắc màu sau cơn bão nổi
Như nhọc nhằn - cây lúa vẫn oằn bông
Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân
Mưa tắm mát ruộng đồng hoa cỏ
Tôi ưa nụ cười anh yêu đời vậy đó
Dù nước dừa còn lẫn vị chát chua
Dù cho lòng đất hạn cứ mong mưa
Tình yêu lứa đôi vẫn muôn đời khó hiểu
Anh đã đến với sông Tiền, Cửa Tiểu
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Nước sông nào chẳng ấm vị quê hương
Như sữa mẹ nuôi đời ta khôn lớn
Buổi chia tay bông bần rụng trắng
Không thể nào muối mặn gừng cay
Nên âm thầm giọt nắng chia hai
Anh một nửa, gửi sông Tiền một nữa
Ôi tình yêu, muôn đời là ngọn lửa
Bài thơ giấu kín gần 30 năm mới đọc công khai cho bạn bè và :người trong cuộc" cùng nghe. Xao xuyến và cảm động quá chừng. Thời đó đi học vui thật. Đeo đuổi An là C - sinh viên Trường Đại học Nông lâm, sát Trường Đại học Tổng hợp nên mỗi lúc không có tiết học là C chui vào trong lớp ngồi chung luôn. Riết rồi anh em xem như lớp có thêm thành viên mới. Mới đây, An và C mời đi dự đám cưới của con gái. Thế đó, mới đó mà ai cũng đã lên ông lên bà cả rồi. 30 năm gặp lại, nghĩ cũng lạ. Có những cặp cưới nhau, nay đã chia tay nhau, hoặc hạnh phúc thì hôm gặp lại vẫn ríu rít như thuở nào. Trong cuộc vui, Đào Ngọc Lai có đọc bài thơ Tình xưa:
Hai nhà thơ gộp lại bằng em
Bình Dương ngà ngọc, Tiền Giang mãi tìm
Ngót ba mươi năm ngỡ ngủ yên
Cuối thu tỉnh giấc tình rung chuyển thầm
Hai nhà thơ là Quốc và Hương, gộp lại là tên bạn gái học chung lớp. Thì ra là thế! Lúc Lai đọc thơ, cô vợ Lai liếc nhìn bạn gái mình mà… cười! Thời gian 30 năm rồi còn gì. Cuộc vui nhộn nhạo, đầy ắp tâm sự. Có bạn gái bảo: “Anh Hương với anh Quốc chụp chung ảnh với em đi. Chụp càng nhiều càng tốt”. Bèn đùa: “Đem về khoe với chồng à”. “Không, em khoe con gái em. Nó nhất định tin là mẹ nó học chúng với những người nổi tiếng như hai anh”. Chà, nổi tiếng cái quái quỷ gì. Gặp lại nhau, vui nhất là bạn bè thành đạt, cuộc sống ổn định là mừng cho nhau rồi. Mà bạn bè thì ai cũng thành đạt. Chỉ điều đó là quý nhất. Cuộc họp ngày hôm qua, cả lớp có tặng thầy Võ Văn Nhơn món quà của tình thầy trò. Và cả lớp cũng bầu ra Ban liên lạc: Lê Minh Quốc (Báo Phụ Nữ TP.HCM), Trương Nam Hương, Đào Ngọc Lai (Báo Pháp Luật TP.HCM). Ngô Thu An (Báo Tuổi Trẻ), Trần Thị Phong Lan (Báo Sài Gòn Giải phóng).
Một ngày của 30 năm. Tình bạn vẫn đầy. Nắng ngoài đường lúc ấy đang xanh. Bạn bè à, nhớ lắm. Rất thương. Và rất nhớ.
L.M.Q
VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM 30 NĂM HỌP LỚP NGỮ VĂN NIÊN KHÓA 1983 - 1987
Thu thủy, Ái Linh, thầy Võ Văn Nhơn, Quốc Hương
Tập thể sinh viên về dự kỷ niệm 30 năm
Thầy Võ Văn Nhơn, nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc
Đứng: Hồ Thị Phượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Quốc Hương, Phạm Văn Thanh
ngồi: Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Hoàng Yến, Phạm Thị Hằng, Mộng Thu
Hồ Thị Phượng, Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Phạm Thị Hằng, Quốc Hương, Mộng Thu, Hoàng Yên, Trương Nam Hương
Phuong Khanh, Hồ Văn Chừng, Nguyễn Thị Hạnh, Trương Nam Hương, Phạm Văn Thanh
Phương Khanh, Phạm Thị Hà, Kiều Kim Loan, Ái Linh, Thanh Hà
Phong Lan, Lê Minh Quốc, Ngô Thị Thu An, Trần Việt Dũng
Hồ Thị Phượng
Phạm Thị Hằng
Thủy Triều
Ái Linh
Nhà báo Hồ Văn Chừng (Báo Đồng Nai)
Vợ chồng nhà báo Đào Ngọc Lai & Thu Tâm (Báo Pháp luật TP.HCM)
Nhà báo Phạm Văn Thanh (Đài Truyền hình Đồng Nai)
Nhà báo Quốc Hương (Báo Sài Gòn Giải phóng)
Nhà báo Ngô Thị Thu An (Báo Tuổi Trẻ)
Hoàng Yến
Đứng: Thu Tâm, Trương Nam Hương, Hồ Văn Chừng; ngồi: Kiều Kim Loan, Ái Linh
Đứng: Phương Khanh, Thu Tâm, Ái Linh; ngồi; Phạm Thị Hà, Thu Thủy, Hoàng Yến
Đứng: Phong Lan, Phương Hoa, Nguyễn Thị Thủy, Kim Thủy, Thu Thủy; ngồi: Thủy Triều và hai con gái bạn học trong lớp
Đứng: Kim Thủy, Phương Hoa, Nguyễn Thị Thủy, Thu An, Phong Lan, Thu Thủy; ngồi: Thủy Triều và hai con gái bạn học trong lớp
Vợ chồng (cũ) Trần Việt Dũng, Phong Lan và con gái
Đứng: Hồ Thị Phượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Quốc Hương, Phạm Văn Thanh; ngồi: Thủy Triều, Hoàng Yến, Phạm Thị Hằng, Mộng Thu
Thu Thủy, Kim Thủy, Nguyễn Thị Thủy, Thủy Triều, Thu An, Phương Hoa, Thu An, Phong Lan
Hồ Thị Phượng, Thu Thủy, Phạm Thị Hà, Phạm Thị Hằng, Quốc Hương, Mộng Thu, Hoàng Yến, Trương Nam Hương
Kiều Kim Loan, Nguyễn Thị Hạnh, Hồ Văn Chừng, Ái Linh, Thu Tâm, Thanh Hà, Phương Khanh, Đào Ngọc Lai
Đứng: Thanh Hà, Nguyễn Thị Thủy, Ái Linh, Kim Thủy, Hồ Thị Phượng, Thanh Hoa, Thu Thủy; ngồi: Phạm Văn Thanh, Kiều Kim Loan, Thủy Triều...
Ngồi: Kiều Kim Loan; đứng: Nguyễn Thị Hạnh, Thu Tâm, Kim Thủy, Nguyễn Thị Thủy, Phương Khanh, Ái Linh, Dương Hồng Lâm, thầy Võ Văn Nhơn, Trương Nam Hương, Hồ Văn Chừng, Thu An, Phạm Văn Thanh
Nhà thơ Trương Nam Hương
Phạm Thị Hà, Phương Khanh, Nguyễn Thị Hạnh, Ái Linh, Thanh Hà, Kiều Kim Loan, Hoàng Yến, Thu Tâm
Nguyễn Thị Hạnh, Phương Khanh, Kiều Kim Loan, Ái Linh, Thanh Hà, Thu Tâm
Phong Lan, Lê Minh Quốc
Lê Minh Quốc & Trương Nam Hương
1.
“Làm thơ là một sự phi thường”, đã có lúc thi sĩ Hàn Mặc Tử rú lên trong niềm đau sảng khoái tột cùng. Tôi nghĩ, tâm thế của nhà báo cũng không khác.
Từng ngày họ phải sống trong tâm thức của sự say mê nhọc nhằn qua từng con chữ. Tâm thức ấy không chai lì, xơ cứng mà phải từ cảm hứng sáng tạo. Ngày lại ngày, dòng dòng thời sự cuồn cuộn đổ vào trang viết, nếu không có cảm hứng sáng tạo thì làm sao có thể đi hết một đời cùng hành trình chữ nghĩa? Nhờ vậy, có những nhà báo đã thành danh trong nghề nhưng bài viết của họ không lặp lại, luôn tìm tòi cách thể hiện mới.
Với tập sách này, sẽ không thừa khi nhắc lại, đây là thành quả lao động bền bĩ của các nhà báo nữ thuộc CLB Nhà báo nữ TP.HCM. “Sân chơi” này do Hội Liên Hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức hiệu quả và có tiếng vang trong dư luận xã hội từ nhiều năm qua.
Trong từ ngữ tiếng Việt, thật lạ lùng có những từ chỉ mới vừa thốt ra, tự sâu thẳm tâm hồn đã thấy ấm áp, gần gũi và yêu mến vô cùng. Tôi nghĩ đến “cây lúa”. Trên đồng cạn dưới đồng sâu, từng nhánh lúa trĩu hạt luôn gợi về mùa vàng no ấm. Đã thế, hạt lúa khi rụng về Đất Mẹ, lúc ấy lại bắt đầu một Sự sống mới. Sự sống ấy tiếp tục sinh sôi trong dòng đời bất tận. Ngọn lửa nuôi sống con người lại nhen lên từ hạt mầm bé nhỏ ấy. Không gì có thể hủy diệt được.
Và cũng kỳ diệu thay, có những con người ngay sau khi họ từ giã “cõi tạm”, lại có thể khêu dậy ngọn lửa ấm trong tiềm thức của người đang sống.
Trong những ngày này, hình ảnh dòng người chỉnh tề, lặng lẽ đến thắp nén nhang vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến tôi nghĩ về ngọn lửa ấm. Họ đến từ nhiều vùng miền, có thể trong đời chưa một lần diện kiến, chưa chạm mặt nhưng tự sâu thẳm tâm hồn là niềm ngưỡng mộ về một tài năng, một nhân cách. Nhìn vào từng đôi mắt chứa chan từng giọt lệ, tôi đã thấy ở đó niềm thương tiếc về một Con Người. Một con người xứng đáng viết hoa, bởi lúc sống đã tận hiến cho cộng đồng, bằng tất cả những gì mình đã có. Tôi nghĩ rằng, khi đứng trước một người đã mất, lúc ấy, con người tầm thường chúng ta luôn tự vấn một câu hỏi: “Những ngày qua, mình đã sống như thế nào?”.
Sống trên đời, đi hết hành trình một kiếp người chao ôi biết bao nhọc nhằn, trần ai khoai củ, lên bờ xuống ruộng. Để có được sự tĩnh tại, an nhiên ấy trong tâm hồn thật không dễ dàng. Không khác gì bảo gió đứng yên, không khác gì níu lại dòng sông đang chảy. Bởi có những lúc, trong sự vận động của dòng đời, ta vọng động lúc này, ta ngoắt ngoảy chỗ kia chẳng khác gì “tâm viên ý mã”. Biết làm sao được, những cơm áo gạo tiền, những mưu sinh kiếm sống đã có lúc đẩy bàn chân bước chệch ra khỏi con đường đã chọn. Lúc ấy, có thể những toan tính vụn vặt đời thường đã khiến ta dễ dàng thỏa hiệp vục mặt xuống bụi bặm những mong thu vén một chút hư danh…
Rồi có lúc, ta giật mình tự hỏi: “Những ngày qua, mình đã sống như thế nào?”. Loay hoay một chốc, ngoảnh lại, đã thấy gần hết một đời người. Vì lẽ đó, có những con người khi nhắm mắt xuôi tay chỉ là dấu chấm đơn độc cuối cùng kết thúc một câu văn. Hỡi ôi! Có những câu văn lại không có ý nghĩa gì, thậm chí còn sai lệch về cú pháp.
Ngược lại, có những con người, với cái chết của họ lại mở ra một trang viết mới cho thế hệ sau. Trang viết đó khêu lại ngọn lửa ấm từ tinh thần của Tướng Giáp. Ngọn lửa đó là bài học giản dị và vĩ đại về một giá trị sống mà lúc sinh thời ông đã xác tín mãnh liệt. Dưới gầm trời này không có gì đứng yên, bất động mà luôn có sự vận động, thay đổi theo tâm thức thời đại. Thế nhưng lại có những giá trị bất biến, dù Đông hay Tây cũng đều có một mẫu số chung. Một trong những giá trị ấy, của nhiều người biết sống, của Tướng Giáp vẫn là sự ý thức tồn tại của mình chính, không gì khác, “từ Nhân dân mà ra”.
Đã đành, vĩnh biệt một con người bao giờ cũng có những lời tiếc thương, như thế vẫn chưa đủ. Điều cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực nhất là hãy làm sống lại tinh thần của người đã khuất.
Hạt lúa đem lại ấm no cho con người, khi chết đi lại tiếp tục khơi dậy một mầm sống mới. Và cũng kỳ diệu thay, có những con người ngay sau khi họ từ giã “cõi tạm”, lại có thể khêu dậy ngọn lửa ấm trong tiềm thức của người đang sống. Ngọn lửa ấy, đang có. Ấm áp và lan tỏa trong cộng đồng, từng ngày…
L.M.Q
(nguồn: Báo PNCN ngày 13.10.2013)
PN - Khi nhớ về trường cũ, dù chỉ thoáng qua trong tất bật đời thường, chúng tôi vẫn luôn nhớ đến thầy Hoàng Như Mai (1919 - 2013). Ngày ấy, thầy giảng bài với phong cách rất nghệ sĩ, giọng ngâm thơ hào sảng, cuốn hút người nghe. Đêm qua, vừa nghe tin thầy mất (27/9/2013), tôi đã nhận được bài Khóc thầy của bạn thơ Trương Nam Hương:
Nhớ giọng Thầy đọc thơ Thâm Tâm
Tống biệt hành rung sóng tri âm
Thời gian chợt hóa con sông nhớ
Con tiễn Thầy qua khói - sóng - trầm!
Đại diện thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn niên khóa 1983 - 1987, Hương đọc bài thơ trên trước linh cữu thầy. Khi đi học chúng tôi gọi “thầy” và xưng “con”, sau này, khi ra trường có đôi lúc làm việc cùng nhau vẫn giữ cách gọi tôn sư trọng đạo ấy. Thầy dễ gần gũi bởi tự bản thân nhà mô phạm ấy đã có cốt cách của một nghệ sĩ.
Thầy Hoàng Như Mai
Ở Việt Nam hiện nay, đã bắt đầu hình thành những phố đi bộ. Phố dành cho những người nhàn tản, nhất là những du khách từ phương xa đến và muốn chiêm ngưỡng một không gian tiêu biểu, đậm chất văn hóa của người dân bản địa. Sự hình thành ấy đang từng bước trở thành hiện thực, dù trong cung cách và quá trình thực hiện vẫn còn đâu đó những “lời ong tiếng ve”, bởi chỗ người này thấy được nhưng người kia thấy “chưa được”. Đó cũng là điều bình thường. Cái mới ra đời, bao giờ cũng có một quá trình để hoàn thiện.
Chơi nhạc trên phố ở Melbourne
Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc của Tết Trung thu. Tuy nhiên, để có một kết luận chuẩn xác rằng tục ăn Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ lúc nào, theo tôi là khó. Ngay cả các nhà nghiên cứu văn hóa như Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nhất Thanh, Toan Ánh… khi viết về ngày Tết Trung thu cũng miêu tả, chứ không đi sâu vào truyền thuyết ra đời của nó. Chỉ biết, rằng từ xa xưa, dân tộc ta đã có tục ăn Tết Trung thu rồi.
Cho đến nay, giới nghiên cứu sử học nước nhà vẫn chưa “giải mã”: Ai là người trực tiếp viết “Chiếu Cần Vương”? Không thể là vua Hàm Nghi, lúc đó ngài chỉ mới 12 xuân xanh. Chiến tướng Tôn Thất Thuyết chăng? Cụ là một võ tướng, nhân vật số một Viện Cơ mật, không phải là người giỏi về văn học. Thế thì, văn bản được công bố được công bố từ ngày 13.7.1885 tại căn cứ kháng chiến Tân Sở (Quảng Trị), chỉ có thể do Thăng Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Thận Duật ( 1825- 1885) viết.
Ảnh cụ Phạm Thận Duật chụp ngày 14.4.1883 tại Thiên Tân (Trung Quốc) khi đi sứ Trung Quốc. Nguồn: Phạm Thận Duật - cuộc đời và tác phẩm (NXB KHXH - 1989)
Tạp chí Phụ nữ diễn đàn số 1 phát hành vào tháng 7.1993, từ số 2 ngoài bìa có in măng sết của báo Ấp Bắc, màu đỏ; phía dưới “Số chuyên đề cuối tháng về Phụ nữ” màu xanh. Chữ “Phụ nữ” to gấp nhiều lần chữ “Ấp Bắc”. Chịu trách nhiệm xuất bản: Trần Thanh Hải; Biên tập: Minh Sơn; Thường trực tòa soạn: Đoàn Dũng; Trình bày: Minh Hạnh.
Chuyên đề “Mùa hè của con trẻ” mở ra trong tuần qua xoay quanh câu hỏi trẻ nên học hay nên chơi trong dịp hè đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của độc giả. Cuộc trao đổi của chúng tôi với Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn - góp thêm một góc nhìn thú vị về vấn đề này.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu với độc giả nhỏ tuổi - Ảnh: Nguyễn Tường Huy
Trong vòng mươi năm trở lại đây, một loạt di cảo của cố nhà thơ Trần Dần được xuất bản. Lập tức Hội Nhà văn Hà Nội đã trao cho ông nhiều giải thưởng cao quý. Thú thật, ban đầu tôi không tin lắm vào ban thẩm định tác phẩm. Bởi chưa bao giờ các giải thưởng lại vàng thau lẫn lộn như hiện nay, thậm chí còn có những “tôn vinh” ngoài giá trị văn học. Thế nhưng, khi đọc đến tiểu thuyết Những ngã tư và những ngọn đèn (NXB Hội Nhà văn) của Trần Dần, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó. Thì ra, với tiểu thuyết, Trần Dần đã cách tân, đã thể nghiệm trước các nhà văn VN nhiều lắm.
Đây là tiểu thuyết tình cảm? Trinh thám? Hình sự? Hiện thực? Có tất. Về hình thức, ông quan niệm: “Chữ đầu đánh luôn từ dòng đầu, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ”; “y” thay thành “i”; giữ nguyên chữ nhiều nguyên âm như xìì, khèè, suỵttt… v.v..”.
Thật ra biểu hiện hình thức chỉ là chuyện nhỏ.
Cái đáng kể nhất phải là cách viết của ông. Hầu hết các nhân vật khi đứng trước độc giả đều xưng “tôi”. Nhân vật chính là Dưỡng có thời gian dính líu với Pháp, y kể lại chuyện cuộc đời mình bằng những dòng ghi chép trong nhật ký. Y có vợ là Cốm và mối quan hệ của y cũng khá phức tạp với một lũ bạn “cùng hội cùng thuyền” như Tình Bốp, Lily, Đoành, Chắt, Ngỡi… Dưỡng xưng tôi khi viết nhật ký. Người đọc nhật ký này cũng xưng tôi. Ngoài ra còn có những nhân vật luôn bám sát và hướng Dưỡng về con đường tốt như ông Trung trố, chị Hòa, anh Thái… cũng xưng tôi.
Cái giỏi của tác giả là qua đối thoại và tự sự mà tính cách nhân vật hiện lên rõ mồn một. Không ai lẫn vào ai. Mỗi người một tính cách riêng biệt.
Độc đáo nhất còn là nhân vật không có tên, tác giả gọi gọn lỏn “sọ” - chính là cái bóng của Dưỡng. “Trò chuyện” giữa y và “sọ” là những đoạn nhằm phân tích suy nghĩ, độc thoại nội tâm của y. Trong khi đó, có những lúc chị Hòa, Cốm lại tự kể chuyện của mình để nối vào mạch chuyện chung của Dưỡng. Đã thế về thời gian lại có những đổi thay lẫn lộn, chẳng hạn ngày tiếp quản Thủ đô, nhật ký của Dưỡng lại ghi ngày mồng Một Tết, thời gian di chuyển từ năm 1955 đến năm 1966 và ngược lại; thứ bảy nhầm sang chủ nhật… Rõ ràng ý thức về thời gian cũng là một cách thể hiện tâm trạng của nhân vật, chứ không riêng gì tình tiết của câu chuyện mà tác giả đang kể.
Một cách thể hiện Những ngã tư và những ngọn đèn, với nhà văn VN gần như chưa mấy ai thử nghiệm. Và bây giờ cũng vậy. Nói cách khác, Trần Dần đã chọn cho mình một đường đi độc đạo. Ông hoàn thành tiểu thuyết này năm 1966, sau khi được Sở Công an Hà Nội cấp giấy phép vào trại giam và tiếp xúc với ngụy binh thời Pháp để lấy chất liệu hoàn thành tác phẩm nhưng sau đó không in. Mãi đến năm 1988, Sở Công an Hà Nội trả lại bản thảo cho ông và ông lại tiếp tục sửa chữa, chủ yếu về văn phong.
Tôi dám cam đoan rằng, nếu ai đã cầm tiểu thuyết này lên, sẽ không thể buông xuống nửa chừng. Hấp dẫn và hấp dẫn đến lạ thường. Một lần nữa, Trần Dần lại tạo ra sự kinh ngạc và bất ngờ đối với thế hệ chúng ta.
L.M.Q
(nguồn: Báo PN TP.HCM, bút danh LÊ VĂN NGHỆ)
Ghi chú:
Trước đây khi phụ trách chuyên mục Thơ và tuổi trẻ của Tuổi Trẻ online, tôi đã giới thiệu bài thơ Tình của Trần Dần như sau:
"Tình yêu" của Trần Dần
06/11/2006 15:02 (GMT + 7)
TTO - “Em đọc kỹ/ trang thơ này nhé”. Lời nhắn nhủ của nhà thơ Trần Dần dành cho người tình Bùi Thị Ngọc Khuê - sau này là người bạn đời - cũng là điều mà tôi muốn gửi đến bạn yêu thơ.
Đọc kỹ, ta sẽ thấy một quan niệm về tình yêu của Trần Dần được thể hiện từ nhiều góc độ khác nhau, rất mới. Mới, bởi ở đó ông đã sử dụng nhiều chất liệu từ cuộc sống, từ bản thân mình. Mà qua đó, ta sẽ buột miệng thốt lên “Ồ tài tình nhỉ!”. Hình thức thơ “bậc thang” đã giúp cho người đọc cảm nhận được nhịp ngắt quãng cần thiết của từng câu thơ...
Văn bản bài thơ này vừa công bố lần đầu tiên trên báo Tiền Phong. Một lần nữa xin được gửi đến bạn thơ TTO (Nhà thơ Lê Minh Quốc).
TÌNH YÊU
Gửi em K, những ngày phải xa nhau
Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!
Nhớ em
đường phố Sinh Tử
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi
Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lủi
một mình em
Em ạ,
Tình yêu không phẳng lặng bao giờ
Nó đè sóng,
đè mưa
nổi bão...
Tình yêu
không phải chuyện
đưa cho nhau
ngày một bó hoa
Nó là chuyện
những đêm ròng
không ngủ
tóc tai bù
như những rặng cây to
nó vật vã
những đêm trời lộng gió
Tình yêu
không phải là
kề vai mơ
sầu mộng dưới trăng mòn
mà phải sống
phải cởi trần
mưa nắng
phải mồ hôi
chảy đẫm
tận buồng gan
Tình yêu không phải
chuyện ngàn năm
kề sát má
mà bỗng dưng -
một quả tim chung
phải bổ nó
làm
đôi
người một nửa
người
ôm một nửa...
Tình yêu
không phải là
những chiếc toa đen
con tàu cuộc sống
tùy chuyến đi
mà cắt bỏ
hoặc nối thêm
Mà tự nó là
một ĐẦU TÀU HỎA
có nghìn toa
buổi - sáng
buổi - không đèn
Triệu mã lực
con tàu điên
tàu dại
nó đâm bừa
gãy cẳng
ngày đêm
nó hú chết
thời gian
khoảng cách
nó rú lên
trên trái đất
chưa người
chưa xã hội
chưa luân thường
ước lệ...
Tình yêu không phải
chuyện bạ sao yêu
cũng được
nó lạ lùng
như giữa một trời sao
triệu triệu ánh
Chỉ có anh
đã khản tiếng
kêu gào
mới gọi được
vì - sao - em
hay khóc
Và có em
đi mải đến mê
người
mới dừng lại
ôm mình anh
buồn tủi
vì - sao - anh
rốc lửa
xém bên trời...
Tình yêu
không phải
có hoặc không
cũng được!
mà nó như là
những vần thơ
những bắp thịt
những đường gân
tổ quốc
* * * * *
Em ơi
em lại khóc
em à?
Gian nhà vắng
con chó nằm nó rú...
Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bây giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
- là chuyện chúng mình...
Em đọc kỹ
trang thơ này nhé
Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm sao trời
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì - sao - anh
nó chuyển bến bên trời
đuôi nó cháy - đúng là
vì sao dữ
Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ
mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy...
TRẦN DẦN
(nguồn:
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/Tho-va-tuoi-tre/170954/%E2%80%9CTinh-yeu-cua-Tran-Dan.html
Trang 71 trong tổng số 79