"NẮNG TỪ CHÂN CỎ"... MỘT GÃ QUÊ MÙA
Lê Minh Quốc:
Đôi lúc biết tự trào, tếu táo, hóm hỉnh khi nghĩ về chính mình, tôi nghĩ đó còn chính là phẩm chất của những ai tự tin và nhất là biết đùa. Lạ thay khi vận dụng vào thơ, ta lại thấy hiện lên sự khỏe khoắn yêu đời. Tâm thế ấy, đến với cuộc đời như “giỡn chơi”. Cứ thong dong sống. Nhẹ nhàng sống. Cứ thế, từng câu thơ đã đến như một lẽ tự nhiên. Ngày xưa, nhà nho dấn thân Nguyễn Công Trứ đã không giấu diếm:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơ
Ấy là cụ Uy Viễn tướng công “nói chơi” đó thôi. Tưởng chơi nhưng lại thật. Rất thật. Và, nay với nhà thơ Phan Tùng Sơn, tôi đã tìm gặp cách nói ấy qua một khổ thơ, có thể khái quát được tâm thế của chính anh:
Ta đi chân trời góc bể
Tìm về một khoảng rau dưa
Người đi bán mua đủ thứ
Ế nguyên một gã quê mùa...
Là một lối tự trào, khắc họa một chân dung đi đứng, cười nói, hỉ, nộ, ái, ố trong cõi trần gian này được nhìn từ sâu thẳm trong lòng anh.
Muốn chạm đến tâm hồn một người, loại hình nghệ thuật nào cũng có thể “đánh lừa” nhận thức của chúng ta, bởi chất liệu tạo thành có quá nhiều lựa chọn, riêng với thơ thì không thể. Thơ không cần đến gì khác, ngoài chữ, nói chính xác chính phải là hồn của từng con chữ. Với các “hồn chữ” ấy, kỳ diệu thay, lại có thể thâu tóm cả cõi càn khôn này chỉ trong đôi dòng. Lạ lùng thay, cảm nghĩ sâu kín một khi đã phơi bày bằng chữ, bao giờ cũng phản ánh rõ nét nhất tâm thế của người ấy.
Với nhà thơ Phan Tùng Sơn, tôi đã nhận ra những gì về anh?
Có thể nói "Nắng từ chân cỏ", trong đó, có gì đó rất gần với tâm thế Nguyễn Tuân khi tìm về “vang bóng một thời” - như những muốn săm soi, cầm lấy “giá trị cũ” đang phai nhạt dần để ngắm nghía, tận hưởng vẽ đẹp của nó. Phan Tùng Sơn cũng thế, nhưng rồi lại khác thế. Có những câu thơ dằn vặt đến buốt lòng, khiến người ta sững sờ:
mái tranh cũ vụn tan vào chân cỏ
tàn nhang cong giục giã luống cày bừa
con nghé ọ hết mùa thi từ độ
bê tông làng ngõ vắng tiếng chào thưa...
Ta không buồn, thậm chí còn vui nữa một khi đã “bê tông làng”. Phải là thế. Phải khác cái thời chị Dậu “tắt đèn” của Ngô Tất Tố, khác “nhà mẹ Lê” của Thạch Lam... Nhưng rồi cảm xúc buồn rười rượi vọng về khi anh đã hướng đến một giá trị đang mất dần, ấy chính “ngõ vắng tiếng chào thưa...”. Đâu rồi “tình làng nghĩa xóm”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, quan tâm đến nhau? Câu kết đã là bàn đỡ vững chắc nâng bài thơ cao lên. Một tứ tuyệt hoàn chỉnh. Thi tại ngôn ngoại. Không dừng lại miêu tả. Bài thơ thừa sức đạt đến một nỗi niềm, không chỉ của một người. Nỗi niềm ấy, còn là lúc:
Ta về nhóm lửa chong đèn
Tìm người trong lối ngõ quen… vắng người
Bất chợt trong tôi lại nghe câu thơ từ xa tít của thời Chế Lan Viên lúc về quê: “Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người”. Có người để hỏi đã là may, còn như “vắng người”, biết tìm ai? Những câu hỏi trong thơ anh, không dừng lại ở nghi vấn, mà, thú vị nhất vẫn từ đó là sự gợi mở/ mở ra từ phía người đọc, có cảm nhận như thế mới thấu cảm một tâm hồn: “Ai đang giữ giùm tôi khoảng trời yêu dấu, bên rổ khoai mùa hạ củ căng tròn. Em chưa mời mà tôi đã khen ngon, hương lúa quyện bên hương khoai phồn thực. Em mười bảy áo phập phồng ký ức. Tôi mơ về đôi lứa buổi trăng non...”. Không ai có thể trả lởi, chẳng khác gì lúc:
Thương dài theo giấc mùa đông
Biết em bên nớ mà sông vắng đò
Bàng bạc trong thơ anh là sự hoài niệm. Anh tìm về dấu vết ngày cũ khi thi thi tứ bất chợt ùa đến vừa gần gũi, vừa xa thẳm:
Hình như có một hôm nào
Giời đem ấm lạnh đổ vào hồn ta
Và, chính cảm hứng đó dựng lên những câu thơ mênh mang lôi cuốn người đọc.
3.
Thơ là cái sự quỷ quái gì thế?
Mà, lại khiến người đọc đôi khi lại ám ảnh bởi một đôi từ không xa lạ, rất quen thuộc nhưng lại rất mới? Có những khổ thơ đã mở ra một bát ngát dài và rộng đến vô cùng trong tâm tưởng:
Giờ bên con xuống núi
Cha oằn lưng cõng cả núi đồi
núi cao bén trời
lưng Cha rạp đất
trong hư ảo khói nhang mờ đục
con lạy chiều chầm chậm trước hoàng hôn…
Thi trung hữu họa. Nét vẽ bén và gọn. Không một sắc màu thừa. Tình cảm của Phan Tùng Sơn dành cho bà, cha mẹ và con đã đọng lại trong tôi như những nét mực tàu hằn trên giấy bản, không thể tẩy xóa bởi vần điệu ấy là tiếng lòng bật ra không cần phải dụng tâm, dụng ý trong “quy trình” - nói như Xuân Diệu là “công việc làm thơ”. Khi Xuân Quỳnh viết rất hay về tâm lý đứa trẻ muốn lúc nào cũng nhìn thấy mẹ, ước mơ hết sức ngộ nghĩnh, chỉ con trẻ mới có thể nghĩ ra: “À mẹ ơi có con dế/ Luôn trong bao diêm con đây/ Mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế”. Với người lớn, sự hồn nhiên ấy không thể, Phan Tùng Sơn đã chọn cách nói:
Ước mẹ sống lâu dài như sông núi
Con tìm về thơ dại bước thấp cao
Quá đỗi ấn tượng. Cảm động. Biết không thế, vì thế sức âm vang của câu thơ vẫn dằn dặt sự bùi ngùi. Thương cảm. Thơ viết về con của anh, ngày con bệnh, phải là người cha tận tuỵ cùng con mới có thể cảm nhận lo lâu, đau đớn tột cùng: “Tiếng con ho như dao cứa”, sẵn sàng “Đau thay cho con bệnh này”. Trong chuỗi thơ viết về gia đình, "Viếng mộ bà giữa mùa chim tu hú", nếu được chọn, tôi sẽ chọn xếp “chung chiếu” với những bài thơ hay nhất lâu nay viết về bà của mình. Đọc kỹ lần nữa, ta sẽ thấy tiếng gọi “bà ơi…” không còn là chữ. Đã tượng hình thành giọt lệ. Rưng rưng quá đỗi.
4.
Với thơ, con đường thơ của mỗi người, tôi nghĩ có gì đó luôn vượt ra khỏi tầm “kiểm soát” của chính họ. Bí ẩn của thơ là đó.
Đã đến mùa thì gieo nhưng rồi thu hoạch thế nào? Có là mùa vàng như mong muốn, mong đợi? Không một ai biết trước. Đường thơ của Phan Tùng Sơn sau "Nắng từ chân cỏ" sẽ thế nào? Nào ai có thể biết. Nhưng chắc chắc tôi biết tập thơ này là “mùa vàng” của anh. Hạt mẫy. Trĩu hạt. Ngày tới vẫn thế? Chắc là thế. Nghĩ như thế vì tôi tin hồn thơ của một người không tự trào mà lời tâm niệm chân thành:
Tôi sinh ra như cỏ
Mặc mưa dập lũ vùi
Tôi sống tràn như cỏ
Đất cằn vẫn xanh tươi
L.M.Q
(nguồn: Tập thơ "Nắng từ chân cỏ" - NXB Hội Nhà văn in năm 2023 của Phan Tùng Sơn)