BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Chà bá lửa không trèm cũng trụa

LÊ MINH QUỐC: Chà bá lửa không trèm cũng trụa

 

IMG_20240615_153349

Ghi nhận về vốn từ trong từ điển, tự vị nói chung bao giờ cũng đi sau lời ăn tiếng nói đã xuất hiện ngay trong đời sống, có thể do không cập nhật hoặc bỏ sót. Điều này hết sức bình thường. Vì thế, có những từ/ cụm từ đang sử dụng, một khi nghe/ nói bất kỳ ai cũng hiểu nhưng nếu ai cắc cớ đặt câu hỏi: “Bắt đầu từ đâu, do đâu nó lại xuất hiện?”. Đã đành các từ đã có từ xa lắc xa lơ, nay tìm hiểu đã khó, vậy, từ mới ra đời gần đây dễ dàng hơn chăng? Không hề. Cũng khó y chang nhau.

Chẳng hạn, vở kịch ngày hôm ấy hay quá, khán giả vỗ tay ầm ầm, khi nghe một nhân vật phản ứng, chỉ vào mặt quan tham thách thức: “Có giỏi thì làm đi? Chỉ khè là giỏi”. Ủa, sao lại là từ “khè” trong ngữ cảnh này. Ta thử tìm hiểu xem sao. Có thể dễ dàng đồng thuận rằng, với tiếng rít, hắt mạnh hơi từ trong cổ họng của con rắn; mỏ hàn bật ra tia lửa mạnh được gọi là khè. Nhiều thợ vàng còn cho biết, khi sử dụng lửa ngọn, nhiệt độ cao để đốt cháy các hỗn hợp kim loại còn gọi lửa khè. Hiện nay, bếp gas công nghiệp, hộp quẹt gas cũng có lửa khè - tức lúc bật lên thấy vụt lên ngọn lửa xanh, rất nóng và có thể bất chấp cả gió mạnh. “Khè” theo nghĩa này, các tự điển hiện nay chưa kịp ghi nhận.

Còn “khè” trong ngữ cảnh trên là tiếng lóng, được ngầm hiểu chỉ thái độ đe dọa/ dọa nạt, chứ không dám ra tay.

Có thể nói, đời sống con người có một bước tiến hóa rất quan trọng là khi phát mình ra lửa. Nếu chọn lấy một thành ngữ, liên quan đến lửa phản ánh được phẩm chất tốt đẹp của người Việt, tôi xin chọn câu tiêu biểu: “Tối lửa tắt đèn” - lúc gian nan, nguy cấp, hoạn nạn, thiếu trước hụt sau, túng thiếu, khó khăn thì những người thân thuộc, bà con láng giềng luôn thể hiện tấm lòng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân từ lửa cũng mang nhiều sắc thái khác nhau, chẳng hạn, “lửa tình” - chỉ ham muốn tột cùng, yêu đương cuồng nhiệt đang bùng lên ngùn ngụt như ngọn lửa. Bài phú cổ có câu:

Nghìn dặm xui nên gặp gỡ, hương duyên đun với lửa tình;

Trăm năm tính cuộc vuông tròn, trâm nghĩa sánh cùng quạt ước.

Sở dĩ gọi “lửa tình” bởi bắt đầu từ điển tích nghe ra cũng buồn cười lắm. Rằng, anh chàng nọ hẹn cô nọ ở chùa nọ nhưng đến nơi lại ngủ quên mất. Chết thật. Khi đến theo lời hẹn, nhìn thấy tình lang đang ngáy khò khò, giận lắm, cô nàng bèn lấy vòng ngọc ném vào người rồi bỏ về. Tỉnh dậy, anh chàng bẽ bàng quá, uất quá, đột nhiên… trái tim phát ra lửa cháy cả chùa! Tình tiết này xem ra rất xi-nê-ma!  

Lửa tâm càng dập càng nồng

Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa

(Truyện Kiều)

Lửa tâm tức lửa lòng, theo sách thuốc ngày xưa thì tâm (tim) thuộc về hỏa, hễ khi tức giận thì lửa tâm nổi lên, hiểu theo nghĩa rộng là giận dữ, phẫn uất. Lửa tất nhiên là nóng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn “thử lửa”. Không phải xông mình vào lửa, thủ xem có nóng hay không mà ngụ ý dám thử thách việc khó khăn, hiểm nguy. “Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời” (ca dao) - “thử lửa” ở đây lại hiểu theo nghĩa lả dùng ngọn lửa cụ thể để xem xét phẩm chất của vàng.

Thành ngữ cũng có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - trải qua thử thách cam go mới biết kẻ đó mới đáng mặt anh hùng hay chỉ thuộc hạng: “Chồng người đánh bắc dẹp đông/ Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo”? Cái sự mỉa mai này, thiết tưởng vẫn chưa hai hước bằng: "Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng em ngồi bếp cho buồi lấm tro". Hay hướm gì. Kẻ đó mà vỗ ngực xưng anh hùng ư? “Anh hùng là anh hùng rơm/ Ta cho mồi lửa hết cơn anh hùng”. Mồi lửa là nối lửa, làm cho lửa cháy qua vật khác. Nhà thơ Nguyễn Bao viết: “Những bữa cơm đèn/ Dậy từ mờ tối/ Gọi nhau xin lửa qua rào…” - tức là xin mồi lửa.

Không chỉ “thử lửa” lắm kẻ còn cả gan “chơi với lửa”. Khiếp chưa? Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Sử dụng phương tiện nguy hiểm dễ bị chính nó phản tác dụng, gây nguy hiểm cho người dùng phương tiện đó”. Chi bằng né xa còn hơn, khác gì “Chơi dao có ngày đứt tay”, “Chơi chó, chó liếm mặt”… Chẳng dại. Sống ở trên đời, chẳng ai thích ngao du với những kẻ “Gắp lửa bỏ tay người”  - tức bịa đặt, vu khống, chẳng khác gì kẻ “Ngậm máu phun người/ Vu oan giá họa/ Nói đứng dựng ngược/ Ăn không nói có”…

Từ năm 1895, ông Huình Tịnh Paulus Của có ghi nhận “tiếng mới” thuở ấy vừa du nhập vào lời ăn tiếng nói: “làm lửa”- nay chẳng hể thấy ai sử dụng, tự nó đã đào thải, cụm từ này được giải thích: “Lãnh việc chụm lửa dưới tàu khói”. Tương tự, “Một lần nhúm bếp lửa một lần khó”, mấy ai còn nhớ đến nghĩa bóng: “Nhen nhúm, gầy dựng cho ra sự nghiệp, cho thành đôi bạn thì là rất khó”. Không những thế, ngày nay, chẳng thấy ai dùng từ “lửa trơi” nữa. Dấu vết ấy, còn lưu lại trong Văn tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành (1758-1817):  

Hồn tráng sĩ biết bao miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương;

Mặt chinh phu khôn vẽ nét gian nan, lấp loé lửa trơi soi chừng cổ độ.

Hầu hết các bản trên internet đều chép thành “lửa trời”, không đúng với văn bản đã ghi nhận, chẳng hạn Văn đàn bảo giám (1934). Nhà nghiên cứu Long Điền giải thích là dịch từ tiếng “lân hỏa”: “Theo mê tín thường tin rằng vong hồn người như cái ma trơi, nghĩa rộng, “lửa trơi” là chỉ vong hồn”.

Có hai chị em bạn gái trò chuyện: “Mấy lửa rồi bồ tèo?”. Nghe hỏi, cô này đáp: “Hai rồi đó”. Cô kia ngạc nhiên: “Vậy mà vóc dáng vẫn còn gọn gàng, săn chắc. Ngộ quá ta”. Ngạc nhiên là phải, vì cô ấy đã hai lần… sinh nở. Có phải từ lửa được sử dụng trong ngữ cảnh này là do ngày xưa phụ nữ có lệ sau khi sinh phải nằm lửa/ nằm cữ/ ở cử - tức nằm trên lửa than cho ấm? Về chuyện này, người miền Trung còn có từ tương tự là “nằm ổ”.

Thành ngữ “Lửa cháy còn đổ thêm dầu”, “Lửa đã đỏ còn bỏ thêm rơm” là thấy người ta đằng đằng sát khí đang tức giận, oán hờn, căm thù lại kích động, gièm siểm nói khích cho tăng thêm cấp độ. Lâu nay, ai cũng từng nghe “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. “Bén” là một khi lửa và rơm chạm, sát, dính tới thì lửa bùng lên là cái chắc - nhằm chỉ sự vụng trộm của trai gái. Nào ngờ, ở Nam Bộ có dị bản thật hay: “Lửa gần rơm không trèm cũng trụa”. Trèm trụa là chỉ hình thức cháy nham nhở; cháy trèm/ cháy trẹm/ cháy trèm trụa là cháy sém, cháy lem nhem.

Còn có nhiều trạng thái tâm lý liên quan đến lửa: “Nóng như lửa” là nóng giận quá xá, có lẽ do cảm thấy vẫn nhẹ hều nên còn câu: “Nóng như bà chằn lửa”. Thậm chí hiện nay đã xuất hiện từ “chà bá/ chà bá lửa”. Theo tìm hiểu của tôi, tính đến thời điểm này chỉ có Phương ngữ Nam Bộ (NXB Hội Nhà văn -2015) của Nam Chi Bùi Thanh Kiên ghi nhận và giải thích: “Chà bá: Bá có gốc Hán do từ “bà”: to lớn. Rất to lớn. Văn liệu: “Con voi có tai bự chà bá” (tr. 332). Liệu chừng có hợp lý hay không vì cơn cớ làm sao từ “chà” lại đứng trước từ “bá”?

Có người cho rằng, có thể vây mượn từ tiếng Quảng Đông: “tài pả”có nghĩa là khối, cả đống, có vỏ ngữ âm na ná nhưng xét cả về mặt này lẫn mặt ngữ nghĩa, học giả An Chi cho rằng đây không phải là nguyên từ (= từ gốc) của “chà bá”. Và, ông mạnh dạn suy luận: “Tiếng Khmer có từ “cho-băs” (ghi theo Từ điển Khơme - Việt của Hoàng Học, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979, trang 355). Từ này có nghĩa là “rõ ràng” và chúng tôi suy ra rằng ở đây ta một sự chuyển biến ý nghĩa như sau: rõ ràng → to đến mức mắt không thể không nhìn thấy → chà bá”.

Không thể như thế, vì chà bá hàm nghĩa là to tổ chảng, bự quá cỡ thộ môc, tức là kích cỡ của sự vật đó vượt ra ngoài sự phổ biến thông thường. Như thế, ai ai cũng thấy, chứ làm sao “to đến mức mắt không thể không nhìn thấy”?

Lại có ý kiến cho rằng, chà bá chính là vây mượn từ “Cha-báik” của người Chăm. Trao đổi với tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm là nhà thơ Inrasara cho biết: “Tiếng Việt nào có âm tiết "đầu" Tà, Chà, Cà... đều có liên quan đến Chăm. Chà-bá, thì có nguồn từ 2 chữ: Cha-bá hay Ta-bá: lan rộng ra, và Cha-báik hay ta-báik: mở rộng ra ở bề miệng. Từ điển tiếng Chăm-Việt của Moussay, Aymonier, Bùi Khánh Thế đều giải thích như vậy, dĩ nhiên họ ngắn gọn hơn”.

Ngoài chà bá, còn có từ “chà bá lửa” - nhằm chi mức độ cao hơn cả thế nữa. Từ lửa này vốn là cách nói quen thuộc của người Việt như cù lần lửa, bà chằn lửa v.v… Lửa, theo tôi là cách nói quen thuộc của người Việt, là từ kèm theo khi cần nhấn mạnh một sự vật/ sự việc nào đó, chẳng hạn, “Cô ấy trông bốc lửa” là nhằm chỉ sự gợi cảm đến mức đỉnh/cực đỉnh.

Như vậy đã có thể “chốt hạ” về từ chà bá?

Theo tôi, đã có thể.

Với từ lửa, ai cũng thừa biết tỏng, phải là dấu hỏi (lửa) nhưng xin hỏi, liệu chừng khi viết dấu ngã (lữa), có trật chính tả? Dám nói rằng không. Việt Nam tự điển (1931) giải thích: “Lữa: Nhiều lần, lâu ngày: Chơi với nhau đã lữa mà còn không hiểu tính nhau”. Bên cạnh đó, còn có thêm “lần lữa” là lần khân, chần chừ, kéo dài thời gian để trì hoãn một việc gì: Năm năm tháng tháng ngày ngày/ Lần lần lữa lữa rày rày mai mai”.

Mà này có phải lần lần lữa lữa gì gì cũng có thể châm chước, chứ đôi lứa yêu nhau da diết, thắm thiết gần gũi như “lửa gần rơm” nhưng cứ lần lần lữa lữa mãi ắt gay go. Bởi cứ chần chừ, không sớm tính chuyện cùng nhau thổi cơm chung bếp lửa, e biết đâu có lúc… “đeo ba lô ngược” thì phiền lắm đây. Cái ba lô ấy, to cỡ chà bá lửa ắt thanh danh không trèm cũng trụa, vậy, cái chuyện “tạm ứng” lúc ăn nằm “Ăn làm sao nói làm sao bây giờ?” (Truyện Kiều).

Khó thiệt đấy chứ?

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG đầu tháng 10.6.2024)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com