LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.6.2017

 

20150807-030454-2-520x692

“Quan nhất thời, dân vạn đại”. Sực nhớ đến câu này vì lý do: có một quan chức nọ bị kỷ luật, cái ghế ngồi không rõ có còn vững hay không, e rằng không. Do nghĩ vậy nên đã có một, hai đơn vị kinh doanh đã từng trải chiếu hoa mời ông ta đến bèn nghĩ ra một cái trò rất láu cá.

Trò gì? Khoan vội bàn đến.

Chỉ nhắc lại rằng, ối dào, ngày chưa xa ấy, lúc gặp nhau đôi bên luôn tuôn ra dào dạt bao nhiêu lời vàng, ý ngọc. Vị quan chức nói một lời, chỉ đạo một câu, ngay lập tức cả hội trường cung cúc cúi rạp người mà rền vang lời thưa/tiếng dạ. Thưa rồi dạ, dạ rồi thưa cứ nhịp nhàng tân cổ giao duyên. Đã thế, họ còn nhanh chóng rỉ tai cho cánh báo chí, cơ quan truyền thông vì thông tin, hình ảnh ấy được truyền tải cũng là một cách P.R đánh bóng sang trọng cho thương hiệu kinh doanh của đơn vị mình.

Đùng một cái, gió đã xoay chiều. Khi truy cập vào trang web của đơn vị kinh tế đó đã thấy bị xóa sạch, hầu như không lưu lại một vết tích nào về việc quan chức đó đã từng ghé thăm. Giải thích thái độ kỳ quặt này thế nào nhỉ? Có thể do họ sợ bị liên lụy, dính dáng đến một người thôi “lên voi” mà đã “xuống chó” chăng?

Nếu thế, sự đời lật lọng, tráo trở mạt hạng đến thế là cùng.

Không phải ngẫu nhiên, nhiều quan chức nhà ta cực kỳ ám ảnh một nỗi sợ hãi, nhăn rúm cả người, toát mồ hôi hột khi nghe đến hai chữ “về hưu/kỷ luật”. Về nhà đuổi gà cho vợ ư? Không phải đâu. Lúc rời chốn quan trường, dẫu thừa sức “ho ra bạc, khạc ra tiền” nhưng rồi họ cũng không thể thỏa mãn được nỗi nghiện ngập đã thấm sâu vào máu thịt: quyền lực.

Phải tiền hô hậu ủng, tả phù hữu bật, lên ngựa xuống xe, đội trời đạp đất. Phải micro oang oang chỉ đạo. Phải một chữ ký cũng thừa sức khiến kẻ này khiếp vía, dái thọt lên cổ; khiến kẻ kia sung sướng tràn trề, “ngất ngây con gà Tây”. Quyền lực là phải thế chứ. Riết rồi đâm ra nghiện.

Vậy, khi lui về hậu trường là mất hết sự oai phong lẫm lẫm liệt liệt, khiến nhiều quan chức sợ hãi, âu lo là vậy. Thế nhưng, có lẽ họ cũng không thể lường đến cái trò “cạn tàu ráo máng” là xóa sạch hình ảnh vừa nêu trên. Cay cú và đau.

À, chuyện khôi hài đó là bịa, chứ làm gì trên đời làm gì có trường hợp éo le đến thế? Có thể là tiểu phẩm của nhà văn chuyên viết trào phúng chăng?

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có những kẻ tiền nhiều, rất nhiều tiền lại là khác nhưng tiếc thay lại… văn hóa lùn. Một trong những sự việc đình đám có tính thời sự là anh chàng nọ chẳng biết giàu đến cỡ nào, lại có lối hành xử chẳng giống ai, nếu không muốn nói là quái đản và trơ trẽn.

Rằng, để ra mắt một quyển sách, đại loại như bàn chuyện dám làm giàu, anh ta tổ chức tại Huế bằng cách đứng trên kinh khí cầu và thả tiền xuống… chơi! Bố thí hay khoe tiền? Tiền nhiều đến cỡ nào mà dám khoe khệnh khạng đến phản cảm như vậy? Nếu không bố thí, đó là cách cho tiền chăng?

Ông bà ta từng dạy: “Của cho không bằng cách cho”. Khi thông tin này vừa diễn ra, y đã nhận được nhiều điện thoại của anh em văn nghệ sĩ ngoài Huế, họ cho rằng đây là hành động, chỉ có thể gọi đúng tên là “kém văn hoá”. Và họ cho biết đang kêu gọi tẩy chay “tác phẩm” này vì cách rải tiền ấy, dù có mệnh danh cho sự “cao đẹp” gì gì đi nữa cũng xúc phạm đến người dân ở Huế.

“Một người xử lý đồng tiền cẩu thả, không hề quý trọng mà ném tiền một cách “trời ơi, đất hỡi” lại vỗ ngực xưng tên, truyền cho thiên hạ “cảm hứng” dám làm giàu ư? Xem ra ngô nghê và phản cảm quá đi mất” - một họa sĩ ở Huế đã nói thẳng. Nghe thế, y bèn “bào chữa” giúp cho tác giả: “Có phải người Huế các anh khó tính quá không?”. Anh bảo: “Hành động thô lậu này, dù diễn ra bất cứ ở đâu thì người Việt mình cũng đều phản ứng như thế”. Anh nói đúng lắm.

“Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù có nghèo đi nữa, ai cũng ý thức rằng, chỉ một khi kiếm đồng tiền bằng giọt mồ hôi, mới là đồng tiền lương thiện, tiền sạch. Chứ không phải thấy kẻ “trưởng giả học làm sang”, ném tiền ngoài đường mà ùa chạy đến, tranh nhau cấu xé, chụp giật cho bằng được.  Ô hô! Một người tự khoe khoang dám làm giàu lại thể hiện “đẳng cấp giàu” theo kiểu “chơi cha thiên hạ”, vậy, mọi cái gọi là “thông điệp” trong sách có đáng tin không? Tôi hiểu, anh em văn nghệ ngoài Huế đồng lòng tẩy chay quyển sách đó, họ hoàn toàn có lý.

Khi bàn tán về chuyện này cùng đồng nghiệp, y giật mình khi có nhà báo bảo: “Các bạn ngây thơ quá đi mất. Một khi cánh báo chí chúng ta lên tiếng tiếng phê phán tức là đang… sập bẫy đó”. Y ngạc nhiên quá, anh cười mà rằng: “Sao lại không nghĩ rằng, đây cũng là một chiêu trò P.R hẳn hòi? Vì rằng, có bị mạt sát chê bai đến đâu chăng nữa thì tác giả cũng lãi to. Cái lãi ấy là cái tên/cái danh của mình đã được làng trên xóm dưới đều biết tất. Mà lại tốn không nhiều tiền bằng cách thuê quảng cáo!”. Y lại cãi: “Ừ cứ phỏng đoán, cứ cho là thế. Nhưng thiên hạ biết đến qua sự xú danh thì nên chăng?”.   

Câu trả lời này, còn tùy thuộc vào sự lụa chọn của mỗi người. Sự lựa chọn ấy, còn tùy thuộc vào tầm văn hóa. Mà không phải ngẫu nhiên anh bạn nhà báo nêu ra nghi vấn đó, bởi dạo lâu nay các chiêu trò gây sốc đã quá phổ biến. Nếu muốn ai ai cũng biết đến mình một cách nhanh chóng nhất, thì cứ việc giở trò ma mãnh ấy là xong. Xong, như một cách tạo ra sự xú danh.

Lại có nhiều người có tiền nhung chắc gì đã “nứt đố đổ vách” mà đã vội rãi tiền tung tóe? Phản cảm quá đi mất. Cuộc đòi cũng kỳ quặt, có những người một khi đã có tiền lại xem người khác không ra gì cả. Chuyện mới vừa xẩy ra tại Hà Nội, theo thông tin từ báo chí: chiều tối ngày 15.6, cô nhân viên quét, thu nhặt rác có nhắc nhở chủ nhà nọ nên đổ rác đúng nơi quy định. Đôi bên cãi cọ nhau, sau đó, cô tiếp tục công việc của mỉnh. Tưởng thế là thôi, nào ngờ, lát sau, có người người phụ nữ đột nhiên  lao tới, vừa chửi vừa đánh, liên tiếp tát vào mặt, vào gáy. Đến lúc tỉnh dậy, cô mới biết mình đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An”.

Nghe ra mỉa mai quá.

Thật lòng, khi viết những dòng này, vâng, y chỉ muốn tin chỉ là chuyện bịa. Nghĩ vậy, cho nhẹ đầu. Và tôi lại nghĩ về sự tốt đẹp, hướng thiện mỗi ngay vẫn đang hiện diện, lấy đó làm niềm vui. Nhưng nhố nhăng này nọ, hãy tin rằng chỉ là cá biệt. Riêng lẽ. Không bao giờ trở thành phổ biến. Nếu không, tính cách người Việt ngày càng xấu đi à? Không đâu. Hãy cứ tin là thế.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment