LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.7.2017

 

58_cxhoii_trau_2


“Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng/ Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời/ Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi/ Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ” (Xuân Diệu). Vậy hóa ra các nhà thơ rất với nhà khoa học, khi đang dẫm hai chân trái trái đất nhưng tâm trí họ đã gửi về thiên hà xa thẳm. Kỳ diệu thay.

Trộm nghĩ, ngay từ khi lọt lòng mẹ, cất lên tiếng khóc oe oe, bất kỳ con người nào, dù thể lực, trí thông minh, thành phần xuất thân… ra làm sao, ai ai cũng có khát vọng “đội đá vá trời”, “Phải có danh gì với núi sông”. Phải làm một cái gì đó. Ít ra, “Con hơn cha là nhà có phúc”, là đeo đuổi cho bằng được cái ước mơ, hoài bão, sở thích, đam mê của chính mình.

Nhưng rồi, mấy ai có thể?

Y có quen người bạn, ngay từ lúc đi học đã thể hiện rực rỡ tài năng, khả năng chơi trống, đàn ca hát xướng... Ai cũng bảo, (hắn cũng bảo) về sau, dù vật đổi sao dời đi nữa hắn cũng theo nghiệp cầm ca. Rồi hắn có vợ. Sinh con. Mãi đến lúc ngoài ngũ thập, giật mình nhìn lại thì hỡi ôi, ước mơ đầu đời chỉ là còn tiếng thở dài thăm thẳm  Tiếc nuối ngày trôi. Y lại quen người bạn hoàn toàn có khả năng trở thành họa sĩ. Rồi hắn có vợ. Sinh con. Đã nhiều năm tháng đi qua, bây giờ là danh họa? Thưa, đã trở thành ông chủ ngồi quầy thu tiền mỗi ngày trong quán ăn do vợ đứng bếp. Những người bạn ấy, thường tự an ủi, ngậm ngùi: “Thôi thì, hãy đợi kiếp sau”.

Làm gì có kiếp sau?

Trưa nay, vẫn thói quen vớ lấy một cái gì đó để đọc. Dừng lại với một từ: “DART”.    

Có ai biết, từ đó nghĩa gì không?  Đố như thế là khó hay dễ? Y hoàn toàn không biết ngoại ngữ. Một chữ cắn đôi cũng không. Chỉ biết đọc, biết viết vài từ tiếng Việt. À, gần đây đọc trên trang facebook nọ, nhà báo nọ đã tẩn mẩn ghi lại vài từ tiếng Việt mới xuất hiện tên Đài VTV. Đọc và tìm cách lý giải, nhưng rồi cũng bù trấc. Chẳng hạn, “thông tin dự án đã bị LỘ LỌT; nhiều đoạn đường bị SẠT SỤT; giao lộ X đang bị ÙN Ứ; nguyên nhân cháy do điện bị CHẠM CHẬP; hàng rong phải kiên quyết bị ĐẨY ĐUỔI; nhiều công việc cùng thời điểm cần được PHỐI KẾT và LỒNG LẮP” v.v…

Nghe lạ tai quá đi mất.

Tiếng Việt cũng chưa vỡ vạc, còn ham hố qua qua ngoại ngữ nữa chứ? Có chạm mạch đấy không? Không hề. Vẫn cứ hỏi: “DART là gì?”.

Cứ theo báo Thanh Niên sáng nay: “DART, viết tắt từ Double Asteroid Redirection Test (tạm dịch: Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi) nhằm tìm biện pháp xử lý các tiểu hành tinh cỡ trung. Theo đó, một tàu du hành hoặc một vệ tinh sẽ đâm vào một tiểu hành tinh với vận tốc cực nhanh để đổi hướng thiên thể có thể gây nguy hiểm cho sự sống trên địa cầu. Bản thân từ “dart” cũng có nghĩa là phi tiêu, thể hiện bản chất của cuộc thử nghiệm sắp tới”.

Khiếp quá, đó là sứ mệnh không gian của NASA. Con người siêu việt. Có thể làm được tất cả. Nói tắt một lời, các tàu du hành này bay với vận tốc không thể tưởng tượng nổi: “6 km/giây”. Mục đích cuối cùng: “Với DART, chuyên gia Cheng cho rằng Mỹ có thể chứng tỏ phương pháp hiệu quả trong nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại”. Không hiểu sao lại có nhũng con người vĩ đại đến thế? Trong lúc đó, “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con (Chế Lan Viên), mà chắc gì đã nên cơm cháo? Không phải ngẫu nhiên, ở nước ngoài đã có những tập truyện tranh thiếu nhi, phim ảnh dành cho người lớn cỡ như chiến tranh giữa các vì sao,. chống lại người ngoài trái đất thuộc về khoa học viễn tưởng...

Ở Việt Nam các tài ấy chưa hề chạm đến. Có lẽ, Huy Cận là nhà  thơ Việt có ý thức hướng về vũ trụ? Ông có cả tập thơ Vũ trụ ca. Nếu đúng nhưng số lượng còn ít ỏi. Vẫn có những câu thơ tuyệt hay: “Chim hót vòm xanh hương dậy đất/ Hôm nay vũ trụ mở huy hoàng / Đi ra hoa bướm không tin trước/ Sực nhớ đêm rồi đã ngủ lang”. Rất tỉnh. “Hồn xa hỡi! Ta tù trái đất/ Dây buồn thương buộc uất tim đau/ Đêm dài nhìn vợi canh thâu/ Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian”. Rất tỉnh. Chỉ mới là cảm nhận, cái nhìn của thi nhân đang đứng trên mặt đất. Tỉnh lắm.

Hàn Mặc Tử đi xa hơn, đã nhập cuộc: “Đàn cung bậc gió dồn lên âm điệu/ Sững lòng chưa ? Say chấp cả thanh bai/ Sang chơi thôi, sang chơi thôi! mà ai/ Thu đây rồi, bước lên cầu Ô Thước/ Sao! Vàng sao rơi đầy nơi sóng nước/ Đừng ngả tay mà hứng máu trời sa”. Rất say. Rất mộng du. Thơ cần sự thăng hoa không thuộc lý trí.

Mà Q à, có phải tầm vóc, vị trí của từng con người khác nhau còn ở chỗ họ quan tâm đến vấn đề gì chăng?

Mấy hôm nay, báo chí rầm rộ thông tin về một số quan chức giàu lên bất thường với khối tài sản, dinh thự cực khủng. Rất khủng. Mối quan tâm cả đời họ chỉ có thế. Cũng tốt thôi. Nhưng đồng tiền ấy ở đâu ra? Có người trả lời: “Tôi lao động đến cả thối móng tay”; “Chạy xe ôm ngoài giờ, làm thâu đêm”; “Đi mua chổi đốt, lá chít, làm men nấu rượu” v.v… Những tuyên bố hùng hồn này có đáng tin? Hỏi xong. Bèn nhếch mép. Đồng nghiệp Bút Bi của báo Tuổi Trẻ (ngày 2.7.2017) đã có cảm hứng viết thành tiểu phẩm Lớn lên con làm gì? Nếu không liên hệ với một loạt thời sự đang xẩy ra, (thể hiện qua câu trả lời của cô con gái), có lẽ sẽ không cảm nhận hết cái sự trào lộng thâm thúy.

Hãy đọc chơi:

“- Con gái à, vào học bài đi. Học cho chăm chỉ và giỏi để sau này mới trở thành kỹ sư như ba được.

- Thôi con không làm kỹ sư đâu. Làm kỹ sư như ba mấy chục năm đâu đủ nuôi má và tụi con đâu.

- Ờ, thì phải nhờ má tụi bây phụ. Thôi con làm giáo viên như má đi, hợp với con gái.

- Má cũng đâu sống nổi bằng lương đâu, cũng “dứt cháo” mà! Ba thấy má tội nghiệp không, má nói muốn dạy thêm để có thêm thu nhập, nhưng má sợ họ đến rình bắt như bắt ăn trộm, nên thôi đó ba.

- Ờ, ba thương má tụi bây lắm. Thôi con làm bác sĩ nha, bác sĩ thu nhập cao, cứu được nhiều người.

- Bác sĩ nếu chỉ lương thì cũng đâu có thu nhập cao đâu. Làm bác sĩ xui xui gặp người nhà bệnh nhân tấn công thì khổ.

- Ờ, mấy người nhà đó bậy thiệt. Hay con làm hoa hậu? Con đẹp gái mà.

- Nhất định không ba ơi! Làm hoa hậu xui xui gặp mấy tay Sở khanh giở trò cao toàn mỹ thì héo đời con luôn!

- Không kỹ sư, không bác sĩ, không giáo viên, không cả hoa hậu... Vậy lớn lên con muốn làm gì?

- Con muốn đi bán chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu...

- Ba:?!”.

Cảm tưởng thế nào? Trả lời đi. Y chỉ biết thốt lên: “Cạn lời”. Thế đấy, thời y sống vẫn là đang thế đấy. Nghĩ mà chán? Thôi, chớ chán mà chi. “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa?” (Lưu Quang Vũ). Cũng là tìm một cách bấu víu, tin vào cái đẹp đang lẩn khuất, tin nó vẫn đang tồn tại. Tin để sống. Tồn tại. Và nhất là không thốt lên tiếng chửi thề.

“Lè lưỡi ra. Lưỡi cụt rồi/ Ném tan chén rượu gọi trời đất ơi!/ Trời đất ơi! Trời đất ơi!/ Mai sau vọng mãi lại lời thiên lương”. Câu thơ này, y thời gian nào? Nay, bất ngờ vọng lại trong trí nhớ. Tan loãng. Mất hút. Hay vẫn còn đó tiếng kêu thản thốt: “Trời đất ơi! Trời đất ơi!”? Đến bao giờ tiếng kêu này mới hoàn toàn xóa bỏ trong ngăn trí nhớ của chúng sinh? Chẳng bao giờ. Tự ý thức rõ rệt, rõ ràng, rõ nét để bình tâm đi qua năm tháng này.

Với thông tin vừa diễn ra, hẳn có người lại kêu đến ông trời lần nữa đây. Thông tin gì vậy? Không gì vội. Cứ nhẩn nha trở về ngày xửa, ngày xưa với trang sách Quốc văn giáo khoa thư. Hãy đọc lại chơi một bài tập đọc:

“Trâu lớn hơn bò và sức mạnh hơn. Lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng. Mắt lờ đờ, sừng to và cong lên. Trâu xem nặng nề và chậm chạp hơn bò. Tính nó thuần và hay chịu khó. Ăn uống ít, mỗi ngày chỉ vài ba nắm cỏ khô cũng đủ. Nó ưa đầm (mẹp) xuống nước, xuống bùn, và có thể lội qua sông, qua đầm được.

Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe, hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làn giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như: cán dao, lược, ông thuốc v.v...

Trâu thật là con vật có ích. Ta vẫn cho vào hạng lục súc rất có công với người”.

Tưởng rằng, đọc chơi nhưng liên hệ với thời sự vừa xẩy ra lại buồn nẫu ruột. Rằng, từ xa xưa, người Việt có lễ hội chọi trâu. “Có ăn có chọi mới gọi là trâu”. Mới đây, cuộc chọi trâu nọ tại tỉnh nọ, thật bất ngờ khi trâu chọi đã dùng sừng húc chết chủ nó. Báo chí đặt vấn đề có nên duy trì lễ hội này nữa hay không? Nên hoặc không? Câu trả lời quá dễ. Nhưng thực hiện lại quá khó bởi lẽ nó đã đi sâu vào ký ức, tiềm thức của cả một cộng đồng từ nhiều đời. Xóa không dễ. Nguồn gốc lễ hội chọi trâu ra làm sao? Với sách vở đang có, chịu khó lục lọi, tìm kiếm ắt có câu trả lời.

Trước mắt, chấp nhận với thông tin này: “TS Lê Đức Luận, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, Hải Phòng bắt nguồn từ một sự tích có tính thiêng. Tương truyền, một hôm, trời trong sáng, dưới ánh trăng tháng tám, một số người thấy ngoài biển một lão nhân đầu tóc bạc phơ ngự trên sập đá, tay cầm một chiếc gậy dài ngắm 2 con trâu đang chọi nhau. Hình ảnh này hiện ra rồi biến, sau đó một trận mưa lớn đã tưới tắm mặt đất mát mẻ, giúp dân làng và đồng ruộng qua cơn hạn khủng khiếp. “Để hài lòng thần linh, họ tổ chức một cuộc chọi trâu và tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, TS Luận cho biết” (báo Thanh Niên ngày 3.7.2017). Cũng trên số báo này, lại cho rằng: “chọi trâu Đồ Sơn vốn là một phần của tín ngưỡng cầu an, cầu mùa. Nó gắn liền với việc cầu mong thủy thần phù hộ. Hoặc ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), chọi trâu lại gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng, gắn với việc khao quân khi đánh thắng Triệu Đà”.

Đại khái là thế.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn ngày xưa lúc tổ chức chọi, ngươi ta không ép nó uống rượu, uống thuốc kích thích hẩu lốn như hiện nay.

Ngán ngẫm chưa?

Tất nhiên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment