LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.7.2017


IMG0115-Custom

 

Trống chầu hay trống chậu?

Dứt khoát, trăm người như một đều trả lời trống chầu.

Trong chuyên luận Người Quảng Nam của y, có đoạn: “Từ tiếng trống chầu ở Quảng Nam, ta nghe kể đến nhiều mẩu chuyện vui vui. Chẳng hạn, nhà thơ Lưu Quang Thuận, người Hải Châu (Đà Nẵng) - thân phụ của nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ, nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ -  là người giỏi về sân khấu chèo, tuồng… Lần nọ gánh hát của ông gặp tay cầm chầu lơ mơ đánh đấm thưởng phạt tuỳ tiện. Để sửa lưng, ông Thuận cho hề ra góp vui: “Tổ cha con quạ ở đâu/ Lâu lâu lại mổ tấm da trâu cái thùng!”. Tay cầm chầu nhột dạ, xấu hổ, đứng lên bỏ về một mạch”.

Trống thường làm bằng da trâu. Tại sao không là da con gì khác, chẳng hạn da bò, dê, ngựa? Phải là dân trong nghề mới trả lời nổi. Có thể do da trâu khi căng ra, dù bị dùi nện liên tục nhưng vẫn không thủng, vẫn bền; hay còn do vì da trâu nên tiếng vang của trống rõ ràng, lan xa hơn?

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo

Trống chèo khác gì trống chầu? Ông Huình Tịnh Paulus Của (1895) giải thích “trống chầu: thứ trống lớn hay dùng mà đánh thướng hát bội”. Là nhạc sĩ tài ba lại có nghiên cứu uyên thâm, nhạc sĩ Phạm Duy nói rõ hơn: “Trồng chầu: Dùng trong Hát Ả Đào. Tương tự như trống đế nhưng được cấu tạo công phu hơn. Chỉ dùng một dùi - được gọi là roi chầu - làm bằng gỗ găng. Âm thanh trống chầu thấp hơn âm thanh trống đế, ít trong sáng hơn. Quan viên tức là người nghe hát, cầm chầu để điểm câu hát, khen câu văn hay, gieo vận đẹp, hoặc để thưởng giọng hát của ả đào. Chỗ ngắt câu thì đánh "tom" (đánh vào mặt da) chỗ nào khen thì gõ "chát" (đánh vào tang trống). Có nhiều lối đánh trống chầu được đặt tên là Hạ Mã, Thượng Mã, Xuyên Tâm, Lạc Nhạn, Thùy Châu, Tranh Tiên”.

Trong tiếng Việt miền Nam, giăm trống/ tang trống cùng nghĩa với vành trống. Xấu xí, đáng ghét của người lớn tuổi còn là “Già chơi trống bỏi” - còn gọi trống rung/trống giấy. Ai cũng rõ, giải thích nữa, chỉ thêm rườm lời. À, tính cách, thói xấu của người Việt cũng có dính dáng đến cái trống đấy. Thử nhớ lại xem. Vẫn là Đánh trống bỏ dùi; Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược… Thú thật, không rõ thành ngữ, “Trống bỏi vật mình” nghĩa của nó ra làm sao?

Có lẽ ít người còn nhớ câu cửa miệng “Quạ quạ đánh trống” là tiếng trù ẻo cho ai đó chết sình, bụng trương lên căng như cái trống, quạ đến mổ. Xét ra con quạ cũng đáng ghét như con cú, bằng chứng có câu: “Cú kêu nhà bệnh”, “Trông xa cứ nghĩ là tiên/ Đến gần cú đậu ở bên cạnh sườn”. Lời chê thâm trầm chữ nghĩa quá đi thôi, ai lại không nhớ thành ngữ: “Hôi như cú”?

“Quạ nào mà chẳng đen đầu” ý nói loài quạ xấu xa cùng một giuộc, cùng “cá mè một lứa” chứ không hề có ngoại lệ. Thế tại sao còn có câu ca dao liên quan đến con quạ lại dễ thương, đáng yêu đến lạ lùng: “Con quạ nó đứng đầu cầu/ Nó kêu bớ mẹ lấy trầu khách ăn”; “Con quạ nó đứng đầu cầu/ Nó kêu bớ má ghe bầu vô chưa?”. Chỉ cần nghe “bớ má/bớ mẹ” là đã có cảm tình rồi. Trên đời này với cái lưỡi, con người ta có thói xấu thỉnh thoảng thay lưỡi tùy ngữ cảnh, trường hợp nhưng một khi đã gọi đến má/mẹ, tiếng gọi ấy dù  “bớ/uớ/quớ” tùy theo vùng miền cũng đều là âm thanh trong sạch, trong trẻo và thánh thiện nhất. Không pha tạp. Không giả dối. Một khi con quạ “Nó kêu bớ má” thì sự xấu xa ở đâu không biết, chứ trong ngữ cảnh này ắt sự hướng thiện vẫn còn.

Lại nữa, “Quạ kêu nam đáo nữ phòng/ Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”. Sao không con gì khác mà phải là con quạ? Chọn con sáo, con chim se sẻ, vàng anh, hoàng yến... có phải hay hơn không? Nhưng rồi vẫn là con quạ. Ông bà ta đã ngụ ý gì vậy? Chưa dám trả lời, chỉ mạo muội nghĩ rằng, sức sống của câu ca dao này còn tồn tại ngàn đời. Bởi lẽ trai chưa vợ gái chưa chồng làm sao không trải qua giây phút, ngày tháng thiêng liêng này? Thật thế, tình yêu, bản chất đầu tiên và cuối cùng vẫn là sự thiêng liêng bởi nó còn là kết quả của thế hệ tiếp nối về sau, mãi mãi về sau nữa…

Ngày xưa, còn có loại trống đất. Nghe lạ tai quá phải không? Có phải cái trống này làm bằng đất nung nên mới “chết tên” như vậy? Suy luận này buồn cười quá. Đất nung làm sao chịu nổi dùi? Hãy nghe ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích, chứ không biết mà cứ nói như “biết tuốt”, thiên hạ cười cho: “Trống làm dưới đất:phải đào một cái lỗ, trên lót một tấm ván mỏng, giăng một đàng dây ngang qua mặt ván, lấy một chiếc đũa, gối lên tấm ván, chống đàng dây cho thẳng, rồi lấy cây mà đánh sợi dây thì nó kêu”. Cách chơi tróng kiểu này xét ra “nghệ sĩ” lắm. Nay, không còn ai chơi nữa rồi.

Đôi khi con người ta cần âm thanh, cần nghe tiếng động để thấy chung quanh không lẻ loi, đơn độc. Nói thế, bởi nhớ những đêm khuya khoắc ở chiến trường K, đêm nào cũng mở radio để nghe có âm thanh vọng đến. Rất thèm nghe tiếng người. Đài tiếng Việt càng tốt, nhưng nếu chỉ nghe tiếng nước ngoài cũng chẳng sao, miễn là có tiếng nói. Nếu không, chẳng rõ mình đang ở đâu trong cái thế giới bốn bề im ắng, rừng rú tối đen tịnh không một tiếng động. Bây giờ lại khác. Đinh tai nhức óc suốt cả ngày. Cái điện thoại di động lúc nào cũng kè kè, thỉnh thoảng lại “tèng téng teng” như tiếng trồng/kèn xung trận. Giật thót cả người.

Thú thật, phải là những gì đã đọc từ thời trẻ thì mới nhớ lâu. Sau nay, lúc đã có tuổi dẫu đọc cho lắm nhưng rồi cũng nhớ trước quên sau. Nhớ mãi cái cuộc tranh luận về cái trống đã đăng trên tạp chí Bách Khoa, từ cuối thập niên 1960 thì phải. Đại khái, ông Hồ Hữu Tường cho rằng, cách đánh cùng một lúc mười mấy cái trống, điệu trống ấy chỉ có thể do vua Quang Trung nghĩ ra, lúc ngài hạ lệnh thúc quân ra Bắc đánh bọn giặc nhà Thanh. Ông Nguyễn Văn Xuân cãi không phải, chỉ là thứ trống diễu hay trống ông Ninh - ông Xá quen thuộc trên sân khấu, chẳng liên quan gì đến vua Quang Trung. Ông Võ Phiến tham gia, nghiêng về lý lẽ của ông Xuân và “chốt hạ” bằng một câu khôn ngoan, hóm hỉnh: “Nếu quả Bình Định mất đi một điệu trống, phải được đền lại một cái gì chứ? Cái bánh tráng nhé”.

Lúc nhỏ ở Đà Nẵng, y vẫn còn nghe tiếng trống chầu lúc giỗ đình làng có hát tuồng, hát bội. Nghe thì nghe vậy. Chỉ như “vịt nghe sấm”, thậm chí tiếng trống ấy chỉ “nước đổ đầu vịt”. Nào có hiểu gì đâu. Sau này, nhờ đọc phân tích của nhạc sĩ Phạm Duy mới biết nghệ thuật đánh trống: “Trống của sân khấu Tuồng, Chèo, trông giống như trống cái nhưng được làm công phu hơn. Chỉ gõ bằng một dùi để điểm câu hát (1 tiếng tùng), khen ngợi (2 hay 5 tiếng tùng) hay chê bai (1 tiếng tịch = 1 tay chặn, 1 dùi đánh) đào kép, góp ý với thầy tuồng (1 tiếng các = đánh vào tang trống). Trống chiến, trống trận: Như trống cái nhưng nhỏ hơn, âm thanh nghe rộn ràng, khoẻ vang. Là trụ cột của ban nhạc Tuồng, mở câu, chấm câu, thôi thúc xuất trận hay làm đối âm cho câu hát. Trống này cho người đánh nhiều âm khác nhau : Thùng = đánh giữa mặt trống; Tang = đánh rìa mặt trống; Rụp = đánh 2 dùi ở mặt trống; Tịch = 1 dùi chặn, 1 dùi đánh; Tòng = đánh nhóm dùi vào mặt trống; Các = đánh vào tang gỗ”.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”, cụ Nguyễn Du nói đúng lắm. Đố cãi.

Sở sĩ chiều nay, lan man về cái trống và tự hỏi: “Trống chầu hay trống chậu?” là do cơn cớ gì? Rằng thưa, sáng nay, ghé quan tạp chí KTNN ký nhận nhuận bút. Tòa soạn cũng là tư gia của ông chủ biên Hàn Tấn Quang. Tình cờ nhìn thấy vài cái chậu cổ, bằng đồng (hay thau?), lạ ở chỗ có khắc hoa văn, chi tiết tinh xảo. Chắc chắn không phải là hàng phục chế sau này. Nếu có làm cũng không thể thực hiện nổi các hoa văn lạ lùng ấy. Rõ ràng, là cái chậu.

“Đồn rằng cà cuống thơm cay/ Ăn cơm bát sứ, rửa tay chậu đồng”. Ngày xưa, phải nhà giàu mới có. Lại còn nghe câu: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”; “Nước đứng mà đựng chậu thau/ Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài”. Nước đứng là nước gì? Ông Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích: “Nước không chảy ra cũng không chảy vô. Đó là lúc thủy triều lên cao nhất”. Ai lại không nhớ câu đố: “Nước không chân sao kêu nước đứng?/ Con cá không trèo sao nói cá leo?/ Ghe không tay sao kêu ghe vạch?/ Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?”. Một cách chơi chữ từ sự đồng âm trong tiếng Việt. Lý thú lắm.

“Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài”, chẳng khác gì: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại/ Như bông hoa lài cắm bãi phân trâu”. Cái mâm đắc giá, đắc tiền mà dùng đựng rau/cỏ thài lài thì phí thật đấy chứ. Không rõ vì sao trong tâm thức người Việt lại xem thài lài chẳng ra cái quái gì? Do đâu? Hãy nhớ lại đi, có phải ông bà ta nói: “Thài lài mọc cạnh bờ sông/ Tuy rằng xanh tốt vẫn tông thài lài”, chẳng khác gì mắng: “Ối dào, thằng cha đó nứt đổ vách, vườn tược cò bay thẳng cánh, chó chạy con đuôi, biệt phủ hoành tráng nhưng dòng dõi, gốc gác dòng tộc nó vẫn là dân ngụ cư”. Còn có câu mệt thị nào nặng nề hơn?

Lại nữa, “Gái phải hơi trai như thài lài phải hơi cứt chó”. Nghe ra cũng chua chát rồi tủm tỉm cười cho sự so sánh đáo để, tinh nghịch của ông bà mình. Nó thì nói thế, cái loại thài lài ấy chớ nên chê bai, nó cũng có ích đấy: “Thài lai, rau rệu, nghé ngo/ Mẹ con nhà khó ăn no lại nằm”. Dù chẳng là gì nhưng có thể giúp người nghèo qua cơn đói ngặt, đói nghèo cũng đã là tốt.

Có một điều lạ khi tra từ điển do người miền Nam soạn lại không thấy ghi nhận “thài lài”, chỉ có “thài lai” tức đi dạng hai chân, coi bộ mệt nhọc đi không vững. Nhưng “thày lay” lại là chỉ kẻ hớt hẻo, xen vào chuyện người khác, dù chẳng liên can, dính dáng gì đến mình. Thành ngữ có câu: “Thày lay chày cấu cổ” cùng nghĩa với “Ách giữa đàng mang vào cổ”.

Hãy trở lại với cái chậu đi thôi. Lạc đề rối đấy. Xin vâng.

Ngày xưa có câu: “Cá chậu chim lồng”, hoặc cách ví von: “Như chim vào lồng, như cá căn câu” - nay bọn trẻ trâu lại đùa tếu táo, cà chớn cà cháo, nghe rồi cười: “Trai có bồ như hoa có chậu / Em nào thâm hậu, đập chậu cướp hoa”. Vậy hóa ra đàn ông đàn ang “có giá” thế ư? Chỉ là một cách tự “làm sang” đấy thôi. Sức mấy, đời nay, và dám quả quyết rằng cho đến muôn năm sau, ngàn đời sau, người phụ nữ vẫn là số 1, là trước nhất, là ngôi cao mà bọn đàn mày râu còn phải xách dép chạy theo dài dài. Còn phải năm canh khóc thầm, lả chả dòng lệ nếu chẳng may thất tình do “bồ đá/gài số de”. Còn phải thở ngắn than dài như chàng trai tội nghiệp trong ca dao hàng ngàn năm trước: “Ô hô, chậu ngã, cúc rã, sen tàn/ Tiếc công anh lận đận với nàng bấy lâu”.

Đọc/nghe xong thấy buồn cười à? Nào dám, bởi câu ca dao ấy đã nói hộ lòng mình đấy. Đúng chóc rồi còn gì?

Đang ngắm nghía vài cái chậu cổ tại tòa soạn KTNN, nghĩ ngợi lan man, bỗng nghe anh Hàn Tấn Quang bảo, đại khái, cái chậu ấy còn gọi là trống chậu, Q à”. Tưởng nghe nhầm, từ dấu “huyền” sang dấu “nặng”, anh vẫn quả quyết “trống chậu”. Cứ theo lập luận của anh, lúc xâm lược nước Nam ta một trong những chính sách cai trị tàn độc của bọn giặc phương Bắc vẫn là cấm dân Nam làm làm trống. Chúng thừa biết một khi tiếng trống đã nổi lên thì chính là lời hiệu triệu giục giã, thúc giục dân làng, làng xã phải có mặt ngay lập tức vì đại cuộc, không một ai dám chần chừ, trễ nãi. Để đối phó,qua mặt, ông cha ta đã làm chậu cũng bằng vật liệu sắt, đồng, thau… như làm trống để che mắt chúng. Khi cần, nếu cần chỉ cần úp chậu xuống thì nó đã trở thành mặt trống. Lời giải thích này với lập luận xác đáng nên ghi lại.

Trưa đứng bóng, trên đường tạt qua bệnh viện Gia Định thăm mẹ đang điều trị. Sực nhớ đến câu của người xưa: “Đồng quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư” (Cùng anh trò chuyện một đêm, hơn cả mười năm miệt mài đọc sách)..

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment