LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.6.2017


TN_CN_GN_Paulus_Cua

 

Ma nhập, Quỷ ám, Tử hình, Họa hồn, Hồn anh xác em - đây là nhan đề của 5 vở diễn tại hai sân khấu kịch TP.HCM, diễn ra trong tuần lễ đầu tháng 6.2017. Chưa hết, còn phải kể thêm Động phòng khác giới, Mẹ chồng rắc rối, Xóm nghèo bá đạo. Thoáng đọc qua. Đã thấy mệt. Quá mệt. Dù chưa biết rõ nội dung, nghệ sĩ diễn xuất ra sao. Mỗi một ngày phải đối diện với biết bao điều khiến mình phải nhọc lòng, hà cớ gì còn phải “thư giản” bằng không gian ma quỷ, những quan hệ rắc rối bá đạo? Chẳng dại.

Văn hóa nghệ thuật hiện tại nói chung, so với hiện thực của đời sống đã có một khoảng cách. Vậy thì, đâu là cuốn tiểu thuyết, thơ cần đọc/phải đọc, một vở diễn phải xem cho bằng được? Khó quá đi mất. Cuối cùng, y lại tìm về với những gì đã cũ, đã phủ lên đó một lớp bụi thời gian nhưng tin rằng vẫn còn hữu ích. Trước đây, muốn tìm một quyển sách cổ xưa, khó quá. Ít ra phải chầu chực từ trong thư viện, tủ sách tư nhân, nay đã khác. Đã có thể tìm thấy trên mạng internet, chỉ cần download về máy tính, in ra, đóng tập. Vậy là xong. Nhanh chóng. Chẳng lụy phiền ai.

Mấy hôm nay đọc quyển Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn in năm 1897 của Paulus Của Huỳnh Tịnh đốc phủ sứ. Quyển Đại Nam quấc âm tự vị, in năm 1895, ông lại ký Huình Tịnh Paulus Của, y xem như sách gối đầu giường trong những ngày tìm về tiếng Việt. Lời ăn tiếng nói mỗi thời mỗi khác, chẳng trách đã có nhiều thành ngữ, tục ngữ còn lưu hành nhưng mấy ai tỏ tường ý nghĩa của nó.

Chiều nay, một trận mưa rào. Mưa nặng hạt. Trời đất mát mẻ. Nằm dài trên ghế đọc lại quyển vừa download xem sao. Phải chịu rằng, ông đốc phủ sứ Huình Tịnh Paulus Của giải thích đâu ra đó. Nhờ đó, hiểu thêm một vài từ đã cũ, kể ra cũng là một cái khoái. Hãy bắt đầu từ vần A đến Z. Đọc và ghi chú bổ sung thêm cho vui cái sự đời.     

“Ăn quen nhịn không quen: Có một người đi phương xa cưới vợ bé, gởi thơ về cho vợ nhà mà chữa mình: Anh chẳng phải tham bù chẻ gắp, bởi ăn quen, nên nhịn không quen”. Thử hỏi, “tham bù chẻ gắp” là gì? “Nghĩa là tham cho nhiều”. Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ giải thích thành ngữ này ná ná như “Bắt cá hai tay”.

“Ăn thì hơn, hờn thì thiệt: Giận lẫy thì mất phần ăn”. Quảng Nam có câu: “Lẫy sẩy cùi”, cùi ở đây là cùi chõ (tay). Chẳng hạn, cô chị nói xong bèn chìa ra trêu, chọc tức, thách cô em gặm được cái cùi chõ ấy. “Ao vắn, giũ chẳng nên dài: Nghĩa là phải an một bề”. Nhớ câu “Liệu cơm gắp mắm”.

“Ba chớp ba sáng: Nghĩa là trông thấy không tỏ rõ”. Bây giờ thường nghe: “Ba chớp ba nháng”. “Ba dãy bảy ngang: Hàng hóa, đồ đạc bày ra liễn lúc”. Liễn” là nối hiệp/nối tiếp làm ra một dãy dài. “Ba vuông bảy tròn: Tiếng khen người đủ nét lịch sự, hay là tuyền vẹn không có tì tích”. “Bạo đầu thì dại, bạo dái thì khôn: Con người phải cho dè dặt, chớ khá nhẹ dạ, hốp tốp. Bạo đầu là táo bạo lúc ban đầu”. Nếu thế, “dái” ở đây có nghĩa là sau, sau chót. Nhớ câu: “To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn”, dái ở đây không thể hiểu như nghĩa trên.

Dái còn có nghĩa là sợ. “Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương: Có câu kết rằng: Đừng có oan ương cho người ta ghét”. “Đánh một gái, dái cả chợ: Xử tội một gái để mà răn đờn bà con gái khác. Tục đất nầy việc đi chợ mua ăn thì là việc đờn bà, nói cả chợ thì hiểu cả đờn bà con gái. Đời quan Tả quân, những tội lang vân ngoạt tình, thường cho voi giỡn tại chợ”. Tả quân là chỉ nhà chính trị, quân sự Lê Văn Duyệt thời nhà Nguyễn.

“Bè ai nấy chống: Nghĩa là ai có phận nấy, lại việc ai nấy làm. Trước một trăm năm, đất Đồng Nai còn hoang vu, có nhiều người kết bè trôi nổi dưới sông, chủ nào bè ấy bà con xúm xít ở theo nhau, có việc thì chèo chống với nhau; lại tiếng người ta chưởi mắng rằng: “cả bè bây”, thì là mắng cả bà con, cũng như tiếng mắng: “cả máng, cả sốc” vân vân”. Nhớ câu: “Thương người thương cả đường đi/ Ghét người ghét cả tông chi họ hàng”, thế thì “cả máng, cả sốc”, “cả bè bây” cùng nghĩa như mắng cả “tông chi họ hàng”.

“Bòn tro đãi trấu: Bòn tro mà kiếm những than, giăm nhỏ nhỏ lộn theo, đãi trấu mà kiếm hột gạo gãy hột lúa lửng còn sót. Làm ăn cần kiệm, bòn mót, chắt lót, thì nói thể ấy. Ở ngoài kia có một hai chỗ không củi, phải thổi bằng rơm cỏ cùng là rác to”. Nhớ câu: “Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện”.

"Cá khô có trứng: Ví dụ chuyện phi thường, người cùng túng mà còn gặp may". Nhớ câu: “Buồn ngủ gặp chiếu manh”. “Cà răng múc mắt: Nói về người mắc nợ cùng cố, tiền bạc đòi không trả, nhăn răng giơ mắt; có giận cho lắm, cũng chẳng có lẽ cà răng múc mắt mà trừ”. “Cạn nước tới cái: Tới việc sẽ hay, hay là tới đâu hay đó”. “Cao lễ dễ thưa: Có ý nói châm qui kẻ làm quan hay dụng tình, tư vị kẻ nhiều tiền, bẩm thưa việc chi cũng dễ”.

“Chẳng ưa nói thừa cho bỏ: Bỏ là bỏ ghét, thói đời có giận ghét ai thì hay nói thêm hoặc gia tiếng oán cho đã giận, đã ghét”. Nhớ câu: “Không ưa dưa có giòi”. “Chậu úp khôn soi: Nghĩa là sự kín nhiệm không lẽ hiểu thấu, giả sử có đều hiểu được thì còn có đều sót, cũng như mặt trời soi còn sót chỗ chậu úp”. Nhớ câu: “Thạch Sùng còn thiếu mẻ cá kho”.

“Chó thấy thóc: Chó thấy thóc ăn không đi, thì tuồng mặt lơ láo, hiểu nghĩa là anh em bạn hữu thấy nhau mà làm mặt vô tình”. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi/ Cái già lóc thóc nó thì theo sau: Cũng là câu hát, nghĩa là phải chơi cho kịp thì”. Vẫn thường nghe: “Cái già sồng sộc nó thì theo sau”. Từ “lóc thóc” rất miền Nam, trong Đại Nam quấc âm tự vị, ông Của giải thích: “Lúc thúc, lẫm đẫm chạy theo”. Từ xồng xộc/sồng sộc mạnh mẽ hơn nhiều vì hành động đó nhanh, mạnh, đột ngột xộc thẳng, lao tới, khó mà đỡ, mà né.

“Chuối đút miệng voi: Miệng voi lớn quá, trái chuối nhỏ quá, đút bao nhiêu ngốn hết bấy nhiêu, không hay vừa đủ. Người tham lam thái quá, cho ăn bao nhiêu cũng không vừa”. Nhớ câu: “Bọ chét nhét miệng hùm”. “Chuột bầy làm chẳng nên hang: Nghĩa là không có ai chủ chốt, cầm bầy, thì chẳng làm nên việc”.

“Cờ bạc sanh trộm cướp: Thua lắm phải làm quấy”. Nhớ câu: “Bần cùng sanh đạo tặc”. Câu trên hợp lý, thỏa đáng hơn, đâu phải ai bần cũng cũng làm quấy, trộm cướp. “Ăn tấm trả giặt: Tấm là gạo gãy nhỏ, giặt là gạo trộng nguyên hột, hễ ăn ít trả nhiều, như đánh cờ bạc…”. Nhớ đến câu: “Ăn khế trả vàng”.

Có khá nhiều câu nói về tệ cờ bạc, chẳng hạn, “Đạp gai lấy gai mà lể: Ấy là tiếng kẻ thua cờ bạc hay nói: hễ thua cờ bạc thì phải theo cờ bạc mà gỡ, cũng như nói độc khử độc, lại lâm lụy việc gì phải theo việc ấy mà gỡ”. “Ăn sẻ sẻ, đẻ ông voi: Ăn ít thua nhiều, chỉ về cờ bạc”. “Trâu đạp cũng chết, voi đạp cũng chết: Ấy là tiếng kẻ đánh cờ bạc hay nói liều rằng: thà thua lớn chẳng tha thua nhỏ”. “Rượu chẳng uống, uống thì say; bạc chẳng đánh, đánh thì thua: Rượu trà hay làm cho con người loạn tâm tánh, cờ bạc hay làm cho con người nát hại cửa nhà, ấy là tiếng khuyên người đời chớ lấy làm cuộc chơi”.

“Có cốt có vác: Nghĩa là đã ra tay thì phải làm luôn, không lẽ bán đồ nhi phế, có câu rằng: hễ làm ơn thì làm ơn cho trót, hễ gọt thì gọt cho trơn”. “Có tích dịch ra tuồng: Có sự cớ người ta mới nói, chẳng phải là thêu dệt”. Nhớ câu: “Có bột mới gột nên hồ”. "Cóc đi guốc: Cười đứa hèn, đèo bòng sự tử tế, có câu khác rằng: Khỉ đeo hoa cũng về một nghĩa”. "Coi mặt đặt tên: Nhắm xem cho biết sức người, đối với câu: Nhắm em xem chợ”. “Cơm cá giả mặt bụt: Đã buôi, làm cho qua tang lề”. “Con chờ cha: Con chửa hoang còn ở trong bụng mẹ, ai cưới mẹ nó thì là cho nó”. Nhớ câu: “Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn”.

“Của gối đầu bà già: Của để không chắc”. “Cứu một người dương gian, bằng một vàn âm ti: Cứu sống cấp hơn cứu chết; cứu người còn sống, ơn trọng hơn cứu người khuất mặt”. Nhớ câu: “Dù xây chín vạn phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho  một người”.

“Đá kêu rêu mọc: Hiểu nghĩa là chậm trễ, lâu lắc thái quá”. “Đái đầu ông Xá: Quen thói dễ ngươi. Tích nói ông Xá là một vì quan hiền lành, thường đi việc quan, qua lại dưới cội cây, có đứa thiểu niên trèo lên ngọn cây, mà đái xuống đầu ông ấy, ông ấy không nói gì; đứa thiểu niên đặng mợi cứ đái hoài, chẳng ngờ đụng nhằm ông quan khác dữ, liền bắt nó mà chém đi”. Quảng Nam có câu: “Láo quá trùm Cư”, “Lý sự quá Phan Khôi”… Suy ra, ông Xá là nhân vật có thật.

“Đặng buồng nầy khuây buồng nọ: Buồng là buồng cau, buồng chuối, có buồng bây giờ quên buồng ăn rồi, chỉ nghĩa là vong ân”. “Đặng cá quên nơm: Chỉ mầng con cá, không nhớ tới đồ dùng mà bắt cho đặng cá, nghĩa là phụ ơn”. “Đắt là quế, ế là củi: Cũng là một miếng vỏ cây mà nhiều người mua, nhiều người dùng thì gọi là quế, bằng không thì kêu là củi, nghĩa là ít khi trân trọng nhiều thì khinh bạc”. Nhớ câu: “Củi mục bà để gầm giường/ Ai mà đụng đến, trầm hương của bà”.

“Đũa bếp khuấy nồi bung: Nghĩa là lểnh lảng không thiếp, hiểu nghĩa là nhỏ lắm không xiết việc lớn lắm, cũng như sức một người chèo thuyền cả giữa vời”. “Đứt đi mà nối, sao cho bằng mối xưa: Có ý nói về sự vợ chồng chắp nối, không mấy thuở gặp được chỗ tử tế như xưa”. “Đứt gióng nên phải tạm choàng: Còn một vế khác là “Lỡ duyên nên phải tạm nàng có con”, câu trước là câu hứng, đều có nghĩa là tạm vậy”.

“Dân như gỗ tròn: Nghĩa là lăn khiến bề nào cũng đặng”. “Dụng lòng không ai đụng thịt: Tục đất nầy có kiếng thịt, thì trọng tại bộ lòng, thiếu một vật trong bộ lòng thì là thất lễ; lòng ấy thì là lòng kính vì, thảo lảo”. Kiếng câu này là trong nghĩa của từ “cúng kiếng”.

“Gà đẻ rồi gà tục tác: Hiểu nghĩa là mình làm rồi lại tri hô, có ý đổ cho người khác. Tánh con gà mỗi khi đẻ rồi liền kêu tục tác, làm như mét thót; mà hễ có kêu thì là có đẻ, lại có ý làm lơ lảng, kêu tục tác cũng như thục tác nghĩa là ai làm”. “Gánh bàn độc mướn: Nghĩa là không phải chuyện mình, mà mình xứng lấy”. Nhớ câu: “Ăn cơm nhà, vác ngà voi”.

“Gãy đòn gánh giữa đường: Nghĩa là vợ chồng chích mác trong lúc trung niên”. Nhớ câu: “Nửa đường đứt gánh”. “Già lăm già hỏng: Nghĩa là bụng mình chí lăm, hay là kể chắc lắm, thì chẳng mấy khi gặp, cho nên người ta hay nói: “Tình cờ mà gặp, chóc mòng mà không”, có ý nói về sự chồng vợ”. Già ở đây là nhiều, chẳng hạn: “Chuông già đồng điếu chuông kêu/ Anh già lời nói, em xiêu tấm lòng”.

Truyện Kiều có câu: “Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Già ở đây lại là lịch lãm, từng trải, “kinh nghiệm đầy mình”, chứ không phải “tay mơ”, không dễ xí gạt, qua mặt. Đọc câu: “Tình cờ mà gặp, chóc mòng mà không”, nhó đến câu thơ cổ: “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở/ Vô tình tiếp liễu, liễu xanh um”.

“Giận con rận đốt cái áo: Nghĩa là tức mình về việc nhỏ mọn mà hại đến việc cả thể”. Nhớ câu: “Giận cá chém thớt”. “Giấy trắng mực đen, làm quen thiên hạ: Có giấy mực làm chứng, đầu lạ cũng hóa quen; giấy mực có sức buộc, làm cho người ta tin nhau”. “Giếng đó ếch đó: Êch hay ở giếng, hễ có giếng thì có ếch; ấy là tang đâu tích đó, xét đặng tang trong nhà nào thì đề tội cho nhà ấy”.

Chà, chỉ mới ghi loáng thoáng đôi dòng đã sắp hết buổi chiều. Tạm dừng lại, dịp khác sẽ trở lại. Nếu viết thêm cũng đặng, nhưng muốn dừng vì từ đang quan tâm một thông tin thời sự đang diễn ra tại tỉnh nọ, cộng đồng mạng mới ra vế đối: “Kinh Bắc quan họ, cả họ làm quan”. Hai từ “họ” và “quan” đồng âm lại dị nghĩa. Hiểm hóc thật. Đối lại ra làm sao?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment