TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Trò chuyện cùng nhà thơ LÊ MINH QUỐC

Trò chuyện cùng nhà thơ LÊ MINH QUỐC

muc-tim

Tình yêu và thơ có gần gần như là anh em…
Ngày đầy nắng, ngày đầy thơ, ngày đầy tiếng cười…
Giọng Quảng đặc sệt, cái nháy mắt biết cười, bên cạnh những khuôn mặt tươi roi rói của Vòm Me Xanh, anh như trẻ hơn tuổi mình nhiều lắm…
Hãy cùng VMX xem lại cận cảnh những ô sắc màu giữa nhà thơ Lê Minh Quốc và các Me trong một buổi sáng đầu năm mới, bạn nhé!

* Ô hoa ngày tuổi

Anh bắt đầu làm thơ từ lúc nào và nguyên nhân nào dẫn anh đến với thơ? À, còn nữa… Me Kẹo đỏ mặt lúng túng. (Hi, hi, đúng là khó nói thiệt… - Me Hạc giải vây - Kẹo bảo không biết gọi nhà thơ Lê Minh Quốc bằng… chú hay bằng anh!)

- Phải gọi là anh chứ! Anh làm thơ rất sớm, hồi đó có lẽ do đọc rất nhiều sách nên máu thơ văn thấm vào người. Khi trở thành sinh viên, ở chung phòng với nhà thơ Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, bọn anh làm và chuyền thơ nhau đọc, nhận xét, góp ý, tạo không khí thi đua sáng tác. Có lẽ nhờ vậy mà các bài thơ ấy anh rất tâm đắc.

* Ô, nắng tinh khôi

Nếu anh có cảm xúc nhưng khi viết ra thì… chưa tới, anh sẽ viết lại hay để cảm xúc ấy bay đi? - Me Mùa ngồi bên thì thầm.

- Đừng sợ dở, cảm xúc đến lúc nào cứ viết lúc đó. Và mình hãy viết theo sở trường của mình, đến một lúc nào đó cảm xúc sẽ chín. Và hãy làm thơ vì thơ. Cũng như gặp và yêu vậy. Xao động, cứ xao động, rung rinh cứ rung rinh, nhưng bạn còn quá trẻ, yêu thì từ từ… sẽ chín.

Có nghĩa là hãy chờ thơ chín, hãy để tự nhiên chứ đừng… “chạy theo thơ”?

- Ô, một câu bắt bí hả? Thực ra, chạy theo thơ tức là chạy với chính mình. Đi tìm chính mình… chạy để vượt chính mình. Còn cái này nữa, chỉ bật mí với VMX thôi, thơ còn là tên một cô gái nữa đó.

Ôi! (Vòm thét lên khoái chí)

* Ô ngày tím

Em cũng thường đi đây đó lấy cảm hứng nhưng khi về viết thì cảm thấy mình chỉ mới miêu tả thôi. Làm sao để những cảnh đó “chín” thành thơ? - Me Tím giọng đầy tâm trạng.

- Làm thơ là đào cảm xúc của chính mình. Thơ cần sự quan sát, rung động. Đi thực tế va chạm, em sẽ có nhiều suy nghĩ, nhưng thực tế khách quan muốn vào thơ phải được lọc qua lăng kính cảm xúc, trái tim, qua suy nghĩ chiêm nghiệm. Thực tế khách quan đó sẽ sống lại qua sự sáng tạo.

Nhưng khi nào mới có ạ?

- Hãy để tự nó bung ra em ạ, khi đủ chất nó sẽ lên men, thành rượu.

* Ô tranh lập thể

Anh làm nhiều “nhà”, nhà báo, nhà thơ, nhà biên soạn… Vậy khi gặp một việc gì đó thì “nhà” nào trong anh mở cửa đầu tiên? (Me Gạo ngó sang Kẹo: “Trời, câu í tui sắp hỏi mà!)

- Mỗi “nhà” đều đứng ở một góc nhìn khác nhau. Tùy việc, hợp “nhà” nào thì “nhà” đó sẽ mở. Anh luôn gắng rèn luyện và hoàn thiện mình ở bất cứ “nhà” nào (cười!). Anh viết sách cũng chính là để học đấy thôi.

Trong các tập thơ của mình, anh thích tập nào nhất? - Me Sông im lặng suốt buổi, bây giờ mới hỏi.

 - Ở mỗi thời anh thích mỗi tập khác nhau. Hiện tại, anh thích tập “Tôi chạy theo thơ” vì tập này… mới nhất. Nó bày tỏ quan niệm của anh về nghề, về thơ. Anh đang đi tìm một cách nói mới cho thơ mình, hợp với thời đại hơn.

Theo anh, sáng tác thơ có cần công chúng không? - Me Tím hỏi với khí thế hừng hừng.

- Làm thơ là tìm ở mình, soi vào mình, nhưng thơ luôn cần công chúng thẩm nghiệm, cảm nhận. Nếu không được công chúng chia sẻ thì có gọi là thành công? Thơ cần sự chia sẻ.

Một ngày của anh như thế nào?

-Anh tạo cho mình một thói quen làm việc và tuân thủ nghiêm túc. Anh mê sách lắm, cái sướng nhất của anh là vào thư viện. Có lần, lúc mới là sinh viên năm nhất, nhờ mượn sách hoài quen mặt mà mấy chị thủ thư cho anh vào phòng sách chỉ dành riêng cho các anh chị sinh viên chuyên ngành, anh mê đọc đến nỗi bị nhốt… cho đến sáng hôm sau luôn.

Hẳn đêm ấy có nhiều thơ ra lò lắm anh nhỉ! Anh làm gì lúc đó? – Me Biếc, me Níu bật hỏi như phản xạ trong thí nghiệm của Pavlov.

- Kêu cửa, la oai oái vì tối thui hà. Thơ không ra lò được nhưng “sự kiện” đó đã trở thành một “huyền thoại” ở trường Tổng Hợp (nay là ĐH KHXH&NV) đấy.

Anh nghĩ gì về các bạn đang bắt đầu sáng tác?

- Bạn hãy tưởng tượng mỗi ngày bạn có 86.400 giây, nếu bạn không sử dụng, nó sẽ mất đi mà không thể nào lấy lại được. Hãy tận dụng thời gian, tích lũy, cố gắng và rèn luyện nếu bạn muốn làm được điều gì đó cho văn chương.

Cảm ơn anh về buổi sáng thú vị và bổ ích này.

Xuân Lê
ảnh: Tú Trinh
(nguồn: báo Mực Tím số Tân niên 5.2.2004)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com