TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Khi làm thơ là lúc tôi sống với một thế giới khác”

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Khi làm thơ là lúc tôi sống với một thế giới khác”

minh-thu

* Đọc thơ anh, nhất là tập Tôi vẽ mặt tôi và Hành trình của con kiến thấy nhiều dằn vặt, “sỉ vả” mình quá. Anh sống như thế nào mà ra “nông nỗi” này?

- Trong đời thường tôi là một công dân lương thiện và sống có trách nhiệm với nghề nghiệp đã chọn. Thậm chí trong công việc tôi lại quá nghiêm túc, trong nhiều năm liền tôi luôn đạt danh hiệu… Lao động tiên tiến. Khi làm thơ là lúc tôi sống với một thế giới khác. Thế giới của tâm linh. Một thế giới huyền hoặc. Trong thế giới này con người tôi thật nhiều dằn vặt, bất ổn, hoài nghi và luôn ngã quị dưới những ngọn roi tình ái. Lúc ấy, tâm trạng của tôi như thế nào thì tôi thể hiện như thế ấy trên từng dòng chữ, con chữ. Tôi không thích sự khoa trương, màu mè trên dòng cảm xúc. Dấu ấn của thời đại được phản ánh qua chính tâm trạng tôi, qua thơ của tôi. Mà không riêng gì tôi, các nhà thơ tài năng đều phải như thế. Nhà thơ? Không phải anh miêu tả sự việc mà chính là qua tâm hồn anh sự việc được miêu tả và tái hiện lại; thậm chí có thể đó là sự việc không có thật mà chỉ riêng anh cảm nhận được.

* Trong thơ thấy anh yêu rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu? “Chuyện tình ái” liệu có bị nhà thơ “làm quá” lên không?

- Đến lúc gần “ngũ thập tri thiên mệnh” thì cũng đừng nên giả vờ làm gì nữa. Tôi tự kiểm điểm thấy mình là người thành công trong tình yêu, nhưng lại là kẻ thất bại bi thảm trong hôn nhân. Thất bại ấy do chính tôi gây ra. Trong Hành trình của con kiến có đoạn:

năm ba mươi tuổi lần đầu tiên trong đời
đặt bút ký vào đơn ly dị
tôi đã bắn vào sọ tôi
bằng chữ ký

Những tưởng chỉ một lần, nhưng rồi nó lại lặp lại thêm một, hai lần nữa. Quá nhiều đối với một đời người. Yêu? Bao giờ tôi cũng yêu như chưa từng yêu. Với tôi lúc nào cũng là cuộc tình đầu tiên. Đã là đầu tiên thì làm gì có chuyện “rút kinh nghiệm”.

* Anh đã có nhiều tập thơ và bây giờ là một trường ca, Hành trình của con kiến. Khi nào thì người ta thấy cần phải viết một trường ca?

- Có nhà nghiên cứu văn học cho rằng, trường ca thường phải có tầm vóc của một “sử thi”, đủ khả năng khái quát một giai đoạn lịch sử và nó phải phản ánh được hiện thực của lịch sử, v.v… Vì thế trong đời sống công nghiệp, nhịp sống gấp gáp không đủ thời gian để viết dài nên nhà thơ nhường nhiệm vụ đó cho các nhà viết trường thiên tiểu thuyết (!). Nghe thật hài hước nhưng đó lại là một quan điểm có thật.

Tôi thì nghĩ đơn giản khi người ta muốn trình bày một vấn đề nào đó mà các thể loại thơ khác không thể dung nạp nổi trường ca sẽ ra đời. Và nó ra đời không phải để phản ánh hiện thực, chỉ có hiện thực được phản ánh qua lăng kính tâm hồn của nhà thơ mà thôi. Với “Hành trình của con kiến”, tôi muốn trình bày tâm trạng của một thi sĩ trong thời đại @ quá nhiều biến động này. Liệu chừng tâm hồn mỏng manh như lá cỏ, đa cảm như tơ trời có đủ sức tồn tại? Tôi đã đi từ cảm hứng của sự giằng xé đối nghịch của một công dân sống lương thiện, từng ngày chạy ráo riết theo thời gian và nhu cầu lắng lại của tâm hồn anh ta. Đôi lúc anh ta lại dằn vặt, tự vấn: Tại sao mình lại có mặt ở trần gian muôn màu này? Câu hỏi không dễ dàng trả lời.

* Hồi âm từ bạn đọc về tập thơ này?

- Không cần phải khiêm tốn giả vờ, Hành trình của con kiến là một tập thơ đã tạo được dư luận ầm ĩ nhất trong năm qua. Hầu hết báo chí từ Nam ra Bắc đều có bài viết đánh giá, ghi nhận về nó. Sưu tập lại chắc đến cả trăm trang in. Được như thế, thiết nghĩ còn do tôi biết cách PR chăng? Trước hết, tôi tổ chức ra mắt tập thơ tại quán cà phê Dòng thời gian (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Tự làm MC thuyết trình về thơ của mình. Lần đầu tiên một buổi ra mắt thơ đã làm… kẹt xe cả con đường Cao Thắng, khách yêu thơ đến quá đông, mấy trăm tập thơ bán hết vèo. Chừng đó đủ để tôi khẳng định: mọi người thích trường ca của tôi. Nó có cá tính và họ thấy được tâm trạng của chính mình trong đó.

* Thường thấy anh bình thơ trên kênh 9 của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, rồi chọn thơ cho báo này báo khác?...

- Người ta hay mời tôi hơn người khác? Đơn giản tôi là người có lý luận về thơ. Đủ sức thẩm định và bình luận về một bài thơ. Những công việc trên (do thời gian phát sóng, do báo lên khuôn) lại đòi hỏi phải đúng giờ, đúng hẹn mà tôi thì luôn đúng hẹn trong công việc. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Với tôi khi làm thơ là làm cho chính mình chứ nào ai bắt buộc đâu nên tôi tôn trọng sáng tác của mọi người. Tôi không bè phái, băng nhóm. Chọn của nhóm này, không chọn của băng kia…. Tôi rất ghét cái trò vô liêm sỉ này. Hễ thơ của ai mình thích, bạn đọc thích là tôi chọn. Tất nhiên sự lựa chọn này có chủ quan. Nhưng chắc chắn một điều là tôi không đố kỵ với bất cứ ai. Người ta để yên cho tôi làm, vì ít ra tôi cũng tập hợp được nhiều tác giả, nhiều khuynh hướng sáng tác thơ khác nhau.


* Công chúng của những buổi bình thơ đó và công chúng của riêng thơ anh họ thế nào nhỉ?

- Công chúng của Đài truyền hình là công chúng “nghe và nhìn”. Trong đó “nhìn” chiếm phần quan trọng hơn. Có người bảo, tôi bình thơ sao mà gương mặt nghiêm nghị quá. Nhưng tôi đâu phải là một MC mà cần hoạt bát, tươi vui? Tôi hấp dẫn khán giả theo dõi chương trình bởi những gì mình nói, không hùng biện, cũng chẳng lưu loát, nhưng không sai về lý luận, “thẩm” thơ được. Nhiều người vẫn thích nghe là vậy. Công chúng thơ của riêng tôi thì bảo… anh xuất hiện trên truyền hình trông đẹp trai ra phết (?). Lời khen này khiến tôi… mất ngủ nhiều đêm liền (!)

* Tới lượt mình anh là “công chúng” của những ai?

- Mỗi thời kỳ, tôi lại thích thơ của các tác giả khác nhau. Thời mới lớn, tôi mê thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Sa… lớn lên, thời sinh viên, tôi thích thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Bùi Giáng, Hữu Thỉnh… và rất mê Truyện Kiều. Bây giờ tôi thích đọc thơ của các bạn viết trẻ như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Khương Hà… Với các nhà thơ nước ngoài, thời sinh viên tôi rất mê tập “Lá cỏ” của thi sĩ Mỹ Oan Huytman, đến nay thì vẫn mê thơ Tagore. Do nền giáo dục của miền Nam nên đã từ lâu tôi cũng rất có cảm tình với các thơ Pháp như Apollinaire, Baudelaire, A. Rimbaud… Thật ra khó có thể kể hết những nhà thơ mà mình đã yêu thích, danh sách này dài lắm. Với tôi, thi sĩ là người có thật nhưng thơ của họ thì… không “thật” chút nào. Bởi lẽ, có lúc ta rất ghét và ngược lại. Bởi lẽ, lúc khổ đau, tuyệt vọng nhất thì bỗng đâu trong thâm tâm mình thơ của họ lại vọng lên như một lời an ủi, chia sẻ. Thú thật, thời trẻ khi đọc thơ của T.T.Kh mấy câu đại loại như:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng
Trời ơi người ấy có buồn không?

Tôi không thể nào cảm được, thậm chí còn cho là “sến”, nhưng đến tuổi này, trải qua quá nhiều thất vọng, mất mát trong tình ái khi đọc lại thì bỗng thấy trong lòng rưng rưng và cảm nhận được ma lực của bài thơ mà thời trẻ mình không kịp nhận ra.


* Ngày tháng ra các tập thơ cho thấy anh in thơ rất liên tục. Anh làm thơ có dễ không? Nếu phải “bình” thơ Lê Minh Quốc anh sẽ nói điều gì với công chúng yêu thơ?

- Tôi không thấy khó cũng chẳng thấy dễ. Đâu có ai bắt buộc mình phải làm thơ mà dễ với khó.

Còn phải “bình” thơ Lê Minh Quốc ư? Tôi sẽ nói với công chúng của nghệ thuật này là: Thơ anh ta có không ít bài hay. Không màu mè. Đầy cá tính. Nó hay bởi nó phản ánh được tâm trạng đầy giông bão, dằn vặt, hoài nghi của một cá thể sống trong thế kỷ này. Và quan trọng hơn cả việc bạn tin tôi, xin hãy tìm đọc thơ của anh ta. Cũng như thể để yêu Thu Bồn, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương… sau những gì người ta đã nói về họ thì tôi, cũng phải tìm đọc của họ rất nhiều và đọc kỹ.

Nhưng trong thời đại computer liệu có còn ai bình tâm để đọc kỹ từng dòng chữ, ngẫm nghĩ với từng con chữ mà một nhà thơ đã sử dụng?

* Anh có thể đọc một đoạn thơ Lê Minh Quốc mà giữa “đọc kỹ” và “không kỹ” sẽ cho những hiệu quả rất khác nhau?
- Bạn tôi, nhà thơ Đoàn Vị Thượng có câu nói đùa ngẫm ra chua chát: “Thơ tôi… biếu rất chạy”. Biếu chứ không phải là bán.

Những tập thơ các nhà thơ viết ra người ta có thời gian đọc thật kỹ không? Chẳng hạn với một bài thơ của tôi, nếu đọc thoáng qua thì người ta thấy gì?

sẽ có một ngày người đàn bà đến vỗ vai chàng và nói:
“ta cần ân ái với mi để sinh một đứa con”
lúc ấy chàng nhìn về phía hoàng hôn
mỉm cười với dòng sông
soi mặt vào bóng nước
tuổi mười bảy với đam mê chưa hề được biết trước
chàng rơi xuống vực sâu
những hẹn hò như lướt sóng ra khơi
giông bão dìm chàng xuống chín tầng địa ngục
đang hồn nhiên như thiên thần chàng hóa ra trần tục
giữa cõi người
kiêu hãnh thay một đóa hoa tươi
trên thân thể chàng người đàn bà đã hái
sẽ có một ngày ngồi nhớ tuổi mười bảy
chàng thấy mọi con đường bốc cháy
lúc hoàng hôn
“ta thèm ân ái với mi để sinh một đứa con”
chàng rùng mình đâm đầu vào canh bạc
là những suối sông mênh mông như sa mạc
dẫn chàng ra khơi
chàng lú lẫn tham dự một trò chơi
không bắt đầu và không kết thúc

11.V.1995

Là một thơ tình chăng? Không. Đó là một quan niệm về thơ. Khác với âm nhạc, có nhan sắc ca sĩ, có giai điệu trầm bổng du dương thì những điều người nhạc sĩ cần trình bày sẽ dễ dàng đến với người nghe. Không chỉ nghe một lần mà họ nghe nhiều lần và dần dần khám phá ra vẻ đẹp trong ca khúc ấy. Thơ thì không. Không có lợi thế ấy. Thơ chỉ có chữ. Chữ là linh hồn của bài thơ. Đọc thoáng qua, đọc một lần thì làm sao ta có thể cảm nhận hết được những con chữ đang cựa quậy trong thơ?

Chúng ta đã nói nhiều về thơ, thật ra điều tôi quan tâm nhất hiện nay không chỉ là thơ. Vâng, / nếu có một đứa con bằng xương thịt / của chính anh / cuộc đời anh sẽ khác / như người đi gieo hạt chờ đợi ngày mai gặt hái niềm vui / như người giong buồm ra khơi / sẽ đem về hạt muối / cuộc đời anh nhân đôi / đó là lần đầu tiên hái ngôi sao trên trời / đặt tên Sự Sống / những mệt mỏi chán chường hư vô trống rỗng / bây giờ xa lạ với chính anh / đó là lần đầu tiên chạm đến mùa xuân / đặt tên Nhân Loại / như người nông dân gắn bó với luống cày / được thu hoạch mùa vàng vĩ đại / anh biết từ nay anh tồn tại / vĩnh viễn giữa trần gian / giọt máu vẫn chảy / vẫn chảy / vẫn chảy / dẫu sau khi anh đã mất đi rồi / được nhân đôi cuộc đời / sợ quái gì cái chết / (Sợ quái gì).
*Anh nói rằng điều quan tâm nhất hiện không chỉ là thơ nhưng cái ham muốn rất “đời” này rốt lại vẫn cứ… “liên quan” đến thơ, được nói ra bằng thơ!

PHẠM THỊ MINH THƯ (thực hiện)
(nguồn: Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam số 34 (25.8.2007)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com