TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Cảm xúc của tôi với tình yêu bao giờ cũng vẹn nguyên”

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: “Cảm xúc của tôi với tình yêu bao giờ cũng vẹn nguyên”

cam-xuc-voi-tinh-yeu

 

Chúng tôi hẹn gặp anh trong một buổi chiều muộn giữa thành phố Sài Gòn đầy ồn ào náo nhiệt. Có lẽ sống ở một thành phố hối hả như thế này, một nhà thơ như anh cũng khó lòng mà “sống chậm” lại được.

Chúng tôi vừa bước lên bậc thang thứ nhất, ngẩng lên đã thấy anh ở bậc thứ mười, khi chúng tôi lên bậc thang thứ mười thì anh đã sang một tầng lầu khác. Con người anh là vậy, lúc nào cũng giàu nội lực để sống, để yêu, để thổi hồn mình vào thơ. Có lẽ vì thế mà anh đã trải lòng mình với chúng tôi: “Cảm xúc của tôi với tình yêu bao giờ cũng vẹn nguyên và tươi mát”.

Thơ và tình yêu

Anh đã ra mắt bạn đọc 10 tập thơ, trong đó tập thứ ba có tên Thơ tình Lê Minh Quốc và tập thơ mới nhất là Thơ tình của Quốc. Liệu có mối liên hệ nào giữa hai tập thơ này không?

- Tôi ra mắt tập Thơ tình Lê Minh Quốc vào năm 1995, tính đến nay cũng đã 15 năm rồi. Tất nhiên có sự khác nhau về độ trải nghiệm. Dẫu vậy, cả hai tập thơ đều có cái chung là đều viết về đề tài tình yêu, là cảm xúc của nhà thơ đối với những người phụ nữ mà mình đã gặp ở trong đời.

Quan niệm về tình yêu của nhà thơ Lê Minh Quốc hôm nay khác Lê Minh Quốc thuở thanh niên như thế nào?

- Có sự khác biệt chứ! Khi trẻ, mình nhìn tình yêu sao mà đẹp đẽ! Thơ ngày ấy có sự rụt rè bẽn lẽn… Còn bây giờ thì khác, có thể tình yêu chứa nhiều nỗi niềm cay đắng hơn.
Nhưng cũng có điểm chung là thời đó tôi  yêu thế nào thì bây giờ cũng yêu như vậy, dù đã trải nhiều thăng trầm trong cuộc sống nhưng tình yêu trong tôi lúc nào cũng nồng nàn và say đắm: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết / Sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?” (Vớt mây dưới nước).

Đọc thơ Lê Minh Quốc sẽ cảm nhận được sự say đắm, sôi nổi tràn trề cảm xúc. Phải chăng nguồn thơ anh dào dạt vì tình yêu của anh luôn dạt dào?

- Ai yêu thật lòng, yêu say đắm thì thơ cũng thật lòng, cũng đắm say như vậy! Nhưng sự khác biệt về thơ tình giữa nhà thơ này với nhà thơ khác là ở chỗ là người đó có nội lực để yêu hay không? Có người chỉ mới thất bại trong tình yêu một lần đã cảm thấy ngao ngán, muốn trốn tránh tình yêu. Đối với tôi, chuyện đó không hề xảy ra. Cảm xúc của tôi với tình yêu bao giờ cũng vẹn nguyên: “Yêu, dù gặp tình cờ cũng đắm say đầu mày cuối mắt / có thể ngất ngư đêm nay nhưng sáng mai quên hết / không kịp nhớ tuổi tên / đứa trẻ trong anh như cây cỏ cô đơn / chiêm ngưỡng mọi xuân hồng hay thu tím” (Đứa trẻ trong anh).

Thơ ca là địa hạt huyền bí của tâm hồn, mỗi nhà thơ có những kiến giải riêng về suối nguồn cảm xúc của thơ. Theo anh, thơ đến từ đâu?

-  Thơ đến từ chính tâm hồn của mình, và tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là khai thác tâm trạng của tôi đến tận cùng. Cho đến ngày nào mà tôi còn yêu, còn đắm đuối, còn cảm xúc với cuộc đời này thì ngày đó còn thơ. Mỗi nhà thơ tự đặt cho mình một sứ mệnh riêng. Có nhà thơ đặt cho mình sứ mệnh sẽ làm được điều gì đó cho cộng đồng, có nhà thơ thì phải tuyên truyền cái gì đó… Sứ mệnh của tôi đặt cho mình là khai thác tâm hồn chính mình trong từng phút, từng giây. Tôi cho rằng cái “biển quặng” đó không bao giờ vơi được. Tôi không hướng ngoại, không tìm cảm xúc ở ngoài mà tìm ở chính tâm hồn mình. Lúc thất tình thì viết kiểu thất tình, lúc vui viết kiểu vui, lúc chán đời mình viết kiểu chán đời…

Anh có quan tâm đến hình thức của thơ không?

- Làm thơ tôi chỉ quan tâm đến nội dung. Bây giờ người ta cho rằng thơ đổi mới, thơ hậu hiện đại thì hình thức phải thế này, thế khác. Nhưng tôi không quan tâm những thể nghiệm đó. Từ hàng ngàn năm nay, người ta đã thể nghiệm các hình thức đó cả rồi. Nếu thơ hay văn học nghệ thuật nói chung mà chỉ là hình thức thì nó không giải quyết được vấn đề nào cả. Thơ thì phải có nội dung tư tưởng của nó. Nhà thơ hơn nhau là ở chỗ chuyển tải được tư tưởng của thời đại mình đang sống.

Ví như cũng là thơ tình nhưng ở thế kỷ XX diễn đạt khác tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ bây giờ chứ. Thế kỷ trước, Nguyễn Bính đã diễn đạt tình yêu của đôi nam nữ: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau một dậu mồng tơi xanh rờn / Hai người sống giữa cô đơn / Hình như nàng có nỗi buồn như tôi”. Chỉ một dậu mồng tơi thôi nhưng ngăn cách hai người không thể đến với nhau được. Nhưng bây giờ mà đi viết như vậy người ta sẽ thấy rất… cải lương và buồn cười. Thậm chí bây giờ mới gặp nhau chưa kịp yêu nhau người ta đã trao thân cho nhau rồi. Hình thức thơ không nói gì cả mà nội dung phải nói điều đó.

Vậy theo anh, nội dung thơ của thế kỷ XXI phải chuyển tải điều gì?

- Nó phải chuyển tải được chính thời đại mình đang sống. Có thể là nhịp sống đang nhanh hơn, tốc độ công việc nhanh hơn, yêu nhau cũng nhanh hơn, do đó, nhịp điệu thơ cũng gấp gáp hơn lên, trúc trắc, vội vã hơn. Tùy theo cảm nhận của từng người nhưng chắc chắn thơ không thể lê thê như thế kỷ XX nữa.

Thơ và tuổi trẻ

Cây bút trẻ nào anh nhận thấy đáng chú ý trên văn đàn?

- Lớp trẻ ngày nay dường như không muốn ai nhận xét về họ cả. Mà trong quan niệm của tôi cũng không có nhà thơ già hay nhà thơ trẻ. Có người 50 tuổi nhưng làm thơ như một đứa trẻ, nhưng cũng có người chỉ mới 20 tuổi nhưng làm thơ như một ông lão 50 thì sao?

Nếu trẻ ở đây xét theo về tuổi nghề thì anh sẽ nói về ai?

- Tôi xem thơ là một cuộc chơi. Trẻ có kiểu “chơi” của trẻ, già có kiểu “chơi” của già. Tôi thích cách chơi của Phùng Quán, khi ông tự nhủ: “Lúc ngã lòng, tôi vịn câu thơ đứng dậy”… Nghe ứa nước mắt. Tùy quan niệm của mỗi người chơi sao cũng được. Miễn làm sao anh đừng dùng thơ để mưu lợi một điều gì ngoài thơ.

Có một thực tế rằng hiện nay ngày càng có ít nhà thơ trẻ định hình được phong cách, tạo cho mình một lớp độc giả riêng. Theo anh, lý do vì sao có hiện trạng này?

- Có thực trạng này do thứ nhất, bởi có những người làm thơ như một sự bắt chước. Ví như trên báo chí đang ca tụng một loại thơ nào đó và các “nhà thơ” tưởng rằng đó là một điểm đến của thi ca và lao vô như một sự bắt chước chứ không phải thật cái tâm mình muốn.

Thứ hai, bởi có những người đến với thơ như tìm đến một chiếc áo khoác thời trang, để được vinh danh. Nhà thơ kiểu ấy không sống thực với thơ, không bị những thôi thúc nội tâm khiến mình buộc lòng phải có thơ, nên không thể định hình phong cách được.

Trong tương lai gần, chúng ta nên mong đợi điều gì ở người làm thơ trẻ?

- Tôi mong họ luôn nói được những điều họ nghĩ. Tất nhiên là phải nói bằng thơ! Đừng nói bằng suy nghĩ của người khác, vay mượn suy nghĩ của người khác.

Hữu Công - Anh Tú (thực hiện)
(nguồn: Tạp chí Nghề báo số 93 tháng 7.2010)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com